Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Lê Trúc Khanh - Nhà thơ của một thời vang bóng

Lê Trúc Khanh - Nhà thơ
của một thời vang bóng

Cách nay trên năm thập niên, vào mỗi thứ năm hằng tuần, bắt đầu từ lúc bảy giờ tối, trong âm thanh u huyền thơ mộng của tiếng sáo, tiếng đàn tranh trên làn sóng đài Phát thanh Cần Thơ, khán giả cùng Đồng bằng sông Cử Long lại được nghe một giọng nói quen thuộc: “Đây là Tiếng nói của Thi văn đoàn Về Nguồn… Lê Trúc Khanh và toàn ban xin kính chào Quí thính giả và các bạn… ”
Với giọng nói trầm ấm, rõ ràng mà lưu loát, nhà thơ Lê Trúc Khanh đã mở đầu giới thiệu chương trình phát thanh văn nghệ của nhóm Thi văn đoàn Về nguồn do anh phụ thách. Nội dung chương trình phát thanh chủ yếu là ngâm diễn thơ của bạn thơ bốn phương và thông tin về sinh hoạt văn học nghệ thuật.
Lê Trúc Khanh tên thật là Lê Phước Nghiệp, sinh năm 1949 tại làng Tân Thạch, huyện Trúc Giang, tỉnh Bến Tre. Anh học tại trung học Nguyễn Đình Chiễu (Mỹ Tho) rồi theo mẹ về sống tại một hẻm nhỏ đầu đường Phan Thanh Giản – cạnh bờ sông Cái Khế (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Cần Thơ). Sau đó, anh tiếp tục học trường trung học Phan Thanh Giản (nay là trường PTTH Châu Văn Liêm – Cần Thơ). Lê Trúc Khanh tốt nghiệp ĐHSP ban Việt Hán, dạy môn Văn tại các trường trung học Công lập và Tư thục tại Cần Thơ từ năm 1970.
Với tấm lòng thiết tha yêu văn học nghệ thuật nước nhà và niềm cảm thông sâu sắc với quê hương đang chìm đắm trong một thời khói lửa chiến tranh, Lê Trúc Khanh đã huy động được một nhóm đông anh em cùng tâm huyết gồm đủ lứa tuổi và tầng lớp xã hội, nhất là giới sinh viên học sinh, thành lập chính thức năm 1966 ban Thi văn Về Nguồn. Thành viên nòng cốt ban Thi văn do anh phụ trách trên ba mươi người, gồm có: Lê Trúc Khanh (Trưởng ban), Lê Hà Uyên (Bào huynh Lê Trúc Khanh), Huyền Vân Thanh và Kiều Diễm Phượng, Nguyễn Hoài Vọng, Vũ Phan Trần tức Đặng Thư Cưu (đã mất), hội viên hội Nhà Văn Việt Nam, Lăng Cảnh Uy, La Thị Sinh (vừa sáng tác vừa ngâm thơ, đã mất), Lệ Nhương (ngâm thơ), Hồ Văn Phước (đàn tranh, đã mất), Dạ Khách (thổi sáo), Nguyễn Hữu Phương…
Mỗi tuần, ban Thi văn Về Nguồn phát thanh chương trình văn nghệ một lần vào tối thứ năm trong thời gian khoảng 45 phút. Các tiết mục phát thanh sinh động, chủ yếu là diễn ngâm các bài thơ mới sáng tác của các thành viên trong ban và của văn nghệ sĩ bốn phương gởi tới. Nữ nghệ sĩ Nhan Thị Đài Trang phụ trách đàn tranh và Dạ Khách thổi sáo minh họa phần ngâm thơ do các nghệ sĩ Lệ Nhương, La Thị Sinh đảm nhiệm. Hài hòa vào các tiết mục văn nghệ là phần thông báo và trả lời thư bằng hữu và thính giả trong âm thanh của tiếng đàn tiếng sáo.
Thơ văn của nhóm từng được chọn giới thiệu trong chương trình ban Thi văn Mây Tần, đài Phát thanh Sài Gòn của nhà thơ Kiên Giang. Gần một thập niên trước ngày giải phóng, khi Ngũ Lang bận bịu, khó khăn vì tài chính với tờ Văn nghệ Miền Tây (1), Lê Trúc Khanh vừa sáng tác vừa cưu mang ban Thi văn của anh. Vừa thiết kế chương trình để phát thanh mỗi tuần, vừa biên tập cho tác phẩm ấn hành dưới hình thức in xếp cánh bướm, tập họp những bài thơ chất lượng khá của anh em. Bìa do họa sĩ Đan Thanh (Nguyễn Thanh) vẽ trong giai đoạn đầu. Khổ khoảng 10 x 20 cm. Ấn phẩm gọn, trông xinh xắn mà cũng tiện phổ biến bớt tốn kém về tài chính. Về sau, Lê Trúc Khanh cho xuất bản hàng loạt thi phẩm của các thành viên với khổ lớn hơn và hình thức cải tiến sáng đẹp hơn.
Về Nguồn - tên ban Thi văn do anh đặt và phụ trách, ai đọc cũng có thể dễ dàng hiểu ngay được ước mơ sâu kín của anh. Đó là  hoài bão trong sáng, lành mạnh của Lê Trúc Khanh về một tình tự quê hương cần có ở mọi người dân Việt Nam trong một đất nước chiến tranh, con người và mọi thứ đều bị trầm trọng tha hóa. Anh kỳ vọng gởi một thông điệp sâu sắc đến mọi người hãy trở về với đất nước, quê hương và cội nguồn dân tộc. Mỗi vần thơ của nhóm dù chưa được là vần thơ thép nhưng cũng là hồi chuông âm vang, thức tỉnh cho những con cháu Lạc Hồng trong cảnh nước nhà bị điêu đứng bởi nạn ngoại xâm.
Hành trình vào thế giới thơ ca của chương trình Về Nguồn, bạn đọc phát hiện ra những vần thơ mang nội dung xây dựng, lành mạnh, dạt dào nhạc điệu, phản ánh một tấm lòng trong sáng với non sông hoa gấm nước nhà. Đất nước ta tươi đẹp nhất trong buổi vào xuân: Từ độ rừng thiêng bừng tiếng hót/ Mùa xuân hoa cỏ đẹp sơn hà (Tang hải ca-VNMT) (2). Thơ văn về nguồn cũng chứa đựng những vần thơ ca ngợi lòng yêu thiết tha quốc ngữ, ngôn ngữ dân tộc, tiếng mẹ đẹp đẽ, giàu cung bậc: Mực tím chẳng lem vần quốc ngữ/ Tròn năm học một tiếng yêu thôi (Cái Tắc-VNMT) (3). Trước họa binh đao, anh vẫn tin tưởng vào ngày mai chiến thắng vẻ vang, vang rền hồi trống khài hoàn ca giữa rừng cờ chói lọi khắp quê hương: Lớp lớp cờ bay-hồi trống giục/ Khải hoàn môn dựng giữa kinh đô (Tang hải ca-VNMT) (4).  Xưa nay, ở bất cứ không gian nào, tài tử cũng lắm đa tình. Trong cõi văn chương nhiều hệ lụy, người thơ đôi lúc cũng được đền bù: Đời thơ dù có vẩn vơ/ Đêm đêm cũng được người tơ tưởng thầm…
Lê Trúc Khanh là nhà thơ trẻ, tài hoa thường được nhắc đến và khích lệ bởi các nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam, Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Bá Thế,…
Là người địa phương, ở gần nhau, Nguyễn Thanh (Ngũ Lang) được biết ngoài những người đẹp yêu thơ Lê Trúc Khanh nhưng chưa gặp duyên may Tần Tấn, phải đơn phương yêu thầm tác giả, nàng Thơ của Lê Trúc Khanh, là một giai nhân thùy mị ở Tây Đô được coi là nguồn cảm hứng dạt dào thời anh còn cấp sách đến trường Phan Thanh Giản, sau này đã trở  thành người bạn đời yêu quí thủy chung của anh.
Không theo kịp bước những thi tài Nguyễn Bính (1920-1966) hay thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, Lê Trúc Khanh vẫn sớm được biết đến là một hiện tượng văn chương đặc biệt chẳng khác Thôi Hiệu (5) hay Arthur Rimbaud (6) cả hai đều có bài thơ hay lúc tuổi chưa tới mười sáu.
Đáng nuối tiếc biết dường bao! Đã từ lâu, nhiều người yêu thơ Lê Trúc Khanh đã ái mộ anh, nhà thơ tài hoa một thời vang bóng của đất cầm thi, không khỏi băn khoăn tự hỏi: Thần tượng trong mộng ước đã trở thành nàng Thơ hiện thực của nhà thơ trong đời. Thế tại sao Lê Trúc Khanh hồ như bặt đi tiếng tơ lòng, âm thầm xa vắng chiếu thơ với tri âm đồng điệu và người yêu thơ anh khắp bốn phương, sớm rời bỏ cuộc chơi thanh cao đầy giai điệu sắc hương trên thi đàn!.
17/5/2020
Lê Trúc Khanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...