Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Nguyễn Văn Nam, nhà soạn nhạc hàng đầu Việt Nam

Nguyễn Văn Nam, nhà soạn nhạc
hàng đầu Việt Nam

GS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam được tặng huy hiệu Thành đồng tổ quốc, huân chương Chiến thắng, Huy chương vàng Hội diễn ca nhạc năm 1995 với tác phẩm vũ kịch Huyền thoại Mẹ, Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam giao hưởng số 8 Đất nước quê hương tôi. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – nghệ thuật năm 2007, Huy chương vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam. Nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Nam đã qua đời vào hồi 5h50 phút sáng 17.5 tại nhà riêng ở TP.HCM, hưởng thọ 89 tuổi để lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho gia đình, người thân và giới âm nhạc Việt Nam…
Đóng góp lớn cho nền nhạc thính phòng hợp xướng của quốc gia
Ông Nguyễn Văn Nam sinh năm 1932, là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng của Việt Nam.
Nhạc sĩ Giáng Son cho biết: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là một trong những nhạc sĩ khí nhạc đại thụ của Việt Nam với số lượng tác phẩm giao hưởng nhiều nhất. Khi tôi đến thăm, ông đang viết bản giao hưởng thứ 10, không biết ông đã làm xong chưa… Tôi vô cùng kính trọng ông, một người thầy tài năng, hiền lành, đức độ”.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết với anh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là một trong những nhà soạn nhạc lớn của Việt Nam, có đóng góp lớn cho nền nhạc thính phòng hợp xướng của quốc gia.
“Trong số những nhà soạn nhạc lớn của Việt Nam, phải kể đến bác Nguyễn Văn Nam, một người được đào tạo ở Nga, tốt nghiệp thạc sĩ sáng tác ở châu Âu. Nếu tôi nhớ không nhầm bác được Liên bang Xô viết phong tặng giáo sư.
Đối với tôi, bác Nguyễn Văn Nam là một trường hợp rất thú vị vì trong khi các nhạc sĩ, tác giả ở miền Nam có xu hướng sáng tác nhạc nhẹ nhiều hơn, bác Nam đi theo lĩnh vực giao hưởng. Tôi luôn ấn tượng bác là một con người đáng kính, hiền hậu, nhẹ nhàng, lịch thiệp, người rất yêu quý học trò, luôn đề cao “tiên học lễ hậu học văn”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là người con của Tiền Giang. Năm 1947 ông tham gia kháng chiến, hoạt động trong Ban tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho.
Năm 1948, ông theo học Trường Văn hóa kháng chiến Phan Lương Trực tại Đồng Tháp Mười. Ông đi bộ đội năm 1949 và công tác tại Tổ Quân nhạc khu 8.
Một thời gian sau, ông chuyển công tác sang Đoàn văn công Mặt trận Đồng Tháp Mười. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và làm việc ở đó cho đến năm 1959.
Ông được chuyển ngành sang Bộ Văn hóa rồi được cử đi học sáng tác nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Nhạc viện Hà Nội sau này).
Vì tốt nghiệp loại cao, ông được cử đi học tại Nhạc viện Leningrad, nay là Nhạc viện Sankt-Peterburg (Nga) vào năm 1966. Ông hoàn tất chương trình học và tốt nghiệp vào năm 1973, sau đó về lại Việt Nam làm việc.
Năm 1974, ông lại được cử đi học nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Leningrad và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hai ngành sáng tác và lý luận.
GS.TS Nguyễn Văn Nam đã sáng tác được 9 bản giao hưởng, một số lượng tác phẩm khí nhạc theo nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng thì “ở Việt Nam không phải ai cũng có khả năng làm được như vậy”.
Các tác phẩm của ông gồm: Giao hưởng số 1 Tặng đồng bào miền Nam anh dũng (1972), giao hưởng số 2 Uống nước nhớ nguồn (1972), giao hưởng số 3 Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh (1975), giao hưởng số 4 Giao hưởng Ađưks (1986), giao hưởng số 5 Mẹ Việt Nam (1994), giao hưởng số 6 Sài Gòn 300 năm, giao hưởng số 7 Chuyện nàng Kiều, giao hưởng số 8 Đất nước quê hương tôi. Ngoài ra ông còn viết giao hưởng thơ, tổ khúc giao hưởng, kịch múa, nhạc thính phòng, hợp xướng, ca khúc nghệ thuật…
Hồi ức của nhạc sĩ Đức Trí với nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam
“Tôi may mắn được là học trò của thầy từ những ngày thầy mới về nước. Thầy là người dành hết tâm huyết dạy bảo và yêu thương học trò, nhất là đạo đức và sự lễ độ, rồi tiếp đến mới là kỹ thuật, âm nhạc.
Còn nhớ lúc đó thầy hay đùa “Con bé kia không biết thầy có làm gì nó buồn không mà đi ngang gặp thầy nó không chào!”. Đó là cách thầy luôn nhắc học trò mình đừng quên lễ độ, kính trọng những người lớn.
Nhạc sĩ Đức Trí và nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Nam – Ảnh: NVCC
Còn nhớ lúc đó chưa vào nhạc viện, thầy còn ở tầng rất cao trên căn hộ Nguyễn Thái Bình, đi chiếc xe đạp. Mỗi lần lên nhà thầy học, mình lúc đó mười mấy tuổi mà còn thở không nổi. Thầy cười bảo “đi lên xuống cho khỏe”.
Còn nhớ lúc vào trường, mình chọn âm nhạc học nên không học sáng tác với thầy nữa. Nhưng lại tình cờ được học với thầy mấy học kỳ môn phối khí. Thầy quan tâm nhiều đến pha màu giữa các bộ, quan tâm nhiều đến tính năng, mỗi khi mình viết xuống mấy nốt thấp nhất của trombone thầy khoái “thằng này nó hiểu cây kèn”.
Hoặc mỗi khi mình tách viola cho đi với oboe, thầy nói “phải chi dàn nhạc mình có Cor Anglais con cho đi chung hay hơn, nhưng mà kể ra viola lên cao vậy âm sắc cũng hay”.
Thầy chính là người dạy mình nhìn dàn nhạc bằng màu và pha màu. Thầy hay điểm bộ gõ lên trên các bộ khác, dùng tubular, celesta, glockenspiel, xylophone… rất hiệu quả.
Còn nhớ môn phối khí là môn duy nhất mình được điểm 10 mà trong lớp ai cũng hỏi “thằng Trí nó làm biếng, nghỉ học hoài mà thầy?”. Thầy cứ cười, “nhưng mà bài nó viết hiệu quả, nó nghe lời thầy, cúp học nhưng giao du với mấy người chơi nhạc cụ để học coi họ chơi ra sao!”.
Vùng đất Mỹ Tho có nhiều cái đặc biệt. Nơi đó sinh ra nhiều con người đặc biệt trong âm nhạc, phải kể đến là hai vị giáo sư: Trần Văn Khê và Nguyễn Văn Nam. Một người Đông một người Tây, người nào cũng giỏi, để lại không chỉ là tấm gương trau dồi tri thức mà còn truyền lại rất nhiều điều cho thế hệ học trò.
Thầy an nghỉ. Con thương thầy!”.
3/6/2020
Ngọc Diệp
Nguồn: TTO
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...