Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Ông Trạng họ Hoàng

Ông Trạng họ Hoàng

Ở Hội Nhà văn trong lớp cao niên có ba người thân nhau: Xuân Diệu, Chế Lan Viên và Hoàng Trung Thông. Họ chênh nhau về lứa tuổi. Xuân Diệu hơn Hoàng Trung Thông 8 tuổi (1916-1925); Chế Lan Viên hơn Hoàng Trung Thông 5 tuổi (1920-1925). Họ khác nhau về cội nguồn. Xuân Diệu và Chế Lan Viên là kiện tướng của phong trào Thơ mới còn Hoàng Trung Thông là nhà thơ của thơ ca kháng chiến chống Pháp.
Về sở thích: Chế Lan Viên và Xuân Diệu đều không nghiện rượu. Còn Hoàng Trung Thông:
Ngày lại ngày
Ta tỉnh
hay
Ta say
Tình thân được biểu hiện ở sự bình đẳng, tôn trọng tài năng, tính cách, sở thích của từng người và trong quan hệ đời sống cũng như thơ ca. Không phải ngẫu nhiên mà Chế Lan Viên lại làm bài thơ Gửi trạng Thông họ Hoàng gồm 166 câu vừa yêu thương, chân thành vừa pha trào phúng vui vẻ.
Đoạn mở đầu viết:
Ông thì hay say
Tôi thì quá tỉnh
Mà ông đằm tính
Tôi thì hay gây
Thiên hạ người người yêu ông
Tôi, thiên hạ ghét
Gặp tôi người ta lườm nguýt
Nghe ông người ta thông
Thế mà lạ không?
Hai đứa thân nhau mãn kiếp
Từ đít nớp xăng ca răng xết (1947)
Mà chưa phản thùng
Nhớ cái chiều đưa ma giá rét
Tiễn Diệu đi Vô cùng
Trên xe tang nhọc mệt
Có cô Bạch Diệp
Tôi ngồi bên ông.
Nhà văn Tô Hoài khi nhận xét về lý luận phê bình lúc này cho rằng chỉ có 3 người là Đặng Thai Mai, Hoài Thanh và Hoàng Trung Thông viết có đặc điểm còn các anh viết giống nhau. Nhưng Hoàng Trung Thông say thơ hơn là say lý luận.
Chế Lan Viên gọi Hoàng Trung Thông là Ông trạng đỏ. Gọi là trạng là do tài giỏi, thông tuệ trong các trách nhiệm quan trọng về văn hóa văn nghệ. Ông đã từng là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, là Tổng biên tập nhiều tờ báo, tạp chí văn nghệ là Viện trưởng Viện Văn học.
Gọi là Trạng đỏ vì ông đã công tác trong nhiều thời kỳ, nhiều tổ chức quan trọng như Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Nghệ An, Ủy viên Tiểu ban văn nghệ Trung ương, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương.
Trong trách nhiệm của ông Trạng đỏ có gì khó khăn khác biệt giữa thi sĩ Hoàng Trung Thông với nhiệm vụ mà tổ chức Đảng giao phó.
Với tài năng và những đóng góp nhiều mặt cho phong trào văn nghệ nhưng Hoàng Trung Thông chưa trúng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Có lần tôi hỏi một cán bộ của Hội Nhà văn theo dõi công việc này anh thân tình cho biết trong thời kỳ Hoàng Trung Thông làm Vụ trưởng Vụ Văn nghệ ông đã phê phán nhiều người nên số phiếu bầu đều không cao. Phải chăng đó là lý do cho chuyện đáng tiếc đó?. Chuyện đã qua một ngày không xa mọi người sẽ hiểu ông, công bằng với ông phần thưởng mà ông xứng đáng được hưởng.
Hoàng Trung Thông (1925-1993) sáng tác đều trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xây dựng hòa bình, chủ nghĩa xã hội chống Mỹ cứu nước. Ông có tất cả 8 tập thơ. Quê hương chiến đấu (1955), Đường chúng ta đi (1960), Những cánh buồm (1964), Đầu sóng (1968), Trong gió lửa (1971), Như đi trong mơ (1977), Hương mùa thu (1984), Tiếng thơ không dứt (1989) và Mời trăng (1992).
Ông viết tất cả 150 bài. Đọc thơ ông dường như tập thơ nào cũng có bài hay. Không đồ sộ luận bàn tỏa sáng mà như ánh sao lấp lánh giữa chòm sao, như ngọn đèn vẫn sáng trong đêm. Trong tập Quê hương chiến đấu có các bài Bài ca vỡ đất, Bao giờ trở lại; tập Đường chúng ta đi có Đọc thơ Bác; tập Những cánh buồm có Chợ Cô Sầu, Anh Chủ nhiệm, Những cánh buồm; tập Tập Đầu sóng có Bài thơ báng súng…
Có bài thơ nhỏ xinh xắn viết về đề tài khó nhưng vẫn có ý có duyên riêng:
Anh hôn lên những nụ cười của em
Trước lúc chia tay
Hẹn ngày trở lại
Anh hôn lên những giọt nước mắt của em
Bao tháng năm cách xa
Phút giây gặp lại
Nụ hôn không trong cơn say mà rất tình, rất đằm thắm tinh tế.
Cũng vẫn là tác giả Hoàng Trung Thông chủ động bản lĩnh và chân thực với bài Nếu tôi chết:
Nếu tôi chết
Đừng có ai
Khóc làm gì
Thế là hết
Đừng có ai bi
Nằm dưới mồ
Tôi ngượng ngùng
Chỉ nhớ khúc tình si
Nếu tôi chết
Đắm điếm ngôi mộ tôi
Và anh hay chị sẽ viết
Giữ lòng trong suốt đời
Và thêm một Lời trối:
Anh sống như anh viết
Em ơi
Nếu anh có chết
Thì cũng thế thôi
Và trong cuộc sống nhiều lúc ông tự hỏi:
Ngày lại ngày
Ta tỉnh
hay
Ta say
Trong bài thơ Chế Lan Viên tặng Ông Trạng họ Hoàng có nhắc đến chuyện say sưa của Hoàng Trung Thông:
Mực nướng, nướng thơm lừng
Bánh đa rồi rượu đế
Nâng chén lên lễ mễ
Hoan tôi xin thưa rằng
– Thưa chị Thông lưu ý
Vợ tôi – mụ Thường khuyên anh Thông say đừng.
Có say say cầm chừng
Có uống uống lưng lưng
Mở mắt ra he hé
Nhìn lấy đời một tí
Sau đó bỏ rượu dần
Thực ra Hoàng Trung Thông vừa say vừa tỉnh. Ông không gây chuyện gì đáng tiếc, ông vẫn vui vẻ và làm thơ. Nhiều bài thơ viết trong lúc say hơi men lại bốc cho thi tứ dạt dào.
Này đây ông đang cất chén mời trăng. Ông đã cùng cụng chén với nhiều bạn trong đời. Ông hiểu họ và họ hiểu ông. Nhưng có lẽ vầng trăng sáng cao xa kia vẫn hàng đêm hiện bóng sẽ hiểu ông hơn.
Nâng chén thưởng trăng trăng tỏ
Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm
Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta thế đó
Thế rồi ta cất chén cùng tri âm
Không phải chén quỳnh đâu đừng trầm ngâm
Một mình ta mời trăng mời bạn
Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm
Ít năm sau ông về làm Viện trưởng Viện Văn học. Tôi có điều kiện gặp ông. Hàng ngày ông thường đi bộ từ nhà đến Viện. Tôi chưa thấy ông đi xe đạp hay một phương tiện khác. Trên con đường từ giữa phố Quang Trung đến Viện Văn khoảng chừng bảy tám trăm thước, ông đi thong thả, thỉnh thoảng dừng bước.
Gặp ông tôi thường tháp tùng ông trên đường đến Viện. Ông vui vẻ tiếp chuyện một lúc rồi nói “Anh cần việc gì cứ đi trước, dần dà tôi sẽ đến được Viện”.
Ông lên Thái Nguyên thăm khu sơ tán của Khoa Văn nói chuyện với thầy trò khoa. Ông nói không mạnh mẽ như Xuân Diệu như Nguyễn Đình Thi nhưng chân tình. Sinh viên hỏi ông: Bác có tham gia vỡ đất trong bài thơ Bài ca vỡ đất không? Ông trả lời: Vỡ đất trong thơ cũng khổ như ngoài đời. Các em lại hỏi: Khi bộ đội về làng có Bác tham gia đón tiếp không. Ông cười và gật đầu. – Bác uống rượu và làm thơ hay Bác còn thích nhất cái gì nữa không? – Có đấy, nhưng chưa nghĩ ra…
Tôi mời ông đến chơi thăm chỗ tôi ở. Ông vui vẻ nhận lời. Phong cảnh đẹp ông vừa đi vừa ngắm cảnh. Đường không xa chỉ vài trăm thước đến nơi trò chuyện một lúc ông nói ông muốn nằm nghỉ. Trời mùa thu mới se lạnh tôi lấy chăn mỏng cho ông đắp. Ông bảo: Cám ơn, mình ít khi đắp chăn Giời mát mẻ.
Đã mấy chục năm qua hôm nay ngồi nhớ ông tôi viết đôi dòng kỷ niệm nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ông mất năm 68 tuổi, chưa đến được tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng sự đời việc đời việc nhân thế vẫn soi bóng trong vầng trăng tỏa sáng trong chén rượu của ông.
Xin gửi tặng ông mấy câu thơ:
Ông từ làng ta về tới đây
Túi thơ bầu rượu vẫn tràn đầy
Đường đời vững bước luôn tiến tới
Sao câu thơ nào cũng như say.
12/9/2021
Hà Minh Đức 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Tiếng thở thời gian Năm đó chúng tôi học lớp 9. “Chúng tôi” tức là tôi, thằng Hoàng và thằng Dương. Trường chúng tôi học là trường dân...