Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Osho - Hành trình đi tìm ý nghĩa sống của bậc đạo sư

Osho - Hành trình đi tìm
ý nghĩa sống của bậc đạo sư

Trong các bậc đạo gia, Osho có lẽ là vị tu sĩ nhiều tranh cãi nhất nhưng khó có thể phủ nhận sức ảnh hưởng và lan tỏa tư tưởng, triết lý của ông đến các thế hệ bạn đọc.
Một đứa trẻ từ lúc sinh ra đã bị nhồi nhét lý tưởng về một xã hội khuôn mẫu. Trong giai đoạn trưởng thành, đứa trẻ đấu tranh giữa phần nổi loạn bên trong và những định hướng, chuẩn mực đầy phán xét bên ngoài. Cuộc đời đứa trẻ trở thành bi kịch, bắt nguồn từ những thứ dường như dễ dàng nhất như tình yêu và hạnh phúc. Đứa trẻ trở nên ghét chính mình, chúng buộc phải lựa chọn cái được gọi là “thiện” và kìm hãm bản thân để xa rời cái “ác”.
Bậc thầy tâm linh Osho
Trong khi đó, đáng lẽ lúc này đứa trẻ nên trở thành một phần của dòng chảy sự sống, bình thản tự do, nhảy múa hoan ca đầy lòng nhiệt thành. Đây là những thông điệp mà Osho – một nhà triết học, một thiền sư, một đạo sư… đã dành trọn đời mình để thuyết giảng và trò chuyện.
Osho – bậc đạo sư không khuôn thước
Acharya Rajneesh, hay Bhagwan Shree Rajneesh, người về sau được thế giới biết đến với cái tên Osho, sinh năm 1931 ở làng Kuchwada, bang Madhya Pradesh, thuộc miền Trung Ấn Độ. Là con trai cả trong một gia đình Kỳ Na Giáo (Jaina), một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, Osho chưa từng theo bất kỳ tôn giáo nào. Khi còn nhỏ, Osho đã là một đứa trẻ thông minh, nổi loạn, tự lập, hiếu kỳ về những lễ nghi tín ngưỡng cổ truyền và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bà ngoại, một người phụ nữ sắc sảo.
Sau khi có học vị thạc sĩ Triết học tại Đại học Saugar năm 21 tuổi và đạt tới giác ngộ (Samadhi) vào năm 1970, Osho du thuyết nhiều nơi trên đất Ấn. Ông bắt đầu truyền giảng những khái niệm tâm linh mới mẻ gây tranh cãi, như thông qua dục (Sex) để đạt siêu tâm thức (Super-Consciousness) và đưa ra phương pháp thiền mới, gọi là thiền động (Dynamic Meditation) – một sự pha trộn các tư tưởng triết học và đạo giáo lớn đương thời. Tư tưởng của Osho lan tỏa khắp mọi nơi, thu hút hàng ngàn môn đệ trên toàn cầu.
Qua nhiều biến động, Osho di cư từ Ấn Độ sang Mỹ để chữa bệnh, rồi bị trục xuất quay về Pune (Poona) ở nước nhà. Osho yếu dần và “rời thân thể” năm 1990. Ông để lại cả một gia tài sách và những bài giảng ghi hình ghi âm lên tới 7000 giờ lưu trữ bằng 47 thứ tiếng, các hình thức tập thiền và một trung tâm tu học rộng 16 mẫu đất (khoảng 162.000 m2) cách Bombay 100 dặm.
Osho không theo bất kỳ tín ngưỡng nào. Ông cũng không truyền giảng bất kỳ đạo giáo nào. Thứ duy nhất ông thuyết giảng là Đạo, với quan niệm Thượng Đế nằm trong vạn vật. Với sứ mạng tạo một thế giới tỉnh thức, Osho đưa ra và muốn phổ biến hình ảnh về con người mới – được ông gọi với cái tên Phật Zorba.
Nhóm “người mới” là hình ảnh những người trỗi dậy thay thế thế hệ đang hấp hối, họ chấp nhận bản ngã của chính mình – vừa nhảy múa vui ca giữa cuộc đời, vừa cảm thấy an tịnh khoan hòa. Osho tin tưởng đó là một tương lai hoàng kim của nhân loại, khi con ngời ngừng tự hỏi về tương lai của chính mình và con em họ.
Nhiều đạo lý thuyết giảng của Osho vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng và gây tai tiếng trong thời gian ông còn sống. Nhưng không thể phủ nhận, với trí tuệ, kỹ năng thuyết giảng đầy cuốn hút, một lối văn giản dị cùng óc hài hước và nhân cách của mình, Osho đã lay động trái tim và thay đổi cuộc sống của hàng triệu người.
Từ trái tim thinh lặng này sang một trái tim thinh lặng khác
Trong một cuộc phỏng vấn khi còn tại thế, Osho chia sẻ: “Tất cả những gì tôi muốn nói với bạn, là ở trong những ‘khoảng hở’ của tôi. Tôi sử dụng lời nói để tạo ra ‘khoảng hở’. Người ta sẽ tin vào bất cứ điều gì, nếu bạn thì thầm nó. Nhưng tôi đi một bước xa hơn, nếu bạn thật sự muốn diễn đạt chân lý thì đừng nói gì về nó cả. Thay vào đó chỉ để lại ‘khoảng hở’ – đó là cách để mọi người nghe thấy dù không một lời nào từ bạn thốt ra. Đấy là cách duy nhất chân lý luôn được truyền tải, từ trái tim im lặng này tới trái tim im lặng khác”.
Osho diễn giải: “Sự im lặng hoàn toàn này là cách duy nhất để bạn có thể chạm tới, hoà nhập, chia sẻ với tận cùng bản chất của người khác. Khi bạn kể một câu chuyện đùa, mục đích của chuyện đùa không phải là để đùa mà là tiếng cười theo sau đó. Bởi trong tiếng cười đó, mọi suy nghĩ của bạn sẽ dừng lại. Khoảnh khắc trong tiếng cười, bạn không còn thêm tâm trí nữa. Ngay sau tiếng cười là một ‘khoảng hở’ rất nhỏ và tôi có thể chạm tới cốt lõi sâu nhất bản thể của bạn”.
Bộ 5 tác phẩm quan trọng về tư tưởng của Osho.
Kỳ thực, Osho không viết sách. Thay vào đó, ông chỉ thực hiện các buổi nói chuyện trực tiếp và tất cả sách đều được những học trò của Osho ghi lại dựa trên băng ghi âm của ông. Với những người đọc sách Osho, thì sự thinh lặng sau mỗi lần đọc sách chính là những “khoảng hở” mà thông qua đó, họ có thể tiếp nhận trí tuệ từ nhà hiền triết.
Các cuốn sách của Osho viết về nhiều đề tài khác nhau, đề cập, bàn luận về sự thân mật, sáng tạo, lòng can đảm, hạnh phúc, và “đạo”… Một số sách nổi bật trong kho tàng tri thức mà Osho để lại phải kể đến Thân mật – Cội nguồn của hạnh phúc, Sáng tạo – Bừng cháy sức mạnh bên trong, Đạo con đường không lối, Hạnh phúc tại tâm, Can đảm – Biến thách thức thành sức mạnh …
Với hai tập sách Sáng tạo – Bùng cháy sức mạnh bên trong và Can đảm – Biến thách thức thành sức mạnh, Osho đưa ra quan điểm mỗi con người cần dấn thân tự khám phá ra cuộc đời mình, vượt qua tâm lý đám đông và những cám dỗ, để đi đến bến bờ an lạc trong cuộc sống, hòa vào một vũ điệu của niềm hân hoan.
Với cuốn sách Thân mật – Cội nguồn của hạnh phúc Osho chia sẻ cách để mỗi người vượt qua cảm giác lạc lõng, tìm được sự tự tin cho bản thân, từ đó từ bỏ chiếc áo giáp sắt, trở thành người khởi xướng để kết nối bạn bè và những người thân yêu.
Với Hạnh phúc tại tâm, toàn bộ kiến giải của Osho về hạnh phúc được tóm gọn trong một câu nói: “Hạnh phúc là niềm vui từ bên trong. Nó không đến từ sự tìm kiếm và đòi hỏi”.
Đạo – Con đường không lối là sách mà Osho chia sẻ năm câu chuyện ngụ ngôn trong cuốn cách của Liệt Tử – một nhân vật tiêu biểu cho Đạo gia sống ở thế kỷ 4 TCN. Trong cuốn sách, Osho đề cập đến bản ngã, bản chất của trí tuệ, những giới hạn của triết học: sự đối lập thực sự giữa lý trí – phi lý trí, giữa tính dương – tính âm, giữa sự tuân thủ luật lệ – sự tự nhiên nhi nhiên…
Một số tư tưởng Osho không quá mới, nhưng ông có cách truyền đạt dễ hiểu.
Những vấn đề mà sách của Osho đề cập có thể không quá mới mẻ với những người yêu thích tìm hiểu triết học, hoặc các đề tài lý luận. Tuy vậy, chân lý được truyền đạt từ một trái tim im lặng này sang một trái tim im lặng khác. Điều đặc biệt ở một nhà triết học như Osho là ông có khả năng “thổi” vào những đề tài quen thuộc những diễn giải mới mẻ, thậm chí hài hước nhưng rất chân thực.
Khoa học công nghệ phát triển, nhưng càng phát triển chúng ta dường như càng thiếu thời gian cho bản thân mình. Có bao giờ bạn từng cảm thấy mắc kẹt trong thế giới của riêng mình? Có bao giờ bạn hoài nghi về cách mà xã hội nỗ lực kiếm tiền, nỗ lực tiêu tiền? Có bao giờ bạn cảm thấy ngột ngạt với những thước đo thành công và chuẩn mực hạnh phúc?
Khi đó, có thể những cuốn sách và lời khuyên của Osho sẽ là cơ hội để bạn dành thời gian tĩnh lặng cho chính mình, bình tâm nhìn nhận đoạn đường mình vừa qua, hướng suy niệm vào bên trong. Và rồi đến một lúc bạn có thể kết nối chính mình, an lòng bởi thấy được bản thân cuộc sống vốn đã là mục đích cuối cùng của chính cuộc sống.
28/6/2021
Tấn Huyền
Nguồn: Zing
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...