Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

 

Ai Người Tri Âm

Chương 1

Trước hết, tôi muốn minh xác vị thế của mình. Tôi là một thanh niên thuộc thành phần nam giới đúng nghĩa, không phải chỉ có hình thức nam giới mà bao gồm luôn cả một tâm hồn con trai, không lại cái, không "gay" nhưng đứng hẳn về một phía, chẳng nửa vời; còn vấn đề tri chí hay không để lần hồi bạn sẽ phân định. Tất nhiên, cũng như mọi người, tôi có con tim thường lỡ làng, quên chủ chứa, luôn dõi theo hoặc ngóng trông một bóng hồng. Dĩ nhiên, vì không có mới ngóng trông nên tôi cũng thường cảm thấy mình thuộc loại thiếu may mắn, không có số đào hoa nếu xét riêng về mặt tình cảm. Đã thế, dường như chính những gì mình không có lại trở thành mối hấp dẫn tột bực tạo thành năng lực thúc đẩy sự theo đuổi. Hơn nữa, thà rằng nếu con tim không thèm đếm xỉa gì đến nhưng đừng phá đám và hãy để tôi yên thì chẳng có chuyện chi đáng nói; đàng này, nó kéo bè đảng với bộ phận bên trong cái đầu, ảnh hưởng tai mắt mũi họng, cứ nói hơi quá cho có vẻ quan trọng mong được người khác để ý, chơi tôi những vố xất bất xang bang, ăn không ngon, ngủ không yên... cũng chỉ vì mấy o giống cái với những bộ điệu thướt tha, dễ thương nhưng chỉ cái cười mỉm chi hoặc liếc mắt vô tình trông đi đâu mà hữu ý quét trúng tôi thì dù mới ngần ấy nét nhẹ nhàng dễ cảm mến đã trở thành cơn cuồng phong ác liệt cuốn mất tâm hồn, biến tôi thành kẻ ngẩn ngơ giống một trong những tên bị quỉ ám, ma đùa trong những truyện liêu trai chí dị.

Con tim tôi nó mềm, mềm từ hồi ấu thơ. Lúc thơ ấu, bạn cũng như tôi, chúng ta yêu mẹ. Bạn yêu mẹ bạn nhất; tôi không yêu ai bằng mẹ khi còn bé. Vì tôi là con trai, con trai yêu mẹ, ngược lại, con gái yêu bố; đó cũng là bản năng tự nhiên. Trong thời kỳ ở bậc tiểu học, thầy giáo dạy lớp hai có khuôn mặt hao hao giống khuôn mặt mẹ do đó tôi có cảm tình với ông ấy hơn các thày giáo khác mặc dầu mỗi năm tôi lên lớp học với các thày giáo khác nhau. Tôi yêu mẹ nên không muốn làm bất cứ gì để mẹ buồn, để mẹ phải lạ Khi lớn thêm chút nữa, tôi vẫn yêu mẹ nhưng thích đi chơi vì trò chơi, nghịch ngợm hấp dẫn hơn ở nhà. Dần dần tôi trở thành chai đá và đồng thời cũng nhận ra mẹ thương tôi nhiều lắm. Mẹ đánh đòn vì tôi ba gai, phá phách chứ không phải vì ghét. Nhiều lần tôi muốn khóc vì thương mẹ; những khi tôi bị cảm, cúm, mẹ thức khuya để chăm sóc, nhưng không bao giờ tôi nói với mẹ dù chỉ một câu "con yêu mẹ" hay "con thương mẹ". Tôi im lặng giữ mối tình yêu mẹ trong lòng, chẳng bao giờ nói ra.

Lớn lên, cho tới năm đệ ngũ (lớp tám), tôi nhận ra tình yêu mẹ không "phê" như tình cảm dành cho một đứa con gái. Tôi cảm thấy nàng có một hấp lực, mãnh liệt cuốn hút, thành ra muốn được đứng gần. Thích nàng nhưng cũng chẳng hiểu tại sao thích, chỉ biết mình thích mà thôi. Giờ nghĩ lại, ngày ấy tôi đã không để ý tại sao mình không thích những người con gái khác. Đối với những người con gái khác, tôi coi thường, bất cần; còn đối với nàng, tôi dành tất cả cảm tình của mình dù chỉ trong ý nghĩ rằng nàng dễ thương, dễ mến. Cái áo dài nàng mặc đi học bị rách gấu, tôi cũng thấy dễ thương. Giọng nói, kiểu mỉm cười, nét mặt của nàng, tất cả đều có duyên đối với tôi. Nhưng chỉ im lặng, tôi im lặng giữ kín mối cảm tình đơn phương, nỗi lòng thầm kín một chiều.

Nhà tôi, năm thằng con trai liên tiếp, tôi là đứa thứ hai của bộ ngũ quỉ, thế là bao nhiêu công việc của người nội trợ được san sẻ cho hai đứa lớn chúng tôi. Mẹ tôi thường bao quát hết nhưng cũng nhiều khi mấy em tôi đau hoặc phải săn sóc chúng nhiều hơn, anh tôi và tôi chia nhau làm những công việc như đi chợ mua thực phẩm, nấu ăn, giặt giũ, quét nhà, rửa chén, nấu cám heo, tắm heo... Bố mẹ tôi ăn trầu, tôi lại thường phải têm trầu để bố mang theo vì ông đi buôn cá, gánh bộ cả bẩy cây số đường rừng từ những nơi dân câu bắt cá không có giờ nghỉ.

Con trai, chẳng hiểu tại sao đã trai lại còn gọi là con, phải làm những việc của con gái nên tôi ước ao có được cô chị hay em gái để làm thế cho mình, để rửa chén, để quét nhà, để nấu cơm, để bồng em ru nó ngủ... Bởi thế ước mơ thèm con gái được sinh ra nơi lòng. Tôi thấy bạn bè của mình may mắn và sung sướng; chúng có chị hay em gái, ăn xong chạy nhởn nhơ với bè bạn, tha hồ đi chơi, quần áo quăng ra có chị giặt, ăn xong có chị rửa chén; chúng nó là những ông hoàng, tôi thường tự bảo.

Càng lớn, tôi càng thèm con gái hơn. Tôi là đứa chúa lười ủi đồ nhưng thích ăn mặc đẹp. Quần áo phẳng phiu mới oai, mới ăn khách, mới câu được sự chú ý của kẻ khác, nhất là con gái. Nhà tôi không có bàn ủi nên mỗi lần ủi đồ phải đi mượn. Mượn ở đâu? Ở nhà có con gái, vì con gái ưa mặc đẹp, chịu khó ủi đồ. Bạn bè tôi có chị gái, có em gái nên quần áo chúng được ủi thẳng nếp, "pli" sắc có thể cắt đứt tay, nhưng chúng coi thường; chúng bất cần để ý khi đứng, khi ngồi có thể làm nhầu quần áo. Chúng có chị ủi đồ nên đồ nhầu không thèm mặc và có quyền la hét chị hoặc em ủi đồ. Tôi, mặc dầu quần áo không thẳng nếp gì nhưng phải giữ gìn, ai ủi cho nếu nó nhầu nát ngoại trừ chính cái thẳng lười như hủi là tôi nhưng thích mặc đẹp. Tôi phải cẩn thận từng chút; sau khi giặt, quần áo đem phơi phải được kẹp căng ra trên dây cho phẳng nên khi vận lại phải cố gắng sao cho quần áo khỏi bị nhăn, phải để ý từng cử động, từng thế ngồi. Ngồi không dám dựa, dựa nhăn lưng áo, chính vì thế tôi càng ước ao có được cô chị hay đứa em gái hơn, và cũng chính vì thế tôi càng thích, càng cảm thấy cần con gái hơn.

Thời gian sau này tôi đã cứ tưởng rằng mình có thể yêu bất cứ người con gái nào. Nàng nào tôi cũng thấy họ dễ thương, dễ mến. Tôi thích được làm quen với con gái nữa. Làm quen để làm gì, để thỏa mãn ý thích, để con tim hồi hộp khi nói chuyện với họ. Mỗi khi muốn gặp nàng nào, tôi phải sắp đặt câu chuyện sẵn sàng, câu nào nói trước, câu nào nói sau, nói như thế nào, điệu bộ phải ra sao. Đã thế, nhiều lần tôi vẫn còn bị quê chết người. Lắm nàng nghịch ngợm cố ý làm tôi chết sửng. Tôi nghĩ, mình phải chiến thắng, chiến thắng bất cứ giá nào hoặc trường hợp nào. Nhưng đó chỉ là câu chuyện, hình thức bên ngoài để giải quyết sự thiếu thốn nơi tâm tư do ảnh hưởng thực trạng không có con gái trong nhà.

Năm đệ nhị (lớp mười một), tôi trọ học tại nhà người chú ở Sàigòn cùng với một nàng họ xa đàng thím tôi. Tôi thích nàng, nhưng lại cũng chỉ thích đơn phương không dám tỏ nỗi lòng vì còn phải học. Bố mẹ gửi tôi đi học chứ không phải để o gái, thế mà tôi đã tiêu xài quá nhiều thời giờ vì con gái, vì nàng. Và tôi sinh tật thích làm thơ, thơ thơ thẩn, có khi đêm học muộn, giả đò chép lên bảng với hy vọng rằng nàng chưa ngủ ghé mắt nhìn chăng. Rõ khổ, ở chung một nhà, thích nàng nhưng lại ít có dịp nói chuyện nên ấm ức vì còn chú thím tôi. Lỡ có chuyện gì, tin đồn về đến tai bố mẹ, tôi sẽ bị mang tiếng trát tro, bôi trấu, bêu xấu cha mẹ. May mắn, gánh nặng được trút khỏi khi kinh tế gia đình kiệt quệ; tôi phải ngừng năm học về nhà đi làm rẫy.

Năm kế tiếp tôi đã có thể tiếp tục tới trường bởi nền kinh tế gia đình tương đối khá hơn, vả lại trường trung học gần nhà có mở chương trình đệ nhị cấp. Có cách nào để làm nữ sinh chú ý hơn ngoài sự học giỏi? Tôi con nhà nghèo, không đua đòi được nên đành phải học giỏi, dẫu không giỏi được thì cũng phải cố gắng cày cho giỏi. Khổ nỗi, nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò..., mang tiếng đi học nhưng chỉ thích những chuyện cúp cua, đàn đúm, nhất là ở lứa tuổi nhầng nhầng nên thích được con gái chú ý. Tuy nhiên, học có giỏi mới được sự để ý của con gái; học giỏi mà phá phách, các thầy và ban điều hành nhà trường vẫn cưng; học giỏi có quyền lên mặt với những đứa nào dám đụng đến mình; học giỏi để bù đắp lại những thua sút tụi con nhà giầu, may ra dùng cái tiếng đánh át được phần nào cái miếng và mong gỡ gạc sự chú ý của con gái. Hơn nữa, học giỏi bố mẹ được hãnh diện, làng xóm cũng khen, muốn xin gì cũng dễ và nhất là tỏ ra bõ công các thày giáo dạy tôi ngày xưa ở bậc tiểu học. Chính những lý do ấy đã là động lực thúc đẩy tên học trò không mấy thông minh nhưng thích con gái ra công ra sức vật lộn với bài vở.

Trong thời gian này, tôi thích một nàng bán nước đá, tôi nghĩ, nàng cũng ưng tôi... Chúng tôi thường gặp nhau nơi xe nước đá của nàng. Nhưng đau đớn thay, gần cuối niên học, sắp tới ngày thi, nàng bỏ tôi, bắt cặp với một người cùng làng học trên tôi một lớp, có tú tài một trong khi tôi vẫn còn là một anh học trò trơn vì những mấy tháng nữa mới tới kỳ thị Tôi ôm hận, cố gắng tỏ ra như không có chuyện gì xảy đến. Mấy người bạn cùng lớp biết rõ nhưng vì thái độ tảng lờ của tôi, không ai nghĩ rằng tôi đang nức nở với trái tim rướm máu về cô hàng nước. Bởi ý thức được tính chất gái ham tài, cho dù tài được hiểu theo nghĩa nào chăng nữa, nên tôi không dám trách móc nàng hoặc muốn cạnh tranh với anh chàng kia bởi vì tôi biết sẽ bị thuạ Tuy nhiên, từ khi biết nàng bỏ theo người khác, tôi không học được, ngồi ở bàn học nhưng tâm trí mãi đâu đâu. Trong lớp, ngồi chình ình ra đấy nhưng chỉ là một chiếc xác không hồn vì tôi nhớ nàng, nhớ những giây phút êm đềm kề cận cô hàng nước đá với niềm đau triền miên gặm nhấm. Con tim khốn khổ hành hạ tôi đủ thứ; nó lôi kéo ngũ quan, gợi sự liên tưởng của trí óc khiến cho bất cứ sự vật, hình ảnh thực tại nào cũng trở thành nguyên nhân gợi về nét thân thương luyến ái với người tình cũ đang chạy theo miếng mồi mới ngon hơn, hấp dẫn hơn. Chả gì thì anh chàng bồ mới của nàng cũng sắp sửa là sinh viên trường Luật, lại rủng rỉnh có tiền vì mới kiếm được chân dạy học tại một trường trung học đệ nhất cấp trong khi tôi "trống lổn" lẽo đẽo với bài vở cho kỳ thi tú tài I sắp tới. Chưa thi, nào ai đã biết chắc đậu hay đạp vỏ chuối... Một đàng là "giáo sư" dù cho có bị dùng sai danh từ, ít nhất có những một năm hoãn dịch vì lý do học vấn và lỡ ra sang năm không thể được hoãn dịch, cũng nắm chắc trong tay cặp bông mai vàng chóe, lương cao, sẵn có kinh nghiệm dạy học nên dễ xin biệt phái sang ngành nhà giáo. Còn tôi, lỡ rớt kỳ thi, chưa kịp coi điểm thì đã phải vội xếp hành trang nhập quân trường để rồi mang lon bằng miếng vải khiêm nhượng tối mò.

Ngày ngày đạp xe trên đoạn đường ba cây số tới trường dưới ánh nắng đổ lửa, cổ họng khát khô thèm miếng nước lạnh, gợi lòng tôi nhung nhớ người tình. Con đường nhựa vô tri muôn đời không thay đổi lại cũng nhắc nhở lòng tôi nhớ đến cô hàng nước. Những tà áo nữ sinh thướt tha nơi trường lớp càng thúc đẩy cảm quan tôi hướng về ngày cũ cận kề bên em, giờ đây ngăn cách cũng chỉ vì những mảnh giấy, mảnh giấy in văn bằng và mảnh giấy in thành tiền bảo đảm tương lai. Gái ham tài là thế, tôi tự nhủ. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng tôi đã phải chiến đấu hết sức với bản thân để cố quên, dùng tương lai, cái tương lai mịt mù đe dọa của sự thi trượt phải đi lính làm trung sĩ, đeo cái lon chữ vê úp ngược, xỏ xiên chụp lên vận mạng, giới hạn nét kiêu hùng đời trai. Tuy nhiên, niềm đau cứ thường xuyên ray rứt tâm hồn, nhắc nhở từng tiếng nói, từng âm vang giọng cười, từng cử điệu thân ái nàng đã dành cho tôi nay đang trao về người khác. Ôi đàn bà, ôi con gái!

Ngoài tính chất mê gái, tôi còn mê sách đồng thời quan niệm rằng cuốn sách, câu truyện, tự chúng không xấu, không tốt; xấu hay tốt tùy người đọc có chủ đích tìm kiếm gì trong nó. Bất cứ vấn đề gì nghe tới, tôi thường đặt câu hỏi tại sao và phải làm thế nào. Khỉ một điều, trong đầu tôi lúc nào cũng có sẵn một vài vấn đề, một số câu hỏi còn đang trong vòng thắc mắc muốn tìm hiểu. Tôi đọc sách trước hết vì thích thú, sau nữa, nhiều vấn đề thắc mắc được trả lời một cách không ngờ trong những cuốn truyện đôi khi cái tên chẳng liên quan gì đến câu trả lời tôi gặt hái được. Chẳng hạn những lý do gì đã làm người đàn ông sợ vợ; bà vợ cũng có thể là một yếu tố để người chồng nghiện thuốc phiện; hoặc vấn đề sinh lý của con người đã được giải quyết như thế nào, cách nào và từ bao giờ. Sách là một kho tàng đem lại niềm vui thích vô biên giới, nhưng nó cũng tạo cho tôi nhiều mơ mộng. Cũng nhờ sách, tôi tìm hiểu cơ cấu viết văn. Tôi tự hỏi tại sao các tác giả có thể viết dài, văn hay để rồi tìm ra cách kết cấu, dàn xếp tư tưởng và trình bày câu truyện của tác giả. Tôi thích đọc truyện nhưng văn phải hay vì văn chương bổ túc cho câu chuyện mặc dầu tư tưởng là phần chính yếu. Những tiểu thuyết mà văn không hay, tôi không muốn đọc trừ khi không có cuốn nào khác.

Từ đó, tôi suy nghĩ nhiều về cuộc sống trong tương lai. Tôi muốn biết những vấn đề chẳng hạn làm thế nào để trở thành một người chồng tốt khi lập gia đình; đặc tính cũng như cá tính của tôi ra sao; làm sao cho vợ coi mình như mục tiêu chính của nàng; những nguyên nhân thúc đẩy người đàn bà ngoại tình; thế nào là một người đàn bà vượng phu ích tử theo tướng học. Nhưng vấn đề ảnh hưởng tôi nhiều nhất là giá trị cuộc sống, và đâu là giá trị cuộc sống của tôi?

Một lần đứng nói chuyện với mấy người quen nơi một đám cưới, ngay phía trước tôi, một ông cỡ chừng bốn mươi lăm đến năm chục tuổi đang nói chuyện với vài người khác. Ông thấp hơn tôi; tôi đã lùn mà ông lại lùn và thân hình nhỏ hơn. Tôi chỉ nhận ra ông già hơn vì mái tóc hoa râm, vì nước da cháy nắng bởi làm việc cực nhọc ngoài trời. Tôi nghĩ, với một thân xác nhỏ bé như thế, tuổi đời chồng chất theo năm tháng làm ăn cực nhọc để nuôi dưỡng bầy con sáu đứa, cuộc sống còn gì khi xuôi tay nhắm mắt. Phải chăng con người được sinh ra, lớn lên, lập gia đình, rồi có một đàn con, vất vả cực khổ nuôi nấng chúng, rồi tiếp theo, đàn con cũng thế, cũng lấy vợ, lấy chồng... rồi chết đi... và rồi còn gì? Giá trị của cuộc sống ở đâu và nếu cũng một nhịp điệu như thế với cuộc đời tôi, phỏng tôi có dễ dàng chấp nhận không?

Nếu đem so sánh cuộc đời một con người trong phạm vi sinh tồn, bảo toàn giống nòi với một con thú, con thú sung sướng hơn con người. Chúng không phải lo lắng cho ngày mai như con người, và nếu chỉ xét riêng về sự sống thì con người cũng chỉ được sinh ra, kiếm của ăn cho qua ngày, già rồi chết như con thú. Phải còn gì nữa, giá trị của cuộc sống con người khác và hơn con thú ở những điểm nào? Chẳng lẽ cuộc đời một con người chỉ là lo sao cho có miếng ăn để sống, nghĩa là đi làm, ăn, ngủ, rồi lại đi làm, ăn ngủ tiếp tục một cách buồn tẻ và chờ ngày chết?

Phải còn một cái gì nữa, cái gì mà tôi không biết đặt tên cho nó ra sao. Tôi chỉ nghĩ và tin rằng giá trị cuộc sống của con người chắc chắn phải hơn con thú, nhưng sao thấy nó bình thường quá, buồn tẻ quá. Tôi khinh thường cuộc đời lặp đi lặp lại như lời hát nào đó: "một ngày như mọi ngày" không chi thay đổi. Tôi muốn mình phải là cái gì, một cái gì trong mơ hồ, trong mộng ước mà chưa biết là gì. Tôi không định nghĩa hoặc xác định được vì tôi chưa biết nó, chỉ biết rằng tôi không muốn có cuộc sống bình thường như những người chung quanh.

Giá trị của cuộc sống lứa đôi cũng nhiều khi làm tôi khinh tởm trong trường hợp chén bát đụng nhau. Hai vợ chồng, mới hồi chiều thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để tận lực đấm đá nhau, dùng những lời nói thô bỉ hạ nhục nhau tới mức độ đê hèn nhất, buổi tối lại đã cùng nhau chăn gối; hai con thú, tôi nghĩ thế, để rồi tự hỏi tôi có thể chấp nhận được như vậy không? Tôi nghĩ về nhiều giả thuyết, rằng thế nọ, rằng thế kia cho những cặp trai gái trước khi cưới nhau nên xác định rõ ràng danh phận, điều kiện, và giới hạn cho cuộc sống chung. Nhưng thực tế trả lời cho thấy vấn đề sống chung của vợ chồng không phải đơn giản và máy móc như thế đến nỗi tôi không thể chấp nhận được những giả thuyết của tôi. Câu kết luận chỉ còn là thương nhau lắm nên cắn nhau đau?

Nhưng tôi vẫn thích con gái, con gái vẫn là mãnh lực thu hút tôi nhào tới; nhào tới như con thiêu thân cho chết điếng cõi lòng, tan bao mơ mộng, và đôi khi cuộc đời tôi gần như bị sụp đổ hoàn toàn bởi nét yêu kiều, dễ thương, hấp dẫn, khuyến khích và có tính chất mời mọc của thứ người giống cái. Các cụ thường bảo, lửa thử vàng, vàng thử đàn bà, đàn bà thử đàn ông. Nhờ câu này, tôi biết rõ mình thế nào; con tim tôi mềm như chì. Con gái được sinh ra hình như để chia nhau phá nát con tim tôi từng giai đoạn, hết đứa nọ rồi đến đứa kia. Tôi yêu lung tung, khi thì đơn phương một chiều, chưa kịp ngỏ lời đã thấy nàng cặp kè thân mật với chàng trai khác; lúc mới được dăm ba lần hẹn hò xây viễn ảnh, nàng đã cho tôi leo cây, đá cái vù không chút xót thương. Cứ mỗi lần như thế, con tim tôi lại quặn thắt, rên rỉ với nỗi lòng tan nát.

Một điều tôi nhận rõ nơi lòng mình là dù yêu thì yêu, thương thì thương, không bao giờ tôi có ý nghĩ để quyết định lập gia đình với bất cứ một nàng nào dẫu lắm nàng tôi yêu điên đảo. Ngày nào không gặp thì nhớ, mới một ngày không nhìn thấy mặt, trắng đêm tôi không thể ngủ, rồi cắm cúi viết thư, hết trang nọ đến trang kia. Đôi khi tôi viết nhưng không gửi, không gửi để hưởng cái thú nhớ nhung và ray rứt vì xa cách. Tôi đắm chìm trong bể tương tư, nhung nhớ ngày này qua ngày khác, và phục Xuân Diệu qua câu thơ "Yêu là chết trong lòng đi một ít." Từ đó tự hỏi, tôi yêu để mà yêu hay để thỏa mãn đặc tính muốn yêu và muốn được yêu bình thường của con người, hay chỉ vì muốn chiều theo bản chất mơ mộng trong mình? Tại sao tôi e ngại khi nói đến lập gia đình, sống chung thân với một nàng con gái sẽ trở thành người vợ? Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng chỉ mường tưởng rằng có câu trả lời chứ thực tình tôi không dám đối diện với những câu trả lời bởi câu trả lời nào cũng nói lên cái xấu của tôi. Nói lên cái xấu của mình, tôi chạy trốn dù chỉ trong tư tưởng.

Nhưng cũng bởi vì yêu miên man, tôi tập làm thơ, học văn để viết thư cho mùi, cho mặn nồng tình ái, cho thỏa mãn sự giải bày khát vọng muốn yêu. Đọc được câu văn nào hay, ghi vô tập vở, biết được tiếng nào bóng bẩy, tôi chép để tập dần. Vài ngày tôi đọc lại những nốt ghi một lần rồi dùng nó trong những bài thơ, những lá thư tràng giang... Xin cảm ơn những nàng con gái đã giúp tôi thêm vốn liếng văn chương, đã khiến tôi làm những bài thơ Đường đúng vần luật, và làm cho tôi đôi khi trở thành cái máy làm thợ Nhưng làm thơ không gửi, thích làm thơ nhưng cũng biết thơ chẳng hay nên giữ lại rồi quên hết và cũng mất hết theo những khúc tình đã bay.

Một vài người bảo tôi chỉ được cái miệng. Tự nhiên được cái miệng chăng đã khá; họ đâu có biết tôi đã bao phen nhục nhã vì yêu thương, tiêu phí bao thời giờ bởi thơ với thẩn và tốn bao công lao ghi chép để viết thự Viết thư, lúc được hồi âm còn đỡ, chẳng biết bao lần thư có đi mà không tin lại; dẫu tin không lại tôi vẫn viết thư đi, vẫn chết mệt vì những mối tình vớ vẩn, không xơ múi nhưng ngơ ngẩn cả con tim. Cái miệng tôi đánh đổi bằng những chặng thập hình của cả thể xác lẫn tâm can, thiêu hủy, làm hao mòn con tim theo ngày tháng. Mặc dầu tuổi chưa kịp lớn, con tim đã bị hao mòn, bị bóp mềm bởi những cái yêu tan nhanh như mây gặp gió.

Năm học lớp đệ nhất (lớp mười hai), tôi thấy thương hại cho những nàng con gái trời bắt tội kém nhan sắc. Thế rồi tôi muốn yêu tất cả những nàng con gái này. Yêu tất cả thì lại chẳng yêu ai, chỉ cảm thấy thương hại mỗi khi tôi gặp những nàng không được đẹp. Điều thật tương phản là những nàng con gái Trời chỉ ban cho nhan sắc tầm thường ấy được chia làm hai loại đối nghịch rõ ràng, chanh chua và dịu hiền. Thì chanh nào mà chẳng chua! Nhưng đúng thật, họ đã chanh chua thì chớ có xớ rớ vô kẻo mang hận. Còn những nàng dịu hiền chẳng nói ai cũng hiểu, cũng dễ cảm thông được với họ. Nhưng tôi vẫn không thể yêu riêng được một trong hai, chanh chua hoặc dịu hiền, của giới nhan sắc trời bắt tội này. Tôi lại cứ yêu chung chung. Cái yêu chung chung ấy mới thật sự hợp với câu "lắm mối, tối nằm không."

Tuy nhiên, tình yêu chung chung đó đến với tôi đâu phải đã hết, đâu phải đã giải thoát cho tôi nỗi khắc khoải muốn được yêu; tôi lại bị "khớp con ngựa ô" thêm một lần nữa. Lần yêu này thật trối già và cũng là lần mà con tim tôi được hưởng thực sự thú đau thương. Tôi không nhớ rõ nhà văn Việt Nam nào đã dùng danh từ này đầu tiên nhưng thấy nó rất đúng với cái thú bởi sự yêu của tôi nên chỉ nhớ mà không cần biết hoặc quên cả tên tác giả để cứ tưởng rằng của mình. Cũng chẳng lạ gì, khi hai tâm hồn đồng cảnh ngộ gặp nhau thì họ tưởng đã quen nhau từ kiếp xa xôi nào đó và nghĩ rằng có duyên hạnh ngộ. Mà thực sự, chỉ có ba chữ "thú đau thương" mới có thể diễn tả đúng đắn tình yêu là gì mặc dầu tôi chưa thấy ai định nghĩa tình yêu của họ là thú đau thương.

Lần đó tôi về Sàigòn ghi danh năm thứ hai Văn Khoa, chỉ vì Văn Khoa và Luật Khoa mới chấp nhận ghi học theo chương trình hàm thụ mà thôi. Vào những ngày nộp đơn đại học, tôi phải về Sàigòn để chen chúc nơi một hành lang nhỏ bé đông nghẹt những sinh viên trong cái nóng bức của thời tiết khiến mồ hôi một người có thể chuyền qua lớp áo người kế bên cũng đang cố gắng chen vô nơi cánh cửa sổ nộp đơn. Ai đã qua một lần nộp đơn nơi các đại học công tại Sàigòn sẽ không bao giờ có thể quên được cảnh lớp người chuẩn trí thức dành nhau ấy, không khác gì đi xe buýt sau ngày giải phóng nơi thành phố mới bị đổi tên từ năm 1975. Trong ngày thứ nhất, tôi đã bon chen làm xong hầu hết mọi thủ tục giấy tờ gồm có: xin đơn, đóng lệ phí, ghi danh, xin phiếu khám sức khỏe, lập thẻ sinh viên, chỉ còn ký một thẻ cuối cùng về lý lịch, khám sức khỏe và ghi số hồ sơ lưu trữ nữa là hoàn tất.

Chương 2

Quãng tám giờ, trời đã tối đậm nơi thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông; tôi đứng nơi đầu con ngõ lối vào chợ Phú Nhuận, trên đoạn đầu đường Cách Mạng 1 - 11 gần cầu Công Lý nồng nặc mùi thành phố hoa lệ này đón một chiếc xe ôm (xe Honda nhận chở người trong thành phố) về khu Ông Tạ để ngủ nhờ nơi nhà một người bạn dạy cùng trường. Giàn đèn hai bên đường, nơi các cửa hiệu dọc theo đã được bật lên soi sáng cho khách bộ hành và các loại xe qua lại. Tôi đưa tay vẫy theo thói quen khi nhìn thấy đèn của một chiếc Honda, chẳng cần biết có phải xe ôm hay không. Cũng là một sự không ngờ, chiếc xe dừng lại và chủ xe nhận chở thuê. Sau khi định đoạt giá cả, tôi leo lên phía sau và bắt đầu gợi chuyện cùng bác tài cho qua thời giờ chờ xuống vùng Bắc Hải, khu gần Ông Tạ, nơi nhà một người bạn.

Đường từ chợ Phú Nhuận, dọc theo đại lộ Cách Mạng một đoạn ngắn rồi rẽ sang một đường nhỏ nào đó để vượt qua Thoại Ngọc Hầu tới Phạm Hồng Thái và đi ngược về phía Ngã Sáu là lối ngắn nhất; bác tài xe ôm không đi vì nguy hiểm bởi phải qua hãng xe Lambro, khu hay có cướp giựt xe Honda và thường thì những kẻ xấu số bị đánh thập tử nhất sinh. Ông chở tôi dọc theo đường Cách Mạng tới Lăng Cha Cả và ngược Phạm Hồng Thái đi lên. Đại lộ Cách Mạng vào buổi tối thưa xe, đường rộng và phẳng nên cũng đem lại cho tôi chút thoải mái khi nghĩ tới sự khó khăn bởi chen lấn lúc nộp đơn đại học trong ngày.

-Bác làm nghề này có khá không? Không biết tên ông là gì, mà tôi cũng chẳng cần biết tên; tôi chỉ muốn nói chuyện cho qua thì giờ nên dùng tiếng bác.

-Tôi đâu có làm nghề xe ôm. Dạo này thất nghiệp, mỗi tháng tôi chỉ chạy vài cuốc đủ tiền mua bánh thuốc lào sáu trăm. Vì tiện có cái xe nên tôi chạy, hơn nữa, bánh thuốc lào lại gần hết, tôi vừa mang xe ra chạy một cuốc từ chợ Phú Nhuận đến đầu đường Công Lý, đang định về nhà thì gặp anh chứ chạy xe ôm có phải là nghề của tôi đâu nên nào biết... Chả nói giấu gì, bà xã tôi đi làm cũng đủ ăn, nên tôi không cần phải chạy xẹ.. Ngày hôm nay đưa con cháu đi nộp đơn đại học Luật Khoa chen lấn mệt quá, mai lại phải tới nữa để nộp đơn ở Văn Khoa cho nó. Tôi đang định kiếm việc cho nó đi làm vì học hành với con gái cũng chẳng ăn thua gì. Bác tài có vẻ đang cần người nói chuyện nên gặp tôi, xổ một hơi cho đã thèm.

-Gia đình bác được mấy anh mấy chị mà đã phải lo kiếm việc cho cô ta trong khi còn đang đi học?

-Tôi được có mỗi đứa con gái, vừa đậu xong tú tài hai, đâu còn đứa nào khác.

Vừa nghe câu trả lời, tôi đã thấy nao nao trong dạ nhưng không biết cách nào để kiếm cớ làm quen con ông. Kéo dài thời giờ suy nghĩ, tôi chêm vào câu nói cầm chừng, vô thưởng, vô phạt:

-Nhà con một mà phải lo kiếm việc cho đi làm trong khi hai ông bà còn có thể xoay chạy được.

-Nhưng nộp đơn cực quá, hơn nữa, con gái học hành rồi cũng chẳng ra cái gì.

Ông đã nói thế thì còn lý do gì mà xớ rớ vuốt đuôi nên tôi đành đổi đề tài nối tiếp với những vấn đề liên quan đến trời mưa, trời nắng, cuộc sống hằng ngày thêm chút chính trị, và phê bình lang thang về văn hóa xã hội cùng với lối giáo dục hiện đại theo đường lối văn hóa của chính phủ trong sự so sánh giá trị liên hệ giữa thày trò nơi học đường. Ngay khi biết tôi đang dạy học, ông kêu tôi bằng thày giáo.

-Thày bà với giáo mác gì, bác đừng gọi thế, hãy coi tôi là khách đi xe và may mắn có dịp được nói chuyện với bác.

Nghĩ cũng cay cho cái miệng kém cỏi, suốt lộ trình mà tôi không cách nào gợi chuyện về cô con gái của bác tài. Hừm! Tôi nghĩ, dốt đành ráng chịu, nhưng vẫn cảm thấy tiếc nuối vì đã lỡ cơ hội.

Tới đầu đường Bắc Hải bên cạnh nghĩa trang, tôi rời xe vì muốn đi bộ một quãng trước khi tới nhà người bạn cho đỡ chồn chân. Bác tài lên tiếng mời tôi nếu có giờ rảnh ghé qua nhà ông nói chuyện... Ông cho địa chỉ và nói cách hỏi thăm vì nhà hơi khó kiếm. Lòng mừng khấp khởi bởi cảm thấy may mắn có cơ hội làm quen với con ông, tôi vội nhận lời và hứa sẽ tới khi nào nộp đơn đại học xong. Chắc chắn tôi sẽ tới, phải tới; lúc ấy giả sử bác tài chỉ có ý "chào giơi" để rồi nhận ra lòng tà "tham bô" của tôi mà kiếm lời thoái thác thì có lẽ tôi đã phải mồm năm miệng mười viện đủ mọi lý lẽ dễ thương dồn ông vào thế bí biến sự vô tình thành lời mời ngay thật.

Ngày hôm sau tôi phải tới khu y khoa khám sức khỏe và thử máu bổ túc hồ sơ; gần trưa thì đã hoàn tất những công việc gồm có: xin phiếu, nhận số thứ tự, gặp bác sĩ khám tổng quát, chụp hình phổi, lấy máu, lập hồ sơ và làm thẻ sinh viên. Ngay sau đó, tôi mượn xe một người bạn ghé qua địa chỉ bác tài xe ôm tối qua. Sỡ dĩ tôi sốt sắng làm chuyện này chỉ vì ông có cô con gái mới xong trung học, lại con một. Cứ nghĩ đến ông ta có con gái là tôi hăng say dù phải tốn tiền đổ đầy bình xăng của chiếc Honda trước khi trả lại cho chủ. Tôi chẳng hiểu tại sao mình có cái tật hào hoa tính này vì thực ra tôi rất keo kiệt. Tiền bạc đâu ra mà chẳng keo... Có lẽ bởi nghĩ rằng người có xe tin tưởng mà cho mình mượn, họ quí mình như thế nên, dù sao chăng nữa, không thể tiếc với họ bình xăng mặc dầu nhiều khi tôi chỉ dùng chút xíu. Đây cũng là mánh lới lấy cảm tình để lần sau họ dễ dàng cho mượn xe khi tôi hỏi. Cho dẫu tiếc xót thế nào, tôi vẫn nghĩ rằng những người dám cho mượn xe đã rất tốt đối với mình. Tốt vì dám cho tôi mượn xe, và tốt vì tôi chẳng dại gì phí tiền đổ xăng mà không đem lại ích lợi chi khi phải nhịn đàng này, xén đàng kia cho giá trị bình xăng tương đương với cả ngày dạy học. Nhưng lần này, cái keo kiệt của tôi trở thành sự hài lòng rộng rãi, vui vẻ chấp nhận bỏ tiền đổ xăng để được làm quen với gia đình có cô con gái độc nhất, dù chẳng biết cô nàng đẹp, xấu thế nào. Cứ làm quen được là đã thích. Thích chứ, thanh niên mà làm quen được với thiếu nữ ai mà không sướng rên... nhất là thứ không đẹp trai, không chai mặt, lại mê con gái như thân phận của tôi.

Nhưng bình xăng đã đem lại giá trị rẻ hơn nước lã khi tôi tới địa chỉ được bác tài xe ôm đưa cho tối qua. Kín cổng, cao tường, cửa nhà đóng im ỉm và hàng xóm cho tôi biết mọi người đi vắng hết, muốn gặp phải tới buổi tối. Thôi thì biết sao hơn, lại thêm một bình xăng nữa vì phải mượn xe của người khác. Mượn xe của một người hai lần trong ngày, có thể họ nghĩ mình lạm dụng, điều mà tôi cố tránh có thể bắt nguồn từ bản chất hay có tự ái rởm trong liên hệ giao tiếp với bạn bè hoặc những người quen biết. Chẳng thà chấp nhận thua lỗ còn hơn bị coi khinh vì họ nghĩ mình lạm dụng... Thế nên, dầu không có xe đành phải mượn nhưng tôi muốn chứng tỏ cho chủ xe biết rằng tôi chỉ mượn xe trong những lúc cần kíp... Tiếc tiền đổ xăng mà lòng vẫn hồ hởi chấp nhận bởi sự thích con gái vẫn bừng bừng trong tôi và cái ham muốn được làm quen với cô nàng con một khuyến khích tôi nên hào hoa thêm lần nữa mặc dầu chưa biết mặt mũi nàng ra sao, dễ thương, yêu kiều hay chanh chua thế nào. Tôi chỉ nghĩ mình nên và phải tới thăm bác tài như một cớ làm quen với con ông ta; con ông là con gái; con gái là tôi ham, dù thế nào chăng nữa!

Nhìn chiếc cổng làm bằng lưới đan vuông, tôi thấy sao nó yêu kiều thế; căn nhà xinh xinh với viền xanh nhạt của khung cửa bao bọc hai cánh banô màu trắng, tường vôi cũng trắng và được kẻ thêm vài hàng chỉ đậm màu nâu mặc dầu ở đầu một dãy nhà lô, bên cạnh một con hẽm vừa đủ một người đi lọt... Dứt khoát tôi phải tới, phải biết chụp cơ hội vì ngoài cơ hội này sẽ không còn cơ hội nào khác để biết nàng. Không biết chụp thời cơ, lúc hối tiếc thì đã muộn bởi "phúc bất trùng lai"... Rở tập hồ sơ lấy miếng giấy, tôi ghi đại khái tới thăm mà không gặp và hẹn bẩy giờ tối sẽ trở lại.

Chẳng biết phúc hay họa mà cả buổi chiều hôm đó tôi không thể nào ngồi đứng cho yên. Con tim hồi hộp, bứt rứt thúc dục tôi tới nhà bác tài ngồi lỳ trước cửa đợi chờ. Lục lọi, hỏi đủ mọi người nơi một nội trú để mượn lấy bất cứ cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nào đó đọc cho quên nỗi xốn xang của sự đợi chờ thời gian qua mau tới giờ hẹn, tôi nghĩ sao mình quá ngu hẹn bẩy giờ tối, đáng lẽ phải lúc năm hoặc bốn hay ba giờ chiều có phải sung sướng hơn không. Truyện kiếm hiệp dễ thu hút nên tôi có thể đọc nó quên ăn, quên ngủ; khi đang đọc, dù cho có ai đó tới gần mạt sát, tôi cũng không biết đến; thế mà buổi chiều ấy nó cũng chẳng làm sao hấp dẫn nổi tôi. Rồi bữa cơm tối của nội trú lúc năm giờ chiều tôi nuốt không vô, không vô vì đang ao ước được nuốt cái hình ảnh mường tượng chỉ mới được nghe bằng hai chữ con gái dẫu chưa biết ngay cả vóc dáng hoặc tên tuổi của nàng. Mới chỉ có thế mà đã mệt bởi con tim mềm yếu với không biết bao nhiêu dằn vặt của những loại tình cảm ham hố ngu dại này. Chẳng xơ múi gì mà cứ ham, cứ bị đày đọa, lại thích bị đày đọa... Tôi đày đọa con tim mình, cái tôi ngốc nghếch của một thằng khờ, khờ vì con gái!

Bẩy giờ, hình như sớm hơn mấy phút, chỉ biết rằng tôi đã tỏ ra rất đúng hẹn. Dựng xong chiếc Honda mượn của một người khác trước hàng rào thép lưới vuông cao ngang thắt lưng, tôi đã như quen thuộc bước vào nhà sau khi tự mở cổng và xuyên qua hai cánh cửa khép hờ. Cái ham hố thúc đẩy lòng tôi háo hức quên cả lịch sự gõ cửa nhưng may mắn không ai trách móc. Bên trong, ánh sáng bởi ngọn đèn tròn được che bớt trên trần tỏa xuống làm cho căn phòng có vẻ hơi mờ ảo đối với cặp mắt đang quen nhìn dưới ánh đèn đường, lớp tường vôi trắng đứng chắn ngang phòng khách với phòng bên trong chừa một khung cửa treo hàng sáo nilon giáp tường bên phải, và một chiếc cửa sổ hình bán nguyệt trên vách ngăn được khoét ở giữa phần còn lại ngay phía trên chiếc tủ buffet khung sườn bằng gỗ cẩm màu nâu pha lẫn phần rác gỗ vàng ngà. Trên tủ, một vài cuốn sách xếp ngăn nắp bên mé phải làm nổi bật phần trắng tường vôi còn lại với chiếc đồng hồ quả lắc treo lơ lửng nơi tường góc trái.

Một bộ salon cũng bằng cẩm đặt xung quanh chiếc bàn nhỏ mặt kiếng, trên đó bình điếu thuốc lào với chiếc cần hút bằng nilon đen được đúc thành hình thanh trúc vươn cao. Chiếc băng dài xếp dọc theo tường phía tay trái sát góc vách ngăn hòa hợp bởi màu nâu sườn cẩm với màu đỏ của nệm và lưng dựa, nơi đó người thiếu nữ đang ngồi đưa mắt nhìn tôi lộ vẻ lạ lùng vì sự xuất hiện đột ngột không cần ý kiến cho phép của chủ nhà. Nối tiếp với băng dài đầu này, chiếc quạt điện quay vù vù trên một chiếc ghế đẩu nhỏ thổi gió chia đều cho người thiếu nữ và thiếu phụ (mẹ nàng) đang ngồi trên chiếc pan màu nâu nhạt kê sát ghế để quạt và choán hết phần lồi ra bên cánh trái của căn nhà xây gấp thước thợ nên dành lại phần hè nhỏ xíu chỉ rộng gấp rưỡi khung cửa ra vào. Thiếu phụ cũng đang chăm chăm nhìn tôi chừng như để ý xem có chuyện gì khác lạ.

Như người đã quá quen thuộc, tôi lên tiếng nói "chào bác" và thêm rằng trưa nay tôi tới nhưng không có ai ở nhà, đoạn hỏi về bác trai rồi tiến tới ghế salon một cách tự nhiên như nơi nhà của mình trong khi thiếu nữ đứng dậy đi xuyên qua khung cửa của vách ngăn bật đèn cho căn phòng thêm sáng cùng lúc thiếu phụ nói nàng rót nước tiếp anh chàng khách lạ lùng không thèm gõ cửa dường như có tính cách bắt buộc chủ nhà phải tiếp dù muốn hay không này. Bà vừa ngỡ ngàng trả lời rằng ông ấy mới đi có chút chuyện và có thể về ngay bây giờ thì bác tài xe ôm cũng đã dựng chiếc xe đạp trước cổng để mở cửa dắt vô.

Ông than thở tự nhiên cũng như tôi về ngày hôm ấy ông đưa con đi nộp đơn ở Văn Khoa quá mệt mà chỉ mới xin được đơn nhập học và không ngờ nộp đơn đại học lại khó như thế. Tôi chưa kịp nói gì thì đồng thời những tiếng nổ rầm rộ của hai chiến Honda dừng lại trước cửa, bốn người bạn cùng dạy một trường với tôi cũng về Sàigòn ghi danh đại học đang xuống xe và mở cổng bước vào trong lúc tôi ngỡ ngàng hơn cả chủ nhà vì thắc mắc tại sao tụi này lại biết tôi ở đây mà mò tới. Tôi chợt tự hỏi họ có chuyện gì hay đã quen trước hoặc cũng có hẹn, mối của họ được đặt sẵn trước tôi? Dầu thế, tôi cố tỏ ra vui vẻ hỏi họ tại sao cũng tới đây.

-Tụi tao đang lang thang dạo phố bởi chẳng biết đi đâu, chợt thấy mày cắm đầu cắm cổ chạy vượt qua. Tụi tao hò la phía sau nhưng mày không quay lại nên cố gắng chạy theo. Khổ nỗi, xe tụi tao chở đôi, mày chạy lại quá lẹ nên khi thấy mày quẹo vô ngõ từ đàng xa, đành nhào đại vô may ra gặp kiếm chỗ giết thời giờ vì chẳng có gì tiêu khiển. Chạy vòng vòng gần hết những ngõ ngách thì gặp chiếc Honda đậu ở đây; tụi tao nhào đại vô.

Câu trả lời làm tôi bật ngửa bởi không ngờ sự vô ý đã đem đến hậu quả tại hại; lỡ ra mèo cậy chó xơi thì uổng biết bao công phu, hao tổn đã hai bình xăng mà vẫn chưa bắt đầu dẫu chỉ là câu chuyện trời mưa trời nắng. Bốn tên bạn dạy học, đứa nào cũng ngon con, cao cơ hơn tôi. Thằng thì kè kè cặp kiếng ra dáng chăm chuyên học hành, vì đọc sách nhiều nên cận, lại cao ráo, rõ bộ con dân mô phạm; đâu ai biết nó cố tình đeo hai mảnh đít chai cho có vẻ đầy mình trí thức. Đứa thì trắng trẻo đẹp trai, quần áo bảnh bao, cái đầu chải tém và miệng ăn nói lại có duyên; nó con nhà giầu, quen lớn nên phong cách tự nhiên, hào phóng, coi tiền của như giấy lộn; tôi ngại nhất tên này. Hai thằng khác, đứa nào đứa nấy cũng nghiêm chỉnh đạo mạo gấp mấy tôi. Thế nên, mặc dầu tụi nó vô tình kiếm chỗ tìm vui nhưng đã trở thành mối đe dọa nặng nề cho cái dã tâm của mình. Dẫu thế, tôi vẫn cố bám víu vào niềm hy vọng mỏng manh vì quen với bác tài trước cộng thêm sự tự nhủ âu cũng là cơ hội thử thời vận bởi cớ sự đã xảy ra thế này thì dù có ước muốn thế nào cũng đành chờ vận số.

Chẳng hiểu vì thói quen quá tự nhiên một cách chân thành hay vì nàng con gái, mà chúng tôi, năm người, sau khi các bạn tôi chào hỏi chủ nhà và phân ngôi vị quanh chiếc bàn nhỏ, tới tấp hỏi han ông một cách thân mật về vấn đề nộp đơn tại Đại Học Văn Khoa của con gái ông. Một người bạn nói rằng quen với anh chàng đại diện Văn Khoa (không biết thật hay nổ) nhận sẽ làm hướng đạo viên hy vọng lợi dụng sự quen biết để "giúp đỡ" cô nàng nộp đơn cùng làm thủ tục ghi danh đại học ngày hôm sau. Nhân tiện trong túi có được một số thứ tự thặng dư của phiếu lãnh thẻ làm lý lịch sinh viên giữ phòng hờ, theo thói quen vẫn thường cẩn thận cầu may có dịp..., tôi đem tặng nàng làm món quà tiên khởi cho sự quen biết, nhưng cũng xót dạ vì ngày mai tôi phải đi làm phiếu lý lịch sinh viên, chặng chót của hành trình nộp đơn đại học trong khi bạn tôi có cơ hội dung dăng dung dẻ dễ gây cảm tình... Lỡ rồi, nhưng tôi vẫn tiếc!

Người ta quan niệm "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ," chẳng biết thật sự có phải thế không mà hình như Trời cũng cố tình nhúng bàn tay vào bằng cách xếp đặt cho tôi trở thành kẻ hữu duyên trong vấn đề dẫn cô nàng nộp đơn Văn Khoa qua các hành trình lẩm cẩm nhưng khó khăn gồm có nộp đơn, chờ gọi tên lấy phiếu ghi danh, đóng lệ phí, làm thẻ sinh viên, và làm phiếu lý lịch như cố dành cho tôi cơ hội hưởng đau thương lần nữa.

Vừa làm phiếu lý lịch sinh viên xong, tôi lang thang tiến về câu lạc bộ để kiếm chút gì uống bù lại số mồ hôi đã đổ ra vì chen lấn và cũng để thỏa mãn cái cổ họng khát khô. Khi vừa ngang qua dãy nhà chính, hai lầu của Đại Học Văn Khoa, tiếng gọi làm tôi giật mình kèm thêm cảm giác thật ngỡ ngàng.

-Anh M. Ơi!

Tôi quay lại xem ai thì ra bác tài xe ôm.

-Anh gì đâu mà tôi đợi từ bẩy giờ rưỡi sáng tới giờ nơi chờ hẹn chẳng thấy?

-Thế bác cứ đợi và không làm gì à?

- Đã hẹn nên tôi phải đợi chứ bỏ đi sao được.

Lúc ấy vào khoảng hơn mười giờ, gần ba tiếng đứng đợi, cũng siêu thật, tôi nghĩ.

-Cô gì đâu? Suốt cả buổi tối nói chuyện mà tôi vẫn chưa biết tên...

-Nó đang nộp đơn trong kia. Ông chỉ tay về phía dãy nhà nơi đó các sinh viên đang xếp hàng đôi để đóng tiền đại học đoạn cùng với tôi tiến về cửa sổ nộp đơn phía cuối hành lang bên trong.

-Lan ơi! Ông gọi lớn tiếng.

Không ai trả lời. Tôi nói "Bác đừng gọi to tiếng, quê chết," nhưng ông không để ý, cứ dáo dác đưa mắt kiếm con gái và gọi thêm lần nữa. Vẫn không ai trả lời nên chúng tôi vòng lại phía cửa nơi hành lang đóng lệ phí. Trước khi bước qua cửa, ông vớt vát gọi lớn tên con. Một cô gái đang xếp hàng gần tới phiên đóng tiền, vội bỏ hàng đi ra gặp ông miệng thưa tiếng dạ. Nhân dịp này tôi có cơ hội nhìn kỹ vóc dáng cô nàng để bù vào sự cố tình giả đò tảng lờ như không chú ý của mình tối hôm trước và cũng để thỏa mãn cái khao khát bùng cháy trong tôi suốt buổi chiều qua cộng với cả một đêm mơ màng tưởng nhớ lẫn tiếc xót vì không có cơ hội dẫn nàng lang thang nộp đơn. Nàng có đôi mắt mơ mộng, hai hàng mi cong cong chạy dài khiến kẻ nhìn có cảm tưởng nàng còn ngây thơ, mông lung; chết tôi rồi, lòng thầm nghĩ! Nàng nhìn tôi coi chừng như xem kỹ lại để đánh giá anh chàng khách lỳ lợm tối qua cho rõ mặt mày như thế nào. Đôi mắt tôi dán vào gương mặt nàng quên cả để ý đến ông bố đứng bên cạnh. Cặp mắt giai nhân chớp chớp trong khi đầu hơi cúi xuống... lòng tôi rộn ràng...

Tiếc rẻ công lao đứng đợi nộp tiền đến khi gần tới phiên lại mất phần bởi bước ra đâu ai cho trở lại hàng nơi chen lấn từng phân đất dần tới cửa sổ nộp tiền, mà đứng xếp hàng lại từ đàng cuối thì biết khi nao mới có thể làm xong thủ tục, hơn nữa, chốn dành nhau từng chút thời giờ lại kèm thêm sự khó khăn, đòi hỏi và hoạch họe từng chi tiết của các cô nàng sinh viên cũ, nhân viên trong ban đại diện cái đại học đầy dẫy những nữ sinh viên thơ mộng này, không đẹp trai, chẳng chai mặt lỳ lợm, bon chen, chỉ tổn công đứng đợi, tôi vội lên tiếng:

-Sao lại chạy ra khỏi hàng, đứng đó thưa cũng được, chứ giờ lại phải xếp hàng chót thì hết ngày cũng chưa đóng được tiền!

-Tại bố em gọi, em đâu biết!

Ôi giọng nói, dường như nó kéo tôi lại gần nàng hơn để rồi tính chất hào hùng rởm bùng dậy mãnh liệt trong lòng, hào hùng để làm liều vì cô tân sinh viên khiến con tim mềm yếu đến độ ngu đần bị khớp.

-Thế cô đã làm xong được những gì rồi?

Đạ, em mới có mẫu đơn xin hôm qua và còn đang chờ đóng tiền từ sáng tới giờ.

Ý nghĩ liều chợt đến với tôi. Cứ điệu này, chờ tới tối cũng không đóng được tiền. Không có phiếu đóng tiền, không thể nộp đơn, rồi còn thẻ sinh viên, phiếu lý lịch v.v... bao giờ mới xong. Tôi cầm đơn của nàng và phiếu đóng tiền định chen qua hai dãy sinh viên xếp hàng thật khít khao đang chờ tới lượt nhưng không ai chịu nhường chỗ. Hơn nữa, đa số là nữ sinh viên, nhường một kẽ hở cho tôi bước vô, lỡ tôi đứng lỳ đó thì sao! Năn nỉ, đoan hứa nếu đứng lỳ tại hàng, họ cứ việc đẩy tôi ra, và cuối cùng họ đồng ý chừa kẽ hở vừa đủ cho tôi chen qua bên kia hai hàng người để rồi dọc theo khoảng trống giữa bức tường và hàng người phía trong, tôi tiến tới bàn thâu ngân. Đã có động lực thúc đẩy liều mạng, tôi nói hơi lớn tiếng với chị thâu ngân nhưng cốt ý cho mọi người gần đó đang đứng xếp hàng nghe thấy mà thông cảm,

-Chị làm ơn cho tôi đóng tiền sớm vì đã bốn ngày rồi mà tôi chỉ mới xin được đơn nhập học. Hơn nữa, tôi dạy học ở xa, cứ mỗi ngày nghỉ không dạy bị trừ tiền lương.

Chị thâu ngân nghe lời giãi bày mỉm cười dễ dãi. Nơi mọi người ngoan ngoãn tỏ ra đầy vẻ lịch sự xếp hàng cho dù không khí đổ lửa từ mái tôn hấp xuống, bỗng có một anh chàng thơ ngây đến độ ngờ nghệch lên tiếng xin xỏ ân huệ bất thường. Ai không cảm thấy thái độ không cần biết gì đến phép tắc lịch sự tối thiểu mang đầy tính chất trẻ con của tôi. Có lẽ tôi vừa dốt vừa ẩu khiến chị thâu ngân không thèm chấp mà mỉm cười. Cũng may, mèo mù vớ cá rán! Qua mấy lần đóng tiền đại học, đây là lần đầu tiên tôi thấy chị sinh viên văn phòng cười dễ thương như thế... Có lẽ cũng là dịp maỵ..

-Anh hỏi các anh các chị đang xếp hàng đây, nếu họ đồng ý, tôi nhận tiền của anh.

Còn gì sung sướng bằng, chị thâu ngân đã nói vậy có nghĩa bước đường khó khăn nhất tôi đã vượt qua; thế nên, mồm năm miệng mười, tôi chụp cơ hội quay sang giải thích sự khốn khó giả tạo của mình với những người đang đứng đợi.

-Các anh các chị làm ơn thông cảm, tôi từ miền đèo heo gió hú về bốn ngày nay rồi, nếu ở thêm vài ngày nữa chỉ còn nước nhịn đói và không tiền về xe. Các anh các chị Ở gần đây, sớm muộn một vài phút cũng không đến nỗi nào. Tôi chỉ biết nói đến thế, còn thì tùy thuộc lòng thông cảm của quí anh quí chị. Nói ra cũng khổ, không nói ra lại càng khổ, nhưng không làm cách này, có lẽ chẳng còn cách nào hơn.

-Sao anh không chịu khó đến sớm sắp hàng trước?

-Chả nói giấu gì, tôi không có nhà quen ở gần đây nên phải đi xe buýt; mà chuyến xe buýt sớm nhất tới nơi thì người đã đông nghẹt để rồi hai ngày đầu mới xin được đơn, hôm qua đứng đợi cả ngày khi gần đến lượt đóng tiền thì chị thâu ngân đóng cửa, ấy là tôi đã phải nhịn bữa trưa để xếp hàng không dám xê dịch ra vô một bước... Kể lể nhiều quá mất giờ của quí anh quí chị, thôi thì để tôi nộp tiền mau cho xong. Miệng còn đang lảm nhảm phân bua, tay tôi đã nhịp nhàng lùa phiếu đóng tiền cho chị thâu ngân...

Tạ Ơn trời, tôi ma giáo cũng không đến nỗi tệ. Dẫu ngay lúc bị dồn vào ngõ bí mà cái miệng chưa kịp bôi mỡ cũng đã biết đổi từ kiểu nói "các anh các chị" sang "quí anh quí chị" đồng thời giọng kể lể ra bộ thảm sầu khuyến khích lòng xót thương của mọi người... Đang quay mặt nghiêng về phía hai dãy người xếp hàng đóng kịch, tôi cũng vội liếc ngang về phía chị thâu ngân; nàng cầm phiếu, đếm tiền và đặt bút viết...

-Vậy nếu anh ở gần đây thì anh làm sao? Một anh trong hàng vui vẻ hỏi tôi cho qua chuyện.

-Tất nhiên tôi phải xếp hàng như quí anh quí chị, và bằng chứng là tôi đã xếp hàng suốt một ngày hôm qua nhưng công khống.

-Xong rồi anh. Chị thâu ngân nhắc, chộp vội tờ biên lai và tờ đơn ghi danh, tôi vui mừng hô lớn:

-Cảm ơn quí anh chị; hôm nay tôi gặp được chị thâu ngân dễ thương nhất đời... Hòa trong tiếng cười của mọi người, tôi lủi ra phía cửa lòng thầm nghĩ Trời giúp mình để rồi dẫn Lan đi bổ túc những hồ sơ cần thiết bởi đã có hồ sơ chính bên Đại Học Luật Khoa.

Được dịp, tôi dẫn nàng đi loanh quanh kéo dài thời giờ cặp kè bên cạnh. Kể ra thì cuộc đời tôi đau khổ không ít vì những mối thương thầm nhớ trộm nên có lẽ Trời cũng ăn năn bởi đã quá tay đày đọa mà tạo cơ hội để ban cho tôi em Lan bù đắp chăng. Tôi nghĩ và tin như thế do đó thầm cảm ơn và thấy đấng linh thiêng cũng dễ thương lắm lắm, dễ thương như em Lan đang đi bên cạnh. Tuy nhiên, dù cố tình giả vờ chỉ đây chỉ đó mãi thì rồi cũng chẳng còn xó xỉnh, ngong ngách nào mà chỉ, tôi rủ nàng vô câu lạc bộ sinh viên uống nước.

-Thôi anh, bố em đang đợi...

Nàng quan tâm về việc ông bố đang đợi hơn đi cặp kè với tôi... Mình hữu tình mà người ta vô tình, lòng tôi chùng xuống... Vừa mới thấy may mắn đó, hy vọng đã trở thành mong manh; tôi bấm bụng đi với nàng ra phía cổng Văn Khoa; lòng tiếc nuối giây phút kèm em chóng qua khiến chân lừng chừng không muốn đếm nhịp trong khi nàng chẳng thèm để ý dù chỉ chút tình cảm ơn tạm bợ mà vội bước...

-Sao, có nộp đơn được không mà lâu vậy? Bác tài hỏi trống không khi tôi và nàng tới gần.

-Kể như đã xong hết mọi thủ tục, chỉ còn chờ ngày nhập học hoặc đóng tiền lãnh bài về nhà học.

-Cảm ơn anh, nếu có rảnh, chiều nay anh ghé lại chơi...

Lại cơ hội, tôi thầm nghĩ với lòng rộn ràng, sao tôi may mắn thế! Tôi chỉ nghĩ mình có cơ hội may mắn để hy vọng chụp thời cơ chứ nào có thèm nhớ tới những đắng cay đau xót của con tim trong thời đã qua; chẳng nói đâu xa, ngay những bước vội vàng vô tình của nàng vừa rồi... và thế là vui sướng tiến tới, tiến tới để được đày đọa bởi thú đau thương.

Những ngày ở Sàigòn hoặc những khi có dịp trở lại, không ngày nào tôi không có mặt nơi nhà nàng, và thường thì với cả vài người bạn của tôi nữa. Chuyện gì mà gặp gỡ lắm thế? Thì có chuyện gì nữa, chỉ những chuyện trời mây trăng nước, những chuyện vu vơ qua những vấn đề hiện đại. Tôi mê gái nhưng mang trong mình cả mớ tự ái rởm, lại e ngại người khác biết mình mê gái. Thế nên, những dịp đến nhà nàng, mặc dầu muốn nói chuyện với cô ả nhưng cứ giả vờ tỏ ra vô tình thích nói chuyện với bố hoặc mẹ nàng nhiều hơn, chỉ thi thoảng nói với nàng vài câu như trong trường hợp nhờ nàng lấy bài văn khoa; thế nên, thường thì bạn bè tôi chụm lại nói chuyện với nàng.

Xét như thế, tôi nhận ra mình có những cá tính rất khỉ hoặc quan niệm ngang như cua nhưng cố chấp và bo bo giữ lấy. Nó không giống cá tính bất cứ ai nhưng nó là của tôi mặc dầu chỉ là quan niệm. Bất cứ khi nào đi chung với bạn bè gặp thanh thiếu nữ nói chuyện, cho dù tôi muốn lắm, nhưng lại rất ít nói với các nàng mà dành phần cho các bạn nói, hoặc đang nói chuyện với nàng nào, nếu có một thanh niên chen vào là tự động tôi rút dù, kiếm cớ bỏ đi chỗ khác bởi cảm thấy hai người thanh niên đua nhau nói với một thiếu nữ có vẻ tranh giành làm sao ấy để rồi tôi chấp nhận chịu thua. Thua để không bị mặc cảm tranh giành, thua còn hơn bị tự xỉ nhục vì tranh nhau một thiếu nữ giúp cơ hội cho nàng lên nước. Thà rằng người khác làm nhục thì tôi còn chịu được mặc dầu cố gắng ăn miếng trả miếng, nhưng chính tôi cảm thấy điều gì là một sự nhục nhã, dứt khoát không chịu làm. Tôi không muốn bị nhục với chính mình. Không hiểu tại sao tôi có cái tự ái rởm này mà lại cứ khư khư giữ lấy đến nỗi đã biết bao lần bỏ lỡ cơ hội?

Chương 3

Chính vì vậy, tôi hơi ngạc nhiên và trong lòng mừng rơn khi mấy người bạn nói Lan để ý mình. Tất nhiên, họ nói chuyện nhiều với nàng nên biết; còn tôi, thích nàng là lẽ đương nhiên nhưng vì cố tình đóng kịch nói chuyện với bố mẹ nàng nên không biết. Thật ra, nói chuyện với bố mẹ nàng nhưng tôi phải khổ sở, lén lút liếc trộm trong khi các bạn tôi thanh thản, diện đối diện tán hươu tán vượn. Liếc trộm nghĩ cũng khổ, miệng nói lang thang, bộ mặt ra điệu không để ý nhưng mắt phải cố tình nhìn xéo một độ xiên giới hạn nào đó và cặp tai lại cũng phải cố ráng hết sức theo dõi động tĩnh về câu chuyện nơi bàn bên kia cùng thời với câu chuyện người lớn bên này. Cũng nên nói rõ, tôi âm thầm cảm ơn mấy người bạn đã nói cho biết nàng để ý đến mình, kể từ một buổi chiều sau khi nói chuyện tại nhà nàng ra về.

- Tụi bay nói chuyện với nàng như pháo rang trong khi tao bận nói chuyện với ông bô bà bô mà nói rằng nàng để ý tao là thế nào? Tôi giãi bày bằng cách đặt câu dò hỏi và chứng tỏ vô tư nhưng lòng khấp khởi mừng thầm.

- Tổ sư cha thằng này ngu quá mức đến nỗi được lọt vào mắt xanh người đẹp cũng không biết... Một thằng bạn lên tiếng; thằng này thường ít nói nhưng ngồi bàn chung với "ghế" là miệng nó chẳng khác gì tổng đài phát thanh duyên dáng xổ liên tu bất tận, càng nói càng hăng say, và người nghe càng thích.

- Vậy mà nó hên, chẳng bù cho tụi mình tán khô cả cổ họng, tốn dăm thùng nước miếng không được dù chỉ cái liếc mắt đưa tình... Đúng là mèo cậy chó xơi! Thằng đẹp trai, cao ráo đeo kiếng tỏ bộ trí thức, thường chê tôi ngu đần, chậm chạp nói với giọng tiếc rẻ.

- Chúng mày tiếc xót chi, đứa nào đứa nấy dăm ba con bồ chưa đủ sao mà còn ganh tị với nó. Cuộc đời này đâu phải thiếu những cảnh chó ngáp thịt quay và mèo mù vớ cá rán... Không nói vun vào thì hãy lờ đi cho nó lên hương một chút. Tao đề nghị, từ nay tụi bay chấm dứt, chừa cái tật coi rẻ nó... Thằng nào còn nói đụng đến nó, sẽ mang cái nhục của thân nam nhi đứng trong trời đất... Thằng con nhà giầu, đẹp trai luôn luôn ăn diện bảnh bao lên giọng giúp tôi. Đào của nó là những nàng tiên con cháu dân thương mại, đông tiền, nhiều của, kèm thêm những kiểu ăn bận hợp thời trang hở ngực, xẻ mông nên không thèm tỏ ra tranh chấp với tôi. Cũng may, đỡ được đối thủ nào, lòng này khấp khởi chừng đó.

Nghe ba đứa bảnh bao lên giọng thày đời, người răn đe, kẻ bênh vực tôi, thằng bạn tự nãy giờ im hơi lặng tiếng mới chậm rãi châm chọc:

- Tiền nhân dân ta có câu, tốt số hơn bố giầu. Chúng mày đẹp trai, hào hoa phong đòn gánh, đứa thì cái mã đi tới đâu sáng lòa tới đó làm ai nấy muốn mù mắt, đứa con nhà giầu ăn bận sang trọng, đứa nào coi bộ cũng trổi vượt hơn tao với nó, hơn nữa, đã là chỗ bạn bè vẫn không biết nhân nhượng lại còn tỏ vẻ ghen tị. Làm bạn với tụi mày coi chừng mang tiếng điếm nhục tông môn... Còn mày, nó quay qua tôi lên giọng kẻ cả chừng như bố dạy con, từ nay mày phải mở trí khôn ra một chút, kiếm giờ đến bầu bạn với cô ả hoặc ráng để dành tiền đưa em đi dạo phố, ăn kem. Mày mà cứ kè kè đi với ba cái loa phóng thanh kia thì cứ tiếp tục hầu chuyện ông bà bô nàng tới mãn đời để rồi xôi hỏng bỏng sẩy con ạ.

Thằng khỉ này rất ít khi lên tiếng trong những cuộc lý luận hơn thua nhưng động mở miệng chẳng khác gì họ hàng nhà cóc nghiến răng, tiếng kêu thấu tới trời do đó thằng nào thằng nấy đành chịu phục. Đã không nói thì thôi, nhưng khi cần phải nói, nó lý luận, rào trước đón sau, dùng đủ mọi chứng cớ khóa miệng đối thủ. Bọn tôi năm người mỗi đứa một tính một nết gần như tương phản mà lại họp thành một băng đạo mạo trong đó tôi có số phận hẩm hiu nhất. Chỉ một điều tốt lành của nhóm là không bao giờ chúng tôi đấu nhau trước mặt thiên hạ, nhưng khi chỉ có bộ năm với nhau, thằng nào thằng nấy cũng hay cũng giỏi, chẳng đứa nào nhường đứa nào ngoại trừ thằng tôi, cái miệng không vừa gì nhưng cố tránh hơn thua thành ra nhiều lúc con nhà cóc nghiến răng thường phải góp lời bênh vực. Cầu trời phù nó, cũng nhờ vài câu chỉ giáo hàm chứa tu vi thâm hậu ấy mà tôi có gân sức mò mẫm đến chầu chực riêng tư nơi nhà nàng; ít ra cũng vài lần nên thành thói quen dễ thương khó chừa.

Cho đến một hôm, vẫn với thói quen theo đuổi, rình mò vào thời gian hai ông bà bác tài đi vắng như một số lần trước, tôi tới nhà nàng. Sự thật mà nói, dạo này vì mê nàng quá độ tôi đâm khôn ra, không chịu đi chung cùng mấy người bạn nữa để tránh bớt sự xốn xang khó chịu khi bạn bè nói cười tự nhiên với nàng trong lúc mình ngậm đắng nuốt cay tỏ bộ không để ý do cá tính anh hùng rởm. Tôi lại còn ma mãnh đủ để có dịp hỏi dò nàng về giờ giấc sinh hoạt trong ngày, bố mẹ nàng vắng nhà vào những thời điểm nào, khi nào đi, lúc nào về.

Như những lần trước, tôi lấy rượu uống, rượu ngâm sâm pha với nước cốt rượu nếp (rượu cái). Rượu ngọt mềm môi nên nói chuyện tầm phào cũng cảm thấy ấm lòng, ấm lòng vì được ngồi nói chuyện với người mình thích. Hai đứa thường ngồi nơi bàn học, nàng bên này, tôi bên kia hết giờ này qua giờ khác; mê chuyện thì ít mà mê nàng thì nhiều, tôi ngồi lỳ tới lúc bố mẹ nàng đi làm về mới chịu để cho cô nàng nấu cơm. Không hiểu hứng chí thế nào tôi rót rượu mời nàng uống trước.

- Em không uống được đâu!

- Không được đâu thì được đây, một ngụm nhỏ thôi, may ra có thể thông cảm cho dân rượu chè bao lâu nay đã chấp nhận ngậm đắng nuốt cay. Tôi trổ tài ăn nói lang thang theo kiểu cách học lóm khi nghe mấy thằng bạn phét lác khoe dấm khoe mẻ.

- Thì họ nghiện chứ nào ai bắt uống mà ngậm đắng nuốt cay.

- Em thử cho biết xem có dễ nghiện không.

- Anh uống đi, em chưa bao giờ thử nên không uống được...

- Chưa thử đã nói không uống được, nào, một ngụm nhỏ thôi.

Kể ra tôi cũng ngu thật, đưa ly rượu mời nàng uống và bị từ chối, thế mà lại không dám liều lĩnh đụng chạm đến tay giả đò ép nàng cầm lấy ly. Thế nhưng, chẳng hiểu nghĩ thế nào, nàng đón lấy ly rượu, hớp một ngụm nhỏ rồi trao lại cho tôi, nhắm mắt, nhăn mặt cố nuốt coi bộ khổ sở lắm. Đưa ly lên môi nhấp nhấp trong khi say đắm chiêm ngưỡng nàng, lòng tôi rộn lên niềm hạnh phúc khó diễn tả. Thiếu nữ đang xuân uống rượu trông tình ghê nơi! Má nàng hồng lên, cặp mắt lim dim tràn ngập nét quyến rũ... đôi môi mọng bóng như bị áp xuất quá cao dồn nén muốn rịn máu ra khỏi làn da, phô bày thể chất mềm mại đầy hấp lực. Men rượu hòa men tình đẩy lòng lâng lâng, mắt chăm chăm dán chặt nơi khuôn mặt giai nhân..., tôi thèm được hôn nàng... Tôi muốn nhai ngấu nghiến thân hình đang toát ra sức thu hút mãnh liệt bên kia hông bàn... Tôi muốn nhảy chồm quạ.. Mãnh lực cuốn hút của giống cái quả thật kinh khủng... Mới ngồi đối diện mà nó đã khiến máu trong người tôi chạy rầng rầng, vang dội chừng như có những chiếc vồ đang hùng hục đập nơi hai màng tang. Con tim cảm ứng sức hấp dẫn ấy quá bạo; nó vùng lên dồn hết năng lực cũng đập cú nào cú nấy tựa ngàn cân chừng như muốn vùng vẫy, dứt bỏ mọi liên hệ để bay ra khỏi lồng ngực, tăng áp lực máu lên cao khiến tôi tối tăm mắt mũi. Hình như tôi bị nghẹt thở. Đúng, khí quản coi bộ khép nhỏ lại ngăn chận con tim vọt ra làm tôi khó thở, thúc đẩy cần cổ xốn xang đưa lên đưa xuống nuốt nước bọt liên hồi do cố gắng mượn bất cứ động tác nào đó nhắc nhở bộ phận lòng ruột trong tôi tỉnh thức giữ đều hòa cơ thể kẻo mê đi, ngưng làm việc thì chỉ có nước hai năm mươi. Cả một hệ thống dây chuyền nơi cơ thể bị sức cuốn hút tỏa ra từ bờ môi, nét mặt dường như mơ mộng đối diện làm rối loạn khiến toàn bộ thân xác tôi bị dồn nén tựa trái banh bơm cứng tạo thành năng lực thúc đẩy muốn nhẩy bay lên. Vâng, thân xác tôi muốn vượt qua khỏi chiếc bàn học chướng ngại vật để hòa nhập vào thân xác bên kiạ.. thế mà tôi vẫn phải cố gắng kềm hãm, gồng mình lấy tấn dán mông nơi mặt ghế, hai cùi chõ tựa cạnh bàn ép đôi tay nắm chặt ly rượu mê đắm nhìn nàng... Không hiểu từ đâu phát sinh sức kháng cự coi bộ quá thụ động này bọc cứng mọi ham muốn tác động nơi tôi khiến cảm giác chống trả tạo thành sự khổ ải chịu đựng dồn dập từng cơn chiến đấu quay cuồng càng khiến tôi lúc say lúc tỉnh, giác quan cảm nhận mờ mờ ảo ảo. Hình như tôi đang ở trong trạng thái bấp bênh, bềnh bồng chìm đắm giữa áp xuất của những lực đối kháng đang thục mạng quần thảo...

Trong trạng thái diễm ảo, tôi mê đắm muốn ăn tươi nuốt sống hình bóng trước mặt nhưng vẫn cố gắng vượt thắng ham muốn bình thường trong nỗ lực chịu trận với cơn bão lòng. Ngước lên nhìn, bỗng chạm ánh mắt đờ đẫn của tôi, nàng vội tránh trong thế đầu hơi cúi; đôi mắt chớp chớp đoạn khép hờ tựa hai vệt dài phụ họa thêm nét mỉm cười pha lẫn e thẹn khiến gương mặt trở thành tâm điểm phát xuất muôn vẻ mời mọc, khuyến khích. Thêm vào đó, kiểu áo thời trang một nút cổ không cài phô bày khoảng da mơn mởn dẫn dụ, kích thích tia nhìn bám chặt từ đó bò xuống sâu hơn tạo thêm tưởng tượng đã chẳng những giúp người mặc thêm phần khêu gợi mà còn như mang ẩn ý tạo dịp cho kẻ đối diện có cảm nghĩ đang được bật đèn xanh, an tâm tiến tới.

Dẫu cảm nhận được những dấu hiệu an toàn tạo dịp thuận lợi đưa đến liên hệ tình cảm thân mật hơn, tôi vẫn chưa dám đốt giai đoạn bởi kinh nghiệm đam mê quá khứ đã bao lần dập vùi, gây lắm vết thương yêu đương sâu đậm, nhắc nhở chớ nên vội vã, chận con lợn lòng trong tôi đang hùng hục xông phá muốn xổ ra táp miếng mồi quyến rũ trước mặt... Tôi chẳng khác gì kẻ bị lọt giữa hai lằn tên nhắm tới dù tránh lối nào cũng mang thương tích. Một đàng bao gồm hai mãnh lực hối thúc; trạng thái ăn đèn chấp nhận đến độ thách đố, mời mọc của giai nhân hòa cùng khung cảnh tạo cơ hội ngàn năm một thưở... lại được xúi bẩy từ sự khao khát đã trở thành cá tính thèm con gái và thúc đẩy của men rượu, men tình. Đàng khác, năng lực đối kháng được tạo nên tự niềm đau ngây dại kết quả những mối tình đã qua do đó e sợ như con chim đói khát nơi sa mạc một lần đã bị bắn, thấy cành cây cong cũng nghĩ là cánh cung đang giương nên dù trông thấy con sâu béo bở no tròn, hấp dẫn ngờ nghệch bò trên đó, cũng chỉ dám bay vòng xa xa thèm thuồng đưa mắt tiếc nuối...

Bay chán và dẫu e sợ đến mấy mặc lòng, chim cũng mỏi cánh và chính sự mỏi mệt vì đói khát cộng thêm sức hấp dẫn của con mồi đã khiến nó quên tầm nguy hiểm của cánh cung để rồi sà xuống... mổ. Con chim đói khát thiếu kinh nghiệm bị lừa! Loại sâu sống bằng nhựa xương rồng nơi sa mạc mọng bóng trông tựa miếng mồi ngon đã không phải là chất béo bổ cho chim mà là thuốc độc tê liệt khiến con chim vừa nuốt vào đã bị rã cánh. Tương tự, tôi cũng rơi vào trường hợp bị phận số lừa giống con chim... Dẫu cảm quan, kinh nghiệm gào thét chận lại ham muốn của bản ngã, nhưng cái đói khát thèm con gái cứ dâng lên, dâng ngút trời thúc đẩy hai tay tôi dang ra vồ miếng mồi ngon lành, mơn mởn... và kết quả cũng chỉ là cảm nghiệm thế nào là hạnh phúc của thời gian ấy kèm thêm thú đau thương.

Một tay vẫn giữ khư khư ly rượu, tay kia kéo ghế vòng qua chiếc bàn, xích lại bên cánh trái người đẹp đoạn từ từ ngồi xuống, tôi dùng tay trái đưa ly mời nàng uống thêm chút nữa. Nói không giấu giếm, ngồi bên cánh trái của nàng, xoay người đưa tay trái cầm ly mời rượu, tôi có cơ hội ép sát gần nàng hơn. Phải công nhận, thiếu nữ họ toát ra hương tình hấp dẫn cho dầu nhiều khi chỉ là giả tạo nhưng dẫy đầy cuốn hút. Men rượu sừng sừng và hương con gái, cả hai hòa nhập nâng bổng tôi lên, ngất ngây sà tới.

- Thôi, em không uống nữa đâu, uống vào mệt quá. Nàng khoanh tay trên bàn, nghiêng đầu tựa xuống, mặt hướng về phía tôi, đôi mắt chăm chăm nhìn, biểu lộ muôn vẻ đợi chờ...

Dầu có quen được cả ngàn vạn thiếu nữ suốt quãng thời gian dai dẳng mà không tiến tới nổi sự thân mật thì cũng chỉ như hút gió và đưa đến kết quả xót xa giương mắt hau háu nhìn em lên xe hoa, san sẻ cuộc uyên ương với người khác trong khi miệng mình nuốt nước bọt kèm thêm nỗi đau mất mát cắt dạ, mèo cậy chó xơi, chăm chút nuôi em khôn lớn rồi đem dâng cho người khác hưởng. Nhưng tôi phải dùng mánh khóe nào để đụng chạm được nàng trong hoàn cảnh thuận lợi này khiến nàng không thể trách tôi là lạm dụng. Ôm đại nàng, tôi không đủ can đảm làm thế. Theo kinh nghiệm một số bạn bè truyền cho và luôn nhắc nhở phải liều, nếu không đẹp trai tất nhiên phải chai mặt; sau đó, lỡ nàng lên tiếng chỉ trích thì sự cũng đã rồi và chỉ cần giả đò ăn năn xin lỗi là đã tạo xong cơ hội ngựa quen đường cũ... để lấn dần nay một chút, mai xa hơn. Khổ nỗi, tự ái rởm khuyến dụ rằng nếu liều như vậy tức là đã tự khinh khi.

Tôi thèm đưa tay vuốt mái tóc, rờ cái lưng, hoặc ôm chiếc eo cơ thể uốn cong vòng từ trên bàn xuống mặt ghế nhưng vẫn ngại ngùng do dự, nhút nhát với lòng xốn xang thầm nghĩ, cứ đụng tưới vô nàng nào đã chết ai đâu! Sỗ sàng quá nếu nàng khinh khi, có phải vuột mất con mồi và uổng bao công lao theo đuổi, tôi lại tự bào chữa cho nỗi lòng bối rối khó bề tính toán của mình. Bứt rứt trù tính, tôi phục mấy thằng bạn ba trợn... Chúng nó chai mặt nhưng có miếng; mình cố thủ với cá tính tự ái rởm nên trứng đã để kề miệng ác rồi mà con ác phải đóng kịch giả đò như mù. Mở mắt ra, hỡi con ác ngu dại; không muốn nhìn thấy cái mặt mình chai thì từ nay đừng soi gương nữa là huề... Nhưng phải có lý do bào chữa lỡ nàng phản kháng, tự ái trong tôi lại lên tiếng tính toán bày mưu chước, vì nếu cần xin lỗi thì phải là chuyện lầm lỡ không chủ đích; mình có thể lừa dối người khác được nhưng không thể thực hiện việc mình cho là hèn... Sao không nói cho nàng biết mình muốn rờ cái lưng, muốn ôm cái eo, muốn vuốt mái tóc, nếu nàng không chấp thuận đâu thiệt thòi chị.. Nghĩ thì dễ nhưng nói sợ quê, tôi phải kiếm cách khác sao cho có thể đo lòng nàng... Tuy nhiên, con mèo thèm thuồng liếm môi nhìn miếng mỡ óng ánh kề cận quả là quá sức chịu đựng. Cho dù những trận đòn kinh hồn, thừa sống thiếu chết được nhắc nhở bởi cái roi đang nhăm nhe chờ chực dấu hiệu của cử động tiến gần tới miếng mỡ là đã vội vàng quất xuống thì cũng chỉ làm nó sợ thời gian ngắn lúc đầu để rồi chẳng bao lâu sau liều mình chịu đòn chụp giựt miếng mỡ. Miếng mỡ chỉ hấp dẫn gây sự thèm thuồng đối với con mèo chứ chắc chắn không quyến rũ bằng Lan đối với tôi... Và thế là tôi quên hết bao nhức nhối của những mối tình cũ, chỉ tìm cách sao cho nắm lấy bàn tay, hoặc ôm được đôi vai nàng làm ngưỡng cửa tiến vào cảnh thiên thai tràn đầy thơ mộng...

Đưa cánh tay phải đặt trên thành dựa chiếc ghế nàng ngồi, tôi trổ tài đánh đáo lưỡi:

- Uống chút rượu, đôi mắt em trở nên long lanh thơ mộng ghê nơi.

Nghe tôi phỉnh, má nàng thoáng hồng.

- Chẳng hiểu có thơ mộng không nhưng biết chắc chắn nó đang mơ huyền mờ.

- Em uống thêm chút nữa cho nó mờ luôn.

- Sao anh muốn mắt em mờ luôn?

- Mới một chút rượu đã thấy thơ mộng như thế, uống thêm chút nữa nó sẽ tình hơn.

- Anh tán khá quá, nhưng em đang muốn được nôn ra cho nó hết hơi rượu; em mệt quá!

Nói đoạn, nàng ngồi lên, dựa vào thành ghế, đụng cánh tay tôi liền ngửa cổ đặt cả sức nặng cái đầu dồn xuống, đôi môi nhẹ mỉm cười ra chiều ưng ý. Thêm một phen tim tôi đập loạn xà ngầu, đập như sấm sét, muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi tê mê cảm khoái bởi ước vọng đã thành thì ít mà vì cảm nhận hương tình nàng trao tặng tràn lấp thân xác lẫn tâm hồn đang bừng bừng trỗi dậy. Tạ Ơn Trời, nàng đã chấp nhận tôi, nàng đã ăn đèn, đã mở màn cho hai thân xác nối liền bằng cái đầu xinh xinh tựa trên cánh tay thằng khờ, đã mở toang cánh cửa của những ngày thơ mộng cho tôi bước tới... Tôi muốn hét lên cho mọi người biết mình đang sung sướng, cho niềm hạnh phúc đầy ắp trong lòng vỡ toang ra chia sẻ cùng cả thế giới. Tôi là người may mắn hơn hết mọi người vì Trời cho tôi có nàng; tôi đã có nàng.

Độ vài phút, nàng ngẩng đầu dợm đứng dậy; bàn tay tôi vội chận bên vai giữ lại.

- Em định đi đâu?

- Uống rượu mệt quá, em phải vô trong bếp chút.

- Em ngồi thêm chút nữa rồi hãy đi.

- Em vô bếp và ra ngay, không ai bắt cóc được em đâu mà sợ! Giọng nàng ngọt ngào được phụ họa thêm ánh mắt tình tứ khiến lòng tôi muốn lịm ngất...

Nâng ly nhấp môi, rượu ngọt bỗng trở thành lợm giọng, tôi cũng đứng lên lấy chai rượu ngâm thuốc của bác tài rót ra một ly khác mong rằng men cay và thuốc đắng đè nén được phần nào nồng độ chén tình đang sôi sục đầy ắp trong lòng tưởng muốn trào ra lênh láng. Chất ngất bởi say tình, rượu nếp ngâm thuốc phong cay xé cần cổ đã có lần tôi uống thử thế mà giờ đây nuốt vào lại êm êm đằm thắm. Tình nàng biến cổ họng thành chai đá nên rượu mạnh bị phá tan ảnh hưởng, và cũng từ đó tôi nhận ra rằng bất cứ gì quá độ đều làm cho người ta trở nên bất thường... Xếp hai chiếc ghế sát nhau với chủ đích thêm phần kề cận và nhấp rượu ngồi chờ, đang định nâng ly lần thứ nhì thì cũng vừa lúc nàng trở lại. Mối "tình trong như đã" tự nó đẩy đưa hai chúng tôi sát vào với nhau, thân kề thân; tấm màn e ngại không còn là bức ngăn cách, tôi đưa tay ôm trọn tấm thân mềm mại của nàng kéo vào mình, đầu tựa vai. Tình dâng chất ngất khiến lòng muốn nói muôn lời mà không biết nói gì đành nhường cho cử điệu hai cánh tay như đôi chão thừng quấn khít lấy nàng; tôi mơ màng tận hưởng niềm hạnh phúc bởi được tình yêu chiếu cố. Đất trời như ngừng quay; mọi đề tài nói chuyện tuồng bay bổng lên mây; cả thế giới của hai đứa gom lại chỉ còn đôi tim cùng rộn ràng nhịp đập đẩy những rung động đại diện ngôn ngữ tuyệt hảo nhất của loài người chuyển giao qua tần số yêu thương. Chính lúc này tôi nhận thấy khi hai người còn theo đuổi nhau, họ còn cần ngôn ngữ tán tỉnh, mồi chài, bất cứ gì cũng có thể trở thành đề tài để bằng cách nào đó diễn tả hoặc tìm kiếm tần số hòa hợp con tim. Ngược lại, khi con tim lên tiếng trao đổi, mọi ngôn ngữ trở thành khiếm khuyết đến độ thừa thãi. Lan có lẽ cũng cảm thấy thế... Nàng bám cứng lấy cánh tay tôi đang vòng qua ngang ngực và như không còn hơi sức, tựa hẳn vào người tôi để dành năng lực cho con tim thổn thức. Thời gian lặng trôi... và độ hơn mười lăm phút sau, nàng nhẹ chuyển người cựa quậy trong khi lên tiếng:

- Anh ôm gì chặt cứng, thở không được.

- Em nói hơi sớm? Tôi nhẹ nới lỏng vòng tay.

- Nhưng lúc mới đầu lại thích...

- Hồi nãy em xuống bếp làm chi vậy?

- Em cào nơi cổ cho rượu nó ra mà chẳng thấy rượu đâu. Em chưa bao giờ biết rượu là gì và sợ nó. Uống rượu mệt quá.

- Sao em uống?

- Thì anh bảo em uống!

Một cảm giác mới lan dần trong cơ thể, vì tôi nói, nàng làm điều chẳng những đã không muốn mà còn sợ. Vì tôi muốn nên nàng làm theo... Thế rồi từ đó cảm tình của tôi đối với nàng ngày một lớn mạnh xiềng đôi chân tôi dừng lại nhà nàng thường hơn mỗi khi có dịp. Chúng tôi thường trao đổi quan niệm riêng về những giá trị và lối nhìn đến những vấn đề đang sôi động nơi thực tại cuộc sống. Tôi kể nàng nghe những cá tính gàn bướng của mình; nàng kể về sự giao thiệp cũng như những điều suy nghĩ hoặc nhận xét. Cả hai không bao giờ nói lên tiếng yêu nhưng qua thái độ xác nhận rằng chúng tôi yêu nhau. Tôi yêu nàng và nàng yêu tôi.

Bởi yêu nàng và bởi tình yêu của nàng, tôi có dịp tìm hiểu thêm về con tim của mình. Phải chăng tôi chỉ muốn yêu, muốn được yêu theo bản tính bình thường con người? Tình yêu sẽ dẫn tôi đi tới đâu? Hôn nhân là gì với tình yêu? Tại sao bao nhiêu người quan niệm yêu nhau là phải sống chung với nhau trong khi tôi không cảm thấy như thế? Phải chăng nguồn gốc của yêu đương bắt nguồn từ bản năng sinh tồn của con người? Yêu có những mực độ và những loại như thế nào? Hình như có sự khác biệt giữa những quan niệm yêu đương và hình như nó cũng có thể bị hiểu khác nghĩa tùy theo quan niệm của từng người. Yêu là thế nào khi so sánh với liên hệ sinh lý? Đã bao nhiêu người, rồi trong văn chương, tiểu thuyết nói về yêu, sao tôi thấy những nhận định cũng như quan niệm về tình yêu không giống nơi tôi chút nào. Sinh lý là sinh ý, yêu là yêu; tôi không thể dùng lối diễn tả hai con chó yêu nhau vì đó là bản năng sinh tồn. Yêu đâu phải là vấn đề thỏa mãn nhục dục. Nhiều vấn đề quay cuồng trong tôi. Tôi tự hỏi thêm tại sao xa nàng thì nhớ, gần nàng lòng tôi lại có một thứ cảm nghĩ, cảm tình nào đó không thể diễn tả được; tôi gọi đại nó là yêu nhưng sao tôi thấy tình yêu này không đòi hỏi phải làm chuyện vợ chồng với nhau dầu đó là một bản năng nhưng đâu cần. Đồng thời tôi cũng cảm thấy không cần phải ăn ở với nhau thành vợ chồng vì tôi không có một chút ý nghĩ gì về sự sống chung. Tôi và nàng đã chẳng bao giờ xây đắp ước mộng tương lai của đôi lứa.

Những câu giải đáp dần dần hiện ra một cách sáng tỏ nơi tôi. Con tim có lý lẽ riêng của nó và chỉ nó mới có thể trả lời được. Con tim nói với tôi không giống con tim người khác nói với họ, do đó câu trả lời cho tình yêu của tôi không giống câu trả lời cho người khác vì họ là họ; họ có tiếng nói con tim của họ. Vấn đề là tôi có chịu tìm hiểu xem con tim tôi muốn gì hay không, hoặc là tôi cứ tưởng thế này, tưởng thế kia, dùng những công thức người khác kiếm ra cho họ để rồi vay mượn đắp vá cầu mong làm của mình một cách méo mó, gò ép.

Một hôm nàng kể, "Có một anh chàng tỏ tình với em; em không trả lời mà chỉ ậm ừ. Thế rồi anh ta muốn em thế nọ, muốn em thế kia làm em bực mình. Khi người ta yêu thì tự người ta muốn làm hài lòng người yêu chứ đâu muốn bắt ép người mình yêu phải trở thành kẻ rập khuôn mẫu mình chọn. Anh ta cứ đòi cưới em, không muốn em giao thiệp với bất cứ người con trai nào."

Tôi đồng ý với nàng về vấn đề khi mình yêu ai thì mình muốn làm hài lòng người ấy. Nhưng làm hài lòng với mục đích gì? Làm hài lòng để lấy lòng? Làm hài lòng tìm cơ hội cũng như mua chuộc để chờ thời cơ thỏa mãn sự đòi hỏi của mình, nghĩa là đổi cái nọ lấy cái kia, để vụ lợi. Đôi khi mình nghĩ rằng yêu, nhưng thực ra nó chỉ là sự ham muốn thỏa mãn sinh lý. Cái yêu này tôi gọi là yêu ích kỷ, yêu vì chính mình, bởi cái lợi lộc, có thể gọi được như thế, mình nhắm tới. Xa hơn chút nữa, muốn yêu để được người ta yêu lại, cảm thấy sung sướng vì được người khác yêu, hoặc có cảm nghĩ mình là người đáng yêu cũng vẫn là ích kỷ; và bao lâu rồi, tôi chỉ có tình yêu ích kỷ, yêu vì thèm được yêu, vì muốn quen thiếu nữ đề bù đắp sự thiếu thốn bàn tay con gái trong nhà lúc còn nhỏ...

Chương 4

Nàng không thể đồng ý về điểm được gọi là ích kỷ của tôi vì nàng cũng như tôi, cũng cảm thấy sung sướng vì được tôi yêu, vì được người nàng yêu yêu lại. Tôi vẫn cố chấp với ý nghĩ của mình nhưng không thể giải thích cho nàng hiểu bởi nàng cũng cố tình không thèm hiểu vì nếu hiểu, nàng cũng trở nên ích kỷ. Nàng cũng chạy trốn dù chỉ trong tư tưởng, và cũng chính vì thế mà tôi bị ray rứt vì yêu nàng; nói cho đúng, được nàng yêu.

Nỗi đau khổ nơi con tim tôi biến chuyển qua giai đoạn mới. Thoạt đầu, muốn yêu và muốn được yêu, yêu mà không được yêu lại, bị đá đã làm tôi đau khổ. Yêu rồi được yêu lại, tôi cũng bị dằn vặt; dằn vặt bởi yêu tôi, nàng sẽ bị đau khổ do tôi không muốn sống theo những cảnh đời bình thường. Niềm đau này mới thấm thía, mới không thể dứt bỏ và quên được, yêu, lo sợ mất người yêu đã đau khổ, nhưng yêu mà biết người yêu đau khổ vì tình yêu lại càng ray rứt hơn. Cái thú của yêu đương trộn lẫn với nỗi ray rứt thấm thía này tạo thành thú đau thương.

Con tim tôi vẫn còn mơ ước một trạng thái tiềm ẩn nào đó được tỏ lộ bằng những khao khát tìm kiếm từ những thực tại gần tầm tay với để rồi tưởng rằng đó là điểm tới, nhưng khi đã với được mới nhận ra không phải; tôi tạm gọi là niềm hạnh phúc. Lẽ đương nhiên, tìm hạnh phúc trước tiên là phải đối đầu với những trăn trở kèm theo niềm vui theo đuổi hấp lực tìm kiếm giống như trạng thái qua câu Ca Dao, "Cố đấm ăn xôi, Đấm thì vô hồi xôi chẳng được ăn." Từ khi có được người thật lòng yêu mình, tôi nhận ra mình đáng yêu và đáng được yêu, nhưng cũng từ đó, con tim bắt đầu tỏ nỗi thao thức. Nói cho đúng, tôi không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả trạng thái này nên gọi là sự thao thức của con tim. Tôi chỉ cảm nghiệm rõ là nỗi thao thức mới xét ra thật vô lý và không hợp tình chút nào, tuy nhiên, nó ảnh hưởng toàn bộ tâm tư. Đâu ai lạ gì, con tim không thèm nghe theo lý trí, mà khi con tim lên tiếng thì lý trí, bản năng, tình cảm, mọi kiến thức hùa nhau vâng lệnh.

Những khi nghĩ về Lan, cảm nhận tình yêu của nàng dành cho tôi cũng như tình tôi yêu nàng, nét đau lòng mờ mờ ẩn hiện khiến tôi phần bứt rứt, phần ăn năn vì sự ham muốn làm quen, cố chiếm cho được cảm tình rồi lậm vào vẻ đam mê, dan díu tình cảm dường như chỉ là để thỏa mãn sự thèm khát phiếm diện nào đó. Tại sao tôi không có ý nghĩ sống chung một đời đối với nàng hoặc bất cứ người con gái nào khác? Có phải tại tôi sợ mình không đủ khả năng, tài lực xây dựng mái ấm gia đình như biết bao nhiêu người chung quanh? Tại bản chất bấp bênh, hay thay đổi không muốn hoặc nhận thấy mình không có khả năng chung thủy cả đời do đó tôi không muốn lập gia đình? Có phải thực tại minh chứng cho tôi thấy dẫu yêu nhau cách mấy, quyết định tiến tới hôn nhân vẫn là một sự thiếu sót nào đó... bởi nếu có những cặp vợ chồng hoàn hảo như ý muốn, sao không thấy ai nói lên mà chỉ những phiền hà do cuộc sống lứa đôi chung đụng, những trách nhiệm không hoàn thành để rồi chồng đổ lỗi cho vợ hay ngược lại, được rao rêu?

"Cô khuyên cháu đừng nên lập gia đình, cứ trông vào gia đình cô đấy, lập gia đình khổ lắm;" nhiều lần cô tôi nhắc nhở mỗi khi gặp... Tất nhiên, không phải vô lý mà có người khuyên mình những câu như thế... Thằng cháu đang yêu rối lên mặc dầu vẫn bị trạng thái mông lung dằng co dằn vặt trong khi bà cô lại cứ đem những đau khổ cuộc sống gia đình ra hù. Tôi thầm nghĩ, cô chán là phải bởi ăn no quá tất nhiên bội thực; bất cứ gì quá độ cũng khiến người ta đau. Thế sao cô không kể ra sự tốt đẹp, hài lòng thỏa mãn của những khi sướng sướng lại cứ lôi cái khổ ra mà than! Gia đình cô chín đứa con, những chín đứa thì đã bao nhiêu lần hạnh phúc thế sao cô không khoe ra? Tôi chỉ giữ trong lòng không bao giờ nói lên ý nghĩ về lời khuyên. Lẽ thường, ở lứa tuổi thanh niên sung sức, khi nghĩ hay nói về hạnh phúc lứa đôi ai mà không liên tưởng đến cái chuyện ấy. Chẳng thế mà những thanh niên, thanh nữ, ngay cả những người đã đứng tuổi, khi có cơ hội gặp nhau thành từng nhóm cùng phái hay nói nhăng nói cuội, nói về cái chuyện chẳng nên nói chốn công cộng nhưng lại thực hành đắc lực lúc riêng tự.. chuyện bù khú, chuyện nói bé cười tọ.. Ấy, mới chỉ nói tới đã khiến người nghe vui vẻ tham gia đấu láo thì sự thực còn hấp dẫn biết chừng nào? Đặt vấn đề như vậy, tôi tự hỏi, có phải mình đã bao lâu nay cố gắng theo đuổi một hình thức đạo đức giả để nghĩ rằng mình là con người tốt lành. Bạn bè vô xóm "yêu hoa" kể lại những màn trời long đất lở cũng như những điều ngớ ngẩn của họ khi đụng chuyện... Nghe riết về những kinh nghiệm khác nhau, nhiều khi tôi trổ tài phét lác chứng tỏ ta đây cũng dân làng chơi cho khỏi bị coi thường vì không biết của ấy là gì... Đúng là thứ võ miệng, tôi nhiều lần thầm nghĩ. Tuy thế, tự thâm tâm, tôi cảm thấy hình như có phần nào bất ổn. Cuộc đời và mục đích của con người đâu phải chỉ là những cảm giác mà bạn bè tôi cho là điểm tột cùng sung sướng tạm gọi là hạnh phúc ấy. Nếu cảm giác của sự liên hệ xác thân giữa hai người đã là điểm tột cùng thế sao người ta vẫn còn phải lập đi lập lại hoặc chạy theo những đối tượng khác phái nào đó? Tại sao cô tôi than thở và đem cả cảnh khổ cuộc sống gia đình ra chứng minh mà không kể lại những niềm vui gia đình? Phải chăng hạnh phúc chỉ là những giây phút cảm giác chóng qua để con người muôn đời chạy theo đuổi bắt? Có thứ hạnh phúc nào không tùy thuộc cảm quan của con người?

Thật ra, tôi nghĩ, hai chữ hạnh phúc mang nghĩa rất mơ hồ đối với tất cả mọi người bởi ai cũng kiếm tìm nó. Người nghèo cho rằng nhà có của ăn của để, muốn gì được nấy là hạnh phúc trong khi những người giầu có, tiền dư thóc đống hoặc cơ sở này, nhà máy kia lại cho rằng những người nghèo khó, cày sâu cuốc bẫm có niềm hạnh phúc hơn bởi không phải lo lắng, tính toán. Ai cũng đeo đuổi, tìm kiếm cái được gọi là hạnh phúc mà hình như không ai hiểu nó giống ai, chỉ biết mơ ước những gì mình không nắm giữ, đặt cho nó một cái tên chung và biến nó thành mối nhức nhối, thèm khát. Nhìn lại chính mình, tôi đang yêu, được yêu mà vẫn thèm khát cái hạnh phúc mơ hồ nào đó, thế nên vẫn khắc khoải, vẫn không hài lòng với những gì đang có. Bởi đó, nhiều lần tôi lấy quan niệm "Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc" của Nguyễn Công Trứ dùng làm tiêu chuẩn an ủi chính mình... nhưng vẫn không sao "hà thời hạnh phúc." Phỏng khi đói có thể ngồi đó suy tưởng tri no, tiện no, đãi no là sẽ có hà thời không đói được chăng? Chính kinh nghiệm đơn giản đó giúp tôi đặt vấn đề về nỗi ước mơ tưởng như ảo ảnh vẫn từng chập khiến lòng mình khắc khoải. Tôi nghĩ, giàu có, vợ đẹp con khôn, danh vọng, chức quyền v.v... dù ai đó có tất cả những gì họ mong muốn, họ vẫn còn khát khao niềm hạnh phúc... Bằng chứng là không ít tài tử màn bạc, tiền của như nước, được nhiều người trọng vọng, ca tụng nhưng lại tự tử. Họ kiếm cái chết bởi có lẽ cái chết mang lại điều họ mong muốn khác với những gì họ đang có trong cuộc sống, dẫu ai cũng sợ chết.

Thế niềm hạnh phúc đang làm lòng tôi ray rứt và hạnh phúc mọi người tìm kiếm phỏng có điểm gì chung? Đọc cuộc đời Đức Phật Thích Ca, dầu không cho rằng đúng sự thực nhưng được nhiều người ngưỡng mộ, tôi tự hỏi lý do gì thúc đẩy Đức Phật bỏ ngai vàng, vợ con... bước vào thế giới thiền niệm? Cứ những gì tôi biết do đọc hoặc nghe, Đức Phật bỏ tất cả vì cám cảnh những đau khổ kiếp người bao gồm sinh, bệnh, lão, tử nên tìm đường giúp con người giải thoát. Thật là phi lý, trước khi kiếm được đường giải thoát, tôi nghĩ, Đức Phật cũng đã rơi vào vòng oan khiên kiếp người bắt đầu bằng thời điểm sinh và cuối cùng được kết thúc bởi tử. Chưa giải thoát được mình, nói chi đến kiếm đường giải thoát người khác? Mình không có, lấy gì cho ai? Suy nghĩ như thế, Đức Phật chắc chắn phải tìm kiếm cho ngài trước và có thể vì ngai vàng, vợ con, cung tần, mỹ nữ, tiền của, oai quyền... không gì có thể làm Đức Phật cảm thấy thỏa mãn với lòng khao khát hạnh phúc mà ai cũng ước mơ nên bỏ tất cả đi tìm. Tìm cho chán nơi Phật học, câu kết luận chỉ là diệt dục, dẹp bỏ tất cả những ham muốn mới có thể hết khổ, hết bị ảnh hưởng bởi thực trạng cuộc đời, thoát khỏi lo âu của sinh, bệnh, lão, tử. Dĩ nhiên, mọi người cùng kiếm tìm hạnh phúc thì chắc chắn nó phải là điều đáng quí, đáng ước mong mà bây giờ đem diệt sự ham muốn nó đi thì còn gì để nói, để tiến tới... Nghĩ như vậy, đem so sánh sự diệt dục với lời khuyên của cô tôi thì nào có gì khác biệt; đừng lập gia đình cháu ạ, nghĩa là đừng yêu ai thì sẽ không tạo nên cảnh khổ gia đình, đừng ham muốn hạnh phúc nữa thì không khổ với hạnh phúc, nhưng kết quả thực tế nói lên ai cũng mơ ước có một gia đình đầm ấm, ai cũng ước ao nắm được hạnh phúc trong tay. Có lao đầu vào rồi mới thấy ước mơ tạo dựng một gia đình hạnh phúc khi chưa cưới đã trở thành nỗi đau khổ muốn hủy bỏ lúc đã thành thân...; phỏng ước mơ hạnh phúc vĩnh hằng của tôi có giống như ước mơ hạnh phúc gia đình của mọi người? Họ đã đạt được mơ ước sống chung, đã nếm những hạnh phúc đôi lứa mà còn than thở vậy điều gì khiến họ không nhận ra hạnh phúc cuộc đời đến nỗi tạo thành khuynh hướng chỉ nhìn thấy những đau khổ, hoặc điều gì họ đang muốn mà vẫn chưa có?

Phỏng trên cuộc đời này đã ai đạt được niềm hạnh phúc vĩnh cửu? Tôi có mơ ước hão huyền không? Hai câu hỏi thường xuyên dằn vặt nơi tâm tư khiến nhiều lúc tôi muốn buông xuôi, chấp nhận nỗi khắc khoải chung của mọi người để rồi lê lết theo tháng năm dài buồn tẻ; có được giây phút vui tạm bợ nào thì ngay sau đó lại phải đương đầu với khoảnh cô độc giữa những chốn náo động của cuộc đời. Chẳng lẽ con người được sinh ra để triền miên chịu cảnh khổ ải này, muốn tìm cách trốn chạy cũng không được? Chẳng lẽ lại có một Thượng Đế độc ác đến nỗi bắt mọi người chia chung một tâm thức khắc khoải...? Con người nghĩ gì về hạnh phúc? Hạnh phúc thật mang những tính chất nào? Đâu là sự thật của niềm ước mơ hạnh phúc vĩnh cửu? Phỏng có được điều gọi là hạnh phúc vĩnh hằng? Tại sao có những người chối bỏ những phút giây hạnh phúc nhất thời mà mọi người đang gồng mình đeo đuổi lắm khi gây ra cảnh tan nát gia đình, đi hoang một kiếp người? Tại sao một số nhà truyền giáo Tây Phương đã không thể chấp nhận sống cuộc đời tiện nghi thoải mái, thiên đàng mơ ước của những dân tộc nghèo khổ mà lại coi đó là lối sống tội lỗi để trở lại chung sống với những người kém may mắn, nghèo hèn? Tội lỗi đâu ra nơi cuộc sống tiện nghi và lý do gì thúc đẩy họ không thể chấp nhận sự xa hoa, thoải mái trong khi cảm thấy sung sướng với cảnh sống khó nghèo theo con mắt thế gian làm niềm vui cuộc đời? Tại sao những người lên rừng sống cô đơn làm bạn với cỏ cây lại được cho rằng hạnh phúc hơn những người đầm mình bon chen với cuộc sống, với phiền hà vợ nọ con kia, tiền tài danh vọng? Có phải hạnh phúc chỉ là một sự đuổi bắt giống như hành trình đạt tới lý tưởng, chưa đạt được thì còn hăm hở nhưng khi có rồi lại cảm thấy chán ngấy để cố gắng chinh phục những đối tượng còn ngoài tầm tay với? Có phải sự kiếm tìm hạnh phúc cũng chỉ giống như cuộc leo núi và khi lên tới đỉnh sẽ bắt đầu xuống dốc để rồi kết cục chán ngán cảnh bon chen tìm lãng quên nơi cảnh u tịch?

Lục lọi nơi kho tàng Ca Dao để tìm xem tiền nhân quan niệm hạnh phúc như thế nào, tôi càng bị dồn vào ngõ bí không lối thoát vì Ca Dao chỉ đưa ra mẫu sống luân lý, cận nhân tình có thể được gom tóm lại bằng câu: "Ở cho phải phải phân phân, cây đa cậy thần, thần cậy cây đa," hoặc cũng đồng điệu như thế với câu khác: "Đất có chỗ lồi chỗ lở, ngựa có con dở con hay; coi thì mà ở, chọn theo cỡ mà xài" sao cho khi chết để lại tiếng thơm. Thế rồi tìm đọc những quan điểm của một số tư tưởng gia Tây Phương xem người ta nghĩ gì hoặc kinh nghiệm ra sao về nỗi khát khao của mình, tôi cũng đã chẳng kiếm được gì tạm gọi là thỏa mãn. Ông tổ luận lý Aristote cho rằng hạnh phúc tùy thuộc mỗi người và nó là sự biểu lộ của tâm hồn liên kết với hành động; Dostoevsky nhận ra hạnh phúc không phải tự nó nhưng trong tiến trình đạt tới nó, và Sigmund Freud, cha đẻ môn tâm lý xét theo tính chất ảnh hưởng của sự thỏa mãn đòi hỏi cần thiết của con người chỉ nhìn nhận điều chúng ta gọi là hạnh phúc đúng nghĩa sinh bởi sự thỏa mãn những nhu cầu trong điều kiện khó khăn nhất. Lẽ đương nhiên, cuộc sống có những liên đới, do đó Ambrose Bierce, khi đặt vấn đề so sánh tâm tư của con người lại đưa ra thêm một khía cạnh: hạnh phúc là một cảm ứng từ sự nhận ra điều khổ ải của người khác.

Tính chất của hạnh phúc được ghi nhận bởi con người qua cảm nghiệm lại càng khác biệt. Đối với Augustine, thật ra, con người ước mơ được hạnh phúc và sống với niềm vui ấy ngay cả khi theo đuổi một hạnh phúc mộng tưởng, và vì thế Henry W. Beecher nhìn vào thực tại cuộc đời đã viết đại khái: thường thì niềm vui của con người chỉ là bóng mờ che đậy những đau khổ. Thomas Campbell tuyên bố: một phút giây hạnh phúc là sự trả giá của khoảng thời gian đau khổ không thể đo lường; trong khi Eric Hopper vạch rõ mặt trái nỗi khát khao nơi mọi người: sự kiếm tìm hạnh phúc là một trong những nguyên nhân của bất hạnh. Dĩ nhiên, nếu không cảm thấy bất hạnh, ai ngu dại mơ ước hạnh phúc. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy nhiều khía cạnh luẩn quẩn của cùng một vấn đề từ định nghĩa đến tính chất. Samuel Johnson nhận rõ một nông dân và một triết gia có thể cảm thấy hài lòng tương đương nhưng không có được hạnh phúc giống nhau vì hạnh phúc bao gồm nhiều thành phần ý thức tương đồng; ngược lại, Artur Rubinstein đưa ra nhận xét, hầu hết người ta đòi hỏi hạnh phúc có điều kiện trong khi hạnh phúc chỉ có thể được cảm nhận khi không có điều kiện lệ thuộc. Với tính chất này, Thomas Jefferson đã nói lên quan điểm ai cũng có thể đạt được: Không phải giầu có hay quí phái nhưng chính là an bình và mục đích đem lại hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, điều kiện nào để có trạng thái an bình, và mục đích của con người phải ra sao đã trở thành nguyên nhân rắc rối của mơ ước đơn giản hạnh phúc. Có lẽ chính vì lẽ đó, George Santayna đã quan niệm: Hạnh phúc không phải là cảm xúc tạo thành bởi chuỗi vui thích kích động thoáng qua mà tiềm ẩn nơi sự suy tưởng, phán đoán về thực trạng cuộc đời con người hài lòng hoặc chấp nhận ước mơ của mình.

Tưởng rằng tìm hiểu sẽ giúp tôi có được đường hướng và phương pháp rõ ràng thỏa mãn nỗi khát khao bằng cách rờ được phần nào ước mơ hạnh phúc; ai ngờ, càng kiếm lại càng thấy chẳng có lấy dù chỉ là con đường mờ ảo như Aristote đã nói lên bao nhiêu năm về trước: người ta tìm kiếm hạnh phúc bằng những đường lối và phương tiện khác nhau đồng thời kiến tạo cho họ những thái độ khác nhau. John Berry lại còn mơ hồ hơn với nhận định hạnh phúc "con chim của thiên đàng" chỉ đậu trên những bàn tay không chụp giựt nó. Đến ngay định nghĩa hạnh phúc là gì đã không có thì làm sao mà chụp, mà bắt; cũng thế, đặt vấn đề tìm kiếm và phương thức hoặc đường lối tìm kiếm lại chỉ như chó sủa lỗ không. Có phải đây là sự thật đáng buồn cho kiếp nhân sinh vì đã bao lâu rồi, người ta định nghĩa, tìm kiếm nỗi khát khao mộng tưởng với cái tên hạnh phúc. Vậy niềm mơ ước hạnh phúc của tôi là gì? Phỏng nó cũng chỉ là mộng tưởng? Chỉ có hai chữ hạnh phúc mà càng nói càng rối, càng nghĩ càng tối!

Con người phỏng chỉ là giới hạn nơi trạng thái hiện hữu của thể xác? Hiện hữu để chấp nhận cuộc đời khổ ải thì chẳng thà đừng được sinh ra. Bởi tự chấp nhận, như Nguyễn Công Trứ đã nhìn theo Đức Phật, cuộc đời là bể khổ, "Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, Trần có vui sao chẳng cười khì...," và cũng âm thầm không chống đối để chấp nhận như thế nên người ta chạy theo những niềm vui cảm giác chóng qua mong phần nào phủ lấp ước mơ hạnh phúc vĩnh cửu hầu tránh khỏi đương đầu với nỗi khắc khoải sâu kín của tâm hồn. Thế nhưng, đã có sự hiện hữu tất nhiên có sự thay đổi, biến đổi hoặc trong diễn trình tiến hóa. Đâu ai vừa sinh ra đã biết nói, biết đi, biết hết mọi sự; cho nên phải được hun đúc tùy thuộc môi trường xã hội, con người còn có những ước mơ, đồng thời tìm kiếm phương cách thực hiện điều mơ ước. Nhưng những bậc hiền nhân, đức cao trọng vọng đã và đang được biết bao nhiêu người kính ngưỡng từ xưa tới nay như Lão Tử, Khổng Tử, Đức Phật, Đức Chúa... có thể đã chán ngấy loại hạnh phúc tạm bợ đời này nên chỉ nói đến hạnh phúc đời sau v.v... trong khi tôi kiếm tìm hạnh phúc không giai đoạn ngay tại cuộc đời này; phỏng tôi nên an phận thủ thường, chấp nhận cuộc đời buồn tênh cùng với một người vợ để khi nào chịu đựng không nổi niềm khắc khoải hạnh phúc bất tận cắn xé, hai vợ chồng kiếm cách gấu ó nhau như một cách khỏa lấp lòng khát khao triền miên ám ảnh...?

Thật ra, tôi muốn chấp nhận cuộc sống bình thường cũng không được vì con tim tôi có lý lẽ riêng của nó khi đương đầu với cuộc sống hiện tại, thế nên đặt vấn đề và tìm hiểu để sao cho cách sống giúp tôi có được niềm hạnh phúc thực sự không phải là vô lý. Tôi nghĩ, mình đã có cuộc sống thì hãy lo sao sống cho tốt lành nhất, hãy tìm niềm vui hạnh phúc bây giờ, tuy không phải dễ, vì xét về kiếp sau, hãy để kiếp sau lo. Hơn nữa, nếu bây giờ sống chẳng ra gì, đam mê và chấp nhận như loài giòi bọ thì kiếp sau làm sao thoát khỏi cảnh bùn lầy bẩn thỉu? Tuy nhiên thực tế mà nói, khi đói, không ăn sao no bụng; hạnh phúc đâu thể nào đến với kẻ chẳng bao giờ kiếm tìm. Nếu đã chấp nhận cuộc đời để sống cho qua không cần suy tính, không đặt vấn đề, có lẽ chẳng ai nên than khổ vì khổ bởi mình đã không muốn kiếm tìm, không muốn tạo dựng điều tốt lành hơn, khổ bởi đã tự ỷ lại, tự chấp nhận cuộc sống thừa cho qua. Hơn nữa, kinh nghiệm cho biết, dẫu chưa đạt được hạnh phúc mơ ước, chính hành trình kiến tạo nó đã tự mang niềm vui cho người cố gắng kiếm tìm dẫu ngay cả hạnh phúc ấy chỉ là một ảo tưởng

Chương 5

Tìm nơi Đạo Giáo, "Theo Lão Tử thì phải để cho con người trở về với cái sống tự nhiên giản dị của ho...." (Lão Tử Tinh Hoa; Nguyễn Duy Cần; Sống Mới, Fort Smith, AR. USA; tr. 200), không phải là không làm gì cả mà đừng làm cái gì thái quá vì "vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản" thì làm sao tôi có thể đạt được ước mơ hạnh phúc của mình. Đã bao nhiêu người, đã bao nhiêu niên kỷ nào đâu nghe thấy ai đạt được mơ ước có tên chung là hạnh phúc mà chỉ thấy những lý thuyết mơ hồ không thể rờ đến được. Nói rằng sống tự nhiên giản dị, "Càng làm ít càng hay, và không làm gì cả lại là tốt hơn" (Lão Tử Tinh Hoa; tr. 63) thì tôi đã sống bao nhiêu ngày tháng chẳng nên cơm cháo gì, đến nỗi hai tay vày lỗ miệng vẫn chưa đủ còn nói gì đến càng không làm gì cả lại càng tốt hơn! Tôi muốn tìm một phương cách thực hành trong khi chỉ thấy lý thuyết cao siêu được dẫn giải và không ai nói lên được ít nhất phần nhỏ nào cảm nghiệm thực dụng. Chẳng hạn trở về với con người tự nhiên, giản dị là cách sống thế nào? Thoạt sinh ra, đâu ai chui khỏi lòng mẹ với áo, quần, bông tai, son phấn thì cái sống tự nhiên đơn giản nhất đã thấy chẳng giống gì người chung quanh. Đồ ăn thức uống tự nhiên loài khỉ đã muôn đời áp dụng nào có làm cho họ hàng loại có hai chân hai tay này rụng lông hoặc cụt đuôi, thay đổi được chút nào; ấy là chỉ nói về hình thức cơ thể mà chưa nói tới tư tưởng, ước muốn... Hơn nữa, đã là con người thì tất nhiên còn có đời sống khác cao hơn đó là khát vọng của tinh thần và tư tưởng. Như vậy, để cho con người trở về với cái sống tự nhiên, hoặc không làm gì cả mang ý nghĩa gì và áp dụng ra sao?

Khổng Giáo, ngược hẳn lại với quan niệm vô vi và rõ ràng với "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ." Khổng học nhắm vào sự uốn nắn con người được chia theo những thể chế của xã hội, để rồi nhập thế hành động... Có thể nói theo Nguyễn Công Trứ: "Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái, Cái công danh là cái nợ nần;" và cuối cùng mới nhận ra, "Chen chúc lợi danh đà chán ngắt, Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao." Nghĩ như thế, cho dù có bon chen cách mấy, lập được nhiều tiếng tăm, công trạng thì hạnh phúc vẫn ngoài tầm tay với, vẫn trống lổn như tôi, thấm thoát một quãng đời tiêu phí vì chọn lầm cách sống, bởi dù cho "Bao nhiêu năm hưởng thụ biết chừng nào" thì cũng "Chợt tỉnh giấc nồi kê chưa chín." Xét thế, những hưởng thụ cũng không phải là hạnh phúc mà tôi mong muốn bởi chúng chỉ là thứ chóng qua trong khi tôi mơ một hạnh phúc không tàn phai theo năm tháng. Phỏng trên đời có loại hạnh phúc này không? Và nếu nó chỉ là mộng tưởng, tại sao ai cũng ước mơ? Đồng ý rằng muốn bình thiên hạ thì quốc gia phải thịnh trị, gia đình cần được tề, và trước tiên người muốn tề gia lại phải tu thân. Tuy nhiên, người ta tu thân với mộng làm lớn cho danh vọng cao, cho uy quyền trải rộng nên cần sống khắt khe, phải kiêng cữ điều này, phải tuân theo luật kia. Tôi không mơ ước ăn trên ngồi trốc, đè đầu đè cổ thiên hạ mà chỉ kiếm tìm niềm vui hạnh phúc không bị lệ thuộc vào tiền tài, danh vọng hoặc bất cứ gì chóng qua thì mõi mắt kiếm tìm cũng không ra phương pháp thực hiện... mà chỉ gặp những lý thuyết mơ hồ không rờ tới được. Tôi không muốn nói về hạnh phúc mà muốn thực hiện, có, để sống hạnh phúc.

Kiếm tìm trong Kinh Thánh, một chân trời mới mở rộng cho thấy sự liên kết mật thiết giữa cuộc sống tâm linh với thực tại của con người khiến tôi muốn cảm nghiệm những điều Kinh Thánh đưa ra, một Thượng Đế yêu thương, một Đức Giêsu hiện thực được liên lạc không chỉ đơn giản bằng đức tin, qua phép rửa mà còn nơi những biến cố kẻ tin gặp được nơi cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, tôi lại phải đối diện ngay một thực tại mông lung không khác gì hạnh phúc mà tôi đang kiếm tìm. Chẳng hạn, đức tin được hiểu là lòng tin tưởng chắc chắn rằng có một Thượng Đế, Kitô hữu gọi là Thiên Chúa, hiện hữu, có thật, Ngài quyền năng, nghe lời và giúp đỡ những người kêu cầu; đồng thời cũng tin thật rằng Đức Giêsu Kitô là Ngôi Hai, Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ nhân loại khỏi ách tội lỗi. Đức tin đơn sơ ấy chứa đựng cả một sức mạnh chữa lành các bệnh tật, thực hiện những chuyện cả thể, rời non lấp biển như trong Tin Mừng Mathêu (17:20, 21:21), "Quả thật, Ta bảo các ngươi: nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì các ngươi có bảo núi này: Hãy bỏ đây qua đó! Nó cũng sẽ chuyển qua, và các ngươi sẽ không bất lực trước một điều gì," nhưng phương pháp nào phải theo để có được đức tin như thế? Đọc Kinh Thánh, đọc các sách giải thích coi bộ ngon lành lắm... Con người thật quyền năng vì được Thượng Đế ban cho sức mạnh nhờ ở lòng tin nên muốn thế nào được thế ấy. Tuy nhiên, nhìn vào thực tại, chuyện đơn giản và dễ thực hiện nhất, lúc đau khổ, dùng đức tin để kêu cầu, đau khổ vẫn còn đó, đồng ý rằng có phần nào nhẹ bớt nhưng không cách nào dời nó đi được. Tại đức tin yếu kém hay tại không biết cách cầu, không biết cách xử dụng đức tin mà chính những người hô hào, cổ võ đức tin, sống đức tin, rao giảng đức tin đã không có thể thực hiện được chuyện đơn giản như thế trong khi lại nghĩ đến những việc cả thể hơn? Mang ý nghĩ như thế, tôi nhận ra rằng, thay vì nói đúng nghĩa trên giấy trắng, mực đen nơi Kinh Thánh, người ta lại viết sách giải thích thành những ý tưởng khác nhau... Chỉ một cuốn Kinh Thánh, cả muôn ngàn cuốn sách khác giải thích chất chứa đầy lý luận tương tự như người ta đã viết về định nghĩa, tính chất tưởng tượng của hạnh phúc.

Đọc Cựu Ước, tôi thấy một Thiên Chúa rất gần với loài người nhưng sao vẫn còn phải qua trung gian những tiên tri, đặc biệt như Môi Sen. Vậy những tiên tri đã nghe được tiếng của Thượng Đế bằng cách nào...? Họ được Thượng Đế chọn làm sứ giả; phỏng đó chỉ là một lối diễn tả về những người đã biết cách liên lạc trực tiếp với Ngài hay thực sự chỉ những ai được ưu đãi hoặc bị chọn mới có thể liên lạc như thế. Nếu sự liên lạc này chỉ dành cho một số người may mắn nào đó thì chẳng có phương cách nào cho tôi ứng dụng để kiếm tìm hạnh phúc. Những câu chuyện Hòm Bia, chiếm thành không cần chiến đấu, chỉ nhân danh Chúa của đám dân lang bạt nơi sa mạc mà chuyện xảy rạ.. Những sự kiện được ghi chép lại này thật hay giả...? Vậy câu chuyện Đavít ngủ với Bathsheba vợ của Uriah (2Sm 11:3) khiến bà ta có bầu rồi tìm cách giết Uriah phỏng có phải là chuyện hoang đường? Nếu hoang đường thì ghi chép lại làm gì? Đức Kitô đã cầu nguyện thế nào mà có được quyền năng lạ lùng ấy đến nỗi bị những người đương thời ghen tương cho rằng dùng tướng quỉ để trừ quỉ (MK 3:23- 24)? Các tông đồ của Ngài chỉ là những dân chài đơn sơ chất phác, theo Ngài và cũng thực hiện được những việc lạ lùng như vậy (MK 3:13- 14). Đọc Tông Đồ Công Vụ, Phaolô bị quật rơi khỏi ngựa trên đường đi Damascus, nghe tiếng Đức Kitô quở trách về hành động bách hại Kitô hữu và về sau trở thành người rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Một Phêrô nhút nhát, ba lần chối không biết Đức Kitộ.. thế mà sau khi Thánh Thần hiện xuống trên ông cũng như các tông đồ, ông đã trở thành một người can đảm, có năng quyền lạ lùng như chữa lành người què bẩm sinh (Acts 3:1- 9) do nhân danh Đức Kitô; Ananya và Saphira nói dối Phêrô bị trừng phạt chết đổng tử (Atcs 5:1- 11); ông chữa người bất toại Aeneas ở Lyđa (Atcs 9:33- 35), chỉ dùng lời cầu nguyện mà bà Tabitha ở Joppa đã chết, được tẩm liệm vào áo quan sống lại (Atcs 9:36- 43). Nào phải riêng một mình Phêrô, các tông đồ khác của Đức Kitô cũng nhờ cầu nguyện mà làm được lắm sự lạ (Atcs 5:12- 16).

Điều làm tôi thắc mắc đặt câu hỏi là sự khác biệt giữa kết quả của cầu nguyện và đường lối thực hành đạo của những Kitô hữu. Thực tế cho thấy có những tổ chức Kitô hữu khác nhau như Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo, Baptít, United v.v... mà những phương cách thực hiện đức tin của họ chỉ là tới nhà thờ nghe giảng giải cùng làm những việc đạo đức, sống luân lý... Nói chung, họ tìm cách sống một cuộc sống tốt lành chứ không kiếm đường lối thực nghiệm đức tin hoặc phương pháp nào cho có đức tin bằng hạt cải. Điều kiện Đức Kitô nói lên chỉ là đức tin vào Thượng Đế bằng hạt cải đã không được mổ xẻ mà chỉ thấy những định nghĩa đức tin, những áp dụng sao cho có đời sống luân lý và đạo đức tốt lành... Chả lẽ không ai tốt lành đủ? Và nếu sống tốt lành đủ theo Kinh Thánh là có đức tin thì tại sao chưa ai có đức tin bằng hạt cải? Vậy phương pháp nào cho tôi theo để có được đức tin như thế? Đức Kitô cầu nguyện, các tông đồ cầu nguyện và những việc cả thể xảy ra chả lẽ trên thực tế, không Kitô hữu nào có thể cầu nguyện giống như Đức Kitô và các tông đồ được sao?

Nơi Gioan 4: 23- 24, "Nhưng giờ sẽ đến - và ngay bây giờ - những kẻ thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Cha trong Thần khí và sự thật vì Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần Khí nên những kẻ thờ phượng cũng phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật" (bản dịch N.T. Thuấn) mang nghĩa gì? Thần khí là gì và tôn thờ trong Thần khí là thế nào? Cách nào để biết là có Thần khí hay không? Thế Công Vụ Các Tông Đồ 2:17, "Ta sẽ đổ Thần khí Ta trên mọi xác phàm. Và con trai, con gái các ngươi sẽ tuyên sấm, thanh niên của các ngươi sẽ thấy thị kiến, kẻ già lão trong các ngươi sẽ chiêm điềm mộng. Và cả trên các tôi trai, tớ gái của Ta, trong những ngày ấy, Ta sẽ đổ Thần khí Ta xuống, và chúng sẽ nói tiên tri" muốn nói về điều gì? Lý do gì thúc đẩy Phêrô nói những lời này và ông đã muốn chứng minh chuyện chi? Theo Kinh Thánh, sau khi lên trời, Đức Kitô sai Thánh Thần xuống trên các tông đồ nên các ông có đức tin mạnh mẽ và cũng chính đức tin ấy đã kiến tạo nhiều chuyện lạ lùng. Tuy nhiên, nơi đoạn Thánh Kinh khác, Đức Kitô lại nói các con có thể làm nhiều việc cả thể hơn nếu có đức tin (Gioan 14:12), nhưng tại sao Đức Kitô lại đã phải đặt vấn đề: "Tuy vậy, khi Con Người đến phỏng sẽ còn gặp được lòng tin trên trái đất này nữa không?" (Lc. 18:8).

Xét như vậy, những hành động đạo đức không phải là phương cách để tăng thêm đức tin mà chỉ là những sự việc diễn tả một phần nào đức tin có nơi mình. Đức tin, theo nghĩa này, khác với sự tin tưởng hay niềm tin. Đức tin và sự tin tưởng hay niềm tin có thể có cùng lối diễn tả nhưng nếu cứ xét theo câu Phúc Âm (Mt. 21:21) "Quả thật, Ta bảo các ngươi: nếu các ngươi có lòng tin và không nghi ngại, thì các ngươi không chỉ làm được điều xảy ra cho cây vả, mà cho dù các ngươi có bảo núi này: 'Xê đi mà nhào xuống biển' thì sự đó cũng sẽ xảy ra. Và mọi điều các ngươi lấy lòng tin mà cầu nguyện kêu xin, các ngươi sẽ được" chứng tỏ đức tin tự mang năng lực hoạt động trong khi niềm tin hay sự tin tưởng chỉ giúp con người ta thêm phần nào năng lực chấp nhận thực tại. Đức tin của một người như thế không tùy thuộc thể chất hay cá tính nhưng niềm tin và sự tin tưởng lệ thuộc tính chất con người. Suy như vậy, đức tin bao gồm niềm tin hay sự tin tưởng; nói cách khác, một người có niềm tin, có sự tin tưởng vào Thượng Đế chưa chắc đã có đức tin.

Vì đức tin mà các tông đồ bỏ hết mọi sự đi rao giảng tất nhiên đức tin này không đơn giản như tôi thường nghĩ, thường được nghe nơi các nhà truyền giáo, các cố đạo giảng dạy. Đức tin khiến Phaolô thay đổi hẳn lối sống, đang lùng bắt Kitô hữu mà quay ngược trở lại rao giảng và tuyên xưng ông tổ của Kitô hữu là chúa tể của mình tất nhiên không phải là chuyện tin tưởng mù mờ rằng có một Thượng Đế không ai rờ thấy được, khó cảm nghiệm, có thể thay đổi được con người quyền quí và có học thức như thế. Đức Kitô quật Phaolô ngã ngựa như thế nào? Công Vụ Các Tông Đồ kể lại đúng sự thực hay dùng lối ám chỉ? Điều kiện hoặc phương pháp nào để có được đức tin bất chấp tất cả những quyền hành, danh vọng và chấp nhận cả một đời theo đuổi? Như vậy, đức tin đã mang lại cho người đạt được nó một sự say mê, một tâm tình hạnh phúc tuyệt vời đến độ tất cả những gì cao sang quyền quí trên đời này nếu đem so sánh trở thành vô giá trị.

Thuở ban đầu, Đức Phật từ bỏ quyền hành, địa vị, cuộc đời sang giàu, bỏ cả vợ con để đi vào cuộc đời thiền niệm chắc chắn phải có điều gì hấp dẫn hơn, chắc chắn phải đạt được niềm hạnh phúc hơn. Nếu nói rằng vì thương người khác, thấy người khác đau khổ mà có thể bỏ vợ con, chức quyền, vậy sự ra đi này không làm cho vợ con đau khổ sao? Quyền hành nắm trong tay, của cải không thiếu, lại làm vua một nước thì đưa ra một đường lối giúp dân chúng có cuộc đời thoải mái hơn nào khó gì? Đặt vấn đề như thế, Đức Phật từ bỏ mọi sự tất ngài sau khi đã ngộ ra sự bất lực của quyền bính và của cải nên gặp được sức mạnh nào đó lôi cuốn đến độ dù cho những điều tuyệt vời mà người đời thường mơ ước cũng không thể nào kéo ngài trở về. Đem ý nghĩ này so sánh với cuộc đời của Phaolô, các tông đồ Đức Kitô, họ cũng đã bỏ tất cả để bước vào con đường rao giảng... Chỉ có thế giới thần linh mới lấn át được những sự ham muốn bình thường thế tục mà cần phải có một phương pháp nào đó là nhịp cầu. Đức tin, Kitô hữu gọi thế, đưa dẫn kẻ tìm kiếm đạt được hạnh phúc khác với những gì chóng qua của thế giới trần tục mọi người thường theo đuổi như danh vọng, chức quyền, tiền bạc, tình ái v.v...

Nhiều người bàn luận, phân tích về ngón tay Đức Phật chỉ mặt trăng nhưng ngón tay ngài không phải là mặt trăng. Theo sự suy luận này, tất nhiên cuộc đời thiền niệm không phải là điểm cho những người theo ngài nương bóng mà điều Đức Phật đã đạt được mới là cùng đích ngài muốn người khác kiếm tìm. Đức Kitô rao giảng về nước trời đồng thời cũng dạy rằng nước trời ở giữa mọi người, ngay tại trần thế này nhưng người ta không nhận biết (Luca 17:21) "Người ta sẽ không nói được: 'Này ở đấy hay 'ở đó' vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ông." Và điều kiện để nhận ra nước trời cần có nhãn quan như con trẻ (Mt. 18:3; Mc. 10:15; Lc. 18:17) "Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời." Nước Trời tất nhiên có thể là hạnh phúc nhưng phỏng niềm hạnh phúc mà tôi tìm kiếm có phải là những việc lành để tôn vinh Thượng Đế và nên như trẻ nhỏ là không bị những quan niệm, kinh nghiệm thèm muốn danh vọng, tiền tài, chức quyền ảnh hưởng? Ngược lại, làm sao cái nhìn của trẻ nhỏ có thể đặt vấn đề kiếm tìm hạnh phúc?

Lão thì vô vi, chẳng nên làm gì hoặc càng làm ít càng tốt. Phật lại tất cả chỉ là không không, nên phải nhận thức như thế nào cho mình thành vô ngã. Công Giáo rằng mình đang đối diện với nước trời mà không nhận biết, muốn biết phải trở nên như trẻ nhỏ... Chẳng lẽ những lời nghịch thường này không mang nghĩa lý gì, là vô vi, là vô ngã, là sự thật con người đang đối diện bởi đã vô vi, vô ngã thì cần gì phải kiếm tìm vì còn kiếm vô vi, vô ngã thì vẫn còn sắc sắc... Thế nhưng chẳng lẽ những lời lẽ này vô giá trị hoặc đã bị cố tình tạo nên hỏa mù khiến không ai hiểu được làm cho Đại Ngã, Thượng Đế, có vẻ thần bí, xa cách con người? Phỏng những đạo giáo, tôn giáo lớn lao như vậy chỉ là lý thuyết rỗng không? Phải có nguyên lý bất biến nào đó mà người ta chỉ có thể cảm nghiệm nhưng cứ nói quanh quẩn, vẽ rắn thêm chân cho có vẻ học thức, học giả, thức giả... coi chừng nói giả nữa thì chỉ là tên câm. Đã vô vi, không không, đã trở nên như trẻ nhỏ thì luật lệ, phương pháp áp dụng, những kiến thức cũng trở thành hư vô. Thế sao muốn đạt tới vô vi lại lắm thứ phải theo...? Muốn không không lại còn phải ngồi kiết già, kiết non? Muốn trở nên như trẻ lại phải giữ giới răn vì trẻ nào biết tạo ra luật mà giữ? Vô vi, vô ngã đâu cần hình thức, đâu cần luật lệ!

Hơn nữa, đồng ý rằng, thực hiện những điều tốt lành đem lại niềm vui thanh thản và giúp con người nhận ra giá trị đáng sống của cuộc đời mình nhưng làm thế nào để có được niềm hạnh phúc này bất tận... Phỏng muốn có được niềm hạnh phúc này kéo dài mãi mãi thì phải suốt đời chạy theo những việc lành mà thực hiện? Hơn nữa, mề đay nào không có mặt trái và điều tốt lành mình làm đã chắc gì tốt lành đối với kẻ khác hay có thể trở nên nguy hại cho họ. Dĩ nhiên, khi quen làm bất cứ việc gì cũng đều sinh ra thói đam mệ.. nhưng sức người hạn hẹp mà cuộc đời thường ngược lại, nhận ra được một điều tốt lành nên làm tùy thuộc thời điểm và hoàn cảnh thì cả ngàn điều khổ ải chưa kịp để ý đã vội trờ tới cần giải quyết... Làm sao con người có thể cảm nhận được hạnh phúc khi còn đang phải đối diện với thực tại lắm bất công trong cuộc đời? Hạnh phúc nào không bị cuộc đời làm phiền toái? Phúc Âm nói "Nước Thiên Chúa ở giữa các ông" mang nghĩa gì?

Theo Lão Tử, "Đạo mà nói ra được không còn phải là đạo 'thường' nữa" (Lão Tử Tinh Hoa; Nguyễn Duy Cần; Sống Mới; Arkansas; tr.41), và "Ngôn giả bất tri" thì sao có thể truyền đạt cho ai. Đàng khác, vô vi (vô dục) mà "Vi đạo nhật tốn, tốn chi hựu tốn, dĩ chí ư vô vi" (LTTH. tr.54) thì làm sao vô vi vì còn ý muốn bớt thì vẫn còn dục. Thế nên, nếu đã vô vi thì đâu cần nói đến vô vi hoặc hữu vi.

Chương 6

Đam mê tìm kiếm niềm hạnh phúc bất diệt dẫu vẫn chưa đụng được đến chiếc bóng của nó đã khiến tôi thờ ơ với Lan; thế rồi một hôm tôi nhận được lá thư.

Ngày... tháng... năm...

T.M. thân mến,

Có thể lá thư này thừa thãi đối với T.M. vì dù gì hơn bốn năm quen nhau T.M. đã thừa biết tính của Lan. Khi yêu, mọi tội lỗi giận hờn Lan xóa bỏ hết nhưng khi cảm thấy tình mình chỉ một chiều thì Lan đếm, tính toán cả những tiếng thở dài. Nói như thế không có nghĩa là Lan kể lể hoặc van xin rồi lại cũng chứng nào tật đấy và cứ tái diễn, tái diễn mãi không thay đổi. Con người ta say riết rồi cũng phải có lúc tỉnh, cũng như Lan yêu là chấp nhận tha thứ nhưng khi thấy sự tha thứ của mình là một danh từ hão tự đặt ra rồi lại tự diệt nó để làm trò cười cho T.M. thì có lẽ từ bây giờ... Lan chấm dứt không còn xài nó nữa.

T.M., sau hai tháng suy ngẫm và nghiệm chứng Lan thấy rõ chúng mình cùng là bạn đồng hành, càng hiểu, càng yêu nhau nhưng hai mục đích khác nhau. Lan không có lý tưởng cao siêu hơn tình yêu nên khi gặp T.M. đã muốn dừng chân. Lan không coi T.M. là một trạm đường trong khi với riêng T.M., đường còn xa, cần dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống và tiếp tục đi. T.M. có những nhu cầu cần phải có trên chuyến đường dài mà Lan thì lại lầm lẫn giữa nhu cầu và tình yêu. Như vậy câu trả lời của T.M. đã thật rõ ràng, ngay từ lúc đầu mà Lan vẫn mập mờ đánh lận con đen không muốn hiểu.

T.M. không coi Lan là của riêng mình thì đâu sợ mất. Không là của riêng thì là của chung, như một máy nước ai vào uống, đập phá cũng được vì đâu phải của mình mà mình đau, mình xót. Không coi là của riêng thì đâu mất công theo đuổi, tán tỉnh, chiếm giữ. Một căn nhà đẹp, giá trị và hợp nhãn thì người mua mới có quyết định dứt khoát chứ còn tầm thường như mọi căn nhà khác thì khi nào mua chả được.

Nhiều lần Lan buồn vì câu nói ấy nhưng lại tự an ủi mình rằng T.M. có lý, thôi thì mình tập thử xem và thú thật đã bốn năm càng lúc Lan càng tỏ cái si tình khờ khạo ngu dại của mình. Biết T.M. có lý tưởng, Lan bằng lòng đi bên cạnh nhưng T.M. là kẻ tham lam chứ không hẳn như đã nói. Kẻ tham lam thấy gì cũng muốn có... Lan có cái giá trị riêng của Lan mà chỉ vì từ lâu yêu T.M. Lan đã ngu muội vứt nó sang một bên. Bởi vì Lan coi T.M. là trên hết, trên hết mọi thứ nên khi không được đáp trả thì Lan tiếc. Đúng như T.M. nói lần nào Lan cũng khiêu chiến, cũng gây gỗ trước và rồi lại tự làm hòa. Vì yêu, Lan trơ truốc mặt dạn mày dày như thế nhưng T.M. ạ, Lan chỉ yêu người yêu Lan thôi.

Xưa kia, Lan cứ nghĩ cái lý tưởng T.M. chọn là trên hết, Lan là kẻ đến sau v.v... và Lan cũng tin rằng nếu T.M. bỏ được lý tưởng đó thì mọi thứ sẽ bỏ được hết. T.M., một câu nói thật nói thẳng mà Lan còn cố biện hộ cho T.M. chỉ vì tin là T.M. yêu mình.

T.M., nếu viết hết cảm nghĩ thì có lẽ cho đến giờ Lan nhắm mắt cũng không thể diễn tả hết và rồi lại ba bẩy hai mươi mốt ngày lăn dưới chân T.M. khóc lóc vì con tim mình không chịu nổi những đau đớn, vì lý trí không chống cự lại với cám dỗ ngon ngọt của loại trái cấm khó nuốt. T.M. biết hết về Lan nên ung dung như con mèo gian ác vờn chuột bằng những móng vuốt thu gọn. T.M. thích thú với trò chơi chú Tiểu Lan chôn xác bươm bướm nhưng có trò đùa nào mãi bưng bít và mãi tồn tại? Dù sao cũng cám ơn T.M. tuy đùa nhưng vẫn nói thật, vẫn ký giao kèo hẳn hòi cho nên mình xa nhau là tại Lan muốn chứ không phải tại T.M. vì T.M. có muốn chiếm giữ đâu mà sợ mất, có yêu đâu mà đau khổ. Và cũng vì thế mà khi Lan nhắm mắt thì đừng vờ vịt lai vãng mà người chết phải thêm một lần trào nước mắt vì uất hận.

P.S. Đừng nghĩ là Lan hận T.M. vì T.M. đến với Lan trước sau như nhất, chỉ có Lan tán tỉnh, thương yêu quyến rũ và nghĩ là T.M. yêu Lan mà thôi. Có điều biết là Lan đã tỉnh thì nên tránh kẻo mang vạ vào thân. Cám ơn T.M. đã dạy Lan nhiều bài học nên thân. Kinh nghiệm nào chẳng phải trả cho nó cái giá. Vĩnh biệt.

Lan không ký tên nhưng lá thư do chính tay nàng viết. Từ hai năm nay nàng vẫn thế; đã nhiều lần trách tôi thờ ơ với tình yêu của nàng, ghen với sự suy tư và cho rằng tôi mê những ý nghĩ hơn yêu nàng. Một buổi chiều cỡ hai tuần sau khi nhận thư, tôi về Sàigòn tới nhà nàng. Vừa bước chân vào khỏi cửa, tấm hình bán thân chụp nghiêng phóng lớn của Lan được đặt trên tủ buffet phía sau một bình hương chen chúc những chân nhang, vươn cao lên chơ vơ mấy cọng hương tắt ngang dang dở. Nàng nhìn tôi đầy vẻ trách móc. Đôi mắt thơ mộng ngày nao giờ nặng trĩu nét buồn cô độc. Phỏng đây là sự thực? Tôi không tin đôi mắt của mình và cũng không tin Lan bày chuyện hù tôi. "Em đã bị đụng xe, tử thương một tuần trước!" Mẹ nàng bảo thế với dáng trầm mặc chấp nhận như cố nén tiếng thở dài. Tôi vẫn đứng như trời trồng không lời chào hỏi; tôi muốn đập phá; tôi muốn thế giới này nổ tung lên cho tan nát chính mình. Thế là hết, dẫu không tin tôi cũng phải chấp nhận. Chúa bóc lột tôi đến độ trơ trọi; Thượng Đế giáng đòn hằn trên tôi... nhưng tôi đã làm gì? Cố gắng sống tốt lành để giờ đây mất tất cả, tại Chúa hay tại tôi?

Khí hậu của Sàigòn nóng đổ lửa mà tôi cảm thấy mình lạnh run, chừng như xương sống của tôi đã trở thành băng giá tỏa sức rét mướt ra bên ngoài cơ thể tạo nên mồ hôi. Đời tôi đã mất Lan, mất thật rồi, chẳng còn gì để bám víu. Ngày xưa khi còn nàng, tôi lấy làm thường và coi chuyện tình yêu chỉ như phần hương hoa của cuộc sống. Đúng, tôi yêu nàng, nhưng hai đứa mỗi người một cuộc đời; yêu nhau là đủ, mình yêu người và người yêu mình, tôn trọng lẫn nhau, không làm gì phiền hà tới người mình thương, không phải đối diện với những lẩm cẩm chẳng ra gì của cuộc sống hôn nhân... Nếu tôi chấp nhận có một đứa con như nàng đã có lần đề nghị thì giờ đây ít nhất còn có thể vớt vát lại phần nào hình bóng của nàng. Nhưng, lại cũng chữ nhưng rởm, tôi mang niềm cao ngạo chẳng ra gì vì không muốn bị mặc cảm làm hoen ố người mình yêu. Cái tính chất quân tử tầu nửa làm tôi hối tiếc, nửa trở thành niềm ủi an vì cảm thấy mình đã giữ được lòng tự trọng trong sự tôn trọng nàng.

Không gian chung quanh sầm tối khiến nổi bật khung hình nàng đang nghiêng nghiêng nhìn tôi với đôi mắt ngập đầy u uẩn. Em ơi, em đâu muốn tôi trở thành thằng hèn. Em biết tôi chân thành yêu thương và tôn trọng em...; đứng bất động ngắm ảnh nàng, tôi thầm nghĩ. Em đã đem theo tất cả năng lực sống trong tôi; có em là có tất cả và bây giờ không em, đời tôi không còn ý nghĩa. Giờ này tôi đã cảm nghiệm được tại sao đã có những người không muốn sống mà thích chết, hoặc sống hay chết cũng như nhau; thế nên tương lai đã không còn gì đáng để đợi chờ, mơ ước; mà có chăng, chết lại là một sự giải thoát khỏi phải đối diện với nỗi đau tận đáy tâm tư. Chợt nghĩ lại mình, hình như con tim không muốn đập, cũng chẳng muốn thở mà chỉ ước mơ được lịm đi, cho hơi thở ngàn dần lặng bước vào cõi hư vộ..

- Anh T.M., má Lan chợt gọi.

Tôi ơ thờ hướng về phía phát ra tiếng nói lòng nặng nề không thiết trả lời.

- Anh làm sao vậy? Em nó chẳng may ngắn vận qua đi; anh đừng đau lòng quá... Nhiều khi tôi nghĩ, nếu hai người cưới nhau sớm thì tai nạn đâu có xảy rạ.. Nhưng có nói chi chăng nữa thì chuyện cũng đã rồi; tôi có con mà cũng như không... Giọng bà sụt sùi, đưa tay lau nước mắt.

Tôi chẳng biết nói sao... Chỉ nghĩ, ít ra bà hãy còn bác trai; riêng mình, thực sự trơ trọi. Phỏng tôi còn có thể yêu ai được nữa không? Phỏng với tâm trạng không thiết tha với cuộc sống như thế này đời tôi từ nay sẽ ra sao? Nỗi nhung nhớ đau thấu tâm can khiến tôi tự trách mình đã vướng vào tình cảm cho ra nông nỗi này. Còn đâu ân tình ngày cũ, còn đâu hình bóng ngóng chờ. Căn nhà này, bàn viết kia, những chiếc ghế, những bức hình có Lan treo trên tường trở thành muôn ngàn mũi giáo kỷ niệm đua nhau xâu xé tim tôi. Nó tê dại rồi, nó nát tan thành từng mảnh nhỏ hòa theo dòng máu cho tôi bốc thành hơi. Tôi muốn biến thành làn hơi vô hình dõi tìm bóng dáng Lan... Bác khóc nữa đi, khóc cho nỗi lòng đau khổ của bác, khóc cho niềm đau khốn nạn của tôi, khóc cho tôi lịm ngất tránh phải đối diện với quãng ngày tháng hư không đang trờ tới. Từ nay, tôi nào còn biết nhớ ai mà chỉ còn nỗi đau gợi lại. Tôi hận cuộc đời, tôi hận loài người, tôi hận Chúa, tôi hận chính tôi. Bác nói đúng, nếu cưới nhau sớm Lan đâu có chết trơ trọi như thế này; nếu cưới nhau sớm, cả hai đứa cùng chết, hoặc tôi đã có được những vết thương cắt xé da thịt chia bớt nỗi đau buốt con tim. Tôi hận phận số đã đẩy đưa vào cảnh trớ trêu; tôi hận những ông thày cũ đã dạy tôi luyện tập cá tính tự trọng. Ừ, nếu chúng tôi yêu nhau, đừng chống cưỡng lại bản năng tự nhiên của con người thì phỏng tôi có bị đau lòng như thế này không. Tôi thầm trách Lan vì nàng đã không bắt tôi phải làm theo ý nàng. Nàng muốn có với tôi một đứa con, vâng, một đứa con nhưng tôi quân tử rởm, tôi quân tử tàu... để rồi nàng chết đi với chỉ một niềm mơ nhỏ bé mà cũng chẳng bao giờ đạt được. Tôi ích kỷ vì tự ái rởm của tôi; tôi ích kỷ vì muốn trở thành cao thượng, vì sợ trở thành thằng hèn. Ừ, hèn thì đã sao? Tôi hèn; tôi đam mê với những ý nghĩ viễn vông mà không dám đối diện thực tại, không dám đón nhận những phiền hà để sống với Lan. Tôi là thằng hèn vì chỉ thằng hèn mới sợ trở nên hèn!

Cổ họng chừng như nghẹn lại làm tôi khó thở. Lan chết rồi tôi mới nhận ra giá trị vai trò của nàng trong đời mình... Nàng là tất cả, từ tâm hồn cho tới thể xác, là mạch máu luân chuyển cho tôi sức sống, là năng lực tạo niềm tin khiến tôi vững tâm đối diện với cuộc đời. Tôi đã coi thường mọi tranh chấp vì có nàng tôi không thích hơn thua, có nàng, mọi hình thức lấy lòng người đã không đáng cho tôi để ý mà dám sống chân thật ngay thẳng. Tôi biết và cảm được tình yêu của nàng đối với mình và biết trước sau gì hai đứa cũng hợp làm một xây dựng hướng đi cho tương lai. Thế mà giờ đây, mọi hy vọng, toan tính cho tương lai dù chỉ nơi tâm tưởng cũng theo Lan tan biến. Có nàng, tôi yên tâm hoạch định; mất nàng, tôi tan nát hư không. Những ngày trước, tôi mong thời gian qua mau để chóng gặp nàng mà từ đây thời gian sẽ trở thành bản án hành hạ quãng đời còn lại. Lan ơi, thế là hết! Anh đã phụ em; em đã chết vì anh chần chờ, do dự, vì mãi kiếm tìm một hạnh phúc mộng tưởng trong khi đã không biết nắm giữ năng lực hạnh phúc ở tầm taỵ.. Lời vĩnh biệt viết nơi thư đã trở thành bản án bất diệt theo anh cắn rứt từng ngày. Còn gì cho anh mơ tưởng? Còn gì cho anh tha thiết?...

Tôi bật thốt "vĩnh biệt," lặp lại lời cuối của Lan đoạn bỏ ra ngoài leo lên chiếc Honda mượn của người bạn nổ máy. Má nàng nói với theo câu gì đó tôi chẳng cần để ý... Tôi sẽ chẳng bao giờ trở lại căn nhà này, chẳng bao giờ muốn gặp cha mẹ nàng lần nữa... Tôi sợ nhìn thấy bất cứ gì gợi lại hình ảnh nàng... Tôi muốn chết vì chỉ có chết mới có thể gặp lại nàng... Đau quá, nàng hận thù tôi vì tình sẵn sàng cho đi mà không được đón nhận, không được đáp trả. Nàng chết để trả thù tôi hay vì phận số? Nàng chết để bắt tôi phải đối diện với lòng mình, đối diện với sự thờ ơ của con tim ngu ngốc chai đá không nhận ra hạnh phúc nhưng không, được nàng trao tặng, hay vì nàng muốn tìm quên lãng tránh khỏi những ray rứt bởi tha thiết yêu tôi?... Những tiếng còi xe vang lên phía sau mỗi lần vượt qua, hãy đụng chết tôi đi, hãy giải thoát tôi khỏi nỗi đau đớn này...

Tôi dựng xe, bến tầu Bạch Đằng, lại cũng chốn chứa chan kỷ niệm tình yêu hai đứa!

- Em muốn dạy cho học trò của em tinh thần tự trọng, biết tôn trọng chính mình, biết tôn trọng người khác vì giá trị làm người chứ không phải vì chức quyền, danh tiếng hay tiền tài... Lan tâm sự buổi chiều ngày lễ ra trường giáo viên tiểu học khi hai đứa chúng tôi đưa nhau ra bến Bạch Đằng hóng gió.

Những con sông chảy ra biển mênh mang, diệu vợi; biển chảy về đâu? Những con tàu đến rồi đi, đi tới chốn nào? Đã có lần Lan so sánh cuộc đời một người với con tầu khi chúng tôi nói chuyện về định mệnh. Đời người, hợp rồi tan như mây khói và dòng đời tựa những làn gió vô định hướng đẩy đưa, mông lung và huyền hoặc chẳng khác gì tương lai ngoài tầm tay với... Chúng tôi yêu nhau thắm thiết mà khi nghĩ đến tương lai tôi không dám quả quyết. Ước mơ của nàng chỉ là một cô giáo bình dị với chức nghiệp hướng dẫn tuổi thơ; nàng sẽ là một người vợ êm đềm chấp nhận tất cả những cá tính gàn bướng của tôi, và một người mẹ yêu thương săn sóc những đứa con xinh xắn... Mộng của nàng hiện thực chỉ có thế, không đòi hỏi, không tranh đua, chỉ chấp nhận và chấp nhận trong khi lòng tôi vẫn như con thuyền ngút ngàn mơ ảo để vuột bay cánh buồm bắt gió. Buồm mất, thuyền chơ vơ vô định giữa ngàn triều sóng đổ. Lan ơi, em ở phương nào, có biết lòng tôi ngập đầy thương đau, mất mát?

"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở," hay đối tượng tình yêu vẫn đẹp muôn thuở trong cuộc tình dở dang? Nhưng dang dở trong điều kiện nào? Bao nhiêu cuộc tình đã tan vỡ phỏng những người yêu nhau không bao giờ lầm lỡ? Thế tại sao vẫn không có được hạnh phúc khi hai kẻ yêu nhau được toại nguyện với "một mái nhà tranh đôi trái tim vàng?" Cô tôi, cũng như bao người, chán ngấy với cuộc đời bình thường vợ chồng con cái đùm đề, chán ngấy vì thực tại hôn nhân đã không như mộng ước lứa đôi. Tôi đau vì mộng tình tan vỡ. Ai hạnh phúc hơn ai? Phỏng Lan có cảm thông nổi niềm đau bất tận nơi tôi, hoặc nàng vẫn bị hương tình dằn vặt mà tôi không cảm nhận được. Cầu mong cho nàng thoát khỏi những ưu tư của kiếp nhân sinh, yên bề bên kia cõi thế. Phần tôi, đau lòng vì tiếc thương nàng hay vì cảm thấy số phận bơ vơ của mình do vắng bóng nàng từ nay?

Lan đã chết, mang theo ước vọng bình thường dang dở, mang theo tình yêu còn đang là mộng tưởng ngon ngọt chưa kịp nếm đã đậm mùi chua chát. Nàng viết thư trách như đã bao lần hờn dỗi vì thái độ ngây ngô quân tử tầu của người yêu. Những khi bực mình vì tôi ngông nghênh do dự, nàng đã nói không nên trở lại trừ khi tôi thực lòng thấy cần nàng trong cuộc sống để rồi âm thầm chịu đựng và chờ... Lâu lâu không thấy tôi ghé qua nàng đã viết thư hờn trách! Giờ đây, phỏng nàng còn hờn, còn trách? Nàng còn đợi tôi hay tôi vẫn mãi đợi nàng? Đợi trong vô vọng, đợi với nỗi ăn năn có người yêu nhưng đã không biết đón nhận. Thế là hết! Cuộc đời nàng còn lại được gì? Cuộc đời tôi phỏng còn gì để tiến tới? Phỏng cuộc sống muôn đời chỉ là tiến trình theo đuổi mộng ước và khi đã đạt được lại kiếm tìm những gì còn ngoài tầm tay với để rồi chết đi trong ăn năn tiếc nuối vì mộng không thành? Đã bao nhiêu người giầu sang, tăm tiếng, danh vọng, chức quyền hùng bá một thời, khi chết cũng đi vào mai một cho hợp câu có cũng như không? Phỏng có phải tất cả chỉ là hư không và cuối cùng hư không lại trở về với hư không?

Nhưng tôi tin tưởng và mong chờ một ngày nào đó gặp lại Lan bên kia thế giới. Chả lẽ cuộc đời con người chỉ có thế, được sinh ra, sống, và chết đi là hết? Phải còn gì nữa? Phỏng tình nàng nơi tôi cũng chỉ là hư không? Hư không sao đau thấu lòng người? Những thành quả của các bậc vĩ nhân đã qua đi vẫn còn đang mang lại lợi ích cho nhân sinh; họ chết nhưng phần nào đó của những công việc họ làm vẫn tồn tại trong thế giới hiện thực. Một khúc cây, một đoạn nến cháy tàn nhưng được biến dạng tan vào không khí qua tác dụng của lửa thì đâu phải chúng đã biến vào hư không. Như vậy, chắc chắn con người chết đi không phải là hết mà được thay đổi dạng hiện hữu chứ không mất đi. Còn sự hiện hữu khác, tất nhiên vẫn có đường liên lạc. Sự hiện hữu vô hình tuy mắt trần không nhìn thấy nhưng đâu phải là không có mà sao sự liên lạc ít ai thực hiện được. Phải có người biết, và tôi muốn biết.

Mộ của Lan chơ vơ được vun cao với lớp đất mới, xa cách những mộ khác đã được xây khung bọc hoặc tô đá rửa, trạm hình và ghi ngày tháng sanh, tử, bởi các lô đất đã được mua dành phần trước. Cây Thánh Giá dựng nơi đầu ngôi mộ nàng chỉ gồm vài nét đơn sơ ghi tên thánh, tên gọi, ngày sanh, và ngày qua đời. Mười ngày... nếu tôi về đây trước mười ngày thì ít nhất cũng còn được nhìn thấy nàng lần cuối. Mới mười ngày mà đã trở thành thiên cổ... và từ nay không ưu tư phiền não, không phải chạy theo miếng cơm manh áo lo cho cuộc sống, không giận hờn, than trách. Danh vọng, chức quyền, tiền tài không còn mãnh lực lôi cuốn kẻ đã ra đi. Hình như từ bên kia vọng về lời nhắc nhở rằng tham vọng chỉ có thể ảnh hưởng đối với kẻ chạy theo nó, chỉ làm chủ được những ai thần phục thế quyền. Nàng nằm im đó dưới lớp đất chưa kịp nảy mầm cỏ dại, phỏng có biết tôi đang bị dằn vặt, ăn năn bởi thương tiếc vì đã yêu nàng tha thiết. Tôi câm lặng mong có được cảm nhận siêu hình từ bên kia thế giới và để lòng thấm thía nỗi mất mát xót xa! Thời gian lặng qua, nghĩa trang chìm trong yên tĩnh của màu tối màn đêm đã chan hòa bao phủ... Cuộc đời tôi sẽ đi về đâu? Nơi một nấm mồ như Lan bây giờ và thế là hết? Hư không trở về hư không? Có điểm nào tương tự giữa sinh và tử? Trước khi được sinh ra, bào thai dẫu bị ảnh hưởng tâm tính và điều kiện cơ thể của người mẹ nhưng không cảm nhận được bất cứ gì do giác quan cho tới lúc lọt lòng. Nơi thế giới nhân sinh hữu hình, con người nằm trong đùm bọc cuộc đời. Sinh là khởi điểm cảm nhận sự sống hữu hạn, hữu hình; phỏng tử là khởi điểm cuộc sống vô hạn, vô hình? Thế giới cuộc sống hữu hình hoàn toàn khác biệt với thế giới của thai nhi, và nếu thai nhi cho dù khả năng cảm nhận đến mức độ nào thì cũng không có hoặc không đủ khả năng nhận thức hay cảm nghiệm về cuộc đời... Suy rộng hơn, chính ngay một người cũng không thể nào hiểu hoặc biết hết mọi khía cạnh của nhân sinh. Cũng thế, có thể thế giới vô hình bên kia hoàn toàn khác lạ với cuộc sống hiện hữu này... nhưng làm sao và những ai có thể cảm nghiệm được, ai có thể vén bức màn bí mật của cõi sau; đâu là phương pháp liên lạc?...

Chương 7

Năm tháng dần trôi, niềm đau mất Lan cũng từ từ nguôi ngoai nhưng lòng tôi không thể quên nàng. Tôi lây lất miễn sống cho qua vì chán cảnh phiền hà của việc đua chen kiếm tiền tài, danh vọng... hình như nhận thức về sự chết của con người đã làm tôi không tha thiết cạnh tranh với cuộc sống nên lòng thường thầm tự nhắc nhở với những lời khôn ngoan qua ca dao: "Làm giầu có số, ăn cỗ có phần," hoặc "Làm quan có mã, làm kẻ cả có giòng." Tôi so sánh, Lan cũng như bao người khác đã qua đi, danh vọng hay tiền tài nào còn được gì! Thế nên, sự bon chen vật chất và tăm tiếng chỉ làm phiền não tâm tư. Lẽ tự nhiên, "Hữu xạ tự nhiên hương;" do đó, nếu danh phận đã chẳng có mà cố gồng mình tạo tiếng tăm thì chỉ chuốc lấy sự khổ ải vào thân. Ép xác làm những điều vô ích khiến mình bực bội thà đừng có nó cuộc đời sẽ thảnh thơi, đỡ phiền... Cuộc đời này, có tiền là có tất cả thế nên ai cũng muốn giầu có và ai cũng gắng sức để làm giầu, mà thực tế chứng minh, kẻ giầu nào đã chắc gì tài giỏi hơn ai. Những nhà tỷ phú ở Mỹ đâu có ai học hết trung học trong khi cuộc đời của họ thời kỳ còn nhỏ lại quá ư cực khổ... Nói cho đúng, danh vọng, giầu có, trời cho ai người ấy được chứ không phải muốn và gắng sức thì sẽ đạt tới. Có chăng, sự ham mê danh vọng tiền tài mang lại khổ ải nhiều hơn niềm vui có chúng...

Cũng có thể trong giai đoạn này thời thế đổi thay khiến người người đang trên lưng voi bị vận số vật chìm xuống dưới dấu chân trâu ngựa, đồng thời cũng lắm kẻ trở thành "chó nhảy bàn độc" khiến tôi có thái độ yếm thế chấp nhận. Tuy nhiên, lâm vào cảnh dở thằng dở ông, tôi nào tránh khỏi tâm tư bất mãn với thời cuộc nên đành tìm lối trốn thoát bởi cho dù cố gắng chấp nhận đến mấy cũng không được yên phận nơi một xã hội nhố nhăng như thực tại của lời sấm: "Thằng khôn chạy trốn, thằng ngu dạy đời." Dĩ nhiên, khi lâm vào cảnh khốn cùng ai không cầu đến Đấng Linh Thiêng hoặc bất cứ hồn người nào thân thiết mong được phù trợ. Tôi ra mộ Lan nói với nàng giúp cách tìm đường đi và lòng thì chân thành cầu cùng Chúa hơn bao giờ hết. Tôi còn nhớ hôm ấy là chủ nhật tuần thứ mười ba năm B; nơi nhà thờ, bài đọc từ sách Khôn Ngoan gieo vào đầu tôi nỗi thắc mắc lạ kỳ: "Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi người trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian. Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó" (Khôn Ngoan 1:13- 15). Theo sự suy nghĩ và kinh nghiệm sống bình thường thì Thiên Chúa không tạo dựng sự chết tất nhiên sẽ không có sự chết. Vì vậy, sở dĩ có sự chết phải do động lực nào đó vì Thiên Chúa là trên hết. Đàng khác, con người có sự tự do chính Thiên Chúa cũng tôn trọng. Ác quỷ thuộc về bên kia thế giới làm sao có thể cướp quyền của Đấng Toàn Năng. Thế nên, có thể rằng sự chết lại tùy thuộc sự chấp nhận do quyền xử dụng tự do của con người bởi kẻ nào thuộc về sự chết thì bắt chước nó... Không bao lâu sau, tôi vượt thoát và được định cư tại Mỹ.

Nhân ngày nghỉ cuối tuần chẳng biết làm chi, tôi lang thang ghé vô một thư viện. Vào thời gian này, những loại sách đọc cho biết mà không áp dụng được trong cuộc sống, tôi nghĩ, đọc chỉ uổng công. Truyện, tiểu thuyết, tôi đâu cần giết thời giờ; vả lại, vốn liếng tiếng Anh của tôi nào được bao nhiêu nên cảm thấy khá ngại ngùng khi tìm sách theo tên đề nơi những hộc cards. Tôi lang thang rảo quanh những dãy kệ sách vô tình gặp cuốn Many Mansions của tác giả Gina Cerminara sau này được Nguyễn Hữu Kiệt dịch thành Những Bí Ẩn của Cuộc Đời do Xuân Thu xuất bản năm 1988. Nếu không có những bằng chứng về các sự kiện được tác giả dùng để viết đang tồn trữ tại Virginia Beach, Hoa Kỳ, thì người đọc sẽ cho rằng tác giả cố ý viết loại truyện hoang đường hỗ trợ thuyết luân hồi của nhà Phật. Đọc xong cuốn sách, tôi như bị xâu xé bởi trận chiến giữa một thực tại có thể kiểm chứng và niềm tin đã được dạy dỗ, chấp nhận từ bao lâu nay: đời sống hiện tại một người là kết quả do sự ảnh hưởng của thái độ, lối sống nơi những kiếp trước và niềm tin của Công Giáo rằng chết là sự trở về với Chúa, trở về cùng Đấng Tạo Hóa; linh hồn của một người sau khi chết được thưởng hay phải chịu phạt tùy theo lối sống của chỉ một cuộc đời độc nhất đã được ban cho nơi trần thế này.

Ông Cayce, một tín hữu Cơ Đốc Giáo, tha thiết với cuốn Thánh Kinh, không biết gì Luân Hồi, lo sợ trở thành phản đạo, có khả năng khán bệnh bằng thần nhãn qua giấc ngủ thôi miên để trả lời những câu hỏi dưới sự dẫn dụ của người khác, đưa ra những phương pháp chữa những bệnh nan y mà các bác sĩ đã chịu bó taỵ.. Ông đã được khuyến khích dùng khả năng thần nhãn đi sâu vào công việc soi kiếp... và những sự việc xảy ra đã minh chứng rằng hoàn cảnh và khả năng của người đời không phải là do ý muốn của Thượng Đế hoặc ảnh hưởng của sự di truyền mà là kết quả của những hành động và cách xử thế của con người trong những kiếp trước. Thế nên, mọi cay đắng, thất bại, đau khổ nơi cuộc sống đều là những phương tiện giúp chúng ta tiến dần đến sự toàn thiện. Qua cuốn sách, nhiều sự kiện được ghi lại khiến độc giả ngạc nhiên nhưng điểm đánh động lòng tôi mạnh mẽ nhất là tâm tình, lời nói, hoặc thái độ đối với kẻ khác cũng ảnh hưởng đến chính cuộc sống của mình. Đã bao lâu nay, những câu rất thường: "Hãy làm cho kẻ khác những gì ngươi muốn kẻ khác làm cho ngươi," và "Cây tốt không sinh hoa trái xấu," hoặc "gieo gió gặt bão" không ngờ lại chứa đựng chân lý sâu xa về tâm linh. Bàng hoàng xét lại sự quá quắt của cái miệng mình vì nào có bao giờ tôi chịu thua ai, gặp trường hợp không thể đốp chát được với người nói chạm đến mình, chẳng cách này thì cách khác, không dịp này thì dịp kia tôi cũng đã cố dành cơ hội buông ra những lời bất lợi cho họ, tôi cảm thấy mình cần đặt lại vấn đề. Lại còn những chuyện diễu đầy vẻ vô tình nhưng cố ý làm tổn thương tự ái người khác thì không thể nào tưởng nhớ lại cho đủ, cái miệng của tôi thua một trả mười và tâm tư luôn luôn để ý những điều gieo gió mà không nghĩ chi đến những cơn bão sẽ bị gặt... Đồng thời, tôi cũng nhận ra luật yêu thương của đạo Công Giáo không đơn giản như tôi đã nghĩ từ bao lâu nay và có thể tóm tắt bằng một câu đơn giản nhưng đầy vẻ tuyên án. Đó là nếu lời nói hoặc thái độ làm cho kẻ khác bị tổn thương, khiến họ mang mặc cảm tự ty, hoặc có hại cho danh dự của họ thì lời nói hoặc thái độ này tương đương với hành động tội ác và chính mình phải trả giá cho những điều này không thể tránh thoát.

Xét như thế, bãn ngã con người là tham sân si nên luôn luôn lầm lẫn, luôn luôn gieo gió do đó linh hồn có được những cơ hội hiện thân nơi những cuộc sống khác nhau để dần dần sửa đổi tiến tới mức độ toàn thiện trở lại kết hợp với Thượng Đế mới chứng tỏ được sự khoan dung bao la của Đấng Toàn Thiện. Cho có cơ hội sửa sai mới chứng tỏ lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa mà Đức Kitô rao giảng. Nghĩ đến đây tôi lại bị sự đe dọa của mối lo sợ rối đạo giống như ông Cayce đã băn khoăn vì e trở thành phản đạo bởi nếu cho rằng những sự việc xảy đến với cuộc đời một người chịu ảnh hưởng của cuộc sống tiền kiếp thì tôi đã chấp nhận chủ thuyết luân hồi, sự tin tưởng của Ấn Giáo và Phật Giáo. Mặc dầu lo sợ trở thành rối đạo nhưng những sự kiện được chép lại nơi cuốn Many Mansions có cả mớ tài liệu minh chứng không thể chối cãi ở Virginia Beach đã không cho phép tôi nghĩ rằng đó là chuyện huyền thoại. Do đó, tính chất phản kháng bảo vệ sự thật nơi tâm trí tôi được dịp bùng lên tranh cãi. Tôi không phải tin những sự kiện này vì chúng đã xảy ra, chúng là sự kiện cũng như tôi không phải tin những sự chữa lành mà người ta gọi là phép lạ xảy ra ở Fatima hay Lộ Đức. Đó là những sự kiện được nghiệm chứng rõ ràng, thành quả của đức tin chứ không phải là điều phải tin. Hơn nữa, nếu tin rằng Chúa có lòng thương bao la đối với con cái loài người mà không chấp nhận Chúa cho con người lầm lỗi những cơ hội sửa sai để trở nên toàn thiện rồi về với Ngài thì đương nhiên đã tự chứng minh lòng thương của Chúa giới hạn chứ chẳng bao la chút nào. Đã có những lý luận cho rằng tự con người từ chối ơn cứu độ của Chúa mà sa ngã phạm tội nên họ tự tạo nên hỏa ngục cho họ bởi Chúa không muốn ai mất đi, không muốn ai phải sa hỏa ngục. Hay, lý luận hay nhưng bể. Kinh nghiệm sống chứng minh, dẫu người con khốn nạn đến thế nào chăng nữa, có bao giờ cha mẹ đành lòng chấp nhận để con mình chui xuống hỏa ngục đời đời trong khi có thể giúp nó phương tiện khác tránh khỏi sự trầm luân vô tận đó không. Con người giới hạn còn thương con như thế thì Thiên Chúa với tình thương bao la sẽ như thế nào? Phỏng câu nói "Chúa phạt xuống hỏa ngục đời đời" có phải là kết quả của sự nóng giận bất thường nơi con người hay là một cách nói lên lòng thương của Chúa chỉ giới hạn thua con người. Phỏng tin rằng Chúa không cho mình cơ hội để sửa sai dẫu sau khi chết có phải là một lối minh chứng Chúa của mình không từ bi bằng Đức Phật, thua Thượng Đế của Ấn Giáo? Có phải đã bao lâu nay tôi "đì" Chúa của tôi? Đồng ý rằng đạo Công Giáo cung cấp nhiều cơ hội đó là những phép Bí Tích cho con người trở về với Chúa, nhưng gặp những trường hợp không bởi tự mình và chính con người cũng không đủ khả năng để nhận thức thì lỗi lầm đổ tại ai? Trong Phúc Âm đã có trường hợp các môn đồ hỏi Đức Kitô về một người mù: "Rabbi, ai đã phạm tội, nó hay cha mẹ nó để nó phải sinh ra mù lòa vậy?" (Gioan: 9:2) mà Đức Kitô đã trả lời "Để công việc Thiên Chúa được hiện tỏ" có nghĩa thế nào? Đã bao nhiêu thế kỷ con người không biết sự ảnh hưởng của chất rượu trên não bộ thai nhi, đã bao nhiêu người vừa sinh ra với bộ Óc lệch lạc thì kết quả của lầm lỗi này do Chúa hay do sự thiếu hiểu biết của con người? Những hậu quả tai hại bởi sự thiếu hiểu biết từ xưa đến nay phỏng không phải là những trọng tội kinh khủng mà chính con người cũng không nhận ra trọng tội bởi dốt nát, đam mê thỏa mãn sở thích... trong khi lại hùa nhau kết án cá nhân... không đáng quăng xuống hỏa ngục đời đời thì những lỗi phạm cá nhân nào thấm thía gì? Vậy hỏa ngục ở đâu? Chỗ nào xử phạt những lầm lỗi quá lớn lao này? Tuyệt, tôi cảm thấy vui mừng khi đặt vấn đề đến đây vì đã có giải đáp. Chẳng còn hỏa ngục nào gớm ghê hơn cuộc đời chúng ta đang phải đối diện thường ngày. Nó đầy đủ mọi cực hình, mọi ham muốn hành hạ con người đến chết thì thôi và chỉ có chết mới thoát nỗi khổ ải triền miên này, chưa chết, chưa thoát ham muốn cho dù ham muốn được xếp vào loại nào, tốt hay xấu. Thực tâm nhìn lại chính mình, chưa chắc những ham muốn điều xấu đã làm con người đau lòng bằng ham muốn điều tốt lành. Bạn nghĩ thế nào khi thấy một số người giết những thai nhi kết quả của bản ngã không tính toán? Nỗi đau nào xót xa hơn vì muốn ngăn cản mà dành bó tay nhìn kẻ khác thực hiện tội ác? Vết thương lòng này bao giờ mới có thể được xóa nhòa nơi tâm hồn những người mẹ giết con? Và rồi thế nào đối với những người lương tâm bệnh hoạn?

Nghe những chuyện ma, những chuyện cầu hồn, tôi tin tưởng có một thế giới bên kia đồng thời cũng tin có những sự kiện thực của cõi vô hình đang tiếp diễn phía sau những nghi thức mà nhiều khi vì "vô tri bất mộ" con người không nhận biết. Mò mẫm hỏi về cầu cơ, một phương pháp đơn giản để liên lạc với các hồn bên kia với ý định thử, những người đã quá quen thuộc với cầu cơ kể khá nhiều chuyện ly kỳ. Nào là họ nhờ ma xó mời hồn của bố mẹ họ về cho biết tình trạng bên kia của ông bà ra sao, nào diễu chơi với hồn, hoặc có lúc hỏi vài câu để có sự trả lời về những gì có thể kiểm chứng ngay nơi một vài người khách đến thăm khiến họ ngạc nhiên v.v... Có người kể, hôm ấy một hồn người Pháp, ông ta là thi sĩ, đã đọc cho họ chép nguyên văn bài thơ bằng tiếng Pháp mà ông ta đã chưa kịp gửi cho báo đăng trước khi chết trận ở Việt Nam. Người thì kể khi hỏi muốn gì, hồn trả lời muốn hút thuốc, hồn muốn ăn phở. Một hôm, đang mùa chôm chôm, hồn lên muốn ăn chôm chôm; nhân tiện nhà còn ít chôm chôm đã để mấy ngày, người cầu cơ lấy ra đĩa bưng đến; hồn không chịu vì chê chôm chôm đã bị dập thâm mất một ít. Người đứng ngoài lên tiếng nói muốn ăn chôm chôm tươi thì mua mà ăn, và hồn chạy cơ trả lời là nói đểu. Điều đặc biệt, mọi người đã từng cầu cơ đều có nhận xét rằng những hồn, những ma xó tuyệt đối không bao giờ được phép nói lên bất cứ điều gì bất lợi hoặc làm hại đến bất cứ ai; các hồn chỉ nói những điều vô thưởng vô phạt. Tôi vẽ bàn, ngồi cầu cơ chung với họ nhưng hồn không lên, cơ không chạy và bị cho rằng vì tôi không tin hoặc có một số người cầu, cơ sẽ không bao giờ lên.

Người khác kể rằng bên cạnh nhà anh ta ở Việt Nam có một gia đình cầu hồn để bói toán kiếm tiền. Anh ta là Công Giáo nên cho rằng làm như thế là sai, có hại cho những người tin dị đoan. Một buổi tối, anh ta lấy nước phép ở nhà thờ về rảy lên mái nhà người cầu hồn, và thế rồi hôm sau họ gọi hồn không lên nên chẳng bói toán chi được. Gia đình cầu hồn nhận ra có điều gì đã xảy đến nên sang nói với gia đình anh ta rằng họ không làm gì đụng chạm đến cuộc sống và niềm tin của gia đình anh ta thì cũng làm ơn đừng phá họ.

Một cụ cỡ chừng bẩy mấy kể cho tôi nghe chuyện chính cụ chứng kiến. Số là có một thày giảng giúp xứ đạo cụ Ở ngày xưa; nhà thờ ở cách một ngôi chùa chừng nửa cây số. Thày giảng ngày đó cũng đứng tuổi, cỡ sáu mấy, bẩy chục và biết về môi. Năm ấy, nhà xứ trồng được một vườn cà ghém rất sai trái đã đến lứa. Mới tối hôm trước cha xứ nói thày giảng ngày mai hái cà bán thì sáng hôm sau không hiểu sao ai đã hái trộm sạch cả một lứa cà. Thày giảng trình cha xứ, có điều, cha xứ cũng dễ tính nên chuyện qua đi không thắc mắc trong khi thày giảng lộ vẻ hơi bực bội. Ít lâu sau đến lứa cà tiếp theo cũng thế, cha xứ mới dạm nói hái cà bán tối hôm trước thì sáng ngày ra đã có ai hái trộm thêm lứa cà nữa. Thời gian trôi qua không chuyện gì khác thường xảy đến cho tới vụ cà thứ ba; tối hôm ấy cha xứ nhắc thày giảng ngày mai hái cà vì đã tới lứa. Cỡ bẩy giờ sáng hôm sau nhà chùa cho người sang gặp cha xứ để thưa chuyện và muốn gặp thày giảng thì lúc ấy thày đang ngồi bắt quyết trong khi chung quanh vườn cà thấy có mấy đường chỉ ngũ sắc căng ngang và không hiểu sao khá nhiều lá tre tấp vào dính đầy trên những đường chỉ ngũ sắc này. Người bên nhà chùa thưa chuyện đoạn giải thích rằng đây chỉ là chuyện giỡn chơi và đồng ý đền cả hai lứa cà trước.

Nghe người ta kể về đặc tính của hồn ma không nói điều gì hại tới người khác, câu hỏi thế sao có sự yểm, bùa ngải hại người đã xảy ra như một vài trường hợp chính tôi được biết đã gây nhiều nghi vấn. Vậy những sự kiện đạo thờ quỉ, những trường hợp quỉ ám chứng minh là có ác thần từ đâu ra? Tại sao những người cầu cơ lên không hỏi những hồn ma về cách thức chữa những bệnh nan giải cho người khác được nhờ? Nếu những hồn ma biết được những chuyện nơi thế giới con người thì tại sao không hỏi hồn để tìm những thủ phạm tội ác vì nếu làm như thế sẽ ngăn ngừa được tất cả những tội ác có thể xảy ra. Một người kể rằng ngày xưa thời ông ta còn nhỏ ngày nào cũng cầu cơ, nhưng cứ đúng ba giờ chiều thì hồn nói rằng phải về ngục và sẽ trở lại vào lúc bẩy giờ tối. Tuy nhiên, các hồn lên cơ rất vui vẻ và những câu trả lời chứng tỏ các hồn khá thân thiện với những người ngồi cơ.

Dẫu vậy, dù nghe nói, dù thấy những sự kiện khác thường nhưng tôi chỉ coi đó là những chiếc bánh vẽ. Ngồi trước một mâm cơn thịnh soạn, hương thơm thức ăn, đồ uống ngào ngạt mà không được nếm thử làm sao biết món ăn thực sự thế nào. Cũng như đức tin của tôi đã bao lâu nay được dạy dỗ, cố tin mà vẫn chỉ tin cho có hoặc tin vì lý do nào đó, có thể là vì biết rằng ngày nào đó mình không thoát khỏi cái chết hay vì đã bị nhồi sọ, ngày này qua tháng khác bị tuyên truyền theo lối rỉ tai nên thành thói quen. Có thể rằng nếu không chấp nhận những điều được dạy dỗ, không nghĩ rằng những gì được dạy là đúng lỡ ra chúng có thật thì uổng chăng mà đến lúc nhận ra lại đã không còn thời giờ hay cơ hội đặt vấn đề. Hơn nữa, cứ nghĩ rằng mình tin, cho rằng mình tin nào có thiệt thòi chi nên dù mù mờ chấp nhận vẫn có cảm tưởng chắc ăn hơn là bất cần vì có còn hơn không. Tuy nhiên, sự tin tưởng mù mờ này khiến tôi bứt rứt. Những câu Phúc Âm thật rõ ràng mà sao cứ thấy như hoang đường: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa" (Gioan 14:12). Người khác có thể cầu cơ được mà tôi cầu không được... sao có thể cho là đúng vì cuộc đời này thiếu gì kẻ nổ, thiếu gì người muốn tỏ ra mình hay, giỏi nên có cơ hội là cứ việc phét lác. Những chuyện đơn giản như thế mà còn mơ hồ đối với tôi thì nói chi đến chuyện tin với không, nói chi đến sự thực nơi lời Phúc Âm. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng chả lẽ qua bao thế kỷ với muôn người chỉ tin tưởng vào một mớ lý thuyết rỗng không? Vậy những người ấy đã dùng phương pháp nào để có thể tin vững rằng những điều đó là đúng và có thể thực hiện được? Họ tin tưởng thế nào hay cũng chỉ mù mờ như tôi? Họ có bao giờ kiểm chứng đức tin của họ? Bao nhiêu Phật tử, đã có bao giờ họ nghiệm chứng luân hồi hay là cứ cho rằng điều đó là đúng để chấp nhận một cách không tìm hiểu, cùng lắm thì chỉ nhai lại mớ luận lý đã được nhồi sọ. Nếu thực sự có luân hồi thì ít nhất một người phải biết không rõ cũng mù mờ rằng kiếp trước mình là gì, mình đã sống thế nào và bây giờ phải ra sao. Hơn nữa, bao nhiêu người cho rằng mình là Phật Tử đã không bao giờ bước đến ngưỡng cửa chùa; có tượng Phật ở nhà nhưng một năm phỏng được mấy lần tụng niệm...? Có đặt vấn đề thì lại tự ngụy biện rằng đạo tại tâm; đã không tin tưởng gì thì tại tâm hay tại rốn cũng chỉ là lối bào chữa cho chiều hướng duy vật, được sinh ra, sống, chết là hết như một con thú. Theo đạo như thế cũng chẳng khác gì mơ ước điều không tưởng, tôi nghĩ thế... trong khi mình kiếm tìm sự thật nơi các tôn giáo thì chỉ thấy những điều phải tin... Đã tin cần gì phải, và đã phải lại có thể chỉ là thứ tự kỷ ám thị hoặc tự lừa dối mình.

Năm cuốn sách của bộ Life And The Teaching Of The Master Of The Far East do Baird T. Spalding viết càng làm tôi hoang mang. Ông nói về cuộc hành trình của phái đoàn mười một người đi vào những vùng của Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, và Ba Tư để sống với những vị chân sư và học hỏi về những sự kiện tâm linh áp dụng trong đời sống. Đại khái, bộ sách đưa lên điểm chính yếu là con người được sinh ra không phải để chết mà sự chết lại chính là giới hạn con người đặt ra cho mình. Phiền quá, nói thì nói thế mà Baird T. Spalding cũng đã không còn sống nơi trần thế này. Những vị chân sư đi vào vô hình, ra hữu hình và sống từ bao nhiêu năm tiếp tục giúp đỡ con người tự bao lâu nay mà không ai biết. Họ biết biến thân, dùng thần giao cách cảm để thông tin v.v... Điều tôi ao ước tìm kiếm mà không thấy là phương pháp thực nghiệm nào có thể áp dụng để trở nên những vị chân sư thì bộ sách không nói đến mà chỉ dùng điều kiện ý thức chắc chắn, vững vàng rằng mình thuộc về hiện trạng đó thì sẽ trở nên như vậy. Những giải thích về một số vấn đề cần được ý thức nơi tập số bốn và sự trả lời cho những câu phỏng vấn của tập năm lại cũng chỉ dùng lý luận nhiều hơn. Điều khiến tôi nghi ngờ nhất đó là quan niệm xưa của Spalding: ánh sáng mặt trời là ánh sáng tự phản chiếu của trái đất từ một điểm khá xa và sức nóng của mặt trời qua ánh sáng truyền xuống trái đất là sức nóng của trái đất mà thôi. Tôi nghĩ, nếu trái đất tự nóng như thế, những tảng băng ở Nam và Bắc Cực tan ra thì lấy đất đâu cho con người ở. Nghĩ cũng kỳ, kiếm phương pháp không thấy mà chỉ thấy sách viết về những sự la....; biết để làm gì nếu không áp dụng được cho mình, tôi chán nản!

Cuốn Wisdom, Bliss, and Common Sense khuyến khích tôi có niềm tin vào sự thật tâm linh nhiều hơn; đồng thời nó cũng giúp tôi phần nào tin tưởng rằng khát vọng kiếm tìm một hạnh phúc vĩnh cửu vẫn có thể thực hiện được. Có điều cảm nghiệm của Darshani Deane về cơ hội được an bài phần nào khiến tôi nhụt chí bởi bà cho rằng không phải lo lắng, khi chuyện cần phải xảy ra, thì dù một người không muốn, cuộc đời cũng sẽ dồn ép hoặc có sự sắp xếp thần linh nào đó giúp con người cơ hội sống hòa hợp với định mệnh đã được an bài. Tôi nghĩ, nếu thực sự tìm tòi, cố gắng không cần thiết thì ước mơ của tôi chỉ là hão huyền. Cuốn này hòa hợp với cuốn Many Mansions tạo nơi tôi lòng trầm tĩnh, chấp nhận và ý thức hơn về thái độ cũng như lối sống.

Chương 8

May mắn, loạt sách Huyền Môn do Xuân Thu xuất bản giúp tôi có được những nhận định rõ ràng hơn đồng thời cũng tránh được những lý thuyết hoặc sự kiện được chép lại dường như chỉ cố tình khơi động tính tò mò của độc giả, nhất là những hiểu biết, quan niệm sai lạc về thiền đang thao túng khát vọng tìm hiểu đường hướng thực nghiệm tâm linh của con người. Nhờ cuốn Xứ Phật Huyền Bí mà tôi tin tưởng thêm câu Kinh Thánh "Người ta sống không nguyên bởi bánh" (Mt. 4:4; Lk. 4:4) là một hiện thực nhưng con người chưa ý thức được khi tác giả nói đến thánh nữ Têrêsa Newman và vị thánh Giri Bala ở Ấn Độ. Cuốn Tây Tạng Huyền Bí, câu truyện của Lạt Ma Lobsang Rampa viết về cuộc đời chính mình bổ túc về vấn đề soi kiếp và ảnh hưởng của tiền kiếp cũng như giá trị của sự tự do chọn lựa quyết định lối sống của một người. Cuốn Đông Phương Huyền Bí kể lại hành trình học thiền của tác giả nhà báo Paul Brunton do chính ông viết. Tuyệt, sự thật về thiền chẳng còn gì rắc rối và khó khăn nhưng tôi vẫn cảm thấy ít nhất vài điểm coi như không quan trọng đối với sự cố gắng thực hiện hành trình kiếm tìm thế giới tâm linh mà lại nắm phần then chốt định đoạt sự thực nghiệm thiền của mình. Nếu con người do ảnh hưởng bởi kiếp trước mà không có số đạt tới giới cảnh tâm linh ở kiếp này thì sự cố công thiền của họ đi về đâu? Phỏng có tiến tới được mức độ nào khả dĩ khích lệ cho họ tiếp tục thiền không? Qua những lần thử thiền, tôi thấy mình hình như không có duyên phận, dễ nản, vậy có nên cố gắng tiếp tục không bởi nếu tôi mang phận số để đi sâu vào thế giới tâm linh thì tôi phải được sinh ra với bản năng đam mê thiền. Hơn nữa, nếu đã có định số thì tránh cũng không thoát mà đã không có duyên cơ, dù cố gắng cũng chẳng ăn thua gì.

Tất nhiên, ai thực hiện một công việc gì cũng đều mong đạt được kết quả. Thuở ban đầu, sự mơ ước của tôi là kiếm tìm nguồn hạnh phúc vĩnh cửu; tuy nhiên, những cuốn sách kể về quyền năng của các vị chân sư có sức hấp dẫn không sao tả nổi, rồi nào những câu chuyện linh ảnh, do sự liên lạc được với một quyền năng bao trùm vũ trụ trong đó con người được chia phần đã khơi động phàm ngã tôi nổi dậy mà cố công lục lọi một phương pháp thực nghiệm rõ ràng cho mình. Thực tại cho thấy, càng tìm kiếm thì lại càng mông lung; tác giả này nói thế nọ, tác giả kia nói thế khác đồng thời không ai chịu nhận lối tu luyện của mình là đúng nhất, cũng không ai cho rằng chỉ có đường lối mình theo mới có thể đạt được đến bực đó. Đối diện với lý thuyết rằng Thượng Đế tức là niềm phúc lạc luôn luôn đổi mới không ngừng... Cái mà hành giả khát khao tìm kiếm nhưng vẫn gặp đó là Thượng Đế, chỉ có Ngài mới đem lại cho con người hạnh phúc vô tận; thế nên "Những vị thánh đã thực hiện bản chất thiêng liêng của mình trong khi còn ở thế gian... trong khi họ vẫn làm công việc của thế gian, tâm hồn họ đắm chìm trong một trạng thái phúc lạc bên trong nội tâm" (CBCS Yogi Ấn Độ; tr. 169). Chẳng khác gì mò mẫm trong rừng giữa đêm ba mươi, lộ ra được một chữ thiền thì càng tìm hiểu về thiền lại càng bước vào rừng chỉ rối. Thật là lắm phép, lắm kiểu với những cái tên Ấn dài lòng thòng, bao gồm từ không ngồi thiền đến những kiểu cách tu nghiêm khắc tới độ hủy hoại phần nào thân thể. Nào đâu đã hết, kẻ thì cứ ăn uống tự nhiên, không ngồi thiền ở hai cuốn về Thông Thiên Học của ông Olcott; tập luyện mà vẫn cần mạng số tiền kiếp ảnh hưởng như trong cuốn Tây Tạng Huyền Bí; ngồi thiền không cần quy luật thở hít mà chỉ cần ý thức nhận định bản thể của mình bằng cách giải đáp câu hỏi "Tôi là ai?" của nhà báo Paul Brunton; chỉ cần ý thức mạnh mẽ được nhấn mạnh theo quan điểm của Baird P. Spalding; và phương pháp đặc biệt đem lại thành quả siêu tuyệt của thiền sư Yogânandạ.. Thành quả đâu chưa thấy nhưng ảnh hưởng của sự tìm tòi qua sách vở đã hiển hiện; cái đầu tôi giật bưng bưng vì đam mê đọc sách và cố gắng phân tích những lý thuyết khác chiều hướng với hy vọng tổng hợp được một phương pháp thực nghiệm căn bản chẳng những đạt tới niềm hạnh phúc kiếm tìm mà lại sở đắc quyền năng vô biên của các bậc chân sư, đồng thời nếu may mắn thành công, có thêm chút danh thiền sự.. thì lại càng tha hồ sung sướng.

Nhưng cái danh thiền sư đâu thể có giá rẻ như vậy! Không cuốn sách về thiền nào mà không nói tới sự quan trọng của một vị thày, một chân sư đối với người môn sinh thực lòng thiền niệm, và sách nào cũng đoan chắc rằng nếu môn sinh thực sự muốn, vị thày sẽ được gửi tới... bởi đó tôi yên tâm chắc mẫm thế nào mình cũng thành thiền sư nay mai nên càng ra công học hỏi, mê man đọc đến nỗi quên cả giờ giấc ngủ nghỉ. Dĩ nhiên, có đọc có biết dẫu chưa chắc điều mình biết sẽ đem lại lợi ích hay không. Chữ thiền mới đầu nghe đơn giản thế mà lắm rắc rối, đơn sơ nhất đã có thể phân chia làm hai loại, thiền khí công và thiền tâm linh. Thiền khí công lo luyện tập về thể xác, tạo nội lực mà nhà Phật gọi là Chân Hỏa Tam Muội, Ngọc Kim Cương v.v... Ai đọc truyện kiếm hiệp sẽ thấy nội lực này được xử dụng để phát sinh chưởng, có năng lực chống lạnh, giải nóng. Nguyên tắc của thiền khí công dựa trên lý thuyết ý dẫn khí và khí dẫn huyết mà dẫn như thế nào mới là vấn đề quan trọng, dẫn lung tung sẽ bị tẩu hỏa nhập ma. Qua sự mò mẫm, tôi biết đại khái có mấy đường dẫn như sau: từ từ hít hơi bằng mũi, tưởng tượng rằng đẩy làn hơi xuyên qua hoành cách mô sâu xuống đan điền tức là cỡ đốt dưới của ngón cái phía thấp hơn rốn, thở ra bằng mũi sẽ phát triển nội lực như những người theo Hiệp Khí Đạo hoặc Zen dưỡng sinh thường luyện tập, nếu thở ra bằng miệng, sẽ có nội lực thuộc loại các nhà nhân điện dùng chữa bệnh.

Không dẫn khí xuống đan điền mà cho chạy theo những luân xa mới rắc rối, cần thày chỉ dẫn. Đụng đến luân xa tức đối diện với những quan niệm khác nhau. Kẻ nói tám, người quan niệm bảy luân xa nằm từ đầu mũi chạy vòng lên đỉnh đầu và dọc theo tới tận cùng xương sống; thiền sư Yogânanda nói trong sách chỉ có sáu vì không tính hai huyệt tại chóp mũi và sơn căn. Bí thuật dẫn khí ra sao không nơi nào giảng giải khiến tôi đã mù tịt lại càng rối rắm thêm. Khi đọc sách, tôi cố gắng để ý từng chữ may ra tác giả vô tình sơ sót lộ bí mật nhưng thường thì cứ gặp những câu nói tức anh ách đại khái rằng phép tu luyện quí giá như vậy đâu dễ gì đem tiết lộ cho quần chúng. Mỗi lần gặp những đoạn nói kiểu này, tôi tự rủa thầm tác giả ích kỷ bởi hình như họ đã cố ý khêu gợi cá tính thèm khát danh vọng nơi tôi. Không đọc thì ham muốn biết; biết lưỡng chừng ham muốn tập, mà tập thì xuýt chút nữa tẩu hỏa nhập ma nếu không có một người bạn vô tình chỉ giáo. Số là đã hơn một tuần, tôi "ngồi công phu" mỗi ngày, khi thì dăm ba phút, lúc mê say vài chục phút... theo thứ tự đúng y chang ngón nghề ăn cắp do những phần các thiền sư tác giả vô tình bật mí: ngồi kiết già hay liên hoa, đầu và lưng cho thẳng, đôi mắt lim dim dồn về tâm điểm sơn căn, thở hết hơi ra, từ từ hít vô bằng mũi, tưởng tượng đẩy luồng không khí xuống đan điền tới lúc chẳng thể hít vô được nữa, ngưng một chút, từ từ thở ra, ngưng một chút và từ từ hít hơi vào... Được vài hơi, sơn căn tê tê, người say saỵ.. A ha, mới công phu có vài bữa mà khí lực đã dồi dào vì thấy khỏe khoắn hơn.

Nhưng tôi không thích loại công phu này bởi bản tính lương thiện, không thích đánh nhau nên chẳng cần nội lực oánh chưởng. Dẫn khí huyết mở luân xa coi bộ hấp dẫn hơn vì những tác giả thiền sư đầy quyền năng công phu kiểu này. Tôi nghĩ, đả thông càng nhiều luân xa càng tốt nên cho khí chạy đủ tám luân xa mong nắm phần chắc, cho chạy ít, lỡ thiếu uổng công sức. Dẫn khí chạy tới, chạy lui, hết chạy xuôi cho chạy ngược... tôi tưởng tượng khí huyết hai chiều công phá sẽ giúp luân xa thông suốt mở toang hoác càng mau đạt tới thành quả... được ít ngày, mỗi ngày dăm phút thấy thắt lưng ẩm ẩm ê ê. May mắn, hôm đó đến chơi một nhà người bạn, đúng như lời Lão Tử, "Ngôn giả bất tri," tôi thao thao phét lác về thiền, về công phụ.. Để cho kẻ dốt nói chán, bạn tôi nhẹ nhàng hỏi: "Có phải mày thấy ê ẩm ngang thắt lưng không? Tẩu hỏa nhập ma rồi đó ông ơi!" Cái thằng róm, chỉ một câu nói hời hợt mà nó phá tanh bành bao nhiêu công phu mò mẫm của tôi. Dĩ nhiên, nó nói trúng chóc và chỉ ngắn gọn có thế, tôi cố gắng dò hỏi thế nào nó cũng không chịu nói thêm, miệng cứ câm như hến; bị tôi lý luận bắt chứng minh, nó kiếm cách đổi đề tài... ngôn giả bất tri!

Kể ra tôi cũng chịu khó luyện tập đồng thời lợi dụng mọi cơ hội thúc đẩy thiền công... nhưng, tinh thần thì sáng suốt mà thể xác lại yếu hèn nên chẳng đi đến đâu ấy là còn may mắn chưa bị liệt bại vì tẩu hỏa nhập ma. Dĩ nhiên, nào ai muốn chịu sự khó, thế nên tôi chọn những lời dạy dễ dàng của tác giả thiền sư mà noi theo thay vì những phương pháp khổ hình mong có chân hỏa, tay hỏa... Tổng kết, thiền chỉ cần ngồi, nằm, đứng... sao cho đừng ngủ quên là được và giữ tâm tư thanh tịnh, hai mắt khép hờ, hướng về sơn căn hay đầu mũi và rồi muốn tới đâu thì tới. Thật ra, lý do tôi chọn nhắm mắt vì mở mắt khó chịu hơn. Những hiện tượng nhìn thấy linh ảnh nọ kia, nghe được âm thanh này nọ cùng nhiều sự lạ lùng như các tác giả thiền sư đã viết chưa kịp thấy, tôi cố gắng ngồi nhưng lười. Đứng thì mỏi chân, vặn vẹo thân xác lại đau lưng, nhức hông, chổng ngược mỏi cổ nên tôi chỉ tập thiền nằm. Lẽ thường, cũng có nhiều thế nằm, nào ngang, nào dọc, nghiêng phải, nghiêng trái, nằm ngửa, nằm sấp, theo đủ mọi phương hướng ngoại trừ hai hướng thiên địa... Một điều hiển nhiên ai cũng có thể nhận ra đó là thế thiền nằm nào cũng đưa công phu của tôi vào cõi u minh, vô vi đến độ quên cả vô vi.

Dẫu cho là ngụy biện thì sự chọn lựa phương cách thiền lười biếng của tôi vẫn là kết quả của một số lý do. Trước hết, không có thiền sư nào giải thích tại sao phải ngồi thiền; có chăng họ chỉ nói tới phải ngồi cho thẳng lưng, và lẽ tất nhiên, nằm lưng vẫn thẳng. Paul Brunton còn đặt vào miệng một thiền sư lời bình luận rằng thế ngồi thẳng lưng và xếp vòng chân lại chỉ có mục đích giữ cân bằng sao cho cơ thể không bị ngã nghiêng khi nhập định; như vậy, thế nằm mang giá trị cân bằng nhất, tim đập nhẹ nhàng hơn vì không phải bơm máu ngược lên đầu. Hơn nữa, thiền sư Yogânanda nhận xét ngủ cũng là một phần của thiền vì trong khi ngủ, người ta vô tình thiền bởi đã thoát ra ngoài mọi ý thức về xác thân để đắm chìm một cách vô ý thức trong cái kho dự trữ tinh lực của vũ trụ, nguồn gốc của mọi sự sinh tồn. Theo quan niệm này, thiền là trạng thái vô vi của Lão và thực sự hợp với câu nói ngược "Càng làm ít càng tốt, mà không làm gì cả lại càng tốt hơn." Sự khuyến khích lắng nghe tiếng Chúa của Công Giáo còn được gọi là chiêm niệm nào khác gì bỏ lại tất cả mọi sự phiền hà tính toán, mở rộng lòng cho vô thức làm việc... Paul Brunton còn nhấn mạnh khi đặt vào miệng chân sư Maharichi lời khuyên tìm câu trả lời "Tôi là ai?" mà không đặt vấn đề ngồi đứng thế nào. Như thế, thiền định giúp con người nhận thức chân ngã, căn bản của tiểu ngã nếu nói theo Ấn Giáo. Đối với Khổng học thì đó là "bản thiện;" Công Giáo gọi là linh hồn. Như vậy, thay vì đặt vấn đề về cuộc đời hiện tại, người thiền tìm về động lực nguyên thủy con người được gọi là sự minh triết. Theo kinh nghiệm thiền nơi các sách tôi đọc, bất cứ ai đạt tới sự minh triết này đều nhận ra sự sống đích thực của một người không phải chỉ là sự sống thân xác mà cuộc đời xác thân là một phương tiện cho sự sống vĩnh cửu của chân ngã, của bản thiện, của linh hồn. Nhận định này phù hợp với câu nói có vẻ ngược của Đức Giêsu: "Kẻ nào tìm cách duy trì sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ nào đành mất thì sẽ cứu sống nó" (Lc. 17:33). Dẫu chữ "nó" hình như được dùng cho gọn văn chương có lẽ không chỉnh vì theo Mt. 10:39, 16:25, câu nói bao hàm nghĩa khác: "Kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta thì sẽ gặp lại." Nơi Mc. 8:35 còn thêm "vì Tin Mừng" nên có thể hiểu kẻ nào đành mất sự sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ gặp sự sống khác...

Tất nhiên, những hiểu biết, dẫu mù mờ, trên đã trở thành động lực thúc đẩy tôi thử thiền. Chẳng những thế, những gì càng mơ hồ thì lại hình như càng mang nặng tính chất hấp dẫn khuyến khích óc tò mò. Thực tế hơn, tôi suy luận, ngồi trước một bàn tiệc thịnh soạn với những của ngon vật lạ, được mọi người nói cho biết, dù đúng hay sai, thức ăn tuyệt vời; làm sao tôi cảm thấy tuyệt vời nếu chỉ ngồi đó nhìn để rồi trôi mất lưỡi vì nuốt nước bọt? Chắc chắn rằng nếu chưa được nếm thử, sẽ không bao giờ cảm nhận được thức ăn ngon như thế nào dù ai nói ra sao. Hơn nữa, sự thử thiền đâu cần phải có bằng cấp này, điều kiện kia. Điều kiện chỉ là vô vi như lúc ngủ để nhận ra chân ngã, quên đi cái phàm ngã của mình cho tiểu ngã trở về hòa nhập với đại ngã thì nào khó khăn chị.. Hừ, không ngờ, kiếm cái chân ngã, cái mình đã có lại không dễ dàng như tôi tưởng... chưa kịp mang lại lợi ích thì thiền đã làm tôi ê ẩm ngang thắt lưng, may mà chưa tới độ tẩu hỏa nhập ma vì ngồi... thế nên đành nằm... thiền!

Dẫu thế, tôi đâu chịu bỏ cuộc dễ dàng. Nào ai lạ gì, lỡ phóng lao đành phải theo lao cho trọn chung thủy; mặt khác, những cuốn sách do các thiền sư viết quá hấp dẫn lại mang đầy vẻ khuyến khích tìm hiểu khiến tôi càng muốn tìm tòi để thực hiện cho được. Nghĩ cho cùng, sự vận khí huyết đả thông các luân xa dù nguy hiểm nhưng không thực hành thì đâu có hại gì; hơn nữa, Kinh Thánh đã chẳng nói tìm thì sẽ gặp; các thiền sư viết sách cũng thường nhắc lại lời những vị chân sư đã khuyên họ rằng nếu thực sự khát khao kiếm tìm cuộc sống tâm linh sẽ có thày dạy là những bậc chân sư được gửi tới... Thế nên tôi thầm nghĩ, trong khi chờ đợi bậc thày chỉ dẫn, mình ráng tìm hiểu chân ngã bằng cách trả lời câu hỏi "Tôi là ai?" trong phương thức vô vi. Thiền nằm dễ đi vào vô vi vì đó là cách thực hành vô vi hữu hiệu nhất bởi muốn trở nên vô vi vẫn còn là dục. Cứ kiên nhẫn vô vi bằng những giấc ngủ, tôi tự an ủi, và chờ đợi, sẽ có ngày chân sư hiển hiện do lòng thành thực và chung thủy của mình. Thêm vào đó, câu trả lời của vị tu sĩ khi thiền sư Yogânanda xin được chỉ dạy phép nhập định giúp tôi phần nào kiên nhẫn: "Hiện giờ thể xác em chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho một kinh nghiệm như thế. Cũng như một bóng đèn nhỏ không thể chịu đựng nổi một điện thế quá cao, những dây thần kinh của em chưa sẵn sàng để lưu chuyển luồng từ điển của vũ trụ. Nếu tôi đưa em vào trạng thái đại định như bây giờ, em sẽ bốc cháy như bó đuốc chẳng khác nào tất cả những tế bào trong thân thể em đều bắt lửa" (Các Bậc Chân Sư Yogi Ấn Độ; tr.160).

Hình như càng những câu nói đơn giản, dễ hiểu lại càng không đơn giản và dễ thực hành chút nào, chẳng hạn "Tìm sẽ gặp" hoặc "Muốn là đã được một nửa." Ai mà không muốn lắm điều, nhiều thứ trên cõi đời này, nhưng những ai đã cứ muốn mà được? Tôi muốn cả thế giới lại chẳng có gì; nếu chỉ được một phần trăm, hoặc chỉ một phần triệu của thế giới, có lẽ tôi đã tha hồ xưng hùng xưng bá. Tìm sẽ gặp, câu nói xúi người mù dấn thân vào cánh rừng rậm rạp nguy hiểm. Tìm bằng cách nào, trong điều kiện ra sao, những gì cần được chuẩn bị, những gì không cần thiết làm cản trở cuộc hành trình tìm kiếm v.v... Đúng là ánh sáng của những vị chân sư trở thành điều ngu xuẩn cho kẻ đui mù. Hơn nữa, những điều kiện đôi khi các thiền sư vô tình bật mí thì lại càng mang đầy vẻ bí mật. Chẳng hạn, "Phải tiến từng bước bằng sự cố gắng cá nhân" (Hồi Ký của H.S. Olcott; tr.139). Đã giống như rợ vào rừng càng mò mẫm thì lại càng rối, đàng khác, những lời khuyên, những nhận định về phương cách thiền niệm mang đầy tính chất khó hiểu khi áp dụng. Cố gắng cá nhân là thế nào? Chưa đủ năng lực bước vào đại định mà lạc vô sẽ cháy như bó đuốc; mới thử thiền đã đụng ngưỡng cửa tẩu hỏa nhập ma thì còn cố gắng nỗi chi? Olcott đưa thêm lời khuyên "Phải khai mở trực giác để tìm hiểu những hiện tượng" (tr. 159), thật chẳng khác gì câu nói "tìm sẽ gặp."

Tuy nhiên, những nhận định của các vị chân sư, thiền sư đem lại cho tôi nhiều khuyến khích và hy vọng. Ít nhất, Yogânanda nhắc nhở: "Người hành giả thật tâm tu luyện chắc chắn sẽ đạt tới trạng thái siêu linh; đức tin mãnh liệt của y tự nhiên sẽ thúc đẩy y đến gần Thượng Đế" (tr. 171); đồng thời sự kiện bà ngồi sáu tiếng đồng hồ vững lòng khẩn cầu cho tới khi được sự trả lời giúp tôi nhận thực lòng nghi ngờ của mình đã bao lâu nay. Từ xưa tới giờ, tôi cứ nghĩ mình có lòng tin mạnh mẽ mà không được bề trên nhận lời; thành thực nhận xét, niềm tin của tôi chưa bằng một phần trăm của thiền sư Yogânanda. Sự nhận định này phần nào chứng minh rằng sống mật thiết với Thượng Đế, với những đấng vô hình mà mình tin tưởng sẽ có sức mạnh và được ban cho những năng lực lạ lùng để hoàn thành nhiệm vụ mình được kêu gọi, và như vậy, quyền hành của các vị chân sư đều từ Thượng Đế, nguồn năng lực vô biên tác động vũ trụ chia sẻ cho những ai nhận thực giá trị siêu linh của con người. Coi trên tivi, đọc báo chí, nghe những chuyện kể, tôi vẫn thường nghĩ rằng chỉ một số người đặc biệt nào đó có khả năng lạ lùng chẳng hạn năng lực chữa bệnh v.v... Tôi đã đoán xét sai lầm; Thượng Đế nào thiên vị riêng ai; thế nên, vấn đề còn lại tùy thuộc chính mình mà không biết, không tìm được phương cách để có được năng lực sẵn chờ. Nhận thức này nhắc nhở tôi lời nói của Đức Kitô: "Mọi sự đều là có thể cho người tin" (Mc. 9:23), hoặc "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa" (Gioan 14:12). Tuy nhiên, nhận thực như thế, nhưng đâu là phương cách thực nghiệm? Phải như thế nào để tôi có đức tin bằng hạt cải, bằng nửa hạt cải, hoặc một phần mười hạt cải? Và lấy gì làm mức độ đo lường đức tin?

Sự thật nhiều khi lắm điều trái ngược coi bộ không thể xảy ra nhưng lại chất chứa phần nào chân lý. Nếu chấp nhận câu nói "Ngôn giả bất tri" thì chẳng lẽ Đạo Đức Kinh không nói lên được chút nào chân ý Lão Trang? Nói rằng "Tri giả bất ngôn" quả là đúng trong trường hợp săn tìm phương pháp đi vào thiền niệm. Muốn vô vi thì chưa cảm nghiệm được "đạo trống." Bộ Óc được tạo dựng nên chẳng lẽ thừa và nếu thực sự không cần bộ Óc sao nó không bị thoái hóa theo luật tiến hóa tự nhiên; như vậy, phỏng vô vi là một thực trạng? Hơn nữa, đã quen tranh đấu, tính toán như một bản năng sinh tồn mà nếu không có lo âu, thất tình, lục dục, e nó sẽ bị bão hòa, tệ hơn nữa, có thể trở thành "Nhàn cư vi bất thiện." Đàng khác, được sinh ra giữa chốn xình lầy sao tránh thoát vương bùn bẩn thỉu, cuộc sống con người lệ thuộc đầy dẫy những liên hệ nên dẫu cho không muốn đụng chạm cũng phải đối diện nhiều chuyện khiến mình xáo trộn tâm thần. Thế nên, đâu phải cứ sống vô vi sẽ không bị những cảnh phiền hà ảnh hưởng. Sự thật này còn lắm điểm chẳng ngờ như thiền sư Bhaduri giải thích: "Sự bế môn nhập thất của tôi không phải vì lý do tiện nghi riêng cho tôi, mà là cho kẻ khác. Những người ngoài đời không thích nghe lời thành thật nó làm tiêu tan những ảo ảnh của họ. Những vị chân tu không những hiếm có, mà lại còn làm cho người ta hoang mang. Thánh kinh cũng có nói rằng: 'các vị ấy thường làm cho người đời đâm ra lúng túng trong cuộc sống của họ'" (Các Bậc Chân Sư Yogi Ấn Độ; tr.77). Bởi đó, chẳng lạ gì các vị thiền sư trốn lên rừng yên phận bè bạn với cỏ cây. Riêng tôi vẫn nghĩ, những người lên rừng sống cô lập vì họ có niềm hạnh phúc vô biên nào đó mà cuộc đời giàu sang, quyền quí, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sang trọng không thể so sánh được. Phỏng đó là niềm hạnh phúc vô biên mà tôi muốn đạt tới?

Lẽ tự nhiên, không ai muốn chịu khổ mà có chăng ra công gắng sức tìm kiếm cuộc sống khá hơn. Nếu những người lên rừng làm bạn với cỏ cây, ăn uống khem khuốc, bơ vơ cô độc, thật sự khổ cực như con mắt chúng ta nhận xét, và nếu cuộc sống nơi thành phố xa hoa, mỹ lệ đem lại niềm an bình, vui tươi thoải mái hơn thì ai lạ gì xa lánh chốn hồng trần tiện nghi? Câu Kinh Thánh "Thần khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì" (Gioan 6:63) chắc chắn mang ý nghĩa nào đó đối với những người coi rẻ cuộc sống bình thường mọi người đang trần thân vất vả theo đuổi? Lý luận, đặt vấn đề như thế nhưng tự xét lại, phần ngại ngùng nào đó dùng dằng ngăn cản ý định thử nơi tôi. Đang sống quen với nếp đời tạm coi là yên ổn, bất cứ những gì xảy đến đe dọa những thói quen cố hữu, những tiện nghi ràng buộc, đều tạo nên áp lực phản kháng khiến con người e sợ bị xáo trộn, e sợ phải thay đổi cho dù chỉ là quan niệm, tư tưởng. Thế nên, đã nhiều lần tôi tự đặt câu hỏi trong sự so sánh phỏng mình có giống như con bọ cảm thấy sung sướng chui rúc nơi đống thịt rữa xình thối của một xác chết con vật nào đó để rồi cho rằng con nhặng dốt nát vì không ngụp lặn như mình?

Đặt vấn đề như vậy để tìm câu trả lời nơi tôn giáo, tôi cảm thấy hình như có những điểm tương đồng đã lâu nay được mù mờ chấp nhận nhưng chưa bao giờ tôi dám ngang nhiên tìm hiểu chẳng hạn về lý thuyết, quan niệm, nghi thức v.v... được các tôn giáo thực hành. Điểm đầu tiên và cũng là nguồn gốc cho mọi sự khác biệt là tên gọi. Những nhà sáng lập các tôn giáo cũng như những giáo đồ, ai cũng chấp nhận, cũng tin rằng có một Đấng Toàn Năng đầy quyền lực tạo dựng vũ trụ khi đối diện với những mãnh lực thiên nhiên không bề giải thích, thế rồi đặt cho Đấng Ấy một cái tên, diễn tả cảm nghiệm, kinh nghiệm linh tâm riêng tư của mình hay một số kinh nghiệm của nhóm mình dưới sự ảnh hưởng của văn hóa, tư tưởng, chiều hướng quan niệm địa phương... kiến tạo nên một số nghi thức bày tỏ lòng tôn sùng, ngưỡng mộ, sắp xếp và đặt ra những nguyên tắc hay luật lệ nên theo để phần nào chứng tỏ lòng thành của mình đối với Đấng Toàn Năng như một thứ điều luật tôn giáo chung cho giáo phái của mình... dần dần được sửa đổi sao cho hợp lý hợp tình hơn và truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác đến độ sau này tín hữu cứ rập theo và chấp nhận một cách máy móc không cần biết tại sao lại có những nghi thức ấy chẳng hạn như tế trời, lạy thần thánh, mua đồ cúng, viếng v.v... Tôi nghĩ, Đấng Toàn Năng nào có đòi hỏi ai phải tế; thánh nào dám ngang nhiên bắt con người phải lạy. Những đồ cúng, viếng, chỉ có giá trị chứng tỏ lòng thành chứ chẳng lẽ Đấng tạo dựng nên toàn thể vũ trụ này thèm khát vài chùm nho, trái táo mà không tạo dựng được nên muốn người ta cúng? Và rồi miệng đâu, răng đâu mà thưởng thức vị ngon ngọt của những phẩm vật dâng tặng? Dĩ nhiên, tổ chức nào cũng cần ngân quĩ để phát triển nên những lễ vật, những tiền của dâng cúng được dùng cho mục đích quảng bá và xây dựng tổ chức. Chính vì thiếu hiểu biết nên người ta đã coi tôn giáo như một sự ràng buộc hình thức, phải thế nọ, phải thế kia. Đồng thời do ảnh hưởng hoàn cảnh và quan niệm sống, những nghi thức tôn giáo dần biến thái mỗi ngày một phức tạp theo tạp niệm mà dần xa giáo lý để rồi thói quen tôn giáo mỗi ngày một lấn dần giáo lý khiến cho tín đồ chỉ còn nhận ra những luật phải giữ, kiểu cách phải theo để được thuộc về tổ chức tôn giáo ấy như một sự thực hiện lòng khao khát Thượng Đế nơi tâm hồn mỗi người.

Có thể cái nhìn của tôi về các tôn giáo còn quá non nớt, chật hẹp, nên thấy rằng Chúa, Phật đã bị quảng cáo một cách đầy thiếu sót cũng như lòng tin của con người bị lạm dụng biến thành mối lo âu. Người theo đạo Chúa lại thường bị nghe về luận phạt đồng thời với sự tuyên xưng, rao giảng một Thiên Chúa yêu thương vô bến bờ. Đã bao nhiêu ngày tháng qua người ta nhấn mạnh một Thiên Chúa dữ dằn chẳng khác gì quan tòa ác độc, thẳng tay trừng trị những kẻ nào không giữ luật. Chính quan niệm này tự nó đã có mầm mống đối nghịch vì sự luận phạt công thẳng không thể nào đứng chung với tình thương vô biên giới. Thật ra, thà rằng chấp nhận "mắt đền mắt, răng đền răng" một lối nói khác tương đương luật nhân quả có lẽ mang phần nào hữu lý hơn. Thuyết Luân Hồi của Ấn Giáo bị hiểu sai khiến con người e sợ sự trả thù tàn bạo của Đấng Linh Thiêng bắt phải trở thành những gì mình kinh tởm trong kiếp tới... Con người dẫu luôn luôn lỗi lầm nhưng không phải không có thiện tâm. Thế nên, khi một người nhận chân được sự tốt lành nào đó, họ sẽ tự động sống theo chứ không tùy thuộc luật buộc. Bởi vậy, có thể luật buộc là thành quả của sự thiếu sót quảng bá cho con người am hiểu và cảm nghiệm được những điều tốt lành. Phỏng tôn giáo quá đặt nặng về hình thức và nghiêm luật sẽ không còn kẽ hở cho ánh sáng chân lý chiếu soi đánh động tâm hồn thế nhân? Đúng ra, chân lý mới là chính yếu, là tất cả, để soi sáng, khắc phục, và chinh phục con người. Thử hỏi, lề luật nào không đối nghịch lời Thánh Kinh: "Ta sẽ đặt lề luật của Ta nơi cung lòng chúng và Ta sẽ viết trên tâm tư chúng; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo lẫn nhau 'hãy nhận biết Yavê!' vì hết thảy chúng đều biết Ta từ bé đến lớn..." (Yêr. 31:34). Hình như các tôn giáo có chung một vị thần đáng sợ nhất và đó là thần đe dọa hình phạt, dựa trên mối e sợ, một khía cạnh của bản năng do sự nhận chân giá trị mỏng dòn của kiếp người để xây dựng luật lệ bởi "Ngôn giả bất tri."

Suy thế, tự thuở ban đầu, những nghi thức tỏ lòng tôn sùng của con người đối với một Đấng Toàn Năng đều bắt nguồn từ tâm tình của mình dẫu Ngài được gọi khác tên, dẫu thực hành khác nghi thức tôn sùng, khác quan niệm diễn tả. Hơn nữa, do sự hiểu biết lẫn lộn giữa những qui luật tôn giáo, đạo đức, luân lý, thay vì rao giảng giáo lý, người ta đã rao giảng luật luân lý địa phương. Sự lẫn lộn này có thể bắt nguồn từ thiếu hiểu biết về giáo lý căn bản tôn giáo hay do cái nhìn bệnh hoạn, không thấy những điều tốt lành nơi con người mà chỉ thích bới móc những chuyện chẳng nên dưới cái nhìn luân lý. Đồng ý rằng con người mang cả khuynh hướng hướng thượng lẫn thấp hèn, nhưng nhấn mạnh phàm ngã để lo sửa sai thì đường về chân ngã vô tình đã bị đóng kín. Có thể rằng, chính vì đã không nói về điểm chính yếu mà chỉ luẩn quẩn nơi những chi tiết do quan niệm khác biệt về Thượng Đế, các tôn giáo vô tình tạo nên những khoảng cách đối nghịch không phương hòa giải. Thật là phi lý khi đạo nào cũng cho rằng chỉ có một Đấng Toàn Năng cao cả tuyệt đối nhưng chỉ Đấng theo quan niệm của mình mới tuyệt đối vì nếu chỉ một Đấng Tuyệt Đối duy nhất thì những quan niệm kết quả của cảm nghiệm tâm linh dẫu khác biệt đến mấy cũng không thể nào trở thành nguyên nhân hay động lực cho bất cứ cuộc chiến tranh tôn giáo nào đã xảy ra.

Đồng ý rằng luân lý là sự áp dụng của ý thức đạo đức trong cuộc sống để kiến tạo nề nếp xã hội; một khía cạnh nào đó, luân lý là luật đạo đức thực nghiệm bất thành văn được dùng như phương tiện giúp con người thăng tiến về tâm linh. Bởi thế, luân lý mang tính chất tương đối tùy thuộc địa phương và quan niệm sống, phong tục, tập quán, cũng như cơ cấu xã hội. Tôn giáo vượt hẳn lên trên vì niềm tin là cội nguồn cho ý thức đạo đức bởi nếu không có niềm tin hướng dẫn, thế giới này chỉ là chốn hoang rừng tùy thuộc luật của sức mạnh. Tôn giáo đứng vững vì có mối dây liên lạc với thế giới vĩnh cửu bên kia cuộc sống giới hạn hiện tại của con người; mối dây này căn bản đặt ở chữ "tin" và được nói lên nhiều cách đôi khi khó phân biệt; lòng tin, niềm tin, đức tin v.v...

Lấy lòng tin làm căn bản, cùng một gốc và những chi nhánh phát sinh của Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Kitô Giáo, gọi những nhà có lòng tin vững mạnh liên lạc với Thượng Đế là tiên tri, và phương pháp liên lạc được gọi là cầu nguyện. Ấn Giáo, Phật Giáo, và các chi nhánh gọi những người này của họ là chân sư dùng thiền làm phương tiện. Họ hàng Lão Giáo, Khổng Giáo lại dùng tiếng thánh nhân, thánh hiền; kinh nghiệm liên lạc với những đấng cao cả của họ để lại thì chỉ một con đường độc nhất là để lòng vô vi ngồi thiền. Lòng tin có Đấng Toàn Năng làm gốc là một điểm ắt có nhưng chưa đủ để liên lạc với thế giới bên kia do đó cần phương pháp thực nghiệm. Những phương pháp này của các tôn giáo thực ra khác tên nhưng cũng cùng một cách thức và đòi hỏi chung một điều kiện đó là lòng yêu thương tha nhân cũng như mọi loài tạo vật. Vô vi nhấn mạnh điểm mở rộng lòng, cởi bỏ những ràng buộc của thế giới hữu hình để đón nhận cảm nghiệm hiện hữu với Thượng Đế. Kitô Giáo phân biệt cầu nguyện thành ít nhất hai cách thức: cầu xin hay nguyện cầu, và lắng nghe tiếng Chúa. Đại khái, sau khi phân tích, suy tư, nhận định, mở rộng tâm hồn không để cho bất cứ gì ảnh hưởng mà để tâm hồn thanh tịnh chờ, lắng nghe những gì Chúa muốn cho mình. Các chân sư, thiền sư nói về kinh nghiệm thiền cũng khuyên để lòng thanh tịnh nhận thực mình chỉ vô ngã, nói cách khác, áp dụng vô vi để lắng nghe, tìm về thế giới siêu linh... Chung qui, dẫu được dùng tên khác nhau nhưng phương pháp chỉ là một.

Những điều kiện gặp gỡ thế giới siêu linh gồm có lòng tin nơi một mãnh lực huyền nhiệm tạm gọi là Thượng Đế hay Đấng Toàn Năng tạo dựng vũ trụ, và để lòng vô vi mà cầu nguyện hay thiền, nâng tâm thức mình lên hay hòa nhập cõi lòng hoặc linh thể của mình với Thượng Đế. Lên rừng thâm u hay ở giữa thành thị Ồn ào náo nhiệt mà đạt tới tâm thức "Chúa ở trong tôi, tôi ở trong Chúa" hoặc "tiểu ngã hòa nhập với Đại Ngã" hay "tri giả bất ngôn" thì đó là hạnh phúc vĩnh cửu mà thế quyền, danh vọng, cũng như những vui thú trần gian không thể so sánh được. Câu nói "tri giả bất ngôn" chỉ về niềm hạnh phúc này vì không gì nơi cõi đời hiện tại có thể so sánh được nên không biết sao mà nói. Tuy nhiên, qua lời khuyên nơi kinh, sách, lòng tin đóng vai trò quan trọng và mang sức mạnh tiềm ẩn ít được để ý. Chân sư Sri Yukteswar đã nhắc nhở thiền sư Yogânanda: "Người đời ít khi nhận thấy Thượng Đế đã đáp ứng bao nhiêu lần những ước vọng của họ. Ngài không thiên vị thiểu số nào, nhưng Ngài lóng nghe những kẻ nào cầu nguyện Ngài với tất cả tâm hồn. Như vậy, người đời phải có một đức tin tuyệt đối nơi lòng Từ Bi Bác Ái của đấng Cha Lành trên trời" (Các Bậc Chân Sư Yogi Ấn Độ; tr.179). Đức Giêsu cũng đã nói rõ: "Mọi sự đều có thể cho người tin" (Mc. 9:23) và "Quả thật, Ta bảo các ngươi: Kẻ tin vào Ta thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa" (Gioan 14:12).

Làm sao để có lòng tin vững vào Thượng Đế; phương cách nào kiến tạo đức tin bằng hạt cải... Câu trả lời tóm gọn chỉ là cách gặp gỡ, để lòng vô vi "thiền" hoặc "lắng nghe tiếng Chúa..." vì không còn cách nào hơn bởi khi đã gặp gỡ Thượng Đế thì "Tri giả bất ngôn".

Lã Mộng Thường

Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Câu hỏi lãng quên 2

Câu hỏi lãng quên 2 Chương 10 Kính nói thế nhưng không giải thích bởi thầm nghĩ chưa chắc giải thích về quyền lực của sự cầu nguyện đã có lợ...