Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Những người giữ hồn thiêng sông núi

Những người giữ
hồn thiêng sông núi

Đường về Lam Kinh như một tấm lụa dài, đồng ruộng, cây cối xanh ngát. Gần một tiếng đồng hồ ngồi ô tô, cuối cùng tôi cũng đến khu di tích. Vừa đặt chân xuống xe, tiếng reo rắt của chim chóc, tiếng xào xạc của lá cây và cả tiếng lóc phóc phát ra từ đâu đó của những quả cây chín rụng xuống tấm thảm thiên nhiên nơi đây vọng lại. Mỗi lần tôi đến Lam Kinh là mỗi lần trong tôi lại có những xúc cảm khác nhau, nhưng thú vị nhất vẫn là được tận hưởng không khí và quang cảnh Lam Kinh khi vào thu. Một chút gió, một chút lạnh thoang thoảng, trời xanh cứ se sắt quyện vào hơi thở cổ kính, trầm mặc và thiêng liêng của Lam Kinh khiến tôi nao lòng. Tôi hiểu tại sao Lam Kinh ngày càng là điểm thu hút của khách thập phương, đồng thời, là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh tọa lạc trên diện tích hơn 200 héc ta, thuộc địa phận huyện Thọ Xuân. Thế đất nổi lên hình chữ Vương, thoai thoải như mai rùa. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh trong mười năm ròng rã (1418-1427). Sau khi lên ngôi Hoàng đế (1428) ở Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội), đến năm 1430, Lê Lợi đổi Lam Sơn thành Tây Kinh (hay còn gọi là Lam Kinh). Sau khi Lê Thái Tổ băng hà, vua Lê Thái Tông lên ngôi đã cho xây dựng điện Lam Kinh. Ban đầu điện Lam Kinh được xây dựng quy mô nhỏ, chủ yếu là khu “Sơn Lăng” (nơi an táng thờ cúng tổ tiên, các vua và hoàng hậu thời Lê sơ). Sau này, để phục vụ cho vua và hoàng hậu mỗi năm về thăm quê hương, bái yết sơn lăng, qua thời gian điện Lam Kinh dần được mở rộng, quy mô lớn và bề thế hơn. Hiện nay, khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ nằm trên đỉnh đồi hình mai rùa.
Nhà văn Ngân Hằng
Nếu có dịp về Lam Kinh vào mỗi độ trung tuần tháng tám âm lịch, chúng ta được bước vào một không gian của lễ hội, những bước chân rậm rịch của người dân, tiếng nhạc rộn rã của những điệu múa Xuân Phả, sắc màu tươi tắn của trang phục tràn ngập trên mọi nẻo đường. Tất cả đang bận rộn cho ngày “giỗ vua”. Lại nhớ cách đây năm năm, trong một lần công tác, tôi có dịp ghé qua Lam Kinh, lúc ấy con đường qua huyện Triệu Sơn đang trong thời gian thi công nên gồ ghề, cứ xốc lên, xốc xuống. Lam Kinh khi ấy là những công trình, ngổn ngang vật liệu xây dựng và những viên gạch lát sân rồng nặng hơn 20 kilogam xếp thành dãy. Thái Miếu cũng vừa dựng xong, chưa được đặt đồ thờ. Nhưng giờ đây, trước mắt tôi khung cảnh kỳ vĩ với đường dẫn lát đá phẳng phiu, Thái Miếu vương vít mùi khói hương. Vẫn đó những cây cổ thụ với tầng tầng tán lá xòe rộng lừng lững, trầm mặc và giờ đã vinh dự mang tên cây di sản. Những câu chuyện ở Lam Kinh trở thành huyền thoại vừa hư, vừa thực. Tôi được anh Trịnh Đình Dương – Trưởng ban Quản lí di tích dẫn đến Chính điện Lam Kinh đang được phục dựng. Tôi ngỡ ngàng với những cây cột cái phải đến hai hoặc ba người mới ôm hết. Tôi đến bên cây cột gỗ lim đã hiến thân làm “giường cột” cho Chính điện, mùi gỗ nồng nồng, man mát đầu tay, tất cả vẫn đang trong thời hạn thi công, nhưng nay mai nữa thôi, Lam Kinh sẽ hiển hiện bề thế giữa một vùng non nước tươi xanh.
– Để Lam Kinh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, chắc ban mình phải cật lực lắm phải không anh?
Trả lời tôi, tiếng anh Dương hồ hởi, không giấu được niềm tự hào:
– Cật lực chứ, nhưng ai cũng vui và phấn khởi lắm. Không nói ra, nhưng tôi cũng như các cán bộ, nhân viên trong Ban đều biết rằng việc công nhận Lam Kinh là Di tích Quốc gia đặc biệt chỉ là vấn đề thời gian. Một di tích hội tụ đầy đủ yếu tố vật thể và phi vật thể cũng như một bề dày lịch sử như Lam Kinh là điều đương nhiên rồi. Ban nhận định và biết trước điều đó nên chúng tôi âm thầm chuẩn bị tư liệu gần như đầy đủ. Chính vì vậy, khi hồ sơ Lam Kinh được đưa lên tháng 7, thì đến tháng 9 năm 2012, Lam Kinh đã được đón tin vui này.
Sau nhiều lần chuyển đổi, ngày 20 tháng 10 năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định thành lập Ban Quản lí khu Di tích Lịch sử Lam Kinh đóng trên địa bàn xã Xuân Lam. Tôi đến Ban Quản lí đúng lúc Ban vào thời gian bận rộn nhất, ngoài một số cán bộ đang cặm cụi bên máy tính và những cuốn sách chuyên môn bày kín mặt bàn, hầu như mọi người đều tản đi khắp di tích, người ở Thái Miếu, người ở Sơn lăng, người lại đi sâu vào rừng, vào làng để khảo cứu. Ai cũng bận với công việc được giao, nhưng ở khuôn mặt, ánh mắt họ lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết. Với đặc trưng nghề nghiệp, ngoài chuyên môn vững vàng, cần lắm lòng yêu và say với nghề, bởi lẽ công việc này đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mẫn và kiên trì. Với con số hiện tại là 38 cán bộ, công nhân, viên chức, việc quản lí khu di tích gặp vô vàn khó khăn. Chính vì vậy mà đầu năm 2013, lãnh đạo Ban đã chủ động bố trí, phân công, lập kế hoạch công việc và giao cho các phòng, bộ phận triển khai thực hiện.
Trời sang trưa, nắng ào ạt đổ xuống, xuyên qua tán lá. Con đường nội bộ khá trơn do rêu bọc quanh gạch khiến bước chân tôi nặng dần. Tôi quay sang anh Trịnh ĐÌnh Dương đang thong thả ngắm quang cảnh xung quanh hỏi:
– Đi bộ gần ba tiếng đồng hồ mà anh không thấy mệt sao?
– Thế này đã nhằm nhò gì so với những chuyến điền dã của anh em trong Ban vào bản làng sưu tầm văn hóa phi vật thể. Thời gian anh em tôi ở di tích nhiều hơn ở nhà, từng con đường, từng góc rừng như đã nằm trong tâm trí hết rồi. Mỗi lần đi là mỗi lần chúng tôi lại khám phá, vỡ lẽ được nhiều điều của di tích. Càng thấy yêu và gắn bó hơn.
Anh kể cho tôi nghe những chuyến đi ấy. Quả thật để thu thập được những hiện vật, những điệu hát, những câu chuyện, tư liệu… còn lưu truyền trong dân gian thật không phải dễ dàng. Nắng, mưa, dông bão, rồi cả đường xá đi lại vô cùng khó khăn, có những lần phải leo đèo, lội suối từ quả núi này đến quả núi kia, vậy mà điểm đến cứ mịt mù trước mắt. Nhiều khi phải cắm trại ngủ đêm bị muỗi và côn trùng cắn nhằng nhịt khắp người. Nếu bỏ cuộc thì những nét đẹp văn hóa cha ông để lại sẽ theo năm tháng phai nhạt dần đi. Nghĩ đến đó thôi, anh và các đồng nghiệp đã thấy nhoi nhói lồng ngực. Niềm thôi thúc muốn giữ lại “hồn thiêng” sông núi ấy đã tiếp thêm sức mạnh để những người “đãi cát tìm vàng” như anh tiếp tục cuộc hành trình. Anh Dương là người “đứng mũi chịu sào” trước mọi việc, nên anh lúc nào cũng tất bật, vội vã. Dù đã bước vào cái tuổi sắp lên ông, nhưng nước da rám nắng, giọng nói chắc nịch, nhất là lúc bộc lộ về công việc và chuyên môn của mình, trông anh Dương vẫn giữ được phong thái như thuở trai tráng.
Theo lời giới thiệu của anh Dương, tôi sang phòng nghiệp vụ tìm gặp chị Bùi Ánh Tuyết – Trưởng phòng nghiệp vụ Ban quản lí di tích lịch sử Lam Kinh. Phòng nghiệp vụ chỉ rộng chừng mười lăm, mười sáu mét vuông, vật dụng không có gì nhiều nhặn, ngoài cái bàn cũ kỹ, tủ sách nêm cứng, vài ba chiếc ghế đã phần nào ọp ẹp. Chị Tuyết chừng ba bảy, ba tám tuổi, người mảnh mai, gương mặt hiền hậu, nụ cười thân thiện. Có thể nói, để chuẩn bị một bộ hồ sơ cho Lam Kinh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, công sức đóng góp của những người như chị không nhỏ chút nào. Nào lập kế hoạch, chọn địa điểm, tìm hiểu địa điểm, khảo sát, điền dã lấy thông tin tư liệu, xử lí tư liệu, viết báo cáo, chừng ấy khâu cho một lần đi sưu tầm văn hóa phi vật thể, nghe có vẻ dễ dàng, nhưng với người phụ nữ quả thật không hề đơn giản. Bảy lần khai quật khảo cổ ở Lam Kinh do tình hình công việc đòi hỏi, chị và mọi thành viên trong Ban phải đi lấy tư liệu từ Hà Nội, chặng đường thì xa, nhưng khi gom được tư liệu rồi, dù chỉ là vài ba tấm ảnh cũng phải vội vàng về ngay để kịp làm báo cáo, ròng rã như vậy, từ ngày này sang ngày khác, từ tháng nọ sang tháng kia. Nhưng thú vị nhất vẫn là những lần vào bản làng. Đường xa, đi lại khó khăn, mưa vừa dứt đất đá trên đồi thi nhau ào ạt đổ xuống sau lưng, vừa đi, cả đoàn vừa phải canh chừng, phải làm vào được bản khi cái tối đang sầm sập đổ về trước mắt, chưa kể những tiếng kêu của thú dữ, những con côn trùng lông lá, mình mẩy xù xì, lúc nào cũng chực chờ lao đến khiến ai cũng dựng hết tóc gáy. Nhưng vào bản rồi, được gặp những người dân chân chất, được ngồi nghe, xem và ghi lại những bài hát, điệu múa, câu chuyện của ông cha mình để lại cho con cháu, mọi mệt nhọc phút chốc bay đi hết. Chị Tuyết còn kể tôi nghe câu chuyện đặc biệt về việc Lê Lợi đánh giặc bằng ong trong chính khu rừng Lam Kinh này. (Ong ở đây cũng lạ lắm, đàn đông đen đặc trời, có lần đốt rừng, Ban thu được một bì xác ong). Khi ấy, quân ta thì mỏng, giặc lại hùng hậu, Lê Lợi phải dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở, dựa vào muông thú để chiến đấu. Tài trí của ông đã làm cho quân địch kinh hồn bạt vía.
– Sao những câu chuyện đặc sắc này không được đưa in thành sách, mà cứ để lưu truyền trong dân gian?
Nghe tôi hỏi, chị Tuyết khẽ nhăn đôi chân mày, đi về phía cửa, ngoài kia gió cứ vi vu, Lam Kinh mượt mà âm âm lời sông núi vọng về.
– Cái buồn của nghề này là đây. Đôi bàn tay tôi chỉ toàn chai là chai do đã cào bao nhiêu lớp đất để cố tìm văn hóa của thế hệ cha ông. Chúng tôi muốn lưu giữ, nhưng không đủ xác minh thực tế, cũng không có tư liệu nào làm căn cứ, nên rốt cuộc vẫn phải để nó mãi là của dân gian mà thôi. Mừng vì còn có ông bà kể lại cho mình, nhưng lại đau đáu trong lòng sợ đến mai kia thì…
Chị Tuyết không nói hết câu, tôi biết và cũng hiểu nỗi lo trong lòng chị ngày càng lớn dần lên, bởi lẽ, hiện nay lớp trẻ chỉ ham mê với thông tin mạng và công nghệ số, những gì nhanh, gọn, tức thì, có thể “ăn xổi” được, văn hóa truyền thống đang bị lãng quên dần trong thế hệ tương lai ấy.
Với những kết quả đã đạt được, cán bộ, viên chức và người lao động trong Ban hôm nay luôn tự hào là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, góp phần xây dựng di tích lịch sử Lam Kinh xứng tầm là di tích cấp Quốc gia đặc biệt, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm và sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân.
Những giá trị văn hóa – lịch sử của dân tộc cần lắm những con người vừa có tâm, vừa có nghề say mê tìm tòi và gìn giữ cho muôn đời sau, để lớp lớp con cháu khi về với Lam Kinh sẽ cảm nhận được những giá trị ấy đã kết thành hồn thiêng sông núi, nuôi lớn niềm tự hào về dân mình, nước mình.
11/12/2021
Ngân Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...