Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Vĩ thanh về Văn Lê

Vĩ thanh về Văn Lê

Văn Lê trăn trở, thao thức với lý tưởng tìm một lời giải cho tính cách dân tộc, tính cách các loại người khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử, cũng là chủ đề trong thế giới mênh mông các nhân vật thuộc nhiều thời ký lịch sử và các bối cảnh xã hội trong các tiểu thuyết: Mỹ nhân (2013), Thần thuyết của Người Chim (2013),Chòm sao khuất bóng (2016), Thù lao cuộc sống (2018), Khế ước cuộc đời (2019), Cống nhân (2020). Tác giả ngày càng đào xới được nhiều sự thật nghiệt ngã của chiến tranh còn bị khuất lấp, để thấy, chiến tranh là một hoàn cảnh sống không bình thường, nó làm méo mó tính cách con người, mà xã hội hòa bình phải mất nhiều năm, một cách kiên trì và  bài bản mới uốn nắn lại được…
Sáng thứ hai ngày 7.9.2020, tới công ty làm việc, tôi nhận được bưu kiện có 2 tập sách: Tiểu thuyết Phượng Hoàng dày 260 trang, khổ16 x 24, NXB Văn Hóa văn Nghệ in 1.000 bản, Giải nhì Giải thưởng VHNT TP Hồ Chí Minh 2012-2017, và tiểu thuyết Cống nhân 335 trang, cùng số lượng in và cùng nhà xuất bản. Vừa nhìn qua bìa sách, liếc sang facebook, bỗng thấy Phạm Sỹ Sáu đưa ảnh Văn Lê và báo tin: Nhà văn vừa mất đột ngột đêm qua, vì bệnh tim.
Vậy mà mới 3 ngày trước, Văn Lê còn gọi điện, hỏi tôi đã nhận được sách chưa? Cũng là dịp hiếm hoi điện thoại cho nhau. Nào ngờ đó là những lời cuối cùng, đầm đìa nước mắt, xót thương và uất ức, tôi đưa lên facebook: Ai chịu trách nhiệm về sự bất công này? Văn, thơ, trường ca, tác phẩm điện ảnh tài liệu, kịch bản phim truyện với rất nhiều giải thưởng, mà cho đến nay, trong danh sách rất nhiều Giải thưởng Nhà nước về VHNT vẫn để lọt Văn Lê. Có hàng trăm bạn like, nhưng tất nhiên không ai trả lời. Tôi thấy ớn lạnh người, khi mở trang đầu cuốn Phượng Hoàng, có mấy câu trích Tử thần điệu trong Giá đồng làng Vũ Xá – mà tác giả hay trích, như Đề từ:
Xin người về cho bớt sầu đau / Xin đừng lưu luyến cõi âm trầm sâu/ Đường  trãi rộng cầu nhân nghĩa bắc / Xin người đừng hờ hững trông nhau / Í à í a… ối  a à… ối  a… a
Xin người về cho bớt sầu đau / Xin đừng gieo oán với nhau dài lâu / Đường về trãi rộng cầu nhân nghĩa bắc / Xin người đừng hờ hững trông nhau / Í à í a… ối a à… ối a… a.
Cho đến nay, chắc chắn đây là tiểu thuyết viết về chiến tranh chống Mỹ dữ dội, tàn khốc nhất. Mùa hè giá buốt (2008-2012) đã là một tiểu thuyết viết về cuộc chiến đấu quyêt liệt của một tiểu đoàn ở ngoại vi Sài Gòn với những chiến công lừng lẫy, được trả bằng xương máu của biết bao nhiêu người lính can trường và dũng cảm, mưu trí. Đến Phượng Hoàng, Đại đội đặc công của Mạc Kính Phẩm mấy năm đang chiến đấu ở Nam Khu 5, được chuyển về chi viện để giải phóng Sài Gòn. Sau 3 tháng hành quân, họ được điều về Khu Tám – mật danh của vùng đồng bằng miền Trung Nam Bộ. Vốn quen tác chiến ở rừng núi, nay được ném xuống đồng bằng, địa hình trống trải, không gian vây bọc xung quanh là đồng phèn,  đầy tràm gió, cỏ dại mọc đến thắt lưng, bốn bề trống trãi. Vừa đặt chân chưa ổn định, họ đã phải đánh lui một đợt tập kích của bọn biệt kích, nhờ đó họ biết, đối phương đã bàm theo vết di chuyển của cả Trung đoàn. Nhưng mọi thông tin đã muộn. Ngay khi thấy nơi đóng quân Trung đoàn bộ bị tấn công, đơn vị đã lao lên chi viện. Sau trận chiến đấu, toàn bộ  Ban chỉ huy Trung đoàn không còn một ai sống sót. Cuối 1969 đầu 1970, là thời gian đen tối nhất của Trung Đoàn. Bộ đội chủ yếu làm nhiệm vụ chống càn để tồn tại. Tiểu thuyết viết về giai đoạn đen tối đó, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đại đội trưởng Mạc Kính Phẩm- nhân vật chính, trong bao năm chiến đấu ở đây đã “ Bò trên cái lằn ranh vô hình giữa sống và chết, chết và sống tới cả chục lần – và lần nào anh cũng qua khỏi,….”. Anh tin có sự phù trợ của những thế lực siêu nhiên nào đó “ mới có thể bao bọc, chở che cho anh thoát khỏi cái chết rình rập, đeo đẳng một cách kiên trì,dai dẳng đến như vậy” .Với niềm tin mãnh liệt ấy, anh cùng đơn vị đã lao vào cuộc chiến đấu không cân sức, có những khoảnh khắc yếu thế, ngỡ như tuyệt vọng bởi mất cả chỗ dựa là người Dân. Nhưng rồi họ đã vượt qua tất cả cho đến trận quyết chiến cuối cùng, khi toàn quân đang thế tiến công để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong một trận chiến đấu, người Đại đội trưởng can trường đó đã không thể vượt qua lằn ranh cái chết để trở  về với sự sống. Anh tắt thở trong tay người con gái yêu anh hết lòng. Tiểu thuyết kết thúc, bởi hình ảnh, trong ngày đầu tiên sau chiến thắng, khi dòng người chiến thắng tràn về các thành phố, về lại quê nhà, thì người du kích, người yêu của Đại đội trưởng Mạc Kính Phẩm lưng đeo bồng trở về cánh đồng hoang, nơi bao năm đơn vị anh bám trụ :  “ Chiến thắng là của dân tộc, nhưng với cô thì không. Chiến tranh đã cướp của cô người yêu,cướp của cô cả các Thủ trưởng, cướp hết cả bạn bè, đồng đội. Ở  Cai Lậy, cô cũng chẳng còn ai là người thân để mà về…” (tr 358).
Trong tiểu thuyết của Văn Lê, mà đội hình nhân vật là cả một đơn vị lớn, nên trong nhiều hoàn cảnh, mưu lược, tài trí, sự thông minh, may mắn của số phận từng cã nhân không còn có ý nghĩa giúp đơn vị không bị hủy diệt dưới hỏa lực áp đảo của đối phương. Chiến tranh ác liệt đến mức, có lúc nhiều lý thuyết nhân đạo phải quên đi nếu muốn có thắng lợi cuối cùng. Cái giá của sự sống buộc hàng triệu người đánh mất nhiều thứ thuộc về nhân tính là điều còn ít được các nhà văn phản ánh, và lên án. Trong cuộc chiến tranh, mà đường biên hai phía xảy ra trong một gia đình, một dòng họ,một làng xóm, để lựa chọn được sống,con người bộc lộ rất nhiều tính toán: đầu hàng, đầu thú, chiêu hồi, hai mang, hèn, nhát, ba  phải, phản bội…, cũng có nghĩa họ sẵn sàng từ bỏ những chuẩn mực làm người thông thường, chứ không hoàn toàn vì lý tưởng chính trị. Chúng ta đã bất chấp hy sinh, để giành một đất nước độc lập, thống nhất. Nhưng tính cách con người Việt Nam đã thay đổi theo nhiều hướng khác nhau. Ca ngợi những hy sinh lớn lao của người lính, của những chiến sĩ cách mạng,nhưng không nên quên cái khó khăn, đau đớn của cuộc chiến diễn ra trong một nước. Ngay trước ngày giành chiến thắng, tác giả mượn lời nhân vật chính để bày tỏ: “Sau nhiều năm sống ở Miền Nam, Đại đội trưởng nhận ra một hiện thực là không có một gia đình nào mà không có dây mơ rễ má gì với bên này, hoặc bên kia. Có gia đình, cha đi kháng chiến, nhưng con cái lại trở thành sĩ quan trong quân đội Sài Gòn. Có gia đình con cái đi theo cách mạng nhưng cha lại làm việc cho chính quyền bên kia.Cũng có những dòng họ một nửa theo cách mạng, một nửa theo Sài Gòn và đều là cán bộ cao cấp của hai bên. Đó là một thực tế, một nỗi đau của đất nước bị chia căt.Giờ đây, Đại đội trưởng chỉ còn một mong muốn duy nhất, khao khát duy nhất, khao khát tuyệt đỉnh là mong đất nước được hòa bình. Lúc ấy, người Việt Nam sẽ không bị nuôi lớn bởi  những hận thù. Tất cả cùng rút ra những bài học lịch sử, quên đi quá khứ đau thương, để xây dựng lại đất nước” (tr 252).
Điều người lính trận nghĩ một cách đơn giản ấy, trong thực tế, khi toàn thắng, đã diễn ra phức tạp hơn nhiều: Hàng triệu người gắn bó với phiá bên kia, di tản, vượt biên bằng mọi giá, trong một thời gian dài. Hàng chục vạn sĩ quan, viên chức đi cải tạo, có người vài chục năm, nhiều người không có ngày về . Hàng vạn gia đình vốn quen sống ở thành thị, được đưa lên các vùng kinh tế mới,tự lực kiếm sống. Hàng vạn thương phế binh phía bên kia sống lay lắt, không hộ khẩu. Nhiều gia đình thương gia bị cải tạo, gần như trắng tay… Những phần tử chiêu hàng, chiêu hồi, đầu thú, phản bội xưa, tìm lại quyền công dân là một hành trình không phải ai cũng đến đích. Hoàn cảnh chiến tranh, nếu phát huy được một số phẩm chất đáng quý ở một bộ phận  công dân, thì cũng có một bộ phận phát sinh nhiều tính cách không ai mong muốn. Nhấn mạnh điều này, mấy mươi năm, khi chiến tranh kết thúc, là nhà văn muốn nhắn nhũ : Để có một đất nước thực sự hòa bình, thì không chỉ người bên thua cuộc phải thay đổi tính cách, lối sống, cách sống, mà cả những người chiến thắng cũng phải thay đổi tính cách từ những người chủ chiến, xử lý mọi cách theo lối hàng thì sống, chống thì chết, tiêu diệt kẻ thù trước khi bị kẻ thù tiêu diệt, thù muôn đời muôn kiếp không tan… mà phải tạo cuộc sống chung dễ chịu, dần tới hạnh phúc cho tất cả mọi người dân Việt, bất chấp quá khứ của họ. Trong chiến tranh, mạng sống cá nhân không được tôn trọng bởi được biện minh: Tất cả cho chiến thắng.  Khi đất nước đã hòa bình- thống nhất: sinh mạng từng con người bên này hoặc bên kia đều không thể xâm phạm một cách tùy tiện. Nếu tính cách con người phụ thuộc vào hoàn cảnh, thì nhiệm vụ của bên chiến thắng là xây dựng một hoàn cảnh nhân đạo hơn, bảo đảm quyền sống, quyền tự do cho tất cả mọi người dân trong đất nước. Một xã hội mà tội phạm ngày càng tăng, ngay cả các quan chức cao cấp, được tuyển chọn kỹ càng, giám sát chặt chẽ, mà nhiều người vẫn trở thành tội phạm ,thỉ rất cần xem xét lại cái hoàn cảnh tức thể chế mà chúng ta đang xây dựng bị khiếm khuyết ở khâu nào.
Trăn trở, thao thức với lý tưởng tìm một lời giải cho tính cách dân tộc, tính cách các loại người khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử, cũng là chủ đề trong thế giới mênh mông các nhân vật thuộc nhiều thời ký lịch sử và các bối cảnh xã hội trong các tiểu thuyết: Mỹ nhân (2013), Thần thuyết của Người Chim (2013),Chòm sao khuất bóng (2016), Thù lao cuộc sống (2018), Khế ước cuộc đời (2019), Cống nhân (2020). Tác giả ngày càng đào xới được nhiều sự thật nghiệt ngã của chiến tranh còn bị khuất lấp, để thấy, chiến tranh là một hoàn cảnh sống không bình thường, nó làm méo mó tính cách con người, mà xã hội hòa bình phải mất nhiều năm, một cách kiên trì và bài bản mới uốn nắn lại được. Xây dựng một nền Văn hóa mới cho đất nước có lẽ là điều mà nhiều người lãnh đạo chưa ý thức được, nên dù đời sống kinh tế đang đi lên, nhưng đời sống tinh thần xã hội lại đang đối diện với nhiều vấn đề không như mong đợi.
Có những nhà văn khi mất đi, chúng ta kính trọng một sự nghiệp đã hoàn thành. Nhà văn Văn Lê đột ngột ra đi để lại cho bạn đọc nỗi tiếc nuối một hướng tìm tòi về con người và cuộc sống của xã hội Việt Nam còn dang dở.
NHÀ VĂN VĂN LÊ
Tên khai sinh: Lê Chí Thụy, sinh ngày 2.3.1949. Quê quán: Gia Thanh – Gia Viễn – Ninh Binh, nhập ngũ 1966. Vào chiến trường B2 1967, về Tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng năm 1974, sau 1975 công tác ở báo Văn Nghệ, tái ngũ 1977, chiến đấu ở Mặt trận 479, Campuchia; 1982 về Hãng phim Giải phóng cho đến khi về hưu.
Tác phẩm đã xuất bản: Tác phẩm gồm 3 tập thơ, 2 trường ca, 5 tập truyện, 12 tiểu thuyết.
Một miền đất,một con người (Tập thơ,1976)
Những ngày không yên tĩnh (Truyện,1978)
Chuyện một người du kích (Truyện,1980)
Bão đen (Truyện,1980)
Đồng chí Đại tá của tôi (Truyện ,1981)
Người gặp trên tàu (Tiểu thuyết,1982)
Khoảng thời gian tôi biết (Tập thơ,1983)
Ngôi chùa ở Pratthana (Tiểu thuyết,1985)
Khoảng rừng có những ngôi sao (Tiểu thuyết,1985)
Hai người còn lại trong rừng (Tiểu thuyết, 1989)
Tình yêu cả cuộc đời (Tiểu thuyết, 1989)
Khi Tòa chưa tuyên án (Tiểu thuyết,1989)
Tiếng rơi của hạt sương khuya (Tiểu thuyết,1993)
Phải lòng (Tập thơ, 1994)
Nếu anh còn được sống (Tiểu thuyết,1994)
Chim Hồng nhạn bay về (Tập truyện ngắn,1996)
Những cánh đồng dưới lửa (Trường ca,1997)
Đồng dao thời chiến tranh (Tiểu thuyết, 1999)
Cao hơn bầu trời (Tiểu thuyết,2004)
Những câu chuyện làng quê (Văn, 2005)
Câu chuyện của người lính binh nhì (Trường ca, 2006)
Mùa hè giá buốt (Tiểu thuyết, In lần 1: 2009,lần 2 :2012 )
Mỹ nhân (Tiểu thuyết, 2013)
Phượng Hoàng (Tiểu thuyết, 2014)
Cống nhân (Tiểu thuyết, 2020)
Các giải thưởng:   
Giải A cuộc thi thơ của Tuần báo Văn Nghệ,Hội Nhà Văn VN (1975-1976)
Giải B thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 1984.
Tập thơ Phải lòng giải A  thơ về đề tài Chiến tranh Cách mạng, Hội Nhà văn VN, 1994.
Tiểu thuyết Nếu anh còn được sống, tặng thưởng Văn học, Bộ Quốc phòng, 1994.
Tập trường ca Những cánh đồng dưới lửa, Giải thưởng Văn học Bô Quốc phòng 1999, Giải thưởng Văn học quốc tế MeKong, 2006.
Tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, giải B về Văn học chiến tranh, Bộ Quốc phòng, 2009; Giải nhất Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh 5 năm (2006-2011)
Ngoài ra, trong lĩnh vực điện ảnh, là một nhà làm phim Tài liệu xuất sắc, nhiều phim được nhận các giải thưởng cao.
Là tác giả phim truyện Long thành cầm giả ca, Giải nhất về kịch bản của Hội Điện ảnh VN, Giải nhất Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh VN, Bông sen vàng Bộ Văn Hóa TTDL,…
15/2/2021
Ngô Thảo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Tiếng thở thời gian Năm đó chúng tôi học lớp 9. “Chúng tôi” tức là tôi, thằng Hoàng và thằng Dương. Trường chúng tôi học là trường dân...