Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

"Nhất trí cao" có "cao" hơn nhất trí

"Nhất trí cao" có
"cao" hơn nhất trí?

Cách diễn đạt “nhất trí cao” có đúng không và “nhất trí cao” có thật sự “cao” hơn “nhất trí”?
Gần đây, một phó giáo sư khoe được hội đồng cơ sở “nhất trí cao” trong việc đề nghị hội đồng ngành, liên ngành công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư. Đây cũng là khẩu ngữ quen thuộc của không ít người khi bày tỏ sự đồng ý, đồng tình.
“Nhất trí” trong tiếng Hán và trong từ điển Hán Việt
Đời Hán Tuyên Đế (91-49 TCN) ở Trung Quốc, hai chú cháu Sơ Quảng và Sơ Thụ làm quan đến chức thái phó và thiếu phó. Không tham danh lợi, cả hai đã từ quan cùng lúc và tặng hết của cải vua ban cho bạn bè.
Trong bài “Nhị Sơ cố lý” (Làng cũ của hai ông họ Sơ) được sáng tác bằng chữ Hán khi đi sứ sang Trung Quốc (1813-1814), Nguyễn Du (1766-1820) đã sử dụng từ “nhất trí” ở câu thứ ba: “Quan tòng nhất trí thân năng bảo / Sự cách thiên niên thạch vị khuynh” (Một lòng về nghỉ, thân vẫn giữ / Nghìn năm lưu chuyện, đá còn ghi).
Hán Việt từ điển giản yếu (1932) của Đào Duy Anh (1904-1988) giảng nghĩa “nhất trí” là “toàn thể giống nhau”. Hán Việt tân từ điển (1951) của Hoàng Thúc Trâm (1902-1977) giảng nghĩa “nhất trí” là “hướng theo một chiều giống nhau, không rời rạc, không chia rẽ”.
Như nhiều quyển từ điển Hán Việt khác, từ điển của Đào Duy Anh và Hoàng Thúc Trâm đều in từ “nhất trí” bằng tiếng Hán bên cạnh tiếng Việt. Chữ “nhất” (1 nét, bộ nhất) có nghĩa là một và chữ “trí” (10 nét, bộ chí) mang nghĩa trạng thái, ý hướng, đường lối…
Đây cũng là chữ “nhất trí” trong bài “Nhị Sơ cố lý” và trong thành ngữ “Ngôn hành nhất trí” (lời nói và hành động giống nhau, tức lời nói đi đôi với việc làm).
“Nhất trí” trong từ điển tiếng Việt
Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức chưa có mục từ “nhất trí”. Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức (Lê Ngọc Trụ hiệu đính) giảng nghĩa “nhất trí” là “giống nhau, in như nhau”.
Từ điển tiếng Việt (in lần đầu năm 1988) của Viện Ngôn ngữ học giảng nghĩa “nhất trí” là “thống nhất, không mâu thuẫn nhau”.
Dùng “nhất trí cao” có đúng không?
Như vậy, “nhất trí” chỉ tình trạng giống nhau ở mức độ tuyệt đối trên phạm vi toàn thể. Vì vậy, “nhất trí cao” là một cách diễn đạt thừa và không hề “cao” hơn “nhất trí” về mức độ giống nhau, đồng lòng, không chia rẽ.
Tương tự, “tỉ lệ nhất trí đạt 99%” là một cách diễn đạt mâu thuẫn vì “nhất trí” tự nó đã mang nghĩa 100% nên không thể đi kèm với bất kỳ tỉ lệ nào khác.
26/8/2020
Trường Lân
Nguồn: TTO
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...