Thứ Năm, 19 tháng 12, 2024

Đồng Bàu Bèo - Truyện ngắn của Lưu Thành Tựu

Đồng Bàu Bèo - Truyện ngắn
của Lưu Thành Tựu

Với dáng hình cong cong và đôi mắt lồi, tôi trở thành một vệt lấm lem giữa chốn thị thành, ngày ngày sấp ngửa mưu sinh, cá cược phận mình bằng ước mơ khát vọng. Nhưng trải qua biết bao thất bại, tôi bắt đầu nhận ra nụ cười nửa miệng, lời nói hoa mỹ trơn trợt ở người, nhận ra cái bắt tay ngấm ngầm hợp tác, hợp tác vụ lợi, hợp tác sòng phẳng mà đôi khi nghiệt ngã đau lòng. 
Quê tôi nghèo lắm, nên dáng quê cũng nghèo. Ngày tôi mười ba tuổi, với đôi mắt lồi ra vàng chét đã bắt đầu nhận thấy gương mặt của cha đau đáu xa xăm mà lúc nào cũng như uất nghẹn, tủi hổ vì nỗi khốn cùng, nhận ra dáng mẹ lầm lũi nơi đồng quê nắng cháy bươn bã với cái nghèo quanh năm cùng bầy con nheo nhóc. Giấc mơ thiếu thời là những bữa giỗ nhà bên, bữa cơm tang lễ hàng xóm, chực ăn đám đình đám miễu đầu làng, mà làng nghèo nên nhang khói cũng nghèo theo.
Nhà tôi ở Bàu Bèo, thuộc dạng gia đình đông con nhất nhì trong xóm. Cái chái sau nhà, nơi mẹ tôi đã từng ở cữ chín lần cũng là chín lần cha tôi cuốc đất chan chát nơi gốc đa hông nhà để chôn nhau chị em chúng tôi khi vừa sinh ra. Sau mỗi lần ở cữ, căn nhà nát rượi được bổ sung thêm một đôi mắt lồi và có màu vàng chét, để mẹ tôi lần nữa ốm hơn, để cha tôi già đi trong khắc khổ cơ hàn. Tôi sợ nghe tiếng lanh canh vét gạo mỗi chiều của chị Hai tôi, người đốt cháy giai đoạn phát triển thời con gái, từ tuổi thiếu niên chuyển sang góa bụa khi vội vã theo chồng, rồi sau đó anh chồng tham gia chiến trận bên K và mãi mãi không về. Chị lại quay về trong dáng vẻ liêu xiêu với gương mặt thẫn thờ u ám. Mẹ tôi ôm chị vào lòng trong ràn rụa nước mắt. Cha tôi nhìn chị như chết lặng người, choắt lại, để cố nén đi những tiếng thở dài. Bên cạnh cái nghèo còn có cái đau, nên tiếng lanh canh vét gạo mỗi chiều như càng xa xôi nhức nhối. Tôi từng nhận thấy nước mắt lăn dài trên gương mặt mẹ khi đi mua gạo, ngay lúc cân xong, lập tức mụ chủ hất quay trở vào khi mẹ tôi van nài thiếu chịu. Rồi tôi ngấm ngầm hận bà, ngay ngày hôm sau kiếm cớ đánh thằng con mụ đến trào máu mũi nên nó khóc la  loạn cả cánh đồng. Tối đó, thằng tôi bị đánh tơi bời theo nhịp roi vun vút của cha sau khi mụ chủ đến nhà lo ó. Tôi nằm chịu đựng đòn roi, ý thức hả hơi đẩy dồn lên mặt nên mặt tôi cứng đờ, đôi mắt lồi như càng lồi hơn, chực chờ nhảy phóc ra ngoài. Rồi tôi kể cha nghe câu chuyện hôm qua mẹ đi mua gạo bị mụ chủ không bán lại mắng mỏ xỏ xiên, nhưng không ngờ cha tôi đánh thêm bảo có nghèo có đói là cũng do mình, không nên đem lòng ghen ghét. Sau đó tôi được tha thứ khi phải hứa với cha từ bỏ điều này. Thỉnh thoảng tôi bị ăn đòn, cái roi chực chờ nằm trên chái bếp sẵn sàng rút ra khi chúng tôi cãi vã, sân si công việc gia đình. Mỗi lần như vậy, anh em bọn tôi nằm xếp cá mòi trên một tấm ván, cha hỏi tội từng đứa, đứa nào miệng mồm leo lẻo hoặc khóc la kể lể thì bị đánh nhiều hơn, riêng em gái tôi, hình như cha chỉ đưa tay đánh khẽ.
Rồi chúng tôi lớn lên trong nghèo khó, lấy câu hát ru hời của mẹ mà dệt nên những ước mơ xa, lấy trò đánh đáo, bắn bi làm dịu đi cơn đói cồn cào. Vào những đêm trăng sáng, khi chúng tôi quấn quít bên nhau trên chiếc đệm vuông sân trước nhà, cha lấy tay chỉ chỏ lên những vì sao, dạy chúng tôi phân biệt sao Vua, sao Hôm, sao Cày mà mỗi loại sao cha thường gắn vào một câu chuyện kể. Rồi cha kể chuyện Ngưu Lang bắt cầu Ô Thước, chuyện xưa tích cũ về cánh đồng này, chuyện ông nội khẩn hoang khai phá Bàu Bèo khi cọp beo hãy còn lảng vảng, chuyện ông Bời, ông Liễu ở miệt Tân Uyên, chuyện Bảy Viễn hùng cứ ra sao đến nỗi tôi nghe như đã thuộc làu mà mãi sau này người ta mới nhặt nhạnh viết sách. Mẹ tôi nói Bảy Viễn linh lắm, mỗi khi chúng tôi mắc cổ xương cá rô đồng mẹ lại vội vàng ra sân khấn vái. Vái ông Viễn sống khôn thác linh về đây vuốt cổ cho con chúng tôi, phù hộ độ trì cho con tai qua nạn khỏi… Mẹ quỳ lạy tứ phương, muối gạo quăng ra trắng trời cùng khói nhang bay lên bảng lảng. Có lần tôi lạc giữa rừng Ông Đông
khi theo cha vạt vỏ cây thừng đem về thắt võng, tôi lại vái ông Viễn chỉ đường dẫn lối cho gặp được cha. Không biết hiển linh thế nào mà cha con gặp lại ở phía bìa rừng trong hồn siêu phách lạc. Vào mùa nông nhàn, cha tôi vẫn thường quảy gánh vào rừng, mẹ tôi ở nhà thắt võng nên dáng người cong cong, những ngày hết gạo thì dáng cong này như càng cong hơn để sáng mai kịp đem ra chợ. Hôm nào hạnh phúc được đôi ba cái, tôi thấy mặt mẹ vui vui, mẹ quên đi cái đau nơi bắp chân rướm máu. Rồi cả nhà xúm xính, chị Hai nâng niu gắp từng nếp võng và ràng rịt cho cha. Chiếc xe lọc cọc lảo đảo vì bánh vỏ phập phù, dáng cha choắt lại, lầm lũi đi ra trong lờ mờ hơi sương. Nhưng những năm sau, võng mẹ ế ẳm, người ta ỏng eo so sánh võng bố võng dù nên cha ít vào rừng, nhưng lưng mẹ vẫn còn cong cong, bắp chân mẹ vẫn còn chai cứng.
Ngoài giờ đến trường, tôi có nhiệm vụ đi hốt phân đồng, em tôi còn nhỏ đã cắt cỏ chăn trâu, chị Hai miệt mài làm thuê trên đồng, miệt mài dầm mưa dãi nắng, bàn chân của chị luôn bị nức nẻ vì dẫm nát Bàu Bèo. Tôi thường sục sạo theo dấu trâu bò trên cánh đồng mênh mông bất tận, lưng tôi quằn theo quang gánh và có dáng hao hao giống mẹ, ngẫm lại người nghèo đều có dáng giống nhau, lầm lũi và cam chịu, mà dáng này quê tôi nhiều lắm. Phân bò hốt được tôi gom đầy đồng, mỗi tháng có người đến mua, mẹ tôi được dịp ra mụ chủ quán đong vài lít gạo mà không sợ mắng mỏ xỏ xiên, không sợ người ta hất quay trở vào. Thấy gia cảnh khó khăn, có người đề nghị với cha mẹ tôi cho tôi nghỉ học, ở đợ nhà người đến tháng lấy lương, may ra phụ giúp nuôi đàn em dại. Mẹ tôi không nói câu nào rồi quay đi, cha tôi cắn môi để không bật thành lời, tôi cảm thấy buồn buồn, không biết đau chỗ nào mà nước mắt rưng rưng.
Năm tháng cứ dần trôi, chúng tôi cũng dần vươn vai lớn lên trong nghèo khó, dù phổng phao, nhưng mắt tôi vẫn lồi và có màu vàng chét. Không biết số phận dung dũi hay do tôi chăm chỉ học hành mà đời vô tình xô đẩy tôi đi, trôi từ làng quê trôi ra thị xã, trôi từ thị xã xuống tận Sài Gòn, hiển nhiên tạm biệt Bàu Bèo để đi về hướng khác, hướng gia phả của mình chưa ai từng đi, để không lặp lại hình ảnh của cha, không cong lưng giống mẹ và không phải nghe những tiếng lanh canh vét gạo mỗi chiều. Giấu đi mặc cảm ruộng đồng, tôi lao vào đời như mũi tên bay.
Ngày tạm biệt Bàu Bèo đã trở nên xa ngái. Thỉnh thoảng tôi lại về quê dẫy mộ ông bà vào những ngày cuối năm, đến đình đến miếu khấn vài nén nhang mới hay quê mình cũng đã nhiều nhang khói. Có lần cha tôi gọi về, về đi, về nơi này mà sống với cha. Nhưng tôi là kẻ háo thắng, thích phiêu lưu để khẳng định mình, chấp nhận trả giá cho cuộc mưu sinh đầy nghiệt ngã để vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nhưng cho dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng phải như cha, sống đúng và sống thẳng. Vậy mà cuộc đời cứ như cười cợt, chúng đong đưa ngả ngớn khiến thằng tôi mệt mỏi vô cùng, đôi khi hụt hẫng muốn quay trở về nơi chốn bình yên, nơi cánh đồng Bàu Bèo sẵn sàng tha thứ, dang rộng vòng tay đón nhận tôi về dù trong thất bại, trong khó khăn hay những khi chai sạn tâm hồn. Với dáng hình cong cong và đôi mắt lồi, tôi trở thành một vệt lấm lem giữa chốn thị thành, ngày ngày sấp ngửa mưu sinh, cá cược phận mình bằng ước mơ khát vọng. Nhưng trải qua biết bao thất bại, tôi bắt đầu nhận ra nụ cười nửa miệng, lời nói hoa mỹ trơn trợt ở người, nhận ra cái bắt tay ngấm ngầm hợp tác, hợp tác vụ lợi, hợp tác sòng phẳng mà đôi khi nghiệt ngã đau lòng. Ngay lúc đó, tôi thèm được ai đó cầm tay, mà không, chỉ cái nhìn ấm áp cho nhau đã đủ.
Bàu Bèo bây giờ đã khác, những dáng người cong cong cũng trở nên già cỗi, tóc tai bạc trắng trời chiều. Ba tôi bây giờ thu rúc, choắt lại khô cằn cùng với tháng năm. Mẹ tôi về cõi vĩnh hằng, di ảnh đặt trên bàn thờ đã chuyển màu cỏ úa. Nhìn mẹ, tôi đau đáu ân hận, luôn ám ảnh cái ngày mẹ mất tôi lo bôn ba nơi xứ lạ quê người, để khi quay về, chỉ kịp ra đồng ôm mảnh đất con con trong chiều mưa tầm tã. Mộ mẹ nằm cạnh ông bà, lúc nào cũng tươi hồng trong sắc màu vạn thọ. Những đêm xa xứ, nơi phố thị ồn ào tôi nghe cồn cào nỗi nhớ quê hương, nhớ dáng mẹ cong cong, nhớ những đêm quấn quít vuông sân trước nhà để được nghe cha tôi kể chuyện, chuyện Ngưu Lang Chức Nữ, chuyện tổ tiên khai phá Bàu Bèo, chuyện Bảy Viễn hùng cứ một vùng, chuyện các vì sao xa xăm vận vào kiếp người, đến khi sao tắt là kiếp người mất đi, khi đó nhìn lên bầu trời tưởng tượng sao mẹ sao cha rồi ước muốn bình yên nơi trời cao vời vợi.
Làng tôi bây giờ đã vào chung cư, chái bếp bên nhà không còn dấu vết, cây đa vô tình hất tung kỷ niệm rốn nhau, trở thành cây kiểng trong vườn nơi xa xứ. Bàu Bèo thành khu liên hợp, dự án lớn nhất đặt tại quê tôi, bổ ra nhà xưởng mọc lên ngút ngàn. Dân làng bây giờ vào xưởng, thoát khỏi những ngày nắng mưa sấp ngửa sớm chiều, cất đi nón lá, thay bộ đồng phục, gói vào kỷ niệm chiếc áo bà ba. Chỉ tội cho cha, ông luôn sống trong hoài niệm, cứ chiều chiều ông ra đầu ngõ, cuốc vài cọng cỏ lạc loài rồi lại quay vô. Thương ngôi mộ mẹ không còn chỗ cũ cho cha được trồng bông thọ bông trang, tỏa hương ngan ngát cánh đồng. Ngày giải toả đền bù, người ta bốc mộ, tôi thấy cha buồn man mác xa xăm. Hương hồn của mẹ được đem vào chùa, tôi không dẫy mộ trong ngày cuối năm, không còn lang thang cắm nhang gia phả. Suốt ngày trong nhà, cha tôi nao lòng không thấy trâu bò, không thấy mùa lúa đổ đồng vàng ươm, thấy hình nhân rơm rạ sừng sững trong đám hoa cà, bất chợt khóe mắt cay cay dù không khói đốt đồng bay lên bảng lảng. Cha thèm nghe tiếng tắc kè tặt lưỡi bờ tre, tiếng côn trùng nỉ non
trong đêm mưa rả rít, tiếng gà gáy canh ba, tiếng lục đục ra đồng gọi nhau í ới khi mặt trời còn chìm trong đêm, chưa nhìn thấy mặt, đã kịp nhận ra bởi những tiếng cười.
Chị Hai bây giờ đã già, dáng người cong cong giống mẹ, lầm lũi đi qua hơn nửa cuộc đời. Khi được đền bù, cha tôi có phần cho chị, nhưng chị cần kiệm không dám ăn ngon, không dám mua sắm tiện nghi trong nhà, chỉ thích mua vàng đeo lên lủng lẳng như bù đắp quãng đời khó khăn, chưa chạm đến nó bao giờ, duy chỉ đôi bông mù u có được ngay ngày theo chồng cũng đành bán đi khi tôi vào đại học. Nhìn chị chưng diện, tôi thấy lòng xốn xang, thương chị đâm ra kệch cỡm quê mùa. Từ khi có tiền đền bù, quê nghèo bắt đầu lột xác, dáng quê bây giờ thay đổi khác xưa, ấm no và sung túc. Nhưng thỉnh thoảng vẫn phải chạnh lòng khi có người lột sạch chất quê, học cách đua đòi của người thành thị. Cu Li đổi xe xoành xoạch, suốt ngày báng bổ trên đường hướng về những quán bia ôm, ông Tư nhà bên già khọm, sui gia tứ bề mà có vợ hai, bõ bèn đám con ngại ngùng xấu hổ. Đám trẻ giờ đây tỏ ra sành điệu, tóc tai hai màu xanh đỏ, tay cầm điện thoại đủng đỉnh mà chẳng biết nói gì,không lẽ bây giờ hỏi ăn cơm chưa, khi nào gặp nhau ở xưởng. Tôi không trách họ, thương họ quê mùa không nghĩ xa hơn, ngay cả chưa quen với sự đổi đời.
Dù thương lắm quê nhà, tôi vẫn phải dấn thân, vẫn phải lăn xả vào đời nơi xứ khác. Thế hệ chúng tôi ồn ã đi qua tuổi trẻ của mình với năng nổ khát khao cùng nhiều cơ hội, hối hả lắm và cũng va vấp lắm, thậm chí không biết nơi đâu là bến đỗ sau cùng, nhưng chúng tôi vẫn luôn sống đúng và sống thẳng dù phải trả giá nghiệt ngã cho sự chọn lựa. Có lẽ tôi đã sai lầm nên một thời loay hoay giữa ước mơ và hiện thực, để rồi nhận ra không nơi nào bằng chính quê hương. Bàu Bèo đã cưu mang tôi, nuôi tôi lớn khôn để bay đi xứ khác, trong khi mọi người đổ dồn về đây tìm cuộc sống yên bình. Những đêm trằn trọc, tôi luôn ám ảnh lời nói của cha, về đi, về nơi này mà sống, bây giờ quê mình thay đổi khác xưa. Tự nhiên tôi thấy khóe mắt cay cay, cảm giác về một ngôi sao sắp tắt. Mặc cảm đói nghèo trong tôi đã trở nên tội lỗi, tôi hãnh diện dáng mẹ cong cong, dáng cha choắt lại cùng tiếng lanh canh vét gạo mỗi chiều.
Mười mấy năm xa xứ, tôi mãi mãi là vệt lem luốt giữa chốn thị thành. Dù thất bại, tôi cũng đôi lần mon men đến đỉnh thành công nên nụ cười sóng đôi nước mắt. Tôi đã học trường đời rất nhiều, nhưng không học được những lời trơn tru, lời đầu môi chót lưỡi ở người, bao năm sống trong thành thị, giật mình nhận ra mình vẫn quê mùa. Cho đến lúc này, khi mỏi gối chùn chân, tôi vẫn tự tin lao vào cuộc sống và làm lại từ đầu. Qua bao ngày chuẩn bị, tôi quyết định quay về xin việc ở quê, trong khu liên hợp ngay cạnh nhà mình. Ở đó ngày xưa có dáng mẹ tôi, dáng cha, dáng chị, dáng các em tôi lầm lũi mưu sinh trong những năm đói nghèo. Bây giờ Bàu Bèo không còn vết tích, tiếng nỉ non của loài côn trùng cất lên ai oán được thay bằng những tiếng vào ca, tiếng máy nổ, tiếng xe ra vào công ty tấp nập cho những chuyến xuất hàng.
Tôi lên xe đi về hướng đó, hướng Bàu Bèo quê mình, đến cầu Bình Triệu, tôi ngoái nhìn Sài Gòn và làm cái vẫy tay.
27/3/2022
Lưu Thành Tựu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  "Huynh và đệ", ngày ấy và bây giờ... Sống thời gươm bén cầm tay. Chết thời một sợi lông mày cũng buông. I. Ngày trước: A...