Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Nhớ ngày giỗ xưa

Nhớ ngày giỗ xưa

Ngày còn nhỏ, mỗi lần thấy ngoại hoặc mẹ mang chén bát ra rửa thì tôi biết là nhà sắp có đám giỗ. Trong suy nghĩ của tôi thì  ngày giổ rất quan trọng, cả nhà đều quan tâm, lo lắng chỉ sau Tết nguyên đán. Vậy nên tục ngữ mới có câu “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Ngoài việc được thưởng thức những món ăn ngon, tôi thích ngày giổ bởi sự quây quần của những thành viên trong gia đình. Không khí thật ấm áp, thật thân tình khi mọi thành viên trong gia đình đều có mặt trong ngày giỗ.
Trước ngày giỗ 01 hoặc 02 hôm, tôi được bà ngoại cho đi mời. Bà dặn tôi kỷ càng từ câu chữ cho đến cách nói năng. Nhiều năm đã trôi qua, đến giờ này tôi vẫn nhớ như in lời bà dặn:“ Con lên vòng tay rồi thưa với các cậu, các dì: Thưa cậu (thưa dì) ngày mai kỵ cơm cho ông ngoại, bà ngoại cho con lên mời cậu (dì) 9 giờ sáng mai xuống dự kỵ cơm ông.”
Buổi chiều trước ngày giỗ, khi mà bàn thờ, nhà cửa đã sạch sẽ, gọn gàng tôi luôn nhìn ngoại và mẹ nấu xôi đường. Đó là món tráng miệng không thể thiếu trong ngày giổ mà ai ai cũng thích. Bởi vị ngọt của  xôi đường không mang đến cho ta cảm giác ớn mà rất cuốn hút, vị ngọt luôn đi kèm với vị bùi của đậu đen, vị thơm của mè, vị cay của gừng và chút dẻo thơm của nếp.Tất cả mang đến cho ta sự quyến rũ không cưỡng lại được. Mẹ tôi thường dùng dao đã nhúng nước để cắt xôi ra thành những miếng nhỏ hình vuông, hoặc hình tam giác, bày ra đĩa, trước đặt lên bàn thờ cúng, sau mời bà con, và làm quà mang về sau mỗi lần giỗ quảy.
Xôi đường được đổ vào mâm hình tròn, vậy nên mỗi khi cắt bánh, thường thừa ra những miếng bánh rẻo, đó chính là niềm vui của anh em chúng tôi. Mỗi đứa chia nhau miếng rẻo, cùng thưởng thức. Vị thơm ngon, ngọt bùi của miếng xôi đường lan tỏa.
Cũng trong buổi chiều trước ngày giỗ, dù bận rộn thế nào thì ngoại cũng sắm lễ để tôi chở mẹ hoặc dì vào mộ ông. Nói là lễ nhưng kỳ thực chỉ là đĩa bánh khô và bình hoa. Sau khi quét dọn sửa sang phần mộ thì thắp nhang thành kính mời hương linh của ông về hưởng giỗ.
Tôi có ông cậu họ ở Đà Nẵng, bao giờ giỗ ông ngoại cậu cũng về từ chiều hôm trước. Bước vào nhà là cậu hỏi liền Mẹ tôi: Chị Ba đã nấu xôi đường xong chưa? Năm nay chị nấu có nhiều không? Sau này tôi mới biết cậu tôi đặc biệt thích xôi đường.
Cậu mất đã hơn 10 năm nay. Những năm trước mỗi lần kỵ cơm cho cậu Mẹ luôn nấu xôi đường. Vài năm gần đây sức khỏe yếu đi, mẹ không còn  nấu xôi đường nữa nhưng luôn mua xôi đường Hội An để tôi đi đám giỗ cậu.
Ngày giổ bà con tập trung đông và sớm. Mỗi người một việc, người thì lặt rau; người thì đun nước sôi chế bình thủy; lau chùi chén bát; người thì lo bàn soạn cho mâm cúng ngoài sân, cánh thanh niên, hoặc những ai khỏe hơn một chút thì đi mượn bàn ghế của hàng xóm… Ngày xưa đâu có bàn tròn và ghế nhựa như bây giờ; nhà nào cũng hoặc là bộ bàn chư U hay chữ H, bằng gỗ mít, nặng trich. Ốm yếu như tôi vậy mà cũng cố mang cho được cái ghế dựa về nhà. Mệt mà vui vì có một chút công sức của mình trong ngày giổ. Nhưng ấn tượng nhất là cảnh bà con tập trung trước bàn thờ để cúng. Con cháu nội ngoại, dâu rễ thậm chí cả  bà con hàng xóm, ai nấy đều thành kính trang nghiêm trước bàn thờ, Mùi trầm hương làm cho không khí trở nên lắng đọng, thiêng liêng hơn!
Khi ngồi ăn giỗ, bao giờ ngoại cũng nói: “Đám giỗ là ngày con cháu bày tỏ lòng thương xót, tưởng nhớ và thể hiện đạo hiếu tới người đã khuất. Đây còn là dịp để nhắc nhở con cháu về những phẩm chất tốt đẹp  của người đã khuất để học hỏi noi theo, đồng thời còn là dịp để gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình, tộc họ và hàng xóm láng giềng với nhau”.
Sau khi ăn xuống xong mỗi người một tay cùng nhau dọn dẹp, người rửa chén bát, người lau dọn bàn ghế, nhà cửa… tất cả cùng làm cùng chuyện trò với nhau, tình cảm vì thế càng gắn kết, càng đậm sâu hơn!
Còn anh em tụi tôi thì lại tranh nhau những miếng giấy gương gói bánh in với đủ màu sắc như đỏ, xanh, vàng, tím… rồi mang ra vườn, để lên trước mắt mình, cố tìm một hình ảnh thật lung linh của vườn nhà sau những tấm giấy gương nhiều màu sắc kia. Ai cũng tranh nhau rằng chỉ có dưới tờ giấy gương của mình thì vườn nhà mới huyền ảo và đẹp hơn.
Khi mà  mọi người đang uống nước chuyện trò cùng nhau thì ngoại lại lui cui xuống nhà dưới chuẩn bị quà cho bà con. Ai đi đám giổ cũng có tí quà để mang về có khi là vài quả chuối, mấy miếng xôi đường, hay vài cái bánh… Bà con ở xa một tí thì ở lại nghỉ trưa. Ngủ nghỉ xong, đến chiều dậy, dọn ăn xong rồi mới về.
Ngày giỗ xưa là thế! Vui! Ấm áp và tình cảm. Có đâu như bây giờ, ngày giổ chỉ là dịp để phải không, có khi là ‘tụ tập ăn uống. Bà con chỉ một hoặc hai mâm còn bạn bè, đối tác làm ăn đến năm bảy mâm. Công việc bận rộn quá đến độ nhà cách nhau chưa đầy cây số cũng dùng điện thoại để mời, thậm chí có người trưa nay giỗ thì sáng mới gọi mời. Tất cả đều đã có dịch vụ lo hết, chỉ mỗi  một mâm cúng cũng là của dịch vụ. Đến giờ mọi người tập trung đến và chỉ ngồi vào mâm. Có nhiều nơi, nhiều lúc ngày giỗ là dịp để tụ tập nhậu nhẹt, thậm chí có nhà trong ngày giỗ còn thuê cả dàn nhạc về để hát Karaoke, gây ồn ào, làm ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh. Chưa nói là “rượu vào lời ra”, say sưa quá đà gây nên nhiều chuyện đáng tiếc.
Theo thời gian, xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng đi lên, sự tiện nghi và hiện đại đã làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của ngày giỗ. Ngoại tôi giờ đã là người thiên cổ. Vẫn nếp xưa, một số tục đám giổ ngày xưa mẹ vẫm lưu giữ. Và mong sao mỗi chúng ta trong điều kiện cho phép, những gì có thể lưu giữ và bảo nguyên được của ngày giỗ thì chúng ta hãy cố gắng duy trì, để được sống lại hương vị của ngày giỗ với những ký ức thật đẹp đẽ.
4/7/2023
Nguyễn Văn Bình
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...