Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Người thổi sáo

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
và Người thổi sáo

Có lần, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói với chúng tôi rằng, nếu không làm thơ viết văn, thì rất có thể ông trở thành người thổi sáo. Hay đơn giản, ông là người kể những câu chuyện nhân gian bằng chính chất giọng của mình.
Lời bộc bạch đó, với người khác, có thể nghe lạ lẫm, nhưng với chúng tôi, những người có may mắn nhiều lần gặp ông, thì đó là điều hiển nhiên xác quyết.
Nguyễn Quang Thiều là người có thể cầm lấy một cây bút, hay ngồi trước máy vi tính để viết nên một bài thơ. Nhưng cũng ngay lập tức, nếu cần khước từ phương tiện, ông có thể cất giọng lên đọc một mạch bài thơ của mình. Bài thơ như có sẵn đâu đó, chỉ cần thi sĩ nhìn thấy và đọc nó lên.
Với âm nhạc cũng vậy, Nguyễn Quang Thiều chưa từng học qua cách sử dụng một loại nhạc cụ nào, nhưng ông có thể cầm lên một cây sáo flute và thổi được ngay. Thậm chí cây sáo flute mà Nguyễn Quang Thiều mua bị hỏng một nốt, thì khi thổi ông chừa nốt đó ra, vẫn thổi hay như thường. Nguyễn Quang Thiều cũng chơi được đàn bầu “mua vui cũng được một vài trống canh” mà không học qua một nghệ nhân nào.
Cho nên thật không lạ khi thấy Nguyễn Quang Thiều chưa từng học qua hội họa một ngày nào mà có thể vẽ được tranh.
Người thổi sáo 8, sơn dầu trên toan, khổ 110 x 150cm
Câu chuyện vẽ tranh của Nguyễn Quang Thiều cũng lắm ly kỳ. Nguyễn Quang Thiều cho biết, ông bắt đầu vẽ từ tháng 1-2005, với một lý do hết sức đơn giản: “Ngày đó một người bạn của tôi là dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà tôi. Một buổi trưa, tò mò tôi lấy 1 tuýp màu bóp nhẹ lên toan, tức thì một màu vàng lộng lẫy hiện ra và như cuốn tôi đi. Lúc ấy dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận đã thúc giục tôi vẽ. Thế là tôi bị cuốn vào sắc màu hội họa lúc nào không hay biết”…
Với hội họa hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, việc không học mà làm, cũng chẳng phải là việc hay ho, đáng tự hào. Bởi vấn đề lý thuyết, hay học thuật là vô cùng quan trọng. Ngay cả văn chương cũng không thể phớt lờ vấn đề lý thuyết. Thế nhưng, với Nguyễn Quang Thiều thì dường như đây là một ngoại lệ. Ngay từ những bức tranh sơn dầu đầu tiên, ông đã được giới hội họa chuyên nghiệp chấp nhận, thậm chí tranh ông được mua ngay với giá cao.
Nhưng Nguyễn Quang Thiều nghĩ mình vẽ tranh cũng như một cú tạt ngang vui chơi. Nó cũng như thỉnh thoảng ông cầm lên cây sáo thổi vài khúc nhạc tiêu sầu. Nguyễn Quang Thiều không nghĩ mình là một “nhà thơ vẽ tranh”, một người đi theo con đường hội họa một cách nghiêm túc. Cho đến một ngày, ông tình cờ gặp một người mù thổi sáo.
Người thổi sáo 14, sơn dầu trên toan, khổ 90 x 110cm
Đó là một buổi sáng mùa thu năm 2012 ở thị xã Hà Đông, khi Nguyễn Quang Thiều đang ngồi uống cà phê thì có một người đàn ông mù thổi sáo đi qua, vừa đi vừa thổi những giai điệu réo rắt. Ban đầu Nguyễn Quang Thiều không để ý lắm, nhưng khi người đàn ông mù vừa dứt tiếng sáo thì chợt Nguyễn Quang Thiều muốn được nghe một bài nữa. Thế là người đàn ông mù tiếp tục thổi một khúc nhạc theo yêu cầu.
Đó cũng không phải là câu chuyện lạ lùng gì. Nhưng điều lạ lùng là khi nhìn vào đôi mắt người đàn ông mù, Nguyễn Quang Thiều như chợt thấy “có một đôi mắt khác mở ra”. Chính cái linh giác ấy khiến Nguyễn Quang Thiều quay trở lại hội họa, với những bức tranh người thổi sáo thành một vệt như ám ảnh.
Người sáng mắt nhìn ra bên ngoài. Người mù nhìn vào bên trong. Người mù “nhìn” bằng thính giác, lắng nghe hơi thở, nhịp đập trái tim, đo lường cảm giác bằng những va chạm thịt da… Cho nên, âm nhạc của người mù bao giờ cũng có sự réo rắt, đê mê mà không một ai có thể bắt chước mô phỏng được.
Cũng như vậy, khi hội họa không đơn thuần là trò chơi thị giác, mà nơi để cảm xúc lên ngôi, thì sắc màu cũng réo rắt, quyến dụ.
Cây đời sống 4, sơn dầu trên toan, khổ 150 x 180cm
Nguyễn Quang Thiều là người rất giỏi dùng màu sắc. Khi ông nói rằng “Tôi không phải là một họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị”, thì có lẽ chính màu sắc cũng chảy theo dòng cảm xúc của ông mà không tự chủ được. Người bị cuốn theo màu và màu bị cuốn theo người.
Xem tranh của Nguyễn Quang Thiều, tôi chợt nhớ tới một câu nói mà danh họa Van Gogh đã đúc kết trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình rằng: “Nghệ thuật là con người cộng với thiên nhiên”. Con người là chiếc chìa khóa tra mình vào miền thiên nhiên và mở ra tác phẩm hội họa.
Điều này thật đúng với Nguyễn Quang Thiều. Một thi sĩ yêu làng quê, yêu thiên nhiên trong từng hơi thở. Nguyễn Quang Thiều cũng là con người của những cộng vào chứ không trừ đi. Nếu có chăng là trừ đi những gì không thuộc về cái đẹp. Còn cái đẹp, cho dù là tiếng sáo của những người mù vô danh thầm lặng, cho dù chỉ là chiếc lá rụng của mùa thu vàng quá vãng; thì với Nguyễn Quang Thiều vẫn cứ cộng vào.
Cộng vào và bay lên những khúc đắm say của người thổi sáo. 
Người thổi sáo 7, sơn dầu trên toan, khổ 150 x 150cm
“Người thổi sáo” là tên triển lãm cá nhân lần đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, khai mạc vào lúc 10 giờ, ngày 7-1-2021 tại Trung tâm Art Space, Trường Đại học Mỹ Thuật, số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội và kéo dài đến hết ngày 15-1-2021. Triển lãm gồm 53 bức tranh với chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel… Triển lãm do Nhân sĩ Hà Đông đứng ra tổ chức.
5/1/2021
Trần Nhã Thụy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...