Thứ Năm, 19 tháng 12, 2024

Tình vợ chồng - Truyện ngắn của Lê Đức Quang

Tình vợ chồng - Truyện ngắn
của Lê Đức Quang

Ông đã trên tám mươi tuổi rồi, nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, sức khỏe rất tốt, nhìn bề ngoài người ta cứ ngỡ hơn sáu mươi.
Lạ thật ngày xưa, cuộc sống khó khăn, làm việc nặng nhọc, ăn uống mắm muối kham khổ, song không hiểu sao có nhiều người sức khỏe rất tốt. Hằng ngày, tầm 4 giờ sáng, ông đã dậy sớm thay nước thắp nhang cho bà, rồi tụng kinh, tập thể dục, ăn sáng, chăm mấy con chim bồ câu, cây cảnh, đọc sách báo, xem tivi. Cuộc sống của ông thầm lặng, đều đặn như thế, gần như tách biệt với thế giới hối hả bên ngoài.
Từ ngày bà mất đến nay gần ba mươi năm, ông sống thơ thẩn, một mình cô đơn trong nhà. Những năm đầu vắng bà, ông còn trẻ, xóm làng bạn bè nhiều người mai mối nhã ý khuyên: “Sau này, con chăm cha không bằng bà chăm ông…”. Song ông bảo: “Tình cảm của tôi còn nặng với vợ nhiều, sợ người sau không chấp nhận”. Rồi mấy con của ông thuộc diện có học, có tư duy mới cũng nhiều lần khuyên: “Nếu ba muốn ai bầu bạn tuổi già, tụi con luôn ủng hộ…”. Ông lớn giọng: “Tụi bay có ăn có học, có nhà có cửa như ngày hôm nay, tất cả là nhờ công lao mẹ tụi bay nhịn ăn, nhịn mặc mà có đó. Tụi bay không sợ mẹ buồn à!…”. Mấy con tính giải thích rằng, mẹ đã đi đến thế giới khác rồi, ba đừng vương vấn, đừng buồn nữa. Nếu ba sống vui vẻ hạnh phúc, mẹ sẽ yên tâm hơn. Song, biết ba còn nặng tình với mẹ, mấy con đành biết im lặng, thở dài.
Mấy con lâu nay đã trưởng thành, có vợ có chồng, ra riêng, cũng ở những khu phố lân cận, cuộc sống đủ đầy. Hằng ngày, mấy con thay phiên nhau đến nhà chăm ba. Lúc trước, bạn bè của ông còn nhiều, thỉnh thoảng hay nhờ con cháu chở đến nhà thăm nhau. Dần dần, thế hệ của ông đã rời bỏ thế gian đi hết, chỉ còn một hai người nhưng đầu óc đã nghễnh ngãng. Ông càng cô đơn, buồn hơn. Mỗi lần con cái đến nhà ăn cơm, ông vui lắm, thôi thì được dịp nói chuyện về quá khứ. Mà người già cũng lạ, những chuyện vừa xảy ra lại hay quên trước quên sau, nhưng chuyện xa xưa thì nhớ vanh vách. Ông cứ nhớ mãi về thời chiến tranh, thời đói khổ, kể thường xuyên nhất là về mẹ của các con mình. Ông bảo rằng: “Số phận mẹ tụi bay thật khổ! Cả đời bà vì chồng vì con, chắt chiu, chỉ biết làm lụng vun vén cho gia đình, không dám ăn miếng thịt ngon, không biết se sua chơi bời là gì. Nghĩ lại mà thương!…”.
Rồi ông trầm ngâm chốc lát, lại nói: “Tao còn nợ bà sợi dây chuyền vàng đến giờ vẫn chưa trả. Hồi ấy, ngày cưới, tao mượn dòng họ sợi dây chuyền vàng làm sính lễ, đến khi cưới xong thì tao lấy lại mang đi trả cho người ta. Mấy năm sau, làm có tiền, tao tính sắm cho bà thì con cái nheo nhóc, lại lo mua đất cất nhà, bà không cho mua. Nhiều năm sau nữa, làm ăn khá hơn tao tính sắm cho bà, lại cản trở bảo để dành tiền cho con ăn học. Đến khi con cái học xong, ra trường đi làm, có vợ có chồng, ra riêng, thì bà lại bảo để dành cho con cái khi cần. Tội nghiệp, cuộc đời bà đến lúc mất, có dám mua sắm gì riêng cho mình đâu!… ”. Mấy đứa con bảo: “Dạ, con biết rồi. Chuyện này ba kể cả trăm lần rồi!…”. Ông kể đủ chuyện, song thật trớ trêu con cháu chỉ thích nghe chuyện hiện tại hoặc hướng tới tương lai, còn người già thì hồi niệm kể chuyện về quá khứ, ngồi nói chuyện nhưng chẳng ăn nhập với nhau.
Ngôi nhà của ông có mảnh đất rộng nằm ở ngay trung tâm, khu phát triển kinh doanh sầm uất nhất thành phố. Chung quanh toàn những khách sạn cao tầng, lọt thỏm căn nhà cũ kỹ bao nhiêu năm qua vẫn thế: Vẫn cây vú sữa già cỗi, vẫn ô cửa mầu xanh nước biển, vẫn tường vôi loang lổ, rêu xanh. Đã vậy, buổi chiều tối hoặc sáng sớm, còn nghe tiếng ông tụng kinh, phiền não. Ở tại khu phố này, có lẽ ngôi nhà của ông thuộc diện lạ nhất. Mà khổ, cái gì lạ thường làm cho người ta chú ý, dòm ngó. Có người bảo, chẳng biết chính quyền thành phố quy hoạch thế nào, để lại ngôi nhà xấu xí như thế này làm mất đi cảnh quan khu phố. Cũng có người bảo, nhà cổ từ những thập niên trước, nhìn thấy hay hay.
Giới kinh doanh, nhiều người thấy miếng đất của ông họ khát khao. Họ hỏi thuê với giá cao để mở nhà hàng, khách sạn nhưng ông không chịu. Ban đầu, họ đến nhà nhỏ to: “Bác cho thuê dài hạn rồi thuê lại chỗ khác sang trọng mà ở, dư tiền thuê người cơm nước, còn có tiền thong thả tiêu xài và để dành. Chứ ở chỗ này, không làm ăn gì, hơi phí…”. Ông bảo: “Cho thuê rồi mấy người phá chuồng cu, chặt cây vú sữa, đập nhà của tôi thì làm sao?”. Người ta: “Cái nhà này đã quá cũ, mấy thứ linh tinh kia không bằng một tháng cho thuê, bác tiếc chi? Hay là bác thuê chỗ nào, chúng tôi sẽ bứng gốc vú sữa, mang cái chuồng cu, cây cảnh đem đến nơi đó cho bác? Còn không nữa, sau mấy năm thuê xong, khi trả chúng tôi sẽ xây sửa theo nguyên vẹn như bây giờ cho bác?…”. Ông lắc đầu, cương quyết: “Không”. Sau nhiều người đến hỏi nữa, nhưng ông vẫn một mực không chịu.
Mấy năm gần đây, cuộc sống phát triển, nhiều người dân giàu lên. Đặc biệt là cơn sốt đất, ở thành thị cũng như ở quê, đâu đâu cũng nói chuyện quy hoạch, buôn bán đất, bán nhà. Giá đất cứ tăng lên vùn vụt. Có thể đất nước ngày càng  phát triển, nhiều nhà doanh nghiệp, đầu tư trong và ngoài nước đến làm ăn lập dự án nhà máy, khu công nghiệp. Cũng có thể một phần do nhà đầu cơ, họ mở ra những khóa giảng dạy về cách làm giàu từ bất động sản. Từ những học viên, họ tạo thành đội ngũ cộng tác viên, còn gọi nôm na là “cò đất”,  rải rác khắp nơi, từ thành thị đến ngõ ngách thôn quê. Họ mua mảnh vườn lớn ở nông thôn, rồi làm đường, phân lô, bán mét nền. Họ săn lùng mua đất, rồi cắm cọc, tung tin giả quy hoạch. Kẻ mua qua, người bán lại, giá đất cứ thế mà tăng lên. Đó là những miếng đất thôn quê, không có giá trị kinh tế cao ngoài việc phân lô bán nền, còn những miếng đất thành phố có giá trị buôn bán thôi thì giá cao ngất ngưỡng.
Ngôi nhà của ông trở thành điểm nóng, ngày nào cũng có vài ba người đến hỏi mua. Do không đề chữ bán đất nhà, người ta đến mua đất mà giống như đi thăm bệnh, mang theo cả trà sữa, trước là hỏi thăm sức khỏe của ông giống như bà con quen biết đã lâu, trò chuyện tình nghĩa đông tây, sau cùng là vòng vo ngụ ý mua đất. Hết người này đến, ra về, chốc chốc người khác lại đến. Người nào cũng mang quà cả. Ông ái ngại không nhận, họ quyết để lại món quà và số điện thoại, bảo: “Đây là quà cháu kính biếu bác. Còn việc đất cát, khi nào bác có ý định bán hoặc cho thuê thì gọi cho cháu, không sao cả. Miễn là bác nhớ cháu là được!…”. Họ nói vậy, chứ như không nhận quà người ta, ông ngại vô cùng.
Chính vì vậy, ông sợ nợ ơn nghĩa, không dám tiếp người lạ. Giới kinh doanh, họ không dùng cách này mua được thì dùng kế khác. Họ nhờ mấy người thợ hớt tóc, thợ sửa xe thân quen ở xóm đến nhà tiếp cận ông, rồi cho tiền phần trăm, nếu thuyết phục được ông bán đất. Chẳng những bà con lối xóm, họ còn nhờ luôn cả thợ điện, thợ nước, miễn ai là người tiếp cận và nhỏ to thuyết phục được ông. Mọi thứ đều không xong, họ hỏi thăm, tìm đến nhà các con của ông bàn chuyện thiệt, hơn. Các con của ông cũng nhiều lần khuyên ba bán đi, nhưng ông vẫn không chịu, một mực không là không.
Mới rồi, cậu út làm ăn thua lỗ vỡ nợ, anh chị tìm cách giúp em. Trước là nhiệt tình giúp đỡ em, sau anh chị cũng mong ba bán nhà cho tiền để làm ăn. Một buổi tối, mấy con rủ nhau đến thăm ba và bàn: “Tụi con nghĩ ba nên bán căn nhà này, mua lại căn nhà lân cận trong thành phố mà ở. Còn tiền dư để trong ngân hàng lấy lãi dưỡng già, cho tụi con chút ít. Hơn nữa, cậu út nay đang thiếu nợ”. Đứa khác: “Như thế cuộc sống ba sướng hơn, tụi con cũng đỡ vất vả”. Thấy ông im lặng, đứa khác bồi thêm: “Bây giờ giá đất đang sốt, giá cao, chứ sau này biết giá có còn như thế nữa không. Cậu út nợ nần, tụi con thấy xót dạ quá…”. Ông chậm rãi, bảo: “Ba già rồi, ăn uống không bao nhiêu, chết có mang nhà, mang đất đi theo được đâu. Ngôi nhà này cũng để lại cho các con thôi. Mấy con nói thế cũng phải, nhưng có điều!”.
Nói xong, ông dừng lại nghĩ ngợi chốc lát, đưa mắt nhìn xa xăm, buồn bã:
– Bây giờ phát triển nhiều nhà cao tầng, đường sá lộn xộn quá. Nếu bán nhà đi nơi khác, hằng năm đám giỗ ông bà, mẹ tụi bây đêm tối nhớ muốn về thăm tao, mất nhà, lạc lối biết đường đâu mà tìm về!…
Bỗng dưng, không khí gia đình chùng xuống, những kỷ niệm cũ với mẹ ùa về, mấy con thương tình cảm của ba với mẹ, cổ nghẹn lại, không nói thêm được lời nào!.
29/3/2022
Lê Đức Quang
Nguồn: Báo Thời Nay 11.3.2022
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đường vào thơ... Tôi vốn là một kẻ quê mùa, áo nâu chân đất đầu trần, được sinh ra ở một làng quê bé nhỏ hiền hoà cuả một tỉnh khiêm như...