Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

Câu chuyện đầu năm

 Câu chuyện đầu năm

Năm rồi làng Đông Trạch đón cái Tết Quý Mão có vẻ hơi trầm lắng. Ngay cái thời khắc giao thừa thiêng liêng tiếng pháo lậu cũng ọc ạch nổ một cách nhọc nhằn giống như tiếng ho khục khặc do viêm phế quản mãn tính lâu năm của cụ Mốc giữ đình làng.
Không ai xuất hành cả. Đường làng vắng tanh không một bóng người. Năm ngoái cúng giao thừa xong là cả làng trong trang phục chỉnh tề già có, trẻ có lần lượt xuất hành. Kẻ hướng Nam người hướng Tây hạp theo từng con tuổi. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng chào nhau rôm rả hoà quyện lại nghe rất vui tai. Riêng chỉ có tiếng của lão Lùn có vẻ lạc điệu, ngang phè phè nghe cứ khào khào, re ré như vướng đờm dãi trong cổ họng mà không chịu khạc ra tựa như tiếng của gã vịt đực đã có tuổi lạch bạch cố đuổi theo ả vịt mái tơ để cưỡng yêu nhưng bất thành!
Mà nghĩ cũng lạ, chẳng hiểu sao cha mẹ của lão lại đặt tên là Lùn? Trong khi lão cao tới một mét chín mươi sáu chẳng hề thua kém thằng Tây mũi lõ một tẹo nào? Không hiểu các cụ nhà lão muốn gửi gắm nỗi niềm hay ước mong điều gì ở cái tên đối nghịch với dáng vóc của lão? Tiếc thay cái dáng vóc tầm thước như Từ Hải ấy cũng chẳng làm nên cơm cháo, trò trống gì trong cái buổi bom cày đạn xới ở miền Nam trước 1975. Tiếc thay lão cũng thuộc típ người sanh bất phùng thời. Chứ nếu mà lão sanh phải thời nay đúng cái tuổi thanh niên thì chẳng khác nào như cá gặp nước, như rồng gặp mây,  phúc phận ba đời của nền bóng đá nước nhà. Nếu như Thầy râu kẽm BồTô kia dẫu có mắt không tròng lỡ bỏ quên thì Ngài đầu hói Kim Chi Seo cũng dám khom lưng rải chiếu cói đến hàng trăm mét mua khuyến mãi ở chợ Chàm Bình Định để rước lão Lùn về làm tấm bia trước khung gỗ của thủ môn Mặc Nhiên thì đố cha mấy thằng tiền đạo của Oman hay Iraq dám hó hé ở vòng loại thứ ba Uôn Cấp chứ đừng nói chi cái thằng nhãi Mẹt xì của Xiêm La bố láo dám phỗng tay trên ngôi vương AFF Cấp vừa rồi.
Nhưng đã là con người ai mà không có nhược điểm, không có gót chân A-Sin? Lão Lùn tuy cao to nhưng chỉ to từ thắt lưng trở lên thôi, chỉ riêng bề ngang của tấm lưng cũng xấp xỉ ngang bằng thớt phản gõ xửa xưa của nhà lão Tam Tam chăn vịt. Còn bộ giò của lão thì cũng chẳng to hơn cây mía voi trồng ở vườn sau nhà mụ Hớn bán cháo lòng có đôi mắt lá răm lúng liếng, ươn ướt như muốn hớp hồn đám đàn ông mọi lứa tuổi. Với đôi giò chỉ toàn là xương bọc da có phần chật vật để chống đỡ  tấm lưng đồ sộ kia thì sự xoay xở trong vòng cấm địa sẽ bất lợi nhiều dễ bị đối phương xỏ lỗ kim gây nguy hiểm cho khung thành đội nhà. Và nói dại lỡ thắng tiền đạo Phù Tang hay Tàu Khựa nó hăng tiết không ngại thẻ vàng, thẻ đỏ tắc bóng trên mức cần thiết một chút thì hỡi ôi cặp mía voi của lão Lùn coi như bỏ?!
Lúc nhỏ lão Lùn chẳng mê chữ nghĩa mấy nên quẳng bút nghiên giữa chừng lớp nhất trường làng và khăn gói lên tận An Thái bái sư học võ hơn bốn năm tại Bình Sơn Võ Quán. Về làng lão vênh váo ra mặt, chẳng coi ai ra gì.Đám võ sĩ nhép trong làng sợ lão như sợ cọp không đứa nào dám nhìn thẳng vào mặt lão. Nhưng rồi cũng có một người ăn gan hùm dám nhìn lão. Đó là ông giáo hiện giờ!
Ông giáo lúc ấy mười bốn tuổi đang học lớp đệ thất trường Trung học Công lập Đào Duy Từ trên đường đạp xe về nhà.Đến đầu làng, trời cũng đã chiều xẩm. Lão Lùn cảm thấy ông giáo nhìn mình có vẻ như xem thường, như giễu cợt. Lão sôi máu đạp thẳng vào chiếc xe cà tàng khiến ông giáo ngã nhào xuống vệ đường. Lão  xông tới đạp bồi nhưng bị ông giáo đá thốc ngược vào bàng quang. Lão loạng choạng vì bị dính đòn bất ngờ chưa kịp hoàn hồn thì ông giáo đã vùng dậy nhanh như cắt húc đầu cực mạnh vào háng lão khiến lão ngã vật ra chết giấc.
Gia đình lão Lùn đâm đơn kiện. Trưởng ấp lúc bấy giờ là Huỳnh Hổ đã bác đơn kiện vì không tin ông giáo nhỏ con lại ốm nhom ốm nhách có thể hạ được lão Lùn võ nghệ đầy mình?
Sau trận thua bẽ mặt đó người ta ít gặp lão Lùn xuất hiện ở làng vì lão trốn lính. Lão như con chồn con cáo thoắt ẩn thoắt hiện, nay ẩn nhà này, mai nấp ở xóm kia khiến đám lính Cộng hòa của tổng thống Thiệu phải bó tay cho đến ngày giải phóng!
Rồi lão Lùn cũng được gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Biết không thể nào trốn tránh được như thời trước nữa lão bấm bụng lên đường mà mặt xanh như tàu lá, mồ hôi chảy ròng ròng dù trời đang vào mùa rét.
Hú hồn hú vía lão bị loại ngay khỏi cần chờ kết luận vì dái trệ khá to. Lão hí hửng ra mặt và huýt sáo vang trời bài HÀNH QUÂN XA dọc đường về như trúng số độc đắc vậy!
Và rồi lão Lùn như con gà què luẩn quẩn cối xay từ ngày này sang tháng khác với công việc phải xay bột cho vợ tráng bánh, phơi bánh, gỡ bánh, bán bánh… cũng kiếm bộn tiền!
Kinh tế của lão cũng thuộc hàng khá giả trong làng.Mỗi lần nhìn  ông giáo cưỡi xe máy Tàu bể bô phành phạch phun khói mù trời như cháy nhà đi dạy học lão ghét cay ghét đắng nhưng đành cố nuốt cục tức vào lòng.
Thiệt tình Lão Lùn cũng có đôi chút thởi lởi với anh em trong làng nên được thằng cha giao bưu “ba giây” trong lúc  uống rượu lần sần đã phong lão với cấp hàm Đại úy chẳng khác nào gã Dolkisok được phong Hiệp sĩ Mặt Buồn ở bên Tây Ban Nha vậy. Từ đó người làng không gọi là lão Lùn nữa mà goi là Đại úy nghe rất oách!
Lão có vẻ tự mãn, cao ngạo. Chỗ nào, việc gì lão cũng có mặt và hay khoe võ nghệ, bạc tiền như trẻ con khoe áo mới. Lão lên giọng đầy quyền uy: Đã đưa  thẳng  đàn em nào vào bàn nhậu được thì cũng thừa sức đuổi thăng đó ra khỏi  bàn nhậu được.  Đứa nào láo sẽ bị ăn đấm ngay!
Xế chiều lão Đại úy thường hay ngồi nhậu quán con mẹ Tư Béo đầu làng bằng bia Quy Nhơn ghi sổ nợ, tay vỗ đùi đôm đốp khiến cặp chân mía voi của lão rung lên bần bật đến tội nghiệp, mắt dán chằm chặp vào bộ ngực quá cỡ của con mẹ Tám vé số cứ một tay gãi mông sồn sột, một tay chìa tập vé còn ba chục tờ nhờ lão mua ủng hộ. Lão cười hề hề:
– Qua mua luôn Tám được hông?
– Được, nhưng Đại úy có sợ bà Cọp Chúa ở nhà không? Mụ Tám cười  híp mí.
– Còn lâu? Qua sẽ gửi Tám sổ Tiết Kiệm hai mươi triệu làm tin tối nay ghé lại nhà Tám nghen?
Và lão tới thiệt!
Lão Đại úy mò tới nhà con mẹ Tám vé số áng chừng mười một giờ đêm, làng xóm đã chìm trong giấc ngủ say nồng. Lão hồi hộp cào cửa nhẹ nhàng.
– Tám ơi! Mở cửa cho qua!
Tiếng ngái ngủ của con mẹ Tám vọng ra:
– Ai vậy? Gọi tui có việc gì vào giờ này?
– Qua, Đại úy đây mà!
– Tui sợ Bà Cọp Chúa của ông lắm!
Lão Đại úy trấn an.
– Người ta sợ qua thì có chứ qua biết sợ ai là gi?
Tiếng cửa mở cọt kẹt và tiếng nhắc nhở thì thào của con mẹ Tám khiến cho trái tim có phần xơ cứng của lão Đại úy run lẩy bẩy như cái tuổi mười tám đôi mươi.
– Vào đi, cúi đầu sát xuống chứ cửa nẻo nhà em thấp lắm đó?
Vừa thò đầu vào thì bất ngờ có hai bàn tay hộ pháp cảm thấy quen quen khóa cổ lão chặt cứng và chưa kịp hiểu ra điều gì thì bị dính liền hai đòn gối vào hai con mắt như búa bổ.
Đèn bật lên sáng trưng, lão kịp nhận ra con mụ Dần, vợ lão hung dữ như con mãnh thú đang say máu, sau lưng là con mẹ Tám tay che miệng cười khúc khích. Lão vùng mạnh chạy thoát ra ngoài, miệng còn hăm dọa.
– Đù má con mẹ Tám rồi sẽ biết tay ông!
Hết chườm đá lạnh, rồi lăn trứng gà luộc liên tục đến chiều ba mươi tháng Chạp mà cặp mắt lão Đại úy  vẫn bầm đen như cặp mắt ngộ nghĩnh đáng yêu của con gấu trúc ở tận bên Trung Hoa xa lắc xa lơ!
Đúng là tết năm nay làng Đông Trạch tuy có vẻ trầm lắng thật nhưng không hẳn đã buồn. Mai nhà ai cũng nở rộ rực vàng trước sân. Bánh tét, bánh chưng xanh màu lá chuối thơm lựng. Củ kiệu cứ giòn tan trong miệng ngon lành. Con cháu làm ăn tận Sài Gòn về nhà sum họp cũng vui đáo để. Buồn chăng là chỉ có mấy nhà lão Tam Tam, lão Gà, và lão Đại úy thôi?
Kể cũng tội nghiệp hén!
Tết nhứt mà!.
28/1/2024
Vũ Hùng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bích Khê trong trường thơ loạn

Bích Khê trong trường thơ loạn Ra đời tại Bình Định, trường thơ Loạn đã thu hút những tài năng nghệ thuật, đặc biệt tạo ra một dòng thơ lạ...