Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Thơ Nguyên Sa và phái đẹp

Thơ Nguyên Sa và phái đẹp

Khi Nguyên Sa làm thơ, chắc chắn ông không chỉ hướng đến thể hiện người phụ nữ hay chỉ để viết về người yêu, người vợ của mình. Cảm hứng về phái nữ trong thơ ông có xuất phát từ tình yêu cá nhân, nhưng còn bao gồm cả tinh thần thời đại…
1. Có nhiều lý do để yêu mến, nhớ và viết về Nguyên Sa. Thứ nhất vì thơ Nguyên Sa hay. Tồn tại hơn nửa thế kỷ qua, thơ Nguyên Sa vẫn có sức hấp dẫn, khơi gợi nhiều vấn đề cần giải mã, cắt nghĩa. Thứ hai, trong lịch sử tiếp nhận văn học, Nguyên Sa thuộc số ít những nhà thơ, mà tác phẩm có sức lan tỏa, đến với số đông nhanh và mạnh nhất. Thơ Nguyên Sa có nhiều bài được phổ nhạc và nhiều người yêu thích. Không chỉ giai đoạn trước 1975 mà cho tới nay, vẫn có nhiều người gắn bó và yêu thơ Nguyên Sa. Thứ ba, đề tài tình yêu trong thơ Nguyên Sa mang đến một cảm quan mới, một tinh thần triết mỹ mới ít nhiều gây thương nhớ cho thơ ca Việt Nam.
Trong các công trình nghiên cứu và bài viết đã có về Nguyên Sa như Văn học miền Nam của Võ Phiến(1), Văn học miền Nam 1954 – 1975 của Nguyễn Vy Khanh(2), Mười gương mặt văn nghệ sĩ hôm nay của Tạ Tỵ(3), … các bài viết của Thụy Khuê(4), Viên Linh(5), Trần Văn Nam(6), Liễu Trương(7),… đều khá tương đồng khi đánh giá Nguyên Sa là một trong các nhà thơ tiêu biểu của giai đoạn 1954 – 1975 ở miền Nam, đều nhấn mạnh đề tài tình yêu là phần nổi trội nhất của Nguyên Sa. Trong Từ điển văn học bộ mới, mục về Nguyên Sa, tác giả T. Khuê viết: “Nguyên Sa được ngưỡng mộ như một nhà thơ. Một nhà thơ tài hoa và thơ mộng” (8). Tuy nhiên, cái khác biệt của Nguyên Sa không chỉ là đề tài tình yêu mà là ở cái nhìn mới, một quan niệm mới về phái tính nữ, người phụ nữ. Đó không chỉ là mỹ cảm của nhà thơ mà còn là sự thay đổi trong quan niệm về người phụ nữ của thời đại.
2. Xưa nay, khi nói đến cái đẹp, phái đẹp, người ta hay đưa ra một hệ tiêu chuẩn hoặc “qui chuẩn” thành các giá trị nhất định. Nếu không tập họp đầy đủ các tiêu chỉ kiểu như “Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/ Ba thương má lúm đồng tiền…(Mười thương), thì cũng phải “Cổ tay trắng như ngà”, “Cổ cao ba ngấn lông mày nét ngang”, “những người thắt đáy lưng ong/ đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con…”. Đến thời Hồ Xuân Hương, phóng khoáng là vậy nhưng mẫu người đẹp của bà vẫn là “tròn”, “trắng”, là “yếm đào”, “bồng đảo”, “nương long”… Nhưng với Nguyên Sa, giới nữ phá vỡ mọi qui chuẩn cũ:
“Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển…
[…]
Em đừng buồn như những chiếc lá tre khô
Em đừng buồn như những nóc nhà thờ không có tuổi…” (Nga)
Bài thơ Nga của Nguyên Sa ra đời năm 1955, sau đó nó đã vượt qua giới hạn của một chuyện tình cá nhân, một chuyện đùa vui tếu táo; đem đến một thông điệp mới, cách diễn đạt mới và lập tức đươc người đọc trẻ tiếp nhận hào hứng. Vẫn là tả mắt, môi, hình dáng cô gái/ phái nữ và dùng thủ pháp so sánh quen thuộc “như” (như con chó ốm, như con mèo ngái ngủ, như mắt cá ươn, như vỏ hến,…), nhưng điều khác biệt ở đây là những hình ảnh so sánh đều rất khác lạ, ngộ nghĩnh, không thuộc về một khuôn mẫu quen thuộc nào. Em là chó con, là mèo, là cá, là chiếc lá tre, là nóc nhà thờ không tuổi, hai bàn tay như hai dãy phố…; là thế giới tự nhiên, ngẫu nhiên và ngẫu nhiên. Thế giới châu tuần xung quanh em và vận động vì em. Phái nữ là phái đẹp, bất chấp hình thức khác lạ thế nào. Khác lạ, độc đáo trở thành cái đẹp. Trong nhiều bài thơ Nguyên Sa, kiểu đùa vui, hay việc phát hiện ra nét riêng, luôn đem đến mỹ cảm mới, một trật tự mới. Không còn hình ảnh “cô gái bên khung cửi” như trong thơ Nguyễn Bính, “người em sầu mộng” của Lưu Trọng Lư hay là cô gái “khăn nhỏ, đuôi gà cao […] đeo giải yếm đào..” của Nguyễn Nhược Pháp trong thơ tiền chiến trước đó. Trong thơ Nguyên Sa, phái nữ là các nữ sinh áo vàng, áo xanh, áo tím rực rỡ, nhí nhảnh; là cô gái tóc ngắn “áo mặc lụa Hà Đông”; là người em Paris “mắt lánh đen” bên dòng sông Seine thơ mộng; là “người con gái mắt xanh màu da trời/ Trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ”; là cô gái có “mớ tóc màu củi chưa đun/ Màu gỗ chưa ai ghép làm thuyền…”. Thậm chí cả cô gái làm nghề mua hương bán phấn, đợi khách làng chơi bên đường, trong thơ ông cũng được trân trọng, xót thương:
“Em đứng lẫn bên góc hè phố vắng
Như loài hoa hoang dại trong rừng sâu
Màu da tơ bóng tối ngả u sầu
 Đôi mắt đẹp từng cánh sao tắt lịm…”
(Đợi khách)
Phái đẹp trong thơ Nguyên Sa luôn được nhấn mạnh giới tính, thường phô diễn nét mềm mại, đường cong gợi cảm. Đặt trong các khuynh hướng nghệ thuật những năm 60, 70 của thế kỷ trước ở miền Nam, các mỹ nhân trong thơ Nguyên Sa có màu sắc khá tương đồng với kiểu các cô nàng mỏng manh: “vai gầy guộc nhỏ như cánh vạc”, tay dài, mắt xanh xao, tóc lênh đênh… trong nhạc của Trịnh Công Sơn, trong tranh Đinh Cường, Thái Tuấn, Trịnh Cung.
Sau Nguyên Sa với hình ảnh cô gái tóc ngắn mặc áo lụa Hà Đông đi giữa nắng Sài Gòn, Nguyễn Tất Nhiên có bài thơ Cô Bắc kỳ nho nhỏ được Phạm Duy phổ nhạc. Sau bài thơ Tuổi mười ba của Nguyên Sa với cảnh “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc/ Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường…” (Ngô Thụy Miên phổ nhạc), Phạm Thiên Thư có bài thơ bốn chữ Ngày xưa Hoàng Thị rất được yêu thích. Mấy thập niên sau, Đỗ Trung Quân có bài thơ Chút tình đầu (Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài hát Phượng hồng), có những câu thơ mở đầu hay tuyệt vời: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”… Dường như sợi dây cảm xúc ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng, lãng mạn của các nữ sinh trong thi ca, âm nhạc hiện đại giai đoạn sau 1954, đã được kết nối và bắt đầu từ Nguyên Sa.
Nhà thơ Nguyên Sa và tác phẩm
3. Cũng như môt số nhà thơ khác, Nguyên Sa trong nhiều bài thơ đã nhiều nỗ lực đổi mới thơ hiện đại. Những bài như Nga, Cần thiết, Tuổi mười ba,… không có cấu trúc câu chuyện hay mô tả cảm xúc, mà chỉ đưa ra hình ảnh cắt dán ngẫu nhiên, nhịp điệu thơ cũng có nhiều biến tấu. Trong thơ Nguyên Sa, không gian luôn mở rộng, vượt ra ngoài giới hạn của một làng quê (kiểu “nhà nàng ở cạnh nhà tôi”), vượt cả giới hạn của một đất nước, là không gian quốc tế với cái nhìn xa, cách tiếp cận luôn thay đổi. Sài Gòn, Paris, trong nhà, đường phố, dòng sông, cây cầu, thậm chí tưởng tượng dưới đáy huyệt sâu…, đều có thể chọn làm bối cảnh, điểm tựa để phô bày cảm xúc. Thời gian trong thơ cũng không thuộc về quá khứ, không lấy quá khứ để soi chiếu thực tại. Các cô gái/ phái đẹp trong thơ Nguyên Sa thường gắn với bối cảnh và thời điểm thực tại. Nhiều bài thơ, tác giả mở đầu bằng cụm từ chỉ thời gian thực tại, như “Hôm nay Nga buồn…” (Nga), “Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng…” (Tuổi 13), “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt…” (Tháng sáu trời mưa), “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát…” (Áo lụa Hà Đông), “Một buổi sáng tỉnh dậy không thấy em/ tôi chạy ra cửa sổ gọi tên em rất to (…) như sáng hôm nay…” (Gọi em), “Người về đêm nay hay đêm mai…” (Tiễn biệt), “Mai tôi đi Paris chắc trời mưa..” (Paris)… Cảm thức về không gian, thời gian cũng là lý do khiến thơ Nguyên Sa có tinh thần hiện đại và sự tươi mới so với Thơ Mới lãng mạn của giai đoạn trước.
Tuy nhiên, sâu trong cội nguồn của các nhân vật nữ trong thơ Nguyên Sa vẫn là văn hóa phương Đông, mang tâm hồn thuần Việt và một số bài thơ tình yêu hay viết về phái nữ vẫn còn giai điệu, tiết tấu thơ lãng mạn trước đó. Những câu thơ quen thuộc của Nguyên Sa như: “Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…” (Áo lụa Hà Đông), “Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/ Chả biết tay ai làm lá sen?” (Paris có gì lạ không em), “Cứ tưởng mưa xong có nắng vàng/ Tới sông tìm mãi chuyến đò ngang…” (A Tỳ)… vẫn rất cổ điển, dễ liên tưởng đến những thi phẩm, giai thoại hay nét văn hóa truyền thống nào đó. Nguyên Sa có bài thơ lấy nhan đề Em gầy như liễu trong thơ cổ, trong đó có câu:
“Em gầy như liễu trong thơ cổ
Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường”
Rõ ràng dù sử dụng chất liệu “liễu” đã quá cũ, quá mòn; nhưng người đọc vẫn bị ám ảnh bởi vẻ nữ tính kín đáo kia, cảm xúc vẫn bị trói buột bởi những sợi liễu mảnh mai vô hình kia. Vì so với hình ảnh “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang” của Xuân Diệu trong bài Đây mùa thu tới, “liễu” trong câu thơ Nguyên Sa hiện sinh và khác biệt hơn nhiều. Trong thơ Xuân Diệu, liễu vẫn là cây liễu thực, nhà thơ chỉ lấy con người tả vẻ đẹp của tự nhiên, của mùa thu. Nhưng với Nguyên Sa, chỉ có “em” là thực (em gầy như…), còn “liễu” không có thực (liễu trong thơ cổ). Lấy cái không hiện hữu để nói cái hiện hữu, nên “em” cũng trở nên mơ hồ, vừa rất thực vừa mang tính tượng trưng. Em ốm “mắt xanh xao” là thực, nhưng “liễu trong thơ cổ”, “nghìn mùa thu cũ” là ảo – Thực và ảo giao thoa, đan xen vào nhau. Cái hay là khi trường liên tưởng trong ký ức văn hóa vừa mở ra thì đã nhanh chóng khép lại ngay (“Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường”). Nhà thơ cố ý giữ nguyên thực tại, tinh thần hiện sinh của bài thơ. Trước Nguyên Sa, Quang Dũng trong bài Đôi bờ cũng đã lấy cái không có/ cái ảo để thể hiện cảm xúc thực:  “Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ…”.
Người phụ nữ trong thơ Nguyên Sa không có đường nét, chi tiết của sự tần tảo, hy sinh, ít có tâm trạng nhớ nhung, chờ đợi thụ động (kiểu như: “Thuyền ơi có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”); mà mang phong thái của người phụ nữ hiện đại, có tâm hồn, tư tưởng bình đẳng, bình quyền. Trước Nguyên Sa, vào thế kỷ XIX, Cao Bá Quát trong bài Dương phụ hành đã làm nhiều người cùng thời ngạc nhiên vì hình ảnh một người phụ nữ phương Tây rất khác lạ. Bài thơ tả người phụ nữ lạ không phải vì trang phục hay màu da, màu tóc, mà chính là chi tiết cầm ly sữa, thái độ nũng nịu với người được chồng yêu chiều.
“Tây Dương thiếu phụ y như tuyết
Độc bằng lang kiên tọa thanh nguyệt
(…)
Nhất uyển đề hồ thủ lãn trì
Dạ hàn vô ná hải phong xuy…”
(Dịch nghĩa: Người thiếu phụ phương Tây áo trắng như tuyết/ Tựa vai chồng dưới bóng trăng thanh (…). Trên tay cầm hờ hững một ly sữa/ Đêm lạnh, gió biển thổi…). Cao Bá Quát khi phát hiện những chi tiết đời thực này chắc chắn đã có so sánh với những người mẹ, người vợ Á Đông thường chỉ xuất hiện trong khuê phòng, trong bếp, trong bóng tối, góc khuất. Rõ ràng, khi quan niệm và thái độ ứng xử với phụ nữ thay đổi, phái nữ không còn là phái yếu, họ có ánh sáng trí tuệ, vẻ đẹp, sự tự tin về giới tính.
Nguyên Sa tiếp cận văn hóa phương Tây từ khi là học sinh, ông cũng sống cách xa thời Cao Bá Quát, nhưng cảm hứng và tấm lòng nhà thơ với phụ nữ luôn đáng trân trọng. Trong thơ Nguyên Sa, phái nữ có vẻ đẹp của phong cách duyên dáng, của lụa là, điểm trang. Nếu thống kê các chi tiết thể hiện sự tồn tại của phái nữ từ các bộ phận cơ thể (da, mắt, môi, tay, chân…) đến áo quần, động tác, tính cách; sẽ thấy “áo” (màu áo, nếp áo, áo bay, áo lụa…) là chi tiết lặp lại nhiều nhất. Ngoài bài thơ Áo lụa Hà Đông, bài Tuổi mười ba và một số bài khác với những màu áo vàng, áo xanh, áo tím; còn có hình ảnh “em ngồi áo trắng thon” (Em gầy như liễu trong thơ cổ), “Là áo sương mù hay áo em” (Paris có gì lạ không em), “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay…”(Tương tư), “Mùa xuân em mặc áo vàng/ Ở trong thơ cổ chim Hoàng Hạc bay” (Thơ xuân áo vàng); “Người về lòng tôi buồn hay lòng tôi vui/ Áo không có màu nên áo cũng chưa phai” (Tiễn biệt)… Tóm lại, phái đẹp trong thơ Nguyên Sa vừa hiện đại, mới vừa có nét cổ điển.
4. Nguyên Sa trước hết là nhà thơ tình yêu. Giá trị lớn nhất trong những bài thơ Nguyên Sa viết về phụ nữ chính là tình yêu làm nên sự quyến rũ của giới tính và quyền năng riêng cho họ. Với Nguyên Sa trong thơ, phụ nữ là nguyên nhân của mọi sự vận động và thay đổi. Những câu thơ hay nhất trong bài Áo lụa Hà Đông diễn tả điều đó:
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
(…)
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh…”
Không phải Sài Gòn thay đổi thời tiết, Sài Gòn có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông như Hà Nội, mà chỉ “vì em mặc áo lụa Hà Đông”; và vì “em ngồi đây tóc ngắn”, nên mùa thu dài ra, mùa thu mát mẻ hiện diện giữa nắng phương Nam, chung quanh em. Cụm từ “bởi vì em” giản đơn mà thú vị, bất ngờ. Tưởng như không ca ngợi mà nâng giá trị người yêu đến tinh vi.
Điều thứ hai, thế giới có em là thế giới có tình yêu tồn tại, có màu sắc, có sự sống. Trong thơ Nguyên Sa, phụ nữ luôn có một năng lượng tinh thần dồi dào. Năng lực đó chi phối tự nhiên cảm xúc, cuộc sống của người khác:
“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi pha mực cho vừa màu áo tím…”
(Tuổi mười ba)
Thế giới, vũ trụ, màu sắc không chỉ vận động, thay đổi vì em, mà em – phái nữ còn làm chuẩn cho mọi trật tự, quan niệm. Người phụ nữ với năng lượng tự nhiên, bản năng vốn có phá vỡ vai trò duy nhất (tư tưởng phụ quyền) của đàn ông:
“Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm, anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc…”
(Tháng sáu trời mưa)
Cách dùng từ ngữ và tổ chức các mệnh đề so sánh trong thơ Nguyên Sa rất thú vị. Và giới trẻ vốn không thích lời nghiêm túc và sự lặp lại quen thuộc, lập thức bị thuyết phục, lôi cuốn. Xưa Nguyễn Du ca ngợi vẻ đẹp hình thể của nhân vật Thúy Kiều bằng một câu rất tượng trưng, ước lệ “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Rành rành đúc sẵn môt tòa thiên”, đến các nhà thơ mới và thế hệ sau đó như Nguyên Sa, đã không ngần ngại nêu cụ thể vẻ gợi cảm làn da, mái tóc, thân xác của những giai nhân thanh tân. Ngoài những bài thơ dùng lời lẽ hoa mỹ, trau chuốt, thơ Nguyên Sa viết về phụ nữ cũng có sự tối giản bất ngờ, ví dụ như bài Năm ngón tay. Trong một bài viết có tên “Một biện pháp tu từ đặc biệt trong thơ Prévert và Nguyên Sa”(10), tác giả Đàm Trung Pháp đã so sánh bài Paris at night của Prévert và bài Năm ngón tay của Nguyên Sa để chỉ ra nhiều điểm tương đồng trong cấu trúc hai bài thơ và cho rằng Nguyên Sa có chịu ảnh hưởng từ Prévert thời ông học ở Pháp. Bài thơ làm theo kiểu liệt kê ngắn gọn:
“Năm ngón tay/ Trên bàn tay năm ngón/ Có ngón dài ngón ngắn/ Có ngón chỉ đường đi/ Có ngón tay đeo nhẫn/ Ngón tay tô môi/ Ngón tay đánh phấn…(…). Em còn ngón nào/ Để giữ lấy tay anh?”.
Quả thực, hình ảnh ẩn dụ này vừa hiện đại, thông minh vừa biểu cảm sâu sắc. Nguyên Sa không ngại biến cái khách quan thành chủ quan, không ngại đưa người yêu/ phái đẹp lên ngai quyền lực. Hay nhất là sau sự liệt kê tưởng như đơn điệu, máy móc, tác giả lập tức khái quát bằng câu cuối: Tình yêu nằm trong bàn tay của người đẹp! Không phải là anh giữ em trong tay mà quan trọng hơn là em có “giữ lấy tay anh” không. Tuy nhiên, phái nữ và thế giới tình yêu của thơ Nguyên Sa vẫn chỉ giới hạn trong môi trường học đường thanh cao, trong cảm xúc văn chương mơ mộng; không chứa đầy bất trắc và hoài nghi như Thanh Tâm Tuyền trong Liên, đêm mặt trời tìm thấy. Khi Thanh Tâm Tuyền Viết: “Anh xé tóc em cùng những cánh lá chết, mùa thu ghi thương tích nơi cườm tay khóa chặt, anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc khuôn mặt vỡ tan như cẩm thạch như nước mắt như muôn đời.., con quạ hôi hám mở lồng ngực bay lên,…” (Liên đêm mặt trời tìm thấy), thì hình ảnh người phụ nữ đã bị khúc xạ, biến tướng phức tạp. Trong thơ Nguyên Sa, phái nữ vẫn còn giữ vẻ đẹp lãng mạn, thanh tân, vẫn còn giữ nguyên năng lượng, sức mạnh tinh thần chi phối tích cực cuộc sống; trong thơ Thanh Tâm Tuyền, người phụ nữ chỉ còn là những mảnh vỡ yếu đuối, lạc loài, là những mảnh ghép phi lý của cuộc đời đầy bất trắc và hoài nghi. Người phụ nữ trong thơ Thanh Tâm Tuyền là hiện thân của chiến tranh mất mát và niềm tin bị tàn phá.
Dù tại miền Nam, từ sau 1954, cả Nguyên Sa và Thanh Tâm Tuyền đều là những người có hoài bão đổi mới văn học Việt Nam, chủ trương thoát ly khỏi ảnh hưởng của văn học tiền chiến, nhưng cả hai lại đi trên hai con đường khác nhau. Nhìn từ cách thể hiện phái nữ trong thơ có thể thấy một bên vẫn coi phụ nữ là phái đẹp, là cội nguồn của tình yêu, hạnh phúc; một bên khám phá thân phận người phụ nữ bằng cái nhìn hoài nghi, đa chiều, phủ nhận mọi sự tồn tại kể cả phái đẹp. Nhưng, khi nói về thời cuộc và tuổi trẻ bi thương trong chiến tranh, Nguyên Sa vẫn có những câu thơ trĩu nặng đau xót:
“Năm ngón tay có bốn mùa trái đất
Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân
Có cất tiếng đòi to. Tiếng đòi rơi rụng
Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn
Chúng tôi chót ngẩng đầu nhìn trước mặt,
Trán mênh mông va chạm cửa chân trời…”
(Bây giờ)
Đọc những câu thơ trên tron bài Bây giờ và một số bài khác nữa của Nguyên Sa, ai dám khẳng định Nguyên Sa chỉ có thơ tình tuổi học trò mơ mộng?
5. Khi Nguyên Sa làm thơ, chắc chắn ông không chỉ hướng đến thể hiện người phụ nữ hay chỉ để viết về người yêu, người vợ của mình. Cảm hứng về phái nữ trong thơ ông có xuất phát từ tình yêu cá nhân, nhưng còn bao gồm cả tinh thần thời đại. Vào thập niên 50 thế kỷ trước, khi Nguyên Sa đang học ở Pháp, không chỉ triết học hiện sinh mà tinh thần nữ quyền từ Simone de Beauvoir chắc có ảnh hưởng đến ông. Simone de Beauvoir (1908 – 1986) là gương mặt tiêu biểu cho làn sóng nữ quyền thứ hai của Pháp. Quyển sách Giới thứ hai của Beauvoir ra đời năm 1949 tại Pháp gây chấn động lớn về những khám phá giới tính nữ.
Trong thơ Nguyên Sa, môi tường giáo dục và tình yêu là nguyên nhân chính làm nên ý thức phái tính và sự tự tin về giới. Nguyên Sa là người mở đầu cho dòng cảm hứng lãng mạn mới trong thi ca Việt Nam giai đoạn sau 1954 ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng của các nữ sinh, của những tình yêu học trò. Nguyên Sa tiếp nhận tư tưởng hiện sinh, nhưng cội nguồn tâm hồn ông vẫn có sự kết nối với thơ ca cổ điển.
Mới đây nhà văn Lê Văn Nghĩa có nhắc đến Nguyên Sa trong bài bài viết “Nguyên Sa – không chỉ có thơ tình”(11) đề cập đến những tác phẩm và đề tài thời sự đáng được lưu ý của nhà thơ. Điều này đúng, cũng như nói về phái nữ trong thơ Nguyên Sa không có nghĩa là thu hẹp phạm vi sáng tác hay tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa từ thơ ông. Nguyên Sa có cái nhìn ưu ái về phái nữ, có nhiều bài thơ tình hay được nhiều người yêu thích. Đề tài tình yêu và phái nữ trong thơ ông cũng như mùa xuân trong bốn mùa vậy. May mắn là nhà thơ trong cuộc đời thực và trong thơ đã cầm được mùa xuân ấy, được yêu đắm say và được hạnh phúc.
Chú thích:
(1) Võ Phiến (1999); Văn học miền Nam (Quyển Tổng quan xuất bản năm 1986, quyển Thơ xuất bản năm 1999); NXB Văn nghệ – California, USA.
(2) Nguyễn Vy Khanh (2016); Văn học miền Nam 1954 – 1975, quyển Hạ, mục “Nguyên Sa – nhà báo, nhà thơ” tr. 1063 -> 1080; NXB Library and Arcives, Canada.
(3) Tạ Tỵ (1970); Mười khuôn mặt văn nghệ sĩ hôm nay, mục “Nguyên Sa và ngôn ngữ tình yêu trong thơ ca” Nam Chi xuất bản lần thứ nhất, SG
(4) Thụy Khuê (2017): Văn học miền Nam từ 1954 đến 1975. Nguồn: https://nhatbaovanhoa.com, đăng 16/02/2017, đọc ngày 16/07/2019.
(5) Trần Văn Nam (1991); Nguyên Sa – Tác giả và tác phẩm, tập 1; NXB Đời, Nam California, USA.
(6) Viên Linh (2015): “Nguyên Sa – thơ những năm 60”; Nguồn:
www.nguoiviet.com/Vanhocnghethuat/ đăng 25/05/2015, đọc 17/7/2019.
+ Viên Linh (2015): “Nguyên Sa và tạp chí Hiện đại”; Nguồn: www.nguoiviet.com/ Vanhocnghethuat/ đăng 01/04/2015, đọc 17/7/2019.
(7) Liễu Trương (2014); “Mỹ học thân xác trong thơ Nguyên Sa”; Nguồn: Hopluu.net/ đăng 18/4/2014, đọc 18/7/2019
(8) Thụy Khuê (2004): Từ điển văn học (Bộ mới), mục Nguyên Sa; NXB Thế giới, tr.1.101, 1.102.
(9) Nhiều tác giả (1963); Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập III, NXB Văn hóa, H.
(10) Đàm Trung Pháp (2018); “Một biện pháp tu từ đặc biệt trong thơ Prévert và Nguyên Sa”. Nguồn: viethocjournal.com/ 2018/ 04
(11) Lê Văn Nghĩa (2019); “Nguyên Sa – không chỉ có thơ tình”; nguồn: www.viet-studies.net/lvannghia_nguyensa.html; tác giả gửi ngày 22/09/2019.
[*] Nguyên Sa (1971); Thơ Nguyên Sa; Tổ hợp Gió (Sài Gòn) xuất bản
(Tất cả những đoạn thơ Nguyên Sa trích trong bài viết này đều lấy từ 62 bài thơ in trong tập Thơ Nguyên Sa nói trên).
20/1/2022
Nguyễn Thị Thu Trang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...