Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

Mưa Kon Hao - Truyện ngắn của Bá Canh

Mưa Kon Hao
Truyện ngắn của Bá Canh

Dễ đến cả tháng nay, Miu đã không đặt chân lên con đường nhựa cắt qua mé đồi nhìn lên bon Kon Hao chạy thẳng ra thành phố. Con đường đã xé toạc những cánh rừng già để nối những bon làng xa xôi nằm sâu tận dãy Nâm Nung với ánh sáng thị thành.
Thảm nhựa lạo xạo, ran rát dưới chân, Miu mím môi chờ chiếc xe tải vụt qua rồi chạy vội lên mé đồi để đi về phía cánh rừng Nâm Kar. Nơi đó mùa này khi gió đem cơn mưa đầu mùa về, những vạt lá biep non tơ mơn mởn. Lá biep, mỗi lần Miu đưa lên miệng nhai, vị ngòn ngọt, bùi bùi thấm dần đầu lưỡi rồi thơm mát đến tận cái cổ họng háo nước. Từ trong mấy bụi mây tiếng sột soạt mỗi lúc một gần rồi một người trùi trũi bước ra. Ối, K’Đăm! K’Đăm trao cho Miu cả một ôm đọt mây, nhoẻn miệng cười.
– Nhớ nấu canh thụt nha Miu!
Miu không lấy đâu. Bó đọt mây này nếu đem ra ngã ba chỗ đường nhựa chạy ra phố có khi bán được cả vài trăm ngàn, đủ để K’Đăm mua chục ký gạo, sao K’Đăm lại đem hết cho Miu thế này. K’Đăm lại cười hiền.
– Theo K’Đăm xuống suối, bắt thêm mấy con cá. Đọt mây, lá biep rồi cá suối nấu canh thụt cho phụ nữ nuôi con nhỏ, sữa nhiều lắm đó.
Miu đỏ mặt. K’Đăm rõ thật lạ. Đàn ông chưa vợ sao lại biết nhiều thứ thế. Cái nhìn của K’Đăm, Miu đã cảm nhận được rồi. Hãy cầm lấy đi Miu. Không cầm có khi lại phụ lòng tốt người ta. Cái lạch nước luồn sâu từ rừng già chảy qua những gờ đá nước trong văn vắt, bầy cá suối ngược dòng cố đùa giỡn với những bụm nước bàng bạc mát lành. Cứ mỗi lần chém dao xuống nước, tay K’Đăm lại mở hom giỏ bỏ cá vào. K’Đăm tài thế, nụ cười đầy ngạc nhiên của Miu như khuyến khích K’Đăm. Chẳng mấy chốc đã lưng lửng giỏ.
– Về trước đi Miu. Phải nấu ngay không cá ươn mất đó!
Miu ngần ngừ. K’Đăm dứt khoát: Cầm đi mà! K’Đăm giận bây giờ! Cầm lấy đi!
Miu cầm lấy giỏ cá mà tự dưng thấy tủi thân lạ. Cũng đã khá lâu rồi, chẳng có ai tốt với Miu, nói với Miu những lời ân cần như thế, trừ mẹ, trừ bà. Thôi, Miu về. Miu cố bước thật nhanh để K’Đăm khỏi nhìn thấy khóe mắt bọng nước. Miu không muốn thế…
… Mẹ bảo, Tiếng M’nông Prâng mình, Miu là mưa. Bon làng Kon Hao hạn hán nhiều. Mẹ đặt tên Miu để cho ông thần mưa đừng lẩn trốn bon làng nữa, nhất là khi lúa trên rẫy vào kỳ chắc hạt. Ngày trẻ, mẹ đẹp nhất vùng, không chỉ mỗi bon làng Kon Hao mà còn nức tiếng sang cả tận các bon Sa Pah, Bu Pah, Bu Boong. Trai Kon Hao và trai bon lân cận ước ao được về ở rể nhà mẹ. Ấy vậy nhưng cái duyên của mẹ thế nào lại gặp cha. Cha – người đàn ông miền xuôi ấy có đám rẫy giáp khu rừng thiêng của bon làng nhìn ra hồ Nao Bân. Cứ mỗi độ mùa vụ cà phê, cha lại ở lán. Chiều chiều, cha xuống hồ Nao Bân tắm. Một lần như thế, cha đã bị ánh mắt no tròn lay láy, mái tóc buông xõa kín bờ vai và nụ cười như sợi nắng mai vừa ló qua mé đồi của mẹ hớp hồn. Mẹ bảo, mẹ đã không cưỡng nổi cái dáng mảnh mai và sự mạnh bạo của con trai miền xuôi. Ông bà ngoại không đồng ý nhưng cha cứ xin ở rể. Mẹ háo hức, đợi chờ. Thương con gái, dù thấp thỏm, lo âu, ông bà gật đầu để cha về chung sống cùng nhà theo tục lệ M’nông.
Vậy mà rồi cha đã bỏ đi. Miu chỉ nhớ mang máng thôi. Nhớ những lần cha bế Miu ngồi bên bậu cửa rồi khẽ hôn lên tóc, lên má Miu. Đến giờ Miu vẫn còn như thấy âm ấm, nham nhám bên gò má. Ngày đó, khi đã về ở rể, cha muốn làm một cái nhà lớn. Nhà cửa ở bon Kon Hao thấp lè tè với những phên nứa vây quanh, mái lợp cỏ tranh và cái vòm cửa khum khum như tổ con tò vò làm cha không ưng. Cha xin ông bà khoảnh đất để làm nhà. Và rồi cha đã làm một việc mà cả bon Kon Hao kinh sợ. Cha vác rìu vào khu rừng già thâm u cạnh hồ Nao Bân đẵn những cây gỗ to và thẳng nhất. Khi dân làng biết chuyện, vội vàng chạy vào rừng thì đã cha đã cùng trâu kéo từng khúc gỗ lớn ngược suối lên tập kết trên đồi. Già làng thất kinh khi biết chuyện. Cha đã động vào điều cấm kị chặt gỗ rừng thiêng, kinh động đến thần núi, thần rừng. Mặt ông bà ngoại biến sắc khi cha lững thững vô hồn lê từng bước chân về nhà. Từ đó cha lầm lì, ngây ngây, cả ngày dài ngồi bên bếp lửa. Con trâu kéo của ông ngoại vốn lừng lững, cổ như cái chum sành ngã vật ra chết, hai con mắt trợn tròn những tròng trắng. Từng vạt lúa trên rẫy của bà con bon Kon Hao héo úa rồi chết cháy dưới trời nắng hạn. Giàng trừng phạt bon làng đã chứa chấp một kẻ khác dòng giống và mang trong mình sự khinh rẻ thần thánh rồi!
Mẹ cùng ông bà ngoại phải chuẩn bị sắm sanh lễ vật để già làng cúng tạ tội với Giàng. Và điều kỳ lạ đã đến. Vụ mùa tiếp theo, lúa tốt tươi, bắp chắc hạt, lũ heo gà sinh sôi nẩy nở đông đảo không chỉ mỗi nhà Miu mà cả khắp bon làng. Vậy nhưng cha vẫn lặng câm cùng cái bóng. Rồi một ngày cha lầm lũi bỏ đi. Sau đó không lâu, ông ngoại yếu dần rồi mất. Nhà không một bóng đàn ông, chỉ còn lại hai người đàn bà và một đứa trẻ . Mỗi lần nhớ cha, Miu lại nghĩ đến cái truyền thuyết Nao Bân mà bà ngoại hay kể: Đã lâu lắm rồi ở bon Kon Hao có chàng K’Long mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nên phải đi ở chăn trâu cho các nhà giàu trong bon. K’Long hiền lành, thật thà và chăm chỉ nên ai cũng thương, cũng quí. Thương chàng trai hiền lành, chăm chỉ, nghèo khổ, Giàng đã cử một nàng tiên xuống để làm vợ K’Long. Một hôm đang chăn trâu ở gần hồ Nao Bân, K’Long nghe tiếng động lạ, nhìn xuống thì thấy một cô gái tuyệt đẹp đang tắm giữa hồ, nhưng bỗng nhiên có một con quái vật xuất hiện đe dọa cô gái. Thấy vậy, K’Long đã cầm giáo lao xuống hồ giết quái vật, cứu cô gái, thế là họ nên vợ nên chồng. Nhờ người vợ có phép tiên, K’Long đã có nhà cửa rộng lớn, nhiều rẫy và súc vật, trở thành một người khá giả. Không chỉ lo cho gia đình mình, vợ chồng K’Long còn thường chỉ cho bà con cách trồng trọt và làm ăn, nên bon Kon Hao lúc nào cũng rộn rã tiếng chiêng được mùa. Cho đến một hôm, K’Long đi dự đám cưới ở bon khác và bị một cô gái lạ quyến rũ. Phát hiện ra sự việc, giận chồng không chung thủy, người vợ đã chạy xuống hồ Nao Bân và mất hút. Thương vợ và ân hận về hành động của mình, K’Long đã ngồi ở mỏm đá giữa hồ Nao Bân gọi vợ và khóc suốt 7 ngày 7 đêm. Cảm động, người vợ có phép tiên đã hiện lên và đưa K’Long về trời. Nhiều khi Miu chợt ngớ ngẩn nghĩ, rằng cha có như chàng K’Long trong truyền thuyết hồ Nao Bân khi đi qua bon làng bên gặp phải người phụ nữ đẹp mà quên đường về không nhỉ. Không, truyền thuyết chỉ là truyền thuyết. Cha không về nữa, chỉ trong khóe mắt mẹ in hằn những nếp gấp của đau đớn, xót xa…
… Con Ơm thủ thỉ, ra phố với tao. Đẹp như mày ở Kon Hao làm gì cho phí! Ơm là bạn cùng lứa, lớn lên cùng nhau. Học xong cấp 2, Ơm được tuyển vào trường cấp 3 nội trú ngoài thành phố. Ơm nói, tốt nghiệp sẽ xin vô sư phạm cử tuyển để ra làm cô giáo. Vậy mà lạ thật, mới ra ngoài đó được hai năm, Ơm đã khác rồi. Mỗi lần về nhà, Ơm không còn mặc đồ đồng bào như bao đứa con gái khác, Ơm bận áo thun và quần jean. Bộ đồ đúng mốt làm tôn lên vẻ khỏe khoắn và phồn thực. Ơm kêu, thời đại mới rồi, mày phải thay đổi đi. Ai lại cứ ở mãi trong cái bon làng nhỏ bé. Thì ra Ơm đã bỏ học và tìm việc làm ở phố. Miu ngạc nhiên, Ơm cười, học cũng thế, mà không học rồi cũng vậy, có khi hay hơn. Tháng làm kiếm cả chục triệu chẳng sướng à? Chục triệu. Miu hơi hoảng. Làm gì mà tháng cả chục triệu? Mấy vụ bắp cộng với nửa héc ta cà phê nhà Miu tốt lắm mỗi năm cũng chỉ thu được dăm ba chục. Đó là chưa trừ chi phí phân bón, giống má, thuốc sâu mà năm này qua năm khác ghi nợ ở mấy cái đại lý thu mua nông sản. Chả lẽ một tháng của Ơm kiếm bằng cả gần nửa năm làm rẫy của nhà Miu à? Chớ sao? Mày không tin à? Ơm nói thì Miu tin, bởi Miu biết chưa bao giờ Ơm lại nói khoác với Miu cả. Nếu thế, sao không giúp mấy đứa con gái trong bon ra phố làm kiếm tiền đi Ơm? Không! Không phải là Ơm không muốn giúp mà là không giúp được Miu à? Thế sao Ơm nói giúp được Miu? Là vì Miu đẹp. Đẹp thì ở đâu người ta cũng ưa, người ta cũng mê cả. Ý Ơm là Miu đi làm…ấy à? Bậy, làm gì có! Đi làm phục vụ bồi bàn ở nhà hàng như Ơm thôi. Nhà hàng á? Sợ lắm, Miu phải nghĩ, phải hỏi mẹ, hỏi bà cái đã. Mẹ bảo, đừng đi. Cuộc sống ngoài kia đầy cạm bẫy. Miu như con cún non. Ở nhà với mẹ. Bà ngoại đắn đo, biết là vậy nhưng…hãy để Miu đi ra va chạm với đời mới cứng cáp được. Đấy, một bà lão ở mãi tít trong bon làng xa xôi còn hiểu thời đại như thế, huống hồ là thiếu nữ như Miu. Mẹ thở dài, tùy con.
Miu ra phố. Cũng cái trung tâm tỉnh lỵ ấy, cũng cái phố núi mà Miu đã cùng mẹ ra mấy lần sao mà đổi thay nhanh thế. Nhà cao tầng mọc lên san sát. Trên những con đường thênh thang, dòng người, dòng xe nối đuôi nhau hối hả. Trong góc công viên, bao gái trai thủ thỉ tâm tình. Miu thấy khấp khởi, chộn rộn lên trong lòng. Rồi Miu sẽ tìm kiếm một cuộc sống mới nơi thị thành này hay sao? Công việc ở nhà hàng Valley này không mệt nhưng làm Miu ngượng ngùng. Mỗi lần tiếp bia cho khách hay bưng món mới, bao gương mặt đàn ông phừng phừng hấp háy nhìn Miu như thể họ muốn nhai nuốt luôn cả Miu vậy. Họ mời cô tiếp viên xinh đẹp ly bia, Miu từ chối. Từ chối à, vậy thì uống nước ngọt. Ừ thì nước ngọt. Nhưng uống nhiều cái bụng cứ ấm ách khó chịu lắm. Thôi để Miu cười và bắt tay cảm ơn quý khách vậy? Ôi, cái bàn tay non tơ mềm mại ấy được chạm vào còn đê mê hơn là được uống cùng người đẹp. Khách khứa đến với Valley như ùn ứ khi có tiếp viên mới là Miu. Người ta đến không chỉ vì món ngon mà còn hóng hớt được nhìn, được ngắm và được bình phẩm một cách tục tĩu khi thoáng thấy bóng dáng Miu. Bà chủ vui ra mặt. Ba cái vụ bưng bê, dọn dẹp để bọn khác nó làm, cứ để con Miu ra vào chào hỏi khách là được rồi. Ấy vậy nhưng nhiều vị khách táo tợn quá làm Miu hoảng. Ơm xem có cách nào giúp Miu không? Con hâm. Mấy đứa còn ghen với sắc đẹp của mày kia kìa. Không biết tự hào với cái mình có lại còn! Không Miu không muốn ở đây nữa, làm gì cũng được, nhưng làm tiếp viên ở nhà hàng, Miu không hợp. Ừ, để tao xem. Con Ơm nói rồi thiu thiu chìm vào giấc ngủ sau một đêm phục vụ khách hàng đầy mệt mỏi…
…Gã bảo, quả là nơi này không hợp với em chút nào. Gã là ai mà lại nói giọng tưng tửng như thế với Miu? Gã là vị khách vip của Valley đấy. Hồi trước gã thường đến với mấy thanh niên. Thế nhưng dạo gần đây, gã chỉ đến một mình, chọn một góc khuất và gọi đồ ăn. Không như những vị khách khác ồn ào, la lối rồi quờ tay vỗ đét đùi em này, rồi chun cặp môi vừa ực ngụm bia đánh chụt vào má em kia, gã lịch sự, nhã nhặn và kiệm lời. Miu nghe mấy đứa tiếp viên thì thầm với nhau: đại gia. Đứa nào cũng muốn rót bia, tiếp chuyện gã cả nhưng gã chỉ nhếch mép nhìn bà chủ, chỉ mỗi Miu là đủ. Mấy đứa liếc Miu đầy hằn học và ghen tị. Mỗi lần Miu khui bia để rót vào ly cho gã là mỗi lần gã đứng dậy, đỡ lấy chai bia. Thôi, để tôi làm được mà! Em ngồi xuống đi! Tôi mời em ngồi. Miu luống cuống ngồi xuống. Mấy bận vì ngại ngùng và xấu hổ, nhưng khi đã quen quen Miu mạnh dạn nhìn lên. Công nhận gã có gương mặt đầy phong trần và từng trải. Miu biết, tướng mạo đàn ông này chỉ được cái làm khổ đàn bà con gái thôi. Đúng là em làm ở đây không thích hợp tí nào! Gã nhỏ nhẹ sau một chút thở dài. Miu cúi xuống, giơ những ngón tay búp măng thuôn mảnh lên miệng day day. Ừ, đúng thật là không hợp, Miu quê mùa, Miu không thể sành điệu để đón tiếp, làm khách hài lòng và kiếm tiền boa như Ơm, như mấy đứa cùng làm trong nhà hàng. Có lẽ mẹ nói đúng. Ngoài phố này nhiều cám dỗ, không hợp với Miu. Miu phải về thôi.
– Em qua chỗ tôi làm nhé!
Một lời đề nghị thật dịu dàng mà dứt khoát. Nhưng chỗ tôi là chỗ nào? Công việc nó ra sao? Liệu Miu có làm được không?
– Đừng sợ! Cũng là dịch vụ vui vẻ nhưng không phải thế này?
Dịch vụ vui vẻ là dịch vụ gì? Sợ chết đi được. Miu kiếm việc làm để dành dụm tí chút gửi về cho bà cho mẹ thôi.
– Em biết tính toán mà đúng không?
Người đâu hỏi kỳ cục. Miu đã học xong cấp 2 rồi còn gì. Chỉ là sơ sểnh một chút mà không được nhận vào trường cấp 3 nội trú thôi, chứ nếu mà được học tiếp, Miu sẽ cố học thật giỏi để sau làm cô giáo xin dạy học ngay trong bon Kon Hao nhà mình.
– Cấp 2 là biết sổ sách, tính toán rồi! Nếu muốn em về chỗ tôi làm nhân viên thu ngân! Quán Karaoke Lake View nhé!
Gã nhấc ly bia và đặt xuống đó mấy tờ tiền mới, trìu mến nhìn Miu rồi rời đi. Con Ơm xuýt xoa đến nhảy cẫng lên, mày sướng thế, được một chân thu ngân như thế, tao chỉ có thể mơ giữa ban ngày! Quán đó có chỗ ở cho nhân viên. Vậy là tao phải xa mày rồi. Miu thấy hồi hộp và vui đến lạ. Đây đúng là dịp may hiếm có của Miu. Ừ thì là quán Karaoke đó nhưng đâu phải là tiếp viên, chỉ là nhân viên thu ngân đứng ở quầy lễ tân thôi. Làm gì mà phải sợ! Mà kỳ thật đấy nhá! Chưa thân thiết, chưa biết lai lịch gì người ta đã mời về làm thu ngân. Đàn ông đâu có kiểu lạ đời thế? Nhưng Miu vẫn thấy vững dạ. Cái ánh nhìn ấy chắc chắn phải là người đàng hoàng.
Gã cốc vào trán Miu: Em thật thà như đếm ý. Thằng quản lý nó khen em.
Thì đó, mỗi đêm thu được bao nhiêu Miu đều cộng lại rồi đưa toàn bộ cho quản lý. Sau khi đã ký giao nhận, Miu mới nhẹ nhõm và nghỉ chờ đến lượt ca mình.
– Anh đã đuổi không biết mấy đứa thu ngân chỉ vì chúng điếm miệng, gian dối!
Miu cười, vậy ra bấy nay gã thử độ trung thực, đàng hoàng của Miu à? Thì ra gã luôn đề phòng Miu sao? Nghĩ vậy, Miu chợt chạnh buồn. Dường như biết lỡ lời, gã cuống cuồng giải thích không phải như Miu nghĩ. Chỉ là gã nói những điều gã nghĩ mà thôi. Gã cầm tay Miu xin lỗi, bảo cho gã được đền bù bằng một bữa đưa Miu về tận nhà. Có sao không nếu gã đánh cái xe con cùng Miu về làng? Gã nhìn sâu vào mắt Miu đầy chờ đợi. Ừ! Chỉ một lần thôi nhé! Miu như thầm nói với mình. Bà ngoại tự hào, vậy là đứa cháu bà đã chững chạc bước vào đời rồi. Được ông chủ tận tình lái cả ô tô đưa về thăm nhà đâu phải chuyện chơi. Làng Kon Hao chắc là lần đầu có chuyện ấy. Mẹ vẫn lo, tuy không nói ra nhưng nhìn mắt mẹ, Miu hiểu. Mẹ lo cũng phải, đến như Miu vẫn còn lo lo. Liệu người làng sẽ nói sao? Liệu gã có ý gì với Miu hay chỉ là sự tò mò muốn biết đời sống của một bon làng dân tộc thiểu số nơi vùng sâu núi thẳm? Vậy mà bữa cơm nơi bếp lửa đã đánh bay đi những ý nghĩ đó của Miu. Gã ăn thật ngon lành và đòi bà ngoại tập nói tiếng đồng bào. Mãi chập tối, gã mới bịn rịn chào bà, chào mẹ để quay lại phố. Rồi vài ba hôm không gặp, Miu lại nhớ gã. Lạ, gã có là cái gì đâu mà Miu phải nhớ? Miu lại tự cười nhạo thói vô lý của cái đầu óc u mê. Ấy vậy mà mỗi khi phòng có tiếng gõ cửa, Miu Miu lại giột thột rồi hồi hộp mở cửa, biết đâu… gã thăm Miu. Gã đến thật, đến lần thứ mấy Miu không nhớ nhưng Miu đã ở trong vòng tay gã. Gã từ tốn, nhẹ nhàng, lịch sự. Cứ thế, cái đam mê đã xua đuổi lý trí của Miu chạy biệt tăm để nhường chỗ cho cuồng si và dâng hiến. Nhiều đêm Miu thẫn người, Miu đã là đàn bà. Dâng hiến cho gã, liệu có phải là sai lầm? Nhưng gã là người mà Miu yêu cơ mà, yêu thì có gì ngại mà không dâng hiến nhỉ? Con Ơm đó, nó bảo, cái con gái của nó được người ta trả những mấy triệu bạc. Còn Miu, Miu có được gì không hay sẽ mất hết? Miu thấy an lòng khi cái lần đầu tiên với Miu ấy, cái lần mà Miu đã thốt lên “ôi mẹ ơi” trong cơn đê mê hoang dại ấy, cái lần mà gã đã biến Miu thành đàn bà ấy, gã rưng rưng xúc động, ôm lấy Miu hôn lên đôi mắt nhoèn nhoẹt nước cùng tiếng khóc nấc của Miu, rồi gã cũng khóc như Miu vậy. Hạnh phúc biết mấy khi Miu đã tìm được tình yêu đích thực của đời mình
Miu bồi hồi và sờ sợ khi định báo tin cho gã rằng đã lâu lâu Miu không còn thấy tháng. Nhưng vẫn phải báo, nếu có thì đó là kết quả thăng hoa của tình yêu giữa Miu và gã. Tuyệt vời quá đi chứ. Từ thẳm sâu Miu biết, gã đến với Miu bằng tấm lòng, bằng tình yêu chứ không phải là thói ăn chơi của kẻ lắm tiền dâm đãng. Nhưng nghe con Ơm nói, Miu lo. Mày không biết thật à, gã đã có vợ con rồi! Chán đất Sài Gòn nên lên đây làm ăn! Vậy có nghĩa là gã đã lừa dối Miu, sao lại lừa dối Miu như thế? Miu phải gặp gã, để xem gã nói thế nào! Phải gặp. Gã cúi mặt, gật đầu. Đúng là gã đã một vợ hai con ở đất Sài Gòn nhưng gã yêu Miu là sự thật. Gã không lừa dối. Gã ngước lên, đắm đuối nhìn Miu.
– Anh đã làm tổn thương em nhưng anh yêu em!
Không. Miu cần một tình yêu đi cùng đám cưới. Miu cần được ở bên người mình yêu một cách đàng hoàng chứ không phải lén lút. Con của Miu phải có cha, có mẹ. Con phải tự hào về người cha của nó. Gã thốt lên kinh ngạc.
– Con ư! Miu mang bầu thật á?
Miu thấy nóng bừng bừng trên má. Cái gã đốn mạt, ngươi đừng nói là sẽ ép Miu dứt bỏ đứa con trong bụng nhé! Nó là con ngươi, là giọt máu của ngươi, chả lẽ ngươi đã cạn hết nhân tính hay sao? Nhưng Miu đã nhầm. Gã bước tới dụi mái đầu đã điểm những sợi bạc vào ngực Miu.
– Cảm ơn em, cảm ơn cuộc đời! Giữ lại con cho anh nhé! Anh biết, không thể cưới em nhưng nó là con của chúng mình!
Miu cố đẩy gã ra, gã càng ôm chặt. Căm tức gã ư? Đáng lắm. Cái gã đã đánh cắp tình yêu ngây thơ của Miu lúc nào Miu chả hay giờ đang van nài Miu hãy giữ lại giọt máu cho gã. Cái gã dám thú nhận là đã vợ con nhưng tình yêu  dành cho Miu là có thật. Nên thế nào đây? Miu thấy nhói ở bụng. Vậy đó, cái sinh linh nhỏ bé thiêng liêng kia như đang nhắc nhớ Miu rằng, nó thực sự đã hiện diện và chỉ chờ để được chào hỏi cuộc đời nữa mà thôi. Miu chỉ biết đấm thùm thụp vào tấm lưng to bè của gã, cái gã khốn nạn đáng yêu đã làm khổ Miu…
Miu về nhà sinh nở. Gã nói, có bà, có mẹ chăm sóc gã mới yên tâm, cứ cuối tuần, gã sẽ vô Kon Hao với mẹ con Miu. Đã lâu Miu mới được nhìn những sợi khói bếp len theo vệt nắng hắt lên mái nhà và hít hà cái mùi thuốc rê bà ngậm tẩu rít ngày đêm. Ở Kon Hao, từng lùm cây thuốc rê phủ kín quanh mỗi nếp nhà. Chỉ mẹ không hút thôi, còn lại bà già và phụ nữ trung tuổi ai cũng ngậm cái tẩu trên môi. Bà bảo, thiếu miếng cơm tao chịu được, thiếu cái tẩu thuốc là tao phát điên. Cái mùi nồng nồng, ngai ngái ấy giờ gặp lại, thấy cứ thương thương đến lạ. Mẹ bảo, mẹ là Miu thì thằng bé là Mao Mao nhé. Ôi thằng cháu trai. Sau này theo tục lệ M’nông, cưới vợ nó sẽ không được ở căn nhà này cùng bà cố, bà ngoại và mẹ nó nữa rồi. Nó lại phải theo về nhà vợ nó thôi. Miu phì cười. Ừ thì Miu Miu Mao Mao. Nghe cái tên, chắc gã sẽ buồn cười lắm đây. Thằng bé lớn lên, thời đại khác xưa rồi, chắc gì nó đã ở lại bon làng, chắc gì nó đã theo về nhà vợ? Chẳng ai nói trước được điều gì cả. Gã sung sướng và đã tranh thủ mấy lần vô với mẹ con Miu. Nhưng dạo này xem chừng gã rất bận bịu. Gã chỉ có thể gặp Miu và Mao Mao qua facebook mà thôi. Mới xa gã chừng tháng thôi mà Miu đã không chịu nổi nữa rồi. Miu nhớ gã, thương gã quá, chỉ mong sao Mao Mao nhanh lớn hai mẹ con ra lại phố để được gần gã, để được hưởng hơi ấm tình yêu chồng vợ, cha con. Chồng vợ, Miu chợt nóng ran gò má. Có cưới xin gì đâu. Ấy vậy mà mấy hôm gọi điện cho gã không liên lạc được, nhắn tin facebook không thấy trả lời. Kỳ thật, cảm giác bất an xâm chiếm lấy Miu. Miu biết, gã yêu Miu và thương thằng Mao Mao có khi hơn cả bản thân gã. Vậy thì sao lại không liên lạc được? Miu bấm máy gọi con Ơm. Con Ơm cười hề hề, kêu đang cùng khách phiêu du tận Phú Quốc đảo ngọc, hôm nào về sẽ có quà. Linh tính mách bảo Miu chuyện chẳng lành, đành nhờ hàng xóm chở lên đường lộ đón xe buýt ra thành phố. Miu tìm đến quán Lake View, quán đóng cửa im lìm, chỉ có ông bảo vệ đang ngồi giết thời gian bằng cách chơi game trên điện thoại.
– Vậy ra không ai báo với cháu hay sao?
Báo tin gì? Miu thảng thốt đến lạc giọng.
– Ông chủ tranh thủ về Sài Gòn giải quyết công việc gấp, trong lúc vội vàng lên trên này đã bị tai nạn và …!
Tai Miu như ù đặc, mắt trân trân nhìn vào ông bảo vệ. Ông bảo vệ phải dìu Miu ngồi xuống ghế.
– Sự việc cách đây cả tuần lễ rồi! Bà chủ đang tính sang lại quán.
Miu thấy nhói đau ở ngực, khẽ ngước lên nhìn cái vòm cửa quán có chữ Lake View mà như có bóng gã lờ mờ đang chới với tay, cố chạy về phía Miu. Như một ánh chớp rồi tiếng bùm buốt óc, Miu khụy xuống. Bên tai loáng thoáng những tiếng người…
…Miu hít một hơi thở thật sâu, lại là mùi thuốc rê của bà ngoại ngồi ngậm tẩu bên bậu cửa. Mẹ gượng cười dìu Miu vào nhà. Bà ngoại thở dài, đi đâu rồi cũng lại quay trở về Kon Hao. Kỳ ghê ta, chắc cái số kiếp đã vậy rồi. Mẹ nheo mày nhìn về phía bà, không đi đâu hết, ở với bà, với mẹ không sướng hơn à! Phải không Mao Mao.
– Phải rồi bác ạ! Đi đâu cũng không bằng bon làng mình cả! Là K’Đăm. Cái giọng nói ấy đã thân thuộc với Miu lắm. K’Đăm, người bạn từ thuở nhỏ vẫn thường ghé nhà trò chuyện cùng bà và mẹ và đã giúp nhà Miu biết bao công chuyện, từ việc nương rẫy đến chuyện sửa sang lại nếp nhà khi trời chuyển nắng sang mưa. Học cùng một lớp, năm cuối cấp 2, nhiều đứa bạn nghỉ học lấy vợ, lấy chồng. Miu ra phố tìm việc thì K’Đăm đi bộ đội. Xuất ngũ, K’Đăm lại về với bon làng Kon Hao. Đã mấy lần, Miu rủ K’Đăm ra phố, làm bảo vệ quán Karaoke, vậy mà K’Đăm chỉ cười cười. Có việc làm, có thu nhập thì ai mà chẳng muốn nhưng K’Đăm là người của Kon Hao và chỉ sống chết với Kon Hao thôi.
Ở Kon Hao, cái nghèo, cái đói vẫn như là con ma ám lấy bon làng từ đời này sang kiếp khác. Cứ năm, nhiều hộ thiếu đói đến ba bốn tháng phải chờ nhà nước hỗ trợ gạo tiền. Ngày ngày, cả nhà vác dao, vác rựa vào rừng bẫy con chim, con thú, đào củ măng, hái nắm lá biep. Chim thú bữa có, bữa không, măng rồi cũng hết nên nhiều bữa vẫn quay quắt đói. Bà con đã san sẻ chén cơm cho nhau nhưng cũng không mãi thế được, ai cũng còn người già, còn lũ con cần ăn, cần mặc. Bà con ngàn đời sống với đất, với rừng sao để thiếu đói? Cái đó phải để lớp thanh niên như K’Đăm đặt ra câu hỏi và tìm câu trả lời chứ! K’Đăm thấy rồi, Kon Hao mình đất đai rộng lớn, những sườn đồi bên mé rừng thiêng vắt lên dãy Nâm Nung bấy nay vẫn để hoang nào đã ai khai phá đâu? Phải đề nghị chính quyền cấp thêm phần đất bỏ hoang cho các hộ trong bon. Những hộ đã lỡ bán đất, bán rẫy nay cần phải được cấp lại để có cái làm ăn, những hộ có sức lao động cũng cần thêm đất để làm giàu chứ. Đất chẳng phụ người đâu, chỉ có người phụ bạc nó thôi mà. Và K’Đăm đã vận động được bà con đồng lòng kiến nghị chính quyền cấp đất hoang. Cứ nửa đêm về sáng, khi con thú đi ăn muộn bị lạc gọi bầy cũng là lúc K’Đăm đã có mặt trên đồi để đốt rẫy, dọn nương. K’Đăm hì hục đến chạng vạng tối mới về nhà. K’Đăm đã quyết chí. Nơi đây phải là một đám rẫy trồng chuyên canh cây ăn trái để bà con nhìn vào đó mà làm theo. Những khi thấm mệt, Nao Bân là nơi K’ Đăm thỏa sức vẫy vùng.
Nao Bân, cái hồ nước thật kỳ lạ. Đi qua bao mùa mưa nắng, nước vẫn ăm ắp đầy. Con suối chắt gom những lạch nước nhỏ từ chân dãy Nâm Nung len lỏi qua khu rừng thiêng của bon làng rồi trườn lên những bãi đá cổ tạo nên một con thác ầm ào đổ xuống hồ những dòng nước trong văn vắt. Theo phong tục của bon làng Kon Hao, khi một đứa bé đã đầy tháng tuổi, người nhà phải đưa ra hồ Nao Bân tắm. Tắm nước hồ thiêng ấy, đứa bé sẽ khỏe mạnh, thông minh. Miu cũng háo hức bế con ra hồ Nao Bân. Lần đầu tiên những dòng nước mát từ mạch thẳm của rừng rót lên từng thớ thịt, thằng Mao Mao cười sằng sặc. Nó khua tay như muốn vẫy vùng trong cái hồ nước thẳm xanh. Miu ngắm nhìn con. Càng lớn nó càng giống gã. Cái gã là cha nó đã làm Miu đau khổ. Đột nhiên thằng bé vùng chân quẫy mạnh. Dòng nước từ con thác cuộn lên cuốn lấy thân hình nó quăng ra giữa hồ. Miu hét lên kinh hãi rồi lao theo cột nước. Hai bàn tay Miu Miu chấp chớp nắm được mớ tóc Mao Mao. Bỗng như có một cái búa tạ giáng vào giữa sống lưng, Miu Miu bị vực nước xoáy cuốn vào ngầm đá. Một cảm giác rùng mình lạnh lẽo buốt tận óc rồi rờn rợn phủ lấy toàn thân. Trước mắt, màu trắng lóa thăm thẳm, mịt mùng… Chỉ khi những ngụm nước từ cổ họng ọc ra ngoài, Miu mới lờ mờ thấy bóng những người qua lại trước mặt cùng tiếng khóc oe oe. Vậy là lưỡi hái tử thần đã không đoạt được mạng mẹ con Miu.
– Cả hai mẹ con sống lại rồi! Miu à, cho thằng Mao Mao nhận K’Đăm làm cha đi. Nó cứu sống hai mẹ con mày đó! Người làng reo hò sung sướng. K’Đăm! Đúng là ân nhân rồi. Đột nhiên, Miu muốn khóc quá. Chẳng lẽ Giàng định đoạt mạng cả gã, cả hai mẹ con Miu luôn hay sao?
Đêm. Giấc ngủ vẫn chập chờn. Bếp lửa đượm phả hơi ấm lên cả tấm chăn Miu đang cuộn tròn bên Mao Mao. Bóng ba người vẫn in trên vách bếp. Tiếng K’Đăm. Cái giọng nói ấm áp ấy đang háo hức.
– Chiều nay cháu nhặt được rất nhiều hạt bắp, hạt thóc và cả hạt bầu trong hốc đá cổ!
– Vậy à! May mắn đến với bon làng Kon Hao rồi đó! Lâu lắm rồi, chẳng ai tìm được gì trong cái hốc đá thiêng đó nữa đâu!
– Dạ, để mai cháu nói với già làng báo tin cho bà con biết!
Miu tỉnh hẳn. Qua cánh cửa sổ khép hờ, phía đằng xa tít tắp, vùng sáng nhập nhoạng ấy là phố thị, nơi Miu đã đi tìm cuộc đời mới và rồi vẫn lại về với bon làng Kon Hao. Bà lại kể về truyền thuyết hồ Nao Bân và hốc đá mà cây giáo chàng K’Long đã thọc xuống trong lúc ngồi một mình trên bãi đá chờ vợ. Bà đã kể đi kể lại biết bao lần. Vậy mà mỗi lần kể xem chừng vẫn xúc động lắm. K’Đăm cời thêm lửa ấm. Cái giọng trầm nương theo sợi khói thuốc rê của bà lan ra ngoài bầu trời đêm phất phơ gió. Có tiếng ràn rạt hắt vào mé cửa nơi thằng Mao Mao thiu thiu ngủ. Mưa…
Chú thích:
* Bon (tiếng M’nông) - thôn, làng.
23/11/2022
Đặng Bá Canh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Câu hỏi lãng quên 2

Câu hỏi lãng quên 2 Chương 10 Kính nói thế nhưng không giải thích bởi thầm nghĩ chưa chắc giải thích về quyền lực của sự cầu nguyện đã có lợ...