Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Tâm thức văn hóa Việt trong một thời tôi từng có của Nguyễn Huy Hoàng

Tâm thức văn hóa Việt trong một thời
tôi từng có của Nguyễn Huy Hoàng

Thơ Nguyễn Huy Hoàng là thơ để bày tỏ tâm cảm của người trong cuộc, ông không nói hộ ai, ông chỉ nói cho chính tiếng gọi vang lên từ sâu thẳm trái tim mình và những người thân yêu, gắn bó máu thịt với cuộc đời ông. Hành trình sống với những đớn đau trong thân phận lưu đày để kiếm tìm giá trị đích thực của bản thể đã làm nên giá trị của Một thời tôi từng có; Sức thuyết phục của thơ Nguyễn Huy Hoàng chính là ở đó...
1. Không phải ngẫu nhiên, nhà thơ Đỗ Trung Quân trong bài thơ Quê hương nổi tiếng của mình đã khẳng định một điều tưởng rất đỗi bình thường nhưng lại rất thiêng liêng:
“Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ...”
Nỗi nhớ quê hương - tâm thức văn hóa bất biến này cũng là dòng ý thức thấm đẫm lặng lẽ chảy hoài trong thơ Nguyễn Huy Hoàng, một nhà thơ xa xứ nhưng tấm lòng lúc nào cũng đau đáu một nỗi ám ảnh về đất nước… Thơ Nguyễn Huy Hoàng, vì thế là thơ của những nỗi “sầu vạn cổ”, của những niềm trắc ẩn trong tâm cảm của những người con nước Việt phải sống tha hương, là những cảm xúc bi uất trước thế sự trái ngang. Song, xuyên suốt hành trình thơ của Nguyễn Huy Hoàng, ta nhận thấy hình tượng nhân vật trữ tình giãi bày tâm trạng, nỗi niềm, dù có thể là yếu đuối, mong manh trước vũ trụ vô thủy, vô chung, nhưng không hề tuyệt vọng. Đọc Một thời tôi từng có (Nxb. Văn học – TT Ngôn ngữ văn hóa Đông Tây, H. 2012) của Nguyễn Huy Hoàng, người đọc được chia sẻ cùng nhà thơ những khoảnh khắc cảm xúc được đẩy đến tận cùng, đó là nỗi niềm nhớ thương quê nhà của một người Việt xa xứ. Và đây chính là phẩm tính đã làm nên linh hồn của tập thơ. Trong nỗi đau ly quê, tâm thức văn hóa Việt trỗi dậy mạnh mẽ. Với lối viết không kiểu cách, màu mè, không chạy theo những cách tân về hình thức, chỉ diễn tả chân mộc những ý tưởng của mình, Nguyễn Huy Hoàng đã cháy hết mình với mỗi câu thơ để từ đó truyền lửa cho bạn đọc. Hình ảnh quê hương, đất nước – nơi ra đi và cũng là nơi để trở về của mỗi con người hiện lên trong Một thời tôi từng có như những thước phim đầy ấn tượng, làm lay động lòng người.
2. Xưa nay, trong tâm thức người Việt Nam, dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu thì ký ức văn hóa về nguồn cội luôn là sợi dây thiêng liêng, bền chặt, neo giữ mỗi người với dân tộc, với đất nước, quê hương. Và đây là một cảm hứng chủ đạo trong tập thơ Một thời tôi từng có của Nguyễn Huy Hoàng. Dấu ấn giá trị văn hóa Việt, vì thế, ta có thể thấy hiện hữu ở nhiều thi phẩm: Người Việt, Tết xa quê, Tiếng gọi, Dành cho con, Cố hương, Đêm cuối năm, Bên bờ Ban tích, Trong hồn ngọn gió heo may, Hoài niệm cố hương, Ngơ ngác, Nỗi nhớ tháng ba, Chùm hoa râm bụt, Với mẹ, Nước Nga, Tết này lại nhớ xưa… Đó là những bài thơ mà người đọc có thể tìm thấy những hoài niệm về con người, cảnh vật, phong tục, tập quán, sinh hoạt lễ hội,… ở làng quê Việt giàu tính nhân văn, mà lúc xa quê mỗi khi nghĩ về nó ta không khỏi cảm thấy nao lòng để rồi thảng thốt  lặng chìm trong câu thơ của Huy Cận: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà!” (Tràng giang)
Trong thơ Nguyễn Huy Hoàng, hình ảnh những người Việt xa quê để tìm đường mưu sinh nơi xứ người luôn mang theo trong hành trang của mình cả bầu trời văn hóa Việt mà khoảng cách không gian và thời gian không thể xóa nhòa. Trong cảm nhận của nhà thơ, văn hóa Việt trước hết được thể hiện ngay trong phẩm chất của những người Việt Nam “thứ thiệt”
Tôi là người Việt Nam thứ thiệt/ Từ màu da, đến vóc dáng, cách nhìn;
(Người Việt)
Đó là những con người sống có bản lĩnh và tự trọng, “dòng máu Đại Việt ngàn năm ẩn náu tiềm tàng trong sự lam lũ, chịu khó, chịu thương, chảy âm thầm nhưng mãnh liệt” (1).
Lòng nhẫn nhục trước bao điều ngang trái/ Mặt đẫm tràn nước mắt, vẫn bao dung
(Người Việt)
Tâm thức văn hóa Việt trong Thơ Nguyễn Huy Hoàng được kết tinh từ những trải nghiệm đắng cay của kiếp người, là sự nghiệm sinh từ những mất mát tê dại, đớn đau... vì thế những gì thi nhân trải lòng tuyệt nhiên không phải là thứ ngôn ngữ màu mè, hời hợt mà tất cả đều được xuất phát từ tâm cảm của thi nhân. Đó là nỗi niềm riêng ứa máu của người cha tha hương nhớ thương con trong khổ nạn chia lìa:
Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng Chín/ Gió thay chiều, đổi hướng những rừng cây/ Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng/ Con ở đâu trên cõi nước Nga này?
(Linh cảm)
... Ai hiểu được mảnh lòng riêng ứa máu/ Con nơi nào mà ba vẫn ngồi đây?
(Dành cho con)
Là nỗi nhớ hình bóng những người thân yêu “nơi xóm vắng” quê nhà, mà hình bóng người cha như một dấu lặng của tâm cảm ấy để khi câu chữ vang lên lòng người không khỏi xót xa:
Lòng man mác nỗi niềm nơi xóm vắng/  Bóng cha già lau hương án gia tiên
(Tết xa quê)
Bên cạnh hình ảnh cha già, trong tập thơ, chúng ta còn thấy sự hiện hữu của bóng dáng người Mẹ với nỗi nhớ thê thiết. Như muôn vàn đứa con khác, nhà thơ luôn coi Mẹ là điểm tựa vững chắc cho cuộc đời đầy giông bão, phiêu bạt muôn nẻo của mình, Mẹ là niềm an ủi, là nơi cho con tìm thấy sức mạnh, niềm tin. Hình ảnh bà mẹ Việt hiện lên trong thơ của Nguyễn Huy Hoàng luôn khiến người đọc thương cảm, xúc động:
Mẹ lúi húi canh chừng bên bếp lửa/ Nghe bước chân, thấp thỏm qua thềm/… Sau cửa sổ, mịt mờ mây xứ tuyết/ Bếp lửa hồng, dáng mẹ quá xa xôi…
(Tết xa quê)
“Mẹ hiền tần tảo” và “bếp lửa hồng” – hai hình ảnh thân yêu, gần gũi luôn là nỗi ám ảnh trong tâm thức thi nhân. Đó cũng là một biểu tượng đẹp đẽ của văn hóa Việt. Mẹ trong tâm thức người Việt Nam không chỉ là người Mẹ cụ thể trong mỗi gia đình Việt mà còn là hình ảnh của Đất Nước, của Tổ Quốc, của Dân Tộc... Cho nên người Việt Nam mới gọi Tổ Quốc là Mẹ Việt Nam, và gọi quê hương là Đất mẹ, Quê mẹ... Đây cũng là một dấu ấn sâu đậm có từ trong văn hóa của người Việt mà hình ảnh Mẹ Âu Cơ là cội nguồn của văn hóa ấy. Vì thế, có người con nào đi xa lại không khát khao được về bên mái ấm gia đình cùng mẹ! Mẹ - đó là nơi bến đỗ bình yên nhất cho mỗi người sau bão giông số phận, lăn lộn mưu sinh giữa cuộc đời đầy cạm bẫy và bả hư danh:
... Con chẳng dám than thân cùng trách phận/ Mặc thế gian vinh hiển với sang giàu/ Chỉ xin được bình yên ngồi bên mẹ/ Cời than hồng cháy đỏ những đêm thâu
(Với mẹ)
Trong hình dung của nhà thơ, dáng mẹ bé nhỏ, cô đơn khi phải xa những đứa con mình mang nặng đẻ đau, mẹ luôn ngồi đó lặng lẽ, mỏi mòn, thấp thỏm đếm từng ngày ngóng chờ tin con nơi xứ người xa xôi biền biệt,… Hơn một lần trong thơ Nguyễn Huy Hoàng người đọc bắt gặp nỗi niềm âm thầm tự dằn vặt của một người con xa mẹ, thấy như có lỗi với người đã sinh thành ra mình:
Con chưa thể trở về thăm mẹ/ Trái tim đau, vết sẹo đỏ không lành
(Tết xa quê)
Rồi con biết nói thế nào với mẹ/ Khi bước chân dừng lại trước hiên nhà/… rồi con biết nói thế nào với mẹ/ Với quê hương về những vết thương lòng…
(Với mẹ)
Chữ “hiếu” chưa tròn khiến con luôn day dứt, trăn trở…nhưng hành trình của cuộc đời con vẫn phải tiếp tục trên con đường thăm thẳm…và mẹ luôn bên con để con “chưa gục ngã trước bão giông số phận”. Tình mẫu tử thiêng liêng tự ngàn đời vốn là nét văn hóa đẹp luôn ngự trị trong sâu thẳm tâm hồn người Việt, thông điệp vang lên từ những vần thơ của Nguyễn Huy Hoàng đã góp phần tô đậm, làm đẹp hơn nét văn hóa ấy. Và rộng hơn, từ nỗi nhớ những người ruột thịt thân yêu trong gia đình, nhà thơ cảm thấy mình mắc nợ với mảnh đất nơi đã “lầm than mang nặng, đẻ đau tôi”, nơi dìu dắt ông những bước đi chập chững ban đầu, trong ý thức của nhà thơ đó là món nợ tình nghĩa mà cả đời có lẽ chẳng bao giờ trả hết:
Con mang nợ với đường làng, ngõ xóm/ Nơi cho con chập chững bước ban đầu/ Với ruộng lúa nồng nàn mùi đất ải/ Với mảnh vườn ngan ngát nở hoa cau./ Con mang nợ với bà con cô bác/ Những người thân chưa đủ bát cơm đầy/ Với bè bạn bỏ mình nơi trận mạc/ Miền vĩnh hằng vắng cả khói hương bay
(Với mẹ)               
Giản dị chân mộc và ám ảnh – đó là nét riêng làm nên chất thơ trong phong cách Nguyễn Huy Hoàng. Những câu thơ rưng rưng tự đáy lòng đưa chúng ta về dải đất miền Trung đầy nắng gió với những con người nghèo khó, lam lũ, vất vả nhưng sâu nặng ân tình. Trong nỗi nhớ quê hương đau đáu, những hình ảnh thân thương nhất nhưng cũng khiến lòng người nhức nhối, xót xa thương cảm nhất ào ạt đổ về :
Đất quê hương cháy sém mảnh lưng trần/ Thổi ào ạt gió Lào qua đồi cỏ/ Thẫm như máu những vệt đường đất đỏ/ Gió tung hoành, rát bỏng lưỡi gươm khô
Vườn bạc màu, quả héo hắt trên cây/ Như hạt lúa sống còn qua nắng hạn/ Người lầm lũi quen âm thầm chịu đựng/ Gió vô hồi, khốc liệt suốt miền Trung…
(Bên bờ Bantích)
Từ làng quê nghèo khó ra đi lập nghiệp ở phương trời xa lạ, với trải nghiệm hành trình sống đầy gian truân nơi xứ người, tác giả càng thấm thía, trân quý, nâng niu những gì bình dị, gắn bó với mảnh đất nơi mình cất tiếng khóc tiếng chào đời. Chính tác giả đã chia sẻ “dù đi đến nơi đâu thì nỗi nhớ thương nước Việt vẫn luôn sâu thẳm ở trong lòng” (2). Có phải thế chăng nên không gian làng quê đậm chất văn hóa Việt vốn có tự ngàn xưa đã từ lâu trở thành máu thịt, lắng đọng sâu trong tâm thức của nhà thơ để từ đó bật lên bao nỗi niềm khắc khoải:
Đâu rồi, bếp rạ, mái tranh/ Đâu rồi, lối ngõ uốn quanh xóm nghèo?/ Sân đình, giếng nước trong veo
Cây đa đêm hội, trăng treo. Đâu rồi?/ Tìm đâu ra giữa quê người/ Cỏ xanh đầu bãi, chiều phơi nắng vàng/ Rặng tre nghiêng xuống giếng làng/ Bóng ai xõa tóc, trăng loang vai mềm 
(Tiếng gọi)
Bếp rạ, mái tranh, sân đình, giếng nước, cây đa, rặng tre,…chỉ cần nhắc đến những hình ảnh thân quen, giản dị, mộc mạc này, bạn đọc có thể liên tưởng đến một không gian văn hóa độc đáo của người Việt. Xưa nay, trong mọi hoàn cảnh, cho dù đi đâu, về đâu bất cứ người Việt Nam nào cũng lưu giữ, ấp ủ nơi trái tim mình những hình ảnh rất đỗi thiêng liêng ấy; Đó là nơi kết tinh những giá trị trong đời sống tinh thần của dân tộc, là nơi để tâm hồn ta trú ngụ, chia sẻ vui buồn với cộng đồng, nơi gặp gỡ và đợi chờ của tình yêu, là nguồn sống để tiếp sức mạnh cho con người mỗi khi mệt nhoài ngã gục trên hành trình kiếm tìm bản thể trong thân phận của kiếp lưu đày… Và chỉ có thể xuất phát từ một tấm lòng đồng cảm sâu sắc về thân phận như thế, nhà thơ mới nghe thấy trong hồn mình tiếng gọi thê thiết của quê hương từ tiếng ru vọng về trong những câu ca dao “gừng cay, muối mặn” đầy tính  nhân văn vốn là một phẩm tính của văn hóa Việt:
Tấc lòng non nước, cố hương/ Tiếng ru sâu lắng, buồn thương vơi đầy/ Những là muối mặn, gừng cay/ Đói nghèo đeo đẳng luống cày ngàn năm…
(Trong hồn ngọn gió heo may)
Có thể nhận thấy rõ chất liệu văn hóa dân gian được Nguyễn Huy Hoàng sử dụng xây dựng hình tượng thơ một cách sáng tạo và nhuần nhuyễn, nhuần nhuyễn đến độ tinh tế nhưng vẫn rất giản dị, tự nhiên. Sự xuyên thấm hài hòa giữa chất liệu văn hóa mang đậm chất dân gian và lối diễn đạt chân mộc, biểu cảm đã làm nên giá trị thẩm mỹ sâu sắc trong Một thời tôi từng có.
Bên cạnh đó, trong tập thơ nhiều khi người đọc còn bắt gặp những nét văn hóa tâm linh thiêng liêng của làng quê Việt, và nét văn hóa độc đáo ấy đã theo chân những người con nước Việt đi tha hương như một phần máu thịt trong cuộc đời của họ và nó luôn ám ảnh tâm thức họ:
Xa ngàn dặm vẫn bày mâm cỗ Tết/ Bánh chưng xanh, nậm rượu nếp quê nhà/ Mâm ngũ quả, khói hương thờ nghi ngút/ Lịch bên tường, đào thắm đỏ sắc hoa
(Tết xa quê)
Đêm xa nhà, trong những giấc mơ tôi gọi thầm tiếng Việt/ Bàn thờ tổ tiên ngự nơi trang trọng giữa nhà
(Nước Nga)
Dẫu biết rằng:
Có tất cả nhưng làm sao có Tết/ Xung quanh con xa lạ nước non người
(Tết xa quê)
Song, có lẽ đằng sau mâm ngũ quả, ban thờ, khói hương,…là cả một tấm lòng hoài niệm, trân trọng hướng về những giá trị tinh thần ngàn đời không thể mất. Ở đây có thể thấy rất rõ sức mạnh của văn hóa dân tộc tựa như thần dược cứu rỗi tinh thần con người, nhất là khi con người đối diện hoàn cảnh cô đơn, bi kịch. Trong Một thời tôi từng có người đọc không bắt gặp nhiều những câu thơ tài hoa biến ảo nhưng lại bắt gặp “không ít những chi tiết của hiện thực đời sống chạm khía được vào kinh mạch bản chất của lòng người” (3). Cố hương yêu dấu lưu lại trong tâm khảm nhà thơ với biết bao hình ảnh bình dị, gắn bó thân thuộc, và càng gắn bó thân thuộc bao nhiêu thì khi xa lại càng khiến lòng người khao khát, khắc khoải bấy nhiêu:
Thèm hơi ngọn gió mùa màng/ Đồng sau vụ gặt, óng vàng rạ rơm/ Cá đàn quẫy động ao chuôm
Gà trưa đánh thức khu vườn nắng hanh/ (...) Lá rơi xao xác chân thềm/ Như rơi vào giữa nỗi niềm cố hương…
(Cố hương)
Những âm thanh, mùi hương rất riêng của quê nhà từ tiềm thức sống dậy, tình cảm, nỗi niềm tràn trên trang giấy - đó là cả một thế giới xôn xao kỷ niệm:
Giá được nghe tiếng guốc gỗ trên đường/ Trái bưởi rụng sau vườn kêu lộp bộp,/… Giá được thở mùi khói tro nồng đượm/ Gió cuối ngày phảng phất đụn rơm khô,/… Giá được ngửi hăng hắc mùi cỏ đắng
Vại dưa cà quen thuộc thoảng men chua!
(Đêm cuối năm)
Tiếng guốc gỗ, tiếng trái bưởi rụng sau vườn, mùi khói rơm, mùi hăng hắc của cỏ đắng, mùi men chua của dưa cà…  những điều tưởng chừng vô cùng bình dị, thậm chí tầm thường, bé nhỏ và trong cõi vô thường dễ bị chìm vào mênh mang quên lãng, vậy mà khi xa xôi ngàn dặm, khi nó chỉ còn trong ao ước, trong giấc mơ… bỗng lại trở nên thiêng liêng nhường ấy... Nó chỉ là ký ức nhưng là ký ức mang sức nặng văn hóa dân tộc, là nguồn tiếp thêm sức mạnh tinh thần để những ngày ly quê mỗi người luôn tự nhủ lòng mình dẫu “sống âm thầm, vai nặng gánh/ đi muôn nơi vẫn nhớ đến cội nguồn”, và không gục ngã trước đòn roi số phận, giữ gìn nhân cách, phẩm hạnh, ngẩng cao đầu mà sống giữa xứ người: “Áo dẫu sờn, vẫn biết trọng đường kim” ( Người Việt).
Từ trong nỗi niềm sâu thẳm nhất của người con nước Việt xa quê hương, đúc rút từ muôn vàn trải nghiệm đắng cay tủi cực của cuộc đời, thông điệp mang tính triết luận đầy giá trị nhân văn vang lên từ những câu thơ của Nguyễn Huy Hoàng luôn cảm hóa người đọc có lẽ bởi thi nhân đã chạm đến được những điều có thể nhiều người đã nghĩ đến nhưng không dễ cất nên lời…
3. P. Reverdy từng nói: “Nhà thơ gần như chỉ sống bằng cảm giác, hướng lên ý tưởng và rốt cuộc, chỉ bày tỏ những tâm tình”. Thơ Nguyễn Huy Hoàng là thơ để bày tỏ tâm cảm của người trong cuộc, ông không nói hộ ai, ông chỉ nói cho chính tiếng gọi vang lên từ sâu thẳm trái tim mình và những người thân yêu, gắn bó máu thịt với cuộc đời ông. Hành trình sống với những đớn đau trong thân phận lưu đày để kiếm tìm giá trị đích thực của bản thể đã làm nên giá trị của Một thời tôi từng có; Sức thuyết phục của thơ Nguyễn Huy Hoàng chính là ở đó. Xuyên suốt Một thời tôi từng có là ký ức sâu đậm về Mẹ hiền và Quê hương. Đây cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo, là những điểm nhấn tỏa sáng cả tập thơ và neo lại trong lòng người đọc những cung bậc tha thiết nhất về tình đời, tình người.
Phải chăng cũng từ thành công của tập thơ, tác giả đã góp tiếng nói khẳng định một thông điệp nhân sinh đầy tính nhân bản như một hằng số văn hóa: Cội nguồn dân tộc, quê hương bao giờ cũng là điểm tựa, là niềm tin vững chắc nhất cho con người để vượt qua tất cả thử thách của số phận, sống và đối diện với tận cùng hạnh phúc, khổ đau và mất mát… 
Chú thích:
(1), (2). Nguyễn Huy Hoàng, 2012, Một thời tôi từng có, Nxb. Văn học – TT Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, HN, tr. 8,9.
(3). Lê Huy Mậu, Về cùng nước Việt của ta (Đọc Canh ngọn đèn đợi sáng của Nguyễn Huy Hoàng) http://nguoibanduong.net/.
15/4/2016
Cao Thị Hồng
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...