Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Tướng Võ Bẩm và những người tiên phong mở đường Trường Sơn

Tướng Võ Bẩm và những người
tiên phong mở đường Trường Sơn

Con đường Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh huyền thoại kỷ niệm tròn 60 năm sáng lập (19.5.1959 – 2019). Để hình thành con đường chiến lược này trong kháng chiến chống Mỹ, biết bao tướng lĩnh và người lính, thanh niên xung phong đã đóng góp rất nhiều công sức lẫn xương máu của mình. Trong đó phải kể đến những người tiên phong “khai sơn phá thạch” mở đường do Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Võ Bẩm dẫn đầu…
Dọc ngang chiến trường miền Trung và Tây Nguyên
Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX khi tư liệu còn hiếm lần đầu tôi được nghe đến tên Thiếu tướng Võ Bẩm từ người đồng hương gốc Quảng Ngãi của ông là Thượng tướng Trần Văn Trà. Trong một cuộc phỏng vấn, đề cập tới đường Trường Sơn, Thượng tướng Trần Văn Trà cho biết vào năm 1959, ông đang là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, việc tổ chức lực lượng cán bộ tập kết ra Bắc trở vào Nam được đặt ra. Ông cùng với Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất Trung ương đã đề đạt ý kiến với cấp cao nhất và được chấp thuận. Ông được Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ chọn, huấn luyện, đưa cán bộ tập kết trở về chiến đấu và tổ chức con đường vượt Trường Sơn vào Nam, mà trước nhất là vào đến Khu 5. Ông Võ Bẩm là người gốc Khu 5 được mời lên giao thực hiện cụ thể kế hoạch mở đường 559.
Thiếu tướng Anh hùng LLVT Võ Bẩm (1915-2008)
Và nói đến đường mòn Hồ Chí Minh trên Trường Sơn thì cũng phải nhớ tới đường mòn Hồ Chí Minh trên Biển Đông. Thượng tướng Trần Văn Trà từng cho hay: “Cùng thời gian làm đường 559, tôi cũng giao cho anh Võ Bẩm tổ chức vận tải đường biển cho Khu 5 lấy tên đường 759. Nhưng rồi bị thất bại. Cho đến năm 1960-1961, nhờ một số đồng chí và ghe thuyền do Trung ương Cục miền Nam phái ra xin vũ khí, tôi nghiên cứu phương án khả thi và cho tổ chức đường 759 trên biển trở lại. Chuyến đầu tiên đi bằng tàu gỗ, khởi hành năm 1962, chở 28 tấn vũ khí, cập bến Rạch Gốc thuộc Cà Mau thành công. Sau mới đóng tàu sắt chở 100 tấn. Tôi mời anh Nguyễn Văn Đảnh, Cục trưởng Cục Đường biển, trước làm việc ở Ba Son, tham gia vào việc đóng tàu. Tôi đã trực tiếp lo tổ chức vận chuyển người và vũ khí cả hai đường 559 và 759 cho đến năm 1963 khi tôi trở về Nam mới giao lại cho Bộ Tổng tham mưu phụ trách”.
Thiếu tướng Võ Bẩm sinh năm 1915 tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình Nho học yêu nước. Cha của ông là chí sĩ Võ Thạc – Phó soái chỉ huy cuộc khởi nghĩa Duy Tân tại Quảng Ngãi bị giặc Pháp bắt tra tấn đến chết. Anh trai là nhà cách mạng Võ Khoa từng học Trường Kỹ nghệ thực hành Huế cũng bị thực dân bắt tù đày mất sớm. Võ Bẩm được người mẹ nghèo goá bụa cho ăn học và sớm bí mật tham gia làm liên lạc, vận động thành lập các tổ chức cộng sản ở phía bắc Quảng Ngãi.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa thành công, quân Pháp tái xâm lược, Võ Bẩm được Xứ uỷ Trung Kỳ bổ sung vào quân đội. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời ông. Bước chân của vị chỉ huy trẻ tuổi Võ Bẩm dọc ngang khắp các chiến trường miền Trung và Tây Nguyên, tham gia nhiều trận đánh suốt kháng chiến chín năm chống Pháp.
Giữa năm 1955, Võ Bẩm chỉ huy Trung đoàn 803 lên tàu Ba Lan tập kết ra Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Nhận lệnh của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, ông ra Hà Nội làm Trưởng đoàn kiểm tra các sư đoàn, đơn vị miền Nam tập kết ra Bắc và quân tình nguyện từ Lào về nước. Tình hình ổn định, ông được Bộ Quốc phòng rút về lần lượt đảm trách Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục, Cục phó Cục Nông trường trước khi nhận sứ mệnh chỉ huy đoàn công tác quân sự đặc biệt khai mở con đường tiếp viện cho chiến trường miền Nam.
Những người đầu tiên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”
Sau khi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời đầu năm 1959, vừa đẩy mạnh xây dựng quân đội chính quy ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng và vật chất chi viện cho chiến trường miền Nam. Vào ngày 5.5.1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh triệu tập Thượng tá Võ Bẩm lên Bộ Quốc phòng truyền đạt chỉ thị về việc tổ chức Đoàn Công tác quân sự đặc biệt mở đường Trường Sơn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm Thiếu tướng Võ Bẩm tại nhà riêng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, tháng 5.1999. Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên Trường Sơn, ngoài Thiếu tướng Võ Bẩm chỉ huy giai đầu còn phải kể đến những vị tướng lĩnh lãnh đạo trực tiếp ở những thời kỳ khác nhau như Phan Trọng Tuệ, Đinh Đức Thiện, Đồng Sĩ Nguyên, Đặng Tính, Nguyễn Đôn, Vũ Xuân Chiêm, Hoàng Thế Thiện, Phan Khắc Hy, Võ Sở, Nguyễn An,… Từ đầu năm 1961, nhiều đoàn cán bộ quân dân chính đảng được tang cường cho miền Nam. Đầu tháng 5.1961, đoàn các bộ quân sự Bộ Quốc phòng gồm 500 người đã hành quân bên phía Tây do tướng Trần Văn Quang- Phó Tổng tham mưu trưởng dẫn đầu vào Nam Bộ. Đến tháng 6-1961, một đoàn gồm 400 người do hai vị tướng Lê Quốc Sản và Nguyễn Hoàng Lâm chỉ huy cũng vào Nam Bộ. Thiếu tướng Võ Bẩm cho biết, một trưa tháng 5.1962, ông ra Hà Nội báo cáo tình hình Đoàn 559 và bất ngờ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chuyện tại cơ quan Bộ Quốc phòng – Quân uỷ Trung ương. Vị lãnh tụ tối cao nhắc nhở: “Các chú phải tận dụng ‘thiên thời, địa lợi, nhân hoà’ để phát triển đường Tây Trường Sơn, sắp tới phải đưa ô tô vào. Nhưng cũng phải chủ động phát triển đường Đông Trường Sơn, có đường chính, đường dự bị và phòng khi tình hình ở Lào không thuận lợi cho ta”.
“Đây không phải là lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị. Là một công việc lớn, rất khó và tuyệt mật. Bởi vậy, anh làm việc gì và quan hệ với ai đều phải lập danh sách để báo cáo xin ý chiến của Bộ Chính trị” – trong hồi ký tướng Võ Bẩm dẫn lại lời của tướng Nguyễn Văn Vịnh và ông còn thổ lộ: “Tôi hiểu điều anh Vịnh lưu ý, vì lúc này Tổng Quân uỷ – Bộ Quốc phòng cũng chưa trực tiếp chỉ đạo công tác quân sự ở miền Nam. Các cơ quan của Đảng và Chính phủ hiện thời cũng chưa có cơ quan nào triển khai nhiệm vụ chi viện chiến trường. Với tôi, nhiệm vụ được giao là vô cùng hệ trọng. Điều tôi lo lắng trước tiên là vấn đề bảo mật”.
Vào ngày Đoàn Công tác quân sự đặc biệt chính thức nhận nhiệm vụ cũng là ngày sinh nhật lần thứ 69 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên cả đoàn thống nhất lấy ngày 19.5.1959 làm ngày truyền thống và đặt tên Đoàn 559. Bộ máy tổ chức chỉ huy của đoàn dần hình thành, ngoài ông Võ Bẩm là đoàn trưởng còn có các ông Nguyễn Thạnh là đoàn phó, Nguyễn Chương phụ trách công tác bảo vệ và các trợ lý: Lê Trọng Tâm, Huỳnh Chuân, Phạm Tề, Huỳnh Thường, Phạm Ngọc Anh, Nguyễn Biên, Phạm Công Chuyên,… Trong đó, Nguyễn Thạnh với Võ Bẩm vừa đồng hương Quảng Ngãi lại vừa sát cánh bên nhau thời chín năm chống Pháp ở Phú Yên xây dựng Chi đội 4 Vệ Quốc đoàn, sau thành Trung đoàn 79.
Đoàn trưởng Võ Bẩm đã trực tiếp đến các công trường, nông trường, đơn vị bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc để tuyển người, chủ yếu là lính của Sư đoàn 305 đóng ở Thậm Thình – Phú Thọ do tướng Nguyễn Minh Châu làm tư lệnh và tướng Nguyễn Đường làm chính uỷ. Sau khi thành lập Đoàn 301 làm nhiệm vụ mở đường và vận chuyển trực thuộc Đoàn 559, ông Võ Bẩm vào phía nam liên lạc, tổ chức hiệp đồng với Khu 5 và Trị – Thiên để mở tuyến. Ông đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các vị lãnh đạo: Trần Lương, tức tướng Trần Nam Trung đang là Bí thư Khu uỷ Khu 5, Nguyễn Quyết – Uỷ viên Khu uỷ, phụ trách công tác liên hệ với miền Bắc, Trương Chí Công – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị, Hồ Sĩ Thản – Bí thư đặc khu Vĩnh Linh,…
Đoàn trưởng Võ Bẩm dẫn đầu một đoàn cán bộ vào miền tây Vĩnh Linh, len lỏi khảo sát rừng Trường Sơn, chọn Khe Hó gần giới tuyến quân sự làm điểm xuất phát mở đường về Nam. Thời kỳ đầu vận chuyển hàng bằng gùi thồ mang vác, gian nan nhất là mùa mưa, lại bị địch ngăn chặn đánh phá. Thiếu uý Nguyễn Minh Thông trung đội trưởng trinh sát là người đầu tiên của Đoàn 559 đã hy sinh trong một trận đụng độ với thám báo địch. Thượng sĩ Huỳnh Tương thì bị thương và bị địch bắt tra tấn đến chết. Tính đến hết năm 1959, bằng sức người và phương tiện thô sơ, Đoàn 559 đã chuyển giao cho Khu 5 và Trị – Thiên gần 2000 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn loại nhỏ và hàng ngàn quân cụ thiết yếu. Hơn 500 cán bộ cấp đại đội, trung đội đã đi qua tuyến đường Trường Sơn để tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang cho Khu 5, Khu 6 và Nam Bộ.
Theo tướng Võ Bẩm, trải qua 18 tháng đầu tiên với gần hai mùa khô và một mùa mưa Trường Sơn, Đoàn 559 đã thiết lập được tuyến giao liên vận tải quân sự dài hàng trăm cây số qua những vùng địa hình vô cùng hiểm trở và bị kẻ thù đánh phá ác liệt. Nhân dịp mừng công tổng kết giai đoạn này, Trung tướng Phó tổng tham mưu trưởng Trần Văn Trà vào Sở Chỉ huy Đoàn 559 ở Quảng Bình công bố quyết định khen thưởng của Nhà nước cho một số đơn vị và cá nhân. Bản thân ông vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng ba. Thiếu uý Nguyễn Minh Thông cũng được truy tặng huân chương như ông!
So với yêu cầu của chiến trường, giai đoạn đầu Đoàn 559 còn vận tải quá ít, nhưng đó là bệ phóng quan trọng cho việc hình thành hệ thống đường chiến lược Trường Sơn lớn mạnh về sau. Đến cuối năm 1962, sau ba năm mở đường, hội nghị mừng công của Đoàn 559 lần đầu được diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Các đại biểu vui mừng được đón Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp tới dự và phát biểu rằng, Trung ương đánh giá cao chiến công, sự hy sinh của Đoàn 559, đáng được nêu gương cho toàn quân học tập, nhưng tình hình trong nước và thế giới bấy giờ chưa có lợi cho việc tuyên truyền. Tướng Võ Bẩm tâm sự: “Nghe anh Văn nói điều này, tôi và anh em đều cảm phục tầm nhìn cũng như tình cảm của anh dành cho những người lính của mình”.
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Bẩm cùng những người thế hệ đầu tiên mở đường Trường Sơn đã lần được ra đi nhưng khí phách, chiến công vẫn còn lưu mãi với con đường huyền thoại mà đối phương nể trọng thốt lên rằng đó là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”!.
1/12/2019
Phan Hoàng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...