Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

Thắm sắc phượng hồng

Thắm sắc phượng hồng

Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông (Nguyễn Du)
Thế là đã qua rồi sắc hồng của hoa đào xứ Bắc và màu vàng mai thắm phương Nam. Những sợi gió hiu hiu trưa nay còn sót lại của một mùa xuân qua khiến tôi cảm thấy chạnh lòng thương nhớ bâng khuâng. Ô hay! Hạ nắng đã về rồi với sắc đỏ phượng hồng rực rỡ lung linh trong sân trường im vắng.
Chút buồn vì thiên nhiên cây cỏ hôm nay không còn không gian của một thời xuân dạo bước cỏ thơm (1), tôi mở ngõ tâm tư đón hè sang với phượng hồng sen biếc. Khúc nhạc dạo đầu mùa báo hiệu với tiếng dế râm ran bên hàng giậu hiên nhà cùng với giọng ve sầu kêu vang dội trên cành cao. Mênh mang trong âm hưởng dập dồn sâu lắng được coi là tiếng hát gọi tình tìm bạn của loài côn trùng mỗi độ sang mùa, tôi ngu ngơ mãi đi tìm về những hình bóng xưa giờ đây biền biệt.
Không gian vào hạ mang đến cho tôi bao nỗi man mác,nhớ nhung. Dưới nắng lửa oi nồng thiêu đốt, ba mẹ tôi oằn lưng cày sâu cuốc bẳm bốn mùa, chắt chiu từng hạt thóc, cọng rau để nuôi anh em tôi ăn học nên người. Ba tôi, đứa con trai thảo hiền chăm chỉ làm ăn, được nội tôi chọn lo phần hương quả, giữ công việc thờ tự tổ tiên. Dù bản tính phong lưu nghệ sĩ vốn có thói quen ban đêm mang nguyệt cầm đi đàn hát tài tử với bạn bè, ba tôi vẫn lo tròn trách nhiệm của người con hiếu thảo với nội tôi, người chồng chung thủy với mẹ tôi và người cha tận tụy với các chị em tôi. Cần kiệm, nhịn mặc, nhịn ăn lo đầy đủ lễ giỗ hằng năm cho họ hàng bà con mãn nguyện, luôn có mặt đông đủ vui vầy. Ngày hè nắng ráo với mùa chim chóc nẩy nở, tung bay, ca hót líu lo khắp ruộng đồng, vườn tược. Đôi lúc ba tôi phải nhịn đi gác chim, đá gà, ở lại nhà tiếp mẹ tôi săn sóc, cho ăn bầy vịt, đàn gà. Lo ngại thuê người thêm tốn kém, ba tôi dù ốm yếu, tuổi tác, có lúc hì hục đào đất, múc mương, lên liếp, vun đắp cho bờ cây ăn trái cằn cỗi, lòi trơ gốc rễ. Hạ về, thời tiết oi nồng làm cho vườn trái cây mau vào mùa chín ngọt. Cây vú sữa, xoài hay cam, quýt… đến độ mọng nước thơm ngon, thì cũng là lúc kiến vàng, kiến hôi, kiến lửa lúc nhúc bám đầy. Nhưng ba tôi vẫn cặm cụi bắc thang, dùng tro bếp đôi khi đốt lá dừa khô xua chặn lũ kiến quái ác vì dạo ấy chưa có thuốc trừ kiến cho cây cối rồi leo lên cây hái trái để sáng hôm sau mẹ tôi mang ra chợ bán, kiếm thêm đủ tiền, nuôi anh em tôi ăn học.
Tiếng ve sầu mùa hè luôn gieo vào lòng tôi bao nỗi nhớ nhung về mẹ tôi, người mẹ hiền yêu thương cả đời tảo tần khổ cực vì con cái. Mùa rẫy bái, mẹ tôi sáng sớm chiều muộn lúc nào cũng không vắng mặt bên cạnh giàn bí, liếp dưa, giồng khoai, luống cải… Anh em tôi thương mẹ tôi quanh năm đội nắng dầm mưa, tay lấm chân bùn, không bao giờ nghĩ đến cái ăn cái mặc như bao người phụ nữ khác trong làng. Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ như núi cao biển rộng, chúng tôi mãi ghi nhớ sâu sắc trong lòng mà lo chăm chỉ học hành. Ngày nay, mỗi khi nhớ đến các đấng sinh thành, điều hối tiếc sâu sắc là tôi không được chăm lo đầy đủ, đền đáp ơn sâu cho tròn đạo hiếu thuở cha mẹ còn sinh tiền: Ngó lên nhan tắt, đèn mờ/Muốn nuôi cha mẹ bây giờ còn đâu.
 
Hè sang, màu sen hồng biên biếc trên đồng ruộng mênh mông khiến tôi bồi hồi nhớ đến anh Hai chị Hai tôi – người anh ruột và chị dâu đi du kích thời chống Mỹ, đã mất sớm vì đã dũng cảm hy sinh trong một trận chống càn tại Nha Mân – Đồng Tháp, để lại đứa con nhỏ cho cha mẹ tôi nuôi dưỡng. Mấy tháng hạ, ngày đêm triền miên tiếng dế râm ran bên hiên nhà làm tôi không khỏi nhớ đến thằng Phương, đứa con trai duy nhất của tôi. Phương đã sớm mồ côi mẹ khi tuổi mới tròn nôi, bản tính ngoan hiền từ nhỏ nhưng cũng không may theo mẹ nó từ giã cõi đời khi vừa tốt nghiệp sư phạm vì chứng bệnh nan y như mẹ nó. Từ lúc còn học Cấp 2, Phương đã khỏe mạnh với thể lực to lớn khi chưa mang bệnh. Nó rất thích lội sông và mê đi bắt dế ngoài đồng với các bạn cùng trang lứa. Cứ mỗi độ hè sang, nếu không về quê phụ giúp chú nó làm vườn trồng cây nuôi cá, chủ nhật ngày lễ, Phương cùng các bạn trong xóm xin phép vắng nhà, bơi vượt sông Cái Khế, sang cồn moi cỏ rậm tìm bắt dế.
Buổi tối về nhà, sau khi thu hoạch, nó để hộp lớn nhỏ bên trong chứa đủ các loại dế trên bàn học. Ngày cũng như đêm, Phương hồn nhiên lúc học, lúc chơi dế trong một góc học tập được coi là thế giới riêng của nó nơi cuối phòng, gần bên cửa số. Phương tỉ mỉ chăm sóc dế, dường như để chuẩn bị cho những trận thư hùng nẩy lửa cho những đấu sĩ côn trùng có tiếng hát hay xuất thân từ bãi cỏ rậm ngoài đồng. Ngoài công việc tìm cỏ non, giá sống cho dế ăn, Phương dùng cây chân nhang quấn tóc bằng sáp hay nhựa đường chọc cho dế nổi xung, chuẩn bị sống mái nhau. Phương nhìn đăm đắm từng chiến sĩ cỏ xanh như bị thôi miên, thỉnh thoảng tự nói to hay bất chợt cười thích thú một mình. Những chú dế than đen đủi như Táo Quân, những con dế lửa to xù, dáng dấp hào hoa như chàng hiệp sĩ giáp vàng Ivan Hoé… trong hộp bưng bít mà quên đi thân phận bị giam nhốt như tội tù. Cả họ nhà dế có lúc hùa nhau kêu rân vang dội ngày đêm inh ỏi khắp nhà. Con nào cũng ra vẻ hùng hổ, sát khí đằng đằng như dũng sĩ giác đấu (gladiators) thành Rome hung hăng xung trận. Hằng năm, cứ mỗi độ hè sang bắt đầu mùa dế với tiếng kêu rộn rã vi vu ngoài hiên giậu, lòng tôi không khỏi bồi hồi nhớ đến hình ảnh thằng con trai mê dế bất hạnh, vắn số của tôi.
Hạ về với sắc phượng hồng đầu ngõ cũng xui tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến bạn bè nhân hậu cùng tôi chia sẻ bài vở nơi lớp học, và những thầy cô đáng kính của một thời tuổi nhỏ tôi còn đi học. Tôi không thể nào quên một hè nào cách đây đằng đẵng hơn bốn thập niên trước ngày giải phóng, anh Nguyễn Hoàng Nam, giám học tư thục Tân Văn, anh Nguyễn Xuân Vũ, anh Nguyễn Hưng cùng dạy Toán tại Tây Đô – những bằng hữu ân nhân đích thực – với tất cả lòng tốt đã cho chỗ dạy học khi nhận ra tôi đang sống lầm lũi, mặc cảm trong tình trạng bất phục tùng. Trên tất cả ở trường học là thầy cô – những nhà giáo âm thầm cam phận sống thanh bần, tận tụy dạy tôi chữ nghĩa và đạo lý làm người để tôi được sống tử tế đàng hoàng trong xã hội. Tôi làm sao quên được thầy Bùi Văn Nên dạy Việt văn, thầy Trương Quan Liêm dạy tiếng Pháp, những ân sư giàu nhân cách và kiến thức, qua giờ giảng bài, đã khắc đậm vào tâm trí tôi ấn tượng cao quý về chân dung nhà giáo chân chính để sau này tôi chọn theo nghề gõ đầu trẻ.
Sang hè cũng là thời điểm khởi đầu cho mùa thi cử. Không khí rộn ràng mùa nấu sử sôi kinh của lớp lớp học trò và sĩ tử bốn phương trên đường đến trường thi mỗi năm luôn làm sống lại trong tôi bao kỷ niệm về lòng thương vô bờ của cha mẹ. Mỗi lần đến ngày thi của anh em tôi, ba mẹ tôi hăm hở từ làng quê bơi chiếc xuồng mong manh vượt sông Hậu bao la chập chùng phong ba bão táp, ra thành phố trước vài hôm mang theo cua ốc, cá khô, nhắc nhở chăm sóc và tẩm bổ cho các con. Nếu không đem sẵn từ nhà ra con cá lóc to, mẹ tôi cũng thức dậy sớm đi chợ mua thịt nạc, gan heo nấu cháo cá, cháo thịt cho anh em tôi điểm tâm để vững bụng trước khi lên đường vào trường thi. Sau đó là đến phần việc của ba tôi. Người luôn xách cây dù đen cán dài, lững thững theo chúng tôi đến tận trường thi dù có lúc sợ ba phải lo lắng, tôi muốn ba tôi ở lại nhà. Lúc tôi vào trường, vô phòng thi khuất dạng sau mấy bức tường, ba tôi bắt đầu giương dù, tìm bóng mát một góc cây to bên vệ đường gần phòng thi ngồi đợi. Nhiều hôm thí sinh thi trong những ngày mưa gió sụt sùi, trong phòng thi vừa làm bài, lòng tôi nôn nao nghĩ tới ba tôi đang căng dù ké né đội mưa, bồn chồn lo lắng chờ con ngoài phố. Nghĩ đến cha mẹ trọn đời hy sinh hạnh phúc cho con cái, anh em tôi chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn nghe theo lời cha mẹ.
 
Bồi hồi nhớ đến thầy cô trong những ngày hè, tôi không thể không nhắc đến học trò ngày tôi mới ra trường- những môn sinh đạo đức chuyên cần một thời đã sát cánh với thầy học trong cả chuyên môn và sinh hoạt đoàn thể xã hội trong nhà trường với tất cả lòng tôn sư trọng đạo. Một số em nên người, trong nước hoặc sống nơi hải ngoại, giờ đã ra đời, đã nêu gương tốt như ông Carnot ngày trước. Khi đã làm đại tướng, đứa học trò vẫn tìm về trường cũ thăm thầy. Hai thầy trò, với chùm tóc cùng lơ thơ ngã màu đen trắng, xúc động ôm nhau trong vòng tay, chan hòa nước mắt, ngập ngừng nhắc lại kỷ niệm xưa. Lễ Nhà giáo, ngày Tết truyền thống, các em vẫn lăn lội trên chiếc xe ôm, tìm  đến thăm thầy xưa mà lòng nao nao lo ngại địa chỉ thầy không còn như trước. Mãi tới khi bất ngờ, gặp lại các em, chỉ mang máng nhớ mặt mà quên tên, tôi thực lòng vô cùng xúc động đến nao lòng! Những lần nghiên cứu sinh nước ngoài đến trường phỏng vấn, thu âm, ghi hình để chuẩn bị cho tiếu luận, tôi luôn tự hào khẳng định với các bạn trẻ là học sinh Việt Nam nổi trội trước hết ở nền nếp học tập chuyên cần, và với truyền thống tôn sư trọng đạo, các em luôn có nghĩa tình sâu nặng với thầy cô và đất nước.
Vào hạ! Không gian lồng lộng sắc trời rực rỡ với phượng đỏ sân trường và sen hồng dưới ao, với cánh diều cao vi vút tầng không. Hạ về với những đêm dài miên man nhạc dế và ngọn bần lập lòe đom đóm đua bay. Không gian phấp phới sắc màu quyện đầy nhạc tính ấy khôn nguôi mang đến cho người bạn sách đèn và sĩ tử bốn phương muôn vàn nỗi lo âu về học hành thi cử. Họ đành gác lại bao công việc bộn bề và chuyện tình cảm riêng tây: Mùa thi gần đến em thơ/Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau (3).
Và hè về cũng gây bao nỗi băn khoăn cho những người thầy đang đứng lớp. Năm nay, ba tháng hè sang trong niềm tự hào đất nước mình đã thực sự giàu đẹp tự do, tiện nghi hiện đại đủ đầy. Nhưng sao tôi vẫn cứ mãi đau đáu băn khoăn mấy tháng qua vì mùa đại dịch… Cuộc sống vật chất nặng về kinh tế thời hội nhập hôm nay lại mang ít nhiều tính thực dụng đã làm vơi mất đi không ít giá trị nhân văn đạo đức cơ bản của con người! Từ góc đứng một người cả đời gắn liền hơi thở với cửa Khổng sân Trình, tôi mong ước cho tình bạn học cao quý, tình anh em máu thịt với nghĩa thầy trò thiêng liêng, tình thương trong sáng giữa mọi người được phát huy và trang trải khắp trăm nơi. Bao giờ còn màu son tươi thắm của sắc phượng hồng và màu hoa sen tô điểm đất nước gấm hoa mỗi độ hè sang, tôi luôn ước mơ sao cho hiện diện của bạo lực phi đạo lý vô cùng phản cảm, không còn tồn tại trong gia đình, nhà trường, ngoài đường phố và trong xã hội. Được như vậy, tôi nghĩ người người sẽ vui hưởng trọn vẹn được những tháng hè vui chan chứa tình người!.
28/6/2020
Nguyễn Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...