Thứ Năm, 19 tháng 12, 2024

Tể tướng Hồ Sĩ Dương - Cuốn tiểu thuyết lịch sử có giá trị về một danh nhân nổi tiếng xứ Nghệ

Tể tướng Hồ Sĩ Dương - Cuốn tiểu thuyết lịch sử
có giá trị về một danh nhân nổi tiếng xứ Nghệ

Tâm thế nhìn lại lịch sử một cách tỉnh táo, chiêm nghiệm quá khứ để rút ra những bài học cần thiết cho cuộc sống hiện tại đã làm cho tiểu thuyết lịch sử ngày càng chiếm được cảm tình sâu sắc của bạn đọc. Phần lớn tiểu thuyết lịch sử thể hiện sâu đậm lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí quật cường, tấm lòng nhân ái, bao dung của con người Việt Nam, đề cao các anh hùng dân tộc, các vĩ nhân có công lao trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Đó cũng là những giá trị vững bền có tính truyền thống của văn chương dân tộc.
Trong sự vận động của văn xuôi Việt Nam sau 1986, bộ phận tiểu thuyết lịch sử đã có nhiều thành tựu, nhiều sáng tạo, cách tân mới mẻ. Nhiều tiểu thuyết lịch sử đặc sắc được dư luận đánh giá cao như Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Du, Thông reo ngàn Hống của Nguyễn Thế Quang…Tâm thế nhìn lại lịch sử một cách tỉnh táo, chiêm nghiệm quá khứ để rút ra những bài học cần thiết cho cuộc sống hiện tại đã làm cho tiểu thuyết lịch sử ngày càng chiếm được cảm tình sâu sắc của bạn đọc. Phần lớn tiểu thuyết lịch sử thể hiện sâu đậm lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí quật cường, tấm lòng nhân ái, bao dung của con người Việt Nam, đề cao các anh hùng dân tộc, các vĩ nhân có công lao trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Đó cũng là những giá trị vững bền có tính truyền thống của văn chương dân tộc.
Tể tướng Hồ Sĩ Dương của Hồ Ngọc Quang (tiểu thuyết lịch sử dày hơn 700 trang, khổ 15×22 cm, NXB Hội Nhà văn, 2021) cũng có phần gặp gỡ với cách nhìn chung của các cây bút tiểu thuyết lịch sử, nhưng đồng thời cũng có nét riêng trong cách khai thác tư liệu, thể hiện hình tượng con người và cuộc sống. Nếu như các tiểu thuyết lịch sử thời gian gần đây thường chọn những nhân vật anh hùng, vĩ nhân nổi tiếng, đã được chính sử ghi chép lại, được tâm thức cộng đồng trân trọng, đề cao như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ – Quang Trung… thì Hồ Ngọc Quang lại chọn một nhân vật chưa phải nhiều người biết, nhưng là danh nhân tiêu biểu của một vùng đất – xứ Nghệ, tiêu biểu của một dòng họ – họ Hồ Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu: tể tướng Hồ Sĩ Dương. Trong chính sử và một số cuốn sách, những ghi chép về Hồ Sĩ Dương (1621-1681) không nhiều (Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ thực lục; Lịch sử Nghệ An của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An, Nxb Chính trị Quốc gia, 2012;  Nghệ An đất phát nhân tài của Ninh Viết Giao, Nxb Nghệ An, 2017, tái bản).
Các tài liệu cho biết Hồ Sĩ Dương (còn có tên là Hồ Á Ngọc, Hồ Khả Trí) là hậu duệ Thái thủy tổ Hồ Kha, quê ở làng Quỳnh Đôi, xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (nay là xã Quỳnh Đôi). Thời Lê Trịnh ông làm quan ở kinh đô trải 4 triều vua: Lê Thần Tông (1649 – 1662), Lê Huyền Tông (1662 – 1671), Lê Gia Tông (1671 – 1675), Lê Hy Tông (1675 -1705); 2 đời chúa: Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623 – 1657), Tây Đô vương Trịnh Tạc (1658 – 1682). Ông đi thi từng 3 lần đỗ Giải nguyên, đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân kỳ thi năm Nhâm Thìn (1652), đỗ Đông các kỳ thi năm Kỷ Hợi (1659). Ông thăng tiến nhanh trên con đường quan lộ, làm tới chức Tham tụng (Tể tướng), Công bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, trưởng phái bộ đi sứ sang Trung Quốc (1673), khi mất được phong Thiếu bảo Duệ quận công. Hồ Sĩ Dương là nhà quân sự thao lược, 4 lần cầm quân Nam chinh tiến đánh quân chúa Nguyễn ở vùng Nghệ Tĩnh thắng lợi, thu hồi được nhiều huyện phía Nam sông Lam; 2 lần cầm quân Bắc tiến tiểu trừ tàn quân nhà Mạc là Mạc Kính Vũ và tù trưởng Ma Phúc Lan nổi loạn ở biên giới. Hồ Sĩ Dương cũng được ghi nhận là nhà ngoại giao tài giỏi, nhiều lần được vua Lê chúa Trịnh cử đi đón tiếp sứ thần phương Bắc; năm 1673, được cử làm chính sứ đi Trung Quốc, rất được vua nhà Thanh nể trọng. Ông cũng là tác giả của nhiều bộ sách quý như Trùng san Lam Sơn thực lục, Hoan Châu phong thổ ký, Hồ Thượng thư gia lễ, Hồ tộc phổ ký, tham gia biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ thực lục… Với quê hương, ông là người có công lập ấp, khai cơ, tuyển mộ dân nghèo lập ra 5 làng (4 làng của huyện Quỳnh Lưu và 1 làng của thị xã Hoàng Mai hiện nay).
Tể tướng Hồ Sĩ Dương của Hồ Ngọc Quang cũng bám sát và khá trung thành với các sự kiện, các mốc chính trong cuộc đời của vị tể tướng tài ba, giàu lòng nhân ái. Lại là người cùng dòng họ, chắc chắn Hồ Ngọc Quang có thêm nhiều tư liệu khai thác từ gia phả dòng họ Hồ – một dòng họ nổi tiếng của đất Nghệ An, cũng như các câu chuyện truyền tụng trong dân gian ở nhiều xã của huyện Quỳnh Lưu – nơi Hồ Sĩ Dương được thờ tự là thành hoàng làng. Nhưng trong tư cách nhà văn, phần sáng tạo của Hồ Ngọc Quang là không nhỏ. Hồ Ngọc Quang đã biến những ghi chép khô khan trong chính sử về Hồ Sĩ Dương thành hình tượng nhân vật Hồ Sĩ Dương – một biểu tượng sáng chói của tinh thần hiếu học, của ý chí, nghị lực vượt khó, của sự kiên trì mục đích và ứng xử thông minh, mềm dẻo – từ một cậu bé con nhà nghèo ở một vùng đất nghèo, từng bước khẳng định tài năng, trở thành vị tể tướng rường cột của triều đình Lê Trịnh.
Tiểu thuyết lịch sử “Tể tướng Hồ Sĩ Dương” của Hồ Ngọc Quang
Cuốn sách bắt đầu từ những năm cậu bé nghèo Hồ Á Ngọc đi những bước chập chững vào đời, học giỏi, tài hoa nhưng cũng ngây thơ, hiếu thắng và kết thúc khi Quận công tể tướng Hồ Sĩ Dương hồi hưu về làng trong sự nuối tiếc của vua, chúa và triều đình, trong sự kính trọng, chào đón của gia đình, quê hương. Con đường hoạn lộ hanh thông, thăng tiến nhanh, không bị giáng chức lần nào – điều hiếm thấy trong bối cảnh xã hội phong kiến đang suy tàn. Nhưng tác giả cũng không miêu tả hành trình trưởng thành của Hồ Sĩ Dương như một con đường trải đầy hoa mà cũng lắm những gian nan, trắc trở. Có sai lầm cá nhân như đi thi hộ bạn tại kỳ thi khoa Mậu Tý (1648) ở Thanh Hóa, bị tước học vị giải nguyên của hai tỉnh và sung đi lính. Có những ghen tỵ, hiềm khích, tìm cách hãm hại nhau của đám quan trường bất tài trong bối cảnh mâu thuẫn triền miên giữa Cung vua và Phủ chúa. Nhưng Hồ Sĩ Dương, bằng tài năng, trí tuệ của mình, bằng lòng chính trực và cả sự khôn khéo, ra sức phò vua, giúp nước, đã từng bước tạo được uy tín, khẳng định chỗ đứng của mình. Cuốn sách toát lên một chân lý: trong bối cảnh xã hội loạn lạc, môi trường sống vẩn đục, người trí thức chân chính có bản lĩnh, tài năng thực sự vẫn có cách để tìm đi trên con đường sáng, khi họ biết đặt lợi ích của dân, của nước lên trên hết.
Bên cạnh nhân vật Hồ Sĩ Dương như một biểu tượng đẹp của con người xứ Nghệ, của đất học xứ Nghệ, Hồ Ngọc Quang cũng khá thành công trong việc tạo dựng bối cảnh lịch sử và khắc họa tính cách nhiều nhân vật phụ. Gia đình, quê hương là bệ đỡ trên những bước đường của Hồ Sĩ Dương: một người mẹ Hoàng Thị Tâm giàu tình mẫu tử, nhẫn nhục hy sinh vì con cái; một người vợ Trương Thị Thành hiếu thảo, chịu thương, chịu khó nuôi chồng ăn học, nuôi con nên người. Rồi những người thầy nhân đức, những vị quan thanh liêm, chính trực cưu mang, giúp đỡ Hồ Sĩ Dương như thầy Mạc Phúc Thanh, Liêu quận công Nguyễn Cảnh Quế, Tổng trấn Nghệ An Đào Quang Nhiêu, Ngự sử quan Phạm công Trứ… Nhiều gương mặt trong bộ máy chính quyền Lê Trịnh cũng hiện lên sinh động: Một anh lính cận vệ Lê Chinh nhanh nhẹn, hoạt bát, trung thành; Một Thám hoa, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Đăng Cảo, tài hoa nhưng kiêu ngạo, danh vọng, sự nghiệp đang chói sáng thì đứt gánh nửa đường; Một Ninh quốc công Trịnh Toàn – em ruột Tây Đô vương Trịnh Tạc – tài cao nhưng nóng nảy, bốc đồng, cuối cùng bị dèm pha, hạ ngục và chết một cách oan uổng; Một chúa Trịnh Tạc quyết đoán, quyền biến nhưng bụng dạ nhỏ nhen, hẹp hòi… Theo chân các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính, không gian nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết cũng mở ra rất rộng, từ quê hương Quỳnh Đôi đến vùng chiến sự hai bên bờ sông Cả, từ kinh đô Thăng Long đến thủ phủ Bắc Kinh của triều đình phong kiến Mãn Thanh…
Viết tiểu thuyết lịch sử trước hết là để dựng lại quá khứ, nhưng mục đích không phải để người đọc chìm đắm trong quá khứ. Lịch sử là cái đã qua, nhưng lịch sử vẫn đồng hành với con người trong hiện tại. Cuốn tiểu thuyết của Hồ Ngọc Quang cũng đi trên con đường ấy. Tể tướng Hồ Sĩ Dương là lời nhắn nhủ chúng ta về truyền thống cha ông, truyền thống con người xứ Nghệ – trước hết là truyền thống hiếu học, ý chí vượt lên hoàn cảnh, lập thân, lập nghiệp bằng tài năng, đức độ của mình. Nó cũng là lời nhắc nhở về mối quan hệ tâm – tài, về sự gắn bó với quê hương, với nhân dân của những kẻ sĩ, trí thức đích thực.
Tất nhiên, bên cạnh những thành công, cuốn tiểu thuyết sẽ hoàn chỉnh hơn nếu tác giả khắc phục được một vài hạn chế: một số lời thoại của nhân vật quá hiện đại, cách nói năng, dùng từ chưa thật phù hợp với bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVII, cần có thêm sự dụng công trong miêu tả trang phục, cảnh quan, môi trường sống gắn liền với nhân vật, chú ý hơn trong khắc họa thế giới nội tâm, nhất là với nhân vật chính Hồ Sĩ Dương…Tuy nhiên, với những gì được thể hiện, Tể tướng Hồ Sĩ Dương có thể xem là một cuốn tiểu thuyết lịch sử có giá trị, khắc họa sinh động chân dung một danh nhân nổi tiếng của xứ Nghệ, vùng đất địa linh nhân kiệt từng sản sinh ra nhiều bậc anh hùng, nghĩa sĩ kiệt xuất, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
22/3/2022
Đinh Trí Dũng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi nhân gian và tiểu thuyết gia

Cõi nhân gian và tiểu thuyết gia “Anh nghe điện thoại tối nay nhé. Shipper chuyển sách em tặng đấy”. Rất thân tình và không màu mè. Nguyễn...