Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Ăn dưa hấu, nhớ Mai An Tiêm

Ăn dưa hấu, nhớ Mai An Tiêm

Ngày nay, trong các loại trái cây điển hình sử dụng vào các ngày Lễ, Tết của người Việt Nam, dưa hấu đáng xếp hàng đầu. Lễ hội, tiệc tùng nhà nào không có dưa hấu, dường như thiếu đi ít nhiều nét duyên dáng tô điểm cho tiệc vui hội ngộ với anh em, họ hàng. Dưa hấu hiện diện làm trang trọng thêm ở bàn thờ, trên mâm ngũ quả và trong bàn tiệc đãi khách. Hôm nay, do kỹ thuật tiến bộ, không đợi đến những ngày cuối Chạp, ngày ngày người ta vẫn thấy dưa hấu xuất hiện nhan nhãn suốt năm trong siêu thị và trên những xe đẩy bán trái cây ngoài đường phố.
Khi thưởng thức hương vị ngọt mát của dưa hấu, ta không thể không nhớ đến cuộc đời đáng trân trọng của nhân vật lịch sử có liên quan đến sự gầy giống dưa xanh vỏ đỏ lòng, hạt đen huyền như răng đen gái Việt ngày xưa.
Ấy là nhân vật lịch sử đáng nhớ từ thời Hồng Bàng, đời Hùng Vương thứ 17, họ Mai tên Yển, tự An Tiêm. Một con người bản lĩnh, biết nổ lực lao động, hướng tới ngày mai tươi sáng, nhưng rất tin vào thuyết tiền định (determinism theory). Khi bị đày ra đảo hoang, Mai An Tiêm vẫn giữ vững ý chí, bền gan sống một cuộc đời gian lao, đầy nhẫn nại làm việc cật lực cho đến ngày thành công mỹ mãn.
 
An Tiêm thuở trẻ thông minh, được Hùng Vương thứ 17 thương mến, quan tâm gầy dựng cho sự nghiệp. Nhưng dù sống một cuộc đời phủ phê vật chất do nhà vua chu cấp đầy đủ, An Tiêm có lúc bảo với mọi người:
– Những của cải ta hưởng đời này là công quả của ta ở đời trước cả. Vậy đời nầy ta phải tu nhân tích đức để phúc nghiệp về sau.
Lời nói của An Tiêm thấu tai Hùng Vương. Nhà vua cho là Mai An Tiêm bội bạc, gọi ông đến quở trách:
– Sự nghiệp đáng kể mà ngươi có được hôm nay do chính tay ta gầy dựng cho. Vậy mà nhà ngươi lại bẻ miệng cho rằng những của cải ngươi hưởng ở đời này là công quả của ngươi từ đời trước. Thế thì ta nuôi ngươi bao lâu nay tưởng cũng hoài công vô ích lắm ?
Trong cơn giận, nhà vua đuổi cả hai vợ chồng Mai An Tiêm ra một hòn đảo hoang không có dân ở, mà chỉ cho đem theo số lương thực có hạn. Nhà vua nghĩ Mai An Tiêm ăn hết thì thôi, cốt ý làm cho ông thấy: ông đã được giàu sang sung túc là nhờ vua, nhưng nay tin ở số trời thì hãy ra ngoài ấy mà chết đói với số trời.
Mai An Tiêm không thấy quản ngại, vững tin ở sức mình và điều mình tâm niệm, phụng mệnh vua cùng vợ ra đi. Khi đặt chân lên đảo hoang như chàng Robinson ở chốn trời Tây (truyện của Daniel Defoe), nhìn trước sau chỉ thấy có hai vợ chồng, ông vẫn không than thở, nao núng chút nào, mà lại khuyến khích vợ cứ yên tâm, sát cánh bên ông mà phấn đấu, tin tưởng ở trời đất và sức lao động của mình.
Vợ Mai An Tiêm là Việt Nga, một tiểu thư đài các của quan Lạc tướng danh giá trong triều. Thân lá ngọc cành vàng, lâm cảnh trơ vơ nơi đảo vắng heo hút hoang vu, người phụ nữ trong lòng không tránh khỏi hoang mang, đau buồn. Dù vậy, hàng ngày trông tấm gương kiên nghị và cần cù làm việc của chồng, nàng dần dần yên tâm. Từ đó, vợ chồng Mai An Tiêm cùng nhau đem hết sức mình ra lao động nơi hòn đảo hoang cheo leo hiu quạnh. Không bao lâu, Mai An Tiêm đã cất được nhà, tạo được mảnh vườn. Cũng nhờ cần cù làm việc, ông có cơ hội gây giống được một loại dưa quý, lấy tên vợ mà đặt tên dưa là Việt Nga.
 
Dù số lương thực đem theo ăn chưa hết, vợ chồng Mai An Tiêm vẫn có thể vững dạ sống cuộc đời tạm đầy đủ, lại thoải mái hơn khi còn ở đất liền.
Mấy năm sau, vợ chồng Mai An Tiêm có con, gia đình bớt quạnh quẽ. Tuy nhiên, tấm lòng hoài hương vẫn man mác khôn nguôi trong lòng người sống xa đất mẹ. Chiều chiều, ông đưa vợ con ra ngồi trên bờ biển ngậm ngùi trông ngóng về quê hương. Trong tâm trạm đau đáu với tình cảm về nguồn cội, Mai An Tiêm nghĩ ra được một cách làm cho người ở đất liền có cơ hội chú ý đến tiểu “giang sơn” của vợ chồng ông vừa gây dựng. Mỗi ngày, ông ra công khắc chữ trên mươi quả dưa hấu rồi thả trôi theo dòng nước, mong có người bắt gặp dò theo nguồn gốc mà tìm tới chỗ hai  vợ chồng đang sống.
Quả nhiên, các thuyền buôn hay đi ngang qua đảo, trước không còn lưu ý, về sau vớt được quả dưa hấu có khắc chữ. Họ lần dò tìm tới, cùng vợ chồng Mai An Tiêm trao đổi thực phẩm và đưa tin hộ về đất liền cho vợ chồng Mai An tiêm. Trong thời gian chờ đợi, có người đến xin ở lại đảo, tiếp sức với ông mở mang thêm đất đai. Hòn đảo hoang sơ hiu quạnh dần dần biến thành một vùng trù phú, thịnh vượng.
Qua một thời gian lâu, bận rộn với công việc triều đình, Hùng Vương không còn nhớ đến vợ chồng Mai An Tiêm. Bỗng một hôm, nghe tin đồn ông đã thành công trong việc khai hoang, nhà vua cho người đi dò xem hư thực.
Sau khi nghe báo cáo rõ ràng đó là chuyện thật, nhà vua định cho người ra đảo mời Mai An Tiêm về. Khi trở lại đất liền, Mai An Tiêm đem các sản vật quí báu và những thành phẩm làm ra từ lao động nơi hoang đảo dâng trình lên vua Hùng. Đặc biệt là thứ dưa lạ mà ông tìm thấy. Dáng dưa tròn trĩnh, xanh vỏ đỏ lòng, trông rất dễ thương. Cho xẻ ra, lòng dưa thắm tươi, nom như gò má hồng của cô gái dậy thì. Hạt dưa đen huyền xinh xinh như răng đen đều đặn. Đang lúc trời oi ả, nhà vua nếm thử một miếng dưa, thấy ngon mát đặc biệt, bèn phân phát cho các quan và hỏi ý mọi người. Ai cũng nhận là giống trái quý. Hùng Vương truyền lệnh đem hạt giống ban phát rộng rãi cho dân chúng trồng dưa hấu.
Vua Hùng lại loan truyền cho người nông dân trong nước đều phải nhuộm răng đen cho đẹp như màu hạt dưa! Nhà vua lại đặt tên dưa là An Tiêm. Đó là thứ dưa mà ngày nay ta gọi là dưa hấu, giống trái cây xinh xắn nở rộ nhất là vào dịp tết Nguyên Đán, tô điểm thêm màu sắc cho cảnh xuân. Đảo hoang ngày trước Mai An Tiêm ra ở thì gọi là An Tiêm châu. Theo tài liệu, An Tiêm châu tức là Qua Châu, thuộc huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) từ xa xưa thuộc về một quần đảo mà ngày nay đã nối liền với đất và cách xa bờ bể chừng vài cây số. Ngày nay, tại một thung lũng vùng núi ở Thanh Hóa còn có đền thờ vợ chồng Mai An Tiêm. Hàng năm, ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch được coi là ngày giỗ của người có công đầu tiên trong việc gieo hạt giống trồng dưa hấu.
Hôm nay, đất nước đã hòa bình thịnh vượng, vào ngày xuân hay lễ hội, bên dĩa bánh mứt và ly nước trà tươi, ta có dịp nếm miếng dưa hấu thơm mát để nhắc lại người xưa. Mai An Tiêm, từ cuộc đời trong sáng, ta cảm nhận ra được bài học: Tấm gương phấn đấu không ngừng với lòng tin bất biến, cần cù vững tâm xây dựng tương lai, làm tươi đẹp và hữu ích cho xã hội.
Cuộc đời biến thiên đầy gian khổ mà tiềm tàng một ý chí sắt thép của Mai An Tiêm đã cho con người một chân lý cao đẹp đáng làm kim chỉ nam trong cuộc sống. Dù hoàn cảnh có khó khăn, nghiệt ngã đến đâu, người có ý chí trước sau gì cũng sẽ lập được sự nghiệp công danh.
15/6/2020
Phương Đình
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...