Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Những câu chuyện kể bằng thơ

Những câu chuyện kể bằng thơ

Đỏ miền ký ức, tập thơ đạt giải B công trình xuất sắc hàng năm của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2016. 65 bài trong tập thơ này có khá nhiều phương ngữ Nam Bộ rất riêng, song để đưa vào ý thơ, tứ thơ cho nhịp điệu và cảm xúc chạm đến lòng người thì không phải là điều mà nhiều người làm được, nhất là những người đã trải qua hai cuộc chiến tranh. Bạn đọc hiểu thêm được nhiều sự hy sinh của bao thế hệ cha anh ngày trước, từ đó càng thêm yêu quê hương đất nước mình và càng ý thức hơn trong việc xây dựng và bảo vệ vững chắc quê hương.
Tập thơ Đỏ miền ký ức của nhà thơ Trần Ngọc Hòa
“Gió bưng biền đang thổi rất sâu/ Điệu Nam Ai gợi sầu đót đắng/ Hương tràm chơi vơi hong con nắng/ Mà nỗi nhớ cứ đu theo nhịp khua dầm…”
Nhịp dầm đã khua miền ký ức, cho đỏ cả vùng trời sông nước đất phương Nam.
Tôi lật từng trang của tập thơ chất đầy hoài niệm, mộc mạc câu từ nhưng được chắt lọc tinh tế, giàu hình ảnh, cảm xúc và chứa đựng cả một khoảng trời thương nhớ mênh mông. Khoảng trời của quá khứ, của chiến tranh, của cái còn, cái mất, của những trăn trở, suy tư, và cả trách nhiệm của chính mình. Và đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi khép lại 200 trang sách trong tập thơ “Đỏ miền ký ức” của tác giả Trần Ngọc Hòa, người con của đất Kiên Giang.
Có thể nói “Vắt cơm đỏ”, bài thơ đầu tiên trong quyển sách là điểm nhấn thu hút ngay từ cảm xúc đầu tiên mà người đọc cảm nhận được, khi chị viết: “Ông à!/ Tui ngồi đây/ Chỗ ngày xưa có cái ôm chầm/ Chỗ ngày xưa đêm trăng còn một nửa/ Tui vấn thuốc sùi mà quên mang quẹt lửa/ Ông than lạnh bắt thền tui một nụ hôn”.
Hình ảnh người vợ nhắc nhớ kỷ niệm của ngày xưa sao mà thương dứt ruột. “Quên mang quẹt lửa” để làm cái cớ để hôn nhau, thì thật là tinh tế, duyên dáng vô cùng. Nét đẹp của người phụ nữ chỉ như vậy thôi là đủ. Dù chưa biết họ có kịp hôn nhau không, nhưng nghe ngào ngọt môi mình.
Thế nhưng, nụ hôn ấy, cái duyên thầm trao ấy đúng là đâu đã kịp trao nhau, khi: “Tui dìa chưa bao lâu đã nghe tiếng chú Bảy Cò/ Chị Ba ơi! Anh Ba và anh em đã…/ Bầu trời như sụp đổ/ Bữa cơm cuối cùng của anh em vắt cơm màu đỏ/ Văng tứ lung bưng/ Tràm tứa máu tươi rừng nấc không ngừng/ Ông bỏ tui đi không hẹn ngày trở lại/ Ông đội hy sinh về miền xa ngái/ Tui vọc nỗi nhớ chồng trong nước đỏ U Minh…”.
Chỉ sau hai khổ thơ đầu tiên của quyển sách, đã mở ra một miền ký ức đỏ, màu đỏ của máu tim, màu đỏ của lửa đạn súng bom, màu đỏ của nỗi nhớ thương và cả màu đỏ của sự sục sôi trong từng khí phách hiên ngang của những người con quyết tử. Bởi: “Đau khi tổ quốc đau/ Đất nước ngày chia cắt/ Những cuộc chia ly nghẹn thắt/ Khăn lau giọt nghẹn ngào từ lòng mẹ chảy ra/ Chiếc khăn cùng các anh các chị xông pha/ Hành quân đánh giặc/ Cùng dầm lưng ngủ rừng nằm gai nếm mật/ Choàng tắm/ Băng vết thương/ Đùm gạo nướng cơm bùn”.
“Chiếc khăn rằn” có thể xem là biểu tượng của cách mạng Miền Nam được tác giả đưa vào hình ảnh trong thơ như cốt cách của những đứa con miệt đồng ruộng phù sa này, nó không chỉ là chiếc khăn trao nhau, hẹn nhau ngày chiến thắng, không chỉ là vật kỷ niệm của tình yêu lứa đôi, sự thủy chung của vợ chồng khi xa cách, mà ở đó còn có cả linh hồn của đất nước quê hương.
“Khăn như cô gái vùng phù sa châu thổ cần cù/ Ai xa quê/ Hễ thấy khăn rằn là phương Nam dâng đầy mắt nhớ/ Khăn với phương Nam như là duyên với nợ/ Như Tổ quốc với quê hương không thể tách rời”. Chỉ là những sợi chỉ dệt thôi, nhưng chiếc khăn chất chứa cả tình yêu thương trong đó, những giọt mồ hôi của mẹ, của cha trong những tháng ngày gian khó, nên cứ muốn quay về ngay khi đã hóa mình vào sông núi linh thiêng.
“Về mau đi bếp lửa mẹ đã cời/ Que nhớ que thương đã giòn tí tách/ Về ăn cơm với khô cá chạch/ Mớ đọt lang em mới luộc xanh rì”. Nhưng anh chỉ về trong tâm thức mà thôi, khi: “Mẹ ôm hương hoa hướng về nghĩa trang liệt sĩ/ Nơi những linh hồn đang rủ rỉ/ Sẻ san nhau những nỗi nhớ nhà…”.
Nỗi nhớ cũng nhẹ trôi, trôi qua đằng đẵng mấy mươi năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, những tưởng sẽ ngủ yên trong tâm thức, nhưng bất chợt quay về khi đồng đội viếng thăm nhau.
“Nhẹ thôi mùa ơi xoa dịu niềm đau/ Nhẹ thôi nắng hãy ôm tóc ai điểm bạc/ Nhẹ thôi hương yêu mơn man miền khao khát/ Để một nụ tình… bung nở trước bình minh”
Thơ viết về chiến tranh nhưng ngồn ngộn tình yêu thương trong đó, không só sự bi lụy, không đẫm nước mắt rơi, không sắc những gam buồn, mà đầy chất lạc quan, hào sảng, mà đôi lúc người đọc phải giật mình, thảng thốt trước một bài thơ.
“Những ngày này bát canh rau cũng có sóng anh ơi/ Những ngày này vị trùng khơi nồng nặc mùi xâm lược/ Những ngày này chín mươi triệu trái tim yêu nước/ Đập nhịp can trường/ Có đất nước nào như đất nước tôi/ Bấy đoạn trường lẽ nào còn chưa đủ/ Bao nấm mồ không tên vắng người thân tảo mộ/ Hè đỏ lửa xưng phơi trắng Trường Sơn”
Đất nước khép lại chiến tranh mấy mươi năm, nhưng sóng biển Đông vẫn “quẫy đạp thét gào, thả những gam màu không bình thường xuống trùng khơi: “Nơi đây chỉ có nắng gió ôm người/ Trùng dương dưới chân, ý chí trên đầu, hiểm nguy trước mặt/ Lính Trường Sa gan bền chặt dạ/ Kiên cường chống chọi với bão giông”
Dù được lớn lên khi đất nước đã thanh bình, hai miền Bắc Nam chung dải, nhưng chị mãi canh cánh với lòng mình trước sự mất mát hy sinh và những nỗi đau quá lớn của những người mẹ, người chị đã có người thân đi xa mãi mãi không về. Đứng trước những ngôi mộ không tên, thắp nén hương cho nấm mồ không còn người thân thăm viếng, tác giả nghe oặn thắt lòng mình mà con chữ cùng trào ra. “Con không khóc đâu cha/ Chỉ tại giọt nắng hè vừa rơi vào mắt/ Tại gió đùa dai cứ ùa vào mặt/ Làm con đau”.
Đứa con nhớ cha mà không nói nhớ, đứa con thương cha mà chẳng thể gần, để rồi nước mắt tự rơi, rồi giấu đi lời thật, cứ đổ thừa cho nắng, cho gió làm cay giọt nước mắt trong con.
Khi đọc “Mùa thương”, lại nghe rối bời tâm trạng. Mùa nào trong bốn mùa có tên gọi mùa thương? Nào phải đâu chỉ một mùa hạ nắng? Không biết nữa, chỉ nghe lòng mình vừa mới lật bật nhớ, lật bật cay.
“Mình à,/ Lũ ve gọi hè sao mắt em lại chèm nhèm/ Chúng khản cổ gào/ Như em hôm nào khi gọi tên anh ngày quê hương toàn thắng/ Như thanh xuân trong em năm nào gào rủa chiến tranh làm nỗi đời đót đắng/ Như góa phụ trong em ngày nào gào khan trước di ảnh chồng/ Đêm nay mình về với em nha/ Em muốn nghe cái giọng miền Nam rủ rỉ ngọt như đường/ Thèm được gọn lỏn trong chồng để mè nheo thỏ thẻ/ Nhớ nghe mình/ Giấc chiêm bao đêm nay hãy về bên em nhé/ Đêm sẽ hổn hển dạt dào trong tiếng gọi/ Mình ơi!”
Tôi đọc những câu thơ này mà nước mắt tự rơi. Những điều bình dị, đơn sơ nhất thôi mà người vợ góa bụa kia cứ thèm, cứ mơ, cứ trông, cứ đợi, để rồi vòng tay lạnh lẻ loi, trái tim đắng đót niềm thương trước di ảnh chồng mà tâm tư rối bời, bổi hổi, có giọt nước mắt nào rơi độp giữa đêm khuya?
Sự đồng cảm đó, được chị trải lòng mình trong bài thơ “Em xin được sẻ chia”.
“Tiếng khóc vỡ òa bay trong thinh không/ Bay về nơi những linh hồn có nhà mà chưa về được/ Nơi có những nỗi nhớ đong đưa trên từng chiếc lá rừng xanh mướt/ Nơi lúc nào cũng sụt sùi một điều ước/ Được về bên mẹ bên cha”
Những điều sẻ chia giản đơn ấy mà một quãng thời xuân trẻ vẫn không yên, khi tiếng súng, gót giày đã giẫm nát vườn xanh, những ngọn tre cong xuống hầm chông, nhưng thửa đất nổ tung vì bom gầm đạn thét. Nước mắt trẻ thơ ướt đẫm trang giấy học trò trong hầm tối trú bom.
Tôi lại nhớ bài thơ “Từ điển khuyết” của mình. “Từ điển đêm này mất hẳn trang trong/ Xuồng mẹ bơi không còn lo pháo giặc/ Con lớn lên giữa yên bình hạnh phúc/ Từ điển xóa rồi hai chữ chiến tranh”. Bài thơ tôi viết, dẫu biết là ước mơ, dẫu biết là điều cả thế giới này mong mỏi, nhưng ở đâu đó cái tham – sân – si còn hiện diện thì tiếng súng đạn vẫn còn làm cho con người “Sốt rét, bị thương, đói cơm…” nhưng lý tưởng cách mạng vẫn theo “đoàn quân vẫn tiến về phía trước, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước là đây”.
Vạn khó khăn, ngàn thử thách gian truân, bởi có cuộc vệ quốc nào mà không có máu xương đánh đổi, tình mẹ, tình cha, tình yêu lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng đành xếp lại, khi tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc giục lên đường. Nỗi nhớ, niềm đau không cản bước hành quân, không ngăn được trái tim người lính, và lòng thủy chung sắt son cùng năm tháng, ngay khi cả khi đất nước hòa bình để những người lính tìm về với đồng đội trong những tháng ngày “Thăm lại chiến khu xưa”.
“Người lính già đi giữa chiến khu xưa/ Xúc động chen xô trên từng sợi bạc/ Nhè nhẹ bước chân giữa rừng đêm xào xạc/ Dưới lòng đất kia có đồng đội đang nằm/ Ông kết bè cắm những nhành hoa/ Đưa quê hương vào cho đồng đội/ Đóa hồng nhung thả trên dòng nước nổi/ Tặng người con gái năm nào chưa kịp nói lời yêu”
Người lính trở về từ chiến trường xưa, luôn cất nỗi nhớ thương và niềm đau vào ngực trái riêng mình, bởi nơi đó sẽ lắng sâu, nồng nàn yêu thương và bình yên nhất, bình yên ngay cả khi: “Trong bóng đêm/ Anh úp mặt vào dòng đỏ rưng rung/ Gào gọi tên em lòng dau quánh đặc/ Trên đầu sao khuya vằng vặc/ Bên sông đạn thu dày đặc/ Máu nhuộm đỏ áo em tôi”. Bởi trước đó ít phút thôi đã có: “Lời tỏ tình ngồ ngộ/ À ơi, sao thức trên trời/ Gửi giùm em đến một người lời yêu”. Để rồi: “Hôm cưới nhau xuồng tải đạn vượt bờ/ Dưới lung tràm lũ rô cờ ức nước/ Tuổi trẻ cõng quê hương trên lưng mà vượt/… Quà cưới là bài thơ “Trăng tình”.
Đỏ miền ký ức, tập thơ đạt giải B công trình xuất sắc hàng năm của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2016. 65 bài trong tập thơ này có khá nhiều phương ngữ Nam Bộ rất riêng, song để đưa vào ý thơ, tứ thơ cho nhịp điệu và cảm xúc chạm đến lòng người thì không phải là điều mà nhiều người làm được, nhất là những người đã trải qua hai cuộc chiến tranh. Bạn đọc hiểu thêm được nhiều sự hy sinh của bao thế hệ cha anh ngày trước, từ đó càng thêm yêu quê hương đất nước mình và càng ý thức hơn trong việc xây dựng và bảo vệ vững chắc quê hương.
Đọc “Vòng tay cho đất nước” mà thấy phía sau những khoảng trời thương nhớ mênh mông, phía sau miền ký ức bi tráng mà hào hùng, phía sau những thắt thẻo chờ mong, nhớ thương và mong mỏi… thì còn có một tình yêu mãnh liệt hơn, sâu nặng hơn, to lớn hơn, trách nhiệm hơn của những người Mẹ Việt Nam dâng trọn cuộc đời mình cho đất nước, quê hương khi nghe lời mẹ dặn:
“Ôm mẹ thế đủ rồi con!/ Vòng tay các con lúc này hãy dành cho đất nước/ Biển Đông sóng đang dâng làn xâm lược/ Tổ quốc đang bão dông con mau kíp lên đường/ Con nhìn kìa!/ Cờ đỏ quốc nhuộm đỏ cả ráng chiều/ Dân tộc Việt Nam/ Một dân tộc thèm hòa bình đến cháy khát/ Một dân tộc yêu hòa bình đến dào dạt/ Một dân tộc/ Không hề run sợ trước bất cứ quân xâm lược nào/ Đi đi con/ Đi hái đóa chiến công dâng lên Tổ quốc mình”.
“Đỏ miền ký ức” không chỉ là tập thơ, mà còn là những câu chuyện kể, mà tác giả Trần Ngọc Hòa đã góp nhặt bên đời bằng con chữ của phương Nam.
11/7/2020
Lê Ngọc Minh Hoàng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...