Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh - "Đừng múc cạn nỗi buồn" dù "Chiều đã nhạt"

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh - "Đừng múc
cạn nỗi buồn" dù "Chiều đã nhạt"

Chiều nhạt ư? Ừ thì chiều sẽ buông hết nắng cho rực rỡ chiều. Thời gian sẽ trôi đi, không thể ngừng lại. Nắng rồi sẽ phai. Chiều rồi sẽ nhạt. Nhưng, cái khoảng khắc đó, với một người đàn bà làm thơ, thì chiều nhạt lại giấu trong nó bao điều muốn khám phá, hoài niệm và sẻ chia. Người đàn bà làm thơ ấy chính là Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Chị đã nhìn Chiều bằng đôi mắt đa tình của một thi nhân. Và vẽ lại bằng cái chất mộc, dịu, chân thành, chia sẻ… của những ngôn từ không lẫn vào ai.
Xin hãy đọc chậm “Chiều nhạt” của chị:
Chiều nhạt/ Chiều cuồng cuồng nắng/ Chiếu tốc tốc xanh/ Chợt quầng mây màu bã mía/ Trời nhàn nhạt/ Chiều buông màn/ Người đàn bà ngồi tiếc nắng/ Tìm sự mặn nồng còn sót lại trong cây cơm nguội/ Sự nhàn nhạt của thời gian/ Dan díu với người đàn bà/ Bằng màu mỡ gà lá bàng chớm lửa/ Cảm giác canh suông của vàng mười hoa vông/ Cảm giác đơn điệu của mái ngói nhạt rêu/ Nghe tóc chiều cay khói/ Ngôi nhà trôi/ Tay người đàn bà chới với/ Hoàng hôn chợt là khách trong nhà/ Đêm đã nằm trên giường chờ đợi/ Người đàn bà và cây cơm nguội/ Cố níu lấy chiều/ Đang nhạt Nhưng/ Đám mây màu bã mía/ Đã hắt chiều đổ đi.
“Chiều nhạt” được in trong tập “Đừng múc cạn nỗi buồn” (NXB Hội Nhà văn 2009) ở trang 54. Tên cả tập thì rất lạ. Nhưng tên bài thơ thì không có gì ấn tượng. Vậy mà, nó lại làm cho tôi ngã vào nó, hay đúng hơn là ngã vào những từ ngữ thơ mộc mà đẹp, hiền mà dữ dội, nhẹ mà như bão… kia rồi.
Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh
Bài thơ tự do thật ấn tượng với những hình ảnh đẹp dung dị: người đàn bà ngồi tiếc nắng, cây cơm nguội vàng, hoàng hôn nắng nhạt, vàng mười hoa vông, lá bàng chớm lửa … Đó là những hình ảnh rất đổi bình thường mà ta có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống này. Thế nhưng, sự không bình thường, nét đẹp lung linh thì lại nằm trong những từ ngữ vô cùng dân dả:  cuồng cuồng, tốc tốc, nhàn nhạt, chớm lửa, cay khói, màu mỡ gà, nhạt rêu, màu bã mía, tiếc nắng, cố níu, hắt chiều đổ đi… mà nhà thơ đã sử dụng một cách thật  tự nhiên.
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, đã bị cái “chiều nhàn nhạt” kia hốt cả hồn vía. Và tôi cũng vậy, đồng cảm, sẻ chia. Chiều nhạt là bắt đầu chiều xuống đó thôi. Ông bà ta xưa gọi là “nắng quái chiều hôm”. Nhưng chị thì nói: “cuồng cuồng nắng”: Chiều nhạt/ Chiều cuồng cuồng nắng/ Chiều tốc tốc xanh/ Chợt quầng mây màu bã mía…
Khá khen cho những điệp từ “cuồng cuồng, tốc tốc” trong thơ chị. Cũ mà mới, quen mà  lạ.Thế mà lại hay, tạo cho hình ảnh “gió, chiều” … có sức sống như con người. Mà hệt như người đang say. Say cảnh, say tình.
Kìa là gió xanh, trời xanh, và mây cũng xanh. Nhưng, kẻ không mời đã đến, khiến cái màu xanh kia phải thay đổi sắc. Đó là cái “màu bã mía” của một quầng mây, qua đôi mắt của nhà thơ, đã truyền cho người đọc một cảm xúc lạ lùng trước sự biến chuyển của thiên nhiên.
Thời gian ngả về chiều, nên màu trời nhàn nhạt là thật. Còn thời gian nhàn nhạt là thời gian của ký ức, là thời gian của sự nhung nhớ, díu dan: Trời nhàn nhạt/ Chiều buông màn/ Người đàn bà ngồi tiếc nắng/ Tìm sự mặn nồng còn sót lại trong cây cơm nguội
Cái đẹp lung linh của ánh chiều buông màn thõng xuống rất đẹp. Có bóng cây cơm nguội vàng nhưng vẫn không đủ vàng để cảnh sắc tươi lên. Có bóng người đàn bà trong cảnh đang ngồi “tiếc nắng”. Ai biết tiếc nắng hay tiếc xuân thì? Hay tiếc những kỷ niệm mặn nồng còn sót lại đã lên rêu, đã trôi về phương nào xa lắc. Hoàn toàn không biết. Và chỉ có Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là hiểu rõ điều ấy.
Sự nhàn nhạt của thời gian/ Dan díu với người đàn bà/ Bằng màu mỡ gà lá bàng chớm lửa/ Cảm giác canh suông của vàng mười hoa vông/ Cảm giác đơn điệu của mái ngói nhạt rêu/ Nghe tóc chiều cay khói.
Sao cái cảnh sắc nhàn nhạt, lam buồn xám nhợt của thời gian sao lại có thể “dan díu” với người đàn bà tiếc nắng? Sao lại “dan díu” với những chiếc lá bàng chớm lửa màu mỡ gà kia? Sao mái ngói nhạt rêu lại đơn điệu lạnh tanh? Phải chăng nữ sĩ muốn giúp người đàn bà trong thơ thổi bừng lên kỷ niệm khi để cho cái sắc nhạt của thời gian dan díu với người đàn bà bằng màu mỡ gà của chiếc lá bàng chớm lửa? Một kỷ niệm ngọt ngào, tươi thắm, loang loáng ánh nắng, như “chớm” chút sắc đỏ cuối ngày, Quả là nhà thơ đã rất cao tay, khi vẽ bóng người đàn bà ngồi nuối tiếc một thời rực rỡ.
Nhà phê bình Nguyễn Thị Liên Tâm
Từ những hình ảnh: “màu mỡ gà của lá bàng chớm lửa, canh suông của vàng mười hoa vông, mái ngói nhạt rêu’… ta như thấy có chút gì rực cháy, lại vừa có chút gì bảng lảng rêu phong, hoài cổ trong lòng người đàn bà tiếc nắng kia. Một sự chuyển đổi cảm giác làm người đọc nổi gai khi bắt gặp những từ ngữ thế này: “ nghe tóc chiều cay khói”. Người đàn bà “nghe” …Sự chuyển đổi cảm giác chỉ có thơ mới diễn tả nổi. Tóc chiều cay khói? Hay tóc đã chiều nên mắt, nên lòng nghe cay khói? Cái hình ảnh “tóc chiều cay khói” mới đau thật đau. Nhưng là cái đau ‘lặn vào trong” mà không phải ai cũng nhìn thấy nó.
Nhưng cảnh đã chuyển. Ngôi nhà trôi/ Tay người đàn bà chới với.
Chắc chắn là sẽ có loang loáng nước, dù là nước của ảo ảnh. Cảm thức thời gian trong thơ trôi vội khiến lòng người phải xót xa. Thật tội nghiệp khi bắt gặp hình ảnh “người đàn bà” với “đôi tay chới với” bất lực, cố níu chiều bạc phếch, bạc phơ, cố níu lại mái nhà hạnh phúc và bất lực khi nhìn thời gian tuột xa tầm tay. Tiếc đến thế thì đã tận nỗi tiếc chưa nhỉ? Nguyễn Thị Ánh Huỳnh chưa thấy đủ đầy. Và chị mang lại cảm giác hoàng hôn đã cuối đến với người đọc, khi viết:
Hoàng hôn chợt là khách trong nhà/ Đêm đã nằm trên giường chờ đợi.
Nghe chao chát. Khắc khoải. Bảng lảng buồn. Người thơ, nhân vật thơ đã truyền cảm xúc vào lòng người đọc một cách nhẹ nhàng mà sâu hun hút. Quả thật, cũng là người làm thơ, nhưng cách diễn đạt của chị Nguyễn Thị Ánh Huỳnh khiến tôi phải “giật mình”. Sự cao tay của chị khiến ta phải liên tưởng đến nhiều tầng bậc ý nghĩa. Với người đàn bà tiếc nắng, hoàng hôn là khách không mời mà đến. Hoàng hôn thời gian hay hoàng hôn của một đời người?. Nhưng, dù chủ thể là gì đi nữa thì chủ thể ấy đã len vào nhà, đã nằm trên giường chờ đợi, để nghe rờn rợn cô đơn, dù là cả bài thơ không hề có một chữ “cô đơn”.
Sót lại hình ảnh của buổi chiều là người đàn bà và cây cơm nguội. Thủy chung từ đầu là cây cơm nguội. Nó đã cùng chị sẻ chia ký ức. Nó đã cùng chị cố níu chiều. Dù là chiều đang nhạt. Như cố níu những khoảnh khắc đẹp của thời gian, của một đời người. Người đàn bà và cây cơm nguội/ Cố níu lấy chiều/ Đang nhạt
Thế nhưng… thương quá. Xót đau quá. Thôi, cũng đành thôi. Vì, chút níu kéo kia rồi cũng đành vỡ tan tành. Vì làm sao cưỡng nổi sự khắc nghiệt của thời gian?
 Nhưng/ Đám mây màu bã mía/ Đã hắt chiều đổ đi.
 Cái từ “hắt” sao nghe đổ vỡ, hắt hẩy, đau điếng. Đám mây màu bã mía úa héo kia sao lại can tâm “hắt đổ chiều đi”?
Cơm nguội, bã mía, chiều nhạt, ngói nhạt rêu… có hàm ý về chính mình không?
Bài thơ có cái kết buồn man mác. Và cứ tạo cho người đọc sự bất lực trước qui luật của thời gian. Có lẽ vì những điều đã cảm, đã hiểu như thế mà tôi đã ám ảnh suốt về bài thơ “Chiều nhạt” của chị để rồi phải cầm bút viết nên những con chữ này. Chiều đã nhạt rồi, nhưng cũng xin “đừng múc cạn nỗi buồn”. Vì đời người, mấy ai không có những vui, những buồn giăng kín? Chỉ có sự trải nghiệm nhiều với cuộc đời, sự đồng cảm sẻ chia với những người đàn bà trong ta và quanh ta, mới có được những vần thơ nhẹ nhàng mà đau đáu thế này.
Thật ra, nếu có một chút góp ý, tôi sẽ chủ quan mà chọn một tiêu đề gợi hơn, chẳng hạn như “Người đàn bà tiếc nắng”. Có ấn tượng hơn, có dữ dội hơn cái tên “Chiều nhạt’” hiền lành của chị không nhỉ? Nhưng, chính những mộc mạc, giản dị của ngôn ngữ đã tạo nên nét đặc trưng ngọt mềm trong thơ chị. Vậy, thay đổi làm gì? Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh – với “Chiều nhạt”như thế này đây.
5/2/2020
Nguyễn Thị Liên Tâm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...