Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Thoa - Truyện ngắn của An Bình Minh

Thoa - Truyện ngắn
của An Bình Minh

Tôi biết cô bé Thoa này ngay từ buổi sáng hôm đầu tiên ở đại đội. Đó là cái cô gái mười bảy tuổi, em út của đơn vị. Lúc tôi đang ngồi ở lán của Xoan thì Thoa đi qua cửa, cô dừng lại và cứ đứng chôn chân tại chỗ nhìn tôi. Thấy vậy, Xoan bật cười bảo: “Vào thì vào, đi thì đi; sao lại đứng như trời trồng thế kia”. Thoa như bừng tỉnh, xách xô nước lững thững đi ra suối.
Chưa bao giờ tôi được ngủ một giấc say đến như thế. Tỉnh dậy đầu óc nhẹ lâng lâng, mà phải mấy phút sau tôi mới biết mình đang ở đâu; rồi cũng phải mấy phút sau nữa, tôi mới cảm nhận được không khí yên lành, trong veo, văng vẳng tiếng chim hót. Tôi nằm rốn lại trên sạp, tận hưởng cái phút giây yên ả. Vậy là mình đã ở xa mặt trận, sẽ không còn phải lo địch sẽ nống ra bất cứ lúc nào; không phải đề phòng lính mũ nồi xanh phục kích, không phải luồn rừng, nấp kín để tránh bị trực thăng quây lại bắt sống… Giờ thì tôi đã có thể chắp nối được tòan bộ sự việc xảy ra cho đến đêm qua.
Cách nay hơn một tháng, mũi văn công xung kích chúng tôi được vào sát mặt trận. Phía trong kia, khoảng ngót ba chục cây số là thành Huế. Ở đấy súng nổ ầm ì; quân ta đã cắm cờ trên nóc Ngọ Môn và hiện đang cố thủ giữ thành. Tin vui chiến trận và mật lệnh văn công quân đội sẵn sàng vào biểu diễn mừng chiến thắng trong thành phô, làm nức lòng chúng tôi. Thế rồi cũng ngay sau đấy có tin mặt trận bị vỡ, quân địch phản kích. Chúng tôi nhận lệnh rút ra tuyến ngoài. Chỉ có lệnh mà không một lời giải thích.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi nếm trải cảnh rút lui. Cứ đi, cứ chạy (theo giao liên) mà không biết đi đâu, bao giờ thì dừng lại. Không thể nói khác đi được: chúng tôi thực sự hoang mang. Dưới đất, ba chục người cả nam lẫn nữ, lăn lê, bò toài, quần áo tả tơi. Trên trời là lũ trực thăng quần đảo, phát loa kêu gọi “các chiến binh cộng sản thua trận hãy về với chính nghĩa quốc gia”.
Cho đến sẩm tối hôm qua thì mũi văn công bị trực thăng chia cắt đội hình. Tôi và Quyến bám lấy nhau, gạt cây rừng, nhằm hướng tối nhất mà chạy; chạy trong tiếng bom nổ, tiếng đạn bắn mà không phân biệt được khi nào là bom, khi nào là đạn…
Rồi hai đứa tôi lọt thỏm vào một vùng lửa và nhận ra một con đường. Đúng khi ấy thì Quyến bị ngất. Tôi quặp cò bang tay phaưi, kéo xềnh xệch trên đường, chạy tiếp. Xung quanh lửa vẫn cháy rực trời. Chạy cho đên lúc kiệt sức và tuyệt vọng, tôi đặt Quyến vào sau một gờ đá, giơ súng bắn chỉ thiên ba phát, sau đó lăn ra nằm thở, sẵn sàng tử thủ. (Ở tuyến đường Trường Sơn có quy định: bắn một phát súng là tắc đường, hai phát là cấp cứu, ba phát là có người chết. “Ba phát súng là có thằng báo tử. Một nhóm công binh mang cuốc xẻng đi đào mồ” – Lính vẫn hát tếu, ghép với nhạc Bài ca năm tấn như thế). Chừng non nửa tiếng sau, tôi nghe lao xao tiếng người và liền đó có tiếng quát đanh gọn của một cô gái: “Ai vừa bắn !”. Thế là tôi và Quyến đã được các cô gái của một đơn vị thanh niên xung phong mang về đây.
Nhận dạng xong nơi mình nằm, tôi thong thả ngồi dậy, lười nhác đi ra cửa. Đại đội thanh niên xung phong đóng trong một cánh rừng săng lẻ. Những cây săng lẻ thân màu vàng ngà, vỏ nhẵn thín như cây ổi, cỡ hai người ôm đang mùa trổ hoa. Những chùm hoa to màu tím nhạt tạo cảm giác vui buồn lẫn lộn. Săng lẻ là một thứ cây lạ, dưới tàn lá của nó, thường không có cây gì mọc được. Vì thế mà dưới đất bao giờ cũng sạch bong.
Mạch suy nghĩ vẩn vơ của tôi bị ngắt bởi có tiếng con gái ở đâu đây. Rất nhanh, liền sau đó, tiếng cười, tiếng hát, tiếng trêu chọc, cấu chí nhau vang lên khắp nơi, khiến cho cả cánh rừng như bừng tỉnh. Xuất hiện trước mặt tôi là một cô gái đã cứng tuổi. Tôi nhận ra Xoan – đại đội trưởng đại đội thanh niên xung phong, người đã dẫn tốp nữ đi cứu tôi và Quyến đêm qua – Xoan mời tôi sang lán của cô uống nước.
Xoan có mái tóc dày, đen. Khuôn mặt của cô không đẹp, nhưng lại không có một nét nào xấu. Với cái dáng to khỏe mà không thô, trang nghiêm nhưng vẫn đằm thắm, đã khiến cho tôi ngay từ đầu có thể cảm nhận được ở cô sự chân tình, tin cậy. Sau câu thăm hỏi tình cảnh đơn vị của nhau, Xoan phác một kế hoạch: Trước mắt, tôi và Quyến cứ nghỉ lại đây cho hồi sức. Xoan sẽ liên lạc các nơi để tìm lại đơn vị cho chúng tôi. Với các cô, đường Trường Sơn thuộc như bàn tay này, việc tìm đơn vị cho tôi chắc không có gì khó.
Thế là tôi và Quyến ở lại đơn vị nữ thanh niên xung phong ấy. Ngay từ phút đầu, tôi đã nhận ra mình là trung tâm chú ý của các cô gái (chỉ tội cho Quyến, cô như bị lọt thỏm vào quên lãng). Tình cảnh ấy đã bắt tôi phải vận động hết công suất. Thôi thì đủ trò. Ngoài tiết mục biểu diễn: hát, đọc thơ, làm ảo thuật; tôi còn kể chuyện thời sự. Chuyện thành phố, chuyện làng xã, chuyện Liên Xô, chuyện Trung Quốc, vốn đã cũ rích, nay được tôi khoác áo mới thời gian, vậy mà vẫn cứ làm các cô gái tròn xoe mắt, thích thú. Bù lại, tôi được săn sóc tối đa, được ăn của ngon vật lạ do các cô hái lượm, săn bắt.
Tôi như chuột sa chĩnh gạo, không phải mó tay vào bất cứ việc nặng nhọc nào, cho dù đó là việc đích thực của đàn ông. Tất cả đều do một tay các cô lo liệu, cáng đáng, kể cả chuyện đi săn. Mặc cho tôi dò hỏi, bộc lộ lòng ham thích; nhưng viện cớ tôi là khách, đại đội phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn để còn trả tôi về đơn vị, nên các cô vẫn tỉnh bơ, không chiều. Chỉ đến khi một đĩa thịt cheo thơm phức bưng lên, và nghe các cô kháo nhau: “Hoài của, bắn hụt một con lợn rừng cỡ gần tạ thịt”, tôi mới được biết rạng sáng nay, có một tốp ba cô gái vừa đi săn về.
Mấy ngày sống ở đại đội, tôi mới thấy đủ cái tài của các cô thanh niên xung phong. Cũng ở đại đội này, tôi mới giật mình hiểu ra cái chất chinh chiến giang hồ của tôi – dù đã được coi là nhất đoàn văn công – cũng chỉ là tài vặt, so với các cô, nó chẳng thấm tháp vào đâu. “Suy cho cùng anh vẫn chỉ là một anh lính cậu”. Các cô bảo tôi như vậy sau cái buổi sát hạch ngẫu hứng. Chả là xin mãi không được đi săn, tôi làm bộ dỗi, tuyên bố: Nếu không cho đi săn, tôi sẽ không ăn thịt rừng do các cô bắn. Các cô cũng chả vừa, liền đặt ra một cuộc thi bắn súng. Nếu tôi thắng, sẽ được theo các cô vào rừng săn bắn, còn nếu thua thì nghỉ khỏe, miễn khiếu nại. Mục tiêu là tổ kiến vống trên cành cây khô cách chừng ba mươi mét; tư thế bắn tùy chọn, có thể dùng điểm tựa, hoặc không. Máu anh hùng của tôi nổi hứng, tôi tỳ súng vào thân cây. Sau tiếng nổ, tổ kiến không một chút rung rinh. Cả đại đội cười vang rừng. Đến lượt các cô trổ tài “liền chị”, Xoan trịnh trọng tuyên bố:
– Bọn em chỉ cần đến loại hai của đại đội. Nói rồi Xoan ra lệnh: “Con Thoa đâu, làm nhiệm vụ”.
Tôi biết cô bé Thoa này ngay từ buổi sáng hôm đầu tiên ở đại đội. Đó là cái cô gái mười bảy tuổi, em út của đơn vị. Lúc tôi đang ngồi ở lán của Xoan thì Thoa đi qua cửa, cô dừng lại và cứ đứng chôn chân tại chỗ nhìn tôi. Thấy vậy, Xoan bật cười bảo: “Vào thì vào, đi thì đi; sao lại đứng như trời trồng thế kia”. Thoa như bừng tỉnh, xách xô nước lững thững đi ra suối.
Ngay từ đầu, tôi đã bất ngờ vì vẻ đẹp của Thoa: Dáng người thanh mảnh, chân dài, eo thắt, vai thon nhỏ. Và khuôn mặt trái xoan, và môi cong, và cằm chẻ. Và… và hơn hết là nụ cười. Một nụ cười rạng rỡ, tươi vui, ai nhìn thấy sẽ quên hết mệt nhọc. Sao một cô gái nông thôn lại tập trung được bao nhiêu ưu thế của vẻ đẹp đến vậy. Ngay nếu phải so với Quyến, diễn viên múa xinh nhất nhì đoàn văn công thì Thoa vẫn ăn đứt. Khỏi phải nói, tôi đã nghĩ những gì khi nhìn thấy Thoa. Nếu tôi không khôn hơn Thoa thì có lẽ chính tôi, cũng sẽ nhìn cô trân trân như cô đã nhìn tôi vậy.
Tôi vẫn có quan niệm người thế nào thì nơi công tác, làm việc phải tương ứng. Không nói đâu xa, ngay trong đoàn văn công thôi: Con gái múa ắt phải xinh hơn con gái hát, còn con gái kịch ắt phải có duyên, nhí nhảnh hơn cả con gái hát và múa. Vậy mà một người như Thoa, sao lại có mặt cái ở nơi khắc nghiệt, bom đạn, sống chết cận kề này. Dù thế nào thì tôi cũng chỉ là một thằng con trai rất mê con gái đẹp. Thoa đẹp thế, làm sao dửng dưng cho được. Thế là từ đó, tôi luôn tìm dịp thoát khỏi ánh mắt của hơn năm chục cô gái, khéo léo nhìn riêng Thoa. Lần nào cũng vậy, khi lia được ánh mắt đến Thoa thì tôi đều bắt gặp Thoa cũng đang nhìn lại. Không như tôi, Thoa không nhìn trộm, cô có cái nhìn thẳng thắn, nhưng thật khó tả, lần nào cũng làm tôi xốn xang, người cứ ngây ngây bần thần. Ánh mắt của Thoa đẹp mê hồn, nhưng lại phảng phất nét buồn tuyệt vọng. Giống như ánh mắt để dành cho những cuộc chia ly.
Phải thú thật là tôi rất thèm được nói chuyện một mình với Thoa. Song tôi lờ mờ hiểu rằng, tôi đang là của chung của cả đại đội, riêng tư lúc này là điều hết sức dại dột. Xoan, một con gà mẹ đông cảo, chăn dắt bảo vệ bầy đàn, sẽ sẵn sàng xù lông mổ cho tôi một phát, rồi tống cổ tôi khỏi đơn vị.
Và bây giờ, Thoa len ra khỏi đám con gái đến đứng trước mặt tôi. Dù mặc một bộ quân phục rộng thùng thình, tôi vẫn nhận ra vẻ đẹp của cô. Thoa đón khẩu AK từ tay tôi. Hình như tay Thoa hơi run run. Tôi cảm thấy điều này chính từ đôi tay của tôi. Vẫn là người khôn hơn, biết che dấu cảm xúc, tôi vui vẻ khỏa lấp giọng kẻ cả “mời cô bé”, và né sang một bên, khiêm tốn, chờ. Thoa giương súng lưỡng lự, rồi cô nói nhỏ với Xoan: “Em bắn con sóc”. Tôi không thấy con sóc đâu. Trong lùm lá tít trên cao kia, chắc chỉ có thể nhìn thấy những quả đa vàng vàng, bé xíu. Cái chính là tôi đang bị hút hồn bởi gò má thanh tú, làn da mỏng, mịn màng có những mạch máu li ti. Và bàn tay nữa, đôi tay nuột nà với những ngón tay thon thả. Thoa lướt nhẹ ngón tay trỏ ngoài vòng cò súng, rồi từ từ đặt vào lẫy. Đầu ngón tay hồng lên khi cô kéo cò… Đôi tay như thế này làm sao lại có thể là tay cầm choòng, cầm cuốc. Tôi đã đọc ở đâu đó trong đám sách số tướng rằng, người có đôi bàn tay đẹp ắt sẽ có cuộc sống nhàn hạ, sung túc. Có thể lắm chứ. Mai kia khi mà chiến tranh kết thúc… người như Thoa sánh vai bên tôi di dạo trên đường phố Thủ Đô thì đâu có thua cô gái Hà Thành… Tiếng nổ vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Liền sau đó, con sóc ngô bé bằng đúng quả dưa chuột rơi ngay trước mặt tôi. Mọi người reo hò. Tôi cũng reo hò. Thật lòng thán phục.
Thế rồi tôi cũng tìm được đơn vị, đồng đội của tôi may mắn không ai hề hấn gì. Hôm chia tay, gần như cả đại đội thanh niên xung phong đi tiễn tôi và Quyến. Ngay từ đầu, tôi đã nhận ra thiếu bóng dáng Thoa, song phải đợi đi một quãng đường, tôi mới đủ can đảm hỏi Xoan về sự vắng mặt của “Thoa xạ thủ” (kể từ sau cuộc thi bắn, tôi gọi Thoa như thế). Xoan cho biết: Thoa đang khóc ở nhà. Cô nhất định không chịu đi tiễn tôi. Lúc gần chia tay, Xoan nói giọng bùi ngùi:
– Con Thoa gửi lời xin lỗi anh. Hôm nọ nó dại. Vì phải nghe lệnh em, nó đã không dám bắn trượt.
Nghe vậy, sống mũi tôi cay cay. Ra thế, nhưng tôi nào oán trách Thoa. Tôi đang nhớ đến Thoa đây. Nhớ như in khuôn mặt trẻ thơ có những mạch máu nhỏ li ti, lòa xòa những sợi tóc mai và đôi bàn tay nuột nà với những ngón búp măng thon thả.
– Nhưng nó không khóc… vì chuyện ấy đâu – Hồi lâu sau, Xoan nói nhỏ, giọng ngập ngừng vừa đủ cho tôi nghe.
Vắng Thoa, cuộc tiễn càng lúc càng trở nên dùng dằng, ngượng ngập khó tả. Tiếng nói cười chỉ ngưng một giây thì lập tức cái không khí trầm lặng, nặng nề đã vây chặt lấy chúng tôi. Cho đến tận phút cuối, tôi vẫn thầm mong có tiếng gọi của Thoa, có bóng Thoa mảnh mai xuất hiện đâu đó trên lối mòn đi tắt…
Đến đầu dốc dẫn ra con đường lớn, Xoan và đám liền em dừng lại. Chúng tôi chia tay và ngay lúc đó, một cảm giác không rõ ràng cứ vương vít trong tôi. Có cái gì đó giống như sự luyến tiếc, giống như mình vừa bỏ quên mất một thứ quý giá, sẽ không bao giờ còn thấy nó trên đời. Triền dốc cuốn chân tôi lập bập, kéo tôi ra con đường lớn, mà tâm trí tôi thì lại như ở lại nơi những mái lán lúp xúp dưới tán rừng bằng lăng già, hoa tím lặng lẽ.
                                                               *
Chúng tôi vào lại chiến trường, mãi nửa năm sau mới trở ra. Khi về đến đông Trường Sơn, đoàn văn công chúng tôi – lúc này đã hợp các mũi xung kích – được lệnh ghé vào biểu diễn cho một bệnh viện tâm thần tiền phương. Bệnh viện có khoảng 30 chục y, bác sỹ và gần hai trăm thương bệnh binh, trong đó phân nửa là bệnh nhân tâm thần.
Văn công đến làm náo loạn cả bệnh viện. Đúng ra thì cũng tại những người bệnh tâm thần. Ngay khi chúng tôi dựng sân khấu đã thấy họ tốp năm, tốp ba dè dặt tiến ra xem. Một người trong nhóm còn nhại giọng tuồng, hét lên, chế diễu: Đoàn chúng tôi, nay ở mai đi/ chẳng biết nói gì, xin anh con lợn… Nhưng họ nào có đứng yên tại chỗ; chỉ mươi phút sau, tất cả bọn họ đã cùng lao vào giúp chúng tôi làm sân khấu. Làm rất nhiệt tình và với một sức lực đáng ngạc nhiên; chỉ có điều làm thì ít mà phá thì nhiều. Thấy chúng tôi khiêng những tấm ván để ghép sân sân khấu, họ cũng bắt chước, nhưng lại chạy tuốt ra xa, quẳng xuống rãnh nước. Chiếc ru lô cuốn dây điện ba pha kéo từ máy nổ vào sân khấu, nặng phải hai người khiêng thì họ chỉ cần một. Người này vác chạy ra máy nổ, lập tức kẻ kia lại vác chạy vào sân khấu. Cứ thế họ làm rối tinh, rối mù cả lên. Phải đến khi có bác sỉ chuyên khoa ra quát, tất cả mới răm rắp, tự động sắp hàng ngồi chờ.
Không có gì vui vẻ khi phải biểu diễn cho bệnh nhân tâm thần. Những người bệnh ngồi nghiêm trang, song họ làm chúng tôi dở khóc, dở cười. Trên sân khấu, hát bài nào thì phía dưới họ múa may, quay cuồng theo bài hát đó. Chỉ cần trông những động tác của họ, biết ngay trước đây họ đã từng làm nghề gì. Đông nhất vẫn là lính lái xe. Có tới hơn chục anh chăm chú say sưa, nghiêng ngả vặn vô lăng, người nhún nhẩy theo nhịp xe chạy, khi chúng tôi hát bài Chào em cô gái Lam Hồng.
Chúng tôi đã quen phục vụ trong mọi hoàn cảnh và cho rất nhiều loại khán giả; nhưng chưa lần nào phải hát múa trong tâm trạng như hôm nay: Vừa thương cảm, vừa đau buồn. Thế rồi xuất hiện một tình huống bất ngờ; đúng lúc tốp ca nữ với đồng phục thanh niên xung phong cất lên: Hỡi cô gái Trường Sơn, bao đêm em đi mở đường… thì một người con gái đứng bật dậy hét lớn “Tất cả chị em! Ra mặt đường làm nhiệm vụ”… Rồi người con gái ấy lao vào bóng tối. Ở tít xa vẳng lên tiếng khóc thảm thiết: “Chết hết cả rồi. Hu hu… Trời ơi… chúng nó chết hết cả rồi…”. Buổi biểu diễn vẫn phải tiếp tục, nhưng tôi thì không còn tâm trí nào mà diễn. Không thể nhầm được, tôi đã nhận ra tiếng người con gái ấy.
Đêm diễn tan, tôi vội đi tìm Xoan. Những y, bác sỉ ở đây biết rất rõ về cô. Họ kể, cách nay bốn tháng, Xoan đã phải chứng kiến một cảnh đau lòng: Đại đội thanh nièn xung phong của cô đã bị B52 chụp gọn, một nửa hy sinh, một nửa bị thương. Xoan đi họp ở cụm về, đúng lúc cảnh tang tóc ấy xảy ra. Sau hai ngày đào bới, chôn cất đồng đội, Xoan mất trí, lang thang khắp cánh rừng săng lẻ…
Tôi tìm được Xoan khi cô đang đắp những ngôi mộ bé bằng nắm tay và khóc. Xoan nhìn tôi trân trân, vô cảm. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cô, cất tiếng gọi thống thiết:
– Cô Xoan, tôi Minh đây. Cô có nhận ra tôi không – Xoan nghiêng đầu ngắm tôi. Hai tay Xoan quắp lên vai, ngón chĩa ra phía trước, cái đầu ngó nghiêng, lơ láo hệt như con bọ ngựa đang nhận dạng đối thủ. Rồi bỗng cô trợn mắt co rúm người, thét lên: “Thoa…! Con Thoa chết rồi… ô ô…”. Tôi vội lay hai vai Xoan, gọi… Xoan vùng lên chạy về phía hội trường. Bóng cô xiêu vẹo, mái tóc đen, dài bay xõa xợi. Hai tay cô múa may:
– Chúng mày ơi! Các em ơi! Thoa ơi…
31/5/2020
An Bình Minh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...