Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

Những trang văn đầy ấn tượng

Những trang văn đầy ấn tượng

Trong số các tác giả văn xuôi đương đại, Hồ Ngọc Quang là gương mặt để lại nhiều ấn tượng cho độc giả. Hồ Ngọc Quang có khả năng viết nhiều thể loại (truyện ngắn, ký, kịch), thể loại nào cũng có đóng góp. Hồ Ngọc Quang bén duyên với văn chương từ cuối những năm bảy mươi, đầu những năm tám mươi thế kỷ trước.  Ngay từ khi còn rất trẻ (25 tuổi) anh đã đạt giải Nhất cuộc thi Ký báo Nghệ An (năm 1984). Tiếp đó, anh đạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi truyện ngắn của Hội Văn nghệ Nghệ An. Từ đó đến nay, anh vẫn miệt mài sáng tác.
Trong khuôn khổ của một bài viết nhỏ dưới đây, chúng tôi trình bày một số cảm nhận về truyện ngắn của Hồ Ngọc Quang.
Trước hết, có thể nói, đọc các truyện ngắn của Hồ Ngọc Quang, cảm nhận đầu tiên, bao trùm và xuyên suốt là Hồ Ngọc Quang khá độc đáo, tinh tế và sắc sảo trong việc tạo ra tình huống truyện. Như chúng ta đã biết, tình huống là một trong những yếu tố quan trọng nhất của truyện ngắn, khi cầm bút, việc đầu tiên mà tác giả phải làm là phải sáng tạo ra tình huống truyện. Hồ Ngọc Quang đã làm tốt điều này. Hồ Ngọc Quang đã biết chọn ra trong dòng đời trôi chảy một khoảnh khắc mà ở đó cuộc sống có nét riêng biệt nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc mà ở đó con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất. Như ở truyện “Đêm miền rừng chỉ nghe tiếng gió”, tình huống đó là cuộc gặp bất ngờ giữa một thầy giáo bị hỏng xe với một cô giáo vốn là học trò cũ giữa miền rừng núi, qua đó bộc lộ cái tâm của người phụ nữ (nhiệt tình, hồ hởi, vô tư, sẵn sàng giúp đỡ thầy giáo cũ với tình cảm trong sáng). Tình huống ấy là đầu mối cho sự phát triển của truyện, tác động đến tâm trạng, hành động của các nhân vật và thể hiện chủ đề của truyện.
Còn trong truyện “Ma xó” lại là một tình huống khác. Ở đây, tình huống là một khoảnh khắc của đời sống mà trong đó, mối quan hệ giữa người với người bị đặt trước một tình cảnh rất éo le: vì trời mưa quá Quân chưa về quê được nên Lô Hoàn đã mời Quân về bản mình chơi, vì Lô Hoàn là người vô sinh nên nhân đây muốn nhờ Quân thay mình cho vợ mình một đứa con. Hồ Ngọc Quang đã rất sáng tạo khi đưa ra tình huống oái oăm này, qua đó, một phần bản chất nhân vật hiện hình sắc nét và ý tưởng của tác giả cũng được bộc lộ rõ ràng.
Ở các truyện “Vòng tròn nhân hậu”, “Ở ống, ở bầu”, v.v… người đọc cũng được bắt gặp những tình huống độc đáo như vậy. Có thể nói tình huống trong truyện ngắn Hồ Ngọc Quang là hạt nhân của truyện ngắn, là yếu tố bao trùm lên toàn bộ truyện ngắn, nếu không có tình huống thì không có tính cách nhân vật. Tác giả phải lao tâm khổ tứ rất nhiều mới sáng tạo được tình huống truyện độc đáo.
Ngôn ngữ trong truyện ngắn Hồ Ngọc Quang là ngôn ngữ đa thanh, đa giọng điệu. Anh biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ văn kể chuyện với ngôn ngữ văn miêu tả, văn triết lí: “Quả là không có cây gì mọc lên một cách dễ dàng cho con người. Cây dứa cũng bấp bênh lắm. Sim mua vẫn là cây chiếm lĩnh tràn ngập, xanh tốt bời bời. Đặc sản vùng này có lẽ là sim, những quả sim béo tròn, tím biếc, đẹp như tranh… những quả sim tím béo ngậy, múp míp…” (Đêm miền rừng chỉ nghe tiếng gió). Thỉnh thoảng Hồ Ngọc Quang chen vào những câu giàu tính triết lý, tạo ra được những khoảng lặng thú vị cho độc giả suy ngẫm: “Quả là cuộc sống không hề dễ dàng, có được cái gì đó cho cuộc đời này, ở đây không đơn giản. Đến một cái cây, đời này chọn, đời sau chọn, mà mọc lên cũng không dễ dàng” (Đêm miền rừng chỉ nghe tiếng gió).
Ngôn ngữ trong truyện ngắn Hồ Ngọc Quang sinh động, trong sáng, tự nhiên, gần gũi với độc giả. Anh không diễn đạt một cách trần trụi mà diễn đạt bằng hình ảnh gây được hứng thú cho độc giả: “Tối qua, chồng chị đã báo trước, sáng nay có thể bọn chúng đến đòi nợ, con thuyền nhỏ liệu có chịu được cơn bão tố hay lại vùi mình trong nước?” (Đời), hoặc khi nói về vẻ đẹp của nhân vật Lài: “Nó như bông hoa khoai lang, trắng nõn và phơn phớt tim tím. Nó như bông hoa dẻ vàng mơ, cánh giản đơn mà thơm lừng. Cũng có thể nói là bông sen, phơn phớt hồng, ở chốn bùn nhơ mà thanh cao, ngan ngát” (Ở ống ở bầu). Giọng điệu truyện ngắn của anh đa dạng, nhiều dáng vẻ, khi sôi nổi, tha thiết, rạo rực, hồ hởi, khi trang nghiêm, thâm trầm, lắng đọng… Anh biết kết hợp khéo léo giữa lời kể với lời đối thoại, biết dựng cảnh, tả người một cách sinh động, nhiều chi tiết tươi rói, giàu sức sống. Anh biết thay đổi đối tượng, không gian, thời gian, đan xen quá khứ với hiện tại, biết chọn điểm nhìn thích hợp làm cho câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực (Tốt đã nhập cung, Ở ống ở bầu, Vòng tròn nhân hậu…).
Bởi vậy, đọc truyện ngắn của anh, người đọc như được đồng hành cùng nhân vật, được tham gia vào câu chuyện của nhân vật, như được cùng đối thoại, cùng trải nghiệm với nhân vật một cách hứng thú, háo hức.
Cách dẫn chuyện của anh cũng có nét riêng. Đoạn mở đầu truyện của anh thường gợi ra sự tò mò và hứng thú cho người đọc. Như phần mở đầu truyện “Đời”: “Con chó béc giê lông xám nhảy chồm chồm trong chuồng sắt sủa inh ỏi. Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hòa Yên – Lương Hùng, vội đi từ gian nhà khách xuống nhà dưới, hé mắt nhìn qua cửa sổ, rồi vội đến bên cửa hậu, mở cửa, nhẹ nhàng đi qua gian bếp, trèo tường, tụt xuống theo cây xoan đâu nhà hàng xóm, lỉnh mất”. Ngay những câu đầu tiên này đã gây được sự chú ý, gợi cho người đọc liên tưởng đến những gì sắp xảy ra.
Trên đây là những cảm nhận bước đầu của chúng tôi về truyện ngắn của Hồ Ngọc Quang. Tin rằng trong chặng đường sắp tới, Hồ Ngọc Quang sẽ cống hiến cho người đọc nhiều truyện ngắn hấp dẫn hơn nữa.
Vinh, 19/10/2021
Đoàn Mạnh Tiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Câu hỏi lãng quên 2

Câu hỏi lãng quên 2 Chương 10 Kính nói thế nhưng không giải thích bởi thầm nghĩ chưa chắc giải thích về quyền lực của sự cầu nguyện đã có lợ...