Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Hoa hồng bạch

Hoa hồng bạch

Năm 1972, chiến sự ngày càng khốc liệt. Tôi vừa thi hỏng tú tài I thì nhận được lệnh gọi “quân dịch” (đi lính). Cha mẹ vội bán đổ tháo mấy trăm giạ lúa để lo cho tôi về trại ruộng (nhà cất tạm bợ, ở để làm ruộng) lánh thân.
Trại ruộng thuộc một ấp vùng sâu, nằm cận kề một khu rừng tràm luôn ngập nước thuộc tỉnh Kiên Giang. (sau này tôi mới biết trong rừng có mật khu “Tràm Dưỡng” của quân Giải Phóng). Chính nơi hẻo lánh này, tôi quen biết chị Hoa, một cô giáo trẻ.
Nghe kể, chị chỉ còn mẹ. Cha chị đi tham gia kháng Pháp rồi không về. Vừa trổ mã (xinh đẹp) thì chị cũng vừa bị tên quan già để mắt tới. Thế là gia đình chị liên tiếp bị hù dọa. Sợ chúng làm nhục con, mẹ và bà con chòm xóm đều khuyên chị lánh đi ….
Tôi còn nhớ rõ đêm hôm ấy, cành lá rậm rịt như được ánh trăng dát bạc. Mùi hương tràm nồng ấm. Nghe chị kể lại quãng đời xưa kia, mà lòng không khỏi xốn xang, bởi rất lâu trong cảnh sống đủ đầy, mình đã thờ ơ, thậm chí có khi còn hiểu sai lý tưởng đấu tranh của biết bao người….
Ngót hơn năm sau, lối chừng đầu năm 1974.Thời gian này chị Hoa thôi dạy để vào mật khu nhận công tác tuyên truyền, chung đội với anh Năm –người yêu của chị. Và tôi, nhờ anh chị hết lòng dìu dắt, cũng đã trở thành một du kích trẻ. Trong không khí náo nức vì vùng giải phóng khắp nơi mỗi ngày thêm mở rộng; chúng tôi liên tiếp thắng lớn ở Vàm Răng, Giồng Riềng, Hòn Đất… Bên niềm vui chung to lớn, anh Năm và chị Hoa còn có thêm niềm vui riêng là mối tình đẹp đẽ của cả hai người, được cấp trên đồng ý tác thành.
Nhưng thật đau đớn, năm hôm trước ngày 30/4, chồng chị - người chiến sĩ dũng cảm, nhân hậu - đã ngã xuống khi anh tình nguyện đi trinh sát rồi lọt vào vòng vây của đối phương. Lúc bấy giờ, khắp miền Nam thế tiến công của quân dân ta như bão táp. Chúng tôi chỉ còn kịp dành vài phút mặc niệm anh, nài nỉ chị ở lại giữ trạm để chăm sóc thương binh và cũng để lo cho đứa con trai chưa thôi sữa…
Sau ngày giải phóng, chị Hoa về lại với công việc dạy học. Thấy chị còn trẻ, hiền lành; có người xui chị đi thêm bước nữa, nhưng chị đều khéo từ chối. Có thể trong lòng chị bấy giờ đã dành hết cho con, cho các trò nhỏ mà chị hết lòng chăm chút …
Ấy vậy mà mấy năm gần đây, chị đành phải nghỉ dạy vì đau yếu luôn. Mái tóc dài óng mượt thưở nào nay cứ khô dần rồi rụng .Trên làn da sáng mịn, mỗi ngày thêm nhiều nốt sần thâm đen. Bác sĩ cho biết chị bị nhiễm một loại hóa chất độc hại từ thời chiến tranh. Vậy mà lần nào ghé thăm, tôi cũng bắt gặp khi thì chị sang hàng xóm phụ việc; khi thì trong căn nhà hẹp, hơn chục trẻ nghèo đến ôn tập. Những lúc ấy, tôi thường nén tiếng thở dài rồi lòng càng thêm nhớ về một chốn xa, nơi ai cũng quí thương nhau, biết quên thân vì lý tưởng cao cả của mình. Nhất là những ngày tôi bị thôi việc, bị tù vì dính vào một vụ tham ô. Giá như trước khối tiền cùng nhan sắc ấy ; tôi nhớ lại, suy nghĩ lại một chút về những mất mát quá to lớn của đồng đội, đồng bào … chắc là tôi đã đủ sáng suốt để vượt qua cám dỗ, nhận rõ đúng sai …
Đầu năm nay con trai chị vừa tốt nghiệp đại học, tôi cũng vừa xin được việc làm mới. Nhận tin vui, lúc nằm ốm liệt, chị cố gượng dậy nắm chặt lấy tay tôi và nơi khóe mắt quầng thâm, lâu rồi mới được ứa ra những giọt lệ mừng.
Đêm đó trăng sáng vằng vặc, nhờ vậy đôi ba khóm hồng bạch trước sân – loài hoa vợ chồng chị hằng yêu mến – dù mấy hôm rày không mưa, thiếu chăm sóc, cành lá vẫn sáng lấp lánh …
Tôi đã chọn vài bông hoa đẹp nhất, khẽ cắm vào bình rồi lặng lẽ thắp hương cầu bình an cho chị và cũng để tạ lỗi với anh Năm, vì mình đã sai trái, đã phụ lòng dìu dắt… Thật bất ngờ khi tôi nhận ra trên bàn thờ người liệt sĩ, trong quả táo bằng nhựa đỏ, một nấm đất khô, mà ngày nào không tìm được hài cốt của anh, chị đã ngậm ngùi nhặt lên từ căn cứ cũ, cũng là nơi anh chị cùng hưởng niềm hạnh phúc ngắn ngủi. Không biết ai đã nói, cái thật nhỏ cũng có thể mách bảo ta bao điều rất lớn. Từ ý tưởng này, khiến tôi cứ thầm suy nghĩ miên man, trong khi mùi hương thanh khiết cứ lặng lẽ tỏa lên từ những đóa hoa không dễ lụi tàn…
Bùi Thụy Đào Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhắc lại chuyện nghiên mực Tức Mặc Hầu

Nhắc lại chuyện nghiên mực Tức Mặc Hầu I. Học giả Vương Hồng Sển nói gì về nghiên mực quí hiếm trên?: Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, nên n...