Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Hun hút gió Khe Đon

Hun hút gió Khe Đon

Thuở tạo thiên lập địa, ở chỗ này có hai ngọn núi trôi dạt suýt đâm sầm vào nhau. Nhưng rồi chả biết tại sao cả hai kịp dừng lại. Bây giờ, giữa hai đầu núi vẫn còn hở ra một khoảng trống rộng chừng vài trăm mét. Đồng bào Khmer sở tại đặt cho cái tên: Khe Đon. Người Việt mình hiểu nôm na là khe gió. Gió Khe Đon bốn mùa ròng rã thổi một chiều. Suốt mấy tháng nắng khô, những bụi cây hoang dại lúp xúp hai bên con đường men theo chân núi, nhuộm thẫm một màu bụi đỏ. Chuyển sang  mùa mưa, gió Khe Đon mang theo khí đá cóng buốt phả ra từ lòng núi, đêm càng khuya càng lạnh tê, lạnh tái. 
Mấy năm cuối thập niên bẩy mươi của thế kỷ trước, tôi còn là thằng nhóc học trò cuối cấp một. Sáng nghêu ngao đến lớp, chiều theo má đào mủ chai trong rừng. Dăm ngày gom được khi dăm chục kí, khi vài mươi ký. Mủ chai bán cho vựa  Khe Đon so với thương lái thu gom tại nhà cao hơn một giá. Số tiền chênh lệch ấy mua dược dăm kí gạo, cũng đủ cho cả gia dình tôi no bụng được mấy ngày. Bữa nào gặp mấy ông kiểm lâm, phải nộp thuế cửa rừng thì chẳng còn được mấy đồng. Đoạn đường từ nhà tôi đến Khe Đon dài chừng mươi cây số. Má tôi bảo ba tôi: Ông chở dùm bao mủ, đạp cái vèo, sức ông mấy chục kí nhằm nhò gì, tránh kiểm lâm dễ ợt. Ba tôi ngồi thừ người, chùng giọng: Bà biết tính tôi nóng như lửa, nhỡ đụng thằng vòi vĩnh ăn bẩn, đá nó một phát thì tai họa khôn lường, mẹ con bà chịu khó ì ạch cho yên ổn. Nhớ tới nguồn cơn vài năm trước, cả nhà tôi phải phiêu dạt đến vùng kinh tế mới này, mẹ tôi thở dài: Ông nghĩ phải.
Nhà văn Vũ Thiện Khái
Vậy là, chờ đêm nào không trăng, hai má con tôi lặng lẽ xuất phát. Má tôi cầm tay lái, tôi bám vào bao mủ cột sau yên, cúi lưng đẩy chiếc xe đạp cà khổ trên con đường tối om lồi lõm ổ gà. Nhiều bận gặp mưa lớn, hai má con tay vuốt nước mưa, tay đánh vật với giông gió, chiếc xe thồ đổ lên đổ xuống. Không ít lần bị hư xe nửa đường. Má tôi hạ bao mủ giấu vào bụi cây ven đường, tôi ngồi núp vào trong đấy. Bà dắt xe lần mò tìm chỗ sửa. Khi quay lại, tôi đã ôm bao mủ ngủ ngồi tự lúc nào, người lạnh toát. Bà lẳng lặng ủ tôi vào lòng, xót xa truyền cho tôi chút hơi ấm từ tấm thân bà cũng đang run cầm cập sau làn áo mỏng. Biết tôi tỉnh ngủ rồi, bà vẫn để tôi nằm gọn trong lòng, âu yếm vỗ nhẹ bàn tay lạnh ngắt vào mấy đốt xương sống nhô lên sau lưng tôi, thủ thỉ: Con đường đời của mỗi người chẳng khác con đường đất mấp mô này. Đi ngang đoạn Khe Đon tối tăm hun hút gió thì chịu nếm mùi giá buốt. Đi quá chút nữa thì trời đất ấm áp hiền hòa. Sông có khúc, người có lúc. Đừng bao giờ thối chí nản lòng con ạ.
Quê tôi xa tít tận miền Tây Sơn, Bình Định. Ở đấy nhiều núi cao, rừng rậm, khác với ở đây cô độc một ngọn núi Bà. Thuở tôi còn bé tẹo, chiến sự xẩy ra mỗi ngày, ba tôi bị bắt đi quân dịch. Mặc áo lính chưa đầy một năm, ông thành phế binh, được giải ngũ với một ống chân gẫy nát khúc giữa, đi lại không phải mang đôi nạng gỗ, nhưng tập tễnh bước cao bước thấp. Nhờ ơn trời, ông còn giữ được tấm thân tráng kiện, vồng ngực nở nang, hai bắp tay cuồn cuộn dư sức ra đồng lam lũ cày bừa, dư sức kiên trì dạy tôi những thế võ gia truyền. Mỗi đêm trăng sáng, bóng hai cha con lấp loáng đổ xuống mặt sân, thoăn thoắt chân đá song phi, tay thoi tả hữu nhanh như chớp. Sau này, chỉ một lần duy nhất trong đời, tôi suýt sử dụng mấy ngón đòn thâm hậu ấy kết liễu mạng sống một kẻ bất nhân. Ơn trời, tôi đã kịp dừng tay. Tôi được thừa hưởng từ ba tôi vóc dáng cân đối, cao lớn, mái tóc xoăn tít và khuôn mặt góc cạnh đặc trưng khí chất vùng đất võ Tây Sơn. Nhìn bề ngoài má tôi mười phần thon thả yểu điệu thục nữ, nhưng bên trong, tính cách mười phần cứng cỏi, kết tinh trọn ven nết đất con gái Bình Định cầm roi đi quyền. Em gái tôi giống má từ mái tóc dài, đôi môi tươi thắm, nước da trắng nõn mịn màng, bản tính nhu mì đa cảm, dễ mủi lòng y hệt ba tôi. Chưa đầy ba tuổi, thấy con chim non đỏ hỏn bị rơi từ ngọn cau cao, nó ôm chân má, đỏ hoe mắt khóc.
Cái nguyên cớ thúc đẩy ba tôi nửa đêm đùng đùng dắt díu vợ con lên tầu chạy trốn vào Nam, bây giờ nghe buồn cười, lãng nhách. Nhưng, đấy là năm 1976. Nhận thức thời thế của số ít người làng tôi còn lo sợ, hoang mang. Ba tôi chỉ là anh phế binh quèn chế độ cũ, cũng thần hồn nát thần tính, vu vơ mặc cảm nặng nề, dù chưa hề bị chính quyền mới đối xử mảy may khó dễ. Bởi vậy, trong một bữa nhậu nhẹt, chả biết cãi cọ gì, ông đá thằng cháu ông ấp trưởng, mạnh đến nỗi hắn phải khiêng cấp tốc lên nằm bệnh viện. Người ta đồn thằng ấy bị gẫy tay lòi xương trắng hếu. Ông công an ấp chỉ mặt ba tôi: Đã ngụy quân, ngụy quyền còn ngang bướng phá rối trật tự trị an. Phen này rũ tù con ạ. Chỉ một câu đe nẹt vô căn cứ vậy, ba tôi đã sợ xanh mặt. Ngay đêm ấy, ông cuống cuồng tính nước chuồn là thượng sách. Mấy tháng sau, bí mật liên lạc với cô tôi ở quê, ông biết tin cái thằng ấy có gẫy tay gẫy cẳng gì đâu. Cũng chẳng có ông cán bộ nào nhắc nhở truy cứu gì. Ba tôi bàn với má tôi thu xếp về quê. Má tôi tính, ở đây đất rộng lại phì nhiêu, sức đến đâu khai hoang đến đấy, trồng cấy cây gì cũng bội thu. Cứ đà này, nhà mình chịu khó làm ăn, chả mấy chốc có của ăn của để dành. Mấy năm nữa hồi hương cũng chưa muộn. Ba tôi nghe theo.
Nhờ ông bạn phế binh của ba tôi đã ở đây tự ngày đầu thành lập vùng kinh tế mới này đứng ra bảo lãnh, gia đình tôi được chấp thuận tạm trú dài hạn. Chỗ ấy nằm sâu tít trong rừng. Nhà cửa còn tuềnh toàng mái tranh vách đất, căn nọ với căn kia tăm tắp cách đều  nhau, tăm tắp cùng một hướng quay ra con đường thẳng đuột từ đầu đến cuối xã. Dân cư lúc đầu hầu hết từ thành phố Hồ Chí Minh chuyển về. Nhà có lao động khỏe mạnh thì thả sức khai hoang làm rẫy. Nhà toàn đàn bà con gái thì mở quán cò con bán chút mắm, chút muối, cái kim, sợi chỉ. Nhà không chịu nổi cảnh đời heo hút thì chạy về thành phố, bỏ lại căn nhà mối leo đến tận nóc mái tranh, bỏ cả cuốc, rựa và thửa vườn lổn nhổn gò mối nhỏ to chưa động nhát cuốc nào. Gia đình chúng tôi được ông ấp trưởng cho tiếp thu một trong những chỗ vừa bỏ trống ấy. Chả phải mua sắm gì, chỉ mất công sửa sang chút ít là đã có một mái ấm che mưa tránh nắng. Căn nhà bên kia đường đối diện với nhà tôi treo lủng lẳng mấy miếng khô cá đuối bằng bàn tay. Trên mặt bàn ghép tạm bằng hai tấm ván bìa, chỏng chơ vài sị rượu. Ngày ấy quán nhậu đơn giản vậy. Vẫn chiều chiều túc tắc dăm, mười ông cỡ tuổi ba tôi ồn ào tụ tập cụng ly côm cốp.
Có chỗ nương náu rồi, chúng tôi mau chóng ổn định sinh hoạt theo nề nếp ngoài quê. Ngày ngày anh em tôi cắp sách tới trường tiểu học mở ngay tại xã. Trời chưa sáng hẳn ba má tôi đã, người mang cơm đùm, người xách can nước lên rừng chặt le, đào ụ mối khai hoang. Dần dà chúng tôi có nhiều bạn mới quen ra vào thăm hỏi. Mỗi chiều, khi mấy thằng nhóc gọi tôi í ới, khi mấy ông quần cộc, áo vắt vai dừng chân trước cửa nhà kêu: Anh Hai, qua quán Bốn Làng sương sương vài xị. Ba tôi khéo léo chối từ: Anh em cứ tự nhiên vui vẻ. Tôi bị loét bao tử. Rượu vào, phát bệnh nặng, vợ con ai nuôi. Ôi xào! Mình ngỏm củ tỏi rồi thì thiếu gì mấy thằng cha hàng xóm nuôi dùm. Sau mỗi hồi đối đáp suồng sã vậy, má tôi khẽ khàng cảnh tỉnh: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Toàn một lũ cô hồn. Ông chứng nào tật ấy, tụ bạ với họ, má con tôi dông thẳng về quê cho trắng mắt.
Cái quán Bốn Làng ở phía bên kia đường, sau này tôi mới biết là do cánh dân chơi nói lóng với nhau. Bốn Làng là bán L… Tôi té ngửa, ở chỗ heo hút tận cùng này mà cũng len lỏi mấy cái tệ nạn kinh khiếp vậy sao. Chả nghe bà chủ quán Bốn Làng họ tên gì. Chỉ biết bà ta ở một mình, nhưng đâu có sống độc thân. Cửa sau căn nhà ấy, thường lén lút ra vào mấy cô non choẹt mắt viền màu xanh lét, môi tô son đỏ choét, ríu rít má má con con. Má tôi cũng không đoán nổi bà Bốn Làng chính xác bao nhiêu tuổi. Cũng mắt xanh, môi đỏ, mồm nói, mắt cười lẳng lơ một duộc. Một lần nghe mấy bà bạn to nhỏ cùng má tôi trên đường ra rẫy: Con mụ phốp pháp ấy, da thịt đã như miếng thịt đông, lại dán lên người toàn những đồ sát nách mỏng tang, lồ lộ chỗ khe, chỗ đồi núng nính khiêu khích vậy, mấy lão cà chớn nhà mình, không coi kỹ có ngày mất chồng. Cũng từ miệng mấy bà, tôi biết thêm, ông chồng sĩ quan cảnh sát chế độ cũ của mụ Bốn Làng đang trong diện học tập cải tạo mút mùa Lệ Thủy. Má tôi góp chuyện: Thằng cha cảnh sát ấy vớ phải mụ ta, khốn nạn một đời.
Ở cái vùng kinh tế mới thuở ấy, vào những ngày mưa rào thối đất kéo dài, đến trẻ con như anh em tôi còn cảm thấy buồn thối ruột. Huống hồ người lớn phải méo mặt lo toan nồi cơm hai bữa. Quán Bốn Làng trước cửa nhà tôi cũng bị vắng teo lây. Một chiều đã muộn, bà Bốn Làng buồn tình, vén quần cao quá đầu gối, đội mưa sang nhà tôi, một tay cầm nón lá khum khum che cái gì trước bụng. Hình như bà ta cố tình bước chậm cho những sợi mưa xối xả hắt ướt phần trên tấm áo lụa dính sát vào mấy chỗ thịt da nây nây khiêu khích. Vừa bước qua giọt gianh đã giả lả: Anh chị Hai đến ở đây đã lâu, chưa sang chào hỏi được một câu, em thật lòng xin lỗi. Má tôi lịch thiệp: Chúng tôi đến sau, chưa kịp chào hỏi láng giềng mới là người có lỗi chứ ạ. Dứt câu chào, đặt lên bàn một đĩa mồi, một xị rượu, tự rót một ly đầy, hai bàn tay bà ấy cầm ly nâng ngang mặt: Xin kính anh Hai nửa ly chuộc lỗi. Nói rồi hé đôi môi đậm son ngậm một bên ly, ngửa cổ nuốt ực. Đoạn xoay xoay nửa miệng ly dính vết hồng hồng về phía ba tôi: Xin Kính anh. Tôi gườm gườm nhìn thẳng mặt bà ta rồi ra hồi nhà ngồi nghe mưa rơi. Trong lòng mơ hồ bất an chẳng biết nguyên cớ gì. Tôi biết bà ấy nhận ra tia mắt trờn trợn của tôi ném về phía mình. Nhưng vẫn tỉnh bơ buông mấy câu, vồn vã khen hai anh em tôi xinh đẹp như thiên thần. Lại khen ba má tôi đẹp đôi tốt phước. Chồng lồng lộng chẳng kém tài tử xi nê Nguyễn Chánh Tín. Vợ kiều diễm còn hơn Thẩm Thúy Hằng. Giá mà hồi đó anh chị Hai ở Sài Gòn thì sẽ gặp nhiều cơ hội giầu sang chất ngất tới đẩu đâu. Lúc bà ta ra về rồi, tôi nghe má tôi chì chiết: Ông mà mắc lưới mụ ta thì biết tay tôi. Ba tôi hài hước chúm miệng xì một hơi dài: Coi thường tôi vậy sao? Hạng đàn bà ấy, mướn giặt đồ cho vợ tôi cũng không đáng.
Bốn năm vật lộn kiếm chút vốn liếng để trở về bản quán, má tôi chẳng kể nắng mưa, lầm lũi vắt kiệt sức lực trong rừng. Bị muỗi độc chích mỗi ngày. Đến khi phát bệnh thì lá lách đã xưng tấy. Trong máu chứa toàn ký sinh trùng sốt rét. Khả năng  bệnh viện ngày ấy bó tay. Biết không qua khỏi, nhằm lúc vắng ba tôi, bà ứa nước mắt cầm tay tôi căn dặn: Bây giờ xin lỗi các con vì không sớm về quê cũng chẳng ích gì. Ba các con tính bốc đồng, nhẹ dạ cả tin. Năm nay con mới mười lăm tuổi, nhưng má biết tư chất con tàm tạm tự lập được rồi. Má dành dụm được ba chục chỉ vàng đựng trong cái lọ chôn dưới chân cột góc buồng ấy. Nếu ba cha con về quê thì bán đi, mua chiếc máy xới Công nông, chăm chỉ cày thuê, kéo mướn cũng đủ sống. Còn ở đây thì chớ nói với ba con. Cái xứ tứ chiếng này lắm kẻ lừa đảo lắm. Mà ba con tính dễ tin người. Em gái con yếu ớt, nhỏ dại. Thương yêu đùm bọc lấy em. Má tin tưởng ủy thác cho con đấy.
Má tôi mất rồi, tôi bàn với ba thu xếp về quê. Ông khóc: Cha con mình ráng đợi ba năm nữa, mang hài cốt má các con cùng về. Để một mình má con lạnh lẽo nằm giữa ngút ngàn cỏ dại không người thân thích chăm nom, tội lắm.
Má tôi nói đúng. Ba tôi dễ buồn, dễ bốc đồng, dễ thối chí. Sau ngày má tôi mất, tinh thần ba tôi suy sụp đến không ngờ. Tôi quyết định nghỉ học để phụ ông làm rẫy. Ông chẳng can ngăn, còn nói buông xuôi: Tùy con, ba chẳng còn cầm nổi con dao, cái cuốc. Biết sống sao đây. Nói xong, ông ngây ngô ngửa mặt nhìn gì đó trên nóc nhà, hai ban tay chốc chốc vô cớ run run từng chặp. Đôi lúc ông chớp chớp hai mắt, xòe năm ngón tay chai sần khua khua trước mặt coi bộ kỳ kỳ, lạ lạ. Tôi hỏi: Làm gì vậy ba? Ông cười buồn: Mấy con ruồi bay vung vít trước mắt khó chịu quá. Tôi nghi mắt ông bị phát bệnh rồi.
Má mất, ba sớm đổ bệnh già. Đã đến lúc tôi phải giã từ tuổi thơ, gồng lên  nhận lãnh bổn phận nuôi sống gia dình mình. Đang lúc em tôi được nghỉ ba tháng hè. Tôi dặn em ở nhà cơm nước chăm sóc ba, rồi theo mấy ông thợ sơn tràng vào rừng đốt than. Tháng đầu công việc thông đồng bén giọt, tôi kiếm được số tiền kha khá, đủ cho ba cha con chi dùng mấy tháng. Lần đầu về thăm nhà, bước qua hai cánh cổng ghép bằng những thân cây le, bắt gặp ba tôi đang ngồi một mình quay mặt ra đường, hai bàn tay lặng lẽ khua khua đàn ruồi vô hình vo ve trước mặt. Tôi phải ghìm xúc động, thầm nuốt nước mắt. Ông chỉ tay sang bên kia đường, căn nhà đối diện cửa im ỉm đóng: Quán Bốn Làng bị công an dẹp rồi. Tôi hỏi em gái, ông bảo: Bà Bốn Làng xin cho nó phụ quán cà phê ngoài chợ, nó xin phép ba đi làm đã nửa tháng nay rồi. Đoạn đường từ nhà tôi đến chợ phải luồn qua cánh đồng trồng mía dài hun hút, ban ngày thường vắng vẻ, nói gì ban đêm. Tôi lo lắng hỏi ba: Sớm hôm, khuya khoắt một mình nó bé bỏng đi về sao được. Ba tôi trấn an: Ba đi theo bảo vệ nó mà. Tôi chỉ kịp kêu lên một tiếng: Trời ơi! Rồi nhằm hướng chợ chạy một mạch
Đứng lặng nhìn em đang ngồi gò lưng, nhô hai chép vai còi cọc trước một chậu nước đen sì đầy ly tách, tôi không cầm được hai hàng nước mắt. Má tôi mất mới được ít ngày mà anh em mình đã khốn khổ thế này sao? Những năm trước ba tôi là phế binh, bây giờ ông thực sự là phế nhân rồi. Em tôi mới mười hai tuổi, bé bỏng, thơ ngây, phận mồ côi tôi nghiệp quá em ơi… Tôi thì vừa mười sáu tuổi đầ, cánh lông chưa dủ, đã phải phong phanh lăn lộn vào đời. Má bảo đường đời như con đường đất gập ghềnh vắt qua Khe Đon. Mà gió Khe Đon chỉ thổi một chiều hun hút, buốt lạnh lắm má ơi. Anh em gặp nhau trong tình cảnh này, em tôi không dám khóc, chắc nó sợ tôi thêm đau lòng. Tôi nhận ra, má tôi đã truyền cho nó tính cách cứng cỏi tự xưa của con gái Bình định cầm roi đi quyền.
Tôi chỏ ngón tay về phía bà Bốn Làng phấn son lòe loẹt đang ngồi gà gật ngoài cửa quán. Em nói nhỏ: Dạo này bà ấy đói meo rồi. Cả ngày vạ vật ở đây, gạ bói bài nhăng cuội kiếm ăn. Mỗi tối ba đón em về, bà ấy đi theo, bảo nhờ vía anh hai mới có gan vượt qua đám mía tối như địa ngục. Phố chợ ngã tư trưa ấy, vắng vẻ, quán sá lèo tèo. Vài bà chủ tiệm tạp hóa nghèo nàn ngồi ngáp vặt. Duy nhất một tiệm sạc bình ắc quy đang lạch phạch máy nổ khuấy động không gian ngái ngủ. Ông xạc bình mình mẩy trần trùng trục nhớp nhúa mồ hôi từ bên kia đường lẳng lớt vẫy tay: Hế lô em yêu. Bà Bốn Làng choàng tỉnh, áp mu bàn tay mum múp thịt vào đôi môi đỏ mọng hôn cái chụt đáp lời.
Ba tôi thông báo: Ba bán hai mẫu rẫy rồi. Được bốn chỉ vàng. Tôi bảo: Ba yếu rồi, bán đi cũng phải. Số vàng ấy có nước mắt của má con trong ấy đấy. Ba cất kỹ để làm lộ phí mấy năm nữa rước má về quê. Ăn uống mỗi ngày con đủ sức lo. Cả phí tổn học hành của em nữa. Ba giữ nó ở nhà, đừng để tí tuổi đầu đã phải đi làm mướn tội thân em lắm. Sang sớm ngày mai tôi lại lẳng lặng lên rừng.
Nửa tháng sau nhận được hung tin em gái tôi bị tạt a xít giữa đêm. Thủ ác là một thằng oắt con làm công cho tiệm sạc bình ngoài chợ. Nó khai mụ vợ lão sạc bình sai nó rình tạt vào mặt mụ Bốn Làng. Câu chuyện mụ Bốn Làng dan díu với lão sạc bình tôi đã nghe đồn từ lâu. Nắm được mỗi đêm từ chợ về nhà, mụ ta phải đi qua đoạn ruộng mía um tùm vắng vẻ. Nó phục kích ra tay chỗ ấy. Nhưng mụ chỉ bị qua loa mấy giọt, còn em gái vô tội của tôi lại bị hứng trọn một ca a xít vào mặt, vảo nửa người phía trước. Tôi tìm đến bệnh viện Chợ Rẫy. Chứng kiến cảnh tượng em tôi nằm bất động, toàn thân băng bó trắng toát, cả khuôn mặt cũng kín mít, không chừa chỗ nào. Giường mụ Bốn Làng nằm cạnh giường bệnh em tôi. Mụ vẫn phây phây, môi dưới xưng phều tím ngắt như cục máu trâu chết. Không tìm được lời nào diễn tả nổi nỗi lòng quặn thắt đớn đau lẫn sục sôi căm giận của tôi dành cho cái con mụ đáng chết băm chết vằm ấy. Tôi gầm lên: Đồ ác quỷ, vì mày mà em tao bị thế này. Tao giết chết mày. Nếu ba tôi không kịp thời khóa cứng tứ chi tôi, thì hai bàn tay tôi đã gồng lên như hai gọng thép dập nát đầu mụ ta rồi.
Số tiền chủ tiệm sạc bình đền bồi khắc phục hậu quả chả thấm tháp gì so với chi phí chữa trị cho em tôi. Tôi bảo ba đem mấy chỉ vàng bán rẫy cứu em gái. Ông khóc: Ba dại dột cho mụ Bốn Làng vay để kiếm tiền lời rồi. Vậy là ba tôi bị lừa, mất trắng rồi. Ba mươi chỉ vàng của má tôi để lại, lần lượt bán đi hết sạch. Nằm viện ròng rã tám tháng trời, em tôi ra viện với thân hình teo tóp. Khuôn mặt em vốn tươi tắn vậy, nay nhăn nhúm chỗ đen chỗ đỏ. Một mắt em mù hẳn. Mi mắt còn lại bị kéo xếch lên, để lộ ra một tròng đồng tử lờ lờ mầu khói. Em bảo chỉ nhìn thấy mờ mờ. Tôi ở nhà chăm sóc em tới lúc em tự đi lại được, tự làm được cho mình những công việc sinh hoạt cá nhân, mới dằn lòng cắn răng tính nước dài ngày theo toán thợ rừng. Chả lẽ ở nhà chờ chết.
Em tôi bị nạn vào đúng thời điểm cả nước ta đang trong tình trạng bị bao vây cấm vận. Nhà nhà khó khăn vật lộn mưu sinh, hàng hóa thiết thân, thứ gì cũng khan hiếm. Hàng buôn lậu từ biên giới tràn vào mọi ngõ ngách gần như không kiểm soát nổi. Xăng dầu quý như vàng. Đến nỗi những chuyến xe chở khách phải chạy bằng than, lúc lúc thải từng chùm xỉ cháy đỏ rụng xuống mặt đường. Xe nào cũng đầy nhóc người trong khoang, đầy nhóc người bám hai bên, cảnh sát giao thông có tuần tra kiểm soát, nhưng cũng bó tay. Ngày ngày, những chuyến xe đầy may rủi ấy cứ lặc lè nghiêng ngả leo qua những ổ gà ổ voi, phì phò âm ạch bò từng mét đường, chậm chạp như bước trâu già lặc lè kéo nặng, khiến hành khách nhiều phen hú vía. Em gái tôi đã bị tử nạn bởi một trong những chiếc xe than cổ lỗ ấy. Nó chả đụng vật gì, nó hết hơi, tắt thở, tự đổ vật xuống mặt đường, cả khối sắt thép rệu rã ấy đè nát em tôi. Tôi hớt hải chạy về, còn kịp nhìn thấy em tôi duỗi thẳng chân tay, nằm như say ngủ. Những nếp da mặt hôm nào co kéo dúm dó, giờ phẳng phiu giãn ra thanh thản đến lạ thường. Có cảm giác em đang hân hoan trên đường tìm về với má.
Tôi như hóa đá. Chả thèm để ý đến mụ Bốn Làng lăng xăng sắp đặt những công việc tang ma. Cũng chẳng buồn cải chính lời ông chủ xe thở than xót thương em, xót xa kể lể má con em trên mỗi chuyến xe lén lút giấu diếm chiếc bị đựng hàng buôn lậu. Tôi biết ông lầm tưởng mụ Bốn Làng mang cặp môi xưng vều là má của em tôi. Ông đâu biết mụ ta lợi dụng thân xác tàn tạ của em tôi làm bình phong cho mưu tính thu lợi bất nhân của mụ. Mấy cây thuốc lá, vài cặp vải quần tây, mấy anh công an, anh quản lý thị trường nỡ nào không động lòng trắc ẩn trước một đứa trẻ xác xơ rách rưới, toàn thân nhằng nhịt những vết sẹo đau đớn chưa lành.
Sau tuần chay thứ nhất, vợ chồng ông chủ xe than mang lễ vật xin phép ra cúng mộ em tôi, ông bảo: Tiện thể coi ngôi mộ em tôi xây cất xong chưa. Tôi bảo: Chúng tôi chưa có tiền xây mộ. Đành chôn sâu đắp chặt thôi. Ông ngạc nhiên: Chúng tôi đã đưa đủ số tiền chi phí ma chay và chi phí xây mộ cho má cậu ngay trong đêm đưa đám cháu mà. Tôi nhìn sang bên kia đường. Căn nhà mụ Bốn Làng trống trơ cửa nẻo, vắng tanh bóng người. Con mụ bất nhân ấy đã lừa ông chủ xe ẵm trọn số tiền xương máu trốn biệt rồi. Tôi hộc lên một tiếng gầm: Ông thì róc da tuốt xương mày. Tôi chạy như bay ra bến xe đầu xã, mang theo trong lòng ngọn lửa căm hận ngùn ngụt cháy, bỏ ngoài tai mấy tiếng gọi tha thiết của ba tôi sau lưng: Dừng tay lại con ơi! Quay đầu lại con ơi!
Câu chuyện đau thương của gia đình tôi xẩy ra cách nay đã gằn bốn chục năm rồi. Sáng ấy, trên chuyến xe đò chầm chậm chạy qua Khe Đon, bất chợt tôi nhận ra buị cây rậm rạp ven đường, chỗ hai năm trước má tôi lạnh run cầm cập, xót xa ấp ủ tôi giữa đêm hôm khuya khoắt. Trưa nay, vẫn chỗ ấy, rạng rỡ như Phật Bà vụt hiện, má tôi giơ hai tay vẫy gọi. Tôi cuống quýt đập thùng xe xin dừng lại. Vẫn như hôm nào bà âu yếm ấp ủ tôi, hỏi: Con còn nhớ lời má thủ thỉ cùng con buổi ấy không. Tôi gạt nước mắt thưa: Nhớ ạ. Vậy thì con hãy nhìn xem. Tôi mở to đôi mắt đẫm lệ, ngón tay mẹ tôi lóng lánh ánh vàng đang chỉ ra một vùng bát ngát tận chân trời ngũ sắc. Trước mắt tôi, đoạn đường Khe Đon lầm bụi từ từ mở ra một ngã ba lung linh hoa cỏ. Và gió Khe Đon đâu chỉ hun hút thổi một chiều lạnh buốt.
Từ thời khắc ấy, Tôi đã là thằng bé khác. Năm ấy tôi mới mười bẩy tuổi đầu.
31/10/2021
Vũ Thiện Khái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...