Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Trương Anh Quốc: Thiếu phụ

 Trương Anh Quốc: Thiếu phụ

Tôi là một bác sĩ đa khoa. Ngoài tám tiếng hành chánh ở bệnh viện, tôi về làm tại phòng mạch đến mười một giờ đêm. Người ta nói làm thêm chứ với tôi, nếu xét về thời gian, ở bệnh viện là ưu tiên một; nếu hiệu quả công việc và thu nhập, phải nói phòng mạch tư. Mở phòng mạch tư là làm thêm thì tám mươi phần trăm bác sĩ ở ta lấy làm thêm nuôi việc làm chính.
Tôi mở phòng mạch đã mười một năm. Bệnh nhân đến khám chữa bệnh rất đông, nhất là những ngày cuối tuần. Tôi đặt một chiếc máy in số thứ tự trước cửa, thêm mấy hàng ghế để khách ngồi chờ coi ti vi. Mỗi ngày mấy tờ nhật báo, tạp chí. Bình nước nóng lạnh luôn được đổ đầy. Trà xanh, cà phê miễn phí.
Buổi sáng, một thiếu phụ đến bốc số, ngồi ở góc phòng chờ. Thiếu phụ nổi bật hẳn. Mũi cao da trắng tóc búi cao. Đôi mắt sáng nhưng có nét hơi buồn. Thân hình quá gầy so với những phụ nữ trạc tuổi ấy. Chốc chốc thiếu phụ ngủ gật, giật mình dụi mắt.
Đến lượt, thiếu phụ bước lại. Dáng đi uyển chuyển nhẹ nhàng quý phái. Tôi mời cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện.
– Cô đau ở đâu?
– Thưa bác sĩ, chồng của tôi bệnh ạ.
Hàm răng hạt dưa trắng lóa đều tăm tắp. Nhân trung sâu, môi cắn chỉ đỏ thắm tự nhiên. Chưa bao giờ tôi gặp một người phụ nữ xinh đẹp đến vậy.
– Thế chồng cô ở đâu?
– Anh ấy đang nằm ở nhà ạ.
– Sao cô không đưa anh ấy lên đây?
– Dạ, bệnh nặng lắm không thể đi được. Phiền bác sĩ đến nhà khám giùm cho một lần được không ạ?
Lời thiếu phụ chậm rãi rõ ràng, trong veo. Gương mặt phúc hậu thoáng cười, đôi mắt cầu khẩn van lơn. Tôi ghi địa chỉ vào cuốn sổ nhỏ, hẹn chiều sẽ đi.
Thiếu phụ dắt xe ra về. Tất cả bệnh nhân đang coi ti vi, đọc báo đều ngước nhìn. Tôi cũng nhìn theo cho đến khi thiếu phụ đạp xe hòa vào dòng người ùn ùn.
Cả ngày hôm ấy, đôi mắt cứ thiêu đốt ruột gan tôi. Linh tính mách bảo có điều chẳng lành. Từng cử chỉ, dáng đi của thiếu phụ chứa nhiều bí ẩn. Tôi muốn đóng cửa phòng mạch nghỉ sớm nhưng khách quá đông. Không thể để họ ra về khi họ chưa biết rõ bệnh tình. Tâm lý tốt sẽ mau lành bệnh hơn. Hôm ấy, tôi làm luôn cả buổi trưa.
Chiều, tôi chạy xe máy ra một quận vùng ven. Tiếng loa gọi yến về léo nhéo liên hồi nhức óc. Mây đen kéo về. Mấy cánh én chấp chới bay. Đang nắng đó bỗng đổ mưa. Vào mùa này trời chợt mưa chợt nắng. Mưa quất vào mặt, rát buốt. Bóng tối sụp xuống rất nhanh. Đường đất hục hang, nhá nhem.
Thiếu phụ che dù ra ngõ, đón tôi vào nhà. Nói nhà chứ chỉ là một túp lều rách nát. Một cái chái thì đúng hơn. Tấm bạt cũ căng phía tường sau một ngôi nhà bỏ hoang, thủng lỗ chỗ. Bốn vách quây bằng bạt xanh bạc màu, te tua. Bóng đèn hai U giữa nhà đen đầu, tù mù.
Nước dột từ trên mái. Tôi đứng né ra một chút, giẫm phải chỗ nền đất mềm nham nhem. Lẽ ra tôi không nên mang giày. Tôi mang đôi giày mới bước vào một túp lều rách nát nên lóng nga lóng ngóng. Giấu đôi chân vào chỗ bóng tối, tôi vướng phải chiếc thau nhựa. Nước tràn ra nền lênh láng.
Nước tiểu? Tôi nheo mắt nhìn quanh. Có đến mấy chiếc thau như thế đặt trên nền nhà hứng nước. Nước giột tong tong, văng tung tóe.
Trong thành phố này, nhà cao tầng thi nhau mọc lên chỉ để nuôi yến, người thì mơ một túp lều lành lặn che mưa cũng không có.
Minh họa của Thúy Hằng
Một người nằm trên giường treo mùng. Một bộ khung xương thì đúng hơn. Thoi thóp thở. Tôi mím chặt môi, chưa biết hỏi thế nào cho phải. Thiếu phụ nhấc chiếc ghế nhựa, lấy khăn lau qua, đặt ra chỗ nền ráo:
– Bác sĩ đến thật đúng hẹn. Mời bác sĩ ngồi ạ.
– Cảm ơn chị.
Tôi đưa tay đỡ lấy. Chiếc ghế chỉ có ba chân. Chắc lâu rồi nhà không có khách. Tôi kê phía chân gãy vào giường, ngồi hờ cho khỏi ngã.
– Anh nhà bệnh bao lâu rồi chị?
– Ảnh bị tai biến do tai nạn giao thông. Thêm bệnh gan, thận, dạ dày và liệt… Nhiều bệnh lắm bác sĩ ạ.
Khung xương bất động, chỉ có đôi mắt thao láo. Mắt nghề nghiệp, tôi dám chắc người đàn ông nằm một chỗ chí ít cũng hơn mười năm rồi. Lông mi, lông mày, tóc đã rụng hết. Vầng trán cao to bất thường. Khuôn mặt sáng ngời hạnh phúc. Phải được chăm sóc kỹ lắm thần sắc người bệnh mới như vậy. Liệt toàn thân, vệ sinh một chỗ nhưng thân thể vẫn sạch sẽ. Căn nhà không có chút mùi hôi.
Hốc mắt đã sụp, lưỡi gần thụt vào trong. Bệnh thế này, bệnh viện trả về thì tôi cũng sẽ bó tay thôi. Lương tâm của nghề y, tôi phải cười. Tôi phải trấn an không để người bệnh và thân nhân tuyệt vọng. Theo kinh nghiệm của mình, trừ những bệnh nan y thì bảy mươi phần trăm các bệnh thông thường không cần thuốc đều tự khỏi. Thuốc có chức năng đề kháng vừa có tác dụng an thần.
Tôi cầm cổ tay người bệnh. Lạnh ngắt như một cái xác. Mạch chậm và yếu lắm. Tôi vỗ nhè nhẹ vào vai dỗ dành như muốn nói ăn nhiều chóng khỏe. Tôi sẽ về lấy ít thuốc bổ mang đến. Sự sống của anh ta chỉ tính bằng ngày…
Chú chuồn chuồn đập cánh xòe xòe phá tan không gian im ắng. Chú thằn lằn từ góc bò ra giữa vách rình mồi. Một tấm bảng con treo ở vách. Tò mò, tôi bước lại gần. Tấm bìa được dán giấy vở học trò thẳng thớm với những con chữ nắn nót. Trẻ con tập viết? Trẻ con không thể viết chữ đẹp đến thế. Rõ ràng nét chữ của người lớn: “Ăn”, “Uống”, “Tắm”, “Thay đồ”… Những chữ thiết yếu nhất trong việc ăn uống vệ sinh thân thể hằng ngày. Việc nào thường xảy ra, chữ ấy ở giữa bảng. Những chữ ở ngoài cùng là những việc có xác suất thấp hơn. Cách sắp xếp như vậy, người bệnh dễ nhìn, đôi mắt sẽ đỡ mỏi.
Anh chồng nhìn vợ. Thiếu phụ liền nói với tôi:
– Xin lỗi, nhờ bác sĩ ra ngoài cho một chút!
– Vâng!
Tôi lại gần cửa. Gió thổi vù vù. Ngoài vườn mưa vẫn rơi lộp độp.
Thiếu phụ nhấc tấm bìa, nhẹ nhàng ngồi xuống bên giường. Một tay cầm bìa, tay kia chỉ vào những con chữ tròn đã viết sẵn.
Người chồng chớp mắt. Thiếu phụ treo tấm bìa lại chỗ cũ, đi lấy giẻ. Khẽ nhấc phần thân dưới mềm oặt, trải giẻ bên dưới. Tôi quay mặt ra phía trời tối, lén bịt mũi nín thở. Thiếu phụ vẫn tự nhiên như không. Việc này cô làm hàng ngày.
Thì ra tấm bảng là phương tiện giao tiếp. Những ai chứng kiến cảnh này mới thấy chữ viết quý là dường nào. Thiếu phụ đã nghĩ ra cách giao tiếp giản đơn lại hiệu quả. Nhờ tấm bảng, công việc của cô chủ động và nhẹ nhàng đi biết bao nhiêu.
Anh chồng lại chớp mắt. Cầm tấm bìa ngồi cạnh chồng, thiếu phụ chỉ tay vào người chồng, chỉ vào chữ ở chính giữa tấm bìa rồi chỉ vào ngực mình. Đúng bốn lần như thế. Động tác liên hoàn được lặp lại đúng trình tự.
Chữ này nguệch ngoạc và quá mờ, xấu hơn cả chữ bác sĩ kê toa. Tôi cố nghiêng đủ kiểu nhưng cũng không đọc được, đành phải hỏi:
– Chữ gì vậy chị?
Thiếu phụ che mặt cười bẽn lẽn. Tôi hỏi lại lần thứ hai, thiếu phụ mới trả lời:
– Dạ, chữ… “yêu”.
Tôi mím môi để không cười thành tiếng. Chữ “yêu” viết thư pháp! Chắc chị mắc cỡ, viết thế để chỉ có hai vợ chồng biết. Nửa thật nửa đùa, tôi hỏi khẽ:
– Đau ốm thế này “yêu” sao được?
– Không phải “chuyện ấy”! Bác sĩ biết viết chữ ấy khó thế nào không? Tay chân ảnh không động đậy. Ảnh diễn tả nhưng tôi không sao hiểu được. Mọi thông tin trao đổi bằng đôi mắt. Chỉ có đôi mắt. Chớp mắt là đồng ý còn cứ mở mắt là không. Thương anh, tôi cứ viết. Mỗi lần viết không đúng, trông mắt ảnh buồn lắm. Vợ chồng đầu gối tay ấp, có một chữ cũng không đoán ra.
Ngày ngày, tôi vẫn viết. Tưởng chừng đã hết cả chữ. Tôi khóc đến hết nước mắt. Vô vọng. Tôi ôm cả thân thể bé bỏng của anh vào lòng. Thương chồng quá đi thôi. Giá như anh còn khỏe. Yêu anh vô ngần… Tay tôi run run viết từ “yêu” hú họa. Và, mắt anh chớp liên hồi. Có lần, tôi làm hiệu “em yêu anh” nhưng ảnh không chịu. “Anh yêu em”, phải chỉ đúng tim, mắt ảnh mới chớp.
Tôi quay mặt ra cửa, đằng hắng để giấu cảm xúc của mình.
Không lâu sau, chồng thiếu phụ mất.
Thiên hạ thường nói, trái tim bác sĩ ít dùng đến nên còn nguyên vẹn. Bao năm, tôi thèm một mái ấm gia đình. Tôi vẫn thường đến thăm túp lều ấy. Đã hơn năm năm rồi, tôi vẫn không từ bỏ mơ ước của mình…
5/11/2019
Trương Anh Quốc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...