Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

"Đồ nhiên thảo" - Viên ngọc của văn học cổ điển Nhật Bản

"Đồ nhiên thảo" - Viên ngọc của
văn học cổ điển Nhật Bản

“Đồ nhiên thảo” là đúc kết một đời của Urabe Kenko, là minh chứng thầm lặng mà hùng hồn nhất của ông về cái đẹp phù ảo trong vạn vật dưới gầm trời này.
Năm 1350, thiền sư Urabe Kenko trút hơi thở cuối cùng. Sau khi ông qua đời, hậu thế góp nhặt, sưu tầm lại những ghi chép tản mác của ông lưu lạc, hợp lại thành tập “Đồ nhiên thảo”, một trong những kỳ bút của văn học cổ điển Nhật Bản (Nguyễn Nam Trân dịch).
“Đồ nhiên thảo” (Tsurezure-gusa) thường được đặt cạnh “Phương trượng ký” (Hôjôki) của Kamo no Chômei như song bích của tùy bút văn học Nhật Bản. Nếu “Phương trượng ký” được viết theo một cấu trúc nhất định, văn phong mạnh mẽ, lập luận sắc sảo, thì “Đồ nhiên thảo” lại mang tính nhàn đàm, suy nghĩ đột khởi, vụt sáng nên tác giả thường chọn ghi chép nhanh lên bất cứ gì có thể ghi chép trong tầm tay.
Cuốn “Đồ nhiên thảo” xuất bản tại Việt Nam
Giống như tên gọi của mình, “Đồ nhiên thảo” có thể dịch là “nhàn nhàn phóng bút”, viết trong lúc nhàn rỗi, buồn chán không biết làm gì. Nhưng những áng văn tưởng chừng vô thưởng vô phạt ấy lại được viết ra bởi một thiền sư ẩn sĩ, nên biến cái tản mạn mông lung trở thành chiêm nghiệm sâu sắc về thế thái nhân tình.
“Đồ nhiên thảo” ra đời ngoài ý muốn của chính Urabe Kenko, bởi ông không có ý định viết sách để lưu truyền hậu thế nhưng chính sự tình cờ này càng làm cho tác phẩm vượt ra ngoài những trau chuốt công phu văn học để chỉ còn những tư tưởng tinh ròng phát lộ trong cuộc sống sống ẩn cư thanh nhàn.
Nhưng ẩn sĩ kiểu Kenko không phải xa lánh hay trốn chạy đến nơi thâm sơn cùng cốc vì bất đắc chí. Ẩn sĩ theo nghĩa Kenko là người đã tự nguyện chọn cuộc sống thanh bần, nguyên sơ để vượt thoát ra khỏi cái dục vọng tầm thường ở cuộc đời. Cho nên khi đọc tác phẩm, ta thấy Kenko không chỉ nói về chí hướng bản thân hay vịnh phong hoa tuyết nguyệt mà nói về đời sống, về đủ hạng người mà ông từng gặp, từ lớp bình dân đến quý tộc.
Nhận thức được lẽ vô thường nhưng Kenko không có suy nghĩ yếm thế. Trái lại, vì biết đời là vô thường nên không sợ hãi mà biết sống tận hiến và sống thật với mong muốn của mình.
Các đoạn văn tuy nói rằng tản mác, không chủ đích nhưng thống nhất và kết nối nhau xuyên suốt bằng một tư tưởng chung nhất của riêng Kenko. Vì biết vô thường nên không cố níu kéo, hay lưu giữ, nhưng vì vô thường nên càng muốn tận hưởng đời sống, muốn ghi lại từng suy nghĩ, từng phút giây trôi qua. Chính vì thế, “Đồ nhiên thảo” là đúc kết một đời của Urabe Kenko, là minh chứng thầm lặng mà hùng hồn nhất của ông về cái đẹp phù ảo trong vạn vật dưới gầm trời này.
Urabe Kenko (1284 – 1350) hay còn được người đời gọi là Yoshida Kenko, sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm chức quan giữ đền thần.
Sống trong thời loạn lạc, chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt liên miên đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách Kenko nhìn nhận cuộc sống. Đã 660 năm kể từ ngày Urabe Kenko qua đời nhưng tư tưởng của ông vẫn còn mới mẻ. Độc giả hôm nay vẫn còn tìm thấy sự gần gũi trong cách ông nhìn nhận cuộc đời, tình yêu, lý tưởng sống dù tác giả không chủ đích lưu danh.
18/8/2020
Chung Bảo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...