Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

"Thọc tiết người" trong "Lấy máu" của Dương Nghiễm Mậu

"Thọc tiết người" trong "Lấy máu"
của Dương Nghiễm Mậu

Lấy máu là cơ cuộc của những kẻ đánh mất thân phận, sống lưu vong ngay tại cuộc đời. Chới với cùng sinh mệnh trong tay và đã ném nó đi vô lí trong bầy đàn, thời cuộc và hố thẳm tâm thức. Dương Nghiễm Mậu không cho phép con người thoái thác, chối chạy. Con người phải đối diện với việc làm người một cách nghiệt ngã nhất…
1. Câu chuyện kể theo ngôi thứ nhất, xoay quanh tôi – thằng cù bơ cù bất và Năm Saigon. Sống bằng nghề làm trò bán thuốc dạo sơn đông mãi võ. “Tôi ân hận, mối ân hận và tiếc một cái gì – có phải chiến tranh đã bắt tôi sống như thế này không?”[1]. Nhân vật tôi cố gắng lí giải và tìm hiểu xem điều gì đã đẩy nó tới bước đường này. Hỏi và bắt đầu hỏi là bắt đầu truy vấn, là bắt đầu lên dây cho chuyến du hành truy vấn hữu thể, bắt đầu thực hiện một tại thế thể (In-Der-Welt-Sein). Và, đã truy vấn cũng có nghĩa là bắt đầu ưu tư hay niềm xao xuyến khôn cùng hư vô không thể nắm bắt nhưng không thể chối cãi, bấy giờ kẻ đó đã ngã vào phương trời bi kịch tại hiện của chính nó. Đó là tâm thức lạc lỏng, bơ vơ, bị ruồng bỏ. Nhưng sự bơ vơ ở đây không đơn thuần như bị cô độc giữa một thế giới xa lạ. Bơ vơ vì mất hết mọi liên hệ với thế giới xung quanh. Và quan trọng nhất, đó là sự mất liên lạc với chính mình. Không định vị được mình, và lựa chọn thực hiện mình, cho mình một cuộc đời, quyết định cho mình một cuộc đời, nên bơ vơ. Bơ vơ tuyệt đối! Đó là những kẻ bị đánh mất, đi hoang tìm kiếm cuộc đời mình. Họ – những kẻ bị đánh cắp cuộc đời – loay hoay tìm lấy và cố công thực hiện cuộc đời. Nhưng càng lao vào cuộc truy tầm đời người, càng bất lực. Vì cơ bản, không có bất cứ môi trường – hoàn cảnh – điều kiện nào cho phép kẻ đó thực hiện yếu tính người của hắn. Hắn không có cơ hội làm người với những yếu tính người hẳn hỏi và xứng đáng. Nghĩ rộng ra, dường như nhân loại vẫn ngày ngày vươn mình đến chỗ nhân tính, kỳ thực vẫn còn đan thực hiện nhân tính, thực chất chưa bào giờ tồn hữu trong nhân tính. Nhân loại vẫn còn sa lầy trên quá trình hiện hữu như là sanh mạng có nhân tính.
2. Hơn thế, bạn sẽ thấy ở các nhân vật của Mậu: cái tâm thức cô độc vì không còn cơ hội trở thành hiện thể. Thế giới thực hiện thế giới song song với quá trình gạt chúng nó – lũ nhân vật – ra khỏi sự có mặt. Thế giới từ khước sự hiện diện của chúng nó. Nó không thể làm thú, làm vật, làm cỏ cây. Nó phải làm người nhưng cơ hồ nó không còn cái cơ hội làm người nữa, sự mắc kẹt toàn diện. (Liệu bạn có nhận ra: một không khí tù túng, bức bối, vướng mắc, sa lầy, sập bẫy, mắc kẹt trong văn giới đô thị miền Nam 1954-1975, mà tiêu biểu cho không khí truyện như vậy là những sáng tác của Thanh Tâm Tuyền và Dương Nghiễm Mậu). Dường như có cái gì đó kéo nó ra khỏi cuộc đời của chính nó. Nó trống rỗng. Nó hư vô, chưa dự phần vào tồn tại. Lũ người ta bị kết án làm người nhưng cơ hội để làm được việc đó đã không còn. Làm người là một công việc hết sức hãi hùng. Hiện thể hoạt lưu tồn chuyển là một cơn ác mộng.
3. Đối với lũ nhân vật trong Lấy máu, làm người là kéo lê, bày trò, tạm bợ, chóng vánh, chim chuột, lươn lẹo, may rủi,…làm người là một hệ lụy của tình trạng bị vứt bỏ, bị số phận chung chung phổ quát cơ ngẫu ném vào bãi chiến trường hỗn tạp và hoang dã. Do thế, làm người nghĩa là bi kịch. Và sống, vì thế, là kéo dài sinh mệnh dư thừa phi lí trong hư vô, tuyệt vọng, chìm trôi vào hố thẳm hãi hùng của đồng loại. “Tôi” và Năm Saigon vẫn cứ mãi loay hoay trong bãi bùn lún sụt lần hồi ấy, hầu như không có lối thoát. Lí do, vì bọn họ chỉ là cái kết quả bị đưa lại từ cuộc diện hiện thời. Bởi vì là hệ lụy nên không thể giãy thoát. Mún giãy thoát phải truy về nguồn gốc nguyên nhân tồn tại của mình; nhưng điều ấy lại bất khả thi hơn cả việc cần phải sống. Nên bọn họ đành sống như thể chưa thể sống. Sống theo kiểu “chết lâm sàng”.
Tác phẩm này, của Dương Nghiễm Mậu, là đám tang của những kẻ còn sống.
4. Thế! Chúng tôi đi và cuộc làm người mong cho thành đời nhưng hóa ra lại thành trò của lũ vật khao khát làm nhân. Vật muốn làm nhân, vật vắt kiệt máu huyết tâm lòng lấp cho đầy đời, vắt kiệt máu là cuộc, cuộc làm đời như thế kiệt cùng quá đỗi nên cuối cùng lại thành ra dang dở ! Vắt lấy máu đồng loại, vắt kiệt máu huyết cuộc đời mình cho đến khi mòn ruỗng không còn người để làm cho cuộc thành đời nữa. Sống là bào mòn chính nhân hình-nhân tính-nhân tâm-nhân hội-nhân duyên giữa mình và bầy đàn đồng loại chung quanh. Cả “Tôi” và Năm Saigon đều muốn sống nên phải bào mòn “Nhân” của mình để làm đời nhưng khi “Nhân” mòn ruỗng, đời cũng không còn, vật cũng không còn. Thân phận lưu đày vĩnh cửu. Cuộc đời là nơi người ta bày trò để sống. Nào là múa may quay cuồng, chạy vại quay quắt đến teo tóp nhân tính. Mỗi người ta cố ngoi lên khỏi vũng lầy. Thành ra, chúng ta đè lên nhau, dẫm vào nhau, hì hục nhấn chìm đồng loại để ngoi lên. Lũ con người vây hãm lấy nhau nhợ nhụa, nhớp nhúa, nhồm nhoàm, nhăn nhít, nhộn nhạo – bẩn thỉu.
Chúng nó biến nhau thành bi kịch của nhau trong “kiếp cõi người ta” này.
5. Cuộc đời! Nhân vật tôi có rất nhiều băn khoăn về cuộc đời. Nhưng nó chỉ nhờ nhợ nhận ra, biết là có cái gì khúc mắc, u uẩn trong thâm tâm, những băn khoăn cơ bản và rất con người. Một khi tâm thức xao xuyến vì những ưu tư căn cựu này, tâm thức đã đòi hỏi. Nghĩa là nó có một cơ hội. Rất may rằng “tôi” có những ưu tư như thế. Điều này vừa là cơ hội những cũng là một án quyết. Ai cũng ít nhiều, hoặc đôi lần có những băn khoăn như “Tôi” ? Nhưng thường thì chúng ta bế tắc. Nó – xưng tôi – cũng bế tắc. Nhưng đặt ra được là đã trả lời một nửa. Thế cuộc đời ! Nghĩa rằng đời là một cuộc. Cuộc gì đây ?
6. Muốn thành cuộc thì cần có giao ứng, giao hòa, giao tiếp, giao lưu, giao h**…tóm lại là sự tương hội hóa hợp hòa quyện giữa những “cái khác” trong một tổng thể thường hằng. Hay nói trắng ra trong trường hợp con người, như “Tôi” và Năm Saigon, là sự gặp gỡ va đập. Tương ứng tương hợp tương liên tương tác…..cuộc bày ra như thế ! Đời dường như là những tiếng loảng xoảng lao xao-lô xô-lồ xồ-lố xố-lộ xộ-lộn xộn…Có những tiếng vang dội, có những âm trầm buồn. Đó là bản hòa âm của những con vật câm và điếc. Là cuộc đụng độ của những tinh cầu cô độc, rồi vỡ tan. Tất cả chỉ còn lại những thương tổn. Và chiến tranh, chỉ là một trong số đó, cái yếu tính của nó…. Đó là mất mác, thương tổn, đổ vỡ, dang dở, thừa thãi, ngổn ngang, lạc lỏng, côi cút….
Chiến tranh chỉ là cái cớ để trưng ra những yếu tính hãi hùng đầy biến loạn trong nhân tính sắp sửa của nhân loại. Một loại nhân tính có đấy mà người ta cứ với tới rồi hụt chân, với tới lần nữa….lại hụt chân lần nữa. Lũ người ta đáng thương xiết bao ! Vì chúng nó phải làm người, mà không làm được người nên chúng diễn. Và càng ngày, chúng diễn càng đạt hơn, điêu luyện hơn. Cuộc chạy đua làm người, để sống, để có mặt, để lên mặt…sống là chạy đua. Rồi cái cuộc ấy bày ra đời…mà người ta quen gọi là văn minh văn hoa văn hóa. Tất cả lộ diện một cách lố bịch và cũng chỉ là một trong vô số hề trò, tiểu xảo, manh mún, chiêu thức lừa tình được lũ người ta bày ra hòng lấp đầy hố miệng vào hố sọ, che kín lại vòng vây cương tỏa ngày một thít chặt quanh cổ họng, quanh thân người. Không có nhân tính nên đi tìm. Vì đi tìm nghĩa là chưa có nhân tính. Chúng ta chỉ giả vờ có nhân tính hoặc lờ hẳn chuyện ấy đi. Nhưng chiến tranh – một hoàn cảnh xuất sắc và hoàn hảo đẩy con người đứng ở mép rìa, ngay cái ranh giới tan-hợp phân-tụ có-không sống-chết – đẩy người ta đến đường cùng, buộc người ta nhìn một cách trực diện không thoái thác, chối chạy được. Lúc đó, người ta mới chấp nhận nghĩ đến chuyện làm người. Nghĩ một cách đau xót và rúng hoảng.
Nhà phê bình trẻ Võ Quốc Việt
7. Trong truyện Lấy máu, cả “tôi” và Năm Saigon đều là những kẻ vô gia cư, không gia đình, không nơi nương tựa, không làng xóm quê hương cố quận, không thân thích họ hàng, xóm giềng, không nghề ngỗng, không phương hướng. Chúng nó sống đầu đường xó chợ, làm trò, làm hề và lừa lọc thiên hạ qua đó dạy thiên hạ vài điều cay đắng. Về phía chúng, chúng sống ễnh ra và lao mình không thôi vào đời sống. Cơ hồ có một lực đẩy vô hình quất vào mông chúng nó, khiến chúng nó đau điếng, tháo chạy về phía trước, cứ không thôi nghĩ ngợi xem ngày mai phải làm gì để sống. Chúng ta, những đồng loại của chúng nó, cũng không ngừng tháo chạy như thế. Giống như bóng dáng của tuyệt diệt, hư vô, tiêu biến cười ngặt ngoẽo, còn chúng ta hoảng hốt cuống cuồng chạy mà không dám ngoáy đầu nhìn lại. Hiếm có kẻ nào dám trực diện với tiếng cười rùng rợn ấy của đại ngàn tăm tối-cô tịch-thản nhiên-bàng bạc-rõ ràng-rộng khắp-hiển hiện ấy. Đối diện với nó là đối diện với cái chết, là sự “úy tử”.
Năm Sagion và “tôi” chỉ là một trong vô số nạn nhân của kẻ toàn năng chìm trầm giữa bóng tối, giữa ánh sáng, là nạn nhân của toàn thể. Kẻ thủ ác mà chúng tôi đang nói ở đây, không gì khác hơn, chính là sự quy hồi vĩnh cửu của sinh mệnh và của thân phận. Ra đi, chính là trở về; vì không ở đâu lại không có thân phận, không ở đâu lại không phải sống, không ở đâu lại không phải làm người, không thể chạy khỏi cuộc sống được. Cái chết chỉ là một “phản hạt” của cuộc sống. Thế thì sống và chết, có và không, còn và mất, chỉ là một mà thôi. Nhưng vì đã khởi phát, đã cất tiếng oe oe giữa đời… Gió đã thổi, hẳn phải lướt qua hết vạn ức lần hồi nhân sinh rúng động, cho đến khi gió cạn, gió hẳn sẽ trôi vào im lìm, bình phục hư hao, rồi khi đó, gió không còn nữa. Nhưng gió đã thổi, vẫn đang thổi, tiếng khóc đã thét vào đêm, không thể chối chạy được, mà chỉ có thể xông vào nó (xông vào mà biết rằng xông vào, và xông vào mà không biết rằng xông vào). Năm Sagion và “tôi” là 2 kẻ như thế. “Tôi cứ trồi trụt, nhấp nhổm, ưu tư không thôi về việc tại sao nó lại như thế, rơi vào cái hoàn cảnh như thế, có một cuộc đời như thế, sống với một số phận như thế, vì sao quê hương nó như thế, vì sao mẹ nó chết như thế, vì sao đồng loại xung quanh nó như thế. Thái độ băn khoăn, không an lòng với hiện tại xung quanh như vậy là tiền thân của sự phản kháng. Phản kháng là một biểu hiện khác của truy vấn. Bắt đầu truy vấn là đã bắt đầu rơi vào chân trời của hố đen hiện thể đi về hữu thể tổng quát. “Tôi” đứng ở mép rìa của sự còn và mất, sự có và không.
8. Cuộc sống hiện đại buộc người ta có những mối lo toan rất thường tình. Đó là những kẻ lo sống, nhưng còn một việc cũng đáng kể không kém. Đó là lo chết. Người ta lo sống nên vốn dĩ chả sống gì cả, và ngày càng tiệm cận cái chết. Kẻ lo chết thì sống hẳn một đời dù đời chỉ một giờ, một khắc, một khoảnh. Khi người ta lo sống, lo toan chạy vại, đuổi theo những mưu cầu thường tình thú vật thỏa mãn cho bài toán nhân sinh 1+1=2; cuộc sống cơ hồ càng bấp bênh, mơ hồ, phi lí, chóng vánh, mong manh, tạm bợ. Sống hôm nay chưa nghĩ đến ngày mai. Đời trôi đi nhanh quá, vô tình quá, khắc nghiệt quá, người ta chỉ còn biết sống theo quán tính. Vì nhân tính điếng đét quá thể bởi tiếng súng, xác người, bạo loạn, miếng ăn trầy trật, áo quần rách rưới, bọn bầy giả trá, cường bạo hoành hành, khói nhang tang tóc bi đát bay vưởng khắp ngõ ngách hẻm cụt đường cùng thành phố lẫn đồng quê; không ở đâu, không một góc đất bờ ruộng nào mà con người có thể nương náu; nên người ta tự thui chột tất cả quan năng, hạ thấp chuẩn nhân sinh của mình xuống ngang hàng với cầm thú vô tính vô tình. Sống như con giun dế chim chuột suốt ngày cuống cuồng thọc ngoạy khắp hang cùng ngóc ngách để có miếng ăn, để thỏa thê chóng chán một vài cuộc rồi nhẵn túi lại bày trò tìm miếng ăn khác. Năm Saigon chỉ có thể nghĩ được những chiêu trò cho hôm nay, không nghĩ nổi kế sách cho ngày mai, hoặc có thể ngày mai với hắn không có ý nghĩa gì hết. Ngày mai chỉ là một danh từ trống rỗng; chỉ là một danh từ để ví dụ chút chơi trong cuộc rượu của những kẻ vô công rỗi nghề. Suy cho cùng, hắn là kẻ bị đánh mất, như lớp lớp hàng hàng đàn đàn bầy bầy lũ lũ lượt lượt “con người ta” rùng rùng dịch chuyển giữa dòng trường giang sóng to gió lớn. Chúng nó buộc phải làm người, làm thành đời, làm thành thân phận nhưng hoàn toàn bị gạt khỏi dòng hiện tồn. Họ chỉ cố bám mình lắc léo giữa có và không. Như câu chuyện tên kia rơi vào cái hố sâu hoắm, vội vơ tay bám vào rễ cây cạnh miệng hố. Không may cội rễ bị hai con chuột đen trắng gặm nhắm, trong khi dưới cái hố thẳm đen òm kia có một con quái vật khát đói gầm rú liên hồi. Tên đó không biết khi nào mình rơi tỏm vào hố kia.
Số phận là một bàn cờ thế, tiến thoái lưỡng nan.
9. Và Lấy máu là cơ cuộc của những kẻ đánh mất thân phận, sống lưu vong ngay tại cuộc đời. Chới với cùng sinh mệnh trong tay và đã ném nó đi vô lí trong bầy đàn, thời cuộc và hố thẳm tâm thức. Dương Nghiễm Mậu không cho phép con người thoái thác, chối chạy. Con người phải đối diện với việc làm người một cách nghiệt ngã nhất.
Chú thích:
[1] Dương Nghiễm Mậu (2007), Đôi mắt trên trời, Nxb Văn Nghệ, TPHCM, tr.6 (Lấy máu là truyện ngắn đầu trong tập Đôi mắt trên trời xuất bản 1966 ở Saigon).
23/11/2022
Võ Quốc Việt
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Câu hỏi lãng quên 2

Câu hỏi lãng quên 2 Chương 10 Kính nói thế nhưng không giải thích bởi thầm nghĩ chưa chắc giải thích về quyền lực của sự cầu nguyện đã có lợ...