Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

Lúa dự - Truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch

Lúa dự - Truyện ngắn
của Vũ Thanh Lịch

Bà Chiu tháo chín lần dây buộc, mở túi đựng gạo dự, ốp hai lòng bàn tay giữ cho ngọn bơ vun đầy. Nấu cơm cúng đong phải có ngọn, bà được dạy thế từ ngày mới về làm dâu nhà họ Phương.
Hé các ngón tay đổ gạo ra rá, bà Chiu tận hưởng cảm giác trơn óng của từng hạt gạo trượt qua. Hạt gạo tròn, trắng nõn, các kẽ tay như được trở lại vài giây tươi nhuần thuở mười tám đôi mươi. Phần gạo còn trong túi bà buộc lại dành đến giỗ mẹ chồng, lẩm nhẩm nói một mình. Bằng này là đủ một bơ đầy để dành giỗ bu rồi. Giỗ anh Tính nhà con khớp lúc lúa dự vừa vào cót, cơm thơm, dẻo nhất. Rồi đến giỗ thầy. Giỗ bu năm nào cũng ăn gạo cuối vụ. Con gói giữ kĩ lắm nhưng sao mà thơm đẫy được như lúc lúa mới vào cót. Mùi nắng mới thấm đến lõi gạo vẫn ủ nguyên ở đấy… Chẳng biết hôm nay nhà con có theo thày về thăm nhà cửa vợ con không. Mới hôm nào con về nhà mình làm dâu, giờ thằng đích tôn Muỗm đã lớn tướng rồi. Nó đẻ ra còi cọc, lười ăn, nhưng có cơm gạo dự là ăn tem tẻm. Vậy nên vụ mùa nào con cũng để riêng một bì lúa để dành cho nó, từ lúc ăn bột đến giờ. Có một năm con phải nằm viện dài ngày, vợ chồng nhà Tỉnh mải làm ăn trên phố, không cấy hái gì, thằng Muỗm phải ăn gạo khác. Con ra viện, sức yếu, không kham nổi cả mẫu ruộng nên cho bớt, chỉ để lại vài sào cấy lúa dự. Khổ nỗi, chỗ lúa để làm giống phải ngủ qua một vụ mới được xuống đồng nên thu được chẳng đáng bao nhiêu.
Bà Chiu cất xong chỗ gạo để dành giỗ mẹ chồng, bưng rá gạo giỗ bố chồng ra ao, thả xuống nước, vừa khuấy vừa vo. Nước gạo loang dần, cầu ao phủ lớp mây trắng mờ. Đàn cá lâu lâu mới được một lần hớp nước gạo thơm quẫy đuôi tưng bừng. “Gớm nữa, cái đám hỗn ăn này, để vụ sau bà cấy cả mẫu, lấy gạo ăn, chúng bay bữa nào cũng có nước thơm mà quẫy nhá”. Làng đi công nhân hết, ruộng chẳng ai cấy rẽ, bà thong thả cấy hết lúa dự, chả sợ lẫn giống với ai. Hồi làng cấy lúa cao sản, bà cứ phải khoanh lấy đám ruộng giữa để giữ giống, lúc lúa trổ cờ, bà đi thụ phấn cho từng gié bông, tỉ mỉ từng tí mới giữ được vài bơ thuần chủng. Nhà họ Phương mỗi năm cả chục giỗ chứ ít đâu. Giỗ to, bé gì thì cũng phải có bát cơm gạo dự. Gạo ít nấu đủ cúng, cơm lộc phần thằng Muỗm, người khác ăn cơm gạo thường. Nhà chẳng có bao nhiêu người mà mỗi lần giỗ cứ phải nhường nhau bát cơm thơm. Cái anh Tỉnh nhà bà giờ giàu lắm, cho tiền bà thuê người ta cấy chứ bà chẳng phải lội ruộng nữa. Bà chỉ thuê người ta cấy lúa dự chứ không giống mới giống miếc gì. Bà giữ bao năm có bị thoái hoá thoái hiếc gì đâu. Chả biết giờ giống má gì mà vụ nào cũng phải mua. Đàn bà con gái làng quên cả cách lựa giống, người ta bắt cấy gì phải cấy nguyên cái ấy. Người ta bắt ai thì bắt chứ chớ hòng bắt được bà.
Bà Chiu cất rá gạo lên, vỗ quanh thành cho róc rồi qua bể múc nước mưa tráng lại trước khi cho vào xoong. Bể có mái vòm, trong và mát lịm. Thằng Muỗm hay trốn ra đấy uống vụng. Mẹ nó sợ bị tè le nên cấm. Bà sợ con dâu chê không biết trông cháu, không cho về chơi nữa nên cũng canh không cho nó đến gần. Vậy mà có lần nó kể với bà, bể nước mưa ngọt, thơm kì lạ, phải uống căng bụng mới đã. “Cái lần bị đau bụng, là do hội cháu đi ăn niềng niễng nướng về rồi uống, cả lũ bị, nhưng mỗi thằng bứt một quả ổi xanh ăn tí cái hết. Chứ bình thường chả sao”. “Cha bố các anh, trèo ổi là dễ ngã lắm”. Mắng cháu vậy chứ trong lòng bà mừng thầm. Đám trẻ nhà quê đã dạy cháu bà biết cách tự chữa lành chứ đâu vô công rồi nghề như mẹ nó nói. Mà kệ, ai nghĩ gì mặc, mỗi kì nghỉ hè, thằng Muỗm về ở với bà vài tuần, đấy là những ngày vui nhất trong năm, cũng là những lúc bà muốn sống nhất trong đời. Có thằng Muỗm, nhà bà là nơi tụ tập của trẻ con cả xóm, tiếng nói cười chành choẹ râm ran cả ngày, phần vì nhà bà rộng rãi sạch sẽ, phần nữa thằng Muỗm ham bạn, bày nhiều trò trên phố đổi các trò ở quê, đám trẻ chơi hết ngày nọ sang ngày kia không chán. Từ hồi Muỗm lên cấp hai rồi cấp ba, đi học từ sáng đến khuya, bà đợi mỏi mắt không thấy cháu nghỉ hè. Mỗi lần về giỗ, cháu ăn xong là đi. Như khách. Bà chẳng còn cơ hội mà lau mồ hôi, giặt cái áo, múc cho nó gáo nước mưa rửa mặt. Nó cũng chẳng ham chuyện trò với bà, chẳng giao du với trẻ con trong xóm. Bọn trẻ cũng không đứa nào ghé qua nhà bà, kệ ổi chín vàng cây, táo rụng ngập vườn.
Thôi kệ, trẻ con đứa nào chả phải lớn lên. Nó lớn nhanh rồi lấy vợ, cho bà nhìn thấy chắt trước khi nhắm mắt thì vui. Nghĩ đến đấy, lòng bà tràn cơn gió ngọt. Bà xóc rá gạo tráng nước mưa thoăn thoắt. Miệng rá to, miệng xoong nhỏ mà bà đổ không vãi hạt nào ra ngoài. Thằng Muỗm giống y chồng bà, giống cả cậu trai lớn của bà, cái đứa vì cứu em mà mất mạng. Mỗi lần nhớ đến nó, nước mắt lụt cổ, nhưng bà Chiu nhất quyết không gọi tên con. Hôm nó mất, sư thày dặn. “Cháu nó chưa được mười ba, cha mẹ quên được thì nó nhanh đậu duyên luân hồi, nhắc nhớ quá, cháu luấn quấn không trở lại kiếp người được”. Bởi vậy, dù nhớ con đến thắt ruột thắt gan, bà Chiu vẫn không mảy may để lộ cho ai biết. Những lúc ngồi một mình, bà mặc kệ cho nước mắt nối nhau tràn xuống. Đời đàn bà có ngàn vạn các nỗi đau nhưng đau mất con thì không gì làm vơi quên được, cả xác lẫn hồn, cả thân lẫn tâm dai dẳng đến hết đời.
Bà vào bếp châm lửa. Rơm khô nổ lách tách. Bà lại nói chuyện với lửa. Hôm bà về làm dâu nhà họ Phương, nó nung má bà đỏ ửng như hai quả đào. Mẹ chồng ngồi bên cạnh, thi thoảng gẩy từng cọng rơm nhỏ vào bếp, đủ nuôi lửa không tắt bởi nước sôi đầy các phích rồi, sôi nữa lấy gì mà chứa. Lúa dự thơm, cái rơm cái rạ cũng thơm, lửa bén lại càng thơm, cây thì nhiều mà hạt ít, mỗi năm chỉ cấy được một vụ. Dạo lúa cao sản tràn về, cả làng bỏ hết giống cũ, trồng lúa giống mới, nhà họ Phương phải quây riêng một góc ruộng để cấy lúa dự, đến mùa trổ đòng còn phải làm đủ cách để không bị lai tạp. “Nhà mình giữ giống suốt bao đời nay, đến lượt u mà làm thất truyền thì mặt mũi nào về suối vàng gặp ông bà ông vải – Mẹ chồng thủ thỉ – Chẳng phải làng không ai thích cấy lúa dự, năm nào u chẳng để nhiều giống, ai cần thì cho nhưng có ai cấy đâu. Lúa cao sản ăn gạo khô khốc nhưng cấy một sào bằng ba bốn sào lúa dự, nhà đông con ít ruộng không cấy vậy, lấy gì ăn. Người đẻ xoèn xoẹt, ruộng có đẻ đâu. Giá kể bu đẻ dăm bảy đứa thì chắc bu cũng cấy như người ta để lấy cái ăn thôi, đằng này…” Lần nào nói đến đấy bu cũng dừng lại, con biết mà, bu đẻ cả chục bận, nuôi được mỗi anh Tính, đến lượt con, bu bảo cứ đẻ cho hết trứng, bao nhiêu cháu bu cũng nuôi được. Vậy mà con có khá hơn được đâu, chửa bận nào hỏng bận ấy, đận thứ sáu, con đã định bỏ đi để anh Tính lấy vợ khác, sinh cháu đàn cháu đống cho bu vui, nhưng bu nhất quyết không chịu, bảo nhà họ Phương độc đinh nhưng chưa đời nào có thê thiếp, nói gì đến chuyện thay vợ đổi dâu, đã cưới con về rồi, duyên phận con thế nào thì duyên phận nhà họ Phương thế ấy. Con chỉ biết chảy nước mắt chứ biết làm gì. Mãi rồi con cũng đẻ được. Một bận luôn hai đứa cháu trai, bu làm cả chục mâm cơm cúng mụ, khao họ, mà chính là thầm tuyên bố với cả làng, từ đây nhà họ Phương không độc đinh nữa. Hai đứa lớn lên đẹp như tranh, vậy mà đùng một cái, hai anh em đi bơi sông, thằng em bị chuột rút, thằng anh cứu được em thì nước cuốn mất tăm mất tích. Họ Phương độc đinh lại hoàn độc đinh. Con xót lắm, bu chạy dọc sông tìm gọi cháu, khua cả làng đi tìm, vậy mà lúc nhìn thấy con nằm thoi thóp trên bờ, cạnh chỗ người ta vừa vớt cháu lên, bu còn lên giọng mắng, khóc cái gì mà khóc, về cơm nước cho thằng Tỉnh chứ để nó nhịn đói à. Người làng dìu con về, bu ở lại thu xếp cho cháu mồ yên mả đẹp mới chịu. Thi thoảng đêm anh Tính ngáy to, bu sợ con mất ngủ, nghĩ quẩn, lại gọi con ra đầu hè bảo bắt chấy. Trời tối thui, mặt người còn không nhìn ra nói gì bắt chấy, con rà ngón tay lên tóc, thấy cồm cộm thì gí, thấy sợi tóc xù xì thì tuốt trứng, tuốt một cái trứng lên cả sợi tóc, mỗi sợi tóc bị rứt khỏi đầu hẳn là bu sẽ đau, còn con thì sợ bu chê không biết tuốt trứng chấy nên phải để ý từng vết chạm da tay, càng để ý thì con càng không nghĩ đến anh thằng Tỉnh nữa. Một hồi, đến lượt bu bắt chấy cho con, tay bu vừa khô vừa ráp thì làm sao sờ được chấy với rận, nhưng đúng là có ngón tay trượt trên tóc, đầu óc cũng dễ quên. Bu con cứ bấu vào tóc nhau mà quen dần với sự thiếu vắng một đứa trẻ con trong nhà…
“Bu ơi cỗ đến đâu rồi”. Tiếng anh Tỉnh cất lên cùng lúc với tiếng mở cửa ô tô. Anh vừa xuống xe vừa lôi đủ các túi xách to nhỏ lớn bé ra. Bà Chiu vùi nồi cơm vào đám tro đỏ rực, rắc ít trấu xung quanh, ngoảnh cổ ra trả lời.
“Đến cửa bếp rồi, nay anh về sớm thế”.
“Chả nhẽ giỗ ông nội con mà con không về sớm làm cỗ a”.
“Vơng, anh về là quý rồi, chứ cơm nước tôi nấu nhoằng cái chứ mấy”.
“Nhoằng cái là ngày xửa ngày xưa thôi bu ơi, giờ bu bao nhiêu tuổi rồi”.
“Bao nhiêu kệ tôi, còn lâu tôi mới già”.
“Ai bảo bu già, là con bảo ngày xưa bu làm cỗ mỗi bát cơm với quả trứng thì mới nhoằng cái, chứ bây giờ đủ các món ngon, sao mà nhoằng cái được”.
“Gớm, nấu đẫy vào ai ăn, tôi chả dỗi, lúc sống thì chả có ăn, lúc chết con cháu lăng xăng làm cỗ cúng ruồi”.
“Ruồi làm gì có chỗ đậu. Đây này, vợ con nó sắm đủ cả mâm cỗ cúng cho bu rồi, đĩa nào đĩa nấy bọc giấy bóng trong suốt, bu bày lên cúng, vừa sạch vừa tiện, đố ruồi nào chạm được chân vào, cúng xong, lúc nào ăn thì bóc giấy bóng ra thôi”. Anh Tỉnh khệ nệ xách đồ vào nhà, vừa nói vừa giơ cánh tay với cả chùm túi lên. Bà Chiu phủi đít quần, dắt que cời vào ống vách, bước ra cửa.
“Mẹ thằng Muỗm không về cùng a?”.
“À, nhà con hôm nay có việc, sợ về muộn bu chưa có đồ cúng lại sốt ruột. Với lại, còn đợi thằng Muỗm”.
Nghe vậy, bà Chiu phấn chấn hẳn lên. Lúc nghe tiếng anh Tỉnh mà không thấy tiếng con dâu, bà đã buồn bực trong lòng, không nhìn ra phía ô tô, cố vùi cho xong nồi cơm kẻo con dâu nhìn thấy lại bảo bà chê bếp ga bếp điện nó mua về không dùng, cứ vùi cơm vào trấu cho con cháu phải ăn cả cơm trộn tro trộn khói. Chị ấy đâu có biết, bà thèm cái mùi khói lúc cơm sôi quyện với mùi khói rạ, cái mùi khói vừa biết sưởi ấm vừa biết vỗ về, vừa biết nâng nựng bà. Chị ấy cũng không biết nồi cơm gạo dự mà thiếu vị khói rơm thì còn đâu bùi đượm nữa. Chỉ có điều gần đây bà hay làm trượt cái vung nồi, rơi vài cọng tro vào cơm, vậy nên bà tranh ngồi đầu nồi, lúc xới cơm gạt hết phần dính tro dính trấu vào bát mình, chọn chỗ cơm trắng sạch xới cho chúng nó. Bà ở với cây lúa từ lúc còn hạt đến lúc vào bếp làm rơm, thấy vừa sạch vừa thơm, đốt thành than đen vẫn thơm nên chả sợ. Con dâu bà thì cứ thấy bụi đen là bẩn, vậy nên xới bát cơm cho chị ấy bà không để hạt tro nào dây vào.
Trấu ủ nồi cơm đã ngún khói, bà Chiu lên nhà trên xem anh Tỉnh sắp cỗ. Con trai bà khéo bao nhiêu thì con dâu vụng bấy nhiêu. Các thứ đồ anh Tỉnh xách về cúng đây là anh tự đặt, tự mua. Vợ Tỉnh sinh ra lớn lên ở phố, từ bé đến lớn chỉ lo mỗi việc học hành hết trong nước rồi ngoài nước, lúc ra đi làm cũng khắp đó đây quanh năm ngày tháng, biết đủ chuyện đông tây kim cổ, chỉ không biết nấu cơm. Hôm anh Tỉnh dẫn về ra mắt, chị ấy mặc áo hoa xanh, quần bò trắng loá mắt, giày cao gót nhọn như đầu đũa. Lúc bước vào nhà trong, gót giày bấm xuống nền nhà chạt xỉ làm bật lên những vẩy hồ cũ khiến nó thủng lỗ chỗ như tổ ong. Nhà có bộ trường kỉ chỉ dành cho đàn ông con trai ngồi, anh Tỉnh chỉ cho chị ấy ngồi vào cái giường mô-đéc ở gian bên trái. Cái giường bà nằm hàng ngày, cái chiếu bà mới thay, chị ấy kê tay xuống dưới mông rồi ngồi mím một góc. Bà định nói gì đó với con trai nhưng xem cái cách nó nhìn, chăm chút con bé, bà biết có nói gì cũng vô nghĩa nên lặng im. Rồi lặng im nhiều chuyện nữa. Rồi lặng lẽ lo. Lặng lẽ vun vén cho tổ ấm của con giống như các bà mẹ chồng nhà họ Phương đã lặng lẽ vun vén cho các con mình từ đời này sang đời khác. Vì lặng im mà bà chưa lúc nào nói cho vợ Tỉnh biết hạt lúa dự ở nhà họ Phương đáng giá thế nào. Bao nhiêu kì giỗ tết bà chỉ mong con dâu ngồi cạnh bà lâu lâu một tí, gần gần một tí, gần cả cái bếp rơm hay nồi cơm gạo dự cũng được, để có cớ gì mà nói với con vài câu. Vài câu, đủ để con dâu biết về nhà họ Phương, về lúa dự. Bà đã chuẩn bị thật ngắn gọn kín kẽ rồi, cũng nói thử với đàn cá, bể nước mưa, với ngọn lửa rồi, tập cho quen, cho nhớ, để không sợ bị nhỡ lời với cô con dâu từng đi học đi làm khắp năm châu bốn bể.
Con dâu bà không biết vào bếp, thích cúng giỗ mâm cao cỗ đầy của ngon vật lạ nên giỗ nào cũng xách về đủ các loại thức ăn quý hiếm từ rừng xuống biển, từ dưới nước đến trên cạn, bày kín cả ban thờ. Cỗ mang từ phố về, mất hai tiếng chạy xe, món nóng vẫn nóng nguyên, món lạnh vẫn đủ mát tê đầu lưỡi. Có một lần, bà uốn lưỡi đến chín mười lần rồi mới nói. “Mẹ Muỗm mua nhiều đồ ăn quá, nhà có vài người, cúng giỗ xong ăn không hết lại phải tội”. Chị ấy gạt đi. “Cúng giỗ là cứ phải mâm cao cỗ đầy mới lắm lộc chứ bu, mình ăn uống chỉ là phụ thôi, với lại, con mua nhiều còn chia lộc cho làng xóm nữa, để mọi người được thưởng thức”. Bà buột miệng. “Ôi dào, quan trọng là lễ nghĩa, là tấm lòng chứ cỗ bàn thì vô cùng lắm”. “Bu thật là… Thôi. Để con thu xếp cho. Bu cứ làm gì bu thích thôi”.
Vậy là bà lại im lặng. Lại tủi phận mình. Giờ mình thích làm gì. Bao nhiêu năm bà vẫn nhớ câu hỏi ấy mà chưa tìm ra cách trả lời nào để nói với con dâu. Thích làm gì. Thích nói cho xong cái thứ cần nói còn đi theo chồng, theo ông bà cha mẹ mà làm đứa dâu được chăm chút dạy bảo, không thích làm người già thừa, sáng ngóng chiều trông con cháu ở xa tít mù khơi, chúng nó càng lớn thì mình càng già, càng xa, càng cũ…
Thêm một cái ô tô đỗ xịch ở cửa. Thằng Muỗm xuống, khệ nệ xách hai giỏ hoa cúc vàng rực. Màu vàng gặp nắng, hắt lên má nó rực rỡ. Nhìn mặt cháu, bà quên sạch những hờn giận tiếc xót với mẹ nó. Bà đón cháu, muốn ôm một cái như lúc nó mới lẫm chẫm đi, loạng quạng chạy, về đến cổng là lao vào lòng bà. Nó cúi đầu lí nhí chào “bà ạ” rồi xách hai giỏ hoa đặt ịch lên sập gụ. Mẹ nó vào sau, xách theo hai giỏ quả đẹp hơn trong tranh ngày xưa chồng bà mua về treo tết. “Bu nấu được những gì rồi, anh Tỉnh mang đủ đồ về chưa mà không bày hết lên ban”. Vợ Tỉnh vẫn thường chào mẹ chồng bằng cách ấy, bà Chiu nghe quen rồi.
“Bu xem cơm chín chưa để con đơm cúng thày”. Câu hỏi của con dâu làm bà mừng như bông lúa trổ cờ gặp gió. Gần hai chục năm làm dâu, chưa lần nào chị ấy đơm cơm trong cái nồi đồng đen nhẻm này. Nào là sợ nhọ nồi dính vào tay, vào quần áo. Nào sợ tro bếp rơi vào cơm. Nào nồi miệng bé đáy to đũa chìa khó cầm… Rõ là chị ấy vừa bảo “để con đơm” chứ không phải “để đơm” như mọi khi. Bà Chiu cuống quýt, “Rồi, rồi, để bu bắc lên cho”. Chị ấy lại gạt tay bảo “Bu để con vần ra cho”. Ơ chị ấy còn đòi “vần ra” cơ, vần chứ chẳng phải xách hay bê nồi cơm, cái từ chỉ có đám đàn bà già ở quê mới dùng. Vậy là chị ấy sẽ chui vào cái bếp rơm cũ rích của bà. Rồi sẽ thấy cái mùi tro rơm lúa dự thơm phưng phức, nghe hơi lửa còn ngún trấu vừa đủ nồng chứ không nóng bỏng da rãy thịt như than củi, hẳn là chị ấy sẽ thích, sẽ hiểu vì sao bà thích nấu cơm bếp rơm hơn nồi cơm điện. Lòng bà ngún rực những hân hoan. Thế nào chị ấy cũng mất một lúc để gạt trấu gạt tro, vần cơm ra rế, không lâu gì nhưng đủ để bà nói vài câu về cái chuyện giữ giống lúa dự của nhà họ Phương, để bà yên tâm mà đi theo chồng, theo ông bà cha mẹ.
Vợ Tỉnh đi vào bếp, đầu chụp nón, mặt khẩu trang, đeo găng tay vải chống nóng to tổ chảng, gạt vèo đống tro còn ấm sực trên vung ra, nhấc bổng cái nồi lên ném ịch vào rế, nhanh như cắt, chị bưng vội nồi cơm lên hiên nhà, để trước quạt điện cho nó thổi sạch các loại tro trấu rơm rác bám quanh nồi rế. Chị lẳng đôi găng tay vào góc cửa, gọi thằng Muỗm cầm ba bát con với muôi nhựa ra cho mẹ. Bà Chiu cầm đôi đũa chìa theo sau, chưa kịp giơ ra đã thấy thằng Muỗm cầm muôi tới. Vợ Tỉnh xúc nhanh ba bát cơm cúng rồi đứng lên. Quạt điện thổi mạnh vậy, nó làm nhanh thế kia, không biết có tí mùi cơm mùi khói nào kịp đậu vào mũi nó không. Bà Chiu vịn tay vào cột hiên, ngồi xuống cạnh xoong cơm. Hơi nóng đã chạy đi đâu sạch. Bà cầm cái vung lên, ngày xưa mẹ đẻ của bà ngày nào cũng nhắc đặt cái vung xoong thì kiếm cái gì mà kê, hoặc là để dựa vào nồi, bí quá thì dựng lên, tro trấu cát bụi không dính vào. Nhìn cái vung cơm úp sụp xuống nền nhà, dù là lát đá hoa, bà vẫn thấy như đang úp lên đống đất cát bụi bặm mà đế giày đế dép con cháu bà công từ khắp nơi về. Những hạt cơm trắng thơm dẻo thế kia mà phải hứng vài hạt bụi này thì ai mà nuốt được. Nghĩ đến đấy, nước mắt bà trào ra, đục đẫm và mặn chát như đóng bánh ở đâu đó từ lâu lắm rồi.
“Cơm thơm quá chồng ạ”.
“Năm nào chả ăn”.
“Em biết đâu, quen ăn bánh mì với thịt cho khỏi béo, ai để ý gì cơm”.
“Lâu quá con không được ăn cơm gạo của bà”.
“Đấy trưa nay phần con cả xoong. Ăn nốt lần này nữa thôi”.
“Ơ kìa, đã xin ý kiến mẹ đâu”.
“Có mình anh, không cho anh thì cho ai mà anh phải lo”.
Nghe ba người nhà Tỉnh nói chuyện với nhau, bà Chiu kéo vạt áo lau mắt, chống tay vào đôi đũa chìa chậm chạp đứng lên. Anh Tỉnh cắm hương vào các bát nhang xong quay ra bảo bà vào khấn các cụ nhưng vợ anh đã chắp tay ngay ngắn trước ban thờ và bắt đầu lẩm nhẩm khấn.
Con nam mô A Di Đà Phật, con lạy ông bà tổ tiên, con lạy bố, hôm nay ngày giỗ bố, chúng con sửa soạn hương hoa quả thực cúng bố, bố khôn thiêng phù hộ cho chúng con làm ăn tấn tới, cho mẹ mạnh khoẻ thêm tuổi thêm sức, ít nữa mẹ lên ở với chúng con, mong bố phù hộ cho mẹ ạ.
Bà Chiu đứng sau lưng con dâu. Suốt từ hôm đám cưới, hai đứa đứng chắp tay chụp ảnh trước ban thờ, bây giờ bà mới lại thấy con dâu chắp tay nghiêm ngắn vậy. Cũng có phần tại bà. Bà muốn ban thờ thoáng rộng, ngăn nắp sạch sẽ như gian nhà đang ở, cái gì cần dùng thì để không dùng nhất định bỏ ra. Con dâu mua các thứ đồ thờ về, cúng xong là bà hạ xuống, cất riêng một ngăn tủ. Những cây nến to như bắp chân, những cái chân nến bằng đồng trông như đĩa bay chém ngang bát hương. Rồi đèn điện, nhang điện, mấy thứ sắc màu loè loẹt ấy, bà nhìn không ưng mắt. Chưa kể, trước khi mất, mẹ chồng dặn bà phải giữ cái ban thờ cho thanh sạch, bao nhiêu linh khí gia tộc ở cả đấy, giờ chen nhét các thứ mới lạ vào thì còn ra làm sao. Mâm cơm cúng toàn sơn hào hải vị bà cũng bảo đặt dưới sập, không cho lên ban thờ vì sợ ô uế đến chốn thiêng. Không biết có phải vì vậy mà con dâu bà dỗi dằn, mỗi lần giỗ lễ chỉ sắp cỗ rồi để đấy, kệ cho bà cúng, cúng xong thì ăn, ăn xong thì kéo nhau lên ô tô đi luôn, bà ở nhà thu dọn chia lộc cho ai thì chia, chia cho hàng xóm ở quê chứ con dâu chưa bao giờ cho thằng Muỗm cầm lộc giỗ mang đi. Hôm nay cỗ nhiều thế này, rồi không biết bà ăn đến bao giờ mới hết, làng xóm giờ nhà ai cũng dư dả, chả mấy người thích mà cho. Người làng đi làm công nhân nhiều nên lợn gà cũng chẳng còn đáng mấy người nuôi.
“Bu này, con định nay mai mời bu lên nhà con ở cho chúng con tiện chăm sóc, chứ già cả rồi”. Bà Chiu váng đầu mất một lúc mới định thần lại, cố để giọng mình không lắp bắp, “Vậy còn…”. “Con đã xem thày các kiểu rồi, nếu bu đồng ý chúng con đưa cả ban thờ các cụ lên, sau này là thằng Muỗm thờ, sớm muộn rồi cũng thế”. “Tôi còn sống mà”. “Bu ở với con thì thờ cúng với con chứ sao”. “Nhà cửa ruộng vườn của tôi để cỏ mọc a”. Con dâu bà nói chen ngang. “Bu không cần lo, chúng con đang tính xây chỗ này thành khu biệt thự nghỉ dưỡng, mất vài năm là xong, sẽ có một khu riêng cho gia đình mình sinh hoạt, khi ấy con lại đưa các cụ về đất này thờ cúng, vẫn là đất hương hoả nhà mình, ai dám bỏ đi. Bu thích ở phố với chúng con thì ở, không thích thì về đây con thuê người chăm sóc tử tế”. “Vậy còn ruộng lúa dự của tôi”. “Ôi trời, giờ có nhiều loại lúa gạo ngon lắm bu ơi, con đã xin xã cho dồn đổi mấy thửa ruộng nhà mình về sát thổ này để làm mô hình lúa cá, sân vườn, hồ nước sinh thái cho khu nghỉ dưỡng, sau này nó đẻ ra cả đống tiền, con mua cho bu các thứ gạo ngon nhất thế giới, ngon gấp trăm lần lúa dự của bu ấy chứ”…
Bà Chiu không nghe thêm được chữ nào nữa. Đầu óc đóng băng lại. Lưỡi tê cứng. Nắng đổ lên cây rơm trước nhà một gáo nước màu cam đỏ. Cây rơm lúa dự vừa thơm vừa mặn vừa đắng, chơ vơ như giọt nước đóng bánh trên khoé mắt người già.
23/7/2023
Vũ Thanh Lịch
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái chi còn lại họa còn văn chương

"Cái chi còn lại họa còn văn chương" Những ranh giới giữa đạo và đời đã không còn nữa, mà quấn quyện vào nhau trong một dòng chả...