Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Nhắc lại chuyện nghiên mực Tức Mặc Hầu

Nhắc lại chuyện
nghiên mực Tức Mặc Hầu

I. Học giả Vương Hồng Sển nói gì về nghiên mực quí hiếm trên?:
Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, nên những gì thuộc văn phòng tứ bảo (bút, mực, nghiên, giấy), ông hết sức tâng tiu. Ông có một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê, ông ưng ý đến nỗi phong nghiên mực tước là Tức Mặc Hầu
Cụ Vương Hồng Sển, người khá am hiểu về vật báu này đã giới thiệu như thế trong nhiều sách do cụ viết; ở đây tôi dựa theo văn bản được in trong sách Hơn Nữa Đời Hư, in năm 1992 của nxb TP.HCM.
Chuyện nghe có vẻ huyền bí, nhưng sau đây chúng ta hãy nghe cụ giải thích:
Đó chỉ là một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê…Nghiễm nhiên nhà vua đã nhân cách hóa một vật vô tri, một cục đá mài mực, vì nó biết dâng mực cho ông cấp kỳ, theo ý ông muốn
Và cụ cho biết vì ảnh chụp nghiên mực đã mất, nên cụ chỉ có thể mô tả và tôi đã tóm gọn như sau:
Một lần, cụ Vương ra thăm Huế và được ông quản thủ Tàng cổ viện lúc ấy là cụ Tôn Thất Đào (thân sinh của nhà thơ Tôn Thất Quán) đem khoe chiếc nghiên mực Tức Mặc Hầu của vua Tự Đức.
Nghiên mực dài khoản 3 tấc, ngang 2 tấc và dày khoản 3 phân tây. Dưới đáy nghiên chạm nổi mạ vàng một bài văn ngự chế của vua Tự Đức ca ngợi đặc tính tuyệt vời của nó. Nghiên lại được đặt trong một chiếc hộp bằng đồi mồi Hà Tiên vàng rực, được chế tác cực kỳ tinh xảo.
Trên nắp hộp và mặt dưới hộp cũng có thêm hai bài văn. Phía trên đầu của nghiên chạm nổi một cổ tùng gốc ngoằn ngoèo, bên cạnh một cổ đình bị che lấp bởi mây trời, cây lá sum sê.
Ngay dưới chân núi, tùng và đình cổ có cái bể nhỏ khoét sâu trên mặt nghiên, chính là nơi chứa nước dùng cho việc mài thỏi mực.
Giữa cái bể tí hon ấy nổi lên một cù lao đủ chỗ cho 8 vị tiên (bát tiên) đang xúm nhau xem một bức tranh cổ, mà mỗi vị tiên này đều nắm 1 chéo nhỏ của bức tranh.
Lại có một tiểu đồng theo một tiên ông khác chống gậy trường sinh bước qua chiếc cầu nhỏ nối liền cù lao có bát tiên với núi, tùng, đình cổ tạo thành một bức tranh chạm nổi rất mỹ thuật.
Phía dưới bức tranh bọc một đường hồi văn “chân muỗi”. Bức tranh và đường hồi văn bao quanh một khoảnh chạm khuyết phẳng lì. Đó là phần chính của nghiên.
Trên bề mặt phẳng lì đó có nhiều chỗ u lên và màu hơi nhạt. Sau nhiều năm nghiên cứu cụ Vương mới biết đó là những túi nước huyền bí (cù dục nhãn, nôm na là mắt chim cù dục) của nghiên.
Cố học giả Vương Hồng Sển cho biết giá trị của nghiên mực chính là vì có “cù dục nhãn” huyền bí và cụ đã hết lời khen ngợi vật quí lạ như sau:
Tôi định hoàn lại cho ông Đào, nhưng ông biết ý, nói nhỏ vào tay tôi: “Đâu, cụ thổi mạnh một hơi vào, coi nào”.
Tôi vâng lời, nâng nghiên mực lên gần sát mặt, và thổi một hơi dài lên chỗ mài mực. Thổi rồi, tôi giựt mình, hết sức ngạc nhiên, vì dưới ánh sánh mặt trời rọi chỗ tôi đứng, tôi thấy hơi thở trên nghiên mực đã biến thành một lằn mống ngũ sắc, đang từ từ chạy lên chạy xuống mặt nghiên, rồi vụt biến mất…
Ông Đào cười, rồi bảo tôi lấy ngón tay quệt thử trên nghiên, quả đầu ngón tay tôi ướt đẫm những mực, không khác gì tôi đã nhúng vào mực do ai mài sẵn hồi nào không hay…
Mà chớ chi nghiên đá này”nông nước”, ẩm ướt tỷ như đá mài dao, đá bùn, thì đâu có chi là lạ. Đàng này, trước khi tôi hà hơi vào, rõ ràng cục đá vẫn khô ráo cho nên tôi cầm nó mà không bẩn tay, thế mà tại sao có chút hơi “cầm thực” thổi vào để mượn sức, thì tức khắc bảy tám chỗ “cù dục nhãn”kia, bèn thi hành phận sự…mà tiết ra đủ số mực cần thiết.Ồ, sướng quá, thần bí quá và quí hóa quá!
Trong thời buổi mà chưa chế tạo ra cây bút chì, cây viết bi “atomic” chưa sanh…người nào có dưới tay một nghiên mực có phép lạ như vầy, lại không lấy nó làm quí và tự mình hãnh diện lắm sao?...
Phần cuối bài viết về đề tài này, cụ Vương Hồng Sển cho biết có một kẻ khéo nịnh bợ, vì mưu cầu danh lợi đã ôm báu vật vào Sài gòn “tấn cống”cho ông Ngô Đình Diệm (sách không cho biết vào lúc nào).
Và khi Dinh Gia Long bị phe đảo chánh tấn công (01-11-1963), ông Diệm và em là “cố vấn” Ngô Đình Nhu bỏ chạy và bị giết ngày hôm sau, nghiên mực Tức Mặc Hầu cũng mất tích luôn kể từ đó cho đến nay.
Than thở cho việc mất nghiên, cụ Vương viết:
Sau ngày đảo chánh, ai nấy lo mất nước mất nhà, tôi lại lo mất nghiên mực. Tôi hỏi khéo ông quản gia có phận sự gìn giữ đồ vật của dinh Gia Long, ông này trả lời ông chẳng bao giờ nghe thấy điện có nghiên mực nầy. Tôi chẳng bao giờ ngã lòng, day qua mượn ông nhạc gia của quản gia hỏi chắc chú rể, ông cũng đinh ninh một hai ông không biết…
Có thể vì nuối tiếc quá nên ông có hơi úp mở và xỉa xói hơi nhiều:
Hỏi mãi, có người đưa ra thuyết hay là nghiên mực có cánh, đã bay tuốt qua La Mã (ám chỉ L.M Ngô Đình Thục, anh ông Diệm, mang đi), qua Paris, hoặc mụ em dâu ác ôn (ám chỉ Trần Lệ Xuân, vợ ông Nhu tức em dâu ông Diệm) đã ôm bán quách cho nước ngoài rồi….
Sau lời hằn học đó, giọng văn của cụ dịu lại và tôi đoan chắc đây mới là những câu đáng nhớ nhất, vì nó được thốt ra từ đáy lòng:
Trước năm 1975, có một người trẻ, xưng là học trò cũ của tôi, nói nửa úp nửa mở rằng nghiên mực Tức Mặc Hầu chưa ra ngoại quốc, vẫn còn luẩn quẩn đâu đây hoặc vùng Sàigòn, hoặc còn trong nước không xa, và ở trong tay một người nọ, và nghèo lắm, túng lắm, chức vị nhỏ lắm, nhưng và không khứng lìa ngọc Tức Mặc Hầu.
Tôi đã ráng hết sức hỏi, hỏi thêm gì người ấy cũng không nói nữa, nên hôm nay đành nói tách bạch ra đây, những ai có lòng với văn hóa, biết bảo tồn quốc túy, hãy cứu vớt nghiên mực khỏi bước lạc loài…
II. Nghi án: Có phải ông Diệm là người chịu trách nhiệm về sự mất tích nghiên mực của vua Tự Đức?
Người đầu tiên đưa ra vấn đề này là cố học giả Vương Hồng Sển, mà tôi vừa nói đôi chút ở đoạn trước.
Ở đây, tôi xin ghi thêm đôi ba dòng do cụ viết, cũng nằm trong sách nêu trên:
“Khi ông (chỉ Ngô Đình Diệm) lên tột phẩm nấc thang danh vọng, thì có người ở Huế biết chỗ nhược của ông và để củng cố địa vị cho mình, bèn ôm nghiên mực vào Sài Gòn tấn cống. Tôi biết chắc việc ấy vì từ năm 1959 đến năm 1962 mấy lần ra Huế, tôi hỏi thăm thì ngoài ấy nói với tôi Tức Mặc Hầu đã vào Nam”.
Ở một đoạn văn khá dài khác, cụ Sển còn tỏ ý trách ông Diệm quá tham lam, xin trích một ít:
Đến đây tôi trở lại chuyện một người mê cái nghiên Tức Mặc Hầu hơn tôi bá bội. Mê đến bất chấp lương tâm. Người đó khi đã chết, người ta lập biên bản thống kê tài sản mới biết y muốn lưu di 50 kí lô vàng (theo công báo của chính phủ Sài Gòn trước). Ấy mà thuở sanh tiền, ông có tiếng là thanh liêm số dách. Đã ham hai chữ thanh liêm, lại ham chi cái Nghiên Tức Mặc Hầu…
Nhà nghiên cứu về Huế, ông Nguyễn Đắc Xuân trong bài “Nhớ thầy Vương Hồng Sển, đi tìm nơi ẩn náu của chiếc nghiên mực Tức Mặc Hầu của vua Tự Đức”, thì đại khái là: trước sau chỉ có hai người là ông và cụ Sển lên án ông Diệm đã chiếm công vi tư, đã tham lam nhận cái nghiên mực về làm của riêng cho mình.
Nhưng sau khi hai bài viết trên được công bố rộng rãi, đôi ba tác giả khác đã đồng đưa ra những chứng cứ phản bác lại:
- Ông Vĩnh Phúc trong cuốn Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, đã ghi lại những xác nhận của B.S Trần Kim Tuyến (là người chỉ huy hệ thống an ninh mật vụ của ông Diệm trong suốt giai đoạn 1956–1963) để bác bỏ những đồn đãi về việc ông Diệm “chiếm công vi tư”:
Có những người như Quách Tòng Đức, Cao xuân Vỹ và nhất là Hoàng Bá Vinh đều quả quyết chẳng bao giờ nhìn thấy nghiên mực nào cả.
Trong dinh lại có ba nguời thường ra vào thường xuyên phòng ông Diệm là bí thư Võ văn Hải, Đại úy Bằng hầu cận và ông già An, người bỏ già. Trừ ông Hải, hai người kia thường có dịp trò truyện, kể cho ông Tuyến nghe. Nhưng tuyệt nhiên, không có ai nói về nghiên mực đó cả. Chính cụ Sển cũng đã dò hỏi ông Giá là người chịu trách nhiệm bảo quản các vật dụng trong Dinh, nhưng ông bảo không bao giờ trông thấy nghiên mực. (trang 457).
- Ông Phạm Thắng Vũ đã viết thư hỏi ông Nguyễn Hữu Duệ, người mà hơn 40 năm trước đã làm việc gần bên Ngô Đình Diệm trong nhiều năm trời. Nhờ địa vị này mà ông Duệ biết nhiều chuyện riêng tư của gia đình họ Ngô.
Khi được hỏi về chuyện cái nghiên mực Tức Mặc Hầu trong các bài viết của cụ Vương, thì chính ông Duệ đã biên thư trả lời là:
Chuyện của ông thắc mắc về bài viết của cụ Vương Hồng Sển về nghiên mực Tức Mặc Hầu tôi cũng có đọc, nhưng tôi thấy cụ Sển viết là cụ không thấy mà chỉ nghe nói; và cũng chưa ai thấy ông Diệm giữ nghiên mực này và theo ý tôi cụ Diệm ăn ngủ và làm việc trong 1 phòng ở dinh Gia Long mà chúng tôi ra vào nhiều lần, nhưng không một ai trông thấy.
Về chữ Nho cụ Diệm rất giỏi nhưng tôi không thấy cụ dừng bút lông viết bao giờ. (Thư gửi ngày 18-03-2004, viết từ thành phố San Diego, tiểu bang California-USA )…
Ý của người soạn bài này:
Nhân đọc được những điều hoài nghi về sự “biến mất” nghiên mực Tức Mặc Hầu của ông Phạm Thắng Vũ đăng trên net, nên tôi muốn nhắc lại vấn đề và qua đây, cũng xin được nói rõ:
Tôi không đủ chứng cứ để đổ lỗi hay thanh minh cho ai, mà chỉ muốn một lần nữa, tiếp sau cố học giả họ Vương, để thốt lên lời thiết tha rằng:
Nghiên mực vừa kể trên là một quốc bảo, nếu bấy lâu nay có ai may mắn gìn giữ hay biết được tin tức gì về vật ấy, nên cung cấp thông tin, đem trả hoặc cho chuộc lại bằng một thứ nào đó để đất nước ta không mất đi vật báu “có một không hai”này.
Vì ngoài giá trị là một món “đồ cổ, biết tự tươm mực”; vật dụng này còn một giá trị to tát hơn nhiều, mà theo tôi đây mới là giá trị vô giá và “có một không hai”của nghiên quí:
Đó là trong 36 năm trị vì của Tự Đức, mảng thơ văn do vua sáng tác và những dòng châu phê của nhà vua ở những bản tấu sớ trong suốt ngần ấy năm “dầu sôi lửa bỏng”, tức là từ thời kỳ “thù trong giặc ngoài”, rồi đến cảnh “nước mất nhà tan”… Ngòi bút của nhà vua chắc chắn ít nhiều đã lấm những giọt “lệ mực”, từ nghiên mực “vô tri” này…
III. Vài lời trước khi tạm biệt bạn đọc:
1/ Cụ Vương Hồng Sển là một học giả uy tín, có hiểu biết sâu rộng, nhưng do thói quen viết, cụ ưa tán rộng bàn thêm, đôi lúc viết theo trí nhớ nên có thể hơi khác sự thật đôi chút.
Trong bài viết nói về nghiên mực Tức Mặc Hầu của cụ, ta thấy cụ tán dương hơi quá: Đàng này, trước khi tôi hà hơi vào, rõ ràng cục đá vẫn khô ráo cho nên tôi cầm nó mà không bẩn tay, thế mà tại sao có chút hơi “cầm thực” thổi vào để mượn sức, thì tức khắc bảy tám chỗ “cù dục nhãn”kia, bèn thi hành phận sự…mà tiết ra đủ số mực cần thiết.Ồ, sướng quá, thần bí quá và quí hóa quá!
Nhưng trong bài ngự bút do vua Tự Đức viết về nghiên mực và đã được ông Diệm dịch vào năm 1917, nhằm bổ túc bài của E. Gras có tựa đề: Sur un encrier de Tự Đức, thì nhà vua cũng chỉ nêu lên đặc tính ẩm (giữ ẩm) của nghiên mực.
Vậy có thể hiểu“ nó biết dâng mực cho ông cấp kỳ, theo ý ông muốn…” vì nhà vua thường dùng và thường cho người mài mực trên nghiên quí, nên mỗi khi vua cần ghi lại một vài tứ thơ bất chợt nảy ra, hay bút phê một vài câu ngắn cần kíp, nhà vua chỉ cần hà hơi vào nghiên thì có mực ngay…
Còn nghiên mực lúc cụ Sển hà hơi mà bổng dưng được vậy, không thể nó bị bỏ khô khan trong nhà Bảo tàng từ thời Tự Đức, mà chỉ có thể vật báu này vẫn được ai đó, cũng vì quí vật mà lạm dùng…
2/ Cụ Nguyễn Thiệu Lâu, một trí thức khoa bảng xuất thân trường Sorbonne cũng có dịp được xem cái nghiên này, và cụ đã sao y một đoạn sử nhà Nguyễn để cho rằng nghiên có từ thời vua trước (tài liệu do cụ Sển đính kèm trong Hơn Nửa Đời trang 541):
Vào năm thứ hai thời Thiệu Trị, năm 1842, tháng 10 có người dâng cái nghiên xưa lên Thiệu Trị.
Cũng theo cụ Lâu, đầu nghiên có khắc một bài “minh” (“minh” là một bài thơ theo cổ văn).
Ông Nguyễn Văn Lục trong một bài viết về đề tài này, tự hỏi: nếu cái nghiên là của vua Thiệu Trị, tại sao người đời cứ gán nghiên cho vua Tự Đức?
Và chính Tự Đức cũng đã cho biết vua nhận được nghiên từ tay một sứ giả ở một đất nước xa xôi nào đó:
“Đột nhiên, từ phía vừng đông đỏ thắm, giữa những áng mây bay tiến về hướng chúng ta, một sứ giả khoác áo vân cầm. Đó là niềm hân hoan của chúng ta khi được thưởng thức và nhận lãnh bảo vật ấy”.(trích bài ngự bút vừa nói trên)
Điểm thứ hai, người viết đếm bài minh trên nghiên do cụ Lâu cung cấp có cả thảy 32 chữ (8 câu, mỗi câu 4 chữ); trong khi chữ viết trên nghiên mực của Tự Đức được vẽ lại bởi cụ Tôn Thất Sa không đúng số chữ như thế.
Thêm một bằng chứng rõ rệt nghiên mực của Thiệu Trị không phải là nghiên mực của Tự Đức, vì trên bản khắc nghiên của Tự Đức có ghi rõ: “Fait un jour faste de l’an Mậu Thìn (1868) de la période de Tự Đức” ( theo bản văn tiếng Pháp của E. Gras)
Vậy trong khi chờ thêm tư liệu, tạm thời ta có thể nói thời bấy giờ có hai nghiên mực Tức Mặc Hầu, một của vua Thiệu Trị và một của vua Tự Đức…
3/ Nghiên Tức Mặc Hầu của vua Thiệu Trị, cũng là một vật báu nên ta cũng nên biết thêm một vài điều về nó:
Dựa theo bài viết của cụ Nguyễn Thiệu Lâu có tựa đề: Sự tích một cái nghiên xưa, mà cụ cho biết là đã sao y từ bộ Chánh biên:
Năm Nhâm Dần, tức năm thứ hai triều vua Thiệu Trị (1842) tháng mười,có người dâng cái nghiên xưa.Nghiên dài 7 tấc 4 phân, rộng 4 tấc 7 phân, dày 5 phân.Chất nghiên bền mà láng bóng, kiểu xưa mà đơn sơ.
Rõ ràng một phiến “ngói âm dương” mà người xưa đã nhơn hình dạng, đục ra chỗ chứa nước, chỗ mài mực. Đầu nghiên có khắc bài minh 32 chữ.
… Sau bài minh, ông Tô Thức,(tức Tô đông Pha, một vị hay chữ đời Tống) xưa có khắc hai cái ấn:
Một cái khắc hai chữ “Kỳ trân” nghĩa là quý lạ;
Một cái khắc hai chữ “Tàng bửu” nghĩa là báu kín.
Sau lưng nghiên có khắc 4 chữ “Thạch cừ các ngõa” nghĩa là ngói ở các Thạch cừ. Dưới lạc khoản mấy chữ rằng: “nghiên nầy chế tại tháng 8 năm thứ 3 hiệu Nguyên Phù”.
Rồi ngài (vua Thiệu trị) truyền đem nghiên ấy dâng vào sở Kinh diên. Rồi Ngài bảo Nội các như sau:
“nghiên nầy là nghiên “Các Thạch Cừ” xưa. Nguyên các ấy từ Tiêu Hà lập ra để chứa đồ tịch. Đến năm thứ 3, hiệu Cam Lộ, vua Tuyên Đế nhà Hán hội các nho thần giảng ngũ kinh tại đó.
Từ năm thứ 3 hiệu Cam Lộ, đến năm thứ 3 hiệu Nguyên Phù đời Triết Tôn nhà Tống, Tô Thức mới được phiến ngói ấy đục làm thành nghiên, cả thảy 1.149 năm.
Từ khi ấy đến nay, lại được hơn 740 năm nữa…
Âu Dương Tu đời Tống xưa có câu rằng: “Ai ưng vật gì thời vật ấy thường tụ hội tới”. Nghĩa là vậy đó…
(Tôi cắt bớt một đoạn, và trong toàn bài tôi đã tự ý thay đổi cách xuống dòng của cụ để bài được gọn)
4. Vài ý nhỏ khác:
- Trong bài viết của Nguyễn Thiệu Lâu, ở đoạn mà tôi cắt bỏ, cụ cho biết Tức Mặc Hầu là tên gọi có sẵn trong điển tích “Có một điển tích, ấy là thời xưa phong cái nghiên là tức mặc hầu. Nghiên tức là Tức Mặc Hầu.
Tức mặc là tên đất; mà nghĩa chánh: tức là tới, mặc là mực. Vậy nên đời xưa nhơn tên đất mà phong hầu cho cái nghiên; lại có ý nghĩa riêng là cái đựng mực.
Lan đài là nơi làm sách, nơi ấy phải cần nghiên, bút. v.v... nghiên là Tức mặc hầu, bút là Quản thành tử, đều dự tước trong Lan đài cả.
Vậy có thể nói việc phong tước cho nghiên, không phải do vua Tự Đức sáng tạo ra.Và vì điển tích có ý nghĩa nêu trên, nên có thể có vài vị đế vương mà Tự Đức chỉ là một, đã dùng để đặt tên cho nghiên mực yêu quí của mình …
- Tôi rất mừng vì tra tìm được 2 tấm ảnh quí hiếm chụp nghiên mực Tức Mặc Hầu. Nhất là tấm ảnh chụp lại bức hình vẽ mầu nước của cụ Tôn Thất Sa..(Nhưng không biết chúng có phải là ảnh mà cụ Vương đã làm mất hay không)
Cụ Sa, không rõ sống thời nào, chỉ biết là một người trong Tôn thất, chuyên vẽ các bức trướng, các cửa cung điện, các vạc, các đỉnh, các súc vật, các bộ mũ áo dùng trong cung đình. Nhờ vậy mà người đời sau có mẫu để thiết kế lại những gì đã mất hoặc hư hỏng…
- Nhờ ông Nguyễn Đắc Xuân mà ta biết được mấy câu cuối của bài ngự chế khắc trên nghiên Tức Mặc Hầu, được vua Tự Đức viết vào năm Mậu thìn (1868) để ca ngợi nghiên mực thật quí hiếm, được dịch nghĩa như sau:
“Nghiên mực tuyệt mỹ nầy là điềm tốt cho sự tiến bộ của văn học
Có thể tiên đoán sự lớn mạnh của xã tắc, thịnh vượng của chính quyền
Và tạo việc giáo dục cho dân chúng.
Đây là của báu mà hậu thế phải gìn giữ mãi mãi”.
Long Xuyên, 15/11/2007
Bùi Thụy Đào Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhắc lại chuyện nghiên mực Tức Mặc Hầu

Nhắc lại chuyện nghiên mực Tức Mặc Hầu I. Học giả Vương Hồng Sển nói gì về nghiên mực quí hiếm trên?: Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, nên n...