Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

Đạo diễn - Nhà văn, NSƯT Lê Văn Duy: "Văn nghệ sĩ đến chết mới dừng viết"

Đạo diễn - Nhà văn, NSƯT Lê Văn Duy:
"Văn nghệ sĩ đến chết mới dừng viết"

Có thể nói, đạo diễn – nhà văn, NSƯT Lê Văn Duy là một người lịch thiệp, chịu giao tiếp, thân thiện và rất gần gũi. Đặc biệt, vì quý mến thế hệ đàn em và xem họ như những người bạn vong niên nên ông được các thế hệ văn nghệ sĩ trẻ từ văn chương, sân khấu đến điện ảnh… quý mến, yêu thương và kính trọng.
Nhà văn, đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy tên thật là Dương Ngọc Chúc, sinh ngày 15.9.1942 tại Thị Nghè, Sài Gòn. Cha ông là nhà giáo Dương Văn Diêu và mẹ là Lê Thu Hằng. Ông Chúc là con thứ tư trong gia đình, còn có anh trai là Dương Ngọc Huy (tức nhà văn Lê Văn Thảo) và em gái là nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy.
Do tham gia hoạt động cách mạng nên ông lấy họ mẹ với bí danh Lê Văn Duy và các bút danh Lê Văn Duy, Lê Hằng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia sáng lập Hội Nhà văn TP.HCM và trở thành nhà văn, đạo diễn, nhà biên kịch điện ảnh nổi tiếng Việt Nam qua các phim: Viên ngọc Côn Sơn, Người không mang súng, Nàng Hương, Đời người hát rong, Phượng, Trái đắng, Bông lục bình… cùng nhiều tác phẩm văn học về vùng đất phương Nam.
Năm 1954, ông và anh trai Dương Ngọc Huy được mẹ đưa về quê nội ở Long An, rồi về quê ngoại tại An Giang sinh sống và học tập. Năm 1962, Tiểu ban Giáo dục do cha ông là Dương Văn Diêu làm trưởng tiểu ban mở Trường Giáo dục Tháng Tám ở Cà Mau nên ông chuyển đến học tại đây. Ban đầu Dương Ngọc Chúc lấy bí danh là Lê Hằng. Lên đại học, anh em ông trở về Sài Gòn và ông theo học tại Đại học Y dược.
Sau đó để trốn quân dịch nhằm tìm đường thoát ly theo cách mạng, ông xin qua học tại Học viện Quốc gia hành chánh. Một năm sau, ông liên lạc được với tổ chức cách mạng rồi thoát ly lên vùng rừng miền Đông, công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn R, T.Ư Cục miền Nam tại Tây Ninh. Trong quá trình hoạt động cách mạng, cả hai anh em ông đều lấy họ Lê của mẹ để sử dụng làm bí danh, cái tên Lê Văn Duy có từ đấy và cũng là bút danh sau này.
Vào chiến trường ông được bố trí công tác ở Xưởng phim Giải phóng R. Từ đây, ông bắt đầu làm phóng viên chiến trường, làm phim tư liệu. Nhiều bộ phim tư liệu do ông thực hiện được gửi về Hà Nội để duyệt và tráng, rửa, trong đó có những bộ phim tư liệu về Trường Quân chính Nguyễn Thị Minh Khai, Đội du kích Củ Chi, Chiến dịch Mậu Thân… để lại nhiều dấu ấn. Đây là những thành công ban đầu trong sự nghiệp phim ảnh của Lê Văn Duy.
Là người đầu tiên và cuối cùng ghi lại chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trong những tháng năm tham gia làm phim chiến trường, lăn lộn trên các mặt trận đỏ lửa, Lê Văn Duy bị thương, ông được đưa về tuyến sau. Khi hồi phục, với mong muốn được cống hiến hết sức mình cho nghệ thuật phục vụ dân tộc và đất nước, bằng niềm tin và lý tưởng khát khao, Lê Văn Duy đã trở lại chiến trường tiếp tục công tác, hàng chục phim tư liệu được ông miệt mài biên kịch, dàn dựng, thực hiện. Cũng trong thời gian này, ông được bầu giữ chức vụ Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam cho đến ngày đất nước thống nhất.
Sau năm 1975, trong niềm vui nước nhà thống nhất, Lê Văn Duy được tổ chức chuyển về công tác tại Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM, và những bộ phim Khúc ca mùa xuân, Tình đất Củ Chi, Người không mang súng cùng các phim tư liệu về đất và người Sài Gòn được ông thực hiện, để lại cho khán giả những ấn tượng khó phai.
Sau năm 1990, Lê Văn Duy chuyển công tác về Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và giữ chức vụ giám đốc. Thời gian này, ông được bầu làm Tổng thư ký Hội Điện ảnh TP.HCM.
Trong lĩnh vực điện ảnh, phim Phượng của ông đã nhận giải đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1983; phim Nàng Hương là tác phẩm điện ảnh cuối cùng với diễn viên Lê Công Tuấn Anh. Ông cũng biên kịch cho nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó có Đời người hát rong của Nguyễn Mộng Long được ông viết kịch bản từ truyện ngắn của Mạc Can.
Ngoài phim truyện điện ảnh, ông còn là đạo diễn phim tài liệu với các phim như: Người về sau chiến tranh, Một vùng cổ tích, Thoại Ngọc Hầu, Giáo sư Trần Văn Khê…
Bên cạnh đó, ông cũng đạo diễn các phim truyền hình như Tình đất Củ Chi, Nắng đỏ và là biên kịch của các phim Tiếng hát dọc đường, Những ngày ở Bảy Núi, Khúc ca mùa xuân, Sống với quê hương… Ông là người đầu tiên và cuối cùng ghi lại chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ sau ngày thống nhất đất nước đến khi nhạc sĩ qua đời. Ngoài ra, NSƯT Lê Văn Duy cũng sở hữu những phim tài liệu chân dung và phỏng vấn nhiều văn nghệ sĩ trong nước.
Mấy năm trước, trong chuyến đi thực tế sáng tác cùng các văn nghệ sĩ, chia sẻ về cuộc đời làm nghệ thuật của mình, nhà văn – đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy thổ lộ: “Phải nói con đường văn chương nghệ thuật là con đường khá chông gai và gian khó, có khi tôi phải đổi lấy nó bằng máu của chính mình. Bởi lẽ tôi bắt đầu sự nghiệp văn học nghệ thuật từ thời chiến, đã tham dự các chiến dịch lớn trên khắp các mặt trận từ rừng núi Nam Tây nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long, các đô thị miền Nam và cả mặt trận Sài Gòn. Thời bình tôi đi khắp cả nước. Nói chung tôi hoạt động trên nhiều lĩnh vực như một chiến sĩ xung kích đa năng”.
Ngoài công việc phim ảnh, nhà văn Lê Văn Duy cũng là tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như Người đàn bà trong tôi, Chuyện tình ở Côn Sơn, Tuổi thơ tôi, Thời trốn nắng, Thủy triều đỏ, Hỏa châu xanh, Đồi Giáng hương, Sài Gòn mùa thu xanh… Ông cũng là nhà văn Nam bộ đầu tiên có một bộ trường thiên tiểu thuyết viết về Sài Gòn hôm qua và hôm nay. Năm 2019, nhà văn, đạo diễn Lê Văn Duy được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
“Nhớ lúc mới vào nghề, đạo diễn Mai Lộc có nhận xét tôi là một nhà văn làm điện ảnh. Tôi thấy ông nói không sai. Tôi yêu văn học từ nhỏ và ham mê đọc sách Đông Tây kim cổ từ lúc học lớp sơ học (lớp 1, 2, 3 bây giờ). Tôi thừa hưởng điều đó ở ông tôi và mẹ tôi rồi gen di truyền của cha tôi, ông Dương Văn Diêu. Tôi xuất thân là người làm phim tài liệu nhưng ngay từ đầu tôi đã chuẩn bị con đường đi xa hơn. Ngay từ thời chiến tôi đã thích thể hiện phim chân dung. Bởi lẽ người làm phim tài liệu nếu chỉ chăm chăm thể hiện sự kiện thì mọi việc rồi sẽ lụi tàn theo thời gian. Nhưng nếu đi sâu vào phim chân dung, ta có điều kiện thể hiện thân phận con người. Điều đó sẽ tồn tại lâu dài khi văn học là nhân học. Đồng thời cũng giúp tôi thể hiện nhân vật trong phim truyện, kịch bản phim và tiểu thuyết. Tôi thích đi đường dài” – nhà văn, NSƯT Lê Văn Duy tâm sự.
Có thể nói, nhà văn – đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy là một người rất lịch thiệp, chịu giao tiếp, thân thiện và rất gần gũi. Đặc biệt ông rất quý mến thế hệ đàn em và xem họ như những người bạn vong niên nên ông được các thế hệ văn nghệ sĩ trẻ từ văn chương, sân khấu đến điện ảnh… quý mến, yêu thương và kính trọng.
NSƯT Lê Văn Duy từng nói: “Thời trẻ tôi luôn có những người bạn vong niên – để tôi học hỏi họ. Thời này tôi cũng có những cô cậu bạn vong niên – để tôi có thể tiếp tục tồn tại trên con đường sáng tác dài lâu. Tôi thích câu: “Nghệ sĩ đến chết mới hết sáng tác”. Vậy nên tôi chơi với các bạn trẻ chủ yếu là để tự học, tự rèn luyện theo thời gian…”.
Ông cũng tâm sự: Có nhiều bạn cùng thời luôn tỏ ra chê bai lớp trẻ. Tôi không thích vậy. Mỗi thế hệ có cách sống riêng, khả năng riêng. Thế hệ trẻ ngày nay có học thức, tiếp xúc tự do, thoải mái với thị trường văn hóa thế giới tiên tiến. Vậy ta hãy tin tưởng rằng họ không hề thua kém thế hệ cha ông, thế hệ tiền bối. Ai nghĩ ngược là bảo thủ, thủ cựu…”.
Do tuổi cao sức yếu, nhà văn – đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy đã qua đời vào ngày 27.1.2024, để lại trong lòng đồng nghiệp và khán giả niềm yêu thương nuối tiếc.
Xin cúi đầu tiễn biệt anh, người anh gần gũi, thân thiện và quý mến của chính tôi.
28/1/2024
Phùng Hiệu - Lê Công Sơn
Nguồn: Thanh Niên
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bích Khê trong trường thơ loạn

Bích Khê trong trường thơ loạn Ra đời tại Bình Định, trường thơ Loạn đã thu hút những tài năng nghệ thuật, đặc biệt tạo ra một dòng thơ lạ...