Thần chết mang tên Dương Nghiễm
Mậu hay "Nhân tính" qua "Ngã đạn"
Kỳ thực có cái gọi là tác giả thời danh hay không! Vô
tình ngó trộm qua mục quảng báo của Tân Văn, về một nữ tác giả thời danh. Ý thời
danh kỳ thực là sự danh và sự thời. Sự thời không tưởng, bởi nhắc tới khái niệm
thời thì tức là thóa mạ thời, thời tính chẳng có thời, thời tính phi thời. Danh
ư! Danh tức là tha hóa, tha hóa là biến thành kẻ khác vậy. Vậy danh là ở người
khác mà có, chẳng phải là thực hữu thuộc về chủ thể phải không! Người ta làm gì
có danh, vạn vật làm gì có danh, danh từ kẻ khác mà có, từ cái khác mà nên. Cho
nên nói, Danh cũng ảo tưởng không kém, nếu không nói là nực cười. Xin bái tạ
hai chữ thời danh!
Dù gì trước khi cứa cổ thời danh cũng điếu tạ thời danh vài lời
gọi là, cũng nên ai vãn thời danh văn sĩ văn siếc đôi dòng lắm ru! Và từ đây,
xin nhớ lấy dùm cho, ngay cả vài ba lời ngớ ngẩn ngu ngục đầu đường xó chợ cũng
rất có thể trở thành cánh tưởng phượng hoàng thướng bay lên thượng tầng trá ngụy
của những bậc quân tử và lắm đấng hàn lâm (có khi cũng hàn lầm, hầm làn, hằm bà
lằng nhằng lắm lắm!). Xin đừng trói ràng nhau trong thời danh và tán tụng văn
sĩ văn siếc gì ráo trọi, làm ơn đi! Và nếu được vậy thì đội ơn quá chừng. Được
vậy, ta có đủ cách thế đọc tiếp những dòng sau, ta đã sẵn sàng du tưởng vào chỗ
thị phi chữ nghĩa “rối như canh hẹ”. Nếu bạn đã sẵn sàng, cứ bưng lấy húp canh
cái rột!
Nụ cười và Đức tin
Truyện ngắn Nụ cười là một nụ cười suy lý. Đáng lắm
chứ! Nụ cười của niềm chiêm nghiệm mơ màng. Bởi vì sao lại mơ màng, cơn bệnh là
cơ hội tuyệt hảo. Bởi khi bệnh, đôi bàn chân “vượt ngục” đời sống mới thực sự
phải “nghỉ hưu”. Và nhân vật tôi, nhờ đó, nhờ cơn bệnh, mới có dịp ở gần vợ
nhà và con cái. Để thấy rằng mình đã vượt ngục “ĐỜI” gần năm mươi năm. Căn bệnh
ung thư hành hạ và giết chết lần hồi cuộc sống của anh, nhưng có thể đó cũng là
những ung nhọt thầm kín tưởng như không có nghĩa lý gì lại trở thành bệnh hoạn
thâm căn cố đế. Một ngày bột phát và tuyên án anh. Ung nhọt tâm hồn: Đức lý – Tội
lỗi – Cứu chuộc. “Tôi bằng lòng với chuyện đó. Nhà tôi vẫn cầu nguyện mỗi tối,
nhưng nhà tôi không đến giáo đường nữa. Anh đừng nghĩ chuyện riêng đó khiến tôi
bực mình. Hoàn toàn không. Giáo hội không hề ngăn cấm chuyện đó. Điều đó cũng
không hề là mệnh lệnh của một đấng giáo chủ nào. Chúng tôi chống lại cái quan
niệm, cái tổ chức, những mạo danh, chúng tôi thương nhau thì ở với nhau, ai tin
gì thì theo. Ngó bộ tôi không có đạo thì tôi không phải là người sao? Ngó bộ
tôi không rửa tội thì tôi là người tội lỗi sao. Gần hết cả xã hội Tây phương đều
tốt lành, đều trở thành thánh, được vào thiên đường cả đó sao, anh ngó xem, những
tội ác ở Á Phi, ở Châu Mỹ La-tinh, những người da trắng, những người trong hệ
thống giáo hội họ làm gì, họ có nhà thờ tráng lệ, có thánh giá bằng vàng, họ
nhân danh cái này cái khác, họ đưa cả tượng Chúa tới pháp trường … Anh đừng
nghĩ tôi sắp trở thành một người chống cái này cái khác, tôi chỉ nói, chỉ muốn
nói: con người và những xấu tốt của nó, tôi nghĩ anh hiểu tôi, sau chót của một
hành trình thường người ta ngừng lại ở một giáo đường, tôi không tin, anh có
nghĩ rằng: chót hết người ta sẽ có một thái độ khác, tôi muốn nói với anh về tổng
hợp đề … một đức lý”[1]. Sau cùng, anh từ chối rửa tội. Cái chết
ngồi kế bên, tử thần là một tên hề đeo bám dai dẳng không có sỉ diện, mặc cho
người ta không ưa gì lão nhưng lão vẫn bám riết như một kẻ van lơn ăn mày sự sống.
Tử thần rủi theo chân người trên từng bước đường sự sống. Mỗi bước chân tín mộ
hay hoài nghi, hay những bàn chân trống rỗng không có đức tin, dù gì tà áo bóng
đêm của tử thần vẫn lướt thướt phủ rợp ngay sau lưng, ngay trước mặt, ngay tả hữu
hai bên, ngay thượng hạ vây bủa.
Anh – nhân vật tôi – đối diện với cái
chết bằng thái độ bình thản. Chảng qua thằng chả đã chấp nhận thói vô sỉ của thần
chết. Cùng với thần chết, anh rà soát sổ đời, tức là tính sổ từng lẽ đời. Anh
ruổi theo từng chuyện, soát từng cuộc, xem chuyện đời kỳ thực sốt cuộc còn lại
cái gì. Cái cuộc sau rốt, gia đình; cả cái cầu đang xây, khu phố trên dự án vẫn
hoài chưa triển khai. Nhưng không phải những viễn đích xã hội, anh quay lại
chính những gì diễn ra ngay tại đây và bây giờ. Anh nhìn lại cái sự “tôi” của tôi,
ngó lại cái thằng “tôi” của tôi. Và anh áp tay lên lồng ngực, hoặc lúc anh rít
một hơi thuốc lá, anh rà soát đức tin trong trái tim. Chung cuộc, vẫn là sự
truy vấn. Truy vấn đức lý và niềm tin, chính sự truy vấn mang lại nghĩa lý cho
đức và tin, chứ không phải nội dung của chính đức tin. Và chính Dương Nghiễm Mậu
chứ không phải ai khác, chẳng phải ông thần chết ngu ngục nào bám riết nhân vật
tôi. Ai ngoài Dương Nghiễm Mậu nữa chứ! Sự viết và cách thế đến với chữ nghĩa,
biến Dương Nghiễm Mậu thành tử thần. Ông liên tục và vô lượng muôn kiếp hằng hà
chữ và nghĩa, bằng cách đó ông tuyên án nhân vật, sinh giới văn bản, tuyên án
chính cách thế văn sĩ của ông. Dương Nghiễm Mậu là ông thần chết bất đắc dĩ.
Thói nết ưu tư trái cấm di căn di truyền từ thủy tổ vẫn còn mãi như con rắn lần
mò trườn bò chui ra đầu bút, nghễnh ngãng nằm lăn ra trang giấy thành những vết
hằn ố thâm, gây ám ảnh cho kẻ khác. Và có thói ưu tư tra vấn – truy vấn ấy lại
tiếp tục lây lan qua tâm hồn kẻ khác, thằng cha thần chết lảm nhảm phát ớn, lầy
nhầy rề rà ca cẩm tha thẩn tỉ tê lê thê lê thiết quá chừng. Đôi khi ông thần chết
học đòi luận đề, nhưng đứng trước hoại diệt vô minh, con người ta cũng rất nên
đè đầu cái đề ra để luận lắm chứ! Thần chết Dương Nghiễm Mậu biến kẻ khác thành
tha nhân. Tức là thằng chả tuyên án người đọc thành một dạng tha nhân vĩnh cửu.
Người đọc là tha nhân ngay cả với chính bản thân người đọc bởi “niềm nhức nhối
của khoảng trống”. Hắn tưởng hắn có thể lấp đầy khoảng trống trong sinh giới tư
niệm, hắn lầm! Càng ưu tư càng truy vấn càng ruổi riết theo mộng tưởng hoang đường
càng hoang vu lạnh lẽo trơ trọi trơ trất. Tử thần Dương Nghiệm Mậu đã mở miệng
“Tôi” – nạn nhân của thần chết, thông qua cửa miệng “tôi”, tử thần chỉ ra thói
giả danh, mạo nhận của “trái cấm” ý thức trong đầu não con người. Ung thư chẳng
qua chỉ là một tên gọi, có lẽ nên gọi ung thư bằng một cái tên khác, trả lại
chính cái tên đúng thực của nó.
Ung Thư = Ý thức.
Và những cơn đau khái niệm, vẫn ngày
đêm quằn quại hành hạ, giày dò thể xác và tâm hồn con người. Biến đời sống con
người và kể cả chính bản thân con người lòi ra thói học đòi làm người, mà vốn
dĩ chỉ là giả nhân vượn bầy trong chính nền nhân văn nhân bản ảo tưởng văn minh
văn hóa. Khái niệm – thần chết cho “tôi” cơ hội giật sập riềng mối rường cột
khái niệm trong tư tưởng, tức là vận động theo lối phản tư tưởng. Bấy giờ tôi
chính là phi tôi, là phi tư tưởng, bấy giờ mới có thể ngó lại tư tưởng, và nhìn
thấy sự hoang đường của tư tưởng (trong đó có những khái niệm giả danh) bệnh hoạn
xiết bao. Hằng bao năm, người ta ắp ôm ảo tưởng khái niệm đức tin, nhưng vẫn
chưa bao giờ thực sự ngó thấy hoặc tiếp chạm đức tin. Bóng hình đức tin tưởng rằng
cho phép người cầu vọng ở mai hậu cơ may ngã vào lòng đức lý và niềm tin. Đâu
biết rằng, cái thực sự đức tin mà con người vẫn trộm nghĩ cũng là đồ giả nốt, lấy
đâu ra một bóng hình thực hữu. Lấy giả làm chân, lấy bóng làm hình, lấy vô làm
thực, kẻ tưởng chừng thóa mạ và từ bỏ đức tin lại chính là kẻ thực sự tìm thấy
đức tin bản chất.
Nam mô Đức Tin!
Nam mô Ảo Tưởng!
Nam bô Đêm Trường!
Vậy rồi, sau khi đã bám riết thằng
cha, ông thần chết Dương Nghiễm Mậu quay qua bám gót đứa con trai trong nhà. Thằng
chả rảnh rang hết biết. Ngoài việc lui cui ngó chừng bám chân từng người, ông
thần chết chẳng biết làm gì khác. Hay là, vì thiếu thốn cái gì thì người ta
thèm thuồng và những muốn có được cái ấy. Ông thần chết dư chết mà thiếu sống
nên cứ bám chân người hít hửi hít hà sự sống. Mặc kệ sự sống mà con người đang
có hầu như không còn lành mạnh, đời sống con người đầy rẫy ám ảnh mụn nhọt ung
thối, biến dạng biến dị, đột hiện thành ra một thứ dị dạng dị hình, kiểu con
lai con hoang con oan gia ngõ cụt gì đó, đại loại vậy. Đứa con trai trần tình.
Thay đổi kẻ bám chân, lời kể và sự truy vấn thay đổi từ nhân vật cha sang nhân
vật con. Cách kể lể ca cẩm này, sau này ta có thấy một gã người thổ (O.P) đã sử
dụng hữu hiệu, rất đắc dụng. (Nhưng gã người thổ bệnh hoạn hơn, ông thần chết
bên Thổ còn bám chân thèm muốn sự sống của cái giếng một tấm thảm một cục đá nữa.
Nghĩ, thằng chả biến thái hết biết! Trác tuyệt biến thái). Trở lại với ông thần
chết Nam Việt, ông thần Dương Nghiễm Mậu quay qua đứa con trai, để bắt hắn truy
vấn về chính sự truy vấn mà cha hắn đang thực hiện trong tư niệm. Nếu thằng cha
nó truy vấn về đức tin, thì thằng con ổng truy vấn về sự truy vấn đức tin. Thật
nhùng nhằng hết biết, nhưng ngẫm kỹ lại, cũng có ý chứ chẳng chơi! Bởi truy vấn
đức tin và sự truy vấn về truy vấn đức tin, có thể xem như sự phản tư của truy
vấn. Nhờ đó, nhờ phản tin, truy vấn về đức tin ngó lại và tìm bản thể của truy
vấn đức tin, một cơ hội hồi quy trực chỉ bản chất tư niệm. “Cha tôi thường nói
tới những chuyện thực tế trong đời sống, chính con người và đời sống đó. Cha
tôi không nói tới những điều mà theo tôi cuối cùng người ta đứng trước một hư
không. Với tôi nhiều khi người ta phải đưa tới trước một sự khốc liệt nào đó,
và khi đó con người mới có cơ hội nhìn thấy mình. Người ta chết rồi như thế
nào, còn một đời sống khác không? Cha tôi đã khước từ một thay đổi được coi như
tìm lại đức tin, tôi không hiểu sao về điều này, thực ra đối với tôi cũng là
chuyện dửng dưng, tôi coi những giáo chủ chỉ là những nhà đạo đức. Chỉ có thế”[2].
Cái thói nư nghi hoặc, phủ chối niềm tin dường như cũng di truyền! Không biết
ông thần chết họ Dương có mệt mỏi hay chưa! Chứ lằng nhằng nghĩ tưởng không
thôi như cha con nhà ấy quả là quá vã đi thôi. Có lẽ vậy nên ở cuối câu chuyện
nụ cười, không thấy lão thần chết cười mà lại chính là nụ cười của bà vợ. Chồng
con của người phụ nữ ấy vẫn mải miết suy tưởng về đức tin và anh con trai dường
như không có nhà, có lẽ đã bắt theo chân cha rong ruổi nào Trị Thiên nào Lạng
Sơn nào Hòa Bình nữa rồi! Cuộc truy vấn đức tin trở ra vô lượng hằng hà và cuộc
sống tiếp tục luân lưu xoay chuyển, ông thần chết hẳn đã trở gót tìm đến những
bước chân tha nhân khác nữa. Bởi đã quá vã với cha con nhà ấy. Ngoài kia, người
ta đã bắt đầu xây cầu bắt qua sông. Liệu cuộc truy vấn kia có cơ mày nào bắt được
chiếc cầu đến đất Chúa hay không? Vẫn còn đó lửng lơ một cơ may mơ hồ vô định.
Dẫu gì vẫn còn một cơ may!
Ông thần chết làm dấu thánh ba lần, rồi
cuốn gói bỏ nhà đi hoang.
Ví dụ với Hạnh phúc – Yêu – Nhân tính
Ví dụ như không có cái ví dụ nào
cả! Tức là một cái gì đó rất thường, không đáng kể, chẳng đáng để ví dụ. Cái bối
cảnh tạo nên cảm giác về không khí truyện. Thần chết Dương Nghiễm Mậu đâu có chịu
“tầm thường” êm xuôi kéo áo bóng đêm lê thê lếch thếch chợ đời. Lão lò dò đến
những nơi éo le, những chỗ nghịch cảnh, những chốn đau thương, những phường oan
nghiệt, có vậy lão mới thỏa nỗi thèm sống. Bởi có lẽ những chỗ nghịch dị oan
khiên chính là khi sự sống phải đối diện trực tiếp với sinh hiện. Bấy giờ, lão
mới thấy sự sống hiện ra tươi mới roi rói, chẳng khác gì con tôm dưới sông chẳng
đẹp bằng con tôm giẫy đành đạch trên sạp chợ. Bấy giờ người ta gọi là đắt như
tôm tươi. Chỗ đó, tôm mới thực sự tươi.
Còn trong Ví dụ của Dương Nghiễm Mậu:
cái lò heo. Chắc chỗ ấy đáng để ví dụ. Cái lò heo la liệt lòng phèo, máu đọng
đen bầm, chỉ quanh quẩn thọc huyết chặt đầu mổ bụng cạo lông và quay lại cạo
lông mổ bụng chặt đầu hứng huyết còn nóng hổi phọt ra từ yết hầu. Sự sống hiện
mới tươi tắn ướt rượt làm sao! Đó, lão thần chết năm nào vẫn hay chuộng những cảnh
ấy. Để bắt đầu câu chuyện và một chuyến du lịch trần gian, âm thanh vẫy gọi
trong bóng tối hư hao vô lượng đã xuôi khiến thần chết đến những chỗ như thế.
Cái thức nhận đầu tiên trên nghĩa địa “Ngã đạn” của thần chết Dương Nghiễm Mậu
chính là cái không khí truyện, gây dậy một ẩn ức siêu hình nào đó. Người ta còn
chưa biết chuyện gì đang xảy ra và sẽ xổng chuồng ra, nhưng người ta hẳn đã cảm
thấy được một linh cảm chẳng lành, rồi cuộc đời con người có đang bị đè ngửa
ra, dựng ngược bốn chân, và một lưỡi dao ngọt thọt vào đúng tử huyệt cuộc đời,
để máu đời từ khắp cả châu thân tuôn ra xối xả, lượng đời hao hụt, chất đời tàn
phai. Liệu mỗi người giữa nẻo đời riêng mình riêng lẻ, có giống anh thiên bồng
nguyên súy kêu la en ét trước hồi chuông chung cuộc dồn dập hay chăng? Đâu có
ai biết được, bởi lúc nguyên súy la hét, “tay em” thọc huyết nhưng miệng em im
lặng, lúc “tay em” bị thọc huyết thì hắn chưa kịp la tiếng nào đã từ giã cuộc đời
ngọt sớt.
Ôi sanh mạng con người!
Ôi kiếp nạn tử sinh!
Bạn bè đồng loại gần xa xưa nay sẽ thấy
gì, thấy gì ở ví dụ của tử thần Dương Nghiễm Mậu? Khi ông đứng ệch ra nhìn bọn
người xâu xé cái thây heo đã bị tùng xẻo. Có lẽ, lão thần chết sẽ cảm thấy bản
thân thừa thải hoặc sẽ ngớ người một lúc lâu bởi ngó thấy nguy cơ con người đều
trở thành thánh chết. So với thần chết, con người còn dày dạn và điêu luyện
ngành nghề hơn gấp mấy lần. Cứ ngó cảnh một lão chệt bơi móc tìm cho bằng được
lá gan heo thì biết: “một chú chệt kêu rêu vì mất một lá gan làm rộn cả khu, chú
ta lục lọi, tìm kiếm, sục vào cả những chiếc giỏ của người khác làm cho nhiều
người giành đi giành lại”[3], cứ ngó cảnh con người công nghiệp hóa hiện đại
hóa và cơ giới hóa kỹ nghệ thọc huyết thì đủ rõ. Thần chết đứng trước bờ vực thất
nghiệp chứ chẳng chơi! Khi tất cả bạn bè đồng loại gần xa đều trở thành đồ tể,
được phong tước tử thần, thì lúc ấy cõi người và cõi đời sẽ thành ra tử địa,
đâu đâu cũng là huyệt mộ điêu tàn, khắp nơi đầy rẫy máu me huyết đọng, chỗ nào
cũng hừng hực mặt người vấy máu cùng đôi con ngươi long lên sòng sọc và cổ họng
nuốt ực nước miếng thèm thuồng bởi nhìn thấy máu trào lênh láng. Thần chết
Dương Nghiễm Mẫu đã chẳng nói được một tiếng nào, đành câm họng im như hến, đứng
đực ra ngó bầy người phanh thây xẻ thịt. Thần chết có lẽ đang thấy mình quá ư
non nớt. Giữa khi đương còn đang ngơ ngác và bàng hoàng, thần chết Dương Nghiễm
Mậu nhờ đó phiêu diêu nghĩ tưởng. Có bận đã tự nói với mình lúc ngồi buồn một
mình bên góc đường kẹt hẻm hoang sơ, lão nghĩ về “nhân tính” (humanity?), nghĩ
lại hệ giá trị sống bằng cách quay về sự sống, nghĩa lý của sinh hiện thực chất
diễn ra luôn luôn giữa bốn bề đường đời lầy lội. Chuyện của những nửa thế kỷ
trước hay là chuyện bây giờ, cái nhìn nghĩ tưởng của thần chết vốn phi thời,
nên hắn nghĩ về nghĩa lý sống của nửa thế kỷ trước với nửa thế kỷ sau, hoặc giả
của hằng hà nửa thế kỷ khác nữa, hắn nhận ra thói giả danh (có hệ thống và rất
ư bài bản) của nhân loại; mà nhờ đó, con người đã lật đổ tráo trợn trắng đen, lộng
giả thành chân, đánh đu khái niệm, đánh tráo nội hàm. Sự người với sự thú (nhân
tính với thú tính) làm thần chết nghĩ lại và nghĩ tới về cả quá trình vận động
“nhân tính” của nhân sinh nhân loại. Nền văn minh trên cõi người hoang vu tử địa;
như thế nào là nhân tính, như thế nào là thú tính? Người đọc thấy cảnh người
giành giật phanh thây bầy heo, hẳn cũng im tiếng không hó hé được lời nào, cũng
giống lão thần chết Dương Nghiễm Mậu. Thì đành vậy, chứ còn biết ư e lời lẽ nào
nữa. Đó là cách lão chù ụ cái mặt không kể lời nào, chẳng bình phán lời nào mà
độc giả của lão có thể thất thần nhận ra thảm trạng nhân tính và nghĩ lại thú
tính. Để sau nữa, dấn thân vào căn cơ cội rễ của nền văn minh con người bấy lâu
nay vẫn tự mãn. Tử thần vốn nghĩ rằng một khi nhân loại phát rồ, chạy tán loạn
cấu xé sự sống, làm một nòi xác sống thì tử thần hả hê biết bao. Ấy vậy mà tử
thần chỉ lặng người! Lật lại hồ sơ văn minh, xổ ra chứng tích con người trên
cõi thế, không biết có ai như thần chết hay không, chứ lúc đó lão hoa mắt và lỗ
tai âm u vọng lại lời ai đó tuyên thuyết “mạt thế”. Tiến hóa hay thoái hóa, giả
danh hay tiến bộ, tự mỗi người nghĩ lấy, ai hơi đâu rảnh rang mà phán với đoán
cho thiên hạ nhào vô cười cợt chê bai!
Tự nghĩ lấy, tự suy ra, tự luận đi, tự
xử dùm cái!
Đảnh lễ VĂN MINH …
Đảnh lễ CON NGƯỜI…
Đại dịch NGƯỜI bốn phương tám hướng!
Chạy cho kịp, thần chết ơi!
Nhưng thần chết đã chết trân tại chỗ
khi “một đứa nói run run, vẻ bàng hoàng, tay chỉ vào lòng xe: – Không phải heo,
một người …. / Bấy giờ người ta mới chú ý nhận ra, trong xe trên đống xác heo,
một thân người nằm ở đó, bụng bị phanh ra, hai tay bị chặt đến khuỷu, đầu bị chặt,
trông không khác gì một con heo đã bị mổ nếu không có đôi chân vẫn đi một đôi
giầy đen không buộc dây và một đôi vớ đỏ. Giữa đống thịt, thân người banh ra, một
thân thể đàn ông”[4]. Hèn gì, lúc quanh đi quẩn lại nhẩm tính số heo đã mổ,
“tay em” với tên quản lý đóng dấu kiểm soát thực phẩm cứ bàn qua tán lại (126
hay 125) con heo. Kỳ lạ, sự sống của người và heo thực khác nhau, nhưng cái chết
của heo và người không thể phân biệt được. Nhờ cái chết nhập nhằng và không thể
phân định, người ta chợt bàng hoàng nhận thấy sự sống vốn dĩ khác nhau giữa heo
và người, đến bây giờ bỗng chốc sống và chết của heo với người cũng y hệt như
nhau, không thể nhận biết. Và tiếp tục, thần chết Dương Nghiễm Mậu lại đứng đực
ra, không thể cục cựa nổi, bởi ngó thấy bầy người bâu quanh hóng sự, hóa ra sự
nhầm lẫn mổ lộn một con người với một con heo kỳ thực cũng không phải là chuyện
gì to tát. Chỉ có điều, mổ heo còn bán được, mổ người thì không. Nên khi phát
hiện cái xác người chỏng chơ giữa xe thịt, người ta lo sợ sẽ ám mùi người vô thịt
heo, hỏng cả xe thịt heo không bán được. Mấy bà mua thịt heo, cứ ơn ớn không biết
mua đầu lợn có nhầm ra đầu người hay không. Bởi thịt lợn béo ngậy thơm ngon còn
thịt người, quả thực không thể nuốt nổi (về điểm này thì người với trâu bò giống
nhau. Trâu bò dù có đói cỡ nào cũng không ăn đám cỏ mọc lên từ bãi tiểu và đống
phân của đồng loại). Bởi cũng sống như người và hiểu được bợn nhơ chất thải
thúi hoắt trong ổ bụng con người, những bà mua thịt cũng như bạn bè đồng loại
nói chung, không ưa gì món thịt người hôi hám ấy. Sự người và sự thú, nhân
tính và thú tính, nằm long lóc ra đó, ngay cả Linh Sơn tự chủ nhân cũng
không thể phân biệt được. Tưởng nhìn ra nòi cốt anh Bật Mã Ôn năm xưa với con
khỉ sáu tai tinh quái, tự đắc có thần nhãn phi thường, ai dè Linh Sơn tự
chủ nhân cũng bó tay trước cảnh trạng nhân tính và thú tính. Huống hồ
một anh thần chết cỏn con Dương Nghiễm Mậu. Ngay cả Linh Sơn tự chủ nhân cũng
sụp quỳ sát đất đảnh lễ CON NGƯỜI! Thì thần chết Nghiễm Ích Phí còn phải đào
cái hố tám trượng rồi xuống đó đảnh lễ CON NGƯỜI! Như thế mới đủ trọng hậu!
Chưa cam tâm, thần chết phải truy
tìm, tìm ra cho ngọn nguồn cơ cớ gốc tích khổ ải. Vì cớ làm sao một xác mình
chòng chõng nằm lăn ra giữa xe thịt ngoài đường. Và quay lại ở một góc nhìn
khác, một chủ thể kể chuyện khác, thần chết nhập đồng vào người nam thanh niên
còn loay hoay với bộn bề tình ái vớ vẩn. Hẳn nhiên chỉ vớ vẩn sau khi đã trải
mà chưa qua. Bấy giờ nhân vật “tôi” với nhìn lại mớ bòng bong tình ái giữa Tôi
với T, giữa nàng với hắn. Chung quy, cả bốn đứa đều muốn tìm hạnh phúc. Thần chết
tự hỏi, hạnh phúc là gì, bản chất của nó là gì, và cuối cùng phát hiện HẠNH
PHÚC một ảo ảnh tạm bợ nhưng con người đã quá kỳ vọng. Đến nỗi, hạnh phúc là điều
người trông vọng nhưng mỗi khi muốn chạm tay vào hạnh phúc liền bỏng rát. Điều
ta mong muốn lại trở thành bản án chung thân giày vò. Đáng lẽ điều ta muốn phải
làm ta sung sướng kia chứ, đằng này điều con người hằng muốn trở thành lồng heo
dìm người ta chết ngắt dưới đáy sông đời sống. Vận động sống mãi hoài trật nhịp,
lệch pha. Lệch pha giữa người với đời, lệch pha giữa người với người, và lệch
pha giữa điều ta muốn và điều ta có thể. Bi kịch sống hết sức căn bản. Thần chết
tự dưng muốn chết quách cho rồi!
Phần vì bi kịch trối chết sát nách phần
vì những đột biến tâm linh của con người. Nghĩ tưởng và hành động con người
không còn kết nối, con người đều trở thành con bệnh, không thể lý giải người. Sự
thể người – thể tính người bất khả luận giải. Hắn lây cho em, em lây cho “tôi”,
lây đến cả “T” (dù cô này đã lấy chồng và không xuất hiện), lây mầm bệnh rối loạn
hành vi nhân cách hoặc giả thứ ám ảnh cưỡng chế gì đó.
Thậm chí có thể nói: sự người tức là
sự điên vậy!
Ông thần chết Dương Nghiễm Mậu hẳn đã
nhào lộn tứ tung hay nằm giẫy đành đạch dưới đất bởi ngộ độc “chất người”. Chẳng
còn gì, người chỉ còn mâu thuẫn, phi lý toàn diện. Có bà mẹ điên, vấn nạn của hắn
là không thể cưới nàng; còn nàng có vấn nạn là cái bào thai không thể bỏ hắn[5].
Kỳ thực, cái vấn nạn chung cuộc của tất cả, chính là cái vấn nạn tính người. Những
truy vấn rối rắm mà tử thần ngó thấy ở tâm tưởng con người, chỉ càng bó chết
người mà thôi, càng cựa quậy lại càng thít chặt hơn. Rồi cái quy tắc khoái cảm
cân bằng đẩy con người đến chỗ phân cực nhân tính. Bước đường tan vỡ chia lìa sụp
đổ nhân tính bắt đầu. Buổi hoàng hôn của tính người, không biết tử thần Dương
Nghiễm Mậu có nhìn thấy cây búa Dionysus hay không? Ông thần chết Đức quốc năm
xưa với cây búa trong tay quen thói luận lý với chúng sinh, còn ông thần chết
Việt quốc năm đó chỉ có hai bàn tay trắng đành bất lực ngó thấy vạn vật phát rồ!
Lại vẫn chưa cam tâm, thần chết buộc
phải truy và vấn tiếp. Truy tới hắn (kẻ yêu nàng nhưng hành hạ nàng như chó). “Hắn
được tin vào nhà thương thấy em thì ôm lấy mà khóc, không nói gì cả. Nhưng ngay
sau khi dời khỏi bệnh viện về nhà, khi hai đứa đi ở riêng thì hắn lại hành hạ
em, như anh thấy, em sống như một con chó”[6]. Rồi hắn tự vấn, hắn đã yêu như
thế nào. Hắn yêu như là người hay hắn yêu như là vật. Hắn tuyên bố phải người.
Nhưng khi hắn tuyên bố người, hắn buộc lòng đẩy “tha thể” đến chỗ “thú” hoặc tệ
hơn “thú”, chỉ còn là “đồ vật”. Vây quanh tử thần là những con bệnh thần kinh.
Việc tử thần xoay trở, nhập đồng, biến hình biến hồn vào thần trí kẻ khác để
lén lút kể ra câu chuyện này, một lối Tây phương trần thuật nào đó, mà sau nữa
đến hậu bán thế kỷ XX rất thịnh hành. Mặc kệ Tây phương với trần thuật tân tiến
(cái kiểu đa tự sự, cái nết đa thanh, cái nư đa điểm nhìn gì gì đó, kệ mẹ nó,
…) quan trọng rằng tử thần nhờ đó đã hú hồn nhận ra mỗi tâm tưởng con người là
cả bãi chiến trường tang tóc bi thương đớn đau thống hận uất nghẹn loạn cuồng.
Sống – Yêu – Đau – Khổ – Hận, …. May ra còn cái chết tạm khép lại cuộc hý trường.
Ấy vậy, mà người ta lại không có cái quyền chết. “Nàng” kẻ bị hắn hành hạ, nàng
yêu một người nhưng người đó yêu một con đàn bà khác, nên nàng ngã vào vòng tay
hắn để trở thành một con chó (một kiểu khổ dâm để trả thù chăng!). Thần chết
nghe chuyện mà trớ trêu tới méo miệng. Rồi nàng than “Anh không yêu tôi, anh đừng
biện minh. Anh không hề yêu tôi. Anh muốn tôi như đồ vật. Anh muốn tôi như một
con búp bê bằng cao su đẹp đẽ để anh dẫn đi chơi, để anh cử động, nói cười, đi
đứng, trang điểm như anh muốn, để anh nắn bóp và xử dụng theo ý muốn của anh.
Tôi không phải là đồ vật, tôi không phải con búp bê. Tôi là một người, một thứ
giống cái. Tôi biết vui buồn, giận hờn, yêu ghét … Anh không yêu tôi vì anh
không nhận tôi là một người thực như thế … và như thế đã đủ rồi …”[7]. Hỡi ông
thần chết rình mò lén lút nghe chuyện thiên hạ, ông có vui lòng chăng, liệu ông
có thỏa mãn không, khi đứng ngó bày cuộc làm trò thành đời, để con người ngoày
ngoạy giữa đống hỗn lốn ngập ngụa. Và câu chuyện này, độc giả có cơ may trải
nghiệm tắm táp tâm hồn trong bể hỗn lốn ấy, có thích thú gì không, có rục rịt
nhoi nhói chút gì không?
Kỷ nguyên hoài nghi bất tín, bấn loạn,
hỗn độn, khủng hoảng toàn diện giá trị người. Và đây, lời thú tội của kẻ ở hậu
kỳ nhân tính “bởi vì anh biết không, đứa nhỏ sinh ra hôm nay là một con vật.
thời đại này bắt người làm vật. Tôi không muốn thế. Tôi giúp nó hạnh phúc bằng
cách giết nó. Tôi phải giết nó, và tôi, tôi cũng không còn là người…”[8]. Như
thế đúng là tôn vinh tử thần quá rồi còn gì! Ông thần chết Dương Nghiễm Mậu chắc
đang ngồi cười sặc sụa một mình. Bó tay thần chết!
Chết và lựa chọn, cô nàng chửa hoang
với kẻ mình thống ghét, cứ một hai đòi chết, nhắc đi nhắc lại, lẩn quẩn trong
suy tư sự chết[9]. Cô nàng muốn xác quyết rằng chết là một lựa chọn có tính
cách tự do triệt để. Trong khi nàng còn lẩn quẩn lải nhải trong cái mớ bòng
bong lựa chọn của nàng thì ta thấy sự lựa chọn có nghĩa lý hơn sự chết và sự tự
do. Cách thế sống chẳng phải ở cách chết hay viễn đích tự do triệt để, cách thế
sống chính ở cách thế lựa chọn. Nhưng nàng chẳng có chọn được cái quần gì, nàng
chỉ nhì nhằng nghĩ tưởng để dày thêm huyễn tưởng (mê tín-bất tín, nghĩ thế nào
cũng được, vì căn bản nàng không có một chút tín nào cả). Rốt cuộc, nàng chỉ là
cái kết quả đưa lại của sự bất lực không thể chọn và lựa. Không chọn lựa cách
thế người thì, ở đâu ra mà lập với thành. Sự hiện hữu thế tính[10] chẳng
phải chỉ là hư vô hay sao! Thể tính người chẳng phải rất hư cấu hay sao! Ngoài
bãi đời bây giờ, cũng không ít những kẻ sống trong tình trạng “hư cấu” như
nàng. Hóa ra, sống cũng như yêu, hận, đau, cuồng, …. chỉ là những ví dụ giả tưởng
mà thôi – khả thể căn cơ, khả thể toàn diện, khả thể bất tận, khả thể đớn đau.
Nhờ đó, ta chợt thấy bấy nhiêu lời kể lể của ông thần chết Dương Nghiễm Mậu
không phải không có ích lợi gì.
Nhà phê bình trẻ Võ Quốc Việt
Ngoài xa – nghĩa lý người, nghĩa lý
tình
Kỹ thuật dòng ý thức + đan xen giữa
thực và tưởng tượng (mơ) + đảo lộn đan cài chi tiết thời gian + cắt ghép cảnh
điện ảnh; bằng ấy cách thức trần thuật, chắc thần chết không có rảnh đến mức
khoe khoan học đòi tử thần Tây phương Faulkner đâu, nhưng dù gì với bằng ấy thứ,
ta chợt thấy cảnh đời con người mới nhập nhoạng, nhập nhòe, nhập nhằng, nhập nhợn
làm sao! Thực chất chỉ là việc chấp dính các khoảnh khắc đứt đoạn rời rạc thành
ra một bức tranh dang dở, loang lở, đổ vỡ, tan hoang, tanh tành té bẹ. Nghĩ mới
ảo não nhân sinh làm sao. Quả thực ái tình cho đến sinh hiện chung quy cũng chẳng
có nghĩa lý gì cả! Tìm kiếm một nghĩa lý là bất khả, mà chính sự truy vấn nghĩa
lý còn có nghĩa lý hơn cái nghĩa lý của sự đời nữa. Truy để vấn nhưng sẽ chẳng
vấn được gì mà cuối cùng chỉ còn sự “truy” thực có nghĩa. May ra còn cái sự
“truy vấn” có thể giúp tâm hồn con người nắm níu thể hiện chút nghĩa lý sự “người”.
Vì tâm tưởng không thôi truy vấn nên tâm tưởng mang bản chất của chứng bệnh thần
kinh, trăn trở luôn luôn, thao thức luôn luôn. Tâm tưởng có tính chất vấn đề
căn bản. Cuộc đời cũng thành ra có vấn đề căn bản. Vấn đề người và vấn đề sống!
Sao cứ phải nhùng nhằng mãi hoài như vậy, có phải rất thừa thải không, có phải
não tủy con người chỉ để dùng truy rồi vấn mãi mãi chăng! Vô lý quá! Hay là …!
Sự truy vấn như thế là cách thức con người chống lại hỗn mang trống rỗng (nguy
cơ sụp đổ hư vô) của não tủy tư niệm liên tưởng. Vì ám ảnh sợ hãi trống rỗng, sự
thể không có gì không còn gì, sợ hãi điều đó nên phải nghĩ. Nghĩ tức là truy.
Nhưng truy về phía nào, hẳn là chỉ mũi dùi nhọn nóng hổi để vấn (hẳn là vấn tha
nhân). Vậy là chủ thể không thể có nếu chẳng có tha thể. Vậy tha thể và chủ thể
có khác nhau không, có thể khác nhưng phải là một, vậy thì vấn tha thể cầm bằng
như tự vấn chính mình. Truy vấn tha thể, chung quy lại là truy vấn chủ thể. Bấy
giờ chẳng còn chủ thể hay tha thể có nghĩa nữa. Sự truy vấn đó đã hủy hoại chủ
thể và tha thể. Chỉ còn có truy vấn là có nghĩa. Sự truy vấn mang ý nghĩa của sự
chối chạy, chống đỡ hư vô chực chờ bao bủa bít bùng bốn bề bưng biện ba bên.
Trong cõi mơ dật dờ đong đưa, thần chết
đóng vai tiềm thức chồm ra đối diện với hắn. Thằng đàn ông đi chơi đú đỡn với
cô gái nhưng sâu thẳm bên trong hắn, siêu ngã liên tục phỉ nhổ cô gái. Ý thức
đưa hắn lên giường với cô, siêu thức thì dìm chết cô trong biển tối đen, và tiềm
thức nhập nhoạng giữa hai phần đó – mang bản chất mâu thuẫn. Bởi mâu thuẫn nên
lăn qua trở lại, mặt mũi mặt mày như xác chết, đến nỗi cô tự ái đòi bỏ về. Có
phải siêu thức trong hắn đã chiến thắng. Chiến thắng của tiềm thức hay chiến thắng
của tử thần, để phán xét và truy vấn tình yêu. Nhưng thực ra thần chết cũng rảnh
rang hết biết. Bởi ái tình nào có thể truy vấn. Ái tình không có cửa miệng, nó
có nói được bao giờ. Ái tình chỉ quẫy đập, bơm đầy nhựa sống truyền dẫn khắp
mình mẩy châu thân. Nghĩa lý ái tình ở chỗ hành động, không phải ở chỗ luận lý.
Kẻ nào luận lý với ái tình là kẻ
ngông cuồng và cũng là kẻ ngu xuẩn.
Hắn – thằng đàn ông trong câu chuyện
– đã yếu đuối thả rong siêu thức – để siêu thức luận lý luận tội ái tình. Chính
bản thân ông thần chết Dương Nghiễm Mậu cũng ngông cuồng nốt, ông lấy căn cớ gì
bắt ái tình ra giữa công đường để phán đoán. Nhưng chính sự ngông cuồng của thần
chết cho ta thấy hành động luận lý ái tình là ngu xuẩn. Điều thần chết mang lại
không phải chuyện luận tội tình ái, mà là sự vô nghĩa vô lý của việc luận tôi.
Người đọc nên tiếp và nhận điều này, chớ học đòi cái thói luận lý trong khi yêu
(chớ có dại dột).
Yêu mà lý luận thì dẹp mẹ cho rồi!
Nhưng trời sanh cái nết không bỏ, từ
đầu đến cuối, ông thần chết Dương Nghiễm Mậu vẫn không chừa thói oan khiên. Lão
cứ bám riết lấy éo le cuộc đời mà luận lý suy tư. Cái éo le cách biệt vai xã hội,
đẩy tình chị em hay “máy bay bà già” thức tỉnh ra thân phận đàn bà. “Em vẫn tự
cho mình là một người đứng đắn gương mẫu, sống nền nếp trong gia đình, giữa cha
mẹ các em. Tự ép mình vào một đời sống như thế cho đến nay 27 tuổi đầu bỗng
nhiên em thấy mình cô đơn thiệt thòi. Rồi em sẽ chết như thế sao? Chẳng bao giờ
em được giao du đi lại với một người khác. Sao những người con gái bằng tuổi em
hoặc đã lập gia đình, hay ít ra cũng đã yêu một người con trai, với những lá
thư, ít cuộc hẹn hò. Em thì không, không một chút gì để nhớ. Em chờ đợi một lời
ngỏ ra nhưng chẳng bao giờ có cơ hội. Anh có biết là em đã để ý anh từ bao giờ
không, từ rất lâu. Nhưng em rụt rè và thấy khó chịu. Mỗi lần anh đến chơi, gặp
em anh cúi đầu chào chị một cách lễ phép. Ai ngờ người chị đó đang ở nơi này với
anh. Có mấy lần anh đến em muốn anh ngồi lại. Nhưng trông đến đôi mắt lạnh lùng
của anh em lại lo sợ. Đôi mắt sâu và lớn hình như có một sức nào trùm lấy người
em đến bủn rủn. Nhưng em không chịu đựng lâu hơn được nữa. Em đã viết những
dòng chữ cho anh chắc anh ngạc nhiên lắm. Phải không?”[11]. “Giác ngộ” ra
cái sự thể đàn bà, với niềm khát khao quá ư chính đáng. Chung quy, sự thể đàn
là là sự thể người và sự thể tình. Đừng bắt một người đàn bà luận lý và hướng đến
cao vọng của siêu thức. Người đàn bà nghĩa là tình, là đời, là người, … vậy
thôi. Chúng sinh lục giới bởi lục căn lục trần và lục cục lòn hòn không có quyền
bắt đàn bà đức hạnh theo nghĩa lý siêu thức. Đàn bà chỉ yêu thôi, hết sức tự
nhiên và hợp lý. Các ông các bà, thượng hạ con người, thượng thiên đạo đức, chớ
có cà chớn cà cháo phán đoán ước định nữ tính. Vì thiên tính yêu gắn liền bản
thể nữ, rõ ràng!
Nhờ cuộc gặp gỡ thần chết trong lặng
im, bình thản trên nét mặt những não tủy nổi cơn bão tố, hắn – thằng đàn ông –
nhắm mắt thụ động lao vào cuộc tình tuyệt vọng. Hắn lại liên tục run sợ, e ngại,
suy lý viễn vông. Hắn dựa trên những lý lẽ ràng buộc thông thường, lấy điểm
nhìn phổ biến của tâm lý đám đông để bàn luận tình yêu và đánh giá nàng. Sau nữa,
khi thấy người đàn bà tuyệt vọng trở về, hắn chợt thấy nhẹ lòng kinh khủng. Và
thần chết cạn lời với hắn, không nói nổi một lời, vì thấy hắn khốn nạn quá chừng.
Đàn ông cứ tưởng chủ động trong tình yêu, hóa ra, lại rất ư thụ động và yếu nhược.
Từ đây, thần chết sẽ nói. Với ái tình, Đàn ông là phái yếu, Đàn bà là phái mạnh.
Trong khi đàn ông có xu hướng ngã đổ vào vực thẳm tình yêu, tức là không thể cưỡng
lại việc nhào vô kẻ yêu hắn, nhưng hắn sẽ trối chạy, chối bỏ, phủ quyết tình
yêu; trong khi đàn bà không thể cưỡng lại được trái cấm, trái càng cấm lại càng
có hấp lực, và đàn bà lao mình triệt để vào tình yêu, thậm chí muốn dìm đắm
tình yêu ấy trong ngọn lửa xanh vĩnh hằng.
Âm thịnh dương suy, chắc vậy!
Sau vách – Siêu lý của Phi lý.
Vẫn là Dương Nghiễm Mậu, thần chết có
biệt tài đưa nhân vật vào thòng lọng. Thần chết Mậu dẫn tử tù lên đoạn đầu đài,
hoặc lên một giàn thiêu, hoặc lên giá treo cổ. Tự tay, cần mẫn, chu đáo hết biết
… thần chết Mậu đưa nhân vật vào cái chết êm ái. Vì sao lại êm ái? Vì rất tự
nhiên. Vì sao lại tự nhiên ? Vì rất phi lý. Đáng nói phi lý của siêu lý. Siêu
lý vì nó vén mèn cho thấy mọi thứ vốn chẳng khi nào hợp lý. Giữa danh và thực,
giữa thực tướng và hư tướng, giữa giác năng và trí năng, mãi mãi là vết hằn không
thể xóa bỏ, cũng như vực thẳm không thể lấp đầy. Lưu và Nguyệt (với bà mẹ có
râu mép đằng sau vách,) hoàn toàn như mảnh ghép rời mà language game của
tử thần đặt để làm chơi. Cú này, tử thần đã chơi quá tay. Câu chuyện trống rỗng
một cách kỳ lạ.
Lưu đón Nguyệt sau giờ làm – vô
nghĩa.
Nguyệt giữ Lưu lại nhà uống trà giữa
đêm – vô nghĩa.
Lưu kéo Nguyệt hôn lên đôi môi ướt –
vô nghĩa.
Bà mẹ Nguyệt thở than câu nói dĩ vãng
– vô nghĩa.
Mối quan hệ tay ba của mẹ Nguyệt với
cha Nguyệt và bạn thân của ông – cũng vô nghĩa.
Cho tới khi Lưu đường đột bước vào
nhà bởi bất bình Nguyệt sẽ lấy người đàn ông (mà ông này vốn yêu mẹ cô) – vô
nghĩa.
Cho tới chuyện mẹ Nguyệt với người
đàn ông có ria mép kia là một người – vô nghĩa luôn.
“Chính tôi đây, tôi là mẹ của Nguyệt
đây mà. Anh ngạc nhiên sao? Anh đã yêu tôi mà. Dễ chừng anh chưa gặp một người
đàn bà nào có râu hay sao, và anh chưa gặp một người đàn ông nào không râu
sao?”[12]. Thần Mậu chơi đúng nghĩa sự chơi, chẳng vụ lấy mục đích gì cả,
chỉ là chấp vá ngẫu nhiên hoặc chủ ý một cách ngẫu nhiên (chỉ có thần mới biết),
để tạo ra một cảm giác. Cảm giác chưng hửng, chẳng biết chuyện gì xảy ra. Sự
lây lan cảm giác bất an hoang mang trống rỗng tuyệt mù của anh chàng Lưu cho tới
bạn đọc. Trống rỗng tuyệt mù – cảm giác và không khí truyện. Nếu không bám vào
đây, sẽ thấy rằng Dương Nghiễm Mậu là thằng cha ấm đầu.
Phi lý nữa, vì vốn chẳng có cái phi
lý nào. Dương Nghiễm Mậu chỉ tỏ vẻ phi lý, để nhân vật tự lẩn quẩn trong mớ
bong bong phi lý đó. Nguyệt tưởng rằng Mẹ sẽ bắt cô lấy người đàn ông yêu bà.
Lưu tưởng rằng Nguyệt sẽ lấy người đàn ông có ria mép. Mẹ Nguyệt tưởng rằng Lưu
sẽ cưới Nguyệt, còn Lưu với Nguyệt lại rắp tâm trốn chạy vì tình. Gút mắt ở chỗ
mẹ Nguyệt là một người đàn ông. Gút mắt ở chỗ là Lưu tưởng đằng sau vách là mẹ
Nguyệt ốm đau. Gút mắt ở chỗ Nguyệt tưởng mẹ muốn bắt cô lấy người nhân tình của
bà. Như vậy phi lý không phải ở tình thế, không phải ở bối cảnh mà ở chính niệm
tưởng của mỗi con người. Niệm tưởng khởi xuất liên hồi, như sóng cồn dồn dập
điên đảo, đẩy người càng chơi vơi giữa biển lớn không còn bờ bến.
Tập truyện Ngã đạn mỏng
manh biết bao! Ấy vậy mà những ưu tư của Dương tiên sinh thật sự khác thường. Bởi
vậy, bạn đọc thấy những câu chuyện như: Nụ cười, Ví dụ, Ngoài xa, Sau vách,
Trăng xanh, Thiết lộ, Cái xích, … tầm xàm hết sức. Có vẻ chẳng có gì đáng kể. Vấn
đề không nằm ở sự kể, không nằm ở nội dung được kể, không nằm ở chính bản thân
kẻ đang kể, chỉ là cảm thức. Hay nói như Sơ Dạ Hương: ẩn ức siêu hình. Nghĩ
theo cách này, ta có thể nhận ra Ngã đạn của Dương Nghiễm Mậu không
thể đọc kiểu tri nhận, mà phải đọc lối mộng du.
Thứ nữa, sau khi đã mộng du trong ngã
đạn oan nghiệt quá sá thì bạn đọc chắc sẽ nhận ra vấn đề quá chừng vấn đề: NHÂN
TÍNH. Có lẽ một trang viết có thể sống được, khi nó chỉ đơn phương, chân phương
và thành thực bàn chuyện con người thuần túy. Chính vì thuần túy, lắm người có
thể thấy tập truyền hầu như chẳng có tích sự gì đáng theo dõi. Nhưng lẩn khuất
trong ấy, những vấn đề cốt lõi lập thành Nhân Tính, chí ít là những suy nghĩ buộc
người ta phải nghiêm túc nghĩ ngợi về sự lập thành Nhân Tính.
Sự lập thành nhân tính, có bao giờ lỗi
thời. Hôm nay, giữa thời đại dịch bao bủa kiếp người, giữa buổi tao loạn toàn cầu
hóa, NHÂN TÍNH thực sự còn nguy cấp, cần kíp băn khoăn nhiều hơn nữa!.
Tài liệu tham khảo:
– Dương Nghiễm Mậu (1970), Ngã đạn (tập
truyện), Nguyệt san Tân Văn số 25 (5/1970).
– Martin Heidegger (1973). Hữu
thể và thời gian II (Trần Công Tiến dịch), Quê Hương xuất bản,
Saigon.
Chú thích:
[1] Dương Nghiễm Mậu (1970), Ngã đạn (tập truyện), Nguyệt
san Tân Văn số 25 (5/1970), Saigon, tr.15.
[2] Dương Nghiễm Mậu (1970), Ngã
đạn (tập truyện), Nguyệt san Tân Văn số 25 (5/1970), Saigon, tr.23.
[3] Dương Nghiễm Mậu (1970), Ngã
đạn (tập truyện), Nguyệt san Tân Văn số 25 (5/1970), Saigon, tr.28.
[4] Dương Nghiễm Mậu (1970), Ngã
đạn (tập truyện), Nguyệt san Tân Văn số 25 (5/1970), Saigon, tr.29.
[5] Dương Nghiễm Mậu (1970), Ngã
đạn (tập truyện), Nguyệt san Tân Văn số 25 (5/1970), Saigon, tr.34.
[6] Dương Nghiễm Mậu (1970), Ngã
đạn (tập truyện), Nguyệt san Tân Văn số 25 (5/1970), Saigon, tr.36.
[7] Dương Nghiễm Mậu (1970), Ngã
đạn (tập truyện), Nguyệt san Tân Văn số 25 (5/1970), Saigon, tr.34.
[8] Dương Nghiễm Mậu (1970), Ngã
đạn (tập truyện), Nguyệt san Tân Văn số 25 (5/1970), Saigon, tr.40-41.
[9] Dương Nghiễm Mậu (1970), Ngã
đạn (tập truyện), Nguyệt san Tân Văn số 25 (5/1970), Saigon, tr.42-46.
[10] Worldhood=mondanéité=weltlichkeit.
Heidegger, M. (1973). Hữu thể và thời gian II (Trần Công Tiến dịch). Saigon:
Quê Hương xuất bản.
[11] Dương Nghiễm Mậu (1970),
Ngã đạn (tập truyện), Nguyệt san Tân Văn số 25 (5/1970), Saigon, tr.60.
[12] Dương Nghiễm Mậu (1970),
Ngã đạn (tập truyện), Nguyệt san Tân Văn số 25 (5/1970), Saigon, tr.80.
Sài Gòn, 22/2/2022
Võ Quốc Việt
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét