Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Vực lau - Truyện ngắn của Võ Văn Trường

Vực lau - Truyện ngắn
của Võ Văn Trường

Chiều ở Khe Sấu xuống thật nhanh, màng đêm nhoáng nhoàng bao phủ mảng đồi trên cao bởi những tầng mây chợt đâu đột ngột hạ thấp xuống. Ráng chiều vàng ệch cũng nhợt nhạt rồi nâu thẫm đi như màu môi những người phụ nữ vùng biển của Hạ. Bất giác Hạ nghe trong ngực mình đau nhói. Mồ hôi rịm ra hai bên thái dương, mắt mày tối sầm lại. Một cơn đau tim đã quen với Hạ từ hai năm nay. Hạ ngội thụp xuống tay quờ ra bên cạnh nắm chặt một bụi cây bên đường.
Cơn đau nhói ở tim rồi cũng qua đi trong giây phút, Hạ bình tĩnh hình dung lại những gì trải qua. Bác sỹ K ở viện từng là bạn học thời phổ thông nhắc nhớ:
– Mày không được quá xúc động.
– Phải lãng quên ký ức kinh hoàng cách đây hơn 3 năm, về trận lũ lịch sử ở nóc Chéo ấy.
Thật chẳng dễ dàng gì. Mỗi lần cố xua đi nỗi ám ảnh kinh hoàng đó thì y rằng ánh mắt trân trối giây phút vĩnh viễn chia xa của Diệu bám riết lấy Hạ như thôi miên. Rồi mái tóc dài lúc nào cũng thoảng mùi hương bưởi, hương chanh của người con gái ấy quấn chặt vào gốc nhãn trong vườn Nà trước khi cuốn phăng theo con lũ dữ, đục ngầu… lại hiện lên.
Vụ lở núi đó, chỉ mấy ngày sau những đoàn người của lực lượng cứu hộ tại chỗ và cả từ xuôi lên rất đông có cả những phương tiện cơ giới hiện đại để họ đào xới, bơm nước cho đất rã, rồi cả con sông vùng cao chảy qua Khe Sấu ngập ngụa biển rác, thảm thực vật hàng ngàn đời của rừng đều tập kết theo lũ để phủ lên mặt sông như thách thức đoàn người cứu hộ. Náo động trong một thời gian, ai cũng nóng lòng đợi chờ tin tức nhưng rồi tất cả lại rơi vào lặng im vô vọng…
Đến lúc này Hạ vẫn như nửa tin nữa ngờ về cô y tế thôn bản có tên A Lăng Diệu mà mình yêu thương đã vĩnh viễn ra đi như vậy.
Còn nhớ, trước mấy hôm định mệnh đến với Diệu, trong lòng Hạ không hiểu sao cứ nôn nao khó tả. Cuối tuần anh quyết định về xuôi thăm mẹ, nhưng rồi lại nấn ná, không đi nữa. Và chuyện gì đến cũng đã đến.
Sau sự cố đau thương đó, Hạ đã quyết định xin thôi không dạy học ở nóc Chéo nữa, trở về vùng biển quê anh mở một lớp dạy miễn phí cho những đứa trẻ nghèo, rồi làm công việc của một lão ngư cho những chuyến biển gần bờ. Thấm thoắt cũng đã qua 3 mùa giông bão. Hạ muốn quên đi thật nhanh tất cả những gì đã đi qua đời mình trong khoảng 6 năm gắn bó vùng cao.
Đêm về, trong tiếng sóng vỗ ngàn đời của biển khơi bao phủ ngôi làng trong đêm tối lúc mở cũng như ngắm mắt, hiện lên trong anh vẫn là những đứa trẻ đầu trần chân đất, mái tóc lúc nào hoe vàng. Hiện lên trong anh là nơi gặp Diệu và người con trai vùng biển như anh không cắt nghĩa được vì sao đã đem lòng nhớ nhung đôi mắt thẳm sâu, buồn như ngắt tạnh một chiều sau mưa nơi lũng rừng vùng cao nóc Chéo.
– Em sẽ về quê anh thăm mẹ, thăm vùng biển dấu yêu nơi đã sinh ra anh cùng những cánh lông chông trên cát.
– Em sẽ đi bắt những con còng biết mãi miết xây nên những lâu dài tình ái… Thật mơ mộng phải không anh.
Những lúc đó Hạ nhìn sâu vào đôi mắt như biết nói của Diệu là cả một vùng trời yêu thương. Mình đã yêu Diệu rồi chăng, Hạ cũng không biết nữa.
Đây có phải mối tình đầu không nhỉ. Nghĩ mãi, Hạ lại lần nhớ theo hành trình của một chàng trai vùng biển, khó nghèo từng ước mơ vào đại học, những năm đại học rồi cũng đi qua, sau thực tập ở một trường tiểu học vùng ven ở Huế, anh được phân về vùng cao Quảng Nam dạy học. Cũng đã có những bóng hồng đi qua thuở thời bóng nắng sân trường nhưng sâu đậm chỉ khi Hạ đến với Khe Sấu, ngày đầu gặp cha con già làng A Lăng Dinh ở nóc Chéo thì Hạ mới biết mình đã thuộc về ánh mắt ấy, suối tóc ấy, dáng đi ấy và tiếng nói ấy.
– Diệu à, sao những bông lau ở đây trắng mút, đẹp và hoang liêu quá.
– Đẹp và buồn vì đợi chờ đợi… thầy giáo ạ!
Đó là những lúc Diệu rủ Hạ cùng ra Vực Lau để xem mùa lau nở. Miên man những ngọn gió lạ vùng cao thổi suốt những ngày hai đứa bên nhau làm Hạ cảm nhận vị ngọt ngào ở đầu lưỡi khan khác vị gió ở vùng quê biển của Hạ.
Và nụ hôn đầu đời của người con trai đánh dấu về một mối tình chợt đến như là định mệnh, mơ hồ chợt như có như không.
Hạ từng cài lên mái tóc Diệu những bông lau hái từ Vực Lau ngày xa em để về dịp tết, nghỉ hè. Cô nữ sinh tên Diệu ở nóc Chéo sau học phổ thông lại theo tiếp lớp bồi dưỡng y tế thôn bản rồi trở thành cán bộ y tế ở nóc Chéo. Thế là họ thật sự có điều kiện để gắn bó với nhau.
– Em người đồng bào ở đây anh có dám đến với em không!
 Đó cũng là lần duy nhất, Diệu thổ lộ lòng mình với Hạ.
Còn với Hạ anh đã thấu hiểu trong câu hát của em bên bếp lửa rừng đêm ấy: “Anh gặp em, chiếm cả lòng em/ Mãi mãi yêu anh mất rồi/ nắm tay anh em hát lời yêu/ Mong lòng anh chỉ nhớ mình em…”
– Chúng mình sẽ vượt qua khoảng cách, vượt qua những dị nghị.
Cả hai cùng thầm ước như vậy. Trong khi đó, già Dinh cũng rất ủng hộ bởi tình yêu giữa người con gái yêu thương của ông và một thầy giáo rất nhiệt tâm từ vùng xuôi về cắm bản.
– Cái Diệu đã dẫn Hạ ra Vực Lau rồi sao!
Không chờ Hạ trả lời…ông đi lại khoảnh sân rất lung, mắt chìm suy nghĩ nơi xa xăm nào đó.
– Ta bảo con biết, cái Diệu đã thương con thật lòng.
– Con phải để lòng thương nó thật nhé.
– Tuổi cập kê đã đôi ba người bạn trai để ý đến nó, nhưng chưa bao giờ nó đưa ra Vực Lau đâu!
Hai từ Vực Lau làm Hạ nghĩ ngay đến khoảng đất chênh vênh bên hố thẳm, đến mùa nở đầy lau trắng, từng cánh phất phơ trong gió chiều, vẫy tắt cả ánh nắng hoàng hôn, để những đôi mắt chỉ biết nhìn với theo đầy bí ẩn.
Đêm nằm lại trong căn chòi gỗ khá kiên cố do những cán bộ đi khảo sát di dời làng vùng sạt lở đến nơi an toàn cách nóc Chéo chỉ vài trăm mét đường chim bay, nhưng đi theo đường vòng phải khoảng gần 1km, vượt qua 3 đoạn suối, từ đỉnh núi ngang đổ về, Hạ mới sực nhớ câu chuyện già Dinh kể cho Hạ nghe trước hôm về xuôi kết thúc năm học.
Vực Lau là nơi linh thiêng bởi có nhiều oan hồn con đất. Ngày trước khi bà con Cơ tu của già chưa xóa hủ tục “giặc mùa”, tức mỗi năm sau thu hoạch mùa rẫy, mỗi bản làng nơi đây lại xuất binh đi khỏi làng để săn người về làm lễ cúng tế thần linh. Tập tục này gây nên mâu thuẫn khủng khiếp giữa làng này làng kia, bằng sự trả thù, bằng kiểu săn ngược lại nên có làng trong “giặc mùa” mất đi những mấy người.
Thời trai trẻ chính già Dinh cũng phải tham gia vào hủ tục này. Ông kể, một chuyến xuất binh thường là xong mùa thu hoạch rẫy. Sau khi “luộc chim”, xem giò gà, định hướng đi, các bao lão trong làng ra lệnh cắm dấu hiệu kiêng cử ở cổng làng, cấm tuyệt đối không cho người thôn khác, làng khác hay cán bộ cơ sở đi vào…sau những lời động viên của người lớn tuổi đám thanh niên trong làng lặng lẽ vác giáo vào rừng, lội suối leo ghềnh nghe tiếng chim kêu để biết điềm lành điềm dữ. Khi săn được máu nạn nhân phải dích vào lưỡi giáo để đem về cúng, vì vậy giặc mùa không bao giờ sử dụng tên ná. Xong việc họ cấp tốc đi về suốt đêm, suốt ngày khi còn cách làng tầm tiếng hú thì họ trèo lên cây hú dài ba lần để báo tin chiến thắng.
 “Giặc mùa” ban đầu diễn ra giữa người Cơ tu làng này với làng khác, giữa người Cơ tu với người dân tộc thiểu số khác. Song không phải chuyến đi săn nào cũng thắng lợi, có chuyến nhận lấy thất bại nên nạn nhân “Giặc mùa” chuyển sang người Kinh bởi người Kinh không có tục “Giặc mùa”. Những vụ việc săn người Kinh ở vùng cao Quảng Nam thời chống Pháp thường xảy ra đối tượng là thợ dầu rái, thợ rừng, người làm rẫy cùng lắm là số tư thương mới vào nghề. Những vụ đâm chém người Kinh thường xảy ra ven sông Bung, con sông chảy từ Hiên qua Giằng và đổ vào sông Vu Gia, đoạn từ Hiên đi An Điềm chủ yếu ở Khe Tre, Phường Giữa, Ba Khe…
Hủ tục “Giặc mùa” vùng cao Quảng Nam sau này được đề cập trong cuốn sách “Những kẻ săn máu” (Les Chas-seurs de Sang) xuất bản năm 1938 của Le Pi-chon, một lính viễn chinh Pháp, chứng kiến được khi thực hiện chính sách đô hộ miền núi chủ yếu là việc mở đường chiến lược 14 từ Kon Tum đi Đăk Ley, đến Giằng, Hiên để nối với căn cứ quân sự Phú Bài thuộc tỉnh Thừa Thiên cũ.
Già Dinh kể, ông từng là nhân vật chính cho chuyến xuất hành đi săn năm đó, nhưng lại săn phải người dưới xuôi. Hôm sau gia đình nạn nhân phát hiện báo đến đồn An Điềm đồn Hiên và tri huyện Đại Lộc. Bọn cầm quyền ở đây sai người khám nghiệm cho chôn để ăn tiền đút lót của gia đình kẻ xấu số, sau đó chúng cho dò xét sơ sài rồi bỏ qua.
Ngẫm nghĩ một hồi già Dinh bộc bạch: Việc làm này phù hợp âm mưu chia rẻ kinh thượng, làm suy yếu phong trào đấu tranh chống ách thống trị của chúng nên suốt mấy mươi năm thống trị Thực dân Pháp làm lơ với hủ tục “Giặc mùa”. Song ngược lại với những cán bộ cách mạng hoạt động miền núi với những già làng tiến bộ thì đây là cuộc chiến cam go trong tuyên truyền giúp đồng bào từ bỏ đi hủ tục hơn cả lạc hậu là rất mất nhân tính này.
– Bất giác Hạ hỏi già Dinh, vậy khu Vực Lau ngày xưa là thế nào?
– Nơi cúng tế thần linh. Dù sau này hủ tục giặc mùa đã được xóa bỏ.
Trai gái yêu nhau, hay có những lời thề nguyền gì người dân trong bản trong làng đều ra Vực Lau. Cũng lạ lau ở đây nở những bông trắng đến huyễn hoặc. Cũng như nơi khác nhưng có điều lạ, những hôm chuyển trời, những bông lau trắng mút thế kia bất ngờ chuyển sang màu máu đỏ hoe.
Những người dân khi đi nương rẫy lúc sớm tinh mơ, hay hoàng hôn về đều tránh đi qua Vực Lau, vì họ sợ gặp phải các vị thần linh, phá sự yên tĩnh của thần. Trận lũ vừa qua, nghe đâu người dưới xuôi lên đốn gỗ, cưa hạ nhiều cây tuổi đời  trăm tuổi có thừa nên thần linh giận dữ xóa sổ cả ngôi làng, gây nên tang tóc cho biết bao người dân vô tội, trong đó có A Lăng Diệu – Người con gái yêu thương của già Dinh ở nóc Chéo.
Miên man nghĩ ngợi trong màu nắng hoang hoãi, bó nhang thắp vội như cắm vào lưng chiều bỏng rát, Hạ tự nhủ mình, phải nhanh xuống cuối dốc thôi còn kịp bắt xe về trung tâm xã. Sau cơn đau tim đột ngột, Hạ ôm chặt tay xe ôm để con Minsk khơ bất kham xốc lên từng đợt. Hai bên đường bóng tối bắt đầu nhá nhem phủ lên ngàn lau trắng bạc phơ phất. Có cánh hoa lau trắng nào anh đã hái và cài lên mái tóc đen dày, thoảng mùi hương bưởi, hương chanh của Diệu.
“Ngày không anh tim em như ngừng đập
Cứ chờ hoài một lời hứa xa xăm…”
Bất chợt Hạ lại nhớ một câu thơ mà Diệu đã chép cho mình, vẫn còn lưu giữ.
5/7/2023
Võ Văn Trường
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...