Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

Margaret Mitchell và cuốn tiểu thuyết duy nhất "Cuốn theo chiều gió"

Margaret Mitchell và cuốn
tiểu thuyết duy nhất "Cuốn theo chiều gió"

Tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển “Cuốn theo chiều gió” là Margaret Mitchell đã sống một cuộc đời không quá dài (1900-1949) và không hề bình lặng. Tác phẩm duy nhất của bà được xuất bản đã mang đến cho nữ văn sĩ sự vinh quang trên toàn thế giới và sự giàu có, nhưng cũng đã lấy đi của bà quá nhiều năng lượng tinh thần.
Những thăng trầm cuộc đời
Margaret Mitchell gần như là người đồng hành của thế kỷ XX. Bà ra đời tại Atlanta, bang Gorgia, Hoa Kỳ nơi đã trở thành địa danh thực tế cho cuốn tiểu thuyết bất hủ của mình. Cô bé Margaret sinh ra trong một gia đình sung túc và khá giả. Cha của Margaret là luật sư, mẹ là nội trợ vẫn tham gia phong trào bình quyền, đấu tranh cho quyền bầu cử.
Nói chung, nữ tác giả viết về cô gái mắt xanh Scarlett OHara có nhiều điểm giống bản thân mình. Margaret mang nửa dòng máu Ireland và là cô gái miền Nam chính gốc, song không nên nghĩ rằng nữ văn sĩ là một phụ nữ độc thân nhàm chán đeo kính với chiếc bút trong tay. Tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” được bắt đầu bằng câu “Scarlett OHara không đẹp”, nhưng Margaret Mitchell lại là cô gái xinh đẹp. Mặc dù không cảm thấy mình là đặc biệt hấp dẫn khi bắt đầu cuốn sách bằng câu đó nhưng rõ ràng bà rất khiêm tốn. Mái tóc sẫm màu, đôi mắt xanh hình quả hạnh nhân và thân hình mảnh mai đã thu hút đàn ông như thỏi nam châm. Tuy nhiên, những người cùng thời nhắc đến Margaret không phải như một người đẹp hời hợt mà trước hết như một người kể chuyện ấn tượng và rất biết lắng nghe kỷ niệm của những người khác.
Cả hai người ông của Margaret đều tham gia cuộc nội chiến giữa hai miền Bắc – Nam và nữ văn sĩ tương lai sẵn sàng ngồi hàng giờ để nghe kể vể những chiến công của họ ở thời kỳ đó. Như sau này một người bạn gái của Mitchell nhớ về bà: “Khó mà mô tả về Peggy (biệt danh hồi nhỏ của Margaret) bằng ngòi bút khi truyền tải sự vui vẻ, sự quan tâm của cô ấy đối với mọi người và sự hiểu biết cơ bản về bản chất của họ, sự trung thành đối với bạn bè cũng như sự sinh động và quyến rũ trong bài nói của cô. Nhiều cô gái miền Nam là những người kể chuyện bẩm sinh nhưng Peggy đã kể những câu chuyện của mình một cách hài hước và khéo léo đến nỗi mọi người trong căn phòng đông nghịt đã lặng người lắng nghe cô suốt buổi tối”.
Ở Margaret là kết hợp của sự say mê vui chơi giải trí và lòng đam mê thể thao, những khả năng xuất sắc trong học tập và sự quan tâm đến kiến thức, khát khao tự lập và mong muốn tạo lập một gia đình tốt nhưng hoàn toàn phụ quyền. Mitchell không phải là một người lãng mạn. Những người cùng thời coi cô là người thực tế và thậm chí là keo kiệt. Chuyện cô biết cách giành từng đồng xu tiền nhuận bút ở các nhà xuất bản sau này đã lan ra như một truyền thuyết…
Ngay từ khi còn ở trường trung học, cô con gái này của ông luật sư đã viết những vở kịch non nớt theo phong cách lãng mạn cho sân khấu học sinh. Sau khi tốt nghiệp trung học Mitchell đã theo học một năm tại Trường Đại học Massachuset danh tiếng. Tại đây cô hoàn toàn bị thôi miên bởi ý tưởng của Sigmund Freud, người đã đặt nền móng cho ngành phân tâm học. Cô gái người Mỹ này hoàn toàn có thể trở thành một học trò và người kế nghiệp của ông nếu như không gặp phải sự kiện bi thảm. Vào năm 1919, mẹ của cô đã chết trong thời gian xảy ra dịch cúm Tây Ban Nha, rồi không lâu sau đó Henrry là chồng chưa cưới của Margaret cũng qua đời tại châu Âu.
Mitchell đã trở lại Atlanta để nhận quản lý ngôi nhà. Cô gái còn quá trẻ và giàu năng lượng nên không chìm vào tuyệt vọng. Cô không bắt đầu sự nghiệp chính trị là lựa chọn một chính đảng mới. Thay vào đó cô đã chọn cho mình một công việc thuộc ngành báo chí là trở thành phóng viên của Tạp chí Atlanta. Ngòi bút nhẹ nhàng mà sắc sảo của Margaret đã nhanh chóng đưa cô trở thành một trong số những phóng viên hàng đầu của tờ tạp chí. Xã hội gia trưởng miền Nam thật khó mà thấu hiểu được một người phụ nữ là nhà báo.
Lúc đầu biên tập viên của xuất bản phẩm trên đã thẳng thừng tuyên bố với cô gái kiêu hãnh này: “Một quý cô từ một gia đình tốt có thể viết về những tiểu thị dân và chuyện trò với những người bần hàn đủ kiểu hay không?”. Câu hỏi này đã làm cho Mitchell ngạc nhiên: Cô không bao giờ có thể hiểu được là phụ nữ kém hơn nam giới về điểm gì. Những bài phóng sự dưới ngòi bút của nữ nhà báo được viết tinh tế, sắc nét không để lại một thắc mắc nào cho độc giả…
Những người dân Atlanta nhớ lại: sự trở về thành phố quê hương của cô đã đem đến niềm hân hoan thực sự đối với giới đàn ông ở đây. Theo tin đồn thì người đẹp có học thức và trí tuệ này đã nhận được vô số lời cầu hôn, thế nhưng trớ trêu thay, ý trung nhân được cô lựa chọn lại không phải là một người tốt nhất.
Cuộc sống gia đình Margaret được xem như là một chuỗi những buổi dạ hội, chiêu đãi và những cuộc cưỡi ngựa. Cả hai vợ chồng từ nhỏ đều say mê môn thể thao đua ngựa. Tính cách này cũng được nữ văn sĩ gán cho nhân vật Scarlett. Red trở thành nguyên mẫu của nhân vật Rhett – song tiếc rằng đó chỉ là sự biểu hiện bề ngoài. Chồng cô thực ra là một người tàn nhẫn, nóng nảy, ưa bạo lực, chỉ một chút bực tức cũng có thể cầm súng. Người vợ bất hạnh đã cảm thấy được sức nặng những nắm đấm của anh ta. Và rồi trong chiếc xắc của Margaret cũng để một khẩu súng, cô đã chứng tỏ mình không phải là một kẻ cam chịu.
Chẳng bao lâu sau thì cặp vợ chồng đã ly dị. Trong suốt quá trình của vụ ly hôn nặng nề mọi người nín thở theo dõi những tin đồn lan khắp thành phố. Thế nhưng sau thử thách đó Margaret đã ngẩng cao đầu bước tiếp. Margaret trở lại là người đẹp một thời và những năm sau đó không còn bận tâm đến việc ly hôn. Đến năm 1925, Margaret đã kết hôn với chàng trai khiêm tốn và trung thành John Marsh. Cuối cùng thì hạnh phúc bình yên đã đến trong ngôi nhà của cô.
Khi trở thành bà Marsh, Margaret đã bỏ việc ở tòa soạn báo. Vì sao vậy? Có người nói: vì những chấn thương do bị ngã ngựa, người khác lại khẳng định Margaret quyết định dành thời gian cho gia đình. Bất luận thế nào bà cũng tuyên bố: “Người phụ nữ đã có chồng trước hết cần phải là một người vợ. Tôi là bà John Marsh”. Tất nhiên, bà Marsh không dối lòng nhưng bà không định bó hẹp cuộc đời mình trong thế giới bếp núc. Margaret rõ ràng là đã mệt mỏi vì công việc làm báo và quyết định cống hiến cho văn học.
Sự ra đời của bộ phim “Cuốn theo chiều gió”
Bộ phim dựa theo tiểu thuyết của nữ văn sĩ Margaret Mitchell “Cuốn theo chiều gió” được phát hành vào năm 1939, chỉ ba năm sau khi cuốn sách được xuất bản. Trong buổi công chiếu có sự tham gia của hai ngôi sao Hollywood Vivien Leigh và Clark Gable, những người đã đóng các vai chính Scarlett OHara và Rhett Butler trong phim. Đứng cách xa những người đẹp màn ảnh là một người phụ nữ gầy mảnh mai khiêm tốn đầu đội mũ. Đám đông phấn khích hầu như không nhận ra bà chính là Margaret Mitchell – tác giả của cuốn sách mà ngay khi bà còn sống đã trở thành cuốn văn học kinh điển của nước Mỹ. Bà được sống trong ánh hào quang tác phẩm của mình từ năm 1936-1949 và cho đến ngày cuối cuộc đời của mình.
Với những chương đầu của “Cuốn theo chiều gió” bà chỉ chia sẻ ý kiến với chồng mình. Ngay từ những ngày đầu tiên, chính Marsh đã trở thành người bạn, nhà phê bình và người tư vấn tốt nhất của bà. Cuốn tiểu thuyết đã viết xong vào cuối năm 1920 nhưng Margaret e ngại việc công bố nó. Những chiếc cặp đựng giấy tờ bản thảo cứ nằm trong tủ của ngôi nhà lớn còn mới của Marsh. Nơi ở của họ trở thành trung tâm đời sống trí thức của thị trấn và có vẻ gì đó giống như một salon văn học.
Có lần, một biên tập viên của Nhà xuất bản “Makmillan” đã tới Atlanta. Trong khi gặp gỡ Margaret vì công việc ông ta hỏi cô đã từng viết cuốn sách nào chưa. Margaret sau hồi lâu suy nghĩ phân vân và cuối cùng đã mang bản thảo đến cho người biên tập. Sau khi đọc xong ông hiểu ngay rằng mình đang cầm trong tay một cuốn sách sẽ thuộc dạng bestseller. Phải mất nửa năm để hoàn thiện cuốn tiểu thuyết. Cái tên cuối cùng của nữ nhân vật “Scarlett” đã được tác giả nghĩ ra ngay tại tòa soạn. Margaret đã lấy tên này từ bài thơ của nhà thơ Dawson. Người biên tập đã đúng: cuốn sách đã trở thành bestseller trong phút chốc, còn tác giả là người được nhận giải thưởng uy tín Pulitzes vào năm 1937. Ngày nay tổng số phát hành cuốn sách của bà chỉ tính riêng ở Mỹ đã đạt khoảng 30 triệu bản.
Tuy nhiên, sự vinh quang cũng như tiền bạc không mang lại hạnh phúc cho nữ văn sĩ. Sự yên bình trong ngôi nhà mà vợ chồng bà ra sức giữ gìn đã bị xáo động. Margaret đã phải cố hết sức kiểm soát dòng tiền trong ngân sách riêng của mình. Những vấn đề tài chính chỉ mang đến sự mệt mỏi và bà đã không còn đủ sức cho việc sáng tác nữa. Thêm vào đó người chồng chung tình John Marsh lại mắc bệnh. Margaret đã biến thành một y tá tận tụy và điều này thật khó nhọc bởi chính sức khỏe của bà cũng bắt đầu bị xấu đi nhanh chóng. Đến cuối năm 1940 thì sức khỏe của hai vợ chồng bắt đầu khá lên, thậm chí họ còn tổ chức những chuyến đi ngắn tìm hiểu văn hóa.
Thế nhưng, hạnh phúc trở lại chẳng được bao lâu. Vào tháng 8 năm 1949 một chiếc xe do người tài xế say rượu cầm lái đã cán phải Margaret lúc đó đang cùng chồng trên đường đến rạp chiếu phim. Không may, chỉ năm ngày sau thì tác giả “Cuốn theo chiều gió” đã qua đời.
19/11/2022
Bích Nguyễn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Câu hỏi lãng quên 2

Câu hỏi lãng quên 2 Chương 10 Kính nói thế nhưng không giải thích bởi thầm nghĩ chưa chắc giải thích về quyền lực của sự cầu nguyện đã có lợ...