Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

Mưa trên rừng chồi

Mưa trên rừng chồi

Nhà văn Lê Đăng Kháng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, nguyên Trưởng ban Biên tập Nhà xuất bản Đồng Nai.
Ông sáng tác cả văn và thơ, với các giải thưởng chính: Giải ba cuộc thi truyện kí đề tài Lâm nghiệp do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lâm nghiệp tổ chức năm 1981 với bút ký “Ánh trăng rừng tếch”; Giải ba cuộc thi truyện ngắn Hội Văn nghệ Đồng Nai năm 1995; Tập thơ “Đến hẹn” đoạt giải C Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần II; Tập thơ Quả ngọt giải B Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011 – 2015)… Năm 2022, ông đoạt giải truyện ngắn viết về Đồng Nai xuất sắc nhất trong cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam bộ lần II (do tỉnh Đồng Nai đăng cai tổ chức)
Các tác phẩm tiêu biểu của Lê Đăng Kháng: Sương sớm (tập truyện ngắn); Đến hẹn (thơ, 2004); Tiếng chim mắc nợ (thơ, 1992); Kẻ đánh thuế đời mình (tập truyện, 1997); Vầng trăng nơi thiên đường (tiểu thuyết, 1991); Vùng sáng trước mặt (tập truyện, 2002); Hoa cúc ổi (tiểu thuyết, 2006). Nghe tiếng chim tu hú; Quả ngọt (thơ và trường ca, 2014).
Xin giới thiệu truyện ngắn Mưa trên rừng chồi của Lê Đăng Kháng viết về Đồng Nai xuất sắc nhất trong Cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam Bộ lần II năm 2022.
Nhà văn Lê Đăng Kháng
Ông Tư Hòa với thằng Bo đến quán Liễu, trời đã sáng bạch. Đèn đường vừa tắt. Sương màu sữa loãng dần ra trên những mái nhà lợp sơ sài bằng phuýp rô của dân nhập cư.
Chọn một cái bàn sát tường, ông kêu một ly cà phê đen. Thằng Bo, trong chùm ánh sáng đèn con ốc đang mải nhìn như thôi miên ảnh vài cô hoa hậu thời trang treo trong những cái khung bình dân trên tường. Con uống gì không? Ông Tư hỏi thằng cháu. Hả…dạ…ông ngoại uống đi, cho con ly trà đá được rồi. Uống gì không uống, uống trà đá sáng này, sôi bụng chết. Ông Tư lẩm bẩm.
Quán thêm vài tốp khách. Đa số là dân chạy công nông, xe ôm và ba gác máy. Một số cũng đi “ăn rừng” như cánh ông Tư. Bàn phía trước, có gã độ ngoài bốn mươi mặc áo ba lỗ tay săm  trổ, bắp thịt cuồn cuộn. Gác một chân lên mặt bàn, hắn hỏi trỏng, mấy bữa rày khá không, ông Tư? Ông Tư Hòa im lặng. Cũng là một cách trả lời. Tôi hỏi ông kìa, ông Tư. Hắn hất mặt. Cảm thấy khó chịu, ông Tư nhíu mày, khá cái nỗi gì. Thằng Bo dằn ly trà đá, mấy ông đi làm cũng biết, còn làm bộ hỏi.
Hai ông cháu nhà Bo rời quán, trong khi trên dàn loa Duy Khánh vẫn hát bài bolero nổi tiếng “sương trắng miền quê ngoại… đường làng cũ năm nào con còn bé nhỏ theo mẹ đến trường. Giờ đây con về quê để mẹ nhắn lời thăm…” Nhưng quê ngoại ở đâu? Mọi việc mờ đục như màn sương trong bài hát. Quê nội cũng nào có hơn gì? Ba nó là ai? Từ nhỏ đi mẫu giáo vẫn chỉ mẹ Bo, ông bà ngoại đi đón. Nó không có ba đi đón như các bạn. Lên tới lớp 1, Bo hỏi ba con đâu thì mẹ nói“ba đi làm ăn bên Campuchia chưa về”. “Đồ trôi sông lạc chợ. Thứ con không cha. Mày học làm gì”.Đó là những câu cửa miệng tụi bạn học những lớp sau này thường nói nó. Mấy đứa có đủ ba mẹ, tụi nó vào Đại học hết trơn rồi. Mấy đứa cùng Bo uýnh lộn hồi đó, có đứa nào phải đi đào phá cây rừng của Lâm nghiệp như Bo đâu chứ?
Độ gần mười giờ, nắng như thiêu. Bo vung dao chặt phăng đám dây leo bám quanh gốc cây sơn tuế. Nó với tay lấy chai nước máng ở cành cây tu một hơi hết quá nửa, đoạn ném chai nước “bịch” một cái vào gốc cây. Ông Tư ở gần đó gọi với, ới Bo. Đói không ? Ăn đỡ vài trái chuối luộc đi con. Bo đưa ngang ống tay áo quẹt mồ hôi đang chảy từng dòng trên mặt. Con không đói. Đào cây sơn tuế này cho xong. Ông ngoại ăn đỡ đi để có sức chiều về kẻo muộn á. Nghe nói cây sơn tuế, ông Tư tiến về phía Bo. Chà! Cây sơn tuế này ngon à nha. Hơn những cây khác, nó có một nhánh phụ, cũng nở lá tư rồi. Dân sành điệu kêu là cây phụ tử. Những nhà quyền quí, sang chảnh ưa mua cây này. Cây này tại vườn, giá bèo cũng phải ba, bốn triệu. Mùa tết, trên chục triệu là cái chắc. Ông Tư động viên cháu ngoại, ráng đi con. Đoạn ông quay lại chỉ gốc bằng lăng ổi, ông đang đào dở, con tranh thủ chạy đi giao cho nhà Sáu lục vị. Lẹ còn trở lại rước ông ngoại. Dạ. Thằng Bo đưa mấy lưỡi xẻng chặn hết đám rễ cây. Với sức lực con trai mười sáu, nó nhâng bổng gốc sơn tuế cột vào ba ga chiếc ware Tàu rồ ga phóng vút đi. Trước khi đi nó dặn ông Tư, ngoại từ từ chờ con nha.
Bo chở cây đi khoảng mười phút thì xuất hiện gã săm trổ buổi sáng ở quán cà phê. Mấy cây đã bẻ nhánh, là cây của tôi. Đừng có ai đụng vào. Gã vẫn nói trỏng. Nhưng ở xó rừng này chỉ có ông với gã, gã tính nhằm vào ai? Cảm thấy hơi mệt nhưng ông vẫn nói chậm từng tiếng đủ cho gã lục lâm kia nghe, không có cây nào ai bẻ nhánh ở đây. Rừng của nhà nước. Kiểm lâm mà xớ được thì…ở đó. Ông toan nói, mày đừng có “làm luật” với tao. Ở đây chỉ có luật bảo vệ rừng của Nhà nước. Nhưng ông Tư cảm thấy mặt mày xây xẩm. Ông ngồi xuống đưa tay chặn lấy ngực. Dường như ông muốn ói. Gã săm trổ bỏ đi sau khi nói vài câu trên trời nhằm ngầm báo với ông những vạt rừng nghèo này thuộc chủ quyền của gã. Hẳn khi nãy nhìn rõ thằng Bo chở cây sơn tuế phụ tử phóng qua mặt. Máu tham của dân lục lâm trỗi dạy, gã qua đây làm bộ chặn trước, chặn sau cà khịa với ông chớ gì? Một con quạ rừng như một vệt đen vụt qua. Nó đậu sà vào cây lành ngạnh cách ông Tư mươi bước. Rừng cây quay vòng vòng trước mặt ông. Con quạ chẳng chút sợ hãi, rướn cổ kêu “quà…quà”. Ông định xua tay đuổi nó. Quạ kêu là điềm xấu đây. Nhưng ông đã quá mệt. Mặc xác nó. Một ý nghĩ đượm màu rủi ro thoáng qua…
Ông Tư ngước lên. Thằng Bo đã đến bên cạnh. Nó hốt hoảng, ôi trời. Ngoại… ngoại. Ngoại bị sao vậy? Lập tức Bo cúi xuống đỡ ông ngoại lên. Ông thều thào, ngoại mệt con à. Có lẽ… ông tính nói ngoại làm như bị đột quị. Nhưng sợ thằng cháu hoảng loạn. Ông im lặng thở gấp. Con quạ già không kêu nữa, nó bay về phía bờ sông. Con sẽ đưa ngoại đi ngay ra bệnh viện thị trấn, gần đây. Ngoại bình tĩnh nha ngoại. Cứ thế nó cõng ông Tư lên dốc ra khỏi mé rừng. Bỗng có một chiếc xe con chạy ngược vào khu căn cứ Trung ương cục xưa. Bo dìu ông Tư ngồi xuống, nó vẫy chiếc xe bằng nét mặt cầu khẩn. Chiếc xe phóng vèo qua. Cứ như vậy, vài ba chiếc phóng đi thẳng. Hết hy vọng. Nhưng được vài chục mét, một chiếc xe phanh kít rồi quay đầu lại. Xe dừng hẳn. Một người lớn tuổi bước xuống, tiếp đến là tài xế. Người lớn tuổi hỏi Bo, ổng sao vậy? Dạ, ông ngoại con kêu mệt, làm như muốn sỉu. Quay qua người tài xế, ông kia nói, đưa ổng ra bệnh viện mau đi. Lập tức chiếc xe chở ông cháu nhà Bo phóng về thị trấn. Chuyện như trong mơ. Bo nghĩ, đường về khu cách mạng xưa, bởi vậy có người tốt đã giúp đỡ ông ngoại nó.
Ông Tư Hòa được chuyển gấp về bệnh viện đa khoa tỉnh. Rất may, ông được cấp cứu đúng “giờ vàng” tại bệnh viện tuyến huyện. Hai tuần nay bác sỹ cho chuyển ông qua khoa đông y, tiếp tục châm cứu và bấm huyệt. Bệnh ông phần nào thuyên giảm. Tuy còn yếu nhưng ông đòi chống nạng tự tập đi. Tuy thế, thằng Bo vẫn không rời ông nửa bước. Có lúc tỉnh táo ông Tư nghĩ, mình nằm đây coi như mọi việc lỡ dở hết. Sao Sáu lục vị không chịu trả hết tiền cây cho ông chứ? Ông với gã xa lạ gì đâu. Dạo ông còn đương sức, chăm cây cho anh Tám ở tỉnh. Qua ông, gã lân la tìm cách làm thân trở thành người “dưới cửa” nhà ảnh. Ông còn biết, một cặp ruối kiểng từ miền Tây giá tới trăm triệu, hắn cũng dám  mua về làm quà biếu. Có đầu tư ắt có thu hoạch. Hắn vững vàng ở công ty chế biến bao nhiêu năm. Sáu lục vị thành tên “chết” trong giới ăn chơi. Gã ăn gỏi cá phải có đủ sáu loại lá. Lục vị là thế. Đứng đầu là vọng cách, đinh lăng…Có bữa để trả công, gã mời ông đi gỏi cá. Nhưng ông né. Nợ miệng, ông không trả được. Lại nữa, ăn miếng gỏi cá bằng tiền chùa chẳng hay ho gì. Nợ miệng, nợ đời đều đắng như nhau.
Giờ đây với ông, gã đang nợ tiền cây. Công sức hai ông cháu cả tháng nay, gã trả nhỏ giọt. Bữa nay, trả một nửa bữa qua. Thằng chả nham hiểm, hắn muốn níu giữ để khai thác sức lực đã cạn kiệt của ông. Trong khi vựa cây nhà gã ngày ra vô cả trăm triệu là ít. Nhưng khôn ngoan cách mấy cũng không lại ông trời. Từ khi anh Tám hết nhiệm kỳ, gã lập tức được cho ngồi chơi xơi nước. Bàn giao, chờ làm sổ. Vựa cây cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm trái phép từ rừng. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Nghèo như ông, bán sức đào cây kiếm đồng bạc mua lon gạo, gã nỡ xử tệ.
Thể trạng ông đã khá, bác sỹ cho ông xuất viện cả tuần nay. Nhưng đúng tám giờ, thằng Bo phải chở ông đến viện để châm cứu.
Nghe có tiếng động trong nhà vệ sinh “uỵch” một cái. Linh cảm có sự chẳng lành. Bo chạy ngay vào. Trời ơi. Ông ngoại. Nó vội bế ông ra. Ông bị té. Cả nhà quýnh quáng kêu taxi chở ông nhập viện. Hai giờ chiều, ông mở được mắt. Bác sỹ yêu cầu mọi người ra ngoài để ông yên tĩnh. Bo không dám nói lớn, chỉ lấy giấy viết chữ thật to cho ông dễ đọc. Ông ngoại yên tâm điều trị, rồi ngoại sẽ bình phục mà. Ông Tư khẽ chớp chớp mắt, đoạn ngoắc thằng Bo, ra hiệu đưa cho ông mảnh giấy, cây viết. Ông ghi nghuệch ngoạc “quê ngoại…ấp Kinh Xáng…Trà Vinh. Mốt con về giỗ quải”. Ông buông bút nằm thở một lát rồi ráng viết tiếp “làm việc khác nghe con…bỏ nghề đào cây… ăn của rừng mắc nợ lắm”.
Ông Tư đọc xong vài dòng thì buông bút nằm thở dốc. Mắt ông chớp chớp. Chừng như ông hiểu thằng cháu ngoại biết phải làm gì khi không còn ông  bên cạnh .
Hai ngày sau ông Tư Hòa ra đi. Đám ma ông được gia đình cùng khu phố lo chu đáo. Bo, cậu trai mười sáu mất ông ngoại như mất một người cha, một người bạn. Nó soạn đồ dùng, quần áo của ông Tư dở ra, gấp vào không biết bao nhiêu lần. Chiếc áo gió nhuốm màu đất đỏ từ bãi đào cây. Rồi đây, nó sẽ cần trong ngày mưa lạnh. Dưới gậm dường là chiếc búa, con dao đẽo gạch cùng cái bay xây, những vật dụng hai ông cháu đẽo gạch từ công trường về xây đủ cái nhà cấp bốn này.
Thắp hương trên bàn thờ ông ngoại xong, Bo đi rửa mặt. Một con thạch sùng tróc lưỡi kêu “tặc…tặc” trên khung cửa, ngay chỗ ông ngoại té bữa nọ. Điềm gì đây không biết? Sẵn khăn trên tay, Bo đập nó. Con thạch sùng biến luôn vào khe cửa. Một con ong vàng bằng đầu đũa đập cánh liên hồi phát ra những tiếng vù…vù, hòng cố thoát ra khỏi cửa lùa đang khép kín. Bo đẩy tấm cửa lùa, con ong theo gió thoát ra ngoài. Cảm thấy lòng phần nào nhẹ nhõm, Bo dắt chiếc 81 của bà ngoại ra. Con tính đi đâu? Bà ngoại, cả mẹ Bo đều hỏi. Con đi kiếm việc làm. Con tính kiếm việc ở đâu? Bo trả lời mẹ, con chưa biết nữa. Nhưng phải đi. Cứ ở nhà, chừng nào mới có việc hả mẹ? Bà ngoại với mẹ yên chí, xế chiều con về. Bà Tư dúi vào tay thằng cháu mấy tờ bạc hai mươi ngàn. Vào lối trên trăm ngàn cả thảy. Bà nói, phải đó con, ráng đi kiếm việc làm nha. Không đi đào bon sai nữa. Bo ngoái lại, con nhớ lời ông ngoại rồi. Thôi con đi nha.
Bo đi theo con đường hai ông cháu từng đi. Nhưng hôm nay nó đi với mục đích khác. Người ta đi về phía các công ty, doanh nghiệp ở thành phố kiếm việc làm. Bo không có cửa đó. Ở đâu người ta cũng đòi mười hai, vi tính, Anh văn. Đào đâu ra những thứ đó với hoàn cảnh của nó bây giờ? Hãy đi về rừng để tìm cách trả những thứ hai ông cháu nhà Bo đã “vay” của rừng. Nợ của rừng tội lắm. Không trả không làm ăn được.
Chả mấy chốc qua khu vựa cây nhà Sáu lục vị. Hay mình vào đó coi nợ nần sao? Nhưng chợt nhớ lời ông ngoại “không lấy của rừng nữa”. Hãy để Sáu lục vị gánh món mợ của rừng. Có xe vận tải nhẹ từ vựa cây đi ra, trên xe chất đầy cây bon sai cùng các nhân viên kiểm lâm. Lại thấy người dân vài tốp túm tụm ở cổng xì xầm…Kiểm lâm truy quét, thu gom hết những cây khai thác trái phép trong Khu rừng đặc dụng. Vậy là rõ. Sáu lục vị phải trả cho rừng những thứ gã mua của dân lục lâm bằng giá bèo. Đâu thể ngồi mát ăn bát vàng trên lưng thiên hạ được mãi?
Gặp lại mé rừng nơi hai ông cháu nhà Bo “đánh” bon sai. Rừng yên tĩnh không còn cánh lục lâm xưng hùng xưng bá. Nhiều tiếng chim kêu nhưng không thấy bóng dáng con quạ đen đâu. Bo cứ đi. Đi như vô thức. Gặp một khu vườn ươm cây rộng mênh mông toàn cây keo tai tượng, sao dầu cùng nhiều loại cây Bo không biết tên của nó. Đang điều khiển chiếc 81 ngon trớn, Bo bỗng gặp một trận gió lớn thổi từ phía lòng hồ hất ngược lại, đến nỗi chiếc 81 loạng choạng. Nhiều đám mây đen hình thù kì dị cuồn cuộn lập tức giăng kín bầu trời. Chưa gặp trường hợp này bao giờ. Có thể mưa. Bầu trời phút chốc tối sầm. Vài ánh chớp xanh lẹt lóe lên trên vòm trời đã xám đen. Những hạt mưa đầu tiên hắt vào mặt rát rạt. Nhìn quanh khu vườn, có một cái chòi rẫy. Bo liền ngoặt vào trú tạm. Vào đến nơi thì áo đã ướt. Góc chòi có một bếp kiềng, một siêu nước bắc trên đó, nắp và quai siêu đen xỉn muội than. Những tia khói màu xanh từ bếp còn ngoằn ngoèo bay lên. Cho Bo hay rằng bếp lửa chưa tắt hẳn. Vài cái chén úp trên trạn bằng cây rừng. Một chiếc võng người ta giăng sẵn ngang gian chòi. Tiện ghê. Bo để nguyên áo nằm lên võng đung đưa. Chẳng mấy chốc Bo lịm đi. Lúc đầu còn nghe mưa ào ào lúc gần lúc xa ngoài rừng. Sau không biết gì nữa. Trong mơ, hình như có ai gọi tên mình. Bo…Bo! Ông ngoại nè con. Bo tính mở mắt nhưng mi mắt nặng như đeo đá, không làm sao mở được. Bo gắng phát ra âm tiết, ông ng…o…a…ị. Sáng con đi con đã thắp hương cầu ông ngoại rồi. Tiếng của ngoại chứ không ai vào đây. Ngoại nè con. Ngoại đi theo con sáng giờ. Con ráng cho được việc nha. Ngoại ơi. Ngoại chờ con…Bo bật dạy khỏi võng. Căn chòi yên tĩnh, vắng lặng. Khát khô cổ. Bo đến góc chòi, rót nước ra cái chén uống một ngụm. Thứ nước chè lành ngạnh đăng đắng ngòn ngọt có hậu trong cổ. Loại chè này kiểm lâm đi rừng thường uống. Chén nước làm Bo tỉnh hẳn. Cơn mưa rừng đã ngớt. Những dòng nước nhỏ chảy ngang vườn ươm xuôi ra phía lòng hồ như một qui luật. Có tiếng người nói lao xao, tiếng dày ủng nện trên mặt đất nghe thịch… thịch. Ủa xe ai đây? Tiếng một người con gái tỏ vẻ ngạc nhiên. Ngay đó, hai ba người tiến vào. Người con gái đi sau. Họ đều mặc đồ Kiểm lâm. Bo hơi mất tự nhiên, lí nhí chào mọi người. Người lớn tuổi nhất hỏi Bo sau khi lướt nhìn một lượt đồ vật trong chòi. Cậu từ đâu tới, sao vào đây? Dạ. Con ở thành phố. Con tính…Nói rõ coi sao, vào đây tính làm gì? Con đi kiếm việc làm. Người lớn tuổi nhướng mắt, vẻ ngạc nhiên nhìn Bo như không tin. Một cậu con trai độ mười lăm, mười sáu khuôn mặt rắn rỏi, không có vẻ gian dối. Ăn bận xoàng xĩnh. Ở thành phố lại đi lên rừng kiếm việc? Em biết làm những gì rồi, người lớn tuổi đã đổi cách xưng hô. Con chưa làm gì, chỉ đi phụ hồ cùng ông ngoại. Sao không xin việc tại thành phố. Dạ, thành phố người ta đòi phải có mười hai. Con chưa có. Em muốn làm  gì. Dạ… công ty giao việc gì con làm nấy. Chắc không. Có chứng minh đó không? Dạ có. Bo mở yên xe đưa chứng minh. Người này đọc lướt rồi trả lại chứng minh. Đoạn tiếp, nhiều cô cậu tới đây, có người lâu nhất được một tháng thì bỏ ngang. Sợ xa nhà, sợ vắt, sóng yếu… Tôi sẽ nhận em vào đội trồng rừng. Người đó ngừng một lát nhìn Bo như thăm dò. Việc không thiếu, chỉ sợ không chịu làm. Nét mặt cậu trai mới ít tuổi đã có sự từng trải của con nhà lao động. Ông ta nghĩ, những người thế này có thể tin được. Hơn nữa, trồng rừng đang cần người khỏe mạnh, tháo vát. Quay qua cô gái trẻ, anh ta nói, đưa cậu này về Khu để biết văn phòng. Hướng dẫn làm hồ sơ, phải có đơn.
Thảo, cô gái dẫn Bo đi. Rừng sau mưa nắng chan hòa. Gió từ phía lòng hồ thổi lại. Nhưng không còn là trận cuồng phong của cơn mưa ban sáng. Không gian như vừa được tắm gội. Sau mưa, những vạt rừng chồi như xanh hơn. Cô gái và chàng trai đi trong cảm giác dễ chịu. Cô gái nói “ấy”, ý nói Bo ở ngôi thứ hai, phải có đơn ghi nguyện vọng, và bộ hồ sơ có xác nhận của phường. Cảm ơn nha. Rồi Bo ngập ngừng, ấy… à chị tên gì…để dễ kêu. Nói Thảo được rồi. Chị gì. Dạ, cám ơn Thảo. Khỏi cần cám ơn. Mình đi trước thì hướng dẫn vậy mà. Coi như thuận lợi đó. Nhưng phải quyết tâm đừng có bỏ ngang nha.
Một cơn gió từ phía lòng hồ thổi qua, những vạt rừng trồi xanh lên rồi lấp láy màu ánh bạc bởi mặt sau của lá rừng sáng lên non tơ dưới ánh mặt trời vùng thảo nguyên.
7/12/2022
Lê Đăng Kháng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  CHƯƠNG XI phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý- Tầm quan trọng của các giới hạn...