Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

"Sài Gòn mùa thu xanh" - Chuyện gia đình họ Dương bên ba con sông lớn

"Sài Gòn mùa thu xanh" - Chuyện gia đình
họ Dương bên ba con sông lớn

“Sài Gòn mùa thu xanh” - Hồi ký của Lê Thu Hằng và Dương Văn Diêu, NXB Hội Nhà Văn, tháng 9 năm 2020.
Đây là tập sách hồi ký của một gia đình cách mạng, có nhiều đóng góp về lĩnh vực giáo dục, văn học, nghệ thuật của đất nước Việt Nam (Lê Thu Hằng, Dương Văn Diêu, Dương Quốc Đạt, Lê Văn Thảo, Lê Văn Duy, Dương Hồng Lam, Dương Lệ Chi, Dương Cẩm Thúy), dày 128 trang. Nội dung gồm các bài viết: Chuyện đời bà – Lê Thu Hằng; Nghĩ về nghề giáo – Dương Văn Diêu (Nguyên Trưởng Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam); Dòng sông lớn của đời tôi – Lê Văn Thảo (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật); Chúng tôi đi tìm chị – Dương Cẩm Thúy (Chủ tịch Hội Điện Ảnh TP HCM); Cảm nghĩ trên Đồi 82 – Dương Quốc Đạt; Chuyện cây dầu mang tên “Chi” – Phạm Vũ; Sài Gòn mùa thu xanh – Lê Văn Duy (Đạo diễn, NSƯT).
“Sài Gòn mùa thu xanh” – Hồi ký của Lê Thu Hằng & Dương Văn Diêu,
Chuyện đời bà – Lê Thu Hằng là nhật ký khởi ghi từ ngày 14, tháng giêng, năm 1995 và kết thúc ngày 4, tháng 4, năm 1996, với lời ghi chú cuối trang: “Khi viết về năm tháng có thể bà lẫn lộn. Ba má các cháu và ông các cháu sẽ kể chính xác hơn”.
Nghĩ về nghề giáo – Dương Văn Diêu, viết về dòng tộc họ Dương ở Làng Cò và lĩnh vực giáo dục, văn hóa thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Dòng sông lớn của đời tôi – Lê Văn Thảo, viết về chuyện gia đình họ Dương bên ba con sông lớn là Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sông Cửu Long.
Chúng tôi đi tìm chị – Dương Cẩm Thúy, viết về cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Dương Lệ Chi, chị ruột của mình.
Cảm nghĩ trên Đồi 82 – Dương Quốc Đạt, viết về Đồi 82, nơi đặt bia tưởng niệm Liệt sĩ Giáo dục tại nghĩa trang Tỉnh Tây Ninh có ghi tên Dương Lệ Chi, Lê Thị Bạch Cát, Lê Anh Xuân, Trần Phạm, Trần Đạo, Nguyễn Văn Tá.
Chuyện cây dầu mang tên “Chi”, viết về cây dầu nơi đánh dấu mộ chôn liệt sĩ Dương Lệ Chi.
Sài Gòn mùa thu xanh – Lê Văn Duy, 6 bài thơ của Lê Văn Duy.
Đây là gia đình cách mạng của ông bà Dương Văn Diêu và Lê Thu Hằng, có 7 người con, anh con cả tập kết ra miền Bắc, mất sớm khi vừa tốt nghiệp đại học, Dương Lệ Chi liệt sĩ, còn lại 5 anh em đều có những đóng góp đáng trân trọng về mặt văn học, điện ảnh và giáo dục.
Nhà văn Lê Văn Thảo viết: “Chiến tích của đất nước có ở những người xông lên phía trước, ghi tên mình vào những công lao hiển hách, cũng có những con người bình thường, nhưng quan trọng nhứt, gánh nặng đè lên vai họ nhiều nhất. Chuyện gia đình tôi cũng chuyện của má tôi bên ba con sông lớn… Lịch sử gia đình tôi diễn ra, kéo dài suốt hai cuộc kháng chiến… Má tôi là dòng sông lớn nhứt chảy mãi bên đời những anh em chúng tôi”.
Gấp cuốn sách lại, bạn đọc bồi hồi nhớ đến những quãng đời lấp lánh của những người đóng góp âm thầm trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, tạo nên vẻ đẹp truyền thống kiêu hùng, nhân ái, cao quý của dân tộc Việt Nam.
13/10/2020
Trần Hữu Dũng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...