Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Trăng mùa bão lũ

Trăng mùa bão lũ

Ấy là tôi muốn nói đôi điều về trăng thu năm nay - Trung thu năm Giáp thìn 2024. Một mùa trăng có phần ảm đạm, có gì đó hao hao mùa trăng thu những năm Covid-19 hoành hành! Mùa trăng năm nay nhiều tỉnh miền Bắc nước ta phải gánh chịu thảm họa do cơn bão Yagi gây nên.
Theo sự biết của tôi, tháng 8 âm lịch hằng năm được coi là Trung thu (Giữa mùa thu). Mùa thu được coi là tiết trời lý tưởng nhất trong năm. Một năm có bốn mùa xuân – hạ – thu – đông. Trong 4 mùa lại có 8 ngày tiết quan trọng, nói lên những diễn biến của khí hậu (lập xuân – xuân phân – lập hạ – hạ chí – lập thu – thu phân – lập đông – đông chí). Thu phân là điểm giữa của mùa thu – đồng nghĩa với Trung thu. Thế kỷ trước, tôi cũng từng là thiếu nhi như muôn ngàn thiếu nhi khác ở nông thôn, ngoài các dịp lễ tết được ăn ngon, mặc đẹp như dịp Tết Nguyên đán, ngày khai trường, tiếp đến là Tết Trung thu. Nhưng có lẽ đêm rằm Trung thu là niềm mong đợi háo hức nhất. Những chiếc đèn ông sao năm cánh, những con cá hóa rồng một nửa, những hình trăng tròn có chú Cuội, cây đa… được thắp sáng bởi những ngọn bấc đèn dầu lạc cũng lung linh, rạo rực khắp các đường quê ngõ xóm. Ở nông thôn, cỗ Trung thu chỉ có bưởi bồng, còn kẹo bánh không phải nhà nào cũng có thể. Đơn giản vậy thôi nhưng năm nào trẻ con cũng mong ngóng.
Trung thu đã trở thành lễ hội hằng năm vào dịp rằm tháng Tám âm lịch tại các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Singapore. Ngày nay, nghe đâu còn có cả Đài Loan, Hàn Quốc cũng tổ chức đón ngày Tết Trung thu theo cách riêng của họ. Quan niệm về Tết Trung thu mỗi quốc gia mỗi khác.
Ở Việt Nam, Tết Trung thu có từ xa xưa. Ngay cả trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có khắc chạm những hình ảnh về lễ Tết Trung thu. Nhiều phỏng đoán cho rằng Trung thu là dịp mở hội mừng mùa vụ bội thu của nông dân sau một vụ mùa cần lao vất vả. Hình ảnh mặt trăng mang nhiều ý nghĩa văn hóa tinh thần và tâm linh.
Đêm rằm tháng Tám âm lịch, mặt trăng thường là tròn đầy và rõ nhất trong năm. Người xưa coi sự tròn đầy là biểu tượng của sum họp, nên rằm Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên.
Thường thì trong ngày vui này, tất cả các thành viên trong gia đình người Việt sẽ quây quần bên nhau, chờ khi đêm xuống, trăng lên – trẻ già trai gái chòm xóm tụ họp cùng nhau chuyện trò, có bánh ăn bánh, có kẹo ăn kẹo, mâm cỗ chính vẫn là trái cây… và uống nước chè xanh hoặc trà để cùng ngắm trăng. Cũng là dịp trẻ nít được vui chơi, múa hát, rước đèn, múa lân, trông trăng, phá cỗ… Ngoài ra, đêm rằm tháng Tám còn là dịp để người người ngắm trăng đoán vận mệnh quốc gia, mùa vụ? Tỷ như trăng thu này có màu vàng thì năm đó ắt trúng mùa tằm tơ. Nếu trăng có màu xanh hay diệp lục thì năm đó sẽ có nhiều thiên tai mưa bão lũ lụt, hạn hán… và nếu trăng có màu vàng cam là điềm lành đất nước sẽ yên bình, thịnh vượng…
So với Tết Trung thu ở Trung Quốc thì Tết Trung thu ở Việt Nam ta bắt nguồn từ sự tích chú Cuội ngồi gốc cây đa, có chút gì đấy hơi hoang đường nhưng thơ mộng và hồn nhiên hơn sự tích vua Đường Minh Hoàng được các tiên nữ thương tình đưa lên trời gặp người đẹp Dương Quý Phi… Có chăng sự giống nhau giữa Tết trung thu Việt Nam và Trung Quốc là trẻ nhỏ thắp rước đèn ông sao, đèn lồng vui chơi múa hát và phá cỗ.
Cũng lại theo sự biết của tôi thì Tết Trung thu xưa và nay có khá nhiều khác biệt - Riêng cái thú ngắm trăng, hầu như ở thành phố và các đô thị, quen với ánh điện mà dần quên mất còn có “ông Trăng bà Nguyệt” ở trên trời – trừ sự cố những đêm mất điện! Chỉ thế thôi cũng đủ kéo theo nhiều thứ khác biệt so với cộng đồng những người sống ở nông thôn. (Trẻ em ngày nay có cuộc sống đủ đầy hơn ông bà cha mẹ ngày xưa nhiều, được học hành, tiếp xúc với đủ thứ công nghệ cao, nên rất dễ quên hoặc không biết đến nhiều trò chơi dân gian thú vị khác).
Trong bối cảnh cả nước và nhiều đồng bào ta ở nước ngoài đang hướng về các tỉnh miền Bắc - nơi cơn bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của cải vật chất…, “Đêm hội trăng rằm” năm nay chắc sẽ kém vui. Nhưng không sao - trăng cũng theo mùa khuyết tròn, như con người ta buồn, vui có lúc.
Tùng Bách
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phía trước nhà có giàn mơ dại

Phía trước nhà có giàn mơ dại Cánh cổng gỗ thôi màu sơn, tróc từng mảng, lập cập mở ra cùng tiếng kẹt dài hút sâu về phía mênh mông cả cán...