Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

Trần Hùng: "Muốn tắt mình mà không công tắc"

Trần Hùng: "Muốn tắt mình
mà không công tắc"

Tôi chưa bao giờ gặp Trần Hùng ngoài đời. Nhưng trước đó, tôi từng biết anh qua lời nhắc của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong một lần nào đó khi anh về Hà Tĩnh. Và với lòng yêu quý người anh mến thương đã ra đi, tôi bỗng nhiên thấy gần gũi hơn với Trần Hùng khi biết anh từng chơi thân với Nguyễn Trọng Tạo. Rồi qua facebook, nghe anh đàn piano, đọc thơ anh mỗi ngày. Những câu thơ lạ, những bản nhạc êm dịu, cảm giác của tôi, đó là một người tài hoa.
Mới đây, khi trò chuyện cùng anh qua facebook, tôi mới biết anh từng là một quan chức, điều khá hiếm với một nhà thơ. Anh nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Cao Bằng,  Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cao Bằng, là một người lính từng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc.
Vì không biết gì về anh, cho nên, khi nhận được tập thơ “Mùa xa” anh vừa xuất bản, tôi đã đọc ngay để ngấm anh. Bởi thế cho nên, tôi mạo muội hiểu anh qua thơ, qua cái cách mà anh thể hiện với ngôn từ khác lạ, qua tựa đề bình dị của tập thơ có tên “Mùa xa”.
Anh thường đặt tên cho các tập thơ rất ít chữ, đơn giản, nhẹ nhàng, ít gợi. Chỉ 2 từ để diễn tả một khoảng trời. “Gọi bạn” (1991), “Mơ Quê” (1998), “Thảm Thắc” (2015), “Vườn Khuya” (2015). Đó là kiểu đặt tít kiệm chữ của Trần Hùng. Nhưng nếu chỉ nghe tên của tập thơ để nói là giản đơn thì bạn sẽ rất nhầm, nếu như bạn không đọc những bài thơ trong đó.
Đầu tiên, đó là vì sao Trần Hùng thích nói “Xa” đến như vậy. Phải chăng đây là cảm giác của một người luôn cảm thấy thế giới quanh mình thường xuyên biến đổi. Quy luật vận động của thế giới, sự vật, con người, tình yêu, nỗi nhớ, niềm vui, nỗi buồn… Cái hữu hình và cái vô hình, đều có thể phôi pha, tan biến, sắc sắc, không không, vừa có đây, lại không ở đây nữa. Cho nên, không khó khi bắt gặp trong tập thơ “Mùa xa”, rất nhiều lần anh nhắc đến từ “xa” .
“Hoa cau rơi mẹ xa ta rồi/ Ngày xa nhau, Gõ kiến bên thân cau…”. “Cuối đường mưa em ngồi như sen/ Cuối đường mưa chúng mình như gạo trắng/ Rồi chầm chậm em đi/ Xa lắm…”. “Em vời vợi mơ xa rồi cuối cùng em đã trở về anh/ Về như đau như nhung”.  Hoặc: “Hãy nhìn em qua một vòm xanh một khoảng trời xa”. Rồi: “Thế giới có thể gần hơn/ Thân xác có thể xa hơn…”.
Và còn nữa: “Ôi hương áo xa bến chiều/ Xin cùng những vết thương/ Về đây/ Nào bay”. “Ngôi sao đã găm vào nơi xa nhất/ Nhói lên xiu xiu rồi đêm vô cùng”.
Kể cả lúc đọc sách “Thư viện một mình/ Sách mở/ Mây xa/ Khói thuốc mờ khăn phu la/ Sau mây kia là mùa đông năm Đinh Mão”. Rồi trong cơn bão: “Xuyên qua bão mưa ý nghĩ đưa ta về hang ổ/ Một căn lều nhỏ một nơi rất xa“. Hoặc nơi sân ga: “Biết là xa rồi/ Mà sao vẫn gió vẫn lá về nơi người…”.
Kể cả khi ôm một người đàn bà ngủ, cảm giác xa dần, mất mát càng hiện rõ: “Nắng lên/ Em quần bò trườn khỏi tôi/ Một phép thử/ Hay ngoài kia một người đàn ông đang đợi… Ừ có thể/ Một đàn ông đang đợi/ Cũng có thể/ Một đàn bà đang đợi/ Nắng cũng xa rồi“.
Tập thơ “Mùa xa” của Trần Hùng. Ảnh: PH
Có những câu thơ về sự hụt hẫng, mất mát mà tôi chưa thấy ai viết như Trần Hùng: “Ướm lên tim anh một xanh dù lá đắng/ Rớm lên môi anh một trăng rồi xa anh“.
Hiểu rồi. Như anh nói, xa để thấy được gần. Để có chỗ lắng mình cảm nhận thế giới. Như anh tâm sự: “Đàn ông khác đàn bà ở chỗ buồn thì một mình nhìn thật xa thôi”. Nhìn thật xa, để có một độ lùi khoảng cách thời gian và lịch sử, mới thấy trọn được cảm xúc quý báu và trân trọng những giây phút hiện tại.
Trần Hùng hay sử dụng bất ngờ một vài thanh trắc trong một câu thơ toàn thanh bằng, tạo cảm xúc lan lan, khác lạ. “Tóc em như đàn kiến đêm miên man/ Da em ngân vang mùa mùa muỗi hoang”… “Hàng hàng vó đêm buông chân mơ rồi/ Màu nào thoa lên màu môi nhớ suông tôi“. Hoặc những thanh bằng liên tiếp cuối câu khiến cho những ý thơ cứ ngân vang mãi: “À cá trắng rêu rong nước trong/ À kiến trắng cây hoang rêu phong/ À chữ trắng gieo hoang đồng trăng…”.
Chỉ biết những câu thơ thật đẹp, với những âm trắc hạn chế nằm trong những câu thơ thanh bằng, cất lên nghe như câu hát của tâm hồn thi sỹ: “Một mùa lên cao chơi vơi/ Một mùa diều non liu diu… Sóng cất lên đi bài ca không bờ/ Ta cất lên ta bài ca không mùa“.
Tôi nhận ra anh là nhà thơ của rừng núi. Dẫu quê nội Hà Đông và quê ngoại Yên Bái thì Cao Bằng nơi anh sống hẳn đã len vào tâm hồn nhà thơ. Những câu thơ anh viết cũng trập trùng cao thấp, điệp trùng ý nghĩ và cảm xúc. Và thật đẹp như nơi anh đang sống. Nơi mà: “Ngọn bí ngọn bầu vươn qua lèn đá/ Đàn chim rơi hạt đỏ hạt hồng… Đồi nương trùng trùng/ Tiếng cây đi tiếng mây đi trong nắng/ Đàn sẻ ri bay bay im lặng/ Im lặng bay bay…“.
Dày đặc trong thơ anh, đó chính là các mảnh ghép cảm xúc. Hay nói đúng hơn, mỗi câu thơ vẽ ra một tư thế cảm xúc, nó cứ hiện ra ngồn ngộn, dồn dập, khiến con chữ như trào lên mà cố gắng bắt kịp cảm xúc ấy. Đó là khi con mắt anh, thịt da anh, trái tim anh, hồi ức anh… cảm nhận thế giới quanh mình. Những câu thơ viết ra từ những cái chớp mắt của cảm nhận, liên tưởng, dù nhiều khi, tôi cảm giác có lẽ cảm xúc đó đến với Trần Hùng chỉ trong khoảnh khắc phần nghìn của giây.
Đó là cảm nhận của nỗi nhớ đông cứng, bóp nghẹt, ong ong: “Nhớ/ Nghẹn như nước thở trong đá/ Như bóng cây đêm thở trên tường/ Như xu xi canh cánh yêu thương/ Bay trên hoa vang vang“. Đó có thể là cảm nhận một nỗi đau của sinh thể, sự chịu đựng hy sinh tận cùng mà nhà thơ đã hoá thân vào đó mới có thể biết được: “Mẹ cá đã mắc rồi/ Đôi mắt mở to như hạt sen trên bát sen/ Và dịu dàng trở mình theo sợi dây câu”… “Không thể tự do đau/ Bởi đàn cá con ly ty như những đốm máu/ Đang râm ri quanh mình…“.
Trần Hùng thích nói cảm xúc của mình bằng tựa đề của một bài thơ. Đặt tên luôn cho bài thơ đó. Bạn hãy đọc tựa đề bài thơ để hiểu Trần Hùng đang viết gì. Anh nói với “bức tượng xuân” trong khát khao giao hoà với một cô gái có thật, bằng xương bằng thịt: “Nói đi em/ Rồi anh sẽ đưa em lên thiên nga đêm pha lê…Nói đi em/ Rồi anh sẽ đập cùng em một nhịp… Nhúng anh vào em/ Tan ra xuân đêm“.
Và đây, tôi đọc bài “Dịu êm”, một trong những bài thơ tôi rất thích trong “Mùa xa”: “Tràn ngập căn phòng/ Tiếng ngáy/ Những cuốn sách trên giá sách nhìn tôi/ Những chiếc áo trên mắc áo nhìn tôi/ Tôi nhắm mắt nhìn lại/ Chúng tôi lặng im thấu hiểu sự công bằng“.
Thế giới có công bằng không? Công bằng đấy chứ. Thi sỹ Trần Hùng nhìn thấy sự công bằng đó. Tôi nhìn cuốn sách. Không. Cuốn sách đang nhìn tôi đấy chứ. Những chiếc áo cũng đang nhìn tôi. Mà nào có phải ai cũng thấy sự công bằng này? Và anh thấy cả những mặt trái của sự công bằng đó, hay chính là sự tiềm tàng của vật chất, sự phát triển không ngừng của sự vật, hiện tượng. “Tôi nghe trong nhịp điệu này/ Ở một phương xa lắm/ Những bao kiếm quy hàng/ Những vỏ đạn nảy mầm/ Những ngón hồng lay nhẹ/ Tiếng sương từ đá lên...”.
Không ai có thể bắt nhà thơ này giống nhà thơ khác. Mà cũng chẳng bao giờ giống được, vì thơ cũng như dấu vân tay. Ai cũng có cái tạng của riêng mình. Tôi tin, về điều này, nhà thơ là kẻ nhạy cảm vô cùng với cảm xúc. Hay thậm chí, hình như các nhà thơ đều là nô lệ của cảm xúc. Họ luôn bị giam cầm bởi chính tư tưởng của họ. Đến nỗi, họ không biết vì sao mình thao thức, không dứt ra được suy nghĩ của riêng mình. Họ loay hoay với điều họ trở trăn mà không bao giờ có câu trả lời thoả đáng. Và Trần Hùng, thi sỹ nhạy cảm đó cũng không ngoại lệ.
“Đêm/ Lại đêm/ Muốn tắt mình mà không công tắc”.
Tôi đang định viết tiếp. Vì đã hết đâu. Còn nhiều lắm mà. Nhưng nghĩ mình không nên viết nữa. Thôi, tôi tắt tôi đi để mọi người bật Trần Hùng, bật những cảm xúc Mùa xa lên mà nghe mình cũng thao thức cùng trăng, đêm, sen, sương, đá, và đồi nương, và bao kiếm, và vỏ đạn…
Hà Tĩnh, 1/12/2019
Nguyễn Thị Hạnh Loan
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … ...