Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Ký ức trắng

Ký ức trắng

Hiệp đến, vào một đêm mưa sụt sùi, đứng bất động dưới mái hiên chênh vênh có chiếc bóng đèn vàng vọt bị chập điện, độ vài chục giây lại nhấp nháy một lần. Cạnh đấy, bức tường rào mới xây, chưa kịp quét sơn, vừa đổ sập đúng vào tảng sáng thứ 6 ngày 13. Trong chập chờn ánh điện, qua ô kính cửa sổ trầy xước, tôi vẫn nhìn thấy sống mũi cao vút chia gương mặt Hiệp thành hai nửa, một bên sáng, một bên tối. Và đôi mắt Hiệp hoang hoải như hồ thu, khắc khoải nỗi niềm, chất chứa ưu tư. Tôi bật điện phòng, mở cửa, nhìn về phía con đường lớn rầm rập xe khách. Thị trấn còn thức, chỉ khu ký túc xá cũ kỹ này nằm đơn độc trong một khúc ruột thừa của nhịp sống, như thể bị dính lời nguyền, ngủ quên miên mải…
– Ngủ sớm vậy, thầy?
Ngước lên chiếc đồng hồ đeo tường có kim giờ chỉ tới số 12, tôi hỏi khẽ:
– Có việc gì mà giờ này còn lảng vảng ở đây?
– Tâm sự một chút không được à? – Mắt Hiệp hơi cụp xuống, biểu cảm nũng nịu. – Tôi vừa đi ăn đồ nướng với đám giang hồ.
– Cứ lúc nào buồn, anh lại nhớ đến tôi. – Tôi cười nhẹ. – Còn lúc anh chén huynh chén đệ suốt sáng thâu đêm, tôi cũng chỉ là người vô ảnh!
Hiệp ngồi xoài dưới bậc tam cấp, vò đầu, cái bóng nghiêng nghiêng lung lay theo từng cử động:
– Tôi buồn, thầy ạ.
Gần như, câu chuyện nào của Hiệp cũng đều bắt đầu bằng câu nói đó. Sống ở cái thị trấn nửa thành thị, nửa miền núi này, ai mà chẳng cất giấu trong tim một nỗi buồn? Sau vụ tường đổ gây chấn động Facebook, thanh tra tỉnh đã vào cuộc. Mọi thứ rối như canh hẹ, Hiệp bị tay giám đốc trọc đầu của công ty xây dựng hoài nghi về lòng trung thực. Hiệp uất ức:
– Sao tôi nỡ làm cái việc tày trời ấy được?
Tôi vỗ vai Hiệp:
– Dù cả thế giới này nghi ngờ Hiệp, thì tôi vẫn luôn tin anh!
Hiệp méo mó cười, hơi thở phả nồng mùi rượu. Có lẽ, Hiệp cảm nhận được câu nói của tôi hơi hoa mĩ. Tôi không dám nhìn Hiệp, sợ ý nghĩ của mình sẽ bị hút vào đôi mắt thẳm sâu như xoáy nước ấy. Mưa vẫn dấm dẳng rơi trong từng đợt gió se se lạnh. Trên cây xoan trụi lá cạnh bức tường đổ nham nhở, tiếng con chim cú lợn thao thiết hót như rút từng khúc ruột. Lặng đi một lúc, Hiệp lại nói:
– Những việc quan trọng, tôi đều muốn kể với thầy.
– Tôi sẵn sàng lắng nghe. Tôi không chắc sẽ giúp được gì cho anh, nhưng tôi hứa sẽ giữ bí mật tuyệt đối.
Dường như, sự quạnh hiu là chất xúc tác cho những mối quan hệ nảy nở. Lại nhớ cái hôm đầu tiên tôi đến thị trấn này nhận công tác cũng là một buổi tối mưa lất phất. Ví bị móc mất trên xe khách, tôi thất thần đi lang thang trên vỉa hè như lên cơn mộng du, người ướt nhẹp. Hiệp lướt qua, dừng xe lại, dõng dạc hỏi:
– Giờ này hết xe ôm và taxi rồi. Muốn đi đâu, ông bạn?
Tôi nhìn vào mắt Hiệp, đôi mắt sâu và đáng tin đến thân thuộc. Và tôi bật khóc như một đứa trẻ, kể cho Hiệp nghe về sự cố của mình. Hiệp hạ giọng:
– Ở đâu lên xứ khỉ ho cò gáy này, làm gì?
– Tôi ở Hà Tĩnh, lên đây dạy học.
– Đồng hương với mẹ tôi, lại làm thầy giáo thì chắc là người tốt rồi. Lên xe, về nhà trọ tôi ngủ tạm một hôm. Có gì mai tính!
Những ngày sau, Hiệp tranh thủ nối dây wifi cho tôi, chở tôi lượn khắp thị trấn mua mấy thứ đồ lặt vặt. Hiệp bảo: “Thiếu tiền thì bảo tôi một câu, nhiều thì không chắc chứ năm triệu đổ lại thì lúc nào cũng sẵn cho thầy vay”. Những kỷ niệm ấy luôn vẹn nguyên và sâu sắc như vậy. Chỉ khác là sau này, hình ảnh Hiệp trong tôi loãng ra vì những lần anh thất hứa, những phút anh vô tâm hay những bận anh xuề xòa khiến tôi khó chịu. Tôi sống cầu kỳ, đôi khi xét nét đến cả cái tin nhắn nhỏ. Tôi nói với Hiệp, ngoại trừ lý do chính đáng, “Đã xem” mà không trả lời hoặc chỉ thả một nút icon lấy lệ là bất lịch sự. Tôi thẳng tay chặn Zalo Hiệp vì nhẽ đó. Gặp tôi, Hiệp cười giả lả…
– Thầy không nghĩ tôi rút ruột công trình à?
– Một người trân trọng mọi cơ hội được đi học như anh hẳn sẽ không đời nào nhẫn tâm làm điều đó với một trường tiểu học được.
– Tôi sẽ cố gắng để nửa năm sau, thầy sẽ tự hào giới thiệu với học sinh rằng bạn của thầy đã xây ngôi trường này!
Chúng tôi cùng nhìn về phía những ánh đèn leo lét xa xăm đang chới với trong bóng tối sánh đặc. Thị trấn này chưa đủ buồn hay sao mà còn mưa dai dẳng từ ngày sang đêm? Càng những đêm mưa, tôi càng nhận ra thân phận lạc loài của mình, bơ vơ giữa nơi đất khách quê người, không biết bám víu vào ai trong những lần vấp ngã. Tôi là giáo viên tiểu học, Hiệp là kỹ sư. Tôi sống khép kín và trau chuốt, Hiệp quảng giao và buông thả. Điểm chung hiếm hoi giữa hai đứa có lẽ là sự bận rộn, bận rộn đến mức sau hai năm kết bạn, chúng tôi chưa một lần đi uống rượu cùng nhau.
Tôi nhớ có lần, Hiệp rủ tôi đi ăn đồ nướng với lý do muốn xả bớt nỗi buồn. Tôi đã tự ý điều chỉnh lịch bồi dưỡng học sinh giỏi bắt đầu sớm hơn ba mươi phút. Khi tôi vội vã về đến ký túc xá, Hiệp đã chờ sẵn ở cổng, nói cười xởi lởi:
– Xin lỗi thầy, hủy kèo nhé. Lát nữa, tôi lại đi uống rượu nhà thằng bạn tổ thi công rồi. Có gì tôi bù cho thầy sau!
Tôi nhún vai, cười gượng:
– Không sao. Tôi cũng có một chương tiểu thuyết cần hoàn thiện trong đêm nay. Chúc vui và an toàn!
Vậy ra, tôi chỉ là một phương án dự phòng thôi sao? Đây không phải lần đầu tiên Hiệp thất hứa. Hiệp đã thất hứa với tôi hàng chục lần. Hiệp là kẻ phung phí lời hứa nhất trên đời mà tôi từng biết. Tôi tự tìm ra cho mình một nguyên tắc khi chơi với Hiệp: anh ta hứa cái gì thì cứ lặng lẽ mà tin vào điều ngược lại! Hậu quả, sau lần ấy, tôi phải viết bản kiểm điểm trình ban giám hiệu nhà trường. Còn Hiệp có xả được chút nỗi buồn nào không thì tôi chẳng rõ. Tôi nhẹ nhàng bỏ qua cái cách ứng xử kém tinh tế của Hiệp. Bỏ qua không đồng nghĩa với quên đi…
– Cảm ơn thầy, tôi luôn xem thầy là tri kỉ. Còn thầy thì sao?
– Tôi xem anh là bạn.
– Chỉ vậy thôi sao?
– Tôi còn là chiếc chai đựng bí mật và nỗi buồn cho anh.
Tôi thương Hiệp thật lòng. Hiệp có một tuổi thơ nhiều va đập. Hiệp lên mười, mẹ ốm nặng, gia cảnh kiệt quệ, phải bỏ học dở chừng. Hiệp xin vào đoàn xiếc, lăn lộn khắp chốn cùng quê. Sau bốn năm phiêu bạt, Hiệp gom hết những đồng tiền mãi nghệ, xin đi học lại, vượt thêm bao trắc trở, rồi trở thành kỹ sư giỏi như bây giờ. Và hình như, anh đang loay hoay tìm cách chữa lành những vết sẹo ngổn ngang ký ức…
Hiệp vẫn còn một chút máu nghệ sỹ chảy trong từng mao mạch. Thi thoảng, tôi tặng anh một vài cuốn sách, nhắn nhủ: “Đọc cho cân bằng cảm xúc chứ xi măng, gạch đá suốt, chẳng mấy mà cằn cỗi tâm hồn”. Hiệp cũng không biết rằng, anh có nhiều nét tương đồng với một nhân vật phản diện trong cuốn tiểu thuyết mới tôi đang viết: đôi mắt to, sống mũi cao thanh tú và cái đầu lạnh với những diễn biến nội tâm đầy phức tạp. Hay nói cách khác, những phân đoạn về nhân vật ấy, hình bóng Hiệp lại phảng phất trong từng câu chữ khiến tôi không tài nào bẻ lái ngòi bút được. Tôi đặt tên cho nhân vật của mình là… Hiệp!
– Hôm nào mình đi ăn đồ nướng, thầy nhỉ?
Đó là câu nói theo thói quen để Hiệp kết thúc màn trò chuyện dài. Cả trăm lần đều vậy. Tôi cười ý nhị:
– Hôm nào là hôm nào? Hôm mà hai đứa mình thu xếp được để đi ăn đồ nướng với nhau chắc là ngày tận thế?
Mưa ngớt hẳn nhưng thị trấn còn run rẩy trong gió. Hiệp không nói gì, lẳng lặng ra về, cái dáng bai bải sao mà lầm lũi! Chiếc bóng đèn dưới mái hiên lại nhấp nháy như bị gió làm cho giật mình. Con đường lớn cũng chìm vào tĩnh vắng. Tôi mường tượng đến ngày mai không xa, khi ngôi trường mới hoàn thành, Hiệp sẽ đập bỏ khu ký túc xá này xây lại, phá vỡ lời nguyền. Tôi ngồi vào bàn, viết những dòng cuối cùng của cuốn tiểu thuyết:
“Nhưng chắc chắn một điều, dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, suốt cuộc đời này, tôi vẫn hằng nhớ cái cách Hiệp cưu mang tôi, trong đêm mưa năm ấy, vào lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Nhiệt tình và chân thành quá đỗi. Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng là ấn tượng sâu đậm nhất, nhưng cũng là thứ ấn tượng dễ nhầm lẫn nhất. Tôi viết những dòng này, khóa lại những ký ức đẹp đẽ về một người từng là bạn. Trí nhớ của con người có hạn sử dụng, nếu một mai quên đi, tôi có thể bình tâm đọc chậm và suy ngẫm. Còn lại, những thứ khác có ý nghĩa gì đâu khi thị trấn vẫn chuyển động, ký túc xá vẫn ngủ quên trong khúc ruột thừa nhịp sống và tôi vẫn lạc chân trong một miền ký ức trắng mông lung…”.
Chiều hôm sau, tôi nghe tin Hiệp bị tạm giữ tại Công an huyện. Lòng chết lặng, viên phấn trên tay rơi xuống bục giảng. Tôi mang vào cho anh một suất cơm thịt nướng. Tóc Hiệp lấm tấm mấy sợi bạc. Mắt Hiệp vốn đã sâu nay thâm quầng, nom lại càng khắc khổ.
– Thầy có trách tôi không?
– Anh ăn đi, kẻo nguội.
– Thầy cũng ăn cùng tôi đi.
Tôi nhón một miếng thịt nướng ăn cùng để Hiệp bớt mủi lòng.
– Tôi không ngờ cái kèo đi ăn đồ nướng của chúng ta lại diễn ra trong hoàn cảnh thế này.
– Thầy biết đấy, tôi không tiếc gì với thầy cả. Thậm chí thầy thiếu một quả thận, tôi cũng cho thầy ngay được! – Hiệp bùi ngùi – Nhưng thầy thánh thiện và hồn nhiên quá, tôi sợ người ta biết thầy chơi với tôi, sẽ ảnh hưởng đến thầy…
Tôi tha thẩn trở về ký túc xá trong đêm mưa dầm dề, toàn thân ướt rượt như chuột lột. Chiếc bóng đèn lủng lẳng dưới mái hiên đã cháy hẳn, ánh sáng lặn vào vùng ký ức trắng mênh mang. Tôi đổ rạp lên chiếc đệm bông lau, lên cơn sốt mê man, và loáng thoáng thấy bóng dáng Hiệp đằng sau ô cửa kính ố vàng, chầm chậm tan ra từng mảnh, bạc phếch như vôi…
Phan Đức Lộc 
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phía trước nhà có giàn mơ dại

Phía trước nhà có giàn mơ dại Cánh cổng gỗ thôi màu sơn, tróc từng mảng, lập cập mở ra cùng tiếng kẹt dài hút sâu về phía mênh mông cả cán...