Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Nhạc sĩ Cung Tiến: Dạt dào gọi những âm xưa

Nhạc sĩ Cung Tiến: Dạt dào
gọi những âm xưa

Một trong những điều thú vị nhất khi tìm hiểu về khung cảnh văn hóa một thời đại, ta gặp được những mối liên kết đa văn bản, phản ánh sự tương hợp giữa thi sĩ, nhạc sĩ hay họa sĩ.
Vĩ thanh cho vẻ đẹp một thời
Những bài hát làm nên tên tuổi Cung Tiến khi nhạc sĩ còn rất trẻ, ở độ thiếu niên 14, 15 tuổi, như chia sẻ của ông lúc sinh thời, có ảnh hưởng từ Thơ mới của Xuân Diệu, Huy Cận. Thơ Mới đã có tuổi đời từ thập niên 1930, trong khi Hoài cảm – bài hát đầu tiên trình làng một Cung Tiến trang trọng, lịch lãm – ra đời năm 1953.
Hai thập niên đã trôi qua cho đến lúc ấy, song dấu vết văn hóa của “một thời đại trong thi ca” còn ngự trị. Những bài hát của Cung Tiến có thể xem như vĩ thanh cho vẻ đẹp của một thời nhiều sương khói diễm ảo.
Trước đây, những ngữ liệu hay dùng cụm từ “thi ca” để chỉ chung cho thể loại thơ nói chung và trong một số không gian thính phòng truyền thống, hay được trình diễn ở dạng những thể hát nói, ngâm vịnh…
Yếu tố “ca” như cách gọi hiện đại dành cho các khúc thức kiểu âm nhạc Tây phương đối với người Việt khi tân nhạc ra đời, vẫn có dáng dấp các bài hát thơ, chú trọng phần lời đến mức hoa mỹ.
“Chiều buồn len lén tâm tư, mơ hồ nghe lá thu mưa. Dạt dào tựa những âm xưa, thiết tha ngân lên lời xưa…”, Cung Tiến mở đầu bài hát Hoài cảm với những dấu vết rõ rệt ảnh hưởng từ những bài thơ như Buồn đêm mưa, Chiều, Nhị Hồ…
Nhưng điều làm người nghe nhận ra nét khác biệt của những bài hát tiếp đó như Thu vàng, Hương xưa hay phổ thơ như Nguyệt cầm (thơ Xuân Diệu), Lệ đá xanh (thơ Thanh Tâm Tuyền), Mai chị về (thơ Nguyễn Đình Tiên)… là giai điệu thoát ly hẳn việc gò theo những lời thơ đăng đối như khá nhiều bài hát cùng thời.
Tính chất trữ tình và nhiều quãng âm biến đổi của giai điệu có những gợi nhớ đến các tác phẩm kinh điển hàn lâm, khiến những bài hát mang dấu ấn của một nhà soạn nhạc hơn là người viết ca khúc thuần túy.
Hàn lâm và tiêu dao
Tuy vậy, những bài hát của Cung Tiến vẫn rất dễ cảm, không gây thách thức cho tai người nghe, và vẫn gần gũi với mạch những bài hát trữ tình có màu sắc “tiền chiến”.
Một phần là những giai điệu chỉn chu, bình ổn, phát huy sở trường những giọng ca trung trầm mang vẻ đẹp trữ tình lẫn những cao trào mãnh liệt như Duy Trác, Lệ Thu, những giọng hát xuất sắc của tân nhạc lãng mạn Việt Nam.
Nhưng phần dễ nhận diện hơn là dụng công về ca từ và qua đó, gợi ra những thông điệp hoài niệm về một thời bình yên quá khứ, những vẻ đẹp của văn hóa, phong tục, nỗi luyến tiếc về thời hoa niên, về tình yêu đầu xanh tuổi trẻ.
Những thông điệp ấy là một bản chất của văn nghệ lãng mạn, đến Cung Tiến đã tạo thành một dạng điển phạm từ chương, kết nối giữa thơ và nhạc:
“Ôi những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc hay mơ, lời Đường thi nghe vẫn rền trong sương mưa. Dù có bao giờ lắng men đợi chờ. Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa, cung Nguyệt cầm vẫn thương Cô Tô. Nên hồn tôi vẫn nghe trong mưa tiếng đàn đợi chờ mơ hồ, vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó…” (Hương xưa).
Chọn lựa những chất liệu văn hóa đặc thù của cố hương, Hà Nội hay vùng quê Bắc Bộ xa xưa, Cung Tiến diễm lệ hóa chúng, từ “tiếng tre êm ru, bóng đa hẹn hò, tiếng khung quay tơ, con diều vật vờ” hay “vàng bướm bên ao” đến “Quê chị về xa mù dặm xa, rừng thu chiều xao xác canh gà”…
Camille Huyền biểu diễn Ca khúc Nghệ thuật Cung Tiến (Cung Tiến Art Songs) và Dân ca quốc tế tại Thụy Sĩ, 2008.
Những chi tiết này cũng có thể xuất hiện trong lời ca của nhiều nhạc sĩ khác, nhưng nét nhạc của Cung Tiến đẩy chúng lên thành một tầm mức khác, mang cốt cách vừa hàn lâm vừa tiêu dao.
Công chúng có thể thán phục nhiều nhạc sĩ vì sự xuất chúng mang tính học thuật, cũng như yêu mến một số tác giả vì sự ngẫu hứng và phóng khoáng, song để đạt được cả hai thì rất ít người làm được.
Cung Tiến không để lại một sự nghiệp sáng tác ca khúc đồ sộ nhưng với khoảng hai mươi bài hát, và một số trở nên nổi bật trong trường nghe của người yêu nhạc là nhờ sự cân bằng rất đặc biệt đó.
Người ta có thể nhấn mạnh yếu tố xuất thân của Cung Tiến trong hoàn cảnh gia đình có điều kiện theo học âm nhạc từ nhỏ ở Hà Nội đầu thập niên 1950, hay khả năng học vấn của ông rất đáng kể khi vừa nghiên cứu âm nhạc ở Úc trong khi cũng là một người có học bổng ngành kinh tế ở ĐH Cambridge danh tiếng.
Nhưng những điều đó theo tôi không quyết định sự có mặt ấn tượng của âm nhạc Cung Tiến bởi ngay từ buổi đầu, ông đã gieo trồng và gặt hái thành quả của trí tưởng tượng phong phú trên mảnh đất màu mỡ của một phông văn hóa do thời đại đem lại.
Câu chuyện của Cung Tiến có thể nói gì với chúng ta hôm nay? Chúng ta nhìn thấy thành quả của nền giáo dục thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng trong sự chín sớm và bền bỉ của tài năng.
Chúng ta ngày nay đôi khi khó mà hình dung một cậu bé 14 – 15 tuổi sớm tìm đến việc viết nên những tình khúc để đời, nếu như không gian xã hội vắng đi những sự kết nối quá khứ, một sự đồng cảm tri âm về văn hóa, một miền quê mất đi “bóng đa hẹn hò” và một thành phố phôi phai nỗi nhớ “có mùa thu vàng bao nhiêu là hương”.
Chú thích:
Nhạc sĩ Cung Tiến qua đời ngày 10.5 tại Los Angeles, California, Mỹ nhưng đến mãi gần đây công chúng yêu nhạc mới biết tin chính thức qua cáo phó của gia đình nhạc sĩ. Lễ tang và lễ hỏa táng vừa được cử hành ngày 2-6 tại California.
Nhạc sĩ Cung Tiến tên đầy đủ là Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27-11-1938 tại Hà Nội, định cư tại Mỹ từ năm 1987. Từ nhỏ ông đã biết thổi sáo, chơi đàn mandoline và guitar cổ điển trước khi làm quen với đàn piano lúc qua Úc du học năm 19 tuổi. Ngoài sáng tác, ông còn còn hòa âm, soạn khí nhạc, hợp xướng…
Hầu hết các ca khúc của ông – trong đó có nhiều ca khúc phổ thơ hoặc lấy ý thơ của Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Quang Dũng, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư… – được người hâm mộ yêu thích bên cạnh Hoài cảm, Hương xưa, Thu vàng: Vang vang trời vào xuân, Lệ đá xanh, Kẻ ở, Mắt biếc, Đôi bờ, Nguyệt cầm, Khói hồ bay, Thuở làm thơ yêu em, Vết chim bay, Hoàng Hạc Lâu…
Nhà thơ Du Tử Lê từng nhận định trong bài viết Hiện tượng Cung Tiến trong tân nhạc Việt: “Cung Tiến không chỉ đem được vào cõi – giới tân nhạc của ông hồn tính Đông phương, như một con bài chủ, một dấu ấn của riêng ông mà, họ Cung còn là nhạc sĩ đầu tiên (?) phổ nhạc thơ tự do” (T.VŨ).
9/6/2022
Nguyễn Trương Quý
Nguồn: Tuổi Trẻ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...