Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Nguyễn Nhã Tiên: Mây Mỹ Sơn

Nguyễn Nhã Tiên: Mây Mỹ Sơn

Vẽ một cõi chân mây lô nhô những đỉnh tháp và thấp thoáng áo chàm bay, tôi nhìn ra từ bức tranh ấy một thế giới huyền hoặc mơ hồ. Những cô gái Chăm xõa tóc, những vũ nữ Apsara ửng gam màu ráng chàm như kí gửi vào vô tận một hoàng hôn vĩnh cửu. 
Người hoạ sĩ khắc hoạ nên cái đẹp vừa như ưu du, lại vừa thăm thẳm một chân trời, hàm ý như muốn tạo dựng một quê quán siêu hình – nơi sinh thành những tưởng vọng về một “nước non Hời “lấp lánh đầy ngấn tích và huyền thoại. Vẽ vời ra như thế, và rồi hoạ sĩ nói với tôi: “Mây Mỹ Sơn là thế đấy!“. Bức tranh ấy đến nay đã gần tròn ba chục năm rồi, còn hoạ sĩ cũng đã là người xưa từ hơn mười năm nay. “Mây Mỹ Sơn” – chốn ấy bây giờ có lẽ còn có cả cái bóng dáng gầy gò cô đơn của anh – cố hoạ sĩ Lê Khắc Duyệt, như lẫn vào đâu đó, tan vào đâu đó giữa cái màu mây chàm mông mênh in trên nền trời xa vắng.
Tôi lại nhớ về một Hoàng Tư Thiện một lần đến Mỹ Sơn, không biết nhìn những cổ tháp kia, những dòng chữ sancrit lẫn cùng rêu xanh trên những bi ký bằng đá kia, thi sĩ đọc ra từ đó những gì mà thơ anh lại lồ lộ nhan sắc phơi bày giữa nguyệt nhật: “Đứng trước tôi một cô gái Chiêm Thành. Đôi mắt nhìn qua lớp đá thời gian. Thẳm sâu đêm nhiệt đới”. Và, bây giờ thì thi sĩ chẳng còn phải đối diện với “ cô gái Chiêm Thành” nào hết, mà cũng như Lê Khắc Duyệt, một mảnh linh hồn anh có thể đang rong chơi giữa rêu cỏ hoang vu này. Và rồi còn biết bao nhiêu người đã từng có những khoảnh khắc lãng du qua đây – cái xứ sở “nước non Hời “đầy trắc ẩn trong thơ Chế Lan Viên, chừng như bao giờ cũng hàm chứa sự bí ẩn và biết khơi gợi trí tưởng con người như một thách thức đi tìm lời giải đáp của vô tận.
Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên ở Đà Nẵng
Đi dưới chân những ngọn đồi dốc thoải dọc theo triền núi Chúa xanh thăm thẳm vào một buổi chiều ửng tím màu mây chàm. Từ đây nhìn về hướng Sông Thu Bồn, khu đền tháp Mỹ Sơn mờ tỏ trong những vòm cây như biết trôi đi cùng mây bay. Không biết có phải từ vọng tưởng mà ra, hay là gió Mỹ Sơn là thứ gió chất chứa đầy những tiếng vọng, bỗng dưng, chẳng can cớ gì đến thơ Quang Dũng, tôi lại ngâm tràn thơ ông như thi thố cùng âm vang gió núi “Một chút linh hồn nhỏ. Đi về chân núi xanh. Chiều tím về chầm chậm. Hoàng hôn nghe một mình.”
Quả là tôi đang một mình nghe hoàng hôn Mỹ Sơn chầm chậm gieo vãi nên một thứ âm thanh xốn xang có sức vang hưởng đánh thức từng quá khứ. Chẳng phải quá khứ là nói đến bề dày của lớp lớp tầng vỉa văn hoá qua những dòng bia ký, với tên tuổi của những vì vua như Bhadravarman, Rudravarman cho đến Jaya  Paramesvaravarman hay là Jaya Simhavarman, – những vương triều Chămpa đã tạo dựng và trùng tu gìn giữ Mỹ Sơn trải qua nhiều thế kỉ. Cũng chẳng phải quá khứ là tôi hồi tưởng lại dấu chân của những nhà khoa học, những nhà khảo cổ học như L. Finot, H. Parmentier… đã có công phát lộ và nghiên cứu về Mỹ Sơn – một công trình kiến trúc của vương quốc cổ Chămpa. Ngay cả tiếng thơ Aryan cho đến lời kinh Veda sương khói thì cũng xa xăm và tràng giang như âm vang dòng sông Hằng truyền thuyết, dường như với tôi, có nghe đâu đó cũng chỉ để mà nghe, như trẻ thơ ngồi nghe cổ tích về một thế giới bí nhiệm và đầy ắp những vị thần: Thần sáng tạo, thần nhan sắc, thần hủy diệt… Có lẽ chính sức sống của niềm tin thơ ngây và trong trẻo là xứ sở, là non tiên – nơi những vị thần Shiva, Visnu… cứ thỏa sức mà lung linh trong trí tưởng của những tín đồ. Vậy thì còn có những gì vang hưởng, những gì biết đánh thức từng quá khứ trên những lối đi mòn trong thung lũng Mỹ Sơn này?
Có vẻ như mỗi người qua đây tự biết đối thoại với gạch đá rong rêu của cổ tháp này để tìm lời giải đáp. Có những vị khách du lịch mà tôi đã thấy, đã nghe họ trò chuyện với nhau sau khi đã lòng vòng khắp tất cả đền tháp. Rồi lại đem Mỹ Sơn so sánh với Hội An, với Huế. Tôi muốn nói với những người khách đó rằng: Nếu nơi đây mà phồn hoa tấp nập như Hội An hay Huế thì làm gì vang bóng “Điêu tàn” – một trong những quê xứ từng xây nên cõi thơ đẹp mê hồn của Chế Lan Viên. Thế có nghĩa là, ở một ý nghĩa nào đó, cái đẹp của Mỹ Sơn chính là ở chỗ sự phai tàn. Rằng đến đây chiêm bái, con người ta có cảm giác sẽ nghe được tiếng thời gian đi qua trên từng rạn vỡ mà hiểu ra cái lẽ vĩnh hằng của biến dịch, của non dời bể lấp.
Kazimier Kwiatkowsky – có lẽ là người am tường hết thảy mọi thanh âm Mỹ Sơn. Từ kinh nghiệm đó, người kiến trúc sư có gốc gác quê hương ở cái thành cổ Lublin vạn dặm trời Âu đã nợ duyên cùng đền đài tháp cổ xứ này. Chính ông là người đã sáng tạo ra cái thuyết trùng tu Kazik, tức là không làm theo nguyên mẫu theo kiểu sao chép, mà phải thể hiện dấu thời gian đi qua, thời đại đi qua. Và đấy mới chính là ý nghĩa, là cái triện son của mỗi thời in trên hình hài Mỹ Sơn. Kazik đã ăn ở suốt nhiều năm tháng với Mỹ Sơn, từ buổi khu thánh địa này còn ẩn khuất trong lau lách hoang vu.
Giờ đây Kazik cũng đã là phần hồn của Mỹ Sơn, nơi ngày đêm những vị thần Kala canh gác giữ gìn, từ những Kalan cho đến chim muông, hoa lá, những kiệt tác điêu khắc, những linga và yoni… và đến cả hoa hoang cỏ dại. Bất cứ nơi đâu ở lòng thung lũng này, bây giờ người ta cũng đều có thể nghe được hơi hướm của Kazik, thấy được dấu vân tay của ông còn lưu lại trên từng viên gạch. Kết nối tất thảy mọi dấu vết đó lại, của một người, của nhiều người, của một thời, của nhiều thời, của cả những hữu thể và vô thể… thành ra Mỹ Sơn bát ngát thanh âm giữa lòng vạn thuở!
Nhưng thật khó mà đủ sức để thẩm thấu hết mọi âm thanh nơi đây. Nói gì đến Mỹ Sơn nghìn tuổi thăm thẳm con đường thời gian, mới chừng ba mươi năm trở lại đây thôi, con đường dẫn về Mỹ Sơn đã hun hút nhớ quên trong tôi một cõi “điêu tàn” rồi. Điêu tàn – là cái thói quen tôi vin vào thơ Chế Lan Viên để nghe đá sỏi gọi câm dưới chân mình mà nhớ mà quên!
Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam
Chúng tôi đến Mỹ Sơn lần đầu không phải là những chuyến rong chơi cổ ngoạn gì, mà là do một sự tình cờ. Khu Tây – Duy Xuyên thời cỏ còn chưa đủ sức xanh trên cánh đồng hoà bình,thời ấy cũng như bao vùng quê khác vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh được vài ba năm. Những ngọn đồi trơ trọi nối liền Duy Hoà – Duy Tân còn ẩn chứa đầy những hiểm hoạ chết chóc, nơi đâu cũng gặp bom mìn. Thời buổi lo cái ăn còn hoa cả mắt, chẳng hơi sức đâu mà nói đến chuyện tìm kiếm phát lộ những công trình văn hoá, lịch sử bỏ hoang trong rừng rậm. Nhưng Duy Xuyên hồi ấy quyết xây dựng khu Tây thành một trung tâm, một thị tứ nhằm xoá đi bớt cái nghèo ảm đạm của một vùng đất chịu nhiều gian khổ mất mát trong chiến tranh.
Theo chân các đoàn khảo sát kĩ thuật, chúng tôi lội khắp các vùng đồi núi khu Tây. Một buổi trưa từ nông trường Duy Xuyên về, xe hỏng máy tại khu vực gần cầu Khe Thẻ, vậy là trọn một buổi chiều chờ đợi sửa xe, chúng tôi có dịp băng rừng lội suối “chinh phục” Mỹ Sơn. Từ đó đến nhiều năm tháng về sau này, tôi không còn nhớ rõ mình đã đến đây bao lần. Khi thì với anh em bạn bè phương Nam, phương Bắc, lúc thì ngẫu hứng một mình, nhưng có lẽ cái lần đầu tiên khám phá Mỹ Sơn ấy là lần nhớ đời, nhớ thủa nhiều nhất.
Mỹ Sơn bây giờ mỗi ngày chừng như du khách mười phương tấp nập hơn, nhất là vào những dịp lễ hội. Ngay như tôi đang có mặt, hoàng hôn đang giăng tím khắp núi đồi Mỹ Sơn, vậy mà còn có du lịch Tây, du lịch ta dùng dằng chưa chịu ra về. Cả tôi nữa, hình như lúc Mỹ Sơn càng thanh vắng, cái đẹp lặng im của từng tháp cổ, của từng pho tượng đá bỗng khơi vơi trắc ẩn giữa lòng người, gieo vào lòng người một niềm xao xuyến như một chất liệu kết dính mơ hồ giữa thế giới này với lòng ta vậy! Cũng có thể bầu không khí Mỹ Sơn không mặn mà cho lắm với sự khua vang ồn ã, sự diêm dúa kiểu sức, một thứ khả nghiệm đám đông chạy theo những thú vui xa hoa ào ạt. Nếu hiểu rằng sự hoang vu và phai tàn là chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn Mỹ Sơn trường cửu chứ không phải những ồn ã, hào nhoáng xúng xính trong những chiếc áo lễ hội thời thượng thì việc trùng tu phục chế tôn tạo khu thánh địa này, tức là làm thế nào để nguyên vẹn một Mỹ Sơn rõ nét dấu thời gian đi qua.
Nhớ một lần tôi làm “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ cho những vị khách quí ở Hà Nội,trong một ngày hăm hở cổ ngoạn Mỹ Sơn. Khách là những nhà thơ Võ Văn Trực, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa tiếng tăm thơ văn bát ngát, thành ra chẳng có gì phải gọi là… hướng dẫn. Đi cho vui, đi để học hỏi thêm, để thấm tháp thêm những điều mình chưa biết. Kết quả ngày đường hôm ấy tôi rút ra bài học, không phải chuyện… làm thơ, mà là chuyện xây dựng trùng tu Mỹ Sơn. Nói chính xác hơn là những niềm ưu tư, rằng nếu muốn xây dựng theo kiểu phục chế một Mỹ Sơn hoàn chỉnh, thì nên chăng khoanh một vùng riêng xây dựng giống như bản sao nguyên bản. Tại nơi mới mẻ đó có thể tuỳ thích mọc lên khách sạn, nhà hàng, khu giải trí để phục vụ khách du lịch. Riêng Mỹ Sơn nghìn tuổi, thì bằng cách trùng tu nào cũng không thể thay đổi hoặc thêm thắt bất cứ một thứ gì, lại càng không thể làm mới lại. Cái đẹp toàn bích của công trình kiến trúc cổ Mỹ Sơn là cần phải tôn trọng cảnh quang và hiện trạng, ở đó có cả đổ vỡ mất mát hao mòn, in đầy dấu mưa nắng và thời gian đi qua, chiến tranh và thiên tai địch họa đi qua. Tất cả sự hưng phế, tàn phai thể hiện trên thân thể Mỹ Sơn luôn thường hằng một thứ mật ngôn có sức vang dội, một tiếng gọi câm lặng mà lại có sức âm ỉ dội vào ngực người thưởng ngoạn như lớp lớp triều âm tuyên ngôn cho sự sống vĩnh hằng!
Tôi hiểu ra Mỹ Sơn có một thứ mật ngôn theo cách hiểu của mình. Mật ngôn của rêu, của tháp, của cả những tượng thần. Đi giữa một hoàng hôn thanh vắng, nói rõ hơn là nơi mà mọi âm thanh của gió ngàn và chim chóc trong thung lũng này, càng làm tăng thêm cho sự thanh vắng hun hút và thăm thẳm. Thoáng chốc cái màu mây chàm như biết ửng lên soi rọi xa xăm vào sự vật quanh đây. Sự vật có khi là viên gạch nung nghìn tuổi, có khi là những trụ đá, những Kalan ngửa nghiêng, nhưng dưới ánh rọi của sắc ráng chàm pha bỗng dưng tất cả biết cựa mình thức giấc.
Thế giới của những vị thần sinh ra từ đấy chăng? Không hiểu sao cái trí nhớ cũng rất hoang vu của tôi lại liên tưởng đến các vị thần Apollon và Dionysos xuất hiện ở chân trời cũ càng Hy Lạp. Nếu Apollon là ngôn từ của thi ca thì Dionysos là sức sống và hành động. Cả hai vị thần này đã chi phối tâm hồn toàn Hy Lạp cổ để sinh thành bất tử thiên trường ca Homère lộng lẫy chân trời Hy Lạp. Mỹ Sơn cũng đã chứng tỏ sức thẩm mỹ của mình, không chỉ là chuyện nghìn năm, chuyện quá khứ, mà còn là sức sống lấp lánh từ cái chứng chỉ di sản văn hoá nhân loại đã mười mấy năm nay. Có điều tôi muốn nói đến một sự sống lặng lẽ hơn, nó chuyển hoá vô hồi vô hạn đến mọi tâm hồn khi đối thoại với Mỹ Sơn. Từ những bức tranh, những bài thơ bài hát, tất cả bồi đắp ngày ngày lên Mỹ Sơn, cho đến giờ đây chẳng làm sao nhớ nổi hết. Và đấy cũng là minh chứng về một sự sống, một sức sống trên nền một cảm xúc cộng đồng có thực mà Mỹ Sơn biết ban phát cho mọi người.
Hoàng hôn đã sẫm rồi mà cái màu mây chàm như chưa chịu lặng yên với tháp. Có vẻ như trên những lối mòn tịch nhiên giữa mây khói la đà kia đang có những bước chân xưa trở về. Tiếng thơ mơ hồ trong gió, tranh vẽ mơ hồ trong mây bay, phút giây ấy tôi ngẫu hứng diễn dịch ra: “Hoàng hôn nhuộm rồi, Mỹ Sơn lẫn vào sương khói. Áo chàm bay mây thấp thoáng la đà. Tôi lẫn vào em, em lẫn vào hoang vắng. Cây cỏ và người muôn điệu Apsara”!. 
4/1/2023
Nguyễn Nhã Tiên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...