Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Giải độc đắc - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Giải độc đắc - Truyện ngắn
của Lại Văn Long

1980… Hạt bé như trái dừa, mũi dãi lèm nhèm, lọt thỏm trong cái ghế độ chế trên sườn xe đầm. Mẹ nón lá, lưng cong, đạp xe điên cuồng, ngó nghiêng tìm kiếm trên các con phố tấp nập. Thỉnh thoảng mẹ hất nón, gạt mồ hôi trán, gào tức tưởi: “Anh ơi, sao bỏ mẹ con em!”. Mắt mẹ sũng nước, mắt con ngây thơ, mắt đời tò mò, thương hại…
1985… Tối sầm, mẹ hớt hải đón con lớp 1. Cô giáo liếc đồng hồ, nhìn mẹ trách móc. Mẹ lí nhí xin lỗi, lôi con đi như chạy. Hạt phụng phịu:
– Hồi nãy cô hỏi mẹ bận, ba đâu không đón?
Mẹ xốc nách đặt Hạt lên baga. Hạt níu vạt áo mẹ:
– Ba con đâu?
– Đi làm xa… (mẹ nhấn bàn đạp)
– Chừng nào ba về?
– Sắp rồi… (mẹ lao như tự sát giữa cuồn cuộn xe lớn, nhỏ)
1990… Bài văn lớp 6 của Hạt được thầy đọc trước lớp… “Ba em cao như cầu thủ bóng rổ, chạy nhanh như cầu thủ bóng đá, mạnh mẽ như anh hùng trong phim, hát như ca sĩ lại hay giúp đỡ người khác”… Cả lớp cười ồ bàn tán sôi nổi “Ba nó là siêu nhân à?”… Thầy đập thước kẻ lên bàn, nhìn Hạt thương hại:
– Mẹ kể với thầy em chưa biết mặt ba phải không?
Hạt đứng lên đầy tự hào:
– Em biết, em tả đúng như thật!
1995… Mẹ đi xem bói về, mặt tươi, mắt cười ngọt:
– Thầy nói ba đang ở Mỹ. Hồi đó ổng theo người ta vượt biên, giờ giàu lắm. Việt Kiều về nhiều, ba cũng sắp về…
Đêm đó Hạt mơ thấy đoàn ô tô bóng bẩy dừng trước nhà mình. Ba sang trọng, bệ vệ xuống xe, được nhiều người hầu hạ. Mẹ lao ra khóc, gọi “anh ơi”… Ba ôm mẹ nức nở rồi quay sang ôm Hạt, khen con mau lớn, cho nhiều quà… Tỉnh lại vì muỗi đốt, sực nhớ giấc mơ giống cảnh xem trên ti vi, Hạt ngậm ngùi, ngượng nghịu…
2002… Hạt cầm tay Ngọc:
– Tiếc là ba anh không dự lễ cưới tụi mình.
– Ba đang ở đâu?
– Bên Mỹ…
– Sao không về?
– Lo làm ăn…
Ngọc thở dài:
– Cậu em bên Pháp cũng không về vì bận làm ăn như ba anh!
Năm 2010… Hội trường đầy ắp mấy trăm người, giám đốc công ty tuyên bố – Một Việt Kiều ẩn danh đã mua 85% cổ phần. Nhà đầu tư mới này sẽ giúp công ty ta có thêm nhiều thị trường xuất khẩu, thịnh vượng và nâng cao lương bổng cho anh chị em… Hạt ngồi dưới sờ ngực hồi hộp… “Có khi nào ba là người ẩn danh đó?”
Hạt mỉm cười, âm thầm sung sướng giữa những tràng pháo tay rộn ràng…
Năm 2015… Mẹ đặt lên bàn thờ ở phòng khách ngôi nhà chật chội một bức hình trắng đen. Hạt kinh ngạc:
– Mẹ thờ ai vậy?
Mắt mẹ ướt, buồn:
– Ba con!
Hạt chao đảo, vịn ghế:
– Từ nhỏ mẹ nói không có hình ba mà?
Mẹ không trả lời, quệt nước mắt quay đi. Hạt bàng hoàng nhìn bộ complet, vẻ hào hoa và hàng ria kiêu ngạo của người đàn ông chừng 40 tuổi sau bát nhang tỏa khói. Cậu sờ ria mép mình, bần thần một lát rồi đến nắm tay mẹ:
– Sao mẹ biết ba chết?
Mẹ thở dài:
– Hơn 35 năm ổng không về, chắc đã chết…
Hạt níu kéo hy vọng:
– Nhưng mẹ bán nhà cũ, mua nhà mới xa ba cây số, mười ngã tư, sao ba biết để về? Mà mẹ lấy đâu ra hình ba để thờ?
– Hình cắt từ chứng minh thư cũ, mẹ ép nilon, giấu trong lá bùa con đeo từ nhỏ. Giờ đem tiệm ảnh phóng to, đóng khung…
– Con giống ba phải không mẹ?
– Ừ, giống lắm! Ông ấy hơn mẹ gần 20 tuổi, là kỹ sư trong nhà máy mẹ làm cấp dưỡng, vừa đẹp vừa hiền ai cũng quý. Vậy mà… (mẹ bụm mặt nấc lên) đành đoạn bỏ mẹ con mình!
2019… Hạt chia cậu bé 16 tuổi 3 cây nhang ngún khói:
– Nẫm, thắp nhang cho ông nội đi!
Cậu trai nhìn cha ngần ngừ:
– Lỡ… ông nội… chưa chết thì sao?
– Sao con nghĩ vậy?
– Con đọc trên mạng nói người chết hình họ bị nổ mắt, hình ông nội không giống vậy.
Hạt sững người, lòng giao động như mấy cây nhang run run trong tay. Nẫm nói tiếp:
– Con đăng hình ông nội với thông báo tìm người mất tích trên “phây” (Facebook) bằng cả tiếng Anh, tiếng Việt. Hôm qua phản hồi cho biết ở Campuchia có một ông tỉnh trưởng y hệt ông nội…
Hạt lặng người, sống lưng lạnh toát và thái dương tê rần khi ngắm người đàn ông lung linh, oai vệ trên điện thoại của Nẫm. Hạt lẩm bẩm… “Có khi nào… khi nào…”
Tiếng Nẫm vẫn oang oang:
– Nhiều gia đình được đoàn tụ sau mấy chục năm ly biệt được chiếu trên ti vi rồi. Cả ông nguyên phó thủ tướng Đức cũng quay về Việt Nam tìm cha mẹ đẻ. Chuyện ông nội làm tỉnh trưởng có gì khó tin đâu ba!
Cả đêm đó Hạt khó ngủ, ngồi trầm tư trước bàn thờ. Đã mấy lần định hạ bức hình thờ xuống, nhưng lần nào tay cũng run, tim cũng đập dồn dập nên thôi. Ngọc xuống lầu ngồi vào salon, động viên chồng:
– Phật dạy phải bố thí, mình làm phước đi anh!
Hôm sau vợ chồng sắm bình Inox to có chân, mấy cái ly nhựa. Cả nhà lúi húi pha nấu trà đá đổ đầy thùng, đặt trước cửa với bảng “Trà đá miễn phí”. Nhà Hạt 3 tầng, nhỏ, chật nhưng ngay ngã tư đông đúc. Mẹ đặt xe thuốc lá từ lúc nghỉ hưu, Hạt làm công nhân, Ngọc là giáo viên tiểu học. Nay có thêm bình trà đá để trẻ bán vé số, ông xích lô, chị ve chai và mấy bà cháu ăn mày tìm đến giải khát. Bình nước 30 lít đến quá trưa khô queo. Vài tuần sau tiếng lành đồn xa, ngày phải 2 bình mới đủ. Cá, thịt trong bữa ăn ít lại, nhưng con, cháu, dâu và cả bà mẹ ngoài 60 đều thư thái, hạnh phúc; hàng xóm và ông tổ trưởng dân phố đều khen…
Xế trưa có bà già móm mém nhưng lông mày kẻ chì, son phấn dày đậm, tóc uốn loăn xoăn cầm xấp vé số đến uống trà đá miễn phí. Uống xong, bà rút trong cái bóp xơ xác đeo trên vai ra mấy tờ bạc lẻ nhàu nhĩ mua mấy điếu thuốc lá rồi ngồi bệt xuống trước nhà phì phèo, than vãn bằng giọng khàn khàn:
– Đi rã cẳng sáng giờ mới bán được hai tờ…
Mẹ Hạt nhìn bà ta rồi kéo hộc tủ xe thuốc lá:
– Để tui mua giúp bà ít tờ…
Bà già đang uể oải bật dậy, hớn hở chìa cả xấp vé số:
– Có cả bộ 10 tờ số thần tài đây…
Mẹ Hạt mân mê từng tờ vé số, chọn lựa; bà kia ung dung rít thuốc, chờ đợi… Bất ngờ điếu thuốc thả rời, giọng bà vé số lạc đi, khuôn mặt hốt hoảng:
– Lam… phải Lam không?
Mẹ Hạt sững người:
– Bà biết tôi sao?
Bà vé số không nói không rằng xáp tới lật áo người vừa được gọi tên Lam, tay mân mê vết sẹo, rú lên thảng thốt:
– Đúng Lam rồi…
Bà ôm choàng, gục lên vai Lam khóc rưng rức rồi thì thầm gì đó. Lam giật nảy, thả rơi xấp vé số, đẩy người đối diện ra nhìn trừng trừng, hoảng hốt, lắp bắp… “Sao lại như vậy, sao lại như vậy?”… Lam kéo tay bà bán vé số vào nhà, chỉ lên bàn thờ ở phòng khách rồi khóc nấc lên. Bà kia đến nhấc tấm ảnh thờ ôm vào ngực, nước mắt nhòe nhoẹt khuôn mặt phấn son, nhăn nheo, sương gió. Nghe khóc la chộn rộn, vợ chồng và con trai Hạt tuông từ lầu xuống. Tất cả há hốc trước cảnh 2 người sống ôm di ảnh người chết nức nở…
Hạt chống nạnh hỏi mẹ:
– Ai vậy mẹ?
Câu trả lời kinh hoàng:
– Là… cha con đó!
Hạt trợn mắt lảo đảo, còn Ngọc gần như ngất luôn trên tay con trai. Mặt Nẫm cũng tái nhợt, đỡ mẹ lùi dần rồi cùng sụp xuống ghế nệm. Bà vé số đặt ảnh thờ lên vai, quệt nước mắt, sụt sùi:
– Hai khuôn mặt cùng một kiếp khổ đau!
Hạt chạy đến giằng bức hình đặt lại lên bàn thờ rồi giận dữ trừng mắt với bà vé số:
– Bà điên này ở đâu đến đây lảm nhảm, xằng bậy…
“Bà điên” loạng choạng va vào tường, cắn môi, lệ tràn, đau đớn cùng cực. Bà run run cất giọng the thé khác thường:
– Mấy chục năm bị đời hắt hủi ta không thấy đau. Nay một câu của con ta buồn đến chín kiếp…
Rồi bà thở dài lẩm bẩm:
– Tám mươi rồi… phước phần cũng cho ta nhìn lại kiếp cũ…
Bà nhìn Hạt, nhìn Ngọc, Nẫm… đôi mắt dịu đi:
– Vậy là con trai đã lấy vợ, sinh con… trời không bắt nó phải dằn vặt, đau khổ như ta… mô phật… mô phật (bà chấp tay vái rất thành kính).
Hạt quay sang mẹ bực bội:
– Sao mẹ đưa bà điên này về? Đuổi đi!
Mẹ Hạt nức nở:
– Cha con đó… bốn chục năm nay con vẫn mong gặp cha mà!
Hạt trợn mắt:
– Mẹ cũng điên rồi… Hay là bị bà ấy bỏ bùa?
Lam ra hiệu cho Hạt im lặng, nhẹ nhàng nâng đỡ “bà điên” vào ghế:
– Nói cho con cháu hiểu đi ông!
*
*    *
“Lá thư này ta viết trong nước mắt. Em không thể hiểu nỗi niềm đau đớn của ta. Ta đã chờ đợi rất lâu để được “đổi kiếp”. Cha mất đã mấy năm, mẹ cũng vừa được lo xong mộ phần tươm tất, ta làm xong chữ hiếu rồi. Ta chẳng có gì để lại cho em với con ngoài căn nhà thừa kế. Khi con đủ lớn khôn, hãy nói cha nó đã chết.
Lẽ ra ta không nên lấy vợ, sanh con. Nhưng mẹ đã ép ta, số phận đã ép ta, để giờ em dang dở duyên tình và con trai bé bỏng phải mất cha. Hãy tìm một người đàn ông khác và đừng bao giờ hỏi vì sao chúng ta ra nông nỗi này… Hùng”
Tờ giấy ố vàng, ép nilon, sau 39 năm Lam giấu kỹ, được đặt ra bàn tiếp khách. Lam nức nở:
– Hùng ơi, anh còn nhớ lá thư chia lìa này không?
“Bà vé số” đưa tay ướt nhẹp mồ hôi lẫn nước mắt lau mặt nilon trang thư, nghẹn ngào:
– Viết xong lá thư này, ta không còn là “Hùng” nữa. Ba mươi chín năm nay ta là… Mỹ Lệ!
Lam đưa tay áo thấm nước mắt:
– Anh là kỹ sư giỏi, hồi đó máy móc nào trong công ty anh cũng sửa được. Ai cũng quý trọng anh, anh buồn chuyện gì phải bỏ đi?
Hùng tức Mỹ Lệ chỉ vào thân thể gầy còm của mình, lắc đầu chua chát:
– Ta buồn vì cái máy này do thượng đế chế tạo thì người trần mắt thịt như ta có muốn cũng không sửa được! Vì chiều lòng cha mẹ, chiều lòng nhân thế, ta phải gượng gạo đóng vai đàn ông suốt bốn mươi năm. Thật ra ta là đàn bà… Mọi người có hiểu không?
Lam vuốt ve tay áo chồng cũ:
– Bao nhiêu năm nay ông sống ra sao?
– Từ ngày bỏ nhà ra đi, ta phiêu bạt cùng những gánh lô tô chu du khắp nơi. Ở đó có nhiều người cùng cảnh ngộ nam không ra nam, nữ không ra nữ, khao khát được sống với giấc mơ “đổi kiếp” như ta. Đó mới là gia đình thật sự hạnh phúc của ta. Ta được mặc đồ đàn bà, được son phấn, được ca hát, nhảy múa mua vui cho đời. Cả đoàn biết thương yêu, nhường nhịn, bảo bọc cho nhau, mặc người đời mỉa mai, châm chọc. Tất cả cùng cố gắng kiếm tiền để ăn uống, sắm trang phục biểu diễn và mua Hoocmon (hormone) về tiêm để rũ bỏ tàn tích đàn ông của mình. Cứ thấy râu rụng, ngực to ra, giọng nói thay đổi sau mỗi lần tiêm là sung sướng tận cùng. Thời đó thuốc toàn phải mua chợ đen đắt lắm. Có lúc trúng thuốc giả chích xong trợn mắt, sùi bọt mép tưởng chết. Nhưng nợ tiền kiếp chưa trả xong trời không cho chết, lại gượng dậy chịu khổ nhục! Hồi đó đi đến đâu từ già đến trẻ đều coi chúng ta như lũ quái vật dị hợm, ồn ào. Họ đâu biết những mùa mưa ảm đảm, suốt cả tuần không kiếm được một suất diễn, cả đoàn hơn chục con người nhếch nhác chui rúc trong mấy tấm tole, bạt, màn cũ che mưa, sống cầm hơi bằng cháo loãng, mì vụn. Người chuyển giới chúng ta có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn thuốc. Không có nhiều tiền để mua Hoocmon tiêm thì phải dùng tạm thuốc ngừa thai. Uống thứ này vào tay chân cứng đơ, nhấc không nổi, đầu đau như búa bổ, mắt nổ đom đóm. Chết sống cận kề như vậy nhưng không dám bỏ thuốc! Khát vọng làm đàn bà – khát vọng đau đớn, khổ nhục nhất của kiếp người chẳng may bị “bà mụ” nặn nhầm trai thành gái, gái thành trai thế này.
Có những buổi trưa nắng hửng, chị em mừng quá hối nhau chuẩn bị sân khấu, đèn đuốc, âm thanh rồi nô nức chọn váy áo, tóc giả, lông mi, phấn son… Trưởng đoàn đạp xe vào xóm, năn nỉ bán mấy bộ quần áo được ít tiền mua bó rau, con cá, vài ký gạo về liên hoan mừng được diễn. Máy nổ rú lên, cả bãi đất trống sáng bừng lên, nhạc xập xình thu hút. Sẫm tối trẻ con kéo tới, một lát là từng cặp nam nữ rồi gần một nửa cái làng ở nơi heo hút nô nức đến hội chợ lô tô. Chị em hớn hở, reo vui, ai cũng điệu đà, xinh đẹp trong trang phục kiều nữ, tiên nga… Bỗng mây đen kéo về, mưa lắc rắc, hơn trăm khán giả ùa nhau tháo chạy. Chị em phấn son lộng lẫy vội cởi giầy cao gót, tóc giả, ngực giả, mông giả, hối nhau ra dọn đồ, phủ bạt dàn âm thanh, tắt máy nổ vì… mưa. Cả đoàn rên lên đau đớn “chúng con quá khổ rồi, trời sao nỡ đày đọa”… Có lúc không mưa thì gặp lũ côn đồ, chúng bắt từng chị ra cởi quần áo để xem “hàng” của tụi pê đê có gì lạ. Có đứa cười hô hố, có tên nhổ nước bọt, có kẻ nhăn mặt… nhục mạ chị em đủ cách xong, chúng lột luôn mấy thứ vàng giả trên người họ. Đời lô tô khổ nhục vậy đó, nhưng chỉ cần trời trong, sân khấu sáng đèn, một ít khán giả… là cả đoàn lại vui như chưa bao giờ gặp khổ. Chị em lại lộng lẫy, tự tin trên sân khấu, múa hát hết mình phục vụ khán giả…
… “Bà vé số” kể một hơi dài như trút bỏ cả mấy chục năm đoạn trường “hồn bướm thân sâu”…
Lam nhìn người từng đầu ấp tay gối với mình thương hại:
– Sao ông phải đi bán vé số?
– Gánh lô tô rã hơn chục năm rồi. Còn trẻ thì nhảy múa hát hò được, chứ già xấu rồi thì ai xem? Hơn nữa hồi xưa nông thôn chưa có điện, ti vi người ta còn mong lô tô giải buồn. Giờ chả ai còn quan tâm! Chị em tan hàng, mỗi người một phương lây lất cho hết kiếp phù du…
Lam bước sang ngồi cùng, vuốt ve bàn tay khẳng khiu sơn móng đỏ bị tróc nham nhở, cáu bẩn của “cố nhân”, giọng Lam khàn đi vì xúc động:
– Đây vẫn là nhà của ông, tôi vẫn là vợ của ông và kia là con cháu của ông. Ông cứ ở lại đây!
Lam nói chưa hết câu bỗng “choang”… chiếc bình hoa bị ném vào tường, Hạt đầm đìa nước mắt, tự đấm thùm thụp vào ngực, gào lên:
– Gần bốn chục năm qua, cả ba thế hệ trong gia đình này trông mong từng ngày được gặp chồng, cha, ông… Vậy mà bây giờ… người không ra người, ngợm không ra ngợm… (Hạt nấc lên)… Sao ông không chết bờ chết bụi còn về đây làm gì để vợ con, cháu chắt phải nhục!
Ngọc sợ hãi rúm người lại, trong lúc Nẫm lao đến ôm cha, năn nỉ:
– Đừng ba… ông nội đâu có lỗi gì, cả thế giới, cả Việt Nam đều công nhận người chuyển giới rồi…
“Bà vé số” nhìn cậu thiếu niên với ánh mắt biết ơn:
– Ta chẳng dám nhận là ông nội của cháu, nhưng ta được an ủi vì cháu cảm thông. Cháu nói đúng đó, cả đời ta ước ao ca phẫu thuật chuyển giới thành đàn bà hoàn toàn. Đến nay tám mươi tuổi cũng vậy, mỗi ngày ta giữ lại 1 tờ vé số Vietlot mong trúng độc đắc để thực hiện ước mơ cuối cùng… Trời phật đã không phụ lòng ta. Niềm vui quá lớn đó ta muốn…
Mặt Hạt đang đỏ ửng chuyển sang xanh xám, Hạt bàng hoàng, đờ người trố mắt, lắp bắp như mê sảng:
– Tờ độc đắc Vietlot… Niềm vui quá lớn… là… là… mấy chục tỷ hay cả trăm tỷ?
“Bà vé số” nhìn Hạt trân trân, ỡm ờ:
– Ai có nhiều tiền cũng phải gửi ngân hàng thôi!
Hạt nhíu mày nghi ngờ:
– Giàu vậy sao còn… bán vé số, uống nước từ thiện?
Bà ta cười phá lên:
– Ta muốn tận hưởng khổ ải. Hơn nữa… ai trúng độc đắc cũng phải đeo mặt nạ lĩnh thưởng vì sợ trộm cướp. Ta cũng cần “mặt nạ” cho những ngày làm người hạnh phúc nhất chứ!
Hạt ngần ngừ toan tính rồi dứt khoát bước đến trước mặt bà vé số, giọng điệu lễ phép hơn:
– Dạ… (gãi đầu bối rối vì chưa chọn được xưng hô)… dạ… có giấy tờ gì chứng minh tiền gửi ngân hàng không ạ?
“Bà vé số” trừng mắt quát lớn:
– Nếu ta nói không có lập tức bị đuổi đi phải không?
Hạt tin chỉ người nhiều tiền mới khẩu khí đanh thép như vậy nên lật đật quỳ mọp, lay lay đầu gối vị “tỷ phú” rồi nức nở kể lể:
– Dạ con tin… Mấy chục năm nay lúc nào con cũng nhớ tới ba… Mồ côi cha khổ lắm… Giờ ba định bù đắp cho con bao nhiêu?
Căn phòng ồn ào bỗng chìm trong im lặng, ai cũng nín thở chờ câu trả lời. Ngọc lâm râm cầu nguyện và tiên đoán 3 khả năng “bà vé số” đối xử với chồng mình theo kinh nghiệm 17 năm dạy trẻ:
1- Vuốt tóc Hạt thủ thỉ: “Hãy nâng niu những ước mơ, điều đó giúp chúng ta hạnh phúc hơn tiền bạc”
2- Xô đầu đứa con tham lam, bạc bẽo, chửi vào mặt nó: “Mày chỉ mong tiền chứ mong gì cha”…
3- Ngửa mặt lên trời, mắt ngấn lệ, não nề: “Ta sắp chịu thêm kiếp nạn mới còn tàn nhẫn hơn lần bị “bà mụ nặn nhầm”.
Cả 3 phương án đều sai khi “cha chồng” của Ngọc móc trong cái túi thê thảm của nghề vé số ra một cuốn sổ nhỏ bọc trong túi nilon gấp lại. Mắt Hạt sáng rực, hai tay vồ lấy trong lúc cái miệng cười đắc ý: “Ba cho con cuốn sổ tiết kiệm này à… Cảm ơn ba… Cảm ơn ba… Bao nhiêu tỷ vậy ba?”. Hạt vừa nói vừa vội vàng mở cái túi trơn bóng, to dày; thò cả hai bàn tay vào túi ép chặt cuốn sổ rồi hất tay cho cái túi (giờ đã vô dụng) rơi xuống đất. Như gã cờ bạc mê tín, Hạt nâng đôi bàn tay ép cuốn sổ vái mấy cái cầu may rồi từ từ hé mấy ngón tay để đọc từng chữ trên bìa sổ như đang “nặn” bài. Hạt làm công việc này chậm rãi, thành kính, mũi và miệng cứ hít hà như tận hưởng khoái cảm cao độ. Một dãy số in đen đậm làm tim hắn như ngừng đập vì mừng rỡ. Hắn nín thở, dang rộng hai ngón tay để đọc con số đầu rồi rú lên khoái trá: “Số 9… À… Há… Sao mà nhiều dữ vậy!”
Hắn áp “lá bài số mệnh” đó vào ngực nhìn “bà vé số” bằng ánh mắt ấm áp, thân thiện và nụ cười hết sức cởi mở. Giọng hắn bỗng nghẹn lại, mếu máo: “Ba làm con xúc động quá hà. Giờ ba ra ngân hàng sang tên cho con đi!”
Hạt đứng lên, đút luôn cuốn sổ vào túi rồi nắm tay, đỡ lưng, dìu “bà vé số” ra khỏi ghế, mồm vẫn oang oang:
– Nẫm chạy mua hột gà với sô đa về mẹ làm nước giải khát cho ông nội đi con. Ba chở ông nội ra ngân hàng quay về là cả nhà mình ăn cơm luôn… Mẹ nhớ mua thêm con vịt quay đãi ba; vợ lên lầu lấy cho anh cái hộ khẩu. Số tiền lớn quá chắc ngân hàng bắt phải có hộ khẩu…”
“Bà vé số” đưa tay ngăn lại, nhìn Hạt bằng ánh mắt… buồn rượi. Giọng “bà” khàn nhưng nhỏ nhẹ:
– Con đọc địa chỉ trên sổ chưa?
Hạt cười giả lả rồi rút phắt cuốn sổ từ túi quần ra đọc…
Hắn trợn mắt, phồng man thở dốc, ném cuốn sổ ra đường rồi dí nắm đấm vào mặt “bà vé số”, thét lên giận dữ:
– Đồ chó má… lừa đảo hả?
Nẫm vội chạy ra cửa nhặt cuốn sổ, liếc qua rồi bần thần đưa Ngọc. Ngọc rưng rưng nhìn “bà vé số” rồi đưa sổ sang cho Lam. Lam đỡ cuốn sổ “nặng nghìn cân” khụy xuống…
Nắng chiều xuyên qua mấy ô thông gió thành những luồng sáng mảnh mai soi vào góc nhà. Cuốn sổ rơi từ tay Lam qua một luồng sáng hiện rõ những chữ in to đậm “Sổ xạ trị” và dãy số dài như lòng tham của người này hay sự tuyệt vọng của người khác. “Bà vé số” giật mái tóc giả, khoe cái đầu trụi lũi, méo mó nhìn Hạt cười hả hê:
– Ta bị ung thư ngay cái nơi phải phẫu thuật để chuyển đổi giới tính. Vì quá nghèo nên ca mổ mà ta khao khát cả đời sẽ được bệnh viện miễn phí hoàn toàn. Giải độc đắc trời cho ta là vậy đó… ha… .ha… ha!.
20/2/2020
Lại Văn Long
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chút nỗi niềm riêng

Chút nỗi niềm riêng Cũng gần xấp xỉ 50 nhưng chị vẫn giữ được nét thanh xuân mà đâu phải người phụ nữ nào cũng có. Chị đẹp, nét đẹp dịu dà...