Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

 

Nguyễn Tường Văn vời vợi Cố hương

Về quê lòng lại nhớ quê/ Nồm, nam, bấc thổi bốn bề mái tranh/ Đâu rồi ngõ nhỏ truông quanh/ Đâu rồi bờ bãi ngày xanh sáo diều… Nguyễn Tường Văn chốt lại tập thơ Cố hương (NXB Văn hóa Văn nghệ, năm 2020) ở tuổi bảy mươi với một tâm thế đã khác thuở ngang dọc tung hoành.

Thế hệ chúng tôi ngưỡng mộ cái tên Nguyễn Tường Văn với những vần thơ, bài báo hào sảng trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam yêu nước trước năm 1975 mà anh là một trong những cây bút chủ công ở Viện Đại học Đà Lạt. Nhà thơ Lê Văn Ngăn, bạn cùng thời với Nguyễn Tường Văn tại Đà Lạt, từng nhìn nhận: “Nguyễn Tường Văn là người gan dạ và giàu nhạy cảm cả trong đời lẫn trang thơ. Văn có một chỗ đứng vững chãi trong thế hệ thơ chúng tôi. Đó là một con người đáng quý trọng nhưng tôi biết anh sống không dễ dàng gì”.

Với tính cách âm trầm, nhiều người đã không tin nổi Nguyễn Tường Văn là tác giả của những câu thơ rực bỏng một thời:

Người hãy cho ta tự do/ Như đã cho vũ khí/ Làm sao ta biết những trắc ẩn đêm qua/ Lão bộc già chết vội trên chiếc giường tre/ Suốt đời chưa thấy cánh chim câu trắng/ Chàng thanh niên thét lên lời phẫn nộ cuối cùng/ Trong vuông ruộng cháy khô cằn gốc rạ/ Ôi những trẻ thơ thánh thiện/ Từ giã nôi mây/ Chưa một lần gọi mẹ cha thành tiếng… (Tình ca cho tự do – viết năm 1969).

Máu anh em hực đỏ giữa quân thù/ Máu thành dòng chảy qua cầu ngăn cách/ Tưới ba miền xanh đồng lúa Việt Nam/ Đồng lúa nuôi niềm tin bất khuất/ Niềm tin em lớn mãi trong lòng/ Niềm tin ta dậy cờ đô thị/ Niềm tin anh rợp mát bưng biền (Trên phiến đá trổ bông – viết năm 1971).

Hòa trong dòng thơ sục sôi tranh đấu những sinh viên yêu nước nhưng thơ Nguyễn Tường Văn mang một giọng điệu, dấu ấn riêng biệt của bầu nhiệt huyết mưa nắng Tuy Hòa pha lẫn giá sương trầm tư Đà Lạt. Đó là ngôn ngữ trực diện, mộc mạc nhưng không dễ dãi, đi thẳng vào lòng người bởi chất thi sĩ và dòng suy tư đầy trách nhiệm với dân tộc – thế cuộc.

Tập thơ “Cố hương” của Nguyễn Tường Văn

Trong tập Cố hương, nhịp điệu đời thường với những cung bậc lắng đọng đầy chiêm nghiệm đã chiếm phần “ưu tiên” so với 3 tập thơ riêng trước đó (Trên phiến đá trổ bông, Tình ca cho tự do, Mênh mông trước biển). Biết bạn chờ ta nơi bến nước/ Mấy mươi năm chưa trở lại sông Mường/ Phương xa bạn gọi chân chùn bước/ Vẳng nghe như sóng dội trùng dương (Với bến sông xưa); Thăm bạn trưa hè lòng thiêu đốt/ Đường lên cuối huyện núi ngang trời/ Lưng đèo ngựa mỏi dừng chân nghỉ/ Lũng đồi lưu lạc phía chơi vơi (Phương trời mây trắng)…

Gụi gần hơn, trong Cố hương, Nguyễn Tường Văn còn viết nhiều về những người thân yêu, như tỏ bày, như nhắn gửi, như nhật ký cảm xúc. Những tựa thơ phản ánh đủ đầy từng cung bậc tuổi tác, ân nghĩa đời người: Đêm cuối cùng ngủ với nội, Thăm bạn, Đi dự cưới trong mưa bão, Phút giây cùng cháu…

Thế nhưng trước sau, Nguyễn Tường Văn vẫn là một nhà thơ của tình ca, với những phổ khúc thiết tha yêu người, yêu đời. Em như làn gió lên khơi/ Ta trong heo hút nghe vời vợi mong/ Ngân Hà nước xiết triền sông/ Cầu Ô Thước có nối dòng bước qua (Nỗi nhớ đêm mưa);

Không tiếng còi đọng lại/ Em xa hút lặng im/ Sân ga chiều tê tái/ Đường tàu chạy vào tim (Sân ga);

Em về mưa hạ đầy vơi/ Nghe con tim chợt nói lời bao dung/ Trời cao đất rộng trùng phùng/ Biển đêm như cũng sáng bừng dáng em (Biển đêm);

Tuy Hòa từ độ em xa/ Biển ngơ ngẩn nhớ sông Ba thẫn thờ/ Hàng cây xõa tóc mong chờ/ Gió da diết thổi mịt mờ chân mây (Tuy Hòa tím);

Bão lụt qua rồi hào phóng thiên nhiên/ Em thùy mị như đã từng thùy mị/ Thắp hương giao thừa bao điều ngẫm nghĩ/ Hạnh phúc giờ xuân chớm thuở hồng hoang (Lấp lánh xuân)…

Bạn văn mừng ở tuổi “xưa nay hiếm”, Nguyễn Tường Văn vẫn viết đều đặn, cần mẫn tỏ bày những khát vọng âm thầm của mình thành những thi khúc dạt dào âm hưởng tình ca, từ hào sảng đến thao thức phận đời.

2/7/2020

Đào Đức Tuấn

Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyên Hồng - “Gorky của Việt Nam” Nguyên Hồng được ví như nhà văn của những người cùng khổ. Những tác phẩm của ông như “Bỉ vỏ”, “Cửa bi...