Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Hương xoài khô của mẹ

Hương xoài khô của mẹ

Đất Nam bộ với sông rạch chằng chịt bủa giăng như mắt lưới là miền đất mới màu mỡ phù sa, đặc biệt là vùng đồng bằng nằm cặp đôi bờ nam bắc sông Tiền, sông Hậu, được coi là những tấm thảm xanh vườn cây ăn trái trù mật, trĩu quả bốn mùa. Mỗi năm bắt đầu mùa xuân mát dịu với sầu riêng, cam, quít, bưởi… sắc hồng tươi chín mọng với hương vị thơm tho ngọt ngào luôn quyến rủ người dân cả ba miền và du khách năm châu. Nơi bờ bắc sông Hậu quê tôi, hằng năm cứ sang hè là bắt đầu mùa xoài. Tiết hạ oi nồng thuận lợi cho những trái xoài đủ loại mau chín trông vô cùng hấp dẫn: xoài cát thịt dẻo ngọt thanh, xoài thanh ca ngọt mặn, xoài tượng có bột trái to dùng để ăn sống, lại đến xoài voi, xoài mật, xoài thơm, xoài tân quan… phẩm chất riêng biệt, là loại trái cây đặc sản nhiệt đới các nước phương Tây tiết trời giá lạnh không hề được sở hữu.
Khi còn non tươi sắc xanh thắm chưa có độ ngọt, xoài loại nào cũng có vị chua. Xoài thanh ca sống có cường độ chua mạnh nên thường dùng để nấu canh chua thay me hay bần. Xoài tượng to nhất trong các loại, có trái dài gần 2 tấc, nặng trên 2 ký, ăn sống thật ngon miệng nhờ có bột và không chua thét như các loại xoài khác. Đặc biệt, xoài tượng già bằm hay gọt thành lát mỏng trộn vào nước cá kho, nước mắm kho ăn cơm hoặc gọt thành miếng chấm nước mắm đường, ăn chơi thì thật tuyệt. Vượt trội hơn cả là xoài tượng bằm trộn với khô cá sặc rằn nướng lớn con ở Ô Môn, nhâm nhi với rượu nếp than hay bia, tất cả đều là thức ăn khoái khẩu không thể thiếu ở miệt Đồng bằng. Nhớ lại thuở nhỏ, khi cò học sơ đẳng ở trường làng, chưa ra tỉnh học, đêm đêm trong lúc ngồi ê  a ôn bài một mình bên ngọn đèn dầu dừa leo lét hay giữa khuya đang ngủ say, nhiều lúc tôi không tránh khỏi giật mình thức giấc mỗi khi nghe tiếng trái xoài tượng chín to kềnh sột soạt, ục ịch rụng xuống bờ cản hoặc mương vườn sau nhà.
Mỗi năm, cứ gần tới nghỉ hè là tới mùa chín rầm rộ của các loại trái cây. Cái thú độc đáo của tôi và thằng Tý em trai tôi là ban đêm vừa đi thăm bẫy chuột, vừa thích thú tìm moi những trái xoài tượng chín quá khổ mới vừa nghe rụng trên bờ đất hoặc  nằm vùi sâu trong vũng nước đục dưới mương vườn. Nói chung, tất cả loại xoài khi còn xanh sống đều có vị chua. Tới lúc chín, loại xoài nào cũng ngọt. Chỉ có xoài tượng là dành để ăn sống lúc vừa già nhưng chưa chín; vì lẽ khi chín xoài tương mềm, thịt nhão và không đủ độ ngọt mặn mà như các loại xoài cát, xoài mật, xoài thơm… Ngày nay, người ta hay nhắc đến và tìm mua loại xoài cát nổi tiếng Hòa Lộc, hoặc xoài cát Tân Lộc trồng ở một cù lao trên sông Hậu ngang thị trấn quận Thốt Nốt – Cần Thơ.
Hằng năm, đến mùa xoài giữa mấy tháng hè, người ta thường thấy xuất hiện những chiếc ghe thương hồ bồng bềnh, bắt đầu dập dìu trên sông rạch miền quê với các chú lái buôn Thỉnh thoảng họ chịu khó cập bến từng nhà, tìm mua xoài, đem ra tỉnh bán lại cho khách hàng. Họ thường là thương lái phương xa không biết ở nơi nào, đợi đến lúc xoài già mới đến tận nhà chủ vườn hỏi mua mảo luôn từng gốc xoài có trái gần chín. Khu vườn nhà tôi chỉ có mấy gốc xoài cát lão ngon đặc biệt do ba tôi trồng chỉ để cho người nhà ăn hoặc dành cho bà con. Năm nào xoài sai trái, ở nhà ăn không hết, mẹ tôi mới chia lại cho người hàng xóm hoặc đem ra bán nơi chợ xã.
Những năm học ở thành phố về quê nghỉ hè, chưa trở ra tỉnh học, anh em tôi thường được ba tôi và anh Hai cót két chèo ghe tam bản chở hai anh em tôi đi hái xoài. Vườn xoài do nội tôi để lại khá rộng nằm sâu mút tại Đồng Khoen, cuối kênh Mười Thới. Mấy mươi gốc xoài cao lớn đủ loại, cành lá sum suê, buông thòng quả chín nặng trĩu, óng ánh lắc lư dưới nắng trưa. Đến mùa xoài chín, ngày đêm không ngớt xào xạc tiếng dơi, sóc và chim trao trảo. Nhớ lại một năm nhà tôi trúng to mùa xoài, trong mấy ngày liền, anh Hai tôi phải thức dậy từ sáng sớm, chèo ghe tam bản cũ với chiếc lồng hái xoài, cần xé, đệm …đến tận vườn hái xoài. Đôi khi phải mướn thêm người hái tiếp vì ba tôi tuổi cao, mẹ tôi không cho leo trèo lên cây cao làm việc nặng nhọc.
Ba tôi vốn tính phòng xa, đã cặm cụi làm sẵn mấy chiếc lồng hái xoài từ mấy tháng trước. Người ra mấy bụi trúc bờ ranh sau nhà, chọn chặt mấy cây trúc tốt, thân thẳng, lóng thưa và đều, đem về làm làm lồng. Làm xong, ba tôi cặm cụi đánh giấy nhám rồi đem phơi nắng vài ngày sau khi phủ lên thân nó một lớp dầu bóng để sử dụng lâu và không bị mọt ăn. Chiếc lồng hái xoài dài độ 10m, thường làm bằng trúc trông xinh xắn ngộ nghĩnh. Ở đầu nhỏ lồng bẻ xoài, ba tôi chẻ đều thành trúc thành từng miếng rộng chưa tới 2 cm, sau đó bung rộng ra bằng những vòng sắt đường kính rộng nhất ở miệng lồng chừng 15 cm. Dùng dao bén cắt bỏ bớt khoảng bốn miếng tre, chừa cửa lồng độ 10 x 15 cm để cho khi hái, trái xoài lớn vừa đủ lọt vào. Chiếc ghe tam bản khá lớn của anh Hai tôi sau mấy buổi hái xoài, giờ đây đã  đầy ắp đủ loại xoài sống, xoài chín phải chở về nhà nhiều chuyến mới hết.
Thế là mấy ngày sau, tại nhà tôi đã lù lù một núi xoài sống, chín đủ loại nằm lủ khủ trên chiếc đệm bàng trải nơi bộ ván rộng cạnh hiên nhà. Mẹ tôi và các chị chậm rãi chọn lựa từng trái, phân xoài ra ba nhóm: loại nhất gồm những trái to vượt cỡ rồi tới loại nhì, và sau hết là những trái xoài cóc bé tý trông rất dễ thương. Xoài loại nhất được đem xếp thành hàng lớp lang trật tự trên mặt bồ lúa, bên trên được phủ kín bằng một tấm đệm bàng để tạo hơi ấm cho xoài mau chín. Loại nhì trái lớn vừa, đặt nơi bộ ván cạnh góc nhà; loại út loắt choắt được cho vào những chiếc khạp sành cũ đặt ở góc nhà sau. Tất cả đều đậy kín và cảnh giác trước lũ chuột nhà phá phách. Khoảng bốn, năm hay sáu ngày tùy theo độ già của xoài nhiều hay ít, xoài sẽ chín rộ có thể ăn hay mẹ tôi bơi xuồng đem đi bán ngoài chợ Tân Quới.
Đôi lúc, tôi bồi hồi nhớ lại một năm, do thời tiết thích hợp, nhà tôi trúng to mùa xoài, cây nào cũng oằn sai trái với từng chùm bóng lưỡng trông rất vui mắt, thèm ăn. Cùng tình trạng, xoài trong vườn nhà khác trong làng cũng được mùa. Thế nên, năm ấy, chợ Tân Quới quê tôi như bị ngập lụt với xoài. Từ sáng sớm đến chiều muộn, xoài lớn nhỏ đủ cỡ từ sống đến chín nằm ngổn ngang gò đống mỏi mòn chờ người đến hỏi thăm ! Nhưng số lượng khách mua xoài có hạn, vì ở thôn quê, nhà nào ít ra cũng có được một vài gốc xoài để ăn trái trong vườn cây tạp của mình.
Xoài là loại trái cây đặc sản Nam bộ rất độc đáo: cơm mềm khi chín và có hương vị đặc biệt khiến người ta ăn nhiều cũng không ngán. Nhưng thực trạng năm ấy nhà nào cũng không bán được nhiều xoài, người trong nhà ăn hoài cũng không vô trong khi xoài lớn, xoài nhỏ chất đống đó đây cứ tiếp nối chín rồi thối lần. Ban đầu, mọi người trong nhà tôi còn cân nhắc tiếc nuối. Mỗi ngày, ai cũng lấy những trái xoài thối ít để ăn với ý định dành lại những trái còn nguyên đem ra chợ bán, kiếm thêm ít tiền. Thành thử mọi người rốt cuộc chỉ ăn mãi những trái xoài đã thối một phần, để những trái còn nguyên tiếp tục… thối… Nhưng sau cùng, tình thế cũng chẳng sáng sủa được chút nào trước núi xoài càng lúc càng chín mùi và triển vọng sẽ đem đổ bỏ một cách uổng công! Thật không còn hy vọng gì.
Mẹ tôi vốn tính chân chất hiền lành nhưng hay có sáng kiến và biệt tài ứng biến mỗi khi trong gia đình bất chợt gặp tình thế khó khăn. Trước cảnh ngặt nghèo, thấy quá chướng mắt trước đống xoài thối: trái quá mùi hứa hẹn sẽ thối, trái bắt đầu thâm quầng nơi cuống hoặc đã thối một phần nên mẹ tôi không tránh khỏi tiếc mớ của đời không nở bỏ đi ! Thôi đành tìm cách vớt vát lại chút ít thử coi, may ra biết đâu chừng. Mẹ tôi gom hết khối xoài thối lại một đống trên bộ ván nhà sau, rồi người âm thầm tự đi lấy mấy chiếc sàng, nia và con dao nhỏ đặt sẵn gần. Lặng lẽ ngồi một mình, không nhờ hay bảo ban ai điều gì, mẹ tôi lần lần gọt vỏ những trái xoài thối ít lẫn thối nhiều, lách nhẹ phần thịt xoài còn nguyên ra từng miếng dày khoảng 4 hoặc 5 ly, rồi đem trải nhẹ lớp lang trên sàng, nia. Sau đó, mẹ tôi đem tất cả ra phơi nắng trên nóc nhà như công đoạn phơi chuối khô hay bánh phồng, bánh tráng ở nhà quê trong những ngày cuối chạp. Ba tôi và các chị chắc cũng hiểu được ý định vớt vát chút của bỏ đi nhưng trong lòng cũng chưa dám tin mẹ tôi làm như thế sẽ có kết quả như thế nào.
Đống xoài thối ứ đọng một tuần qua dần được hóa giải bởi bàn tay cần cù và sáng kiến, công thêm tính quyết đoán dám nghĩ dám làm của mẹ tôi, và sau đó cộng thêm sự trợ lực nhiệt tình của các chị tôi.
Hương hồn nội tôi như đoái hoài, khiến thời tiết ủng hộ mẹ tôi. Liên tiếp mấy ngày sau, không gian bên ngoài phủ ngập nắng thủy tinh, đẹp lung linh từ sáng đến chiều. Mỗi ngày, mẹ tôi chăm chút, thường xuyên nhắc nhở các chị săn sóc, vô ra trở mặt từng miếng để xoài được khô đều… Không bao lâu, những miếng xoài chín nho nhỏ, mỏng manh tội nghiệp, được tách ra từ những trái xoài thối một phần tưởng đã bỏ đi, giờ đây trở thành những miếng xoài khô, ngọt ngào, xinh xắn.
Trước những chiếc keo thủy tinh óng ánh sạch sẽ, bàn tay mẹ tôi với những ngón gầy guộc nổi gân xanh, nhẹ nhàng tiếp nối gở từng miếng xoài khô rám hồng thơm ngon và rịn mật để xếp dần vào từng đáy keo thủy tinh sạch bóng. Một loại mứt mới lạ – mứt xoài khô, rất ấn tượng ngẫu nhiên được hình thành qua óc sáng tạo của người mẹ hiền tần tảo. Xoài khô – thơm ngọt phảng phất chua, phẩm chất tuyệt vời! Mọi thành viên trong gia đình tôi, tay cầm miếng mứt lạ chưa từng thưởng thức, đưa lên miệng, vừa ngạc nhiên xúc động, vừa trìu mến ngưỡng mộ, nhìn mẹ tôi:
– Thật tuyệt vời! một loại mứt xoài khô vô cùng độc đáo. Chuối khô hay hồng khô, nhãn nhục hay táo Tàu và cả nho khô Mỹ cũng không sao sánh kịp!
Vì những loại mứt đã quá quen thuộc này chỉ ngọt xẳng đơn điệu chất đường mía bất cứ ai hảo ngọt đến đâu cũng không thể ăn nhiều. Trong khi đó, xoài khô do mẹ tôi sáng chế độc nhất vô nhị với độ ngọt trái cây dịu dàng pha lẫn chút vị chua, có thể ăn hoài không ngán.
Trong niềm vui chung của gia đình, tôi hạnh phúc cảm nhận từ miếng xoài khô ngọt ngào trong miệng, hương thơm dịu dàng mường tượng như mùi sữa mẹ khi mình còn trong tuổi nằm nôi!.
14/5/2020
Phương Đình
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...