Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

Hoa bướm ngày xưa

Hoa bướm ngày xưa

Kỷ niệm vui hay buồn về với con người, cũng đáng trân trọng vì nó có thể bất chợt làm hồi sinh một mảng sống trong ta. Nhưng kỷ niệm đẹp về tình yêu luôn là một đoá hoa bất tử, ai cũng muốn nâng niu, giữ lại trong suốt cả đời mình. Trong số những bài thơ hay viết về đề tài đó của nhà thơ chân quê Nguyễn Bính ( 1918- 1966), Trường huyện là một thi phẩm sáng rực tình yêu lứa tuổi học trò, dễ cho ta những xúc động bồi hồi.
Với mỗi người, trường học nơi làng quê có thể là hình ảnh tiêu biểu của chiếc nôi văn hoá, đã nuôi dưỡng con người trở nên những thành viên xã hội, có kiến thức, chữ nghĩa văn chương và nhân cách. Cũng từ đó, trường học dần dần bắt đầu hình thành những dấu ấn tình cảm mang tính nhân văn sâu đậm: tình thầy trò, tình bằng hữu, tình quê hương… và đôi khi le lói những những tín hiệu tình yêu ngưỡng tuổi teen hồn nhiên, thơ mộng và tinh khôi như màu trắng trang giấy học trò. Hồn thơ, vốn nhạy cảm và đa tình của nhà thơ chân quê sẽ đưa ta về một khung trời kỷ niệm của thời yêu màu vàng hoa cúc.
Nhà thơ nhớ người bạn gái thuở nhỏ cùng tuổi học ở làng quê, trên đường về từ trường học, vì không có nón nên hai đứa cùng đội đầu chung một lá sen tơ:
Học trò trường huyện ngày năm ấy
Anh tuổi bằng em, lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ.
Bức tranh “tình yêu tuổi học trò” đẹp đẽ nên thơ.
“Chung một lá sen tơ” hay là cùng chung một tâm hồn. Đôi bóng mà như một: Mình với ta tuy hai mà một / Ta với mình tuy một mà hai (Tản Đà).
Cái Không trong đời người đôi khi là tiền đề của cái Có theo triết lý “sắc không” (1) của nhà Phật. “Không có nón”, một cơ duyên không mấy tích cực bất chợt làm xuất hiện một tình yêu sáng trong và thánh thiện. Mà có lẽ cũng chẳng cần chi đến phương tiện để vô hiệu hoá thời tiết có thể khắc nghiệt ấy.
Nắng oi mưa lạnh đâu có nghĩa lý gì khi trong lòng “hai đứa” bên nhau đã có sẵn “một trời gió mát” hoặc hơi ấm lạ đang phả lên thành ngọn lửa tình nồng ấm… Chỉ tội nghiệp cho những chàng bướm si tình say hương, ngờ nghệch nhận lầm hiện thực mà đành chịu tan vỡ giấc mơ hoa:
Lá sen vương vấn hương sen ngát
Ấp ủ hai ta chút nhuỵ hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Theo vào tận cửa mới tan mơ.
Bướm ngày ấy đã tan mơ. Còn nhà thơ hôm nay, trở về huyện cũ trường xưa, phải ngậm ngùi nhìn cảnh vật đổi thay và bóng người bạn gái nhỏ năm nào đã biền biệt, không biết đâu tìm. Tâm trạng bâng khuâng của Nguyễn Bính là một phần nỗi đau đớn ngỡ ngàng của người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ “Người về”: sau những biến thiên đau khổ của cuộc đời dấn thân vì đại nghĩa, khi trở về quê không gặp lại vợ con, cảnh cũ nhà xưa cũng không còn như trước: Nhưng ngõ nhà xưa đã tới đây/ Cột sơn đã đuổi liếp tre gầy…/ Chợt tiếng người đâu: – Chú hỏi ai?/ – Tôi hỏi nhà tôi – Không phải đây! (Tố Hữu):
Buồn đau nhắc lại chuyện cũ, nhà thơ đối diện hiện thực như muốn tâm sự với cố nhân mà cũng như nói với lòng mình:
Em đi, phố huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Mà đến hôm nay anh mới biết
Tình ta như chuyện bướm xưa thôi.
Những đổi thay ở lòng người và ngoại cảnh qua thời gian khiến nhà thơ “ngộ” ra được chân lý, thầm trách nhẹ nhàng mà chua xót.
Có dịp tiếp xúc với nhiều tác phẩm Nguyễn Bính, người yêu thơ dễ nhận ra ngoài những bài lục bát tài hoa, tác giả “Tâm hồn tôi”(2) rất hay sử dụng thể loại thơ mới bảy chữ vốn giàu tiết tấu và nhạc điệu vì vẫn còn hơi hướng phong cách thơ truyền thống. Các bài Cô lái đò, Chuyến tàu đêm, Một mình… Đây cũng là thể loại mà các nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư… đã sử dụng (Tràng giang, Đây mùa thu tới, Nắng mới…) từ trước năm 1942.
Tinh kết từ một tứ thơ cảm động, lời lẽ dung dị trong sáng, hình ảnh gợi tả nên thơ, âm hưởng cổ kính đượm buồn, Trường huyện của Nguyễn Bính là một thi phẩm hay về nghệ thuật và đẹp về nội dung. Bài thơ man mác một hoài niệm lắng sâu về tuổi học trò, thể hiện như một bức tranh thuỷ mặc với những nét chấm phá sinh động có hồn. Dựa trên bối cảnh học đường, bài thơ là một lời tâm sự thầm kín u hoài mà tác giả muốn nói thay ta về một tình yêu tuổi thơ thoảng qua trong đời mà nay chỉ như là chuyện hoa bướm ngày xưa.
Trường huyện
Học trò trường huyện ngày năm ấy
Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ.
Lá sen vương vấn hương sen ngát
Ấp ủ hai ta chút nhuỵ hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài tóc
Theo vào tận cửa mới tan mơ.
Em đi phố, huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Mà đến hôm nay anh mới biết
Tình ta như chuyện bướm xưa thôi.
Chú thích:
(1) Sắc tức thị không,không tức thị sắc
(Có tức là không, không tức là có)
(2) Tâm hồn tôi, tập thơ của Nguyễn Bính được khen thưởng của Tự lực Văn đoàn.
23/6/2020
Nguyễn Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...