Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Tiên đoán của Dostoevsky và nhân loại năm 2021

Tiên đoán của Dostoevsky
và nhân loại năm 2021

Vào năm 2021 này sẽ kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh và lần thứ 140 ngày mất của nhà kinh điển Nga Fyodor Dostoevsky. Đây chính là thời gian để nhớ lại một số lời tiên đoán của nhà văn về những gì đáng âu lo như sự bất công, việc lợi dụng quyền lực, đơn giản hơn là trạng thái của con người “từ trình độ văn minh trước đây biến thành nếu không phải là kẻ khát máu, thì có thể có lẽ còn tệ hơn, gớm ghiếc hơn kẻ khát máu”.
Đó chính là câu trả lời của Dostoevsky về những lý tưởng của thời kỳ Khai sáng. Sau này văn hào còn nói thêm: “Tháp Babilon trở nên điều kỳ vọng và mặt khác, cũng trở thành nỗi khủng khiếp của toàn nhân loại”.
Văn hào Dostoevsky của Nga
Nhà văn cũng nghiên cứu sâu sắc  ngay cả những đề tài khác, ví như nỗi khát vọng quyền lực, những vấn đề về quyền tự do của con người và những phong trào phản kháng của nhân dân. Trong tác phẩm “Những con quỷ”, Dostoevsky động chạm tới những điều đúng là chỉ vài chục năm sau đã trở thành hiện thực: những ý định của những người cộng sản Nga thể hiện trong cuộc sống tư tưởng vĩ đại về sự bình đẳng xã hội: “Các bạn không thể hình dung nổi có một nỗi buồn và nỗi tức giận ra sao xâm chiếm toàn bộ lòng dạ các bạn khi một tư tưởng vĩ đại từ đã lâu các bạn tôn thờ nay những kẻ vụng khờ nắm lấy và chuyển giao cho những đứa dốt nát, như chính các bạn, trên các đường phố”. Tiểu thuyết “Những con quỷ” khác với tất cả các tác phẩm khác của Dostoevsky là ở tầm nhìn sáng suốt nhất: Thế kỷ 20 sẽ kết thúc bằng sự sụp đổ của hệ tư tưởng xã hội.
Mặt khác, hình tượng nổi bật Quan tòa giáo hội vĩ đại trong tiểu thuyết “Anh em nhà Caramazov” nhắc nhở chúng ta rằng không có gì xấu hơn của điều ác khi nó được che đậy bởi điều tốt. Nhân vật Quan tòa giáo hội vĩ đại là một kẻ mạo danh tôn giáo, đề ra một chủ thuyết mà chính ông ta không tin, nhưng ông ta đã thành công khi lôi kéo số đông người tin vào điều đó: “Chỉ những ai biết an ủi lương tâm người khác, kẻ ấy mới có tự do”. Những khuynh hướng khác nhau của chế độ cực quyền và chủ nghĩa chính thống nẩy sinh sau này hầu như đã nắm lấy những lời nhân vật của Dostoevsky làm nền tảng.
Nhưng bỏ qua sự biện chứng giữa điều thiện và cái ác, trong các tác phẩm của mình nhà văn đã miêu tả những ai không có ý định đầu hàng thậm chí ngay khi phải đối mặt trước sự thật trần trụi. Ngược lại, những nhân vật ấy chứng minh rằng mỗi một người trong chúng ta có thể đều đóng góp phần riêng của mình để thế giới này không sụp đổ. Chúng ta hẳn còn nhớ nhân vật bá tước Muskin, được miêu tả là một con người hết sức nhân hậu, đầy niềm tin và sự hiểu biết rằng trong thế giới của chúng ta ông bị coi như một thằng ngốc.
Hoặc nhân vật vô thần Caramazov, người tuyên bố thẳng không có thiện cảm với Chúa, bởi Chúa đã sáng tạo ra một thế giới trẻ con cũng khổ đau và cũng vì lý do này Caramazov bác bỏ sự hài hòa của thế giới. Thậm chí Raskonhikov, nhân vật trong tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt”- một con người rất hào hiệp cũng không đơn giản là một kẻ giết người mà là một chiến sỹ đấu tranh để xác lập nên sự công bằng xã hội.
Và nếu giả như chúng ta được chứng kiến những gì Dostoievsky đã cảnh báo về quan hệ giữa nước Nga và phương Tây đã có thể diễn ra tốt đẹp hơn. “Khi sự việc xẩy đến với nước Nga sự dốt nát tăm tối sẽ tấn công chính những con người đã phát minh ra thuốc nổ, đã đếm được có bao nhiêu ngôi sao trên vòm trời; thậm chí đã tin rằng cái kết cục của cuộc sống sẽ ập tới khi tai họa từ trên trời cao ụp xuống đầu họ”. Nhà văn vĩ đại đã bàn tới quan niệm cha truyền con nối của những người già ở châu Âu khi đánh giá về nước Nga của nhà văn, một sự đáng giá trên thực tế xác lập trên nỗi lo sợ và sự bất nhã.
Vốn là một nhà tư tưởng, Dostoievsky hiểu rằng quan hệ căng thẳng giữa Nga và châu Âu sẽ kéo dài còn lâu như những điều chúng ta được chứng kiến cho tới tận hôm nay. “Bất cứ một người phương Tây nào trải qua nỗi dày vò lương tâm nom đều hao hao với một nhân vật của Dostoievsky”-  Có một lần nhà tư tưởng mang hai giòng máu Rumania – Pháp Emil Michel Cioran đã nói như vậy.
Trong năm nay đã được phác dựng nên nhiều biện pháp tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào, không chỉ ở Nga – nơi lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ông đã bị gạt sang một bên vì cuộc nội chiến bắt đầu sau cuộc cách mạng năm 1917, mà còn trên khắp thế giới.
Tư tưởng của Dostoevsky biểu hiện qua sáng tác của ông còn hết sức nóng hổi, tươi mới khiến những sợi tóc trên đầu chúng ta đựng đứng cả lên. “Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của những chấn động hết sức lớn lao ở châu Âu và tôi nói điều này không hề phóng đại. Nhiều điều xẩy ra trong mùa hè trước chúng ta cảm thấy như không chịu nổi hoặc bị thổi phồng lên, nay đã là điều có thực. Chẳng bao lâu nữa những ý tưởng đơn giản và mỗi người đều hiểu được sẽ thế chỗ cho những mơ ước của các nhà tư tưởng, ví như làm thế nào để thế giới sa lày trong các cuộc chiến và tiếp nối mọi thứ tự nó phải thu xếp để trở lại tốt đẹp như trước đó”.
Ngòi bút của Dostoevsky không chỉ mang khả năng vĩ đại của việc miêu tả mà chúng còn mang sức mạnh buộc chúng ta suy ngẫm về những gì ông đã viết. Để chúng ta tin vào trách nhiệm của mình vì mọi điều đang diễn ra trên thế giới. Và đó là trách nhiệm đặt trên vai mỗi người trong chúng ta.
Chúng ta vẫn còn có thể thay đổi được nhiều điều, nếu chúng ta chịu lắng nghe những gì mà nhà nhân văn vĩ đại đồng thời là bậc thầy của những bi kịch kiên trì nhắc đi nhắc lại với chúng ta: “Tại sao những bà mẹ bị thiêu cháy thành than không chịu ngã đổ ra, tại sao con người còn nghèo đói, tại sao những đứa trẻ còn bị lạnh cóng, tại sao những cánh thảo nguyên trở nên trụi khô, tại sao mọi người không ôm xiết lấy nhau, không hôn nhau, tại sao mọi người không cất tiếng hát lên nhũng bài ca của niềm vui, tại sao họ bị cháy đen như thế bởi chính những tai họa đen?”.
1/3/2021
Tô Hoàng dịch
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...