Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Lê Thị Kim và khoảng trời riêng đẹp đẽ

Lê Thị Kim và khoảng
trời riêng đẹp đẽ

“Em lạc đâu sao Kim”, tập thơ - họa mới nhất của nhà thơ Lê Thị Kim, NXB Văn hóa Văn nghệ - vừa ra mắt bạn đọc trong quý I/2020 với 42 bài thơ và một số tranh do chị sáng tác.
Những ai thân thiết với Lê Thị Kim đều hiểu phía sau người phụ nữ dịu dàng, luôn tươi cười xinh xắn ấy là người có những thành công văn nghiệp cùng với nghị lực phi thường để vượt qua những nỗi buồn trong đời sống. Nhìn bề ngoài của chị, dễ nghĩ Lê Thị Kim có cuộc đời nhẹ nhàng như thơ chị, luôn mềm mại, dịu dàng. Song cũng có thể chính tố chất ấy mới nâng đỡ chị, để chị đầy bản lĩnh sống và nhìn đời với đôi mắt trong veo như ngày thiếu nữ sau những trang thơ.
Vượt qua khổ đau để giữ lại nụ cười, để nhìn suốt bốn mùa và qua những thời khắc, đôi khi ngân vang như câu hát: “Buổi sáng tinh khôi như giọt nước mắt người con gái đang yêu/ đóa tình bung nụ trên những mầm cây búp chồi mới nhú/ không có khuôn mặt nào đẹp, dịu dàng bằng khuôn mặt tình yêu” (Buổi sáng).
Đó cũng là lúc những ký ức đẹp sống dậy xôn xao, hạnh phúc ấm áp. Lúc phiền muộn rời đi, để tình yêu cất lên lời:
“Những bàn tay đan nhau trong mưa lạnh/ đủ ấm bước chân về…/ đóa quỳ vàng đủ sáng một góc sân/ đủ quăng khỏi cuộc đời bao phiền não…/ sao sáng nay ta thấy…/ như tình yêu hát lời đôi môi” (Chào Nhâm Ngọ).
Người yêu thơ hẳn đều nhớ bài thơ “Đừng nhìn em như thế” nổi tiếng của Lê Thị Kim: “Đừng nhìn em như thế/ Cháy lòng em còn gì/ Sự nồng nàn của bể/ Cuốn mất hồn em đi”. Thì nay cũng đôi mắt ấy: “Anh im lặng/ đôi mắt thăm thẳm như biển đêm/ không cần nhìn em cũng biết/ em rực sáng/ trong thẳm sâu mắt anh”.
Bìa tập thơ – họa “Em lạc đâu sao Kim”
Nhưng “Em chỉ là vì sao đi lạc/ Cớ chi rực sáng khát khao người”. Nên người ấy: “Vẫn nhìn em như thế/ thăm thẳm biển đêm/ mỗi lần/ anh định nói – yêu em” (Khi định nói yêu em).
Cũng không khó để nhận ra sau những câu thơ dịu dàng, đã có khoảng lặng đến thảng thốt trong thơ Lê Thị Kim: “Em chòng chành giữa hư không/ Mùa xuân chở áng mây hồng về đâu” (Cõi đời).
Những đêm dài huyễn mộng với thơ, với họa, ly cà phê không đủ ấm lúc cô đơn: “Cà phê uống giữa đêm huyễn mộng/ ta cầm thìa múc ánh trăng non/ một mình – một mình chẳng đủ bàn tay ấm/ thêm tiếng dương cầm – bớt giá băng” (Café 2).
Những nỗi buồn rồi cũng qua, chỉ có tình yêu mãi vĩnh hằng. “Sương xưa còn long lanh mãi/ ơi mùa xuân dẫu xa/ nào phai tình thuở ban đầu” (Mùa xuân đã xa).
Và cũng là lẽ đời sau những câu thơ về mùa đông. Không chỉ là “cộng thêm một tuổi cô đơn cho người” hay là sự “vô tình cài đặt giữa trời/ mùa đông trầm lắng cho người nhớ nhau” mà còn là sự dịch chuyển của thời gian, không gian, sự bù đắp, hỗ tương của thiên nhiên, đời sống:
“Lặng nghe trong gió mưa rơi/ cà phê từng giọt – đắng cời ruột gan/ thôi đừng kêu tháng chạp buồn/ không mùa tím ấy, sao hồng sắc xuân?” (Sài Gòn bất chợt mùa đông).
Bên những thi phẩm, những họa phẩm trong tập sách này cũng là một dấu ấn của Lê Thị Kim – họa sĩ. Nói như nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy: “Những bức tranh mới của Lê Thị Kim mở ra cánh cửa đưa ta bước vào một cõi riêng của chị… Lê Thị Kim vẽ tranh là đi qua và giữ lại khoảng trời riêng đẹp đẽ, dịu nhẹ, tốt lành; do vậy với chị, vẽ tranh cũng là một cách sống”. 
16/7/
Lê Thị Kim
Nguồn: Người lao động
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...