Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Huỳnh Mẫn Đạt - Nhà thơ Việt Nam

Huỳnh Mẫn Đạt
Nhà thơ Việt Nam

Phần I
Đọc câu “Lửa hồng Nhật Tảo…”
Nhớ nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt
I.Huỳnh Mẫn Đạt - nhà thơ Việt Nam (1807 - 1883)
Quê ông ở làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định ( nay thuộc TP. HCM ); có sách cho rằng ông là người ở Rạch Giá - Kiên Giang.
Ông đỗ Cử nhân khoa Tân Mão (1831), làm quan dưới thời Tự Đức: Án Sát Định Tường; Tuần phủ Hà Tiên, Tuần phủ Châu Đốc…
Ông không những là một vị quan thanh liêm, hết lòng vì dân vì nước mà ông còn là người nổi tiếng giỏi thơ Nôm ở đất Đồng Nai; là bạn tâm giao của Bùi Hữu Nghĩa (nhà thơ yêu nước 1807 – 1872. Vỡ tuồng Kim Thạch kỳ duyên của nhà thơ họ Bùi này, có phần đóng góp của ông)
Năm 1861 giặc Pháp tấn công Định Tường, Huỳnh Mẫn Đạt cùng binh sĩ ra sức giữ thành mà không nổi. Ông đành lánh về Kiên Giang và sống ở đó đến cuối đời.
II.Nhiều sách văn học viết vào thời kỳ này đều có chung nhận xét là:
Huỳnh Mẫn Đạt là một trong những cây bút “chiến đấu” trong hàng ngũ những nhà thơ yêu nước ở Nam Bộ thời kỳ đầu kháng Pháp của dân tộc. Ông góp phần vào cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường (Tôn Thọ Tường là tay sai cho Pháp, nhưng tự cho mình là người thức thời, là người trung thành với Triều đình nhà Nguyễn; tự ví mình như “Tôn phu nhân quy Thục”, “Từ Thứ quy Tào” ở trong thơ. Tường đã bị Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt cùng một số nhà thơ yêu nước khác họa thơ đập lại ).
Những bài thơ như: “Điếu Nguyễn Trung Trực”, “Cây dừa”, “Chó già”, “Lão kỹ quy y”,... Nói lên lòng chung thủy của ông đối với đất nước; sự ngưỡng mộ với những anh hùng liệt sĩ chống Pháp và sự căm ghét, khinh bỉ bọn tay sai của bọn thực dân xâm lược. Hiện nay ở Văn Xương Các ( miếu Văn Thánh ) Vĩnh Long còn có bài vị thờ ông.
(trích tư liệu: “ Thơ văn yêu nước 1858 - 1990 “ - NXB. VH, HN.1976 )
III.Kể một giai thoại để minh họa một nhân cách đáng quí:
Trong bài viết Những kẻ sĩ hòa mình & đứng về phía bình dân, nhà văn Sơn Nam tường thuật:
Lúc nhà nước Pháp thâu thủ phủ Nam Kỳ, ngài (Huỳnh Mẫn Đạt) an phận dưỡng nhàn, không mang tiếng chi cả, hình trạng khôi ngô ốm yếu, tánh nết hiền lành, hay làm thi quốc âm, tao nhã thiệp liệp lắm.
Ông Tôn Thọ Tường kính ngài là bực phụ chấp. có một ngày kia ngài lên Sài Gòn chơi, gặp lúc trời chiều, ngài đội cái nón ngựa, đứng coi Lang Sa thổi kèn tại Bồn kèn, gặp xe ông Tường đi, ngài lánh mặt bên gốc cây.
Không cho ông Tường thấy, ông Tường liếc mắt thấy ngài. Liền ngừng xe nhảy xuống mừngrỡ nghinh tiếp, trách ngài sao không ghé chơi; ngài tánh hay ngâm thơ nôm, liền ngâm một bài hát cú rằng:
Cừu mã năm ba dạo cặp kè
Duyên sao giải cấu khéo đè ne.
Đã cam bít mặt cùng trời đất,
Đâu dám nghiêng mày với ngựa xe.
Hớn hở trẻ dong đường dặm liễu.
Lơ thơ già núp cội cây hoè.
Sự đời thấy vậy thời hay vậy.
Thà ẩn non cao chẳng biết nghe.
“Ông Tường biết ý ngài rồi, liền ngâm trả lại một bài thi rằng:
Tình cờ xảy gặp bạn tiền liêu
Thơ phú ngâm nga hứng gió chiều.
Thế cuộc đổi đời càng lắm lắm.
Thiên cơ mầu nhiệm hãy nhiều nhiều
Nước non dường ấy, tình chứng ấy,
Xe ngựa bao nhiêu, bụi bấy nhiêu.
Hăm hở nhạc Tây hơi trổi mạnh
Nghe qua ngùi nhớ giọng tiêu thiều.
VI. Giới thiệu một số tác phẩm của ông:
1/Giới thiệu vài bài thơ nôm:
Chó Già
Tuy rằng muông cẩu có ân ba,
Răng rụng lâu năm nó phải già.
Bởi đuổi hươu Tần nên mỏi gối,
Vì lo khỉ Sở mới dun da.
Không ai trấn Bắc ngăn bầy cáo,
Ít kẻ ngừa Tây giữ đứa tà.
Mạnh mẽ như xưa còn hớn hở,
Bây giờ yếu đuối hết xông pha.
(Hươu Tần: đời Tần Nhị Thế, chính sự mục nát, giặc nổi lên tứ tung.Có người bảo: “ Nhà Tần để sổng con hươu, ai đuổi bắt được thì người ấy được thiên hạ.Khỉ Sở: Lưu Bang chế giễu Hạng Võ là con khỉ đội mão)
Trâu Già
Một nhắm xương, một nhắm da,
Bao nhiêu cái ách đã từng qua.
Đuôi cùn biếng vẫy Điền Đơn hỏa,
Tai điếc chi nghe Nịnh Thích ca.
Sớm dạo nội sằn đi khấp khởi,
Tối về tử lý thở hê ha.
Bôi chuông nhớ thuở qua đường hạ,
Ân đội Tề vương bắt lại tha.
II
Kể từ hội sửu đã sanh ra,
Tai điếc chi nghe Nịnh Thích ca.
Mấy chốn kỳ thần ra sức cả,
Đòi nơi bái xã rán thân già.
Rửa tai Vĩnh thủy nhường ngôi báu,
Cởi ách Đào lâm biếng gác xa.
Tề-chúa bôi chuông còn chẳng nỡ,
Có đâu khó nhọc với nông-gia
Cây dừa
Ba xuân đào lý phải duyên ưa,
Cây trái liền năm chẳng kịp dừa
Đuôi phượng vẻ vang che nắng gió,
Mình rồng chan chứa gọi mây mưa
Dãi dầu giúp kẻ khi xơi tối,
Giúp nước vui người buổi khát trưa.
Rường cột miếu đường không xứng mặt,
Chống ngăn bờ cõi cũng bưa bưa.
(Bưa bưa: tiếng địa phương, có nghĩa: vừa vừa, không phải giỏi)
Phần II
Gành Móm
Tượng mắng non sông tác chẳng tà,
Cớ sao Gành Móm lại do ra?
Chòm rong lộp xộp râu Bành Tổ,
Kẹt đà gio gie nướu Tử Nha.
Miệng xúc trêu trao cơn sóng dợn,
Khăn lau quọt quẹt thức mây qua.
Thày lay thử hỏi xuân thu mấy?
Rằng thuở khai thiên đã có ta.
Đĩ Đi Tu
Lầu xanh thảnh thoát tiếng chuông truyền,
Tỉnh giấc cao đường lúc ngửa nghiêng.
Mượn chiếc thuyền tình qua biển ái,
Đưa con sóng sắc đến rừng thiêng.
Trông gương trí tuệ lau lòng tục,
Lần chuỗi bồ đề dứt trải duyên.
Mát mẻ cửa Không trăng gió sẵn,
Dầu chưa nên Phật cũng nên Tiên
Lên đèo Hải Vân
Đồi liễu ngàn mai cảnh quạnh hiu,
Chia hai Thuận, Quảng một con đèo.
Lá dòm mặt nước cây mong lội,
Biển bọc chân non sóng muốn trèo.
Mặt đất day ngang đường khuất khúc,
Sườn non dựng ngược đá cheo leo
Vén mây muốn bước lên trên tót,
Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo.
Chiêu Quân qua ải
Tráo chác khôn lường mũi bút gian
Trăm năm khuấy rối phận hồng nhan.
Chín trùng ứa lụy rưng đôi mắt,
Ngàn dặm ôm tì tím lá gan.
Cột giả thành che bờ cõi vẫn,
Lụy làm mưa rưới lửa binh tàn.
Người trên nhà Hán đi đâu lẩn,
Xui trận ôn nhu tới dẹp loàn.
(Câu đầu: Nhắc việc Mao Diên Thọ vẽ không đúng diện mạo Chiêu Quân khiến nàng bị hại. Đấy cũng nhầm ám chỉ mũi bút của những kẻ theo giặc như Tôn Thọ Tường đã làm hại dân, hại nước. Ôn nhu: Chê trách nhà Hán nhưng thật ra là để thầm chê trách thái độ nhu nhược của vua quan nhà Nguyễn đối với thực dân Pháp)
Cảnh Trời chiều
Trưa sớm đài danh gió bụi nhiều,
Vườn quê vui thú cảnh trời chiều
Nhành chim rải rác đơm bông bạc
Màn sáng xuê xoang trải gấm điều.
Ngả ngớn lưng trâu ngơ vọt mục,
Loi thoi bóng ác khẳm thuyền tiêu
Xót người mạng bạc trong chằm nhạn
Ngó mống trông mây biết bấy nhiêu.
(Xuê xoang: sang trọng, màu mè.Ngả ngớn: không nghiêm trang)
Các bài thơ đều trích trong sách Danh Nhân Nước Nhà của Đào Văn Hội
(sách quá cũ, mất trang bìa, không rõ nxb) và Sách Huỳnh Mẫn Đạt của Nhật Tân ( nxb Tân Việt. Sài Gòn, 1956)
2/Và một bài thơ chữ Hán:
Bài thơ có thể nói là tuyệt bút này, đã nói lên hết sức đầy đủ phẩm chất cao quí & hào hùng của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Và qua bài thơ, ta cũng hiểu thêm nhân cách của một quan chức, một nhà thơ luôn đứng về phía nhân dân, biết mình phải làm gì để không phải “khom lưng chết thẹn dần” …
Ðiếu Nguyễn Trung Trực
Thắng phụ nhung trường bất túc luân
Ðồi ba chỉ trụ ức ngư dân
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa
Lưỡng toàn vô úy báo quân thân
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân.
Bản dịch của Thái Bạch:
Thắng bại chi bàn việc tướng quân
Người chài trụ đá khúc gian truân
Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần
Một sớm nhẹ mình nêu tiết nghĩa
Ðôi đường trọn chữ báo quân thân
Anh hùng cứng cổ danh thơm mãi
Lũ sống khom lưng chết thẹn dần.
Ghi chú ảnh:
Mộ Huỳnh Mẫn Đạt tọa lạc tại khu đất 19 khu phố Cô Bắc, trên đường Lâm Quang Ky, phường Vĩnh Bảo, Tp Rạch Giá (đối diện nhà hàng Sông Kiên).
Đây là di tích lịch sử được Bộ VH-TT công nhận. Xưa, mộ xây bằng bằng đá ong dài 2,7m, rộng 2m, cao 40cm.Trong thời gian qua, khu mộ lần lượt được tu sửa: xây thêm nhà thờ, cổng vào, hàng rào và nền được tráng xi măng và ngôi mộ được cẩn gạch men thời hiện đại. Tôi thật lòng không hiểu, như vậy di tích có đẹp hơn chăng?...
Bùi Thụy Đào Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhắc lại chuyện nghiên mực Tức Mặc Hầu

Nhắc lại chuyện nghiên mực Tức Mặc Hầu I. Học giả Vương Hồng Sển nói gì về nghiên mực quí hiếm trên?: Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, nên n...