Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Hoàn lại sự trong sáng cho tác phẩm nghệ thuật

Hoàn lại sự trong sáng
cho tác phẩm nghệ thuật

Trong lĩnh vực sinh hoạt văn hóa của nhân loại, ngay từ thời cổ đại, cứu cánh của văn học nghệ thuật là luôn kiếm tìm cái đẹp chân chính có lợi ích thiết thực để phục vụ cho con người và xã hội. Một truyện cổ hay ca dao lưu truyền lại từ thuở xa xưa, một tượng gỗ hay đá điêu khắc hoặc một tác phẩm hội họa khai sinh trong thời phục hưng, bên trong cái đẹp hình thức thỏa mãn cảm quan lành mạnh của người xem còn tiềm ẩn cái ý nghĩa sâu lắng toát lên một chủ đề giáo dục xây dựng con người. Tác giả của những nghệ phẩm ấy, trong khi sáng tác, ít khi bị ảnh hưởng bởi quyền lợi vật chất ngoài yếu tố cảm xúc chủ đạo thuần tính nhân văn từ ngẫu hứng trong sáng hồn nhiên của người nghệ sĩ chân chính.
Ở đây, trong một góc nhỏ hạn hẹp của phạm trù văn học – nghệ thuật, vấn đề nói tới là ảnh phóng to rồi sau đó tô màu để trở thành tác phẩm… xin hỏi có được gọi là tranh mỹ thuật hay không? Đó là câu hỏi làm băn khoăn ít nhiều trong lòng các họa sĩ, khách thưởng ngoạn hằng quan tâm đến nghệ thuật khi có cơ hội được xem những cuộc triển lãm trong nước, nhân thời điểm chào mừng những ngày lễ lớn trong nước – những dịp mà ban tổ chức có phát động cuộc thi vẽ tranh mỹ thuật mà các họa sĩ trong, ngoài tỉnh đều có tham gia.
Tranh, tượng gởi về tụ điểm tổ chức được phân loại đánh giá và trao giải thưởng. Để được tính khách quan và đúng tiêu chí, mục đích của cuộc thi, ban tổ chức đã mời các vị trong Hội đồng Mỹ thuật Trung ương và TP. Hồ Chí Minh đến cùng với thành phố, hoặc tỉnh địa phương lập Hội đồng chấm giải. Cuộc chấm giải và phát thưởng được tiến hành rất long trọng với sự hiện diện của các vị lãnh đạo chính quyền và các ban ngành địa phương đến dự, mở cửa khai mạc cuộc triển lãm cho công chúng yêu nghệ thuật vào xem.
Công chúng ngưỡng mộ nghệ thuật đến xem triển lãm đa phần vốn là người ngoại đạo đối với văn nghệ nhưng rất hâm mộ cái Đẹp của nghệ thuật. Họ có dịp đến xem và được lắng nghe người xem bình phẩm, tán thưởng hay phản biện. Nhiều người am tường về hội họa đã tỏ ra thắc mắc không khỏi phân vân khi nhận biết các giải cao nhất, nhì đều thuộc về gần như là các bức ảnh thời sự chụp sẵn từ bao giờ, được lắp ghép thêm ví dụ như cây cầu Cần Thơ và tô thêm màu, sơn… Các chi tiết đặc trưng của ảnh còn dấu ấn khá rõ, rất dễ nhận ra bằng mắt thường như các nếp quần áo, đinh ốc, dây điện ở các máy và ngói lợp trên nóc nhà lồng chợ… đã khiến nhiều người xem không hiểu tại sao Hội đồng Mỹ thuật lại chấp nhận loại ảnh phóng tô màu để chấm giải cao cho các tác phẩm nghệ thuật?
Tìm xem kỹ lại trong những cuộc triển lãm này, khán giả đã thấy có không ít tranh thuộc loại ảnh phóng mờ sau đó được tô màu để biến thành tác phẩm mỹ thuật. Ngạc nhiên và thắc mắc, tôi đã hỏi một số họa sĩ. Họ đều nhất trí và không chấp nhận đó là tranh mỹ thuật mà thực chất chỉ là ảnh thời sự khéo chụp rồi chịu khó khéo tay tô thêm màu sơn.
Việc đã qua nhưng chúng tôi e rồi đây sẽ có một số đông người làm nghệ thuật yếu tay nghề sẽ máy móc chạy theo lối chơi này mà không cần phải theo học ở các trường lớp hội họa, mỹ thuật nữa.
Một số người nói rằng dùng kỹ thuật tân kỳ hiện đại làm tranh giả treo chơi thì cũng được. Nhưng để dự thi nghiêm túc thì không nên. Và Hội đồng Mỹ thuật chấm giải, chấp nhận chọn loại “tranh” này để đánh giá cao và trao giải cao lại càng làm chúng tôi không hiểu được!
Chúng tôi thiển nghĩ, chức năng chính của nghệ thuật là sự sáng tạo. Người họa sĩ cầm cọ tùy theo kỹ thuật trường phái hay phong cách riêng của mình mà hình thành nên nghệ phẩm, đứa con tinh thần của mình. Tùy theo bút pháp, họa sĩ có thể vẽ với màu mỏng, phơn phớt lung linh như tranh lụa, thủy mặc hoặc màu dày đường nét mạnh bạo khỏe khoắn như trong một số tranh sơn dầu… Nhưng tuyệt nhiên không lợi dụng kỹ thuật hỗ trợ cho việc sáng tác của mình. Bằng đường lối nghệ thuật nào, người họa sĩ chân chính cũng phải mang đến cho công chúng một tác phẩm thuần tính nghệ thuật có giá trị sáng tạo, đích thực, không nhờ yếu tố ngoại lai hỗ trợ, mà tinh kết từ bàn tay lao động nghệ thuật. Có vậy, tác phẩm mỹ thuật mới có giá trị chuyên môn đáp ứng đúng cho lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ theo tiêu chí nhân văn cao đẹp.
Trong thời đại công nghệ siêu tiên tiến, chúng tôi khách quan suy nghĩ rất cần giữ được sự trong sáng thuần tính cho sáng tác nghệ thuật!.
31/5/2020
Đan Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...